NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG - NỞ NGÀY, 13 / TUYẾT BĂNG VÀ BẠO LỰC / KHÔNG TỰ DO / VIỆT MINH VÀ CHỊ TƯ NGÀ / BÁC HỒ VÀ CHỊ NGÒ - thơ


NỞ NGÀY, 13

Với nở ngày 12 có phải là anh muốn trêu nguyên sa?
Đâu có. Vì đó là một bài thơ - xin cứ gọi đại nó là thơ - ca ngợi.
Ca ngợi cái gì?
Sự nhạy cảm tuyệt vời của cụ sa nói riêng và các tâm hồn thơ thẩn nói chung.
Anh không đùa dai chứ?
Thi nhân là kẻ có thể yêu bất cứ cái gì - gió trăng mây nước hay cái đinh hòn sỏi, vân vân và vân vân, ta chỉ cần kể ra thôi. Với họ, đối tượng không đáng kể, không quan trọng bằng cái thú đau thương khi luỵ tình, nếu anh muốn sử dụng lại từ ngữ của chính cụ sa. Mà nếu như không có ngoại vật hay ngoại nhân để yêu, thì người chế tạo thơ ca trong quán cóc, tại tư gia, hay ở một chỗ ly kỳ, bí ẩn nào đó vẫn có thể ái chính cái tôi của mình, như trường hợp một cây bút nữ trong nước đã hồn nhiên thỏ thẻ trên mạng rằng thơ mình mình đọc câu nào cũng thương.
Mít ai thơm mũi ấy vậy là đúng quá rồi!
Đồng ý. Nhưng thiển nghĩ của tôi về nguyên sa là ngài đã yêu áo lụa nhiều hơn yêu cô gái. Ngoài ra, xin anh đừng quên cái tựa của bài thơ là áo lụa hà đông. Đó là chưa kể câu thơ giữ hộ anh màu áo lụa hà đông. Nói cách khác, còn lụa thì còn yêu, hết lụa thì thôi ái. Ta hãy thử hình dung người em tóc ngắn, một chiều đông giá hay một chiều mưa gió, dầm dề... trơn ướt... lạnh lùng... tái tê... cái gì đó tôi không còn nhớ nữa, bỗng dưng nổi hứng mặc quần bò hay váy cụt tới thăm anh, thì liệu chàng có mở cửa ra đón nàng vào hay không? Lũ ghệ của nhạc sĩ và của thi nhân ta rất liêu trai cục kỳ, chúng chỉ xuất hiện lúc có nắng to, chỉ xuất hành khi có mưa lớn.
Cách đọc một bài thơ của anh không nghiêm chỉnh.
Đa tạ.
Dự tính gần?
Những sáng tác phản ánh thời đổi mới và niềm vui hoà bình trên quê hương thần thoại quán rùa, đảng một cột, phố cổ tây ba lô. Nói vắn tắt, một đất nước tiến mạnh tiến nhanh ra hồ hoàn kiếm nhưng không trả lại em yêu khung trời toà khâm sứ và đang thư pháp thơ nguyễn du trên các hòn cuội (dái) trắng: sân gôn xanh tận chơn trời, thúy kiều hoa hậu em là mẫu siêu.
Châm biếm kiểu ba xu chẳng hay ho gì cả.
Anh muốn nói hiện thực tả chưn?
Rất tiếc, chúng ta không xài chung một quyển từ điển.
Xin đa tạ một lần nữa và xin cho anh biết rằng tôi đang tiến hành một thiên hùng ca với cái tít màu vàng bông trang về một anh đồng chí có ba người em đi dự thi hoa hậu lâu rồi, và một vở diễn mang tên hoa vui chung về các em vị thành niên của ta đang làm gái ở nam vang.
Hay nhỉ. Một nền văn học mới siêu việt... kiều là cái chằc. Câu hỏi cuối: anh không thích thơ nguyên sa?
Tôi thích thơ tôi. Vậy là đủ rồi. Tuy nhiên có một điều, vì nó quá bé bỏng nên cần phải phóng loa cho mọi người cùng rõ: Thơ mình nếu mình đọc thì câu nào cũng ngượng, nhưng nếu mình vọc thì lúc nào cũng... sướng.
Cám ơn anh.
24.09.08





TUYẾT BĂNG VÀ BẠO LỰC

Luân Đôn đang tê cóng
như trong một cái freezer
dù không có nước đá hay tuyết

Với tôi
tuyết không bao giờ
“rơi mong manh buồn”

Tôi không thích tuyết
càng già càng sợ
sự băng giá của tất cả

Không thích tuyết
trong tranh trong thơ trong nhạc
trong thiên nhiên

Nhưng ô kê với tuyết trong phim
và hoa tuyết trên các tấm thiệp
chúc mừng Giáng Sinh

Và các hình nhân bằng tuyết
đội mũ đỏ bồng súng chổi ở các nông trại Mỹ
chờ bạn xích tới gần thì shoot chơi

Wow, thế nhưng lạ thay
sao tôi vẫn chưa quên
“Tuyết Băng và Bạo Lực”

Một tuồng cải lương của thập niên 40
vì chưa được xem nên không rõ nội dung
của gánh hát cải lương nào tôi không nhớ

Tuy nhiên hồi nhỏ ở Biên Hoà tôi đã nghĩ
có thể là họ đã Việt hoá và cải lương hoá
“La Belle et la Bête” của Jean Cocteau?
07.01.2009





KHÔNG TỰ DO

Thèm bức tường trống
Không để treo tranh
Dù trắng

Chẳng ngo ngoe lúc trước hè
Chưa gặp ai từ mùa mưa
Mặc kệ

Đời không thể
Mãi thơm mùi cà phê
Bánh mì mới ra lò

Tiếng sủa của chó
To đầu
Cặc lõ

Chúng còn bịt miệng linh mục
Giam nhà báo
Tao không tự do

Xuân Kỷ Sửu
Đêm giao thừa
Xa trông cố hương
25.01.09





VIỆT MINH VÀ CHỊ TƯ NGÀ

dì Hai tôi lấy chồng thầy thuốc
tiếng tây gọi là médecin
lúc đó tây chưa cho dân ta
làm đốc tờ bác sĩ

em trai kế của dượng Hai làm thầy giáo
có hai đứa con lớn đều chết và đứa con gái út
     tên Ngà
cô con gái này thỉnh thoảng có qua sông
tới thăm bác và ghé chơi nhà ông bà ngoại tôi

ông bà ngoại tôi qua đời và sau tản cư
cuối năm 1945 mẹ tôi bỏ quê ngoại Cần Thơ
dắt dìu mấy đứa con nhỏ lên Sài Gòn ở đậu
nhà dì dượng Sáu tôi có ngôi biệt thự khá to

chị Hai tôi chung lớp tiểu học và chơi thân với
chị tư Ngà ở bên kia dòng Ba Thắc
sau khi ra sư phạm về dạy tại trường
Chu Văn An Sài Gòn năm 1962

một buổi trưa nghỉ dạy sớm tôi ghé thăm chị Hà
đúng lúc chị Hà tiễn chân chị tư Ngà
mà tất nhiên tôi đã không nhận ra
dưới nét mặt cao niên hiu hắt của người đàn bà

chị tư Ngà lúc đó đã nhiều năm làm goá phụ
có đứa con gái duy nhứt không được bình thường
chị hai Hà nói ba của chị tư Ngà hồi xưa bị Việt Minh
bắt cóc buộc tội Việt gian và bắt phải chuộc tiền

con giáo viên nghèo chẳng lẽ bán mình chuộc cha
một chiều mưa chị tư Ngà được cán bộ
đưa tới một con rạch nhỏ cho chị thấy thấp thoáng
vài người đàn ông mặc đồ đen đứng bên kia bờ

và đó là lần cuối cùng chị tư Ngà được thấy mặt cha





BÁC HỒ VÀ CHỊ NGÒ

bác Hồ ra chỉ thị
đồng chí truyền mật lệnh
bần cố nông đấu tố và chôn sống
địa chủ

nói ít hiểu nhiều
nói nhiều như Fidel Castro không ai muốn nghe
dù có bắt dân chúng xếp hàng đứng ở quảng trường
vỗ tay hò hét khẩu hiệu ba bốn giờ để ủng hộ

tôi có một đứa bạn nhỏ tên Ngọ
người chị thứ ba của tôi có một cô bạn gái tên Ngò
chị tôi tuổi con cọp - cọp cái bính dần
chị tôi lớn hơn tôi một con giáp tử vi

hồi nhỏ chúng tôi thương chị Ngò
vì nhà chị Ngò có một cây cóc sai quả to
chị Ngò e thẹn ít nói thường hay mỉm cười
mặt chị hiền lành hai bên má có mụn cám đỏ

chị Ngò không đẹp nên không có chồng
khi cha mẹ già qua đời chị sống một mình
trong căn nhà nhỏ sân sau có ao cá và đàn gà con
cái mương trước cổng đã khô cây cóc bên hông đã lão

nhà chị Ngò ở trong một con đường hẹp
tráng nhựa nên dễ đạp xe tới thăm và xin cóc
cách chợ Cần Thơ một con lộ lớn trồng bã đậu
căn nhà ngói và cây cóc nay chắc không còn


Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment