ĐỖ KH. - ĐỐI THOẠI VỚI MỘT TRUNG ĐỘI TRƯỞNG THÁM KÍCH? / NIỀM VUI ĐỐI THOẠI / QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG? / HAI MÙA HOA / TỰ DO, NIỀM NHỚ KHÔNG TÊN / TỰ DO: NHẢ THƠ VÀ NHẢ KHÓI / ĐÔNG PHƯƠNG HỒNG QUẦN, NỮ QUYỀN GIANG THANH - phiếm


ĐỐI THOẠI VỚI MỘT TRUNG ĐỘI TRƯỞNG THÁM KÍCH?

Tôi nghe các bạn Tây ba lô kể (nhưng chưa được mắt thấy) là một dạo ở Việt Nam có bán áo thun đề “Tôi không muốn mát xa – Tôi không muốn có gái – Tôi không muốn Lonely Planet – Tôi không muốn Nỗi buồn chiến tranh” (I don’t want massage / I don’t want short time / I don’t want Lonely Planet / I don’t want the Sorrow of War). Đây là phiên bản địa phương của tứ tuyệt thịnh hành vào những năm 90 tại Bali do du khách ba lô Úc sáng tác để tránh bị trẻ em xa mẹ làm phiền mời mọc cả ngày. Nhưng đến nay tôi mới được thấy cái áo thun “Chủ ý thấy rõ – Dối trá – Phóng đại – Căm thù hằn học” của cựu trung đội trưởng thám kích Trần Hoài Thư mặc cho tác giả Bảo Ninh. 

Tôi đồng ý với Trần Hoài Thư là một số chi tiết ông nêu ra phải làm người đọc miền Nam “phì cười” tuy không buồn cười bằng chuyện vượt biên bằng tàu sang thẳng đến New York (!) cầm vàng 9999 mua xe con và lái một mạch đến Cali (tôi nhớ là của Nguyễn Thị Ấm, nếu có sai nhờ bạn đọc mách giùm)! Tuy nhiên, có phải vì vậy mà nên vội cho là Nguyễn Thị Ấm chủ ý xuyên tạc cộng đồng hải ngoại lái xe không có bằng, tiểu sử tín dụng không được tốt và không được ngân hàng cho vay tiền mua xe? Nếu đi vào tiểu tiết, li chi cho đến cùng thì ngay thiếu uý thám kích VNCH Trần Hoài Thư cũng không hoàn toàn chính xác chứ đừng nói gì bộ đội Bảo Ninh. Khi cho biết nhiệm vụ của thám báo là lẩn tránh giao tranh, càng kín càng tốt, để chu toàn công tác và bảo toàn cái mạng trong vùng địch thì Trần Hoài Thư không sai vào đâu nhưng khi viết ra đó là đặc tính của tất cả lính trinh sát, biệt kích, viễn thám v.v... thì tôi nghĩ là một quân nhân kinh nghiệm như ông trở thành một ngòi bút lỡ đà tí xíu, lại đúng là điều ông trách ở Bảo Ninh. Ông phải biết là 90% các đơn vị gọi là trinh sát, thám báo trong 90% trường hợp được sử dụng là không phải để dò xét âm thầm trong tuyến địch mà được dùng như là lực lượng trừ bị của đại đơn vị, sư đoàn, liên đoàn, tiểu khu... để đối phó với những tình huống đặc biệt. Tức là mở đường, đóng tiền đồn, giữ cánh phải, lấp tuyến trái, đoạn hậu gì đó, tiếp viện, tăng viện, giải cứu, phá vòng vây linh tinh. Đây chẳng phải là bài viết cho ban quân sử bộ quốc phòng để mà trung thực đúng mức hay chính xác hoàn toàn và đó cũng không phải là tiêu chuẩn của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. 

Trong những lỗi lầm của tiểu thuyết này được Trần Hoài Thư liệt kê, “ám ảnh thám báo” theo tôi chẳng là chủ ý gì hết mà là ưu tư thường xuyên của bộ đội vào B. Một sĩ quan biệt kích dù phát biểu “Việt cộng sợ 2 điều. Một là B52 và hai là biệt kích 81”. Đây dễ hiểu vì hai điều này là một, biệt kích là người gọi B52, không pháo, hải pháo, trọng pháo gì đó và bảo mật đóng quân, di chuyển là điều kiện an toàn của các đơn vị và cán binh bộ đội. Sự ám ảnh này vẽ vời thành hình ảnh râu ria, lực lưỡng và tàn bạo của người lính thám báo miền Nam trong cuộc chiến. Phía miền Nam ghét thằng gài mìn, đặt chông, bắn sẻ, phía miền Bắc hận thằng biệt kích thám báo trinh sát. Đây là thực tế của chiến trường, ăn bom hay đạp bẫy là thực tế tàn bạo, chẳng phải là chủ ý mưu toan gì ráo. 

Lỗi phong hàm trung uý cho trưởng toán thì một người từng đi học tập cải tạo (?) như Trần Hoài Thư cũng phải rõ hơn là một người nhanh chân chạy trước như tôi. Quân đội nhân dân không có cấp “chuẩn” trong hàng sĩ quan mà có thêm cấp “thượng”. Thượng tướng miền Bắc là trung tướng miền Nam và trung tướng hay trung uý miền Bắc là thiếu tướng hay thiếu uý miền Nam. Đây là vấn đề tương đương quân hàm, chẳng có gì phải gọi là phóng đại, dối trá nghiêm trọng. Quân đội miền Nam thời Đệ nhất Cộng hoà chỉ có tướng 2 sao (thiếu tướng) mà không có tướng 1 sao (theo mẫu của quân đội Pháp), về sau có thêm chuẩn tướng mà cấp tá thì lại không có chuẩn tá. Hàng dưới thì có hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ mà đại sĩ với lại chuẩn sĩ thì không (hai hàm cuối này có lẽ chỉ dành cho nhà văn), thảo nào bộ đội Bảo Ninh chẳng lúng túng. Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, đài BBC (và người Anh) gọi là Air Vice Marshall, ở trong rừng Bảo Ninh có mở đài nghe được chắc đã gọi ông này là Phó Thống tướng Không quân. Thì ông cũng có râu, nhưng nghe đâu tàn bạo thì là đối với phụ nữ. 

Tới nữ cảnh sát Ban Mê Thuột bắn tới viên đạn súng lục cuối cùng thì phải nhận là buồn cười đối với người miền Nam quen gọi cảnh sát dã chiến (theo âm của miền Nam) là cảnh sát giả chết (đại khái như nhân dân tự vệ thành nhân dân tự vận). Đây thì chữ “phóng đại” của Trần Hoài Thư phong cho Bảo Ninh mới xứng đáng thật sự! Nhưng ở Ban Mê Thuột vào 75 thì cũng có lý do. Trong tháng 3 tại đây, trung đoàn 53 Bộ binh VNCH, lực lượng tiểu khu Đắc Lắc (địa phương quân, nghĩa quân), cảnh sát quốc gia đã chống cự mãnh liệt (ngoan cố) với 12 trung đoàn quân đội nhân dân có chiến xa, đại pháo. Sau khi thành phố thất thủ, các khu trù mật kế bên chỉ còn nhân dân tự vệ mà QĐND cũng phải mất vài ngày để thanh toán nốt. Chuyện đàn bà súng ngắn có đồn đại trong quân bộ đội và thêu dệt cũng từ thực tế của chiến trường này. Chỉ tiếc, Bảo Ninh không nghe nói đến việc cũng chính xác là tư lịnh sư đoàn 23 Lê Trung Tường đã điều đại đội trinh sát của liên đoàn biệt động quân chỉ để đánh thoát cho vợ con ông còn kẹt tại tư gia và rút liền sau đó để mang theo gia đình ông an toàn! Hẳn cách dùng quân quỉ khốc này đã khiến bộ chỉ huy miền Bắc phải hoang mang một lúc. Dù sao, nếu có phụ nữ nào bắn hết 6 viên súng ngắn ở Ban Mê Thuột thì nhất định không phải là bà tướng nói trên. 

Phần của Bảo Ninh là vậy, còn chán lắm rồi nhưng phần của Trần Hoài Thư vẫn phải nói tiếp. “Có tên lính nào cách kẻ địch vài bước (nhắc lại: vài bước) quạt M16 mà sợ đến độ té đái trong quần” thì tôi không biết. Kinh nghiệm sống (chết) trên thì tôi không có, nhưng trên trò chơi vi tính online thấy địch càng gần là tôi vẫn luống cuống quạt hụt ngay. Giờ trở đi, nếu con tôi có chê là bố hoảng mà bắn không trúng thì cảm ơn Trần Hoài Thư, tôi đã có cách trả lời, đấy là tao nhân đạo mà tha chết cho nó đấy, mày biết gì! Thảo nào khi đăng biệt kích 81, chỉ cần nhìn mặt là tôi đã bị loại. Nhân tiện, nói đến băng đạn M16, thưa trung đội trưởng, nó chứa 30 viên. Nhân vật Kiên của Bảo Ninh không có vừa đi vừa đếm đến 30 đâu, bộ đội răng đen mã tấu không có bằng tú tài đếm được đến 10 là đủ giỏi, ở đây ông nhà văn dùng chữ nghĩa mà nói 30 viên tức là bắn hết một băng đạn đấy. 

Thởi tôi đi lính Cộng hoà (74-75) lương binh nhì của tôi là 15.500 đồng. Hối suất USD chính thức vào lúc đó là 135 đồng nhưng chỉ được dành cho những việc chính thức như chuyển ngân du học, và có giới hạn. Hối suất chợ đen, nghĩa là hối suất thông dụng, là 1 USD ăn 300 đồng. Khẩu phần ăn của tôi, quân đội khấu trừ 180 đồng/ngày, 5.400 đồng/ tháng, còn lại, tôi được lãnh 10.100 đồng. Như vậy, người lính Cộng hoà được nuôi ăn theo hối suất chính thức là 1,33 USD/ngày, theo hối suất chợ đen là 0,60 USD/ngày. Kể đến lương chưa trừ tiền cơm thì là 3,82 USD/ngày theo giá chính thức hay 1,72 USD/ngày theo giá chợ đen. Xin nói rõ, hưởng hối suất chính thức là một đặc quyền, thí dụ những gia đình có con em du học được hưởng hối đoái này, vẫn có người bán lại để hưởng sự khác biệt. Các tù binh cộng sản được nuôi 4, 5 đô la một ngày theo Trần Hoài Thư thì hối đoái nào tôi không rõ và cũng không rõ có ai được hưởng sự sai biệt trên hay không [1]? Đằng nào thì cũng vẫn hơn người lính và một chế độ đối xử với tù binh tốt hơn người lính thì còn phải hỏi tại sao bại trận, lính của họ ai cũng mong sớm được làm tù binh để tăng lương! Chuyện mời Việt cộng hút thuốc Ruby cũng là Bảo Ninh nói phét nốt. Phần tôi, mỗi kỳ có hàng quân tiếp vụ, được mua Ruby là tôi bán lại ngay tại chỗ để ra ngoài mua Bastos giá có một nửa, mời tù binh chắc tôi chỉ mời thuốc vấn là rộng rãi rồi, ĐM dám chê chắc, tôi giọng cho báng súng vô họng. 

Chẻ sợi tóc ra làm bấy nhiêu điều, tôi chỉ muốn nói là tôi nghĩ rằng Bảo Ninh trung thực, với chính ông và với đồng đội của ông là điều tối thiểu. Viết trung thực, khen và chê về phía của ông, ông đã làm dũng cảm và đúng với lương tâm, còn viết có trung thực về sĩ quan thám báo (ăn nói lịch sự và có học [2]) là việc của Trần Hoài Thư, Bảo Ninh không thể làm thay thế một cách chính xác được. Sân nhà ai người nấy quét, chỉ có như vậy thì mới có thể mong đối thoại, nghĩa là trao đổi và chia sẻ ở thời điểm cũng đã chậm trễ này là đã 30 năm. 
[1]Trong thời gian nằm bịnh tại quân y viện, tôi được biệt đãi phần ăn 230 đồng mà không phải khấu trừ vào lương. Ở trên quản l‎í số tiền này ra sao tôi không rõ, chỉ thấy tận mắt là nhà bếp có phần thịt kho mỡ phát ra cho các xe để phân phối cho từng trại, các bà đẩy xe trích phần thịt bỏ bịch ny lông. Tôi có sức, đẩy xe cho các bà thì được trả công vài cục mỡ, khay ăn đến giường bệnh thì chỉ còn nước thịt và 1 miếng mỡ tượng trưng. Vì vậy nên có vụ y sĩ đại úy Hà Thúc Nhơn ở Nha Trang dẫn thương binh làm loạn và bị bắn chết tại quân y viện Nguyễn Hụê. Nay biết là tù binh cộng sản được 4-5 USD/ngày nên chẳng bao giờ nghe nói họ làm loạn trong trại!
[2]Chuyện thứ nhất nổi tiếng ở cao nguyên làm nên danh một đại úy (Phạm Hữu Tài): Ông tư lịnh quân khu là người văng tục đều đặn với thuộc cấp, vừa mắng vừa chửi thề vừa quơ gậy chỉ huy về bất cứ việc gì. Đại úy trên vào một bận họp đưa tay xin phát biểu “Tôi vào quân đội để phục vụ đất nước, tôi đi lính có một mình, không mang mẹ tôi theo để thiếu tướng chơi, sao thiếu tướng lại ĐM tôi”. 
Chuyện thứ nhì hi hữu không kém, nổi tiếng ở đồng bằng làm nên danh một đại tá (Mạch Văn Trường): Bay thị sát mặt trận ông vào tần số điện đàm của địch, trao đổi thì bị địch cho ăn đủ thứ con ở trên máy. Đại tá này bèn trả lời “ Ta sẽ cho mi ăn một nắm kẹo đồng”!

Nguồn: talawas.org





NIỀM VUI ĐỐI THOẠI

Một lần đi dự Liên Hoan Phim tại Ý, đạo diễn Woody Allen bị một phụ nữ chặn lại. Bà nói: “Ông hết sức thông minh! Phim của ông tuyệt vời, đã dí dỏm lại cực kỳ sâu sắc!” Woody Allen bèn phát biểu: “Còn gì nữa bà cứ việc nói thêm, bà cứ việc nói tiếp!”. Tuyệt nhiên không thấy ông vặn hỏi, bà xem được bao nhiêu phim rồi, bà học trường (phim) nào ra, bà có phải là nhà phê bình điện ảnh hay không mà lớn lối. 

Khi trong một phút hồ đồ tôi lỡ viết là tướng Nam đáng khâm phục nhất vì ông đặt trách nhiệm lên trước cả sĩ diện thì không có ai hạch chức vụ tham mưu của tôi là gì. Khi tôi ca ngợi tư cách của Đại tá Huấn thì cũng thế, không thấy ai đòi tôi phục vụ trong binh chủng Biệt cách Nhảy dù bao nhiêu ngày, trí nhớ và mức độ khả tín ra sao. Ngược lại, khi đả động đến tướng Phú thì phức tạp hơn hẳn, lỉnh kỉnh nào thị thực chữ ký với lại chứng minh thư [1]. 

Cuộc trao đổi về vấn đề trách nhiệm trong cuộc triệt thoái Quân Đoàn II vào tháng 3-75 đã đi xa ngoài tầm hiểu biết thông thường của tôi [2]. Chuyển qua lãnh vực thương trường tại Mỹ để thay đổi bầu không khí thì có lẽ cũng hứng thú không kém. Nếu tôi có viết: “Ông Ken Lay làm tan biến công ty hàng thứ 7 của Hoa Kỳ trong một thời gian kỷ lục” thì liệu có ai bênh vực cựu Chủ tịch công ty Enron hay không? Làm mất 40 – 50 tỉ Dollar của quần chúng đầu tư, dao động thị trường chứng khoán ở New York và toàn cầu, lỗi là ở Tổng Giám đốc Jeffrey Skilling, Giám đốc Chiến lược Clifford Baxter (ông này đã tự sát), Giám đốc Tài chính Andrew Fastow hay là bà vợ ông giữ chức Phó Thủ quỹ (hai vị này thay phiên nhau ở tù)? Hay lỗi chính chẳng ở Enron mà là tại vì đồng minh kế toán Arthur Andersen LLP đã bỏ rơi! Còn tôi thì là ai mà dám phê bình bạn của Tổng thống George W. Bush và Phó Tổng thống Cheney (dù giờ chắc chỉ còn là bạn cũ)? Tôi có bằng CPA kế toán hồi nào và tốt nghiệp MBA hay sao? Có kinh nghiệm gì về buôn bán năng lượng, bất quá thì mất vài ba cổ phần Enron, sao ví được với ông Ken Lay mất lương 101.300.000 USD là thù lao ông hưởng vào năm 2001. Trong trường hợp Việt Nam Cộng hoà, “mất mát” vẫn được cộng đồng hải ngoại gọi là “mất nước” đấy, ông Nguyễn Thành Lộc, nếu ở nước ngoài hẳn ông đã có nghe qua. Và nếu như là người Tanzania thì những nhận xét của tôi được đón nhận thế nào [3]? Tôi đoán là: 
  • Người Tanzania ở tận Phi châu mà còn biết kính phục tướng Nam!
  • Tanzania ở tận Phi châu mà cũng dám bàn về tướng Phú!
Ba mươi năm không phải là ngày hôm qua, nhưng những vết thương của chiến tranh rất khó lành, lại càng khó lành nếu ta nuôi dưỡng nó. Chẳng qua là tôi dại dột mà nghe theo lời khuyên của Trần Hoài Thư: Nhà văn thì cần phải trung thực với chính mình (tôi đang tập bước đầu và tự giới hạn mình ở căn bản nhập môn này thôi, vì trung thực với mọi người, với kẻ địch, với lịch sử v.v... thì tới kiếp sau,trung thực ơi, kiếp này đành cuối đầu). Trở lại vấn đề của Bảo Ninh, những đồng đội, hàng xóm, cấp chỉ huy, niên trưởng, hẳn đã phiền ông về nhiều chi tiết trong tiểu thuyết chứ không cần đợi đến phía Trần Hoài Thư. Xem bói ra ma, quét nhà ra rác, Bảo Ninh đang mù mịt quét bụi sân nhà mình thì Trần Hoài Thư lại trách sao anh không sang đây mà tỉa kiểng vườn tôi [4]! Lời khuyên của Trần Hoài Thư, về phần tôi tôi xin nhận lãnh, biết đâu nó chẳng lành được vài nhức nhối. Còn về phần Bảo Ninh, tôi chắc là ông đã không đợi. Bởi nếu không thì ông đã như bao người, viết tiểu thuyết “Niềm vui chiến thắng” với một lòng tràn ngập và thơ thới hân hoan.

[1]Thí dụ: “Phần tiểu sử của tướng Phạm Văn Phú, khi cho rằng Tướng Phú thua trận Điện Biên Phủ nên bị bắt tù giam. Tuy không nói Việt Minh bắt giam tướng Phú, nhưng ở đây những người rành chút lịch sử đều biết Việt Minh, tiền thân của VC bây giờ… Giả dụ chi tiết đó có thật, chúng ta cũng không nên kể ra, hãy cho nó thuộc về quá khứ. Kể ra như vậy chẳng khác nào chúng ta đã bôi xấu tướng Phú là một tên Việt gian bán nước, làm tay sai cho Pháp để Pháp đô hộ Việt Nam. Lấy tên Việt gian làm tên đường quả là một đại sỉ nhục. Ai là người đã viết bản tiểu sử của tướng Phú cần phải được đặt nghi vấn. Có thể có những tên VC đang len lỏi nằm trong hàng ngũ BTCCĐVHTĐ (Ban Tổ chức Cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn): “30/04/05 Tôi đi dựng ngọn cờ vàng tại Washington D.C.”, Nguyễn Thị Mỹ Linh. Chi tiết đưọc tác giả Nguyễn Thị Mỹ Linh phê bình, tôi không dám có len lỏi mà có ‎ ý kiến, tôi không từng phục vụ trong Đại đội của Trung úy Phạm Văn Phú thuộc 5e Bataillon Parachutistes Vietnamiens (BPVN) ở Điện Biên Phủ.
[2]Anh Lê Anh Dũng hoàn toàn đúng khi nhắc đến trách nhiệm của các chỉ huy QĐND về cái chết của thường dân trong cuộc di tản đường 7B. Về mặt quân sự, trách nhiệm của họ cũng to tát không kém vì nếu họ không đánh thì tướng Phú đã giữ vững cả Quân Khu lẫn Quân Đoàn! Đây tôi nghe kể là nhận định của Phu nhân Tư lịnh chứ thật tình có muốn tôi cũng chẳng mỉa mai được câu này. Theo Đại tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng 2 Quân Khu (trong hồi k‎í có đăng lại trên tập san K.B.C.), chuyện xảy ra trong một bữa ăn tại tư gia ông Phú. Bộ TTM vừa gửi điện khen thưởng QK2 vì phát hiện ra địch quân di chuyển cấp sư đoàn. Bà Phú phát biểu: “Họ chỉ mượn đường của ông để đi đánh Vùng 3. Nay ông lại cho ném bom họ, họ tức lên quay lại mà đánh ông thì ông đỡ cách nào!” Tướng Phú lặng im, có lẽ tại chuyện này còn hay hơn Tam Quốc và nếu ông biết sớm nghe Tôn Phu nhân nhà thì đâu đã ra nông nỗi! Tôi nghĩ mọi người đều đồng ‎ ý là nếu quân đội miền Bắc không đánh chốt và truy nã thì cuộc triệt thoái đã an toàn xa lộ, bất quá là kẹt vài giờ như cao tốc 22 ở Cali vì mang theo đại pháo cồng kềnh.
Sau khi đọc anh Lê Anh Dũng, tôi xin nói lại là ông Phú chỉ mất Ban Mê Thuột chứ không mất Pleiku và chỉ mất Quân Đoàn chứ mất Quân Khu là vì lệnh của Tổng Thống. Tuy nhiên, lệnh là rút lui để bảo toàn lực lượng, không phải là để lực lượng tiêu tan khi triệt thoái.
Nhân dịp này, xin nói rõ là tướng Phú đã toan tự sát tại Lầu Ông Hoàng khi bàn giao phần lãnh thổ còn lại của QĐ2 cho tướng Hiếu, Tư lịnh phó QĐ3, vào ngày 2.4. Như vậy, theo địnhnghĩa của bạn đọc H.A. thì ngày 2.4. ông bất đắc chí  tự tử hụt, đến ngày 30.4 thì ông tuẫn tiết hay tự sátthành công. Tôi cũng đồng ý như vậy hoàn toàn. Chỉ tự hỏi là tại sao ông Văn Tiến Dũng không tự sát mà còn viết Đại thắng mùa xuân, và học sinh thi đỗ, con bạc trúng độc đắc có tự tử hay không? Nếu tướng Phú đánh tan quân địch tại Cao nguyên, tái chiếm Ban Mê Thuột, nhân thể đi ngược đường mòn lên cắt ngang miền Bắc tại Thanh Hóa thì ông có tuẫn tiết hay không? Trước thất bại chung và riêng, mỗi người có một quyết định, 145 tướng lãnh miền Nam còn lại có tất cả đều thiếu phẩm tiết?
[3]Ít dính dáng đến chuyện của chúng ta, nhưng cũng vui không kém, trước đây trên quảng cáo TV ở Pháp có một linh mục hát “Des pâtes! Des pâtes! Oui, mais des Panzani!” (Ăn pasta, nhưng phải là nhãn Panzani!). Một hài Pháp cũng trên TV, đổi thành “Des putes! Des putes! Oui mais de Tanzanie! (Chơi đĩ, nhưng phải là người Tanzania!). Đây, xúc phạm thứ nhất là tới đại diện của tôn giáo, nhì là bôi bác nước Tanzania. Ông hài này đã chơi được bao nhiêu đĩ, mà tại Pháp mại dâm gốc Phi châu lại toàn là Sierra Leone.
[4]Đây lại nhớ đến một chuyện cười thời mồ mả Liên Xô. Một người Mỹ khoe: “Nước tôi tự do, tôi có thể đến trước Nhà Trắng mà hô Đả đảo Carter!” Người Nga bèn nói “Thế có hay ho gì, tôi cũng đến trước Cẩm Linh mà hô Đả đảo Carter được!”

Nguồn: talawas.org







QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG?

Tôi ăn năn vì đã lỡ đường đột nắm một mẩu áo của Trần Kiêm Đoàn, chẳng phải để đề thơ mà để hành văn trúc trắc và lập cập, đầy cảm tính ("Cảm tính là chân lý" như một nhà văn đã có thể nói) và thiếu phương pháp, nhất là phương pháp luận. Chữ luận bẻ làm đôi nhờ vậy tôi mới viết được thành... 2 bài, bài thứ nhì này trước hết là để tạ lỗi với tác giả Trần Kiêm Đoàn về việc níu kéo ông vào chuyện riêng của tôi tình cảm. May mà ông không giật áo ra mà đi thẳng nên sau khi biết cách nấu xúp tôi còn học được thêm pha càfé, mà là càfé Starbucks chứ chẳng đùa. Nhân dịp này, tôi xin được cùng các nông dân từ Costa Rica đến Ivory Coast chân thành gởi đến đại công ty này lời tri ân đã đưa sản phẩm của họ đến với người tiêu thụ khắp thế giới theo "công thức 2/6" (recommended!), bất kể sự chống đối của các nhóm phá hoại đang hòng cản tiến trình tốt đẹp của chủ nghĩa toàn cầu hoá. Để tạ lỗi với Trần Kiêm Đoàn, tôi hứa tối trên giường sẽ lăn qua lăn lại mà trằn trọc đếm "1 giới trẻ ưa thích (tôi), 2 giới trẻ ưa thích..." Hỡi ôi. 

Nhưng thương Trần Kiêm Đoàn 1/3 (tức là 2/6) và thương mình thương 1, thì Trần Mạnh Hảo tôi thương những 10. Ông là người ưa bị hiểu lầm, hiểu ngược và bị ghen tuông vô lối. Thí dụ việc ông đi xe con cũng bị lôi ra trên báo làm trò. Theo người viết bài nhạo báng, ông làm đúng nhiệm vụ "tài xế" là đưa con đến trường, coi như đó chẳng phải chính đáng là nhiệm vụ làm cha. Ông không phải cõng con trên lưng, đội sách vở trên đầu mà mỗi sáng lội qua 3 con rạch thì là may mắn của hoàn cảnh, ông đâu có dùng xe để mà đưa cướp đến ngân hàng hay em út trở về nhà thổ, vậy mà cũng phải cười... nhạt (đây tôi không có ý động chạm gì đến Trần Kiêm Đoàn thêm một lần nữa). Vả lại, xe con đây là xe của ông. 

Thời Mỹ ở miền Nam, công xa của Hoa kỳ tuy coi rất xịn, chiếc nào hai bên cửa cũng bị nham nhở kẻ một hàng chữ "Chỉ dùng cho công vụ". Việc nhắc nhở này, có lẽ ở Việt Nam hiện nay cũng nên áp dụng (tuy nó có làm hơi xấu nước sơn) đối với các viên chức cơ quan nhà nước hay công ty quốc doanh dùng xe chở vợ đi chợ hay cho con mượn để chở đào đi mua sắm. Trong khi các người trách nhiệm dùng của do nhân dân cung cấp vào những chuyện riêng tư thì Trần Mạnh Hảo lại dùng thì giờ và danh tiếng nhà thơ của ông không phải là để… bán lịch, mà là để bảo vệ Hội Nhà Văn, chấp hành nghị định của chính phủ và sửa đổi giáo trình. Ông là người hi hữu kẻ lên xe con riêng của ông phía trước và phía sau hàng chữ "Chỉ dùng cho công vụ" thật là to. 

Tôi không tin là đằng sau Trần Mạnh Hảo có "bàn tay" nào thúc đẩy hay âm mưu nào ẩn hiện mập mờ. Cơ quan chức năng có thẩm quyền không mạnh dạn hay đường đường phản ứng thì thôi chứ việc gì mà phải núp sau lưng một nhà thơ (dù là vai ngang). Có chăng là họ còn bận vào những việc riêng, bỏ việc chung ở một bàn giấy mà họ không buồn đến, trong một ngăn kéo họ không còn buồn mở. "Bàn tay" nào đó tôi nghĩ là đang lo cầm ly ở bàn rượu và Trần Mạnh Hảo bị lương tâm thôi thúc chạy đến… báo cáo chỉ làm họ bực mình. Như ông đã thố lộ: "Tâm huyết như tôi mà bài cứ bị ách lại nghĩa là sao?" 

Nghĩa là việc đã thế, cứ để yên cho tôi ngồi ngủ gật, anh cứ nhắng nhít lên thì hoá ra ai cũng biết chúng tôi chẳng làm gì. Trần Mạnh Hảo là một người tâm huyết không phải thời và không phải chỗ, vào lúc mà thờ ơ (với công vụ) được tôn lên hàng đức tính (để tư lợi) thì ông lại xông xáo như thủa nào, ưỡn ngực ra mà lãnh làn tên mũi đạn của đủ thứ nhiệm vụ mà chẳng ai nhờ đến. 

Lương tâm và nhắc nhở của 1 thời đã qua hay là đã (sắp) hết, lỡ 1 chuyến tàu, hay 2, 3 chuyến, ta có thể trách Trần Mạnh Hảo là một người đến chậm, hiểu chậm hay là không chịu hiểu. Một người trung thành muộn. Nhưng ta không thể quy cho ông cái thói toan tính vụn vặt như thấy đầy rãy sau những khuôn mặt trầm ngâm chỉ sắn tay áo nhếch mép mà đợi đẩy những cổ thụ đã… nghiêng. Tôi với ông chỉ có thể bất đồng nhưng cái ngây thơ của Trần Mạnh Hảo chỉ có thể làm tôi cảm động. Khi tiệc đã tàn và cả đến cái bánh vẽ cũng không còn nữa, cái háu ăn của Trần Mạnh Hảo mới dễ thương làm sao! Ông không phải là một người hùng tuyệt vọng (chưa đến nỗi thế, đây thì có lẽ thì lại hơi sớm) nhưng những việc ông chứa chan, nếu ông không thành công, thành danh, thành đạt thì cũng thành... trẻ con, chứ không thành tiểu nhân. 

Trên con đường của ông, tôi không chúc ông may mắn, tôi không cùng một lối, nhưng tôi đưa tay chào, chiến sĩ giao liên, em bé Trần Mạnh Hảo. 
[1]Quân lệnh cuối cùng thường là lệnh tử thủ đoạn hậu, giữ vững vị trí… trong khi lãnh đạo đã từ từ triệt thoái và mọi người vội vàng đi theo.

Nguồn: talawas.org





HAI MÙA HOA

Lúc Tân Hình Thức mới ra đời, một nhà thơ được mời ẵm em và cho xem thằng bé đã phát biểu "Thơ này hồi 10 tuổi tôi đã có làm rồi", may mà chưa đưa đến tay bạn này chứ không bạn đã ném nó bịch xuống đất, biết đâu cả đời mang (thêm) tật (ngoài những tật bẩm sinh). Bạn Vương Văn Quang trên talawas vừa rồi, chưa thôi giật mình vì trò nhát ma của trẻ Trần Mạnh Hảo, đã vội quy "Mùa hoa đỏ lè" của Bùi Chát vào hàng 8, 9 tuổi lớp 3. 

Tuy kẻ ưa người ghét, nhưng đối với "Mùa hoa đỏ lè" tôi và Vương Văn Quang chí ít cũng có được điểm tương đồng. Đó là tính cách "xuyên tạc" rất trẻ con đại chúng (đâu phải ai cũng là thần đồng) nhưng tôi và anh lại đối nghịch về mặt cảm nhận và thẩm định chính cái điểm ấy. Việc này, thôi thì cứ tạm cho là khác gu, khác kênh hay là đối tuyến trong tinh thần dân chủ, tức là tinh thần "huề tiền" đấy anh ạ, chứ chẳng nên đằng đằng ăn thua trình chứng minh thư đã đến tuổi thành niên kiểu người bạn chung của chúng ta đã nhắc đến ở trên. Trớ trêu là nạn nhân ở đây lại trở thành C.A., ông Hảo "bắt" anh Quang thì anh Quang lại đi "bắt" cu Đợi, chứ tôi thấy cu Đợi nào có bắt ai chuyện gì ngoại trừ cái "bắt công nhận" là một việc đúng ra đã phải lẽ đương nhiên. Nhưng khổ thế, cái hiện hữu suông mà vẫn còn phải tranh đấu! Nếu mọi người chấp nhận một cách bình đẳng người thiểu số, da màu, đồng tính, lao động, nhược tiểu v.v. và những nhà thơ trẻ thì đã khoẻ biết mấy, việc gì mà phải tự xác định đến tụt cả khố, văng cả tục. Đéo mẹ, đời khốn nạn vậy, xâm phạm thì chỉ có chuyện xâm phạm bề trên. 

Trong thập niên 70 ở Pháp, tôi có được xem 2 bộ phim rất hay ở dạng "xuyên tạc," hay nói cách khác là dạng hijack, cướp tàu. Một bộ là phim võ hiệp Hồng kông, bộ kia là phim kích dâm Nhật bản, cả hai đều được chiếu tại rạp với thoại nguyên âm tiếng Nhật tiếng Quảng. Tất nhiên là ở Pháp, người hiểu hai thứ tiếng này không có mấy nên các nhà làm phim "cướp tàu" hoàn toàn tự do mà đặt phụ đề bằng tiếng Pháp bên dưới, lái 2 bộ phim này vào chuyện tranh luận giữa các chủ nghĩa thời thượng lúc đó ở châu Âu. Đại khái, nếu câu thoại tiếng Quảng ý là "Phái Nga mi chúng mày sẽ phải đền tội" thì phụ đề tiếng Pháp lại trích dẫn Barthes, khi cô nữ sinh xổ áo tình địch "Tao xé xác mày" bằng tiếng Nhật thì phụ đề lại điềm nhiên "l'anatomie, c'est le destin" (giải phẫu là định mệnh) của Baudrillard trích Freud. Đó cũng vui thôi, hà cớ gì mà Vương Văn Quang lại phải khó chịu với những collage  pastiche. 

Tuổi thơ của tôi cũng đầy những đong đưa thú vị, đồng dao sửa đổi ngoài ngõ thường khi vượt trội cả những nguyên tác được đưa vào, thí dụ "Khi nhìn trăng lên, thím xẩm tuột quần" (Sơn nữ ca) hay "Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương" hoặc "Sớm đi cua đào, lỗ đít chảy máu" so với "Sớm mai tươi hồng, một ngày tươi đẹp" (Beautiful Sunday, ca từ Việt của Phạm Duy). Hẳn còn nhiều nữa, "Vượt bao hải lý, nghe chưa vừa ý, lắc lư 2 hòn bi" (Hoa biển, nguyên tác ca từ là "lắc lư con tàu đi"), từ Bà Huyện Thanh Quan đến quốc ca của miền Nam (Tiếng gọi Thanh niên của Lưu Hữu Phước), chẳng chừa ai. 

Cái bồn tiểu của Duchamp đứa bé 8, 9 nào cũng đái vào được nếu cu nó với tới. Lúc chưa ở Mỹ, chưa vào siêu thị Hoa kỳ, tôi chỉ biết được lon súp Campbell nhờ Warhol. Tôi gặp Thanh Tùng có một bận, lúc đó tôi chưa biết đến "Thời hoa đỏ". Nếu gặp lại, tôi sẽ nói là nhờ Bùi Chát tôi mới được biết và còn biết đến cả "Thời hoa đỏ lè". Từ đỏ đến đỏ lè, mặc những Vương Văn Quang và Trần Mạnh Hảo, cũng phải mất một thế hệ. 



Nguồn: talawas.org







TỰ DO, NIỀM NHỚ KHÔNG TÊN

Trước khi đi du lịch, lúc sửa soạn hành lý, bí quyết làm va ly là dọn sẵn ra những thứ được coi là cần thiết nhất hay là không thể thiếu. Sau khi đã sắp sẵn được những thứ này rồi, vượt qua khỏi giai đoạn đắn đo và tự hỏi, thì bỏ lại một nửa và gọi cả nhà ra, kẻ nén bằng tay người đè bằng đít, may ra mới đóng nắp va ly lại được. 

Trước khi bàn đến chuyện thơ thẩn, tôi nghĩ cũng phải như vậy, cái trang nghiêm hay cái thất thểu, cái thờ thẫn hay cái ngạo ngược (bất cần đời nhưng lại rất cần cho thi sĩ), ta chỉ nên dọn ra tối thiểu, rồi chọn lấy một nửa thì mới hòng trao đổi, như thành ngữ Pháp "Thôi, đừng ném nữa", đủ rồi. Tất nhiên là tôi cũng thế, tay thì chỉ có 2 bàn và đít thì phải nhờ đến mọi người. 

Tôi xin nêu lên ở đây vài nhận định nho nhỏ và hỗn tạp (bàn chải răng, gel vuốt tóc, thuốc nhỏ mắt và khăn lau... mặt), thực ra là vài câu hỏi cũng nên, không có gì chắc chắn và đằng nào cũng nho nhỏ và hỗn tạp để ta cùng thảo luận. 

Trước hết, thơ Tân Hình Thức Việt (THT) như mọi "phong trào", nếu không muốn nói là như mọi thứ, cũng có một tiến trình hay ít ra là một quá trình (nếu như - mai sau dù có bao giờ - ù lì ra đấy và không chịu tiến nữa). Tôi muốn nói, THT không phải một hôm rạch giời rơi xuống... Lily's Bakery (Brookhurst về hướng nam, gặp Bolsa quẹo phải, trong khu trước đây là chợ Sàigòn mới), và trúng ngay Khế Iêm (vừa kiếm ra chỗ đậu xe) trên tay còn ôm 10 tờ "Tạp chí Thơ" vừa bị nhà sách Tú Quỳnh từ chối không chịu bày bán bên cạnh "Văn học" và "Phụ nữ Diễn đàn". 

Tạp chí Thơ có mặt từ 6 năm nay, là một tập hợp đa diện và không có tích cách độc quyền, nhằm quy tụ những người viết ở bên, ở ngoài giòng chảy róc rách của truyền thống (truyền thống thì cũng chẳng có gì đáng chê hay đáng trách nhưng hẳn không cần đến diễn đàn này). Nói một cách trầm trọng thì những người cộng tác với Tạp chí Thơ đều là những kẻ ôm (eo) những trăn trở, hoài bão và suy tư của thi ca đương đại, nếu không tìm một lối thoát (cho bản thân thôi) thì cũng lạng qua lạng lại, nếu chẳng bất bình thì cũng không hài lòng với những cái đã có. Băng nhóm này tạp nham, tất nhiên, vì ở ngoài lề và một khi đã ra khỏi lề rồi thì chỉ có... tứ tung. Theo hình dung của tôi, TCT là vài ba mươi cái xe máy phân khối lớn, xoáy xy-lanh và gỡ ống hãm thanh, gầm rú qua con lộ của thi ca Việt Nam yên lành. Ðó là tôi lãng mạn cường điệu, nếu nó chỉ là mấy cái xe đạp mini lách cách ngang một phố huyện thì cũng chẳng khác mấy, trên lưng các lãng tử này vẫn có đề hàng chữ "Born to be wild". 

Và cho đến giờ, TCT vẫn mang tên là Tạp chí Thơ, chưa đổi bảng hiệu Trách Nhiệm Hữu Hạn Tân Hình Thức. THT chỉ mới thấy xuất hiện trên Tạp chí 2 năm nay trở lại, chiếm độ 1/3 số trang và là kết quả của một trong những trăn trở nói trên. Khế Iêm, theo tôi biết, lúc sinh ra chưa phải THT, lúc đầu làm thơ cũng chưa, lúc làm TCT cũng chưa nốt. Mai sau thì nào ai có thể biết, chính tôi hay mỗi người chúng ta cũng lúc thế này lúc thế kia, lúc tóc rối và lúc chải đầu tém. Ðơn điệu là đặc quyền của chính thống, đó là thơ in trên giấy hoa vân của những tạp chí bọc giấy bóng, không hề thay đổi là đặc quyền của những bức tượng đá, tượng đồng. 

Như vậy khác biệt, dị biệt, đặc biệt là tất yếu. Mỗi người thơ là một đặc biệt, nếu trước giờ chưa có tranh luận trong nhóm vì TCT chỉ là tập họp của 3 đứa côi cút, đứa đánh giầy đứa bán vé số mà đùm bọc lẫn nhau. Thằng Tư nay đã lớn, đã xâm trên ngực 1 đầu lâu nhỏ máu, con Tám dậy thì, 2 đầu vú xỏ 2 cái khuyên vàng. Không đánh nhau thì tại sao làm du đãng, mỗi người phải đập một vỏ chai bia (hay trong trường hợp Khế Iêm, đập 1 vỏ chai nước khoáng). Ðây là dấu hiệu của lớn mạnh nếu không nói là dấu hiệu của trưởng thành. Ông Saddam Hussein trong kỳ tái cử vừa qua đạt những 100% số phiếu vì chỉ cần 1 người trong 11 triệu rưỡi cử tri Iraq bất tín nhiệm là ông đã buồn. Nhưng ngược lại, Tạp chí Thơ, nếu mới có 1 người mà có đến 5, 7 quan điểm thì lại là mừng. 

Trước đây, không có bàn cãi, tranh luận về THT thì chỉ vì một việc rất dễ hiểu. Trước đây, không có THT và thơ tự do chỉ có thể tóm ngực thơ lục bát, nắm áo thơ thất ngôn với lại thơ Ðường. Nhận định của tôi sau phần dông dài trên là những lời to tiếng nhỏ, những xôn xao, quấn quít vân vê tà áo gần đây đã chứng tỏ: 

1) Sự phát triển của thơ Trẻ (nghĩa là lớn lên, khác đi và nảy ngực, đổi giọng dậy thì). 2) Sự hiện hữu của THT trong dòng thơ này, thậm chí đến mức còn được phong lên làm ngáo ộp. 

THT mới ra đời đã bị vu cho tội áp bức và sừng sỏ thì có hơi quá quắt, nhất là lại bởi cô chị lớn bụi đời và không thích ẵm em. THT không phải là thơ Phù Ðổng, ăn 3 nồi cơm nhổ bụi thơ vần đi đuổi thơ tự do. Có chăng là ngược lại, làm gì có chuyện miệng em lấp cả vú. Sự khó chịu của các thằng anh con chị là đứa mới sinh không biết đánh khăng bắn bi mà lại cứ oa oa ồn ào, cản trở ở nơi họ mời sinh hoạt sáng tạo. Bài viết của Nguyễn Quốc Chánh, rất hùng hồn mà vị hùng hồn, ngoài ra còn cho thấy ở nơi anh sự cả tin của các nhà thơ. 

Trong thập niên đầu sau ngày đất nước thống nhất, người Sài Gòn, tức là dân của "thành phố đã đổi tên" vẫn ấm ức truyền khẩu cho nhau một câu vè: "Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, Ðồng khởi vùng lên mất Tự Do". Dưới chế độ mới, những người này, cũng dễ hiểu thôi, nằm vuốt ve những nuối tiếc và tên của hai con đường này trở thành biểu tượng của hai khái niệm Công Lý và Tự Do. Tất nhiên, nếu điềm đạm và ung dung mà nhớ lại thì dưới chế độ miền Nam trước đây, Công Lý thì rất giới hạn mà Tự Do thì cũng... vừa phải. Cái răng hô của cố nhân bởi phép màu của thời gian đã trở thành cái răng khểnh và con mắt lé lại càng thêm duyên. 

Tôi xin lỗi, không đựơc mạch lạc lắm, có lẽ là bởi vì còn bị choáng ngợp bởi những lời dậy lửa của bạn tôi (NQC). Không phải vì có đường Tự Do mà chế độ trước có Tự Do, cũng như chẳng phải vì đổi tên nó thành Ðồng khởi mà đã có Ðồng khởi. Nguyễn Quốc Chánh ngộ nhận Thơ Tự Do với khái niệm Tự Do, nhất là với đường Tự Do, và cả với tượng (nữ thần) Tự Do (như mọi người đều biết, đứng ở cảng New York mà soi sáng nền thi ca của Hoa kỳ). Anh có đúng chăng, là ở phạm vi thơ tự do Việt 3, 4 thập niên về trước, đã từng liền với con đường cùng tên, đoạn từ quán La Pagode đến nhà hàng Brodard. 

Tới đây, tôi xin mở một dấu ngoặc. Nguyễn Quốc Chánh cũng lại ngộ nhận "kẻ thù" của cá nhân chủ nghĩa là tập thể chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa ở trong nước, nắm râu ông Mác mà hạch tội. Ông Mác, từ Hội nghị Gotha và Erfurt, đã chối biến "Tôi không phải là người Mác xít", nếu không để ông yên thì cũng nên đọc ông kỹ. Nhưng chuyện này, có trách thì nên trách 60 năm đảng cộng sản Liên xô hay 2 triệu đảng viên Việt Nam chứ làm sao trách Chánh. 

Trở lại lãnh vực nhẹ nhàng hơn của thi ca, THT dù là gì cũng chẳng đe dọa hay là đe dọa được ca trù, chèo cổ, cải lương, hay thơ Tự Do. Các nhà thơ cứ an tâm mà sáng tác, THT và không ai, không ai ngăn nổi lời ca "Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/Người ta phấp phới muôn tà áo tung bay/Nếp sống yên vui đón chân tôi đến nơi này" 

Tự Do đẹp lắm, Tự Do ơi, Tự Do ơi.
05.11.2002 
Nguồn: talawas.org





TỰ DO: NHẢ THƠ VÀ NHẢ KHÓI

Tôi xin lỗi đã trích sai câu thơ của Thanh Tâm Tuyền dùng trong "Bài Tập" và cảm ơn độc giả của Talawas đã nhận ra sai lầm này và cho mọi người dịp để đọc lại bài "Phục Sinh" một cách đầy đủ. Tôi cũng xin tạc dạ là bài "Phục Sinh ở Nữu Ước" (Les Pâques à New York) là của ông Blaise Cendrars, câu "... To die: to sleep; / To sleep: perchance to dream:..." (Chết: ngủ; / Ngủ: còn có thể được mơ:...) là của ông Shakespeare (Hamlet, Hồi 3, Màn 1) và tác giả "Buồn nôn" (La Nausée) là ông Jean Paul Sartre chứ không phải là ông Jean Paul Gaultier tuy cả hai đều là nhà tạo mẫu. 

Tất nhiên, Thanh Tâm Tuyền là Thanh Tâm Tuyền và Bài Tập là bài tập, bài tập, và bài tập. Ông đã để dấu ấn trong thi ca Việt và tôi hay bất cứ ai khác có tập đến 3 đời cũng không thể nào với đến. Nói chuyện (3) đời, tôi thành thật mà khai báo là Thanh Tâm Tuyền, tôi coi là... ông nội (Nguyễn Du tôi coi là ông cố nội, còn họ ngoại tôi chưa nói đến vội). Mày dám giỡn mặt ông nội? Vâng, ông nội tôi, tôi mới dám, nội ai nhà nấy giỡn và giỡn là giỡn nhưng nội là nội. Xác định xong rồi đâu đấy, sự nghiệp của ông vẫn là cái chữ, như sự nghiệp của ông Du, bà Ðiểm, cậu Quát, cô Hương v.v... và nếu không đùa được với chữ thì đùa với gì bây giờ, hay là đá (với bóng) như Lê Ðạt? 
*
Phan Nhiên Hạo cho biết, hiện nay ở miền Bắc, Thanh Tâm Tuyền có nhiều người đọc, nhiều người thích và nhiều người học (đây là tôi diễn ý của anh mang máng, không khéo lại trích dẫn sai). Ðiều này tôi chỉ có thể đồng ý, sau khi cho phép tôi được trình lý lịch. Tôi là người miền Bắc và tuy lớn lên ở miền Nam (trên những con đường gội nắng), tôi không nghĩ là tôi mang tinh thần kỳ thị địa phương. Trình bày xong, và không hề có ý xúc phạm, xúc xiểm gì người miền Bắc "hiện nay", theo tôi họ có thích thơ TTT, thì đúng rồi, cũng như là họ thích xe (gắn) máy! Tôi đã từng ở một khách sạn mang tên là "Dream" ở Hà Nội (nay có lẽ đã nâng cấp đổi bảng hiệu thành KS "Spacey"). Sau cúb Cánh Én, Su Rit và DD, ở giới mộ điệu bây giờ là Thanh Tâm Tuyền, chứ ai còn nhớ đến những chiếc Babetta nhập từ Tiệp khắc nữa. 

Nửa thế kỷ trước, bối cảnh chính trị, văn hóa, tư tưởng tại miền Nam lúc Thanh Tâm Tuyền đặt chân đến là lúc cực kỳ hoang mang nếu không nói là hỗn loạn. Trên phần này của đất nước, thực dân rùng rình ra đi, 1 triệu người Công giáo theo cha xứ vượt vĩ tuyến, tàn dư các đảng phái Quốc gia thất thểu trên vỉa hè lúc đó còn là Catinat, các giáo phái Hòa Hảo, Cao Ðài xưng hùng xưng bá và tướng cướp thì làm cảnh sát (Bình Xuyên)! Rồi Ngô chí sĩ xuất hiện sau khi cờ lau tập trận ở Hoa kỳ (chứ không phải Hoa Lư), đẩy các sứ quân người đi tàu suốt kẻ đi tây. Thập niên sau đó là thời của Sáng Tạo, của thơ tự do và Thanh Tâm Tuyền. Bàn thờ Phật xuống đường, sinh viên kẻ đi bưng người đi lính, cứ 6 tháng lại đảo chánh 1 ông tướng. Ðường Tự do thành đường... Thế giới Tự do với những biển tiếng Anh. Sài Gòn có thêm thư viện Abraham Lincoln, các nhà thơ tóc bắt đầu rối chứ không còn chải tém. Trở lại vấn đề xe máy, đó là thời của VéloSolex, của Motobécane, Mini Caddy, xe Sachs và Vespa. 

Vào thời tôi đi học cấp 1, loại vở tốt nhất là loại vở Olympic, có hình lực sĩ cử trái địa cầu. Loại xấu nhất, mà trường tôi cấm dùng, in lem nhem 4 màu hình cô gái, bìa sau thay vì có bảng toán nhân từ 1 đến 12 thì lại có tranh diễn giải các ca khúc thịnh hành như là "Em ơi nếu mộng không thành thì sao". Nhưng ở giữa, tiêu biểu cho cái người Mỹ gọi là middle-class và đang thành hình tại miền Nam trong thập niên ấy là vở Trần văn Trạch, có hình quái kiệt này để tóc dài và lái một chiếc Vespa. 
*
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thơ tự do xuất hiện ở miền Nam với Thanh Tâm Tuyền cùng vào một lúc Trần văn Trạch xuất hiện với xe Vespa. Ông "nổi loạn" với các loại xe tay kéo tiểu thư và Ðốc phủ sứ, xe đạp "cuốc" của sinh viên trường Ðại học Ðông dương nhưng đến đời tôi chẳng hạn, ông đã là Vespa thành tựu. Ðến đời tôi, đó là xe chững chạc của người có 1 vợ 2 con, đứa bé mẹ ôm đứa lớn đứng trước ghi đông chứ không phải là đùm đề nheo nhóc. Áo sơ mi popeline trắng và quần Tergal, bút máy Parker, và nếu mặc quân phục thì phải đeo lon thiếu tá và 2 màu bút chì mỡ ở trên vai trái, thứ để nguệch ngoạc bản đồ hành quân. Chẳng trách hiện nay ở Bắc ông lên hàng thần tượng cùng một lúc với con buôn Trách Nhiệm Hữu Hạn có điện thoại di động màn hình màu. Thơ tự do ở miền Nam phất cờ khởi nghĩa ở vào thời mà thông phán thuộc địa thở dài, trước khi mà con ở trong nhà hăm hở bỏ đi bán bar cho lính Mỹ. Ba hay bốn thập niên sau, khi miền Bắc cũng bắt đầu tập đi xe máy và cán bộ phục viên trong các câu lạc bộ Thơ làm vè chống Tiêu cực xã hội, thì hẳn Thơ tự do lại phải trở thành mô đen và Thanh Tâm Tuyền thành huyền thoại. 

Nói thế, tôi cũng chẳng làm bé lại được đóng góp của ông 1 tỉ ti nào. Xe Vespa bây giờ là "classic", dạng sưu tập của những người hiểu biết. Cái chết của những hệ tư tưởng bao giờ cũng là những cái chết chậm, chết từ tốn nếu không từ từ. Thơ tự do ở miền Nam ra đời trong cái buổi giao thời đó, khi Camus ấn bản bỏ túi đã có bán ở nhà sách Khai Trí mà ở trong dinh Ngô Tổng thống vẫn còn bệ vệ một cách đặc sệt quan lại. Ðến đời tôi, vào năm 74 chẳng hạn, đã có Arthur Miller (1) bìa mềm bên cạnh tạp chí Penthouse trên vỉa hè Lê Lợi (tôi xin lỗi Thanh Tâm Tuyền, trên vỉa hè Bonnard). 

Vào lúc đó, đầu rối, đầu tém, đã trở thành người yêu chết trận trôi sông (Trịnh Công Sơn (2)) có hơi bị nhiều. Mỹ đang rút quân có trật tự, buôn lậu giờ có còi hụ và phần các thiếu nữ thì nằm nhà khóa trái cửa (3) để mà đêm nghe tiếng đại bác (4). Thơ tự do tuy xộc xệch nhưng không còn hợp mấy màu áo trận, không còn hợp mấy cái phi lý vô vi và nghiệt ngã của đời thường: đậu Tú tài đi Thủ Đức (Long Thành) (5), rớt Tú tài đi Trung sĩ và đàng nào trước sau gì cũng đi đoong. Vào cùng lúc, phản chiến ở Tây phương lại nhuốm màu Ðông phương Phật giáo, Thanh Tâm Tuyền đã đường hoàng ngồi nhà vàng (nhà vàng ngồi đường hoàng) mà được đăng quang, có nghĩa là ông đã bắt đầu được quên. Giờ chuyển sang thời của Honda PC, Honda Dame và Honda SS (6).

Bây giờ, ở Hà Nội, và chẳng riêng gì, ở TP Hồ Chí Minh cũng vậy, đã đến phong trào xe con Matiz của Hàn quốc. Tôi tiên đoán là chẳng mấy chốc sẽ có hiện tượng Thiên Thư Công Thiện, và nhiều người thuộc rành "Bay đi những cơn mưa phùn" (7) hơn tôi. Kỷ niệm của tôi vào năm 75: bị một chiếc Corolla xấn ẩu, tôi đuổi theo cầm cục gạch thẻ phang vào kính mà nó không bể(!) Có tài xế mặc "xi vin" lái, đằng sau ngồi là một Ðại Ðức trầm tư. Lịch sử thật là tàn nhẫn, theo đà này (được Phan Nhiên Hạo kiểm chứng) sang năm tới thi ca trong Nam ngoài Bắc sẽ được thể tiến nhanh tiến mạnh mà leo lên cành bưởi. (8) 
*
Vẫn ở trong phạm vi những phương tiện di chuyển, nếu Thơ tự do là xe gắn máy và Thanh Tâm Tuyền là Vespa, bích bà đường bệ bình bịch, thì Tân Hình Thức là xe gì? Nói theo Ðinh Linh, thơ Tự do vặn ga là đà chạy cho khỏe, việc gì Tân Hình Thức cầu kỳ dirtbike 16 số đạp đổ mồ hôi xuống dốc lên đèo. Nhưng cái xe đạp Tân Hình Thức không phải là cái xe đạp thồ Trung Quốc ở Ðiện biên (văn dĩ tải... đạn), cũng không phải là cái xe Lơ (Lơ-Giô, Peugeot; "Ðẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ") của thời tem phiếu. Tôi dạo này uống nhiều bia bụng bự, cũng cần phải vận động chứ chẳng phải cầu kỳ.

Chiều về hay cuối tuần, tôi đạp xe quanh xóm, là để chơi thôi, chứ tôi không bơm ga dạo, tuy là có cái giống. Cái chơi không phải là không quan trọng, cho phép tôi chứ. Và chơi lại có nhiều... kiểu, từ chơi đến thật, dần dà biết đâu tôi đạp được đến tận cơ quan. Lúc đó, ngày 2 buổi đi về, sẽ chẳng còn là thể thao mà là bảo vệ môi sinh tích cực (một vấn đề không thời thượng thì cũng là cấp bách) và với phong trào Xanh (lá cây) toàn cầu, tôi sẽ không còn cô độc nữa. 
Ghi chú:
1. "It's Miller time", tới giờ Miller, như quảng cáo bia (Miller) ở Mỹ.
2. Ca từ của Trịnh Công Sơn không có câu nào là "người yêu chết trận trôi sông" hay trận lạc chợ cả. Chỉ có:
Tôi có người yêu chết trận Chu Prong 
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông 
("Tình ca người mất trí " trong tập Ca khúc Da vàng).
3. Truyện ngắn Trần thị Ngh., Nhà có cửa khóa trái
4. Truyện dài Nhã ca, Ðêm nghe tiếng đại bác5
5. Trường sĩ quan trừ bị ở Thủ Ðức, về sau là trường Bộ Binh Long Thành. 
6. "Honda, Kawasaki, Super Sì-Po 
7. Rồi Yamaha, Suzuki, Honda đàn bà 
8. Xe nào cũng nhào xe nấy 
9. Love Potion number nine!"
10. Ðồng dao
11. Phạm Công Thiện
12. Ðộng Hoa Vàng, Phạm Thiên Thư
Nguồn: talawas.org





ĐÔNG PHƯƠNG HỒNG QUẦN, NỮ QUYỀN GIANG THANH

Tôi tôn trọng và tán thành những hoài bão của Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan. Đó là một Căm Bốt độc lập và không luồn cúi, thịnh vượng và phú cường, phục hồi được sự vẻ vang của thời Jayavarman II. Tôi cổ võ và chia sẻ những giá trị của Đảng Kampuchea Dân chủ, nhằm thực hiện dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản một xã hội công bằng và bình đẳng, dân chủ và tự do, nơi người không còn bóc lột người. Nếu tôi theo chân đế quốc, tay sai phản động thì tôi đã có được dịp cười trên xác một triệu rưỡi. Nhưng đằng này tức tưởi, công nông đâu chẳng thấy, chỉ có 3 ông khoa bảng ở Tây về, mang theo mớ kiến thức đủ để sai khiến một bọn thò lò mang súng, trong 4 năm cầm chính đủ gây ra diệt vong một phần tư hay là một phần ba dân tộc. Sự kiện khốn nạn này không làm tôi suy suyển ước vọng hay niềm tin như đã kể, nhưng cũng làm tôi trở nên thận trọng hơn chút xíu với những danh nghĩa được phô trương và những lá cờ phấp phới. Tôi hó hé rằng chắc chẳng nên ái quốc kiểu Khơ Me Đỏ, yêu con người và xã hội kiểu Angkar, và đằng hắng sau khi đọc bài “Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực” cho tôi xin được phép khẳng định Nữ quyền một kiểu khác với Nguyễn Trần Khuyên. 

Xin nói ngay, những thành phần khác được nêu đến trong bài trên, Tiền Vệ, Hợp Lưu, Mở Miệng, Đinh Linh, Nguyễn Quốc Chánh... đối với tôi chỉ là bạn pháp trường. Tôi xin chào, vì dù sao cũng ở đầu đài chia nhau một mảnh khăn bịt mắt. Nhưng chính người viết, Hồng quần phấp phới Nguyễn Trần Khuyên, đối với tôi mới là đồng chí kính yêu. 

Trong phần ưu ái Tạp chí Thơ, số 28, tác giả lấy một số ảnh nhà thơ nữ tham gia chủ đề Rốn và mang ra so sánh với phụ nữ Việt Nam tìm chồng nước ngoài tại một gian hàng hội chợ Singapore. Sự so sánh này thật ra chỉ ngây ngô (tức là vui và cũng nên làm, vì sự vui ở cuộc đời tuy không hiếm nhưng bao giờ cũng thiếu). Giờ có thấy tôi mặc quần lót Victoria’s Secret thì tôi cũng chỉ chung với siêu người mẫu Heidi Klum có được một mẫu quần thôi, chẳng thiệt hại gì đến danh dự của nước… Đức! Các nhà thơ nữ bị phê bình và các cô có bằng C Trung Quốc phổ thông trong trường hợp này cũng chỉ chung nhau cái hở rốn, có thể đồng ca Phật đã hở rốn rồi/ Chúa đã hở rốn rồi/ Này anh hở rốn cùng tôi! Điều ngạc nhiên ở một nhà nữ quyền là vị này lẫn lộn “nữ quyền” với “quốc thể”. Thôi chết rồi! Lại rơi vào bẫy của bọn đàn ông! Phong trào lấy chồng ngoại bị dư luận lên án vì dư luận này do bọn Đực dẫn đầu, luôn sợ mất “của” nhà và lại thích “trả thù dân tộc”. Ta (đàn ông Việt) sang cửa kính Amsterdam (bày gái Tây mại dâm) thì ta hún hớn, nhưng kính Singapore (bày gái Việt kiếm chồng) thì ta lợm giọng! Phụ nữ Việt Nam không phải của đàn ông Việt Nam, họ muốn lấy chồng đâu thì lấy, vì những lý do của họ, tình cảm, tiền bạc hay gì đó nữa, tùy họ quyết định. Nếu là vì kinh tế, mong ước một cuộc sống đầy đủ hơn thì nên phê bình trước hiện tượng lấy Phó Giám đốc ở ngay trong nước? Ở đây không ai ép, có chăng là hoàn cảnh, nhưng lấy chồng Việt còn được nghe nó chửi bằng tiếng mẹ đẻ ngọt ngào, hơn là phải nghe anh ấy âu yếm bằng tiếng Tàu mà không hiểu? Giờ những phụ nữ này không muốn lấy chồng (Việt Tây Tàu), hay muốn lấy “vợ” Thái Lan tôi thấy cũng được nữa. Phụ nữ không phải là của đàn ông, phụ nữ không phải là của ai hết, và không phải là của… Nguyễn Trần Khuyên. Tôi xin hãy tôn trọng những quyết định về đời sống và về thể xác của chính họ. Nói đến cùng, dù có là trường hợp mãi dâm (tất nhiên là trường hợp tự nguyện) cũng phải tôn trọng, chẳng cớ‎ gì đàn ông bán nước còn chống chế và giải thích được mà phụ nữ không có quyền tự bán, hay là cho thuê dài hay ngắn hạn có mỗi cái thân! Tôi xin tác giả đừng ngồi ở bàn viết mà chấm ngòi bút vào nước nhờn (rất khó ra) của chị em buôn phấn, đây mới là bỉ ổi mà lợi dụng, tàn nhẫn ngang và kém sòng phẳng hơn thằng khách đốn mạt nhất có trả tiền (Tú Xương xin miễn). Nguyễn Trần Khuyên đừng nói đến đĩ điếm thì hơn. “Tôi biết đĩ, tôi là bạn của đĩ, ông/bà Nguyễn Trần Khuyên, ông/bà không phải là đĩ!” [1] 

Số 28 của Tạp chí Thơ có 26 người lộ rốn, trong đó ngẫu nhiên mà 13 là Nam và 13 là Nữ. Đây, tôi kể phía Nam trước vì Nguyễn Trần Khuyên quên bẵng mất sự công xúc tu sĩ của 13 người đàn-ông-trời-sinh-ra-nhưng-cũng-có-rốn. Tôi hơi buồn vì tác giả trương ảnh của Lê Thị Thấm Vân, Đỗ Lê Anh Đào v.v... ra làm bằng chứng mà không trương ảnh của tôi ra (hay ảnh của Phan Ni Tấn, đăng cùng trang trong ngày - www.tapchitho.org/wpages/p050315.jpg), mặc dù tôi là người chụp đầu (theo truyền thống khoe rốn đi trước) và quảng bá tấm ảnh này đủ các kiểu? Chuyện quân bằng Nam-Nữ ở đây không hề có chủ ý, chỉ là tình cờ khi đến hạn báo lên khuôn. Nhưng dù có mấy nam mấy nữ cũng chẳng phải là bêu riếu riêng các bà hay các cô. 

Từ đó, mang cửa hàng website của tapchitho.org mà ví với triển lãm hôn thê Việt Nam ở Singapore là thiếu lương thiện, sao không ví với gian hàng triển lãm đàn ông Đại Cồ Việt ở Nhật Bản? Rồi, tôi nhận, là vì không có (tiếc thay) đàn ông ta xuất cảng sang xứ Phù Tang, trong khi lấy chồng Đài Loan đang là sôi nổi một phong trào. Nhưng trong số Rốn này để che giấu động cơ kích dục đàn ông, tapchitho.org đã hoả mù tải thêm nào là thanh niên Palestine phải vén áo tụt quần cho quân Israel xét, nào là thương binh, tù binh Iraq bị quân nhân Hoa Kỳ vạch bụng ra mà hành quyết. Dĩ nhiên những trang này chỉ kích thích những tâm hồn bệnh hoạn nên đã được Nguyễn Trần Khuyên không nhắc đến tuy là lông lá thì cũng không kém một nhà thơ nữ nào. Thánh Gandhi hay thần Hy Lạp cũng đã phải góp phần ở trên những trang ấy,‎ chuyện so sánh với Singapore của Nguyễn Trần Khuyên thật ra cũng thú vị, thật tiếc là đến muộn. 

Thú vị đặc biệt là khi Nguyễn Trần Khuyên đổ cho tapchitho.org còn nhận cả sự trợ giúp của các văn phòng bác sĩ thẩm mỹ (còn Hoa hậu Phu nhân Hoàn vũ đâu rồi, sao không rời dĩa nhạc Thúy Nga mà sang quảng cáo ở website của chúng tôi?). Ở đây thập thò không còn là hằn học dân tộc (như trong phần Singapore) mà mỉa mai giới trí thức y học! Mà bác sĩ thì đã sao nào? Theo tôi biết (vì chẳng để ý đến việc hạch bằng chuyên khoa gì gì của các thi văn hữu), trong 26 hình tham dự chỉ có rốn của một thầy thuốc, không thể đổ bệnh cho cả tập thể. Còn nếu vẫn cứ khăng khăng kỳ thị thì tôi xin thành lập Mặt trận Giải phóng Bác sĩ, Y sĩ toàn thế giới, liên kết lại! Họ chẳng có gì để mất cả, trừ bằng hành nghề [2]. 

Việc suy đoán nhầm lẫn của Nguyễn Trần Khuyên, một phần, tôi phải nhận, là do lỗi chúng tôi khi nghĩ rằng nếu đùa mà không nửa thật thì sẽ bớt vui đi cỡ… 50%. Tuy là ở đây, cái đùa này thuộc loại hàng phá giá hai ba bận, tính “thật” (và tính vui) chỉ còn có 5% thôi. Vậy mà Nguyễn Trần Khuyên vẫn còn tin thì (Nguyễn Trần Khuyên) mới là tài! Thực ra, nếu đã trịnh trọng kiểu khăn đóng váy dài thì cái đùa có cho không vẫn tưởng là thật. Ở đời, với những vị này thì chẳng có gì mà đùa được hết, thảo nào mà dưới thời cai trị của “Tổ chức” ở Căm Bốt chẳng thấy ai cười. Nhân tiện, xin nhắc là nhìn kỹ, các ảnh “trước” và “sau” khi giải phẫu có cả ảnh bụng và mông đàn ông đấy. Còn nếu Nữ quyền là phụ nữ mặc đồ trận (cười tươi) và đàn ông khỏa thân (hấp hối) thì xin tham khảo các ảnh chụp ở trại tù binh Abu Ghraib (http://www.antiwar.com/news/?articleid=2444). Tôi đề nghị phát động phong trào quyên góp, trao huân chương, tạc tượng anh thư Lynndie England, nữ chiến sĩ của Nữ quyền tại Iraq và nữ chiến sĩ của Dân chủ tại Trung Đông. 

Chuyện Tạp chí Thơ chỉ là chuyện tầm phào, vui cho qua một số báo, ai phê bình thì cũng chẳng sao (tuy chẳng phải là ai cũng muốn hiện hữu bằng cách “trí thức” hay là “tự do” hơn nơi này nơi kia đâu, không phải là ai cũng bác sĩ mà ngốn nghiến hoa hậu. Trí thức thì tôi không biết là gì, nhưng tự do là một thái độ và đó không phải là thái độ lên gồng, mỏi gân lắm.) Điều tai hại là đã có đủ thứ nhân danh trên đời, Nguyễn Trần Khuyên cứ việc làm thơ hay viết thư giấu tên, đổi họ mà gửi khắp nơi nhưng xin để Nữ quyền yên. Đã đành là nhà hàng Tây Ban Nha, chỉ có những món ăn hay uống mà thực khách, ẩm khách tự mang vào nhưng đừng làm bẩn nó như vậy. Đến nỗi ở Nguyễn Trần Khuyên có cả tội “tư tưởng”, đúng ra là tội tơ tưởng, khi chỉ có nghĩ đến phụ nữ (nhìn hình, nhớ nhung, mơ mộng) mà thủ dâm cũng bị liệt vào hàng lợi dụng thân thể của họ! Theo bình thường hiểu, thủ dâm là lợi dụng thân thể của… một mình [3]. Vậy còn nhìn hình, nhớ nhung và mơ mộng mà… làm thơ thì sao? Thế thì Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng/ Đang đêm nhớ nàng Dương Quí‎ Phi ngoài chuyện lợi dụng thân xác (ngà ngọc) của bà này còn thêm tội khi quân, tội bè lũ với khủng bố (bin Lộc Sơn), phá rối trị an, toan tính lật đổ nhà nước (Đường) và thêm bệnh luyến ái tử thi, làm tình với xác chết (đã thắt cổ từ 1200 năm rồi)! 

Bi ai là tác giả bị ám ảnh (nặng à nhe) bởi thứ ông/bà cho là đàn ông có thể lợi dụng được, đó là thân xác của phụ nữ. Đây tuy (từng) là vấn đề của nhiều thiên niên kỷ và vẫn còn có thật ở (hơi) nhiều nơi nhưng lại là chuyện dễ giải quyết nhất [4] trong tranh đấu chống phụ quyền, đã giải quyết từ khi chiếc nịt vú đầu tiên được mang ra thiêu trước công chúng hay từ khi đàn bà nhồng nhộng cũng như đàn ông ngoài bãi biển, công viên. Ở “nhu” vị (tôi không dám dùng chữ “cương”) nho nhỏ và mềm mềm của tôi (gọi cách khác là xinh xắn và dễ thương), thì phụ nữ có khối thứ khác để mà bóc lột và lợi dụng, sức lao động và trí thông minh, óc sáng tạo, sự nhạy bén và kiên nhẫn, tính chuyên cần và quyết định, lòng quả cảm, vị tha và hy sinh và vô khối những đức tính khác mà đàn ông nếu có thì phải là ít hơn. Và đã bị họ (đàn ông) triệt để lợi dụng không một chút thương tiếc, nếu không lo canh giữ thì thôi chứ, hơi đâu ở đó mà lo việc hở rốn hay mông. Ít ra là phần (mông) này, đàn ông còn ít nhiều đắm đuối, sẵn sàng tích cực và trao đổi, nếu nói cho cùng thì chẳng ai lợi dụng ai (hơn ai?). Rửa chén lau nhà cày ruộng trông con thì mày làm hết, tao xem bóng đá, ôi, chỉ có mỗi cái cởi quần ra thì tao chủ động hay là nam nữ đề huề. 

Nữ quyền để mà phản đối việc hở rốn thì là lường gạt và lường gạt không ai khác hơn là phụ nữ! Những vấn đề của Nữ quyền là về mặt chính trị, một nửa Hội đồng Chính phủ, một nửa Quốc hội, một nửa các chức vụ lãnh đạo cho phụ nữ. Là về mặt kinh tế, mức lương người lao động nữ cao bằng lao động nam; là việc trong nhà (trông trẻ, làm cơm) dù bởi đàn ông hay đàn bà phải được coi là sản xuất kinh tế không phải là chuyện đương nhiên hay là chuyện phục vụ chùa; là sinh đẻ phải được xã hội đền bù thiết thực về phần khó nhọc chứ không phải chỉ đền bù bằng văn thơ về tình mẫu tử, tuyên dương bằng nút phéng ve chai. Còn về mặt xã hội, là làm chủ thể xác của chính mình, tặng không hay là bán đắt bán rẻ, quyền lựa chọn phối ngẫu nhân tình, kết hôn ly dị với Đài Loan hay là cùng giới tính (cùng giới tính người Đài Loan), ngừa thai hay là hủy hay là sinh đẻ. Đó là vài chuyện để công bằng, hẳn còn nhiều lắm. Ai muốn mặc quần xệ đến đâu hay váy ngắn thế nào, cứ việc tối đa, chí ít là hở rốn trên đường nếu không ngang với đàn ông cái quyền hở vú ngoài phố [5]. Về mặt phục sức này, không đùa, xin hỏi ‎phụ nữ Iran, Saudi. Họ chẳng hở ra được gì để phục vụ cho Đực cả. 

Không tranh đấu cho cả đời bị chèn ép và áp bức, bóc lột và lợi dụng, ngoài xã hội trong gia đình, Nữ quyền Nguyễn Trần Khuyên chỉ bị ám ảnh bởi thể xác bị “lợi dụng”, cái 5 phút duy nhất được bình đẳng lúc trên giường, lúc mà người ta yêu nhau (còn tình cảm, thương yêu, trìu mến, chẳng ít thì nhiều, bỏ đi đâu?) Tôi xin thưa, đó là lúc hiếm hoi đàn ông vui lòng mà chấp nhận nằm dưới! Nhắm vào vấn đề thân xác theo chiều hướng cầm tù này không phải là rỗi hơi, không phải là dở hơi, không phải chỉ là bần tiện, mà là tội ác. Phụ nữ không phải chỉ có mông và vú để mà đánh mất, mà còn có mông và vú để mà hưởng, và họ còn có rất nhiều thứ khác giá trị hơn để mà giành lại. 

Giờ nói đến văn chương, thi ca, nghệ thuật “phải đạo” (đạo Politically Correct, hay là đạo gì khác) thì không biết phải nói gì nữa đây. Năm nay cả nước được mùa, phong trào phụ nữ cũng ùa nằm… lên??? Mấy năm trước tại Việt Nam có hô hào phong trào thơ hiện đại hoá, cơ giới hoá nông thôn (là việc ở một nước nông nghiệp chưa phát triển hẳn là điều cấp bách và cần thiết). Lý Đợi và Bùi Chát chưa kịp thấy tham gia thì nay Nguyễn Trần Khuyên đã ra nghị định mới về việc phát động nữ quyền (là việc ở một nước nông nghiệp chưa phát triển là điều hẳn cấp bách và cần thiết không kém). Riêng Đinh Linh thì khi nào đi lao cải xong và thả về mới được động đến đề tài mẫu thân! Những quan hệ giữa nghệ thuật và xã hội không rõ thế nào nhưng phải phức tạp hơn là Hồng Vệ binh Nữ quyền Nguyễn Trần Khuyên nghĩ. Nếu không thì đỉnh cao không thể vượt (và cũng là toàn bộ nghệ thuật phim ảnh) chỉ có từ Bạch mao nữ đến Đội nữ Hồng quân! Nếu phải như vậy, tôi đề nghị nên đọc lại “Về mâu thuẫn” của đức ông chồng trong Mao tuyển. 

Nã súng vào Tổng hành dinh! Bài Lâm, bài Khổng! Thứ nữ quyền mà tác giả Nguyễn Trần Khuyên hô hào nhân danh là cái tôi không biết gọi là gì, thực ra gần đây đang được hồi sinh ồn ào trên thế giới, bắt đầu là tại Mỹ bởi phong trào Ki Tô Cơ Bản [6] nhưng được ganh đua mạnh mẽ tại những nơi khác, điển hình là tại Afghanistan bởi phong trào bảo vệ nữ quyền và tiết hạnh Taliban. Xin dẫn chứng bằng ảnh kèm và cảm ơn Pháp sư Omar, thuộc thành phần trí thức giáo sĩ chứ không phải là y, đã vui lòng cung cấp tài liệu và bảo trợ cho bài viết này trên talawas. 
TB: 

Bài viết trên hoàn tất trước khi “đơn kiến nghị” bài bác và tẩy chay Tạp chí Thơ được phổ biến bởi “Nhóm Nguyễn Trần Khuyên” (xin xem nguyên văn toàn bộ hai bản Việt/Anh trên http://www.tapchitho.org/petition.htm. Sự ngây ngô thì vui, khi trịnh trọng trở thành lố bịch (và càng vui hơn?) Tạp chí Thơ không phải là một cơ chế quyền lực để mà xứng đáng được đối phó với một cách nghiêm trang như vậy, đúng ra gọi là Tạp chí Thẩn và sau khi có kiến nghị này đâm ra thành Tạp chí Thẫn Thờ! 

“Lời hiệu triệu” trên của một nhóm “nữ quyền” không phân biệt được “Sexism”với “Misogyny”, trích dẫn vội vã, xem xét qua loa và xuyên tạc bất lương. Chuyện ngày càng lõa lồ, đủ tư thế, mà đặc biệt chỉ của phụ nữ không hẳn là như vậy (http://www.tapchitho.org/wletters/voi_docgia.htm và còn nhiều nữa). Người đọc chỉ cần vào mạng để tự thẩm định sự qua loa, vội vã và bất lương đó. Nhiều mông phụ nữ gần đây thì không thể chối cãi, chúng tôi sẽ cân bằng sau này với chủ đề đặc biệt Nghiệp đoàn Thợ hớt tóc Nam, chỉ đăng tải toàn hình đầu đàn ông, nhìn ngang, nhìn nghiêng, trước trán và sau ót. Còn có xúc phạm, lăng mạ phụ nữ; bảo vệ và duy trì chế độ dương quyền hay không là những ‎ý kiến xây dựng mà chúng tôi tôn trọng và đón nhận, sẵn sàng đăng tải và thảo luận rồi từ từ may ra mới dám tự xưng mình là sân chơi cấp tiến (!!!) chứ chưa từng tự xưng như đã bị vu oan. 

Nhờ được nhắc nhở lạm dụng tự do ngôn luận, chúng tôi mới được biết là cũng có thứ tự do này, cũng như tự do kêu gọi tẩy chay, ủng hộ kiến nghị… Nếu vì vậy số độc giả dài hạn của Tạp Chí Thơ từ ba người hiện nay, sau xuống còn có hai người rưỡi thì cũng là rực rỡ thành công (độc giả nữ, chúng tôi chỉ tính là một nửa). 
[1]Trong cuộc tranh luận truyền hình giữa các ứng viên Phó Tổng thống Hoa Kỳ năm 1988, TNS Dan Quayle (liên danh Cộng Hòa, Bush cha), lúc đó còn rất trẻ, phát biểu rằng “Ông Kennedy vào tuổi này đã làm Tổng thống”. TNS Lloyd Bentsen (liên danh Dân Chủ, Dukakis) bắt ngay “Tôi biết Jack Kennedy, tôi là bạn của Jack Kennedy, TNS, ông không phải là Kennedy!”
[2]Dù sao, cũng xin cảm ơn Nguyễn Trần Khuyên, đã vô tình mà rọi đèn vào số báo tối tăm này. Nhờ sự thơ ngây (?) của tác giả, những người tham gia và thực hiện có dịp để ngẫm lại về việc làm của mình, đưa rốn ra phơi bằng ảnh quan hệ thế nào với sáng tác của họ. Lấy nghĩa đen để làm sáng bóng, mà lại đen bóng hạt huyền, tức là thực ra Nguyễn Trần Khuyên biết đâu chẳng là thâm thúy?
[3]Đây cũng lại là nhà hàng Tây Ban Nha nữa, ở Úc gọi là BYO (Bring Your Own).
[4]Đúng hơn là giải quyết được đầu tiên, vì cũng không phải là dễ đâu, như Nguyễn Trần Khuyên cho ta thấy.
[5]Ngoài việc tự nhiên thôi, “Bởi vì tôi thích thế”, nói kiểu Tổng Giám Đốc Nguyễn Xuân Hiển và còn tha thứ được, một số phụ nữ băng hoại còn tiếp tay (xin lỗi Kiệt Tấn) cho dục vọng của đàn ông bằng cách khoe quần lót có khẩu (!!!) hiệu chống Tổng thống Bush (http://www.axisofeve.org/) hay là cởi truồng ra mà phản đối chiến tranh (http://www.commondreams.org/headlines03/0208-06.htm). Phe ủng hộ ông Bush, và phe ủng hộ chiến tranh chẳng bao giờ tự tụt quần mình mà chỉ có tụt quần tình nghi ra khám hay tụt quần tù binh ra đánh như đã đề cập ở trên.
[6]Đang vận động cấm phá thai trở lại, giờ đang đòi cấm cả thuốc ngừa, mai kia có cấm hở rốn (và cấm cả mơ màng đến hở rốn) thì cũng chẳng lạ.


Nguồn: talawas.org

1 comment:

  1. Chú thích: Tác giả Ngụy Saigon đã phản biện tác giả Đỗ Kh. bằng bài báo "Nhà Dzăng Đỗ Kh, Tay Bưng Bô Hạng Bét": https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/02/04/nha-dzang-do-kh-tay-bung-bo-hang-bet-nguy-saigon/

    ReplyDelete