ĐỖ KH. - NHỮNG CÁI CÂN BẰNG CỦA MỘT CUỘC CHIẾN / NGƯỜI (NHIỀU) DẦU CŨNG KHÓC / NƯỚC MẮT NHUỘM ERMENEGILDO ZEGNA / THƯA QUÝ TÒA, NÓ ĐỊNH GIẾT TÔI / ERNESTO “CHE” NASRALLAH / 2.263 USD, MỘT ÁO TẮM ĐÀN BÀ - phiếm


NHỮNG CÁI CÂN BẰNG CỦA MỘT CUỘC CHIẾN

Tôi xin cám ơn phản hồi của Hoà Nguyễn, đáp ứng nhu cầu cân bằng những cái nhìn về cuộc chiến tại Trung đông, khi ông trình bày quan điểm ở đây không những (và không hẳn) của cá nhân ông mà còn là của tuyệt đại đa số truyền thông đại chúng Tây phương, cái gọi là MME (Mass Media Establishment). [1] 

Việc phân thắng bại chiến sự vừa qua giữa Israel và Lebanon thì chỉ việc nhìn phía nam và bắc hai bên biên giới, một bên bị tàn phá và chết bộn người già con nít nhưng phấn khởi và hân hoan (phía Lebanon), bên kia thì thiệt hại sơ sài (mày đưa tao cây chổi) nhưng vật vã vạch tội và chỉ trỏ lẫn nhau ngay cả trong “nội các thời chiến”. [2] Chuyện gây ra thảm hoạ cho họ mà không hỏi ý bởi Hezbollah, người Lebanon đã trả lời bằng cách ủng hộ Hezbollah ở mức 80 % (để so sánh, chuyện gây ra thảm hoạ cho họ mà không hỏi ý bởi Hoa Kỳ, người Iraq đã trả lời bằng cách đòi người Mỹ rút về ở mức 82%). Chuyện hối tiếc chiến tranh bởi chính Nasrallah thì theo tôi là cái nhã nhặn và xa xỉ của kẻ thành công, không phải là cái cay cú của kẻ thất bại. Nhưng thắng lợi hay thất bại tinh thần khó mà đo đếm, ta thử xem cân bằng về những mặt dưới đây: 

Người chết 

Người thua thiệt là những người chết như Hoà Nguyễn có nhắc đến và dùng tiêu chuẩn này thì về mặt thường dân phía Lebanon thua to: từ 1.200 đến 1.600 (?) mạng. Phía Israel đại thắng mùa hè này, là 43 người (4 người qua đời vì đau tim khi nghe tiếng nổ) theo Bộ Ngoại giao Israel. 
Tuy nhiên, nếu thường dân Israel vô tội thì thường dân Lebanon có tội ủng hộ, che chở và cổ võ khuyến khích khủng bố [3] nên cần phải phân biệt, chí ít là theo Bộ trưởng Tư pháp Israel Haim Ramon. [4] Trong số thường dân Israel thiệt mạng, vẫn theo lập luận này, thì có 18 người thuộc sắc tộc Ả rạp, và vì thế không được vô tội cho lắm (xin đọc tiếp bên dưới). 

Số có tội, cầm súng, là phía Lebanon, 17 thuộc phong trào Amal (Shia thế tục), 12 thuộc Đảng Cộng sản, 74 thuộc tổ chức Hezbollah và 46 thuộc quân đội quốc gia, không tham chiến và chỉ có tội đứng ngơ ngẩn giữa đàng. Theo Israel, 500 khủng bố bị trừng trị xác đáng. Số quân nhân Israel bỏ mình vì chính nghĩa tự do, hy sinh trên tuyến đầu của dân chủ và hoà bình thế giới là 117. 

Tị nạn 

LebanonIsrael mỗi bên đều đưa ra con số một triệu người. Trong khi người Lebanon tị nạn đi tránh bom gặp phải… tên lửa, thiếu điện thiếu nước, ở công viên hay trường học, thì người Israel lánh nạn bằng cách ở nhờ nhà thân hữu và gia đình. Miền bắc Israel trong tầm hoả tiễn dân số là 1,2 triệu, trong số đó 600.000 là sắc tộc Ả rạp. Theo kinh nghiệm quí‎ báu từ 1948, người Israel Ả rạp không một ai sơ tán, vì rời nhà họ sợ sẽ bị người Do Thái chiếm mất. Bộ trưởng môi sinh Israel Gideon Ezra tuyên bố là các khu vực Ả rạp sẽ không được chính quyền trợ giúp vì “trong thời gian chiến tranh họ vẫn nhởn nhơ tại chỗ như không có việc gì”. Như vậy, 1.200.000 trừ 600.000 Ả rạp, còn lại là 600.000 người Israel Do thái. Vẫn theo chính quyền thì 300.000 người này phải xuống ngụ tại hầm và nếu ngụ tại hầm thì không sơ tán vì người Do tuy được Thượng đế cưng chiều cách mấy vẫn chưa có thuật phân thân và một người ở được hai nơi. Như vậy số tối đa phải ra đi tị nạn là 300.000 chứ không phải một triệu, trừ khi tính cả những người vào dịp hè này đi nghỉ mát trong nước và ngoài. [5] 

Vật chất 

Lebanon bị thiệt hại 31 trọng điểm (phi cảng, hải cảng, nhà máy điện nước…), 25 trạm xăng, 80 cây cầu, 94 lộ giao thông, 900 cơ sở kỹ nghệ và thương mại và 15.000 hộ gia cư. Israel cũng bị thiệt hại 12.000 công trình xây dựng (building structures) nhưng không rõ có kể chuồng bò (cũng là building structures). Thiệt hại ở Israel chủ yếu là do pháo 122mm gây ra, một số nhỏ tầm trung 203mm. [6] Các tên lửa này, mang 15kg chất nổ, 4.000 quả không thể nào tàn phá 12.000 nhà (1 trái sập 3 nhà?). Gặp nhà gạch (như ở trong vùng), tên lửa đục một lỗ chui vào, miểng văng tung tóe, trúng người thì chết nhưng chưa hẳn đã sập một tường hay tróc một phần nóc. Như vậy 12.000 thiệt hại này là các hộ chung quanh vỡ kính, miểng trúng vào tường làm sứt vôi xem rất thiếu thẩm mỹ… (mày đưa tao cây chổi và chạy ra mua tí vữa). Ngược lại, nếu đánh bằng bom Mk84 khôn hay là dại thì cũng 906kg chất nổ một trái, cửa kính vỡ hẳn sẽ hơi bị nhiều hơn. Cá nhân tôi, nếu được lựa chọn, thì sẽ chọn ở dưới pháo Hezbollah một năm (4.000 x 12 = 48.000 tên lửa) thay vì ở dưới hoả lực của Israel một tháng (186.000 địa pháo, 7.000 phi tuần đánh bom và 2.500 hải tuần đánh pháo, theo Bộ Quốc phòng Israel). Ai chưa từng ở dưới phi pháo, hải pháo và địa pháo để biết thế nào thì chỉ cần xem hình thời sự để phân biệt các vũ khí này tàn phá ở Lebanon và ở Israel ra sao. 

Về mặt cứu trợ, Hoà Nguyễn đã có liệt kê phần Lebanon được Ả rạp, Iran và thế giới mủi lòng, [7] trong khi Israel côi cút và túng thiếu nên đã phải đi đến quyết định là sẽ không giúp đỡ được các nạn nhân chiến cuộc tại Israel… thuộc sắc tộc Ả rạp! Các cơ sở kỹ nghệ người Do phải sơ tán thì được trợ giúp nhưng cơ sở người Ả rạp thì không. Một doanh nhân Ả rạp đang đi kiện, ông không được trợ giúp vì ông không sơ tán nhưng ông không sơ tán vì một pháo đội Israel đóng trong thời gian này ngay tại nhà ông! 

Hoà Nguyễn cũng đã chỉ ra đúng đắn là tại Israel có biểu tình, có phản đối là vì Israel là một chế độ dân chủ. Theo thiển ý, đây cũng là sức mạnh của Israel trong những cuộc chiến trước đây khi đối diện với các quân đội của các chế độ độc tài Ả rạp. Sự bình đẳng và dân chủ trong quân đội Israel mà đại đa số là quân nhân trừ bị (70%) là một yếu tố lớn về mặt tinh thần cũng như ngay cả về mặt chiến lược và chiến thuật. [8] Tuy nhiên, đang có chiều hướng muốn chuyển quân đội thành nhà nghề (như Hoa Kỳ) và tư hữu hoá các dịch vụ hậu cần (như Hoa Kỳ). Israel lập quốc trên huyền thoại kibbutz (hình thức hợp tác xã không có tư hữu và phương tiện sản xuất chung) và đánh bại Syria, Jordan, Egypt nhưng không thắng nổi Hezbollah vì vừa rồi tiếp vận ẩm thực của các hãng thầu tư đã đáp ứng rất là bê bối các nhu cầu cấp bách của chiến trường! [9] Nhưng quan trọng hơn, là có thể nói đến dân chủ được không khi cả khái niệm quốc gia Israel là một khái niệm kỳ thị tôn giáo và chủng tộc, kiểu Nam Phi trước đây tức là da trắng thì dân chủ với nhau nhưng da màu thì không hề được dân chủ với da trắng. Tại Israel 1,5 triệu người Ả rạp là những công dân hạng nhì, chưa nói đến 3,5 triệu người Palestine ở những vùng bị chiếm, 5 triệu người bị trục xuất khỏi đất nước của họ và lang bạt lưu vong. 

Để cân bằng các cái nhìn, ta thử tưởng tượng, năm 1948, thực dân Pháp trao sáu tỉnh Nam kỳ cho người Do Thái vì họ bị người Đức tàn sát và bạc đãi và họ “phải sống còn” giữa 80 triệu người Việt hay một tỉ rưỡi giống da vàng. [10] Năm 1967, họ chiếm thêm Lâm Đồng Phan Thiết, sau hiệp định Oslo từ 1994 cho tự trị chút ít làm quà nhưng nay tràn qua, mai công hãm, phong toả, [11] các đại biểu dân cử thì bắt cóc một nửa, nội các của chính quyền (dân cử trong một cuộc bầu cử công bằng dưới sự giám sát quốc tế) thì bắt một phần ba. [12] Cam bốt vì lý do “chứa chấp” thì xâm lấn, đóng quân ở miền tây lãnh thổ của họ trong vòng 18 năm (1982-2000) để “bảo vệ biên giới” của mình. Muốn bắt ai thì bắt cả ngàn ngang nhiên, đến khi một tổ chức Cam bốt bắt hai người để trao đổi tù binh thì là “vô cớ” và phải tiêu diệt! 

Hoà bình lâu dài tại khu vực, như ông Bush mơ tưởng, giản dị chỉ cần Israel trở về biên giới 1967, nghĩa là tiếp tục chiếm 77% của lãnh thổ Palestine và trả lại 23% cho họ với Đông Jerusalem làm thủ đô, của ít lòng nhiều, và thôi sách nhiễu, bắt nạt và trấn áp chính quyền dân cử của người Palestine. Và một đề nghị nữa, đừng theo Hoa Kỳ (hay thay Hoa Kỳ) mà đánh bom Iran nhé! 
[1]Sức mạnh tuyên truyền và áp lực của Israel còn gấp bội quân đội hùng hậu này. Đại biểu bang Maryland Chris van Holland vì lỡ lời chỉ trích chính quyền Bush không đòi ngưng bắn (và vì thế đụng chạm đến Israel) nên đã phải tạ tội bằng cách bay ngay sang Israel viếng thăm các nạn nhân chiến cuộc và bày tỏ sự ủng hộ quốc gia bị đe doạ này. Ở Hoa Kỳ, có thể chỉ trích chính quyền Mỹ, nhưng không thể chỉ trích chính quyền Israel. Tổ chức Human Rights Watch lỡ lời (chút xíu, chút xíu) phê bình chiến thuật nhân đạo của Israel tại Lebanon liền bị tố cáo là kỳ thị Do Thái, giám đốc Kenneth Roth của HRW bị ví ngay ngang hàng kỳ thị với Mel Gibson (ông Roth là người gốc Do, bố mẹ và gia đình là nạn nhân của Holocaust).
[2]Bộ trưởng Quốc phòng Peretz cho rằng Ủy ban điều tra của Thủ tướng Olmert như thế chưa đủ.
[3]Dĩ nhiên là thường dân Israel không hề ủng hộ yểm trợ cổ võ du kích Hezbollah mà chỉ ủng hộ “quân đội đạo đức nhất thế giới” (Olmert) cho nên họ hoàn toàn vô tội (trừ thành phần Israel thuộc sắc tộc Ả rạp, không có hầm trú và không có cả còi báo động, đáng đời).
[4]Ông Ramon mới phải từ nhiệm vì bị buộc tội cưỡng bách tình dục, dắt một nữ quân nhân 18 tuổi vào phòng trong đè ra hôn sau khi cô này xin chữ k‎í và chụp hình chung lưu niệm (tức là đưa đẩy khiêu dâm thách thức và gợi dục chứ không phải là “vô cớ” như Hezbollah). Theo ông thì cô này hôn ông lên miệng (nên ông mới thọc lưỡi vào?) Chuyện sách nhiễu này ở cấp bộ trưởng không đến đâu, chủ tịch nước Moshe Katsav đang bị tố cáo cùng với tội nhận quà. Nhưng tội nhận quà thì đã có chủ tịch tiền nhiệm Ezer Weizman tuy ông này không hề sách nhiễu phụ nữ (khi có phụ nữ muốn trở thành phi công không lực, ông chỉ có phát biểu: “Này cưng, có bao giờ thấy đàn ông nào ngồi đan vớ chưa?”) Và nhận quà cũng còn có thêm thủ tướng Olmert, vợ chồng vừa mua một căn hộ trị giá 1.700.000 USD với gía hời (hoá giá?) chỉ có 1.200.000 USD. Nhưng đã có thủ tướng tiền nhiệm Sharon và các con mua đảo du lịch ở Hy Lạp… 
[5]Theo Reuter, bờ biển Tel Aviv chật ních vì tị nạn ở miền Bắc kéo xuống đi tắm. Nhắc lại đây để cân bằng với gia đình 30 người Lebanon sơ tán tại… khách sạn Beverley Hills Hilton tôi đã có nói tới.
[6]Trên website của quân lực Israel có một đoạn phim triển lãm các vũ khí giết người (chứ không phải là vũ khí thương người như của Israel). Ngoài các tên lửa ác ôn nói trên, chống chiến xa RPG và Kornet hiện đại, khúc chót của phim này còn cho thấy hai khẩu súng săn hai nòng (những hai nòng, khiếp thế) loại săn vịt săn chim (đây là vũ khí phòng không của Hezbollah?)
[7]Lại một bất công, 60 quốc gia và tổ chức quốc tế hội tại Stockholm hứa trợ giúp Lebanon 940 triệu USD mà không thấy Israel được đồng nào! Điệu này thì Lebanon chịu đấm (Israel) ăn xôi (quốc tế) trong khi Israel chẳng ăn gì mà còn tốn tiền bom (trong kê khai thiệt hại, BBC). Ngay Hezbollah còn được Iran giúp và cái nhìn cân bằng là Israel không được Iran giúp (mà chỉ mỗi Mỹ giúp)!
[8]Chẳng hạn, hai tiểu đoàn trưởng nhảy dù năm 1967 bất tuân lệnh sát quân của Sharon và kiện lên tướng Dayan đều không bị phạt mà sau này còn lên đến chức Tham mưu trưởng quân lực cả hai (Mordechai Gur và Rafael Eitan). Trong quân lực Syria thì hai vị này chắc đã bị xử bắn tại trận, đừng nói tới thưa kiện. Nhưng đây có lẽ là chuyện xưa rồi.
[9]Xin nhắc lại, Hezbollah có tối đa là 10.000 tay súng theo ước lượng cao nhất và Israel có 9.800 xe bọc sắt và thiết giáp, không kể số được coi là quá date và trừ bị. Trong chiến cuộc vừa qua, tại miền nam Lebanon, Hezbollah có khoảng 3.000 tay súng và Israel sử dụng 34.000 quân tham chiến trực tiếp. Số tên lửa bắn đi là 3.800, bị phá hủy theo bộ tham mưu là 1.800 (trên 10.000?) Số đài truyền hình Lebanon phải ngậm miệng sau khi các cột phát sóng của LBC, Future TV, Al Manar TV (Hezbollah) bị đánh bom là 0.
[10]“Trở về Miền đất hứa” không phải là một điều kiện tất yếu của Zion chủ nghĩa, mà là thành lập một quốc gia Do Thái bất cứ ở đâu cho phép. Đầu thế kỷ 20, phong trào này đã điều nghiên kỹ càng việc thành lập quốc gia tại Brazil và tại Nam Phi nhưng thấy bất khả thi. Nói thêm, tất yếu của Zion chủ nghĩa là sự kỳ thị và đàn áp người Do ở các nước Tây phương mà họ định cư lâu đời (tại các nước Ả rạp và Hồi giáo, ít có phân biệt hơn). Đầu Thế chiến thứ 2, ông Yitzhak Shamir, sau này là thủ tướng và lúc đó là “khủng bố số 2” (theo Menachem Begin, người tự đắc là “khủng bố số 1”) đã liên hệ với Đức Quốc xã đề nghị hợp tác là “Tôi phá rối Anh quốc ở Palestine và nhờ ông trục xuất người Do Thái sang đây hộ”. Chuyện hợp tác này không thành vì Quốc xã không trục xuất người Do sang Palestine mà chỉ trục xuất vào lò thiêu.
[11]Tiền trả lương công chức còn không cho lọt vào, khiến có chuyện ngược đời là bộ trưởng chính phủ Hamas phải cầm lén va-ly giấy bạc mang về nước trong khi ở các nước chưa phát triển, thường là các bộ trưởng cầm lén va-ly giấy bạc để mang ra ngoài!
[12]Dân chủ ở Israel thì có nhưng dân chủ ở Palestine bán tự trị thì Israel không thể chấp nhận, chỉ nên bầu cho những người mà Israel thích!

Nguồn: talawas.org





NGƯỜI (NHIỀU) DẦU CŨNG KHÓC

Khi đọc bài viết của Thomas L. Friedman, tôi cũng bắt chước ông mà chợt nghĩ, liệu nếu các nước sản xuất ngoan ngoãn mà bơm dầu đại hạ giá để chìu nhu cầu của Tây phương và các nước phát triển thì ông tác giả này có phải phí công mà đề ra một quy luật vớ vẩn đến phải buồn cười như vậy? Chẳng qua là ông Putin mới lấy tí gân tí cốt sau thời gian siêu cường Nga bại hoại, ông Chavez dám cứng đầu và ông Ahmadinejad vênh váo với Hoa Kỳ nên mới có một mệnh đề kiểu Archimedes như trên: mọi thứ nhúng vào dầu hoả đều gặp phải một lực phản dân chủ tương đương. 

Bạn đọc Dương Văn Ánh có nêu trường hợp của Canada, vừa có dự trữ dầu vừa có dân chủ. Ngược lại, các quốc gia không có tài nguyên nhiên liệu chiến lược này, thí dụ Yemen, Bắc Hàn, hay Congo gì đó chẳng hạn, thì họ có dân chủ hay không? Bắc Hàn có (hay có tiềm năng) vũ khí chiến lược nguyên tử nên còn được nhắc nhở như là gương xấu. Yemen hay Congo chẳng có gì hết ráo, nên chuyện dân chủ của họ khỏi bàn, và sống chết ra sao thây kệ. Nhưng hỏi ngược như vậy cũng không có tính cách thuyết phục. Định luật của Friedman là càng nhiều dầu thì càng ít dân chủ, chứ không phải là càng ít dầu thì càng thiếu dân chủ. 

Trường hợp của Iran, không có dân chủ là nhất định. Dân chủ ở đây không có từ 1953, sau khi chính quyền dân chủ Mossadegh quyết định quốc hữu hoá dầu hoả từ tay British Petroleum, liền bị CIA lật đổ để củng cố chế độ quân chủ cho đến 1979. Càng nhiều dầu dự trữ thì càng quân chủ [1]? Vấn đề ở đây là giá cả, 60 USD một thùng, chứ không phải là dân chủ, như trò xiếc chỉ ba xu (0,03 USD) của Friedman muốn chứng minh rối rắm. 

Saudi Arabia là một chế độ quân chủ độc tài, không kém Iran phần thần quyền nếu không nói còn khắt khe và quá khích hơn về mặt này, lại kém cả Iran về phần dân chủ. Iran còn có bầu cử (cho dù họ bầu lên… Ahmadinejad), phụ nữ còn có quyền bầu cử và ứng cử, lại được lái xe (tuy không được lái xe mang vớ trắng và phải đội khăn đầu). Nhưng Saudi dùng dầu là để giảm giá thị trường quốc tế, hơi tăng một tí thì họ bơm ra thừa mứa để giá xuống vào mức phải chăng [2], cho nên các vương này được ôm vai bá cổ, vương Bandar (cựu đại sứ tại Hoa Kỳ) được coi như con cái trong nhà (biệt danh của ông là “Bandar Bush”). Chuyện dân chủ của các vị này là việc phụ, nhất là thu nhập từ dầu hoả, họ không dùng để đầu tư vào kinh tế, hay uy vũ quốc gia, mà lại dùng để đầu tư vào kinh tế… Hoa Kỳ, mua công khố phiếu của chính phủ Mỹ, nếu còn thừa sau khi đã mua vũ khí made in USA! Đây quả là một đối tác thương mãi lí tưởng, đã bán nhiều, mà trả giá bao nhiêu cũng được, sau khi bán lại đưa tiền cho người mua giữ hộ, lỡ có cần sài (mà cần chứ, nếu nhìn thâm lũng ngân sách và món nợ quốc gia khổng lồ của Mỹ [3]). Thành thử lúc một công ty United Arab Emirates gặp chống đối khi muốn mua lại một Công ty Anh quốc quản lí các cảng lớn của Hoa Kỳ (nằm trong phần kinh tế chiến lược), TT Bush đã lên tiếng phê bình ngay lập tức việc chống đối này là “kỳ thị”, tại sao Anh quốc thì không sao mà Ảrạp thì lại ngại [4].

Nói qua về Putin, tội của ông không phải là độc tài (tuy nhìn mặt ông thì cũng thấy khiếp đấy), mà ở đây là ông vừa quyết định bán dầu lấy tiền ruble (qui từ dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương, nghĩa là bằng một phần tiền Euro và một phần tiền USD) thay vì lấy thẳng bằng tiền USD như trước đây [5]. Tội phủ nhận Holocaust của Ahmadinejad là chuyện đùa thôi [6], để trẻ con nghe, còn chuyện người lớn là chuyện Iran chuyển sang bán dầu lấy Euro chứ không lấy tiền Mỹ và người đi trước Iran trong việc này thì số phận của ông là đang ra hầu toà ở Baghdad sau khi bị bắt sống trong một cái hang chuột! Dầu hoả đã thay thế vàng trong việc chuẩn hoá đồng USD thành thứ tiền quốc tế, và đây mới là đe doạ sự thống trị thế giới về tài chính của Hoa Kỳ. Như (nhà đấu tranh hoà bình người Israel) Uri Avnery nhận định, nếu Iran (kiểu này tiếp tục) thì nếu có là một quốc gia cư ngụ bởi người Pygmies và theo đạo của ông Dalai Lama thì Hoa Kỳ cũng sẽ vẫn đánh thôi. Tới Hugo Chavez cũng chỉ mới dám thập thò hó hé về mặt (bán dầu lấy Euro) này chứ chưa dám ra tay. Ông Chavez thì chỉ có tội thích mặc áo sơ mi đỏ (và hai túi) chứ cũng chưa thấy ông thiếu dân chủ ở chỗ nào. Ông là một tổng thống dân cử (cũng như cái ông thích mặc áo gió ở Iran), được tín nhiệm và tái tín nhiệm của quần chúng. Thiếu dân chủ có chăng là khi ông bị quân đội bắt cóc và đảo chánh hụt, hình như cũng có sự khuyến khích của Mỹ [7]. 

Như vậy quy luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu mỏ, một quy luật thép, là tài nguyên quốc gia không được quốc hữu hoá, phải để cho các công ty Âu Mỹ khai thác theo ý và trả tiền tùy hỉ. Thu nhập từ dầu mỏ không được dùng vào việc đầu tư cho quốc gia mà dùng vào việc đầu tư cho Hoa Kỳ, và ngược lại thành phần lãnh đạo được quyền tiêu dùng vào việc mạ vàng xe con thoả thích, nếu không nghe thì các tác giả như Friedman cho là thiếu dân chủ, mài dao để sửa soạn dư luận trước khi Trung ương Tình báo giết. Đây là một quy luật giản dị và dễ hiểu, đã được áp dụng khắp nơi từ nhiều thập niên nay. Không phải vô tình mà ông Friedman nhắc đến Obasanjo ở Nigeria, nếu không có địa phương phản đối, chống đối các công ty khai thác Tây phương. Không phải vô tình mà chẳng ai nhắc đến nhà dân chủ Obiang Guema ở Equatorial Guinea, một xó bụi mù đổi đời từ khi ra dầu hoả. Ông Obiang Guema không mặc áo gió, cũng không mặc áo đỏ, Mỹ cứ việc khai thác và ông sang Washington mua nhà. Không phải tự nhiên mà truyền thông đột nhiên lại quan tâm đến diệt chủng ở Darfur. Nếu Darfur không có dầu mà chỉ có rừng già như ở Uganda, Rwanda hay Congo thì cho chúng mày chết hết, nhăn răng vốn đã trắng ởn của người da đen. 

Quy luật Archimedes về dầu hoả là, mọi thứ nhúng vào dầu thì đều trở nên đen, trừ đồng đô la thì vẫn xanh tươi rói. 
[1]Sáu nước đầu theo liệt kê của Oil & Gas Journal mà Dương Văn Ánh dẫn, có năm nước quân chủ, lần này tính cả Canada với Nữ hoàng Elisabeth II!
[2]Thế nào là phải chăng? Bất cứ ai đến một thành phố Mỹ, từ phi cơ nhìn đèn đóm ban đêm hay các lộ cao tốc ban ngày, đi mua sắm phải dùng xe 285 mã lực lái 10 dặm, từ trong nhà điều hoà ra hồ bơi sưởi ấm, đều phải kết luận đây là một văn minh và lối sống tạo dựng trên căn bản nhiên liệu rẻ. Đó mới là “american way of life” bị đe doạ chứ không phải là tự do và dân chủ. Tự do và dân chủ thì đã có chính quyền Mỹ hiện nay đe doạ chứ không cần đến Ahmadinejad ở Tehran.
[3]Thâm thủng ngân sách hiện nay là 800 tỉ USD, món nợ quốc gia là 8.500 tỉ, trong năm vừa qua tăng trưởng 1,58 tỉ mỗi ngày.
[4]Anh của Tổng thống Mỹ là Neil Bush, chủ nhân một công ty phần mềm về giáo dục, thì không kỳ thị chút nào. Sản phẩm cao cấp này của ông chỉ bán được cho…United Arab Emirates, có lẽ chỉ ngoại trừ trường hợp sau bão Katrina. Bà Barbara Bush, tức là mẹ ông, giúp nạn nhân 500.000 USD, có nói rõ là để giúp các trẻ em thất học, và số tiền giúp họ này là để mua phần mềm giáo dục của ông Neil!
[5]Nga đã thải một số dự trữ hối đoái USD để đổi thành Euro sau đó, và ngay cả ngân hàng trung ương Thụy Điển. Thụy Điển không nằm trong khối Euro và đa số dự trữ hối đoái hiện nay là Euro, chứ không còn là USD.
[6]Những tuyên bố nảy lửa của Ahmadinejad, nếu thực sự như vậy thì vừa khiêu khích để vừa lòng một số quần chúng của ông lại chẳng tốn kém gì. Tuy nhiên, có nhận định là phát biểu của ông bị bóp méo, có phần còn hơn cả phát biểu của Giáo hoàng mới đây về Hồi giáo, và ngay ở trong cách dịch chứ không phải là cách diễn nữa (http://www.informationclearinghouse.info/article13641.htm). Có thể xem phỏng vấn mới đây tại La Havana (http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,1535827,00.html) Tất nhiên là Holocaust từng xảy ra và có thật, nên ngoài sự việc Holocaust còn có cái mà Norman G. Finkelstein gọi là ‎ý thức hệ Holocaust (The Holocaust Industry, NXB Verso, 2000). 
[7]Các hợp đồng tiền tỉ về vũ khí của các tiểu quốc như Kuwait với Anh Pháp Mỹ thì không sao, bảo vệ hoà bình. Nhưng khi Venezuela mua 100.000 khẩu AK của Nga thì theo ông Rumsfeld là Chavez đe doạ khu vực. Số súng trường này nghe rất lớn, trị giá tổng cộng là 20 triệu USD, bằng một chiến đấu cơ F16 hay là dăm bảy xe tăng.
 Nguồn: talawas.org





NƯỚC MẮT NHUỘM ERMENEGILDO ZEGNA

Người đàn ông mới có 64 tuổi và so với 20 năm về trước, cũng không có mấy thay đổi. Mái tóc ông đã ngả sang màu trắng nhưng vẫn bềnh bồng và nguyên vẹn, những đường nét của khuôn mặt bớt sắc và nặng thêm với thời gian, mi mắt mềm sụp xuống đôi mắt vốn đã biết không phải là quyết đoán. Nhưng một người vừa mất con, con trai trưởng và nối dõi, thì hẳn không thể ở trong một trạng thái bình thường. Vài tiếng đồng hồ sau sự cố, tôi thấy ông nhợt nhạt và điềm tĩnh đến độ ngơ ngác, vô hồn trên gương mặt nhưng vẫn kiềm chế được những động tác, điềm đạm và tự chủ, của một trưởng tộc gặp đại nạn.
 

Ngày thứ nhì, thì khác hẳn. Ông không còn đi đứng thẳng thắn và tôi thấy có lúc ông gập hẳn phần trên cơ thể như một kẻ bị trúng đạn, trong một thoáng thôi, rồi lại gượng được, nặng bước thêm một vài giây nữa trước khi trở về cái dáng cố hữu của một kẻ cả. Tôi nhìn ông suốt nửa tiếng, đứng bắt tay từng quan khách đến chia buồn tại nhà. Họ đến có hàng ngàn, nối đuôi nhau tuần tự qua linh cữu. Người mẹ, người vợ và người em gái của kẻ mới mất có lúc vật vã và rời khỏi vị trí đứng chào khách, nức nở ngồi trên chiếc ghế dài đặt cạnh khiến kẻ đến viếng phải cúi hoặc quỳ xuống cạnh để an ủi họ, nhưng người cha vẫn đứng, lóe lên những ân cần của gia chủ như trong mọi cuộc tiếp tân. Đây là một cuộc tiếp tân, nhưng như một đoạn phim chiếu hơi chậm, đủ chậm để ông ghìm lại những xúc động và giữ được tác phong. Thủ tục ông thi hành trọn vẹn, trả những cái siết tay hờ hững và những cái siết tay chặt, những cái hôn hai hay ba bận, mỗi lần lại chúm môi cẩn thận cho dù nhếch nhác. Nhưng nếu có ai ôm ông vào, một cái ôm lâu, nghĩa là trên một giây, thì vai ông rung lên và miệng ông méo xệch, hai ba giây thì ông nấc lên và nhăn nheo khuôn mặt cho đến khi người khách thả ông ra. Tôi nghĩ là nếu ôm ông lâu hơn nữa, năm bảy giây, thì ông sẽ quỵ xuống hẳn đến độ phải đỡ, cho nên chẳng ai nỡ ôm ông lâu đến thế. Họ thả ông ra để ông đưa khăn chùi nước mắt và trở về với bổn phận chủ tang. 

Ngày thứ tư, tôi thấy ông hồi phục. Vẫn một chút thẫn thờ nhưng ông không còn cái vẻ thất thần bợt bạt của hôm đầu tiên đến bệnh viện nhận xác, cái gập gẫy thảm hại bộc lộ ra trong ngày tang lễ. Trước nửa triệu người ở Công trường Liệt sĩ tại Beirut đang tụ họp, tôi thấy cựu Tổng thống Lebanon Amin Gemayel vẫy tay chào cho dù có lưng chừng và khiên cưỡng, thoáng một chút hồng trên má, hay đó là nắng mùa thu ở Levant. Tôi thấy ông mỉm một nụ cười hầu như không gượng gạo và ra dấu chiến thắng bằng hai ngón tay mà chỉ có một ngón rụt rè. 

Con trai ông, Pierre Gemayel, 34 tuổi, Bộ trưởng Bộ Kỹ nghệ và thế hệ lãnh đạo thứ ba của quốc gia từ ngày độc lập, vừa mới bị ai đó hay ai đây ám sát bằng súng có gắn hãm thanh cẩn thận, tại một phố Ki tô của Beirut giữa thanh thiên bạch nhật. Năm 1975, lấy cớ cha ông (cũng mang tên Pierre Gemayel, Trung Đông có truyền thống dùng tên của ông nội để đặt cho cháu trai nối dõi) vừa thoát ám sát hụt, chưa tỏ đầu đuôi các thủ hạ thuộc Đảng phát-xít Kataeb đã rủ nhau xuống Ain El Remaneh tàn sát một xe buýt chở người Palestine tị nạn. Nội chiến Lebanon bắt đầu, kéo dài 15 năm, nếu so với tỉ lệ dân số thì khốc liệt bằng cuộc chiến 30 năm ở Việt Nam, khiến 150.000 người thiệt mạng. 

Amin là một người ôn hoà, thích hợp với danh xưng playboy hơn là lãnh chúa. Câu “Ác quỷ mặc quần áo nhãn Prada” đối với ông chỉ đúng có một nửa, nửa sau. Câu này, đối với người em ruột của Amin là Bashir Gemayel, cũng chỉ đúng có một nửa, và là nửa đầu. Bashir ưa đồ trận (made in Israel) hơn là đồ vét (made in Italy) và trong thời nội chiến, là người có công thống nhất các lực lượng vũ trang hữu khuynh Ki tô. Chuyện này cũng khá đơn giản, ông mở party mời các chiến hữu đồng minh đến hồ bơi (tôi nhấn mạnh, các chiến hữu chứ không phải kẻ thù). Tiệc tàn thì gần một trăm xác lềnh bềnh, kể cả những người lúc còn sống có biết lội. Ông trở thành đệ nhất sứ quân của phe hữu sau màn nướng thịt ngoài trời này. Đối với kẻ thù, tả khuynh, Palestine, Hồi giáo, thì Bashir giết thẳng, quần tây quần ngủ quần lót gì cũng giết, không cần phải mời vào thay quần tắm trước đã. Năm 1982, nhân dịp Israel vào đến mép thủ đô, ông được Quốc hội bầu lên làm Tổng thống lúc mới 34 tuổi. Chưa kịp nhậm chức thì ông bị đánh bom ám sát, tội nghiệp thế. Để trả thù cho chúa, quân Kataeb vào trại tị nạn Sabra và Chatila giết 2.000 người lớn bé để cho Ariel Sharon xem [1]. Đó là cách giải thích sự cố này, nhưng tôi tin là nếu Bashir còn sống, ông đã hạ lệnh giết bốn ngàn chứ không phải hai. 

Amin, ôn hoà như ta đã biết, phải băn khoăn lựa một cái cà vạt Hermès thích hợp để ra trước Quốc hội nhận làm Tổng thống thay em. Sáu năm ông chấp chánh, trộ nhất là lúc ông chơi đồ vét trắng. Về mặt chính trị, ông chẳng cần làm gì, Lebanon miền Bắc đã có Syria chiếm đóng, miền Nam lại có Israel, sơn hà thì các sứ quân bản xứ rạch năm rạch bảy, triều đình mỗi vị một góc trời riêng. Hết nhiệm kỳ (1988) Amin sang Mỹ giảng dạy và sang Pháp doanh thương, thỉnh thoảng có mặt ở những tiệc khai trương hộp đêm, nhà hàng, vào cái dạo mà cô Paris Hilton còn bé và chưa đến tuổi uống rượu. Ma xui quỷ khiến thế nào, năm 2000 ông trở về nước, thừa kế đương nhiên chức chủ tịch Đảng Kataeb, dẫn dắt cậu con trai trưởng là Pierre (nghe đâu cũng cả đụt không kém, hiền lành hay chí ít là chưa có dịp trổ tài) vào con đường chính trị. 

Hiệp sĩ có mù thì mới thính tai mà nghe gió kiếm và nhờ không thông tiếng Ảrập, đài nói gì cũng bỏ ngoài tai, nên tôi mới có dịp mà quan sát Amin trên những kênh truyền hình địa phương của Lebanon kỹ đến thế. Tại Công trường Liệt sĩ, khi quần chúng hô hào đả đảo Syria thì ông nhích về phía sau, một chút xíu thôi, nhưng cũng đủ để các lãnh tụ khác có lúc chắn cả người. Amin là kẻ ưa nhường nhịn, tiếc gì hai mươi hay mười centimét trước, sau. Bên trái ông là Saad Hariri, con nối nghiệp của cựu Thủ tướng bị ám sát trước đây, xem hung hãn hơn hai năm về trước, khi cha chết và cậu lên làm lãnh tụ từ xa, nghĩa là từ Ảrập Saudi. Bên phải là mặt như tượng thạch (cao) và đầu hói, ông Samir Geagea, đại diện cho Lực lượng Lebanon (Ki tô). Ông Geagea mặt trắng vì ông ở tù 14 năm nên da không ăn nắng. Án chung thân của ông chỉ là tội đốt nhà thờ (để đổ vấy cho phe Hồi giáo và dấy loạn). Ông mới được ân xá sau khi ông Hariri bị ám sát và “phong trào dân chủ” (phong trào 14 tháng 3) bộc phát rầm rộ. Geagea xuất thân là bác sĩ y khoa, mặt thì như nhân viên nhà đòn đám ma nhưng nổi tiếng là nhờ hành nghề… đồ tể. Những kẻ xấu số vô danh đụng phải ông vào một đêm vắng thì đếm không xuể, và đã vô danh thì ai đếm làm gì? Lãnh chúa Ki tô (thế hệ thứ hai) Toni Frangieh cùng với vợ và hai con thơ bị chính tay ông giết. Thuần tay rồi, ông lại giết lãnh chúa cũng Ki tô và thế hệ thứ hai Dori Chamoun, cũng chẳng chừa lại vợ ông này và hai đứa con dại, kiểu đã đỗ Tú tài thì phải là Tú kép, Tú đôi mới là oai. Lưỡng lãnh chúa sát thủ này (ngoài danh hiệu “Muốn diệt giáo đường-Phải dùng hoả công Đại hiệp sĩ” như đã kể) hôm nay đỡ bờ vai run rẩy của Amin Gemayel, đòi công lý phải tìm ra kẻ giết người. 

Nửa triệu người trên công trường như một quay về phía Syria nhưng ở đất nước này có (ít nhất là) hai thế lực và phần tôi nghĩ, nếu là tình báo Syria thì họ đã gắn ống hãm thanh ngược và bắn chết đồng bọn hay người qua đường chứ chẳng phải Bộ trưởng Pierre Gemayel [2]! Trong lúc Syria đang làm duyên với Mỹ, nối lại quan hệ ngoại giao với Iraq thì việc gì lại đi ám sát một tiểu tướng quân vô thực mà chỉ có hữu danh hờ. Cởi mở với phương Tây, dùng ảnh hưởng với các thành phần Sunni ở Iraq để gỡ hiểm cho Hoa Kỳ, Syria mong đòi lại được vùng Golan bị chiếm. Nhưng vùng Golan thì quí‎ lắm, và ngay cả những thủ tướng Israel hung hăng hoà bình như Edhud Barak còn chưa dám đả động gì đến nói gì một ông Olmert èo uột và hiện đang bấp bênh. Cái chết của một nhân vật Lebanon vô thưởng vô phạt vào lúc này chỉ có lợi cho Israel, nhưng nói thế thì cũng tội, trước giờ Syria làm chuyện cho Israel hưởng lợi đã không phải ít. Cậu Assad con cũng không kiểm soát được hết các chú và các bác, vài mươi âm mưu trống đánh xuôi và kèn thổi ngược giữa ba bảy thế lực Syria là thường. Đó là chưa nói đến Lebanon với những khúc mắc nội bộ, trong khối “dân chủ Tây phương” chứ chẳng cần đâu xa, như chàng trai thời loạn và con chiên ngoan đạo Samir Geagea đã từng nửa đêm lén lút đốt nhà thờ [3]! Chẳng biết đâu mà đoán được, ngoài nhận định, một Syria mở cửa và một Lebanon an bình là đe doạ cho nền an ninh của Israel. 

Một người cha khóc con là một cảnh xúc động, tôi thấy nước mắt ông rơi trên gò má chứ không phải là nhỏ cả xuống giày Salvatore Ferragamo. Nhưng ông Amin Gemayel và nạn nhân đều là thừa kế của một đảng phát-xít, Đảng Bàn tay (Kataeb) mà nếu gọi là Đảng Bàn tay Máu thì cũng không có gì lố bịch cả. Tháng vừa qua, hơi bị xa những ống kính truyền hình, là 3.800 nạn nhân ở Iraq, chắc đều có bố có mẹ hay có cháu có con. (Mặc dù theo đà tiến này, nạn nhân ở Iraq ngày càng có nhiều khả năng mồ côi sẵn trước khi đến lượt họ bị giết! Kiểu bố mày đã giết rồi, mẹ mày đã giết rồi, đến lượt mày mồ côi tao cũng không tha!) Những người này, tôi chỉ thấy vài tấm ảnh thời sự truyền thông quốc tế giúi vào một xó, vẫn những khuôn mặt đó rớt rãi, quần áo thể thao sida, Con gà gáy hay là nhãn Puma dỏm, dép nhựa nứt quai vật vã cạnh những xác bó bằng mền vải đủ màu (hay là đã mất màu). Nếu Lebanon nội chiến trở lại thì sẽ không thiếu những cảnh tương tự ở đây và Samir Geagea (vân vân và vân vân) sẽ cười bằng góc mép, Pierre Gemayel không còn cô đơn. 
[1]Ông Sharon, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng Israel, có mặt ở một toà nhà kế cận khi xảy ra thảm sát này nhưng ông khai với Ủy ban Điều tra Kahane là không có cửa sổ nhìn ra về hướng ấy, muốn thấy thì phải leo lên sân thượng mà cứ nhìn ông đây, nặng kí và phục phịch thế này, làm sao mà leo lên sân thượng được bằng thang, cho nên ông hoàn toàn không chứng kiến!
[2]Tiền lệ ở Iraq đã có Saddam Hussein, lúc làm thích khách đã bị chính đồng bạn đứng sau bắn trúng. Một Kinh Kha khác, móc lựu đạn ra để ném thì lại vướng cái chốt an toàn vào túi áo bên trong, đấy lỉnh kỉnh thế, ám sát đâu phải dễ.
[3]Samir Geagea là thủ hạ của Bashir Gemayel trong thời chiến và sau này thừa hưởng Lực luợng Lebanon do Bashir cất công ra xây dựng như đã kể. Đảng Kataeb do cha của Bashir và Amin sáng lập, nay về ngành trưởng là Amin. Bộ trưởng Kỹ nghệ bị ám sát là được chia cho ghế nội các của đảng này, ông Geagea không phụ thuộc mà còn có phần trội hơn. Nếu có nội chiến thì với cái tài xuống đông lên đoài xông pha của ông, Geagea hẳn sẽ là vô địch.

Nguồn: talawas.org





THƯA QUÝ TÒA, NÓ ĐỊNH GIẾT TÔI

“Dịch là phản”, chẳng ai lạ thành ngữ Ý (traduttore, traditore) nổi tiếng này, nhưng nạn nhân của những sai lệch và chuyển ngữ xê dịch này sắp tới đây có thể là cả dân tộc Iran sẽ bị ăn bom (hạt nhân?) với câu tuyên bố của chủ tịch Mahmoud Amadinejad: “Phải xoá Israel khỏi bản đồ”. Phát biểu trên đã được truyền thông quốc tế nhắc đi nhắc lại hầu như mỗi ngày, các nhà lãnh đạo thế giới lên án, từ Kofi Annan đến Tony Blair, và rêu rao bởi Israel thì khỏi phải kể. Một cách tiếp cận khác của câu phát biểu này đã có từ đầu nhưng bị chìm ngập trong cơn lụt trích dẫn bởi hầu hết mọi phương tiện, mọi nơi và mọi người. Ở đây xin tóm tắt các ý và thông tin về chuyện này trong bài viết mới của Arash Nourouzi (1.18.07) trên Information Clearing House. 

Nguyên văn tiếng Farsi của tân Chủ tịch Ahmadinejad ngày 25.10.2005 (trong chương trình “Một thế giới không Zion chủ nghĩa” tại Bộ Nội vụ ở Tehran) như sau: "Imam ghoft een rezhim-e ishghalgar-e qods bayad az safheh-ye ruzgar mahv shavad". 

Nếu nguyên tác đối với người nước ngoài có hơi bị khó hiểu, ta vẫn có thể nhận ra từ “rezhim-e”, tức là regime, hay chế độ. Dịch từng chữ như sau: 

Imam (Đức lãnh đạo, ở đây chỉ ông Khomeini) ghoft (đã nói) een (cái) rezhim-e (chế độ) ishghalgar-e(chiếm đóng) qods (thành Jerusalem) bayad (phải) az safheh-ye ruzgar (trang của thời gian) mahv shavad (biến mất khỏi). 

Trước hết, đây không phải là một phát biểu của Ahmadinejad mà là lời trích dẫn Khomeini, có thể ví đại loại ông Nguyễn Minh Triết nhắc lại lời ông Hồ Chủ tịch chứ chẳng phải phát minh gì mới. Trong toàn văn cảnh của phát biểu, ông Ahmadinejad cho biết là loại trừ ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực thông qua Zion chủ nghĩa là một điều có thể khó tưởng với nhiều người, nhưng như Khomeini từng đã tiên đoán, những đế quốc tưởng chừng vô địch cũng đã biến mất và giờ chỉ còn lại trong sử sách. Ahmadinejad đưa ra ba thí dụ trong vòng 30 năm vừa qua về các chế độ đã sụp đổ hay là tan biến: 
   - Vua Shah của Iran (do Mỹ dựng lên) 
   - Liên Xô 
   - Nhà độc tài cựu thù của Iran, Saddam Hussein 
Phải biến khỏi những trang thời gian” không phải là một lời tuyên chiến với Israel, một hăm doạ cụ thể hay tội “khích động diệt chủng” cần phải toà án quốc tế xét xử (như theo cựu Thủ tướng Israel, Netanyahu). Câu “Phải xoá Israel khỏi bản đồ” hay có chỗ dẫn là “xoá Israel khỏi mặt trái đất” trước hết là do hai bản dịch sai lầm của Cơ quan Thông tin IRNA đã được truyền thông phương Tây vồ ngay lấy mà không kiểm chứng. Cụm từ quá xá bắt mắt này sau đó đã có một sức sống riêng, giật gân mà vụt lớn như Phù Đổng, cho dù các chuyên gia tiếng Farsi hay IRNA cải chính. Nó phù hợp với hình ảnh một “Hitler mới” hung hăng (xin nhắc lại là cộng đồng đạo Do ở Iran chưa hề bị tịch biên của cải, lao động cải tạo hay trục xuất ra biển gì và vẫn sống tại quốc gia này). Chính ông Ahmadinejad có lẽ cũng thấy thích vai gán ghép này để oai với bà nhà hay sao đó, cho nên vào những dịp được trực tiếp phỏng vấn về phát biểu này, ông đều trả lời thiên địa mà không phủ nhận (cũng như là không xác nhận). Thí dụ (Lally Weymouth, Washington Post, tháng 9.2006): 

Hỏi: Còn đề nghị của ông phải xoá Israel khỏi mặt trái đất? 

Trả lời: Đề nghị của chúng tôi rất rõ rệt… Hãy để dân chúng Palestine quyết định trong một cuộc trưng cầu công bằng và tự do, và kết quả có ra thế nào phải được chấp nhận… Đất nước này đang bị những người không có gốc rễ tại đây cai trị. 

Hỏi: Ông từng được trích dẫn là phát biểu “phải xoá Israel khỏi mặt trái đất”. Đây có phải là xác tín của ông không? 

Trả lời: Điều tôi phát biểu cho thấy rõ lập trường của tôi. Nếu ta nhìn bản đồ của Trung Đông 70 năm trước đây… 

Hỏi: Vậy câu trả lời của ông là có, ông tin tưởng rằng phải phải xoá nước này khỏi mặt trái đất? 

Trả lời: Bà hỏi tôi có hay là không? Có phải đây là một cuộc trắc nghiệm? Bà có tôn trọng quyền tự quyết của quốc gia Palestine? Có hay không? Palestine, như là một quốc gia, có được xem là một quốc gia với quyền được sống một cách nhân đạo hay không? Hãy để 5 triệu người bị rời chỗ được hưởng những quyền này. 

Nhưng ông Ahmadinejad giờ dù có phủ nhận thì cũng đã muộn. Ông đã được phong thành ngáo ộp của Israel. Gần đây (10.06) ông còn được tổ chức AIPAC (lobby Israel tại Mỹ) cho là đe doạ cả châu Âu và Hoa Kỳ lẫn Israel với vũ khí hạt nhân! Trong khi đó Lãnh tụ Tối cao của Iran, ông Ali Khamenei (là người có nhiều quyền lực hơn Chủ tịch nước, kiểu Tổng bí thư Đảng) thì phát biểu: “Chúng tôi không có vấn đề gì hết với thế giới. Chúng tôi không phải là một đe doạ cho thế giới và thế giới cũng biết thế. Chứng tôi sẽ không bao giờ khởi đầu chiến tranh. Chưng tôi không có ý định gây chiến với bất kỳ quốc gia nào.” 

Và dù ai nói thế nào, sự vô trách nhiệm của truyền thông vẫn tiếp tục, ngày 13.12.2006, hai nhật báo lớn Israel chạy các bản tin của Reuters: “Chủ tịch Iran phát biểu, số phận Israel đang được đếm từng ngày” (Paul Hughes) và AP: “Chủ tịch Iran: Israel sẽ bị xoá bỏ” (Ali Akbar Dareini). Theo IRNA thì Ahmadinejad nói rằng: “Như Liên Xô từng biến mất, chế độ Zion chủ nghĩa cũng sẽ tan biến và nhân loại sẽ được giải phóng” chứ không phải là bị “xoá bỏ”. Tan biến thế nào? Như Liên Xô, và ở đây cho thấy chế độ thần quyền Iran không hăm doạ đánh bom nguyên tử (nếu có được bom) chế độ Zion chủ nghĩa đang chiếm đóng Jerusalem, là một chế độ đã có vũ khí hạt nhân như Thủ tướng Olmert vừa mới “lỡ lời” xác nhận. 

Tác giả Arash Nourouzi kết luận là ông Ahmadinejad khi nhận xét (trong thư ngỏ gửi người Mỹ) là “Lịch sử cho ta thấy những chính quyền áp bức và độc ác không tồn tại” thì chế độ thụt lùi của chính ông cũng sẽ “tan biến khỏi trang giấy thời gian” mà thôi. 

Điều đáng lo ngại, là những dấu hiệu hung hăng của chính quyền Bush và Olmert hiện nay chứ không phải của một Iran năm bảy năm nữa mới cơ may mà có bom nguyên tử. Cái này thì cả Hoa Kỳ lẫn Israel có sẵn rồi, to lắm, ngay cả loại be bé (5-3 kilotonne) gọi là “chiến thuật” và “ít phóng xạ lắm, đừng lo” cũng có nữa. Xác nhận của ông Olmert, vu vơ thì cũng là lần đầu từ miệng một thủ tướng, luật của Israel là cho ngồi tù những ai tiết lộ “bí mật” quốc phòng này. Nếu ông Olmert không đi tù thì có nghĩa là ông sửa soạn dư luận quốc tế, cho biết trước là ông có bom đây trước khi ông dùng đến đấy để tự vệ trước khi bị tân Hitler áo gió Ahmadinejad diệt chủng? Chuyện vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Iraq không xa và cho đến giờ nhờ truyền thông đại chúng thông tin trung thực thế nào, đa số người Mỹ vẫn tin là có thật (18 % còn cho rằng Iraq đứng đằng sau vụ đánh bom 11.9 khiến quân ta phải ra tay). Chuyện từ ngữ và vấn đề dịch thuật là chuyện nhỏ, nhưng chuyện đánh Iran là chuyện to cho cả khu vực và hoàn cầu. 

Ở lãnh vực tình cảm riêng tư thì cũng vậy, xoá bỏ người nào khỏi con tim bao giờ cũng gay gắt (ở đây là nhỏ máu chứ không hẳn phải đổ máu) hơn là mong ước rồi người đó sẽ tan biến mất khỏi (ôi) trang giấy thời gian. 

 Nguồn: talawas.org






ERNESTO “CHE” NASRALLAH

Thủ trưởng râu mép (đây là Cận Đông), áo sơ mi trắng quần Tây, có thắt lưng cẩn thận và bút máy, duỗi người sau bàn giấy. Anh vóc dáng bé và gầy, kiểu thi sĩ Việt Nam của thập niên 60, trong túi anh tôi nghi là có khăn tay thêu chứ không phải là khăn tay giấy, và hết điếu thuốc này anh sẽ ho cái ho khan của tuổi 40 và nửa đời thư lại. Anh bảo: “Thôi được, tôi sẽ cho người đưa anh đi”. 

Ở tầng dưới, bốn người lãnh trách nhiệm này là bốn thanh niên áo thun quần jean nhưng võ trang đầy đủ, áo thun của họ mỗi người một cái in hình Ernesto “Che” Guevara. Không thể nhầm lẫn, ở ngọai ô thuộc hệ phái đạo Hồi Shia này thuộc Nam Beirut, họ là vệ binh của Đảng Cộng sản Lebanon. Tôi biết là nếu có chuyện, họ sẽ bảo vệ tôi đến cùng và đưa hình Che trên ngực ra chặn đạn, không phải chỉ vì họ là chiến sĩ cộng sản mà còn là vì đây là truyền thống hiếu khách của Trung Đông, mang tôi đi thì họ sẽ đổi mạng để mang tôi về được yên lành đến cái bàn giấy này. Vào vị trí của họ, tôi không dám chắc là tôi sẽ thi hành được bổn phận tầm thường đó, nếu nguy (quá) thì tôi sẽ (tạm thời) bỏ khách mà chạy (để còn báo động và tìm tăng viện chứ). Cho nên tôi nhìn họ rất tin tưởng và cảm động. Bốn anh xách súng theo tôi, một anh lân la hỏi: “Thế anh có buồn và nhớ nước anh không?”, làm tôi càng thêm lại bồi hồi. 

Họ yêu nhà họ, họ yêu nước họ, và họ nghĩ là tôi thì lại đang phải ở xa vạn dặm. Đó là vào buổi sáng, có chiến tranh la liệt nhưng vẫn nghe tiếng chim hót líu lo, có những cột khói đó đây uốn éo người và mùi nhà cửa lơi lả cháy. Với lại biết đâu lát nữa tôi và các bạn này sẽ chẳng ôm nhau cùng giãy chết trên một chiếc xe. Cho nên tôi không ngăn được lãng mạn trào dâng, tôi chỉ vào ông râu xồm đội nón nồi đang chễm chệ trên ngực họ. Tôi nói mà gắng nén cái phần cường điệu: “Nơi nào bất kể, nếu có Che và có các bạn, thì là đất nước tôi”. 

Vào những ngày đầu nội chiến (1975) Lebanon còn có cả vệ binh cực tả (trốt-kít) của Phong trào Hành động Cộng sản (OACL) [1], cực hữu thì tất nhiên cũng chẳng thiếu, và đặc biệt còn có cả vệ binh cực hữu mà lại thiên tả của Đảng Quốc gia Syria (PNS), cầm súng chống lại các vệ binh cùng một chủ nghĩa phát-xít, thế mới rắc rối. Ở đời và đặc biệt tại Lebanon, rất là lôi thôi, khó mà phân minh đen trắng hay là chính với tà. Bộ phận Shia của quốc gia này, giai cấp bình dân lao động tại ngoại ô Nam của thủ đô, là thành phần cơ hữu của Đảng Cộng sản trong thập niên 70 và bốn anh bạn trên của tôi là thuộc thành phần đó. Cùng tranh một mối (Shia, bình dân lao động), có lực lượng Amal, thiên hơn về mặt đạo nhưng không hẳn là một phong trào tôn giáo hay có thể gọi là Hồi giáo ôn hoà. Nhưng tranh thương, tranh khách, thì phải có xích mích, kẻ thù chung là đế quốc, là Israel xâm lược, là các lãnh chúa Ki tô nhưng họ thì ở xa và Đảng Cộng sản với Amal thường có những bất bình hàng xóm mất gà, tranh nhau từng căn hộ, từng khu phố, lóc cóc AK và thả tên lửa bập bùng coi rất đẹp mắt vào khi đêm vừa xuống. Năm 1979, Cách mạng Đen xảy ra ở khu vực, Iran lật đổ chế độ quân chủ Pahlavi và được các thầy tu giải phóng khỏi ảnh hưởng của Âu Mỹ. Iran là quốc gia đa số hệ phái Shia ở trong vùng, và người Shia ở Lebanon từ đó mới bắt đầu vấn khăn, phụ nữ Shia dịu dàng khoác lên người một chiếc áo choàng mượt màu đêm. Đảng Cộng sản phải nhường dần ảnh hưởng địa phương cho Amal. Năm 1982, Israel vào đến tận cổng Beirut, khi rút khỏi thì nhường chỗ cho cái gọi là lực lượng hòa giải gì đó của NATO, liên quân Ý, Pháp, Mỹ. Phải nói là các lực lượng “hòa giải” quốc tế từ Syria đến Ảrạp, Lebanon đã trải qua nhiều nên cũng chán. Bersaglieri Ý, Lê dương Pháp và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ không được khoác vòng hoa mà bị đánh bom liên tiếp đến nỗi chẳng nấn ná được lâu. Phong trào bom quyết tử ra đời [2], đằng sau là một lực lượng mới, Hezbollah, tức là Đảng của Thượng đế, về mặt (Thượng đế) này đi sớm hơn Tổng thống George W Bush của Hoa Kỳ những 20 năm. Trong 20 năm đó, nhờ kiên trì chống đối với quân Israel chiếm đóng ở miền Nam, Hezbollah trở thành lực lượng chính của người Shia, át hẳn phong trào Amal, át hẳn cộng sản và bây giờ át hẳn cả mọi người. 

Bà chị dâu tôi, lúc lên 10, khi nghe nói Thủy quân lục chiến Mỹ đến Beirut vào năm 1958, cũng đổ xăng vào chai làm bom và theo mọi người chạy ra bãi biển để mà nồng nhiệt. Quốc gia chủ nghĩa vào thời đó mang màu Nasser (người hùng con kênh đào Suez), mang màu Đệ tam Thế giới phi liên kết. Thập niên 70 thì bà trở thành mác-xít, quên Nasser (đã vỡ nợ sau Chiến tranh Sáu ngày của 1967) mà cặp nách Althusser kè kè. Quốc gia chủ nghĩa sang thời này mang màu Xã hội (chưa vỡ nợ và còn phải đợi đến 1992, tuy dáng đẹp trai của Thống tướng Brezhnev không làm sao mà ví với dáng của Đại tá Nasser) [3]. Tuần vừa rồi, nói chuyện với bà trên điện thoại, tôi hỏi tình hình ra sao thì bà bảo, mình phải kháng chiến, kháng chiến cùng với… Hassan Nasrallah. Ana samit, samit… (tôi kháng chiến, kháng chiến…) là ca từ còn sót lại của những thập niên trước, thời của phong trào giải phóng Palestine, khi Beirut còn những hộp đêm rượu mạnh mang tên là Thawra (Cách mạng!). [4] 

Cặp mắt kính của Patrice Lumumba, bộ râu của Ernesto Guevara nhưng khăn quấn đầu của Ruholhah Khomeini, ông Nasrallah giờ ở trên áo thun đầy rẫy, và tôi đoan chắc là cũng ở trên áo thun của bốn anh bạn ngày nào nếu các anh chưa bỏ mạng chiến trường. Quốc gia chủ nghĩa nay mang màu đen tôn giáo, như ở thập niên 30-40 nó từng mang màu nâu phát-xít (Đảng Kataeb hay PNS đã nói đến), màu hồng sau đó rồi màu đỏ, Mussolini oai vệ qua Nasser hùng dũng, Che lãng mạn rồi đến Nasrallah trang nghiêm. Nhưng chuột trù mà ở vườn hoa, soi gương đánh phấn gì thì cũng vẫn ra… Quốc gia chủ nghĩa [5]. 

Một thăm dò (rộng rãi hơn là phạm vi gia đình của tôi) cho biết 70% dân số theo Ki tô giáo ở Lebanon sau hai tuần cuộc chiến giờ ủng hộ Hezbollah. Đây là những người năm kia, năm ngoái, mới xuống đường trong cuộc cách mạng được gọi là Cách mạng Kính mát Gucci hay là Cách mạng Xe hơi BMW, đòi đuổi quân Syria sau khi Thủ tướng Hariri bị ám sát. Hẳn là sau khi Israel ném bom cả bãi biển Jouhnieh (khu vực Ki tô, ngày 3.8) và sòng bạc duy nhất của cả Trung Đông thì con số ủng hộ này phải tăng thêm (và riêng tôi lại lo cho số phận của các cô tóc vàng chân dài thuộc khối Liên Xô cũ vẫn thường lao động đài các ở khu này). Lebanon hôm nay (05.8.) chỉ còn một tháng dự trữ xăng dầu, một tuần dự trữ nước và sushi thì đã hết sạch (http://www.sushibento.net). Điệu này, tôi nghĩ nhà hàng TGI (Thanks God It’s) Friday trên Rauche sắp sửa đổi tên thành THI (Thanks Hezbollah- Party of God-It’s) Friday đến nơi cho hợp với thời trang mới. Phải nói là Hezbollah trong hai mươi năm đã có nhiều thay đổi, không còn đặt bom ở bãi biển có phụ nữ áo tắm, không còn khó dễ các cửa hàng bán rượu [6] và mấy ngày nay nếu nhìn trên truyền hình thì bên cạnh Nasrallah nhã nhặn và ôn hòa nhưng cứng rắn, Bush và Ohlmert như hai tên quá khích sùi bọt mép và Blair như là người lạm dụng thuốc lắc nhờ giá rẻ. Việc đưa một Nasrallah lên hàng lãnh tụ quốc tế này là chiến tích vẻ vang của quân lực Israel, cạnh những chiến tích không được vẻ vang gì mấy như đánh mãi không được một cái làng Bint Jbeil mà giết hại thì rất nhiều đàn bà con nít [7]. 

Hãnh diện của một quốc gia, một dân tộc, không phải là chuyện nhỏ. Ông Nasrallah sau ba tuần hơn đương đầu với quân đội từng đánh bại các nước Ảrạp liên kết lại chỉ có sáu ngày [8], vẫn ung dung không vẻ gì nao núng, Israel vẫn không ngăn được ông mỗi ngày bừa bãi tên lửa về phía Nam. Ông từ tốn mà nói chuyện phải trái ngang hàng, anh thả tù binh tôi thì tôi thả tù binh anh, anh ngưng ném bom thường dân tôi thì tôi ngưng pháo kích thường dân anh, lại còn nhẹ nhàng cảnh cáo, anh mà đánh bom Beirut thì đừng trách tôi sẽ pháo Tel Aviv. Ông nói nhẹ nhưng mà làm mạnh (Hãy nghe những gì Nasrallah nói và nhìn những gì Nasrallah làm), ông là người giữ chữ tín. Chuyện ông bắt hai người lính Israel là để giữ lời hứa trước đây sẽ tìm cách trao đổi các tù binh Lebanon, nào có sai lời [9]. Ông Nasrallah như vậy thì đến phụ nữ mang đồ lót Victoria’s Secret còn phải mềm lòng, cởi áo thun FCUK ra để mang lên người áo thun có hình ông, nói gì đến nông dân tay lấm miền Nam hay lao động ngoại ô lam lũ. 

Năm 1979, khi các giáo sĩ Iran lên nắm quyền, có trí thức nữ quyền phương Tây đứng ra biện minh nghe rất hay là khăn trùm tchador không phải là áp bức mà là giải phóng phụ nữ (khỏi những cám dỗ của cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette?). Ông Khomeini dễ mến, cạnh ông Shah và bà Shabanou thì ai chẳng mà dễ mến, cho nên người tiến bộ trên thế giới đều phải xiêu lòng một thời gian. Năm 1959, những kẻ yêu độc lập, tự quyết và công bằng ai không ủng hộ Fidel và khi năm 1970 Mỹ ném bom Cam Bốt hiền hòa, không nói đến người Cam Bốt yêu nước, người yêu hòa bình ở nước ngoài cũng chỉ có thể đứng về phe Khmer Đỏ. Nhưng năm 1979, ông Khomeini đã biết là ông muốn những gì cho quốc gia mà ông yêu mến và ông cũng đã nói [10]. Năm 1959, ông Fidel đã biết là ông muốn những gì cho quốc gia mà ông yêu mến không kém và ông cũng đã nói. Ông Pol Pot cũng vậy và điều không thể phủ nhận là lòng yêu nước không những thành thật mà còn hơi bị vĩ đại của ông. Ông Nasrallah thì cũng thế, và những ông này đều tạng chẳng phải đùa, hễ nói là làm. Tôi tin họ và bởi vậy cho nên tôi mới rụt rè. 

Đánh chung xâm lược và bá quyền Israel thì người Lebanon nào cũng phải làm. Nhưng đi chung với Hezbollah thì không phải ai cũng xứng đáng, nên biết phận mình và đi xa xa một tí, nghĩa là đi riêng và cẩn thận, chẳng những cần nhìn về phía địch mà còn phải nhìn bên. Giờ, nếu lại có dịp trả lời các anh bạn đã nói, thì tôi sẽ chỉ vào hình trên ngực họ và chữa lại mà không sợ cường điệu là: “Tôi cũng yêu đất nước này, nhưng bất kể nơi nào, đã có Nasrallah, thì tôi không còn phần và tôi không dám nhận”. 
[1]Vào dạo đó, một nhà báo nước ngoài kể chuyện ông gặp một chốt của vệ binh OACL. Người trốt-kít thì thường là cái gì cũng biết nhưng đám này khi thấy ông mang thẻ tín dụng American Express thì lại tưởng là ông là nhân viên tình báo Mỹ (tốc hành) nên bắt giữ ông lại. Ông hết hồn, tưởng là họ sẽ mang ông bắn bỏ, nhưng vì ông không biết là người trốt-kít thì chuyện gì cũng hội thảo không đi đến đâu hết và không bao giờ bắn ai cả, cho nên sau nhiều giờ lí luận cao xa và bàn cãi sôi nổi ông được thả.
[2]Theo nhà nghiên cứu về bom người, Robert Pape, trong giai đoạn 82-86 có 41 quyết tử đánh bom ở Lebanon và ông tìm ra tông tích của 38 người. Trong số 38 này, chỉ có 8 người thuộc thành phần tín đồ quá khích Hồi giáo, 27 người thuộc thành phần Đảng Cộng sản và Liên minh Xã hội Ảrạp và 3 người gốc Ki tô giáo. Pape kết luận Hezbollah không phải là một tổ chức như Taliban mà cơ cấu tương tự phong trào Dân quyền của Mỹ, đa nguyên (http://www.iht.com/articles/2006/08/03/opinion/edpape.php). Tuy nhiên, cũng có thể nhận xét là Hezbollah đã chiêu dụ được những thành phần trước kia theo cộng sản hay xã hội trên tinh thần ái quốc, kể cả thành phần Ki tô Lebanon. Điều này lại càng rõ trong cuộc chiến hiện nay nhờ sự ngày càng ngang ngược của kẻ thù là Israel. Và dĩ nhiên, những mục tiêu mà phong trào Dân quyền ở Mỹ theo đuổi có khác với những mục tiêu của Hezbollah.
[3]Nhưng tại sao phụ nữ Lebanon hiện giờ ai cũng thích (Thủ tướng Israel) Olmert? Tại vì nhờ ông mà Lebanon thụt lùi lại mười năm về trước!
[4]Đây có thật, chính mắt tôi trông thấy, có đứng ở cửa hộp đêm này (nhưng không vào uống rượu vì hộp đêm đang đóng nhằm dịp lọan) vào năm 1979. Tuy nhiên, giờ nếu có hỏi người Beirut thì trí nhớ của họ kém hơn người nước ngoài và họ có thể chối, làm gì có chuyện hộp đêm mang tên là “Cách mạng”, chỉ có hộp đêm mang tên là “Đấng tối cao” thôi?
[5]Ở đây, là chỉ nói đến chủ nghĩa quốc gia ở Lebanon thôi, tôi không dám ví với chủ nghĩa quốc gia ở Việt Nam.
[6]Phụ nữ áo tắm là tài nguyên của quốc gia này, đối với khu vực Trung Đông, Lebanon là nơi có ngân hàng kín đáo, có ngân hàng kín đáo, có đủ các cửa hàng mua sắm, có rượu pha và có sòng bài, vừa có trượt tuyết trên núi, vừa có phụ nữ ở ngoài bãi.
[7]Chuyện Israel không cố tình gây thiệt hại cho thường dân ngày càng khó tin khi con số thiệt mạng vô tội lên gấp năm hay là gấp mười số du kích Hezbollah bị Israel loại. Đây là chính sách khủng bố, răn đe và trừng phạt của Israel, cho mày biết tay chứ tao chẳng có từ. Ý chí sắt đá chẳng có gì mà phải nương này có thí dụ vào năm 1967 khi chiến hạm tình báo điện tử của Hoa Kỳ USS Liberty bị Israel đánh “nhầm”. Trong 75 phút hết không lực Israel lại đến Hải quân đánh tàu quân sự Mỹ này nhiều lọat, bắn cả vào các bè cấp cứu, gây tử thương cho 36 quân nhân và 174 bị thương. Chẳng rõ là tại sao, vì tàu Liberty chứng kiến việc Israel tàn sát tập thể 1.000 tù binh Ảrạp hay vì tàu này phát hiện Israel là quốc gia khởi chiến trong Trận chiến Sáu ngày? Nhưng chuyện khó tin này từ đó đến nay vẫn được ếm nhẹm mặc dù các quân nhân sống sót vẫn đòi tìm sự thật. Xin nhắc lại đây là chiến hạm Mỹ chứ không phải thường dân Lebanon hay Palestine (http://www.ussliberty.com/). Sau đó Hoa Kỳ đã tức tối và phản ứng dữ dội bằng cách oanh tạc rầm rộ… Việt Nam!
[8]Chẳng hạn, năm 1982, khi Syria vừa ngọ nguậy, trong một ngày không lực Israel đã hạ 100 phi cơ của Syria đổi lấy một phi cơ của Israel. Đây tương phản với một làng Bint Jbeil đã nói, được gọi là hang ổ cần phải tiêu diệt của Hezbollah nhưng gặp sức kháng cự của địch, Bộ Tham mưu phát biểu là đánh ngoài rìa đã đạt mục tiêu nên không cần phải chiếm nữa.
[9]Israel còn đang giữ hàng ngàn tù binh Lebanon, muốn thì bắt thêm vào những lúc cao hứng, chưa nói đến chuyện cả dân tộc Palestine bị bỏ cũi làm con tin. Trong trường hợp hai quân nhân bị Hezbollah giữ, ông Nasrallah còn được lòng mọi người vì ông bắt họ để trao đổi lấy các tù binh Lebanon không thuộc thành phần Hezbollah, trong số đó có một người mang quốc tịch Israel và mẹ Do Thái (tức là bắt hai anh Israel để đổi một anh Israel khác). Thì chẳng có gì đơn giản cả, thí dụ, trong số người bị ông Sharon thả phát-xít Lebanon ra sát hại năm 1982 tại Sabra và Shatila có chín người Palestine Do Thái. Hai anh tù binh Israel trên, cũng chưa rõ là bị bắt trên lãnh thổ Lebanon hay lãnh thổ Israel nhưng gia đình của các anh thì đã rõ đây chỉ là một cái cớ chứ số phận đến đâu thì nhà nước Istael bất cần. Các gia đình này đã phải sang Pháp nhờ chính quyền Pháp và dư luận Pháp can thiệp vì theo họ, ở Israel không có ai quan tâm đến con em của họ (chắc là tại vì còn mải lo ném bom những người lao động hái rau quả ở biên giới Lebanon-Syria).
[10]Ngoại trưởng của chính quyền Khomeini, ông Ghotbzadeh, có lẽ vì lãng tai nên đợi đến khi Khomeini mang ông ra pháp trường thì ông mới biết. Chủ tịch nước đầu tiên sau cách mạng Hồi giáo, ông Bani-Sadr, nhờ thính tai hơn nên lên máy bay chạy sang Pháp kịp.

Nguồn: talawas.org





2.263 USD, MỘT ÁO TẮM ĐÀN BÀ

Trên nhật báo Israel Haaretz ngày 17.8.2006, dưới tựa “Đầu tư dưới lằn đạn/ Làm cách nào để kiếm chút lời trong một cuộc chiến lớn”, Rotem Shtarkman thuật lại diễn tiến trong ngày 12.7 dưới một khía cạnh tài chánh rất là cá nhân. Cá nhân này là tướng Dan Halutz, Tham mưu trưởng quân lực Israel. 
   - 9 giờ sáng, một nhóm kháng chiến Hezbollah xâm nhập lãnh thổ Israel 200 m [1] và phục kích hai xe Hummer tuần tiễu biên giới. Ba quân nhân Israel chết tại chỗ, hai bị thương. 
   - 9 giờ 30, quân viện Israel đến nơi và phát hiện là có hai quân nhân khác mất tích. Họ bị bắt mang sang Lebanon và Bộ Chỉ huy Bắc phần lập tức tung chiến xa và thiết giáp sang biên giới để giải cứu. Vào cùng lúc, Hezbollah pháo kích vào các đồn bốt và khu vực dân cư vùng biên giới làm năm thường dân bị thương [2]. 
   - 11 giờ, một chiến xa Israel sang đến Lebanon được 70 m thì bị đánh bằng mìn lớn (200-300 kg chất nổ) làm bốn người trên xe thiệt mạng. Quân Israel xông vào lấy xác đồng đội nhưng bị pháo Hezbollah ngặn chặn. 
   - 12 giờ, Tham mưu trưởng quân lực nhấc máy gọi cho tư vấn của ông tại ngân hàng Leumi trên đường Dizengoff ở Tel Aviv, hạ lệnh bán ngay lập tức tất cả các cổ phần chứng khoán ông đang dành dụm, tổng cộng trị giá 120.000 shekel (27.272 USD). 
   - 15 giờ, cuộc truy lùng Hezbollah khiến một quân nhân Israel chết và hai người bị thương. Quân lực Israel đánh 10 mục tiêu Lebanon, tận Beirut và miền Bắc Lebanon (cách biên giới 150 km), các cây cầu trên dòng Ahawaly gây thiệt hại nặng và nhiều người chết.

Chiến tranh tái diễn và tướng Halutz tuyên bố “Chúng ta sẽ làm Lebanon thụt lùi lại 20 năm”. 

Trong hai ngày tiếp theo, thị trường chứng khoán Tel Aviv sụt 8.3%. Tính trên trung bình này, Tham mưu trưởng quân lực nhờ tình báo chính xác, nhận định sáng suốt, quyết định táo bạo và hành động chớp nhoáng, đã không bị mất 2.263 USD. 

Đây là chuyện nhỏ, có lẽ đối với quan chức và các đại gia Việt thì là chuyện buồn cười, không đáng nói tới. Tại Israel, chuyện này lên đến mặt báo cũng chẳng phải vì con số, hay nguyên tắc không được dùng thông tin bên trong để mà tư lợi. Nó được phanh phui lớn chẳng phải vì tội cỏn con này mà là vì trong cuộc chiến 34 ngày vừa qua, quân đội bách thắng Israel đã không đạt được một mục tiêu nào, nói trắng ra là đã bị du kích Hezbollah đánh bại. Đây mới là tội lớn của tướng Dan Halutz, của bộ trưởng Quốc phòng Amir Peretz và của Thủ tướng Edhud Olmert. 

Ông Halutz là người đầu tư cẩn trọng nhưng ăn nói bạo phổi. Biệt danh của ông là “Mười toà nhà”, một quả pháo sang lãnh thổ hay mất một quân nhân, ông trả đũa bằng cách ném bom phá hủy mười toà nhà. Tuy hung hăng nhưng ông cũng có óc hài hước, có lần được hỏi là cảm thấy gì khi ném bom một toà gia cư dân sự, ông trả lời rằng bom nổ thì (ông cảm thấy) “rung nhẹ ở đầu cánh máy bay”. Là Tham mưu trưởng đầu tiên xuất thân từ binh chủng không quân, ông dành 60% ngân quỹ cho không lực và thuyết phục được Olmert rằng chuyện “Bộ binh là nữ hoàng của chiến trường” là chuyện đã xưa của thời Napoléon. Không quân mới là công chúa! Nào ngờ đâu tương lai mờ lối, sau chiến trận này thì giờ cay đắng, khiến có người khuyên Thủ tướng là muốn trở thành lãnh tụ thời chiến thì đừng bao giờ tin vào những hứa hẹn của Không quân! 

Chiến thắng có nhiều cha đẻ nhưng thất bại bao giờ cũng mồ côi, và cuộc thi hiện nay là cuộc thi nhau đổ tội. Quân nhân trừ bị Israel hàng ngày tụ họp trước Dinh Thủ tướng để phản đối và ông Olmert vừa buộc phải chỉ định một ủy ban quân đội để điều tra “chiến thắng”. Lần đầu tiên có hàng tướng lãnh phê bình quân đội, một đại tá thuộc Sư 7 tố cáo Sư trưởng là ra lệnh sai lầm và ông kêu nài không được, khiến ông phải kìm lệnh để bảo vệ các trung đoàn, chứ không thì đã thiệt hại thêm. Phong thanh là có một tướng còn vào trong chiến xa Merkeva mà ẩn thân khi đụng trận, là chuyện có lẽ bình thường trong quân đội nào trước đây mà người Việt chúng ta quen biết, nhưng đây là lần đầu nghe nói đến trong quân đội Israel [3]. Thủ tướng Olmert, không có chiến tích vẻ vang nên vào hai ngày cuối, sau khi đã có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về ngưng bắn, còn gắng ra oai bằng cách đổ quân bằng trực thăng xuống gần bờ Litani, làm thiệt mạng thêm 33 binh sĩ. Nhưng nguyên nhân của thất bại không phải vì ông Peretz hay ông Olmert thiếu kinh nghiệm trận mạc, mà có lẽ ở sự chủ quan và hãnh tiến không phải chỉ của mỗi binh chủng không quân mà của cả quân đội và của cả quốc gia. Hay là như người Israel không chịu đau đớn mà nhìn nhận, đơn giản là ông Nasrallah điều quân hay hơn ông Halutz chút xíu và kháng chiến quân Hezbollah đánh trận tài hơn người lính Israel một tí tẹo. 

Trong một tháng, quân đội Israel không ngăn được pháo kích sang lãnh thổ, không tiến được đến sông Litani trước kháng cự của 2.000 hay 5.000 tay súng Hezbollah. Cuộc đổ bộ những ngày cuối đến gần sông về mặt quân sự chẳng có nghĩa lí gì, chỉ để chụp hình kỷ niệm trên vài cao điểm rồi rút đi vì các đơn vị này không có đường tiếp tế, không kiểm soát diện địa, lỗi tại Halutz, chưa qua sông mà đã chặt cầu (rằng a ối a qua cầu, / tình tình tình đánh… bom!) Thất bại chính ra là tại vì Hezbollah có súng! Không những có súng mà nó còn lại biết sử dụng! Thế mới trắc trở, phải nó không có súng và không biết bắn thì chiến thắng đã cầm tay. Lỗi tại Syria (cho súng) và Iran (huấn luyện). Đằng này, mình lại chỉ có đông gấp mười và hoả lực mạnh chỉ gấp có một ngàn lần thôi [4], anh dũng mấy thì cũng phải thở dài. Đã thế, nó lại còn không sợ chết, bọn này cuồng tín, đây là giải thích của Bộ tham mưu quân lực (trước đây) được coi là tinh nhuệ nhất hoàn cầu. 

Ngay biệt kích Sayaret Matkal (Trinh sát Tổng tham mưu), đơn vị “bí mật” và huyền thoại thế giới, từng giải cứu Entebe, ra vào đất địch như chỗ không người, lấy thủ cấp như lấy đồ trong túi, lần này cũng trở thành trò cười của dân quân tự vệ Hezbollah 16 tuổi. Lần đổ trực thăng xuống khu vực Bệnh viện Baalbeck, họ bắt được năm khủng bố mang đi, trong đó có người mang họ Nasrallah, chẳng hiểu định làm con tin trao đổi. Được hỏi đây có phải là “cá lớn”, ông Olmert lại vận dụng óc khôi hài “là cá nặng mùi”. Được vài bữa, sau khi hỏi cung xong xuôi, Israel mang năm người này trả cho lực lượng Liên hiệp quốc ở biên giới, vì lầm lẫn, Nasrallah là tên ở Lebanon thông dụng, kiểu không phải cứ họ Nguyễn là họ hàng thân thích của nhà thơ Du. Vậy chưa đủ vui, lần thứ nhì (sau khi ngưng bắn), cũng ở gần Baalbeck, Sayaret cải trang thành binh sĩ quốc gia Lebanon, định giải thoát tù binh hay bắt một lãnh đạo Hezbollah gì đó không ai rõ, nhưng bị dân phòng phát hiện và ngăn chặn, một sĩ quan tử trận và mọi việc đổ bể, phải rút lui trong trật tự! 

Trong khi đó, điều đáng để ngạc nhiên là thái độ của Hezbollah sau chiến thắng này. Ông Nasrallah và tổ chức ông đứng đầu trở thành thần tượng của Lebanon, được 80% dân số cảm phục (kể cả 70% của người Ki tô). Trong khu vực và trên thế giới Hồi giáo, kể cả với đa số thuộc hệ phái Sunni (hai hệ phái này có những thâm thù truyền kiếp như thời sự tại Iraq chẳng hạn cho thấy hay cuộc chiến giữa Iran và Iraq trước đây), hình ông lên áo thun của nam thanh nữ tú. Hezbollah được cả nết (cứu trợ nạn nhân, tái thiết thiệt hại) lẫn người (kháng cự lẫm liệt) nhưng nếu mà nhắc đến thì ông Nasrallah ửng hồng đôi má dưới hàm râu lễ phép. Ông không dám, và 25.8 ông còn thẹn thùng mà phát biểu đến dễ thương là nếu biết trước là bắt tù binh Israel gây ra cuộc chiến và Israel phản ứng mạnh bạo đến như vậy thì ông đã không làm! Tuy khiêm tốn là cái sang trọng của kẻ chiến thắng, người Việt chúng ta cũng rất biết là không phải ở đâu cũng vậy. Quần chúng Ả rạp, quen thuộc với những huênh hoang của các lãnh tụ, trố mắt mà thán phục Nasrallah, nói gì làm nấy. Ông không hứa hẹn sẽ xây dựng lại Lebanon đẹp gấp mười nhưng ai mất nhà thì ông chỉ hứa là sẽ xây lại y như cũ mà thôi. Chuyện đó thì chưa thấy, nhưng trong khi chờ đợi, Hezbollah đã phát tiền cho các nạn nhân để thuê nhà đỡ trong một năm và sắm ít giường ít chiếu “để sống cho ra con người” theo lời Nasrallah. Hai ngày sau khi ngưng bắn, ở miền nam đã có mặt 1.700 kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên gia, lao động thu dọn gạch vữa, mở lại đường, khiến đến người Mỹ còn phải đề nghị mời ông sang Hoa Kỳ làm giám đốc cơ quan quản trị cấp cứu liên bang (FEMA, nổi tiếng toàn cầu sau bão Katrina). 

Giới tiến bộ Tây phương thì khỏi nói, mềm lòng ra và có người còn thấy ở ông cả đức tính thế tục (secular) và nhân bản khi nghe ông phát biểu phải tôn trọng mọi thành phần của xã hội Lebanon và cá nhân ông ngưỡng mộ Che Guevara (!) Lebanon là một quốc gia có dân chủ chính trị (như một chính khách trả lời ông Bush “chúng tôi đã có dân chủ trước cả khi Israel được thành lập”), có tự do xã hội, đa nguyên, đa đảng, đa tôn giáo và đa văn hoá, là một biệt lệ ở khu vực [5]. Lebanon có một nền giáo dục hàng quốc tế, truyền thông, xuất bản, nghệ thuật cao cấp nhất trong vùng, chắc là nhờ tự do và nhờ tự do này, Beirut là trung tâm văn hoá của Trung Đông trước đây và hẳn là muốn khôi phục lại vị trí sau thời gian nội chiến [6]. Nhưng nhớ lại trong thập niên 80, khi phong trào Hezbollah xuất hiện (một nửa nhờ thành công của Cách mạng Đen ở Iran, nửa kia là “nhờ” miền nam bị Israel chiếm đóng) thì thế tục và nhân bản chưa được thấy rõ, phụ nữ nằm phơi nắng ngoài bãi biển bị tạt át xít vào ngực (át xít là hoá chất mà silicon rất kị), có khi còn đặt bom đàn bà bikini (có lẽ Hezbollah là khủng bố đầu tiên đánh bom bãi biển, mãi sau này Israel ở Gaza mới bắt chước). Từ đốt quần G-string đến thiêu phụ nữ, như ta biết, chẳng bao lâu, nếu mà lại đốt bằng rượu. Các cửa hàng bán rượu bị Hezbollah đến cấm cản và đe doạ, phải dọn đi hay đóng cửa. Nhưng đó là chuyện trước kia cơ, trước khi ông Nasrallah lên lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của phong trào. 

Tuy vậy, vẫn có thể tự hỏi, nếu ngưỡng mộ Guevara sao ông Nasrallah không gia nhập… đảng cộng sản, nếu nhân bản sao ông không cải danh phong trào thành, thí dụ, Hezbvoltaire [7], và nếu thế tục sao lại gọi là Đảng của Thượng đế! Những thắc mắc này, ở Lebanon vẫn có thể còn hỏi trắng ra được, ở Iran thì chỉ nên tự hỏi thầm nếu khhông muốn theo thiếu nữ 15 tuổi phạm tội gian dâm hay đồng tính luyến ái (phạm tội… đồng tính luyến ái) mà ra pháp trường để được thắt dây thòng lọng. Thiết lập một chế độ thần quyền Hồi giáo hệ phái Shia là tôn chỉ của Hezbollah, lí do để tổ chức này hiện hữu, tồn tại và phát triển. Chế độ thần quyền này ra sao thì đã có gương sáng của Iran. Vặt vãnh là những chuyện như phụ nữ ra đường không được mang vớ trắng để khiêu dâm và bốn năm một lần, nếu đội quốc gia lọt vào World Cup thì được đến sân vận động mà xem lông chân cầu thủ. Nhưng khả năng quản trị về kinh tế hay đức hạnh trong sạch của các thầy tu giờ cũng chẳng thấy đâu, chỉ cần nhìn mặt một người như cựu Chủ tịch nước như ông Rafsanjani là đủ hiểu. Ôi còn đâu cái thuở ban đầu? 

Một bằng chứng thường được nhắc đến về sự phóng khoáng mới sắm được của ông Nasrallah là nhà báo nữ trong và ngoài nước khi gặp ông không còn phải dùng khăn che tóc nhưng họ có được đi vớ trắng hay không thì không thấy nói đến. Lãnh tụ Hezbollah giờ đã vượt cả người mà ông tuyên bố ngưỡng mộ là Che trong tim và trên ngực của quần chúng Ả rạp. 

Nhưng sau chiến thắng này, nếu hình ông có trên tường, trên kính xe, trên t-shirt, thì vẫn chưa thấy có, đặc quyền của Che (một anh hùng chiến bại, xin nhắc lại), là trên quần áo tắm đàn bà. 
[1]Có nơi cho rằng các quân nhân Israel bị phục kích trên phần lãnh thổ Lebanon như họ vẫn thường vô tư.
[2]Từ tháng 5.2000, sau khi Israel rút khỏi miền nam, Hezbollah không hề pháo kích tuy có khả năng như đã cho thấy. Chiến dịch của Israel nhằm ngăn chặn khả năng này (sẽ xảy ra để trả đũa nếu Hoa Kỳ hay Israel đánh Iran) chứ không phải để chấm dứt một hành động quấy phá đã từng hay thường xảy ra. Quần chúng của truyền thông Tây phương xem đài hay đọc báo loáng thoáng có cảm tưởng là Israel gây chiến vì biên giới bị pháo kích ngày đực ngày cái (như trường hợp ở Palestine) nhưng không phải như vậy. Ai bảo (truyền thông) Tây phương không thâm thúy? 
[3]Trong các cuộc chiến trước đây, tỉ lệ sĩ quan tử trận so với hàng binh sĩ trong quân đội Israel là tỉ lệ cao nhất thế giới với truyền thống chỉ huy đi đầu, binh lính theo sau, có trận sĩ quan chết nhiều hơn là binh sĩ là thường.
[4]Một du kích Hezbollah hổn hển vác 200 viên đạn súng trường hay 4 cái tên lửa di chuyển được 5 km/giờ. Một chiến xa Merkeva võ trang một đại bác 120mm, một đại liên 12,7mm, hai đại liên 7,62mm và một bích kích pháo 60mm di chuyển 50 km/giờ. Một chiến đấu cơ F16 Sufa võ trang 500 viên đại bác liên thanh 20mm và 5.000kgs bom, tên lửa v.v... di chuyển 2400 km/giờ. Quân số của Hezbollah theo ước lượng cao nhất là 10.000. Israel có 3.900 chiến xa và 5.900 xe bọc sắt. 
[5]Dĩ nhiên, dân chủ và tự do này là tương đối và 1975 khi đi hết giới hạn đã xảy ra nội chiến.
[6]Bằng cách mở cửa hàng Virgin Megastore đầu tiên tại Trung đông vào năm 2000? 
[7]Khi người ta hỏi ông Huron da đỏ của Voltaire (L’ingenu) theo đạo gì thì ông Huron này trả lời “Tôi theo đạo tôi như ông theo đạo của ông vậy”.

Nguồn: talawas.org

No comments:

Post a Comment