ĐỖ KH. - MỘT GIÒNG SÔNG / HỘP BÁNH LOUBOUTIN / ĐI DỌC LÀ LÊN, ĐI NGANG LÀ XUỐNG? / MALTA, S. ĐI TÌM GỐC / LAO ĐỘNG ĐƯỜNG DÀI, CDG 2F / TÌNH SỬ ROBERT - phiếm


MỘT GIÒNG SÔNG

Hoa phượng vĩ vàng
Hoa dâm bụt đỏ
Hoa đại trắng hồng
Đường đá
Đường sỏi
Đường nhựa lở lói
Nhạt nhoè trong những căn nhà tối và bé, bóng những thiếu nữ điạ phương da ngăm qua những khung cửa hé quần sắn lên đến gối và nách đẫm mồ hôi.
Nhưng trước hết là cái mùi.
Mùi nắng, mùi nắng ướt, mùi nắng long tong chưa kịp vắt và xông lên đến mũi, một mùi nhiệt đới mềm phất phới như quần áo vừa phơi trên sợi giây thép ngoài hiên mắc ngang bụi chuối.
Mưa trên sông dài
Mưa trên biển vắng
Mưa trên thềm cũ
Mái lá
Mái tôn
Mái đỏ hoàng hôn
Loáng thoáng trong những phòng trọ cửa sổ gỗ phên và màn che mềm là những thiếu nữ du khách quần tụt xuống đến gối và nách cạo nhẵn nhụi.
Ở đây là tôi nói chơi, làm gì có được cảnh này.
Dân cư rải rác, vài con gà trong sân, vài con chó trên lộ và một hiệu ăn Trung hoa. Hiệu này tên là Meng và cửa đóng im lìm, trên hai cánh cửa gỗ thực đơn sơn kẻ tay nguệc ngoạc
Tôm chiên
Bò chiên
Heo chiên
Gà chiên
Cá chiên
Mì xào
Trên con sông bé lún phún hoa súng. Khách sạn nhà sàn bỏ hoang ở giữa làng tiêu điều như một câu thơ Hồ Dzếnh. Theo Sông Mới này bằng ghe máy thì độ nửa giờ ra tới biển. Phiá bên kia cầu là một chòi gạch mái tôn, bến xe đò chạy theo hương lộ, đâm thẳng vào rừng già, nghe đâu ở đầu kia tít tắp thì có một cái bản nhỏ toàn nhà lá và chưa có điện, nói gì đến tiệm ăn Trung Hoa.
*
Cây cầu  bằng bê tông nhưng cong như Thê Húc, hai bên rào cản bằng cột sắt cái thiếu cái còn nhưng tôi không nghe nói là có trẻ con nào xảy chân rơi xuống và bị cá sấu cắn. Tôi ngưng đạp ở trước dốc, thở hồng hộc và cắn cái bịch nước ny lông. O hiện ra lung linh trong cái nóng, rung rung như trong cảnh một ngày trưa sa mạc quay bằng ống kính viễn vọng.
Đây là lần đầu tôi gặp O ở bên ngoài. O thì tôi mỗi ngày mỗi gặp, bữa sáng và bữa trưa, O làm phục vụ hàng ăn của khách sạn tôi đang ở. Không phải là cái nhà trọ bỏ hoang trong làng ngay bên kia dốc và vừa mới nói đến, từng nước sơn nứt nẻ mà là cái cách đây mươi cây số, “Spa duy nhất giữa rừng già” theo câu quảng cáo, nằm êm như một phép lạ.
Bữa nay về trễ vậy, tôi hỏi khi O vừa nhận ra tôi và ngưng lại.
Hôm nay có đoàn du khách từ tàu biển.
O dang hai chân đứng tấn, vẫn còn mặc cái váy khi làm việc loại pareu quấn, một thứ sarong Thái bình dương đối với địa phương này thì rất xa nhưng lại được cái mỏng mảnh. Trên yên xe, cái quần lót O lòi ra trắng bóc, tôi nhận ra cả từng gân vải sọc nhưng tôi nhìn trời. O thì cũng nhìn trời vậy, lúc nào cũng nhìn trời, ngay cả lúc nàng phải mang chén bát ra đến bàn. Ngón tay nàng móng chuốt ưỡn các đốt đài các, bàn tay chìa ra chỉ kẹp đĩa đồ ăn lại bằng một ngón cái cong cong.
O nhìn trời tôi nghĩ là để trách ông xanh, từng bước chân đỏng đảnh đang chôn vùi thanh xuân ở xó rừng này thay vì được trinh sát của công ty người mẫu Elite phát hiện mời sang Milan. Dáng O thì người mẫu trình diễn thời trang thật, chân dài và mông săn, cỡ quần áo số 8 và chiều cao 1 mét 75. O là Hàn Tín ở chợ huyện, đeo kiếm đi qua đi lại đợi ngày bình thiên hạ hay đúng hơn là đợi ngày lên lịch bán khỏa thân.
Giờ thì thời của O chưa điểm, và có lẽ nàng thất chí từ năm ngoái, khi có đoàn phim của chương trình Mystery Island đến khách sạn quay cảnh tắm nắng với năm bảy cô người mẫu tuy hạng B nhưng mà người mẫu thứ thiệt, và chẳng ai mời O vào vai thứ sáu hay là thứ tám. Phần tôi, sau khi được coi cái DVD trên, thì tôi thấy O đem so với thành phần vai diễn thực thụ cũng chẳng kém gì ẻo lả. Tôi nghĩ là nếu tôi rủ nàng chụp ảnh tắm suối chắc là nàng phải nhận ngay nhưng tôi hơi đâu mà dụ dỗ gái làng trong lúc tôi đang nghỉ mát. Nếu tôi thích người mẫu, tôi đã đi Milan.
Tôi nói như lỡ lời, rảnh thì tối ra The Rock ăn cơm.
Ngoài khách sạn giữa rừng ra, The “Original” Rock là tiệm ăn duy nhất ở đây từ khi tiệm cơm tàu đóng cửa. O nhoẻn miệng. Nàng đi tiếp, mép đùi nhóp nhép trên cái yên xe đạp, co duỗi thấy được một hai động tác trước khi nàng đạp khỏi. Người mẫu hụt hay người mẫu thật, thì cũng có mép đùi nhăn hằn lốm đốm những lỗ chân lông.
R hỏi, cô này ở trong làng?
Tôi trả lời, chứ sao, làm trong khách sạn mà không ở trong làng này thì ở đâu.
*
Ở tận trung phần Belize em có biết,
Quê hương anh cũng có cây cầu.
Đây là quê ngoại, và cây cầu mang tên là “Bridge”. Trước khi đến cây cầu giữa ruộng này, một cây cầu mới đắp vài năm nay trở lại, thì đã thấy tấm bảng giao thông báo bằng từ tiếng Anh đơn độc này. Vậy thì Bridge miền quê ngoại tôi phải gọi với lòng tha thiết tuy đây là tôi đến lần đầu. Tiếng Anh đã về trước tôi ở một hương lộ Hải Hưng.
Trường cấp 1 là mươi căn mái ngói mới vừa sơn phết lại, bọc bằng một tường cao và có cổng ra vào. Lũ trẻ trong sân nhốn nháo theo đuôi khách, lao xao “ông này ở miền Nam ra” tôi chẳng hiểu là đoán xàm được nhờ vào chi tiết gì.
Tôi ở nơi này ra, chứ miền Nam nào láo lếu. Ở ngay đây, gia phả đặt ở trong cái nhà thờ họ mới xây sát ngôi trường có ghi rõ chi tiết trở ngược lại vài ba trăm năm lẻ.
Người em họ cùng với tôi một cụ tổ. Thì họ hàng. Khuôn mặt anh với hàng ria mép, tôi thấy hao hao ông ngoại tôi vào thời tôi còn rất bé. Hôm nay ngày giỗ, anh lên quần tây có giây lưng cẩn thận, giày da. Dẫy nhà này, anh kể, tức là cả cái trường cấp 1, trước đây là khu nhà dưới của ông ngoại tôi, dành cho người ăn người ở. Cả khu vực này là “nhà ta”, con đường đi vào ngõ trước đây là con đường vào nhà, giờ hai bên đã trở thành một xóm vài mươi hộ. Căn nhà mới lộng lẫy kiểu biệt thự bên kia bờ ao, có bồn nước đặt ở trên mái và tường cao cắm mảnh sành là của một gia đình đi lao động ở Tiệp về, giai cấp quý‎ tộc mới, người em mỉm cười. Căn nhà của ông bà tôi, từng viên gạch đã bị gỡ đi từ đời nào, không còn một vết tích.
Cuối thập niên 90, mẹ tôi trở về, chỉ nhận ra cái sân chơi tennis của nhà. Bà đã quá tuổi cầm vợt mặc quần đùi nhưng ủy ban phường đồng ý trả lại mẩu đất này để xây dựng nhà thờ họ, đất nước đã đổi mới và khuyến khích bản sắc dân tộc với lại truyền thống tổ tiên. Phía gia đình tôi trên Hà Nội, bao nhiêu năm không dám về vì sợ lộ tung tích phong kiến với lại địa chủ, giờ đi xe con chất đầy cờ quạt với lại nhang đèn. Đội cải cách đã ra khỏi làng được đúng một nửa thế kỷ.
Cái chợ do ông tôi cất giờ bỏ hoang, chợ mới dời ra huyện nhưng vẫn còn con phố hai bên ngày xưa cụ xây dựng để cho các cửa hàng thuê. Đây không phải là Sơn Tây nhưng biệt kích Mỹ có trở lại miền Bắc để đánh tháo tù binh thì ở quê mẹ của tôi sẽ không bị lạc đường. Sau khi giải thoát giặc lái, và băng qua khỏi “Bridge”, nếu quần áo bị bẩn (biệt kích lội rừng mà) ra phố chợ họ sẽ tìm ra ngay một tiệm giặt ủi (cạnh hàng Internet duy nhất) vì tiệm này giờ có bảng tiếng Anh đề “Open Sunday”.
Cái giây lưng simili da Made in China via Đồng Đăng và via Thanh Hà, ông em họ của tôi làm nghề đánh cá. Các bác lên Hà Nội, đi vào Nam, ra nước ngoài. Em ở lại làng, nhưng dạo này mẻ lưới phải đi xa. Tôi nói động viên,
Mấy năm nay trở lại chắc là khá hơn…
Không đâu bác ạ, hết mùa cá em phải đi buôn đồ điện phế thải thêm thu nhập, có khi ra tận đến Bãi Cháy.
Đám trẻ con tự động đã dạt ra không cần phải xua một tay theo phản xạ kiểu đuổi ruồi. Cô giáo viên vừa bước ra khỏi một lớp. Cô ta ngoài 20, con gái Hải Hưng nhờ ăn rươi hồng hai má và đôi mắt tuy đã mất cái ngơ ngác và bắt đầu nặng nề nhẫn nại, nhờ ăn nhãn nên vẫn còn tròn xoe. Cô cao gầy, áo thêu nhưng quần bò đai thấp, nhấp nhú một tí lưng tí bụng Đài Loan, Hàn Quốc lúc xoay người. Chiếc áo xanh nhạt trên người thì mô đen nửa đổi mới nửa mậu dịch, bên dưới là nịt vú trắng dầy với hai mũi tháp nhọn như là kiểu Sàigòn thập niên 70. Nói cho công bằng, thì loại nịt này, ở chợ vải Bolsa, Cali, vẫn còn thấy, tuy là để cho khách đã lứa ngoài 50.
Cô giáo viên nói, thế là anh ở Thành phố?
Trước khi vào thị xã, bên Quốc lộ tôi biết có cửa hàng đặc sản cao cấp, buổi trưa này trên sân còn thấy cả cái Mercedes S 500 đời mới mang bảng số Hải Phòng. Nhưng trong làng, chưa có quán càfé Trung Nguyên. Ông em của tôi bảo
Quán ra hồn thì phải lên phố huyện.
*
Chúng tôi vừa quay đầu xe lại ở trước quán cây đa ở đầu làng thì hai cô gái đã chắn ngang con lộ. Tôi thắng và R thắng, lần này thì không tránh được nữa. Lúc nãy, trên cây cầu khi chúng tôi đạp xe ngang, hai cô đã quay lại mỉm cười nhưng nửa cái trở người thì chúng tôi đã đổ mất xuống con dốc, để hai cô này ở lại cạnh một cặp nhân tình mặt nghệt đang nhìn Sông Mới lững lờ dưới nắng trưa.
Dự tính là đi Lucky Strike, cách đây 20 cây số. Nhưng vừa ra khỏi làng thì tôi bị chuột rút bắp chân, 40 năm nay tôi chưa đi xe đạp. R đạp lượn qua lượn lại chung quanh xe tôi, bảo
Bố dở ẹc.
Ờ thì tôi dở, mím môi còn quay về được chứ đường đi không tới.
Cây đa thì tôi không chắc có phải là cây đa không, tôi không rành thảo mộc. Nhưng nó rất lớn, tỏa  bóng cũng vừa đủ che dăm cái xe pick up xộc xệch và bụi bặm đang đỗ tấp ở dưới chân. Nhưng đầu làng thì là đầu làng và quán thì là quán. Quán đầu làng ở bên kia đường, đối diện cây đa và bảng hiệu xanh đỏ Tây Ban Nha. Bên trong hẳn là có người nhưng ngoài lộ lúc này chỉ có chúng tôi và hai cô gái. Hai cô này da đen, như O vậy, không phải người dân tộc Maya.
Chẳng có gì đài các bìa tạp chí hay là quảng cáo áo tắm, hai cô gái Caríb khoảng 16 hay 18, áo đầm hoa phập phòng dưới nắng và đang đứng dang cả hai chân ra cản lối.
Một cô thấp và tròn trĩnh, một cô cao và gầy. Trong đầu tôi đã nhắm cái cô tròn trĩnh. Tôi liếc ra hiệu cho R về phía cái cô gầy.
Nàng nóng bỏng, tôi bảo.
R có vẻ không đồng tình với tôi. R 14 tuổi và có lẽ thấy cô này đối với nó là quá lứa. Hai cô vẫn đứng đó đợi, xanh tươi và toét miệng đỏ chói như những hoa dâm bụt trên những bờ dậu đâu đó gần bên.
Cơm tối đã có hẹn với O ở The Rock. Hay là giờ vào cái quán cây đa này uống nước đá nhận.
Tôi nói, mình làm quen, xin địa chỉ My Space và Facebook của tụi nó.
R bảo, làng này làm gì có nối mạng và không có Internet café.





HỘP BÁNH LOUBOUTIN

Khách sạn Jinjiang là khách sạn lớn nhất ở Hohhot, theo nghĩa đen, tức là 28 tầng và xấp xỉ một ngàn phòng. Nhưng 28 tầng chồng lên nhau nên lobby cũng không đến nỗi mênh mông sợ lạc, diện tích mặt bằng có phần khiêm tốn, hai khu vực thang máy lên xuống và theo tôi biết, khách đến và đi chỉ có một cửa ra vào chính, ở thời đại này là tự động đóng mở chứ đâu phải thế kỷ thứ 19, cho nên ở ngay chỗ ra vào này chỉ cần cử hai vị phục vụ đứng hai bên để chào dõng dạc bằng tiếng Trung Hoa phổ thông.
Tôi phải lầm bầm đáp lễ mới thóat ra đến ngòai được, vỉa hè ở đây rất rộng, có lối cho xe đến xe đi và có cả chỗ làm bãi đậu ngay ngắn đến hai hàng. Tôi thấy một chiếc Jaguar X-type xinh xắn màu nhạt nằm nổi bật, thì tất cả tùy thuộc vào bối cảnh. Đây là Vùng Tự trị Nội Mông của Trung Quốc, nói ngắn gọn thì là Trung Quốc và xe con Jaguar có X-type đi chăng nữa thì vẫn sáng ngời. X-type là loại bé nhất của Jaguar, mũm mĩm chứ không kiêu sa XK hay đài các XJ, tuy cũng là Jaguar và tất nhiên Jaguar ở cái nhãn và hình dạng dù có nhìn lóang thóang vẫn không nhầm cái dáng của truyền thống và họ tộc. Nói cách khác, đây là Jaguar lọai rẻ, để đáp ứng nhu cầu ở Âu Mỹ của thành phần đã ra trường năm năm và mới được tăng lương hí hửng. Loại xe con này, để cạnh tranh với lại Audi A4 và BMW 3, giá tại Hoa Kỳ là 35.000 USD.
Nhưng ở bối cảnh này, tức là Trung Quốc, thì đây là xe ngọai nhập vào và thuế cao, muốn đụng vào tay lái hay là mở cửa cho người đẹp thím xẩm, phải mất Nhân dân tệ tương đương với lại 80.000. Ngược lại, Audi A6 đen xì, ở đây là xe đưa rước của khách sạn Jin Jiang, một đám mặt sắt đang nằm trên bãi thì giá chỉ có 40.000, vì lắp ráp tại nội địa. Giờ, bay sang đến Mỹ (như thao tác chuột trong thảo trình Google World), thì giá Audi A6 lại là 50.000, có nghĩa là ở Hoa Kỳ cao cấp hơn Jaguar X-type một nấc, dạng xếp văn phòng. Nói cho rõ nghĩa, thì A6 nếu bạn bắt gặp nằm trên bãi đậu ở Hoa Kỳ thì đen bóng hạt huyền chứ không phải là đen sì mặt sắt xoàng xĩnh như là ở đây. Và nói cho (thêm) rối rắm thì đâu mà chẳng khác, bàn tay cầm lái một chiếc xe station-wagon Mercedes loại E ở một ngọai ô chải chuốt của nước Mỹ thì chỉ dùng có hai ngón vì mới ở tiệm làm móng tay ra còn bàn tay này ở trung tâm một thành phố Pháp, cũng điều khiển cùng một chiếc xe đó thì là bàn tay của anh tài taxi. Tất cả tùy thuộc vào bối cảnh và chẳng có gì, chí ít là chẳng có xe con nào, lại ở trên đời mang được một giá trị tuyệt đối.
Thì vậy, nhiều khi còn ngược lại, ở Hoa kỳ vào hàng Wal-Mart đồng nghĩa với mua hàng Made in China. Ở Trung Quốc, vào cửa hàng Wal-Mart là tiêu dùng kiểu Mỹ. Nội Mông Jinjiang Quốc tế Lữ quán này bên trong có một tiệm ăn Tàu mang tên là Made in China nhưng trên phố theo tôi biết, lại không có cửa hàng bách hóa nào là Wal-Mart.
Tôi theo thằng con út ra phố để tìm đĩa trò chơi hàng lậu, theo yêu cầu của nó chứ thật ra tôi chỉ muốn ngồi thừ trong bar ‘Đêm Thượng Hải’ của khách sạn mà uống rượu tiêu cơm sau bữa ăn trưa. Nhưng đi bộ lòng vòng thì cũng là một cách tiêu cơm vậy tuy kiểu thể dục buổi trưa này không được quần chúng hưởng ứng ở tại đây. Phố chợ vào giấc này vắng hoe, người bán hàng trên hè thì co chân gục đầu vào gối, kẻ có sạp có quày thì dựa trán vào quày, ai may mắn có ghế ngắn ghế dài và cửa tiệm hẳn hòi thì ngã nửa người ra mà duỗi vật vờ hai chân gác thõng, nữ cũng như nam. Khu mát xa phất phơ những khăn lau khăn tắm giặt không được trắng đằng trước cửa, vài cô má phấn thò đầu ra nhìn khách đi ngang và ngáp rã nửa cổ họng. Tôi không hiểu chữ ‘lầu xanh’ ở đâu ra và sự tích thế nào chứ ở Hohhot cũng như khắp Trung Quốc mà tôi được biết, chốn buôn hương ngày nay là ở tầng hầm và nhợt nhạt chẳng ra màu gì rõ rệt. Riêng ở nơi này, thì màu xanh (trời hay là biển) lại là màu dân tộc Mông Cổ, chứ không phải là màu phố đĩ. Từ ‘hot’ trong Hohhot là để chỉ màu xanh này, như tên các trấn đó đây Erenhot, Xirinhot, Ulanhot… chứ chẳng phải là để chỉ thanh lâu (Lâuhot hay là Hotlâu).
Phía cuối chợ, gần công viên Thanh Thành là khu buôn bán bình dân chui rúc nhưng con tôi vẫn không tìm ra cửa hàng bán dĩa game lậu, chỉ thấy lắm giày hàng hiệu nhái, Adidas và Nike giá 30 Nhân dân tệ (4,50 USD). Chổng trơ đen đỏ ở trên hè, mấy đôi gót cao của phụ nữ rao giá có 4 đồng. Con tôi bảo, có 60 xu Mỹ, mua vài đôi cho mẹ. Tôi thấy thì cũng nhác nhác Jimmy Choo, Salvatore Feragamo và Manolo Blahnik đấy nhưng đây là hài cũ do những gót sen hồng nào vô danh thải cho gánh ve chai. Tôi bảo mày thì có hiếu, nhưng mẹ mày Trần Bình Trọng lắm, thà đi giày Mossimo mới của hàng Target Mỹ còn hơn là thọc chân vào Christian gì đó Louboutin loại Sida của Trung Hoa. Vậy là cũng qua một giờ vận dụng cơ bắp, chúng tôi vòng trở lại khách sạn.
Tôi chưa kịp xà vào ghế dài của bar Đêm Thượng Hải thì thấy vợ đang đứng giữa lobby dáo dác.
Em chỉ mới đứng dậy đi ra bar. Khi nhớ ra quay trở lại chỉ có vài ba phút mà đã mất!
Tôi giật mình, vợ tôi là người tay hòm chìa khóa, giữ giấy tờ của cả gia đình. Giờ mà mất ví hay là mất túi, phải gọi điện ra nước ngòai cho năm bảy ngân hàng thẻ tín dụng, mất thông hành thì phải trở về Bắc Kinh chầu ba bốn ngày ở sứ quán mới xin lại được sổ mới, thế cũng phiền. Cô quản lý trực đến cạnh bên, hớt hải ra nét mặt, đây là khách sạn cao cấp của địa phương, đang đấu tiếng nhất nhì với thằng Shangri-La vừa khai trương, không thể nào để xảy ra chuyện ăn cắp. Cô ta bảo,
Tôi đã cho nhân viên đi tìm, hay là có người trông thấy cái túi bỏ đó nên đem đi cất hộ…
Thằng con lớn tôi tay cầm quyển chưởng Knights of the Republic (Star Wars) tiu nghỉu,
Thì con đi phòng vệ sinh, đứng dậy đâu có để ý là mẹ bỏ lại cái túi gì…
Tôi thở phào, thì ra là cái túi bánh. Sắp đến dịp Trung Thu, ở đây cũng như mọi nơi, bày bán nào là bát bảo với lại tứ quý, nhân hạt sen, nhân trứng gà và nhân thập cẩm. Tính tôi đi đâu rất ngại mua sắm thêm, va ly lê theo đã bằng nấy thứ lỉnh kỉnh. Mất là tôi mừng, tuy hộp bánh này rất đẹp, ăn vào thì tôi chưa biết thế nào chứ phần trình bày đóng gói đã đáng mấy ngàn năm văn hiến. Lúc nãy mua được đã là một kỳ công, đây là hộp chót và sau khi vợ tôi chọn trên giấy giới thiệu, khách sạn đã phải khất để cho người vào kho đi tìm. Nửa tiếng sau, trong khi chúng tôi đang an vị ngồi dùng bữa rồi mới có một anh phục vụ xách đến tận bàn mà giao cho. Nội cái túi giấy để cầm ở bên ngòai tôi thấy đã trang đài, nghĩa là trang nghiêm và đài các, không hoa hóet mà lịch sự, chẳng kém gì cái túi giấy shopping màu cam của nhãn Hermès, lủng lẳng ở bàn tay là đã ra dáng giai cấp quý tộc. Vậy mà vợ tôi ngồi trong lobby, đứng dậy để ra bar mà không nhớ cầm theo.
Hộp bánh này lại là cái chót, vợ tôi chặc lưỡi.
Bánh đi nhưng Trung Thu thì vẫn còn đó, tôi triết lý. Tôi đã từng bỏ cả nước ra đi để chạy lấy người thì việc này đối với tôi là chuyện nhỏ, nhằm nhò.
Cô quản lý thì mất cả thể diện của khách sạn nên sốt sắng tới lui, không có kết quả gì bèn bảo, để cô lên phòng an ninh tua băng video thu hình xem có thấy gì chăng.
Tôi chợt nhớ ra và kể lại cho vợ.
Khi tôi trở vào khách sạn cũng là lúc một cô người Hán (tức là không phải người Mông Cổ) bước ra bãi đậu xe. Cô không mặc đồ đi làm như những nam nữ công sở và doanh gia đang ở khách sạn họp hành tíu tít mà mặc đồ đi phố, coi như là từ một trang báo cuối tuần và in bốn màu giấy láng bước ra. Cô ta không Mông Cổ nhưng mông cao, đôi chân thon trên gót hài nhác nhác Jimmy Choo, Salvatore Feragamo và Manolo Blahnik uyển chuyển (đoạn nhãn giày cao cấp này tôi ‘chép và dán’ từ khúc trên vì tôi viết trên máy vi tính bằng hai tay lộc cộc rất là chậm chứ không phải tại tôi lười sáng tạo). Tôi nhìn theo thì thấy cô kéo một tà váy và leo lên đúng ngay chiếc Jaguar X-type xinh xắn màu nhạt nằm nổi bật (đoạn này tôi cũng ‘chép và dán’ cho tiện). Tập trung vào việc theo dõi cặp mông cô sóng sánh nhưng giờ tôi nhớ lại là cô có cầm theo một cái túi bánh Trung Thu!
Và nếu không nhầm, nhầm sao được, khách sạn chỉ có một lối ra dành cho khách như đã nói ở đoạn đầu và đây chính là cái túi của vợ tôi mới vừa mua, cái túi bánh duy nhất khách sạn còn lại vào ngày hôm nay!
Tôi kể lại và hỏi kỹ, em có thấy mỹ nhân nào đi ngang lởn vởn cặp đùi dài. Nhưng vợ tôi một là không nhìn gái, và hai là không tin, làm gì có chuyện.
Người ta giàu, biết đâu là nhờ ăn cắp đấy, tôi bảo.
Ở xứ này, xe thì tôi không nói đến, nhưng muốn làm Imelda Marcos thì hộp bánh 200 Nhân dân tệ, chính mắt tôi vừa mới thấy ở đầu công viên đằng kia với lại thằng con, cũng đổi được 50 đôi giày (‘chép và dán’) Christian gì đó Louboutin loại Sida của Trung Hoa.







ĐI DỌC LÀ LÊN, ĐI NGANG LÀ XUỐNG?

Nhắm mắt lại mà thính ngoạn thì giọng hát tuy không phải Chế Linh, Duy Khánh nhưng cũng chẳng kém Trường Vũ, Mạnh Đình. Nhất là nếu vào chiều ngày 30.04.05 ở Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ (Westminster, California) thì không những Rừng Lá Thấp xôn xao mà Tâm Sự Người Lính Trẻ cũng phải rạt rào.
Mở mắt ra thì chung quanh là những ông già chĩu nặng chiến tranh và trên sàn diễn là một thanh niên vai năm tấc rộng, thân 6’2” chiều cao (1m88), hoàn toàn mang ngoại hình một người Mỹ gốc Phi châu. Điều đó không cản được quần chúng xúc động trước lời ca tiếng nhạc do một ca sĩ gần với vóc dáng của một cầu thủ football hay một gangster rapper hơn là với Nhật Trường yêu mến. Nhưng, không hiểu và liệu có thể nói tiếng hát Randy (cũng như Việt Ấn, cũng như Quốc Anh, cũng như… Dalena và Lynn-Công Thành, Thanh Hà…) là ngã rẽ, bước ngoặc của ca nhạc Việt Nam hay không?
*
Nếu những vị vừa mới kể trên là những thành tựu đáng quý trong lãnh vực hát hò thì trong lãnh vực của họ, những nhà văn da màu cũng có những đóng góp đáng kể với văn chương của chốn định cư, Anh Pháp Mỹ hay là gì đó. Việc này gợi cho tôi một số câu hỏi mà phần tôi không có trả lời.
Nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ da màu có cần chỗ đậu xe gần lối ra vào như những người khuyết tật hay không? Mỗi nhà xuất bản ở các nước phát triển phải xây một đường lên đường xuống cho các tác giả da màu (dùng xe lăn) hay không? Các tác giả này ốm yếu, có chịu đựng được cảnh màn trời chiếu đất, hay là phải vào bằng được căn lều của chú Tom? Nâng đỡ, gia ân là chuyện của bề trên, chấp nhận hay không là chuyện của những người phận thấp.
Cho đến giờ, việc trao đổi ngang tầm vẫn còn hiếm hoi. Trong lãnh vực kinh tế chẳng hạn, một số làng ở Senegal sống về ngư nghiệp có mùa trúng mẻ cá lớn lại không biết làm gì, để cho ươn, đến khi sóng to biển xấu thì lại đói. Họ có thể xin người Âu xây giúp cho phòng đông đá, phòng lạnh hay nhà máy đóng hộp, dĩ nhiên để những thứ này hoạt động thì cũng phải xây dựng luôn nhà máy điện và có chuyên gia quốc tế để bảo trì, có nhiên liệu nhập cảnh, vật tư mua từ các nước phát triển v.v… Giải pháp của các chuyên gia Việt Nam (của UNDP), là chỉ cho những ngư dân này cất nước mắm và nước mắm made in Senegal đã là một thực tế, không phải để xuất cảng sang… Thái Lan mà là để dùng tại chỗ. Đây là một thí dụ thành công của hợp tác giữa các quốc gia Nam Bán Cầu, khiến nếu đã có ngư dân Senegal ăn nước mắm thì chẳng bao lâu nữa sẽ còn có cả Tết Congo!
Nhưng trong lãnh vực văn hoá, những thí dụ này lại càng hiếm, chưa có nhà văn Việt nào được dịch sang tiếng Swahili hay là ngược lại. Ngay cả sang tiếng Khmer, tiếng Xiêm, tiếng Miến Điện cũng đã không thấy, nói gì Phi châu. Những tác giả Thái mà tôi được đọc, trước khi đến tôi, người đọc Việt, đã phải vòng vo đổi tàu ở Lausanne, Thuỵ Sĩ hay là Anh quốc, London. Những đường bay văn hóa cho đến giờ chỉ có đi lên và đi xuống, chưa hề đi ngang và đi thẳng.
Một trăm năm Pháp thuộc, ta ăn bánh mì và uống sữa đặc. Phải gần nửa thế kỷ độc lập, một số ít người Senegal mới biết ăn nước mắm. Khi nào thì người Việt mới ăn bơ dậu phọng và đọc văn chương wolof (thổ ngữ Senegal-Gambia-Cape Verde)? Tôi đề nghị foodstamps (phiếu trợ cấp xã hội dành cho thực phẩm) khi phát cho người Việt chỉ được dùng mua thực phẩm Caríb và ngược lại.
*
Con đường nhựa như một đường ngôi bóng đâm thẳng tắp vào phía núi chập chờn xanh. Hai hàng dừa như vừa mới ở tiệm Nails ra xộc những ngón mềm lơi lả lên trên rặng mái đỏ của con phố chải chuốt. Ở đây sạch, nếu không như Thụy Sĩ thì cũng như một Đan Mạch miền nhiệt đới, cô nhân ngư (tỉ lệ ½) của cảng Copenhagen ngồi trong hồ nước ở đầu phố ngoan ngoãn, khép hai đùi. Khúc này những cửa hàng kim hoàn (“Giá rẻ nhất vùng Carib”), Rolex, Tag-Heuer, Longines, nhiều hơn cửa hàng t-shirt và đồ lưu niệm. Nhưng con tôi, đứa 11 tuổi, vẫn có điều gì như lo ngại. Nó nhìn quanh quẩn, những thảm cỏ cắt đều và tường vôi vàng mới quét, những chiếc xe hai trục đời mới đậu ngay ngắn bên lề nắng loáng nước sơn. Charlote Amalie, thủ phủ của St Thomas, quần đảo Virgin thuộc Mỹ, vẫn tranh chức “Địa dàng thế giới” mỗi lần tự giới thiệu, với vịnh Maagens giành ngôi hoa hậu toàn cầu. Thằng con tôi mắt trước mắt sau, nó nghiêng về phía tôi hỏi nhỏ “Bố ơi bố, đây có phải là khu người da đen?”
Thì đây vẫn là Mỹ, bãi Trunk ở St John bên kia uốn éo khoe mình là bãi đẹp nhất của quả đất, các du thuyền bạc triệu có lẳng lơ qua lại trên biển thì cũng vậy, vấn đề không tránh khỏi vẫn là chuyện da màu.
Người da màu đầu tiên mà tôi có dịp quan sát gần là lúc lên 3 tuổi ở Việt Nam. Đây là một ông Ấn Độ Sết ti, thu ngân hay thủ quỹ cửa hàng gì đó, ngồi đằng sau một cái quầy kiên cố, có bọc chấn song sắt tứ bề, chỉ chừa ra một cái lỗ hở nhỏ chắc là để đút thức ăn (lúc đó tất nhiên là tôi chưa hiểu giá trị của đồng tiền, đây là cửa sổ để trao bạc). Bé bèn ngây thơ hỏi mẹ “Đây là con gì ở trong chuồng vậy?” Thì có lem nhem cũng con người và quả báo, sau này tôi lấy (con) vợ trông cũng Ấn độ không kém, nhìn ắt phải lầm. Ông Ấn kiều kia có viết văn hay không thì tôi không biết nhưng giờ lại quả báo tiếp, tôi ngồi viết ở một nơi mà mỗi một cộng đồng da màu đều được hưởng một cái chuồng không ai buồn ra khỏi, lý do là ngồi trong sở thú thì mới có người đến coi?
Về Văn chương Da màu ở Hoa Kỳ tôi không rõ mấy, một ông Mỹ đen viết văn mà tôi có đọc thì lại ưa sống ở Pháp (James Baldwin), một ông Mỹ đen lập thuyết mà tôi có xem lại thích sống ở Guinea-Conakry (Stokely Carmichael). Bà Sandra Cisneros tôi đặt ở đầu giường mấy tháng nay, cứ lật 3 trang là tôi ngủ, thật tình tôi chẳng biết gì về văn chương này. Nếu văn chương Việt ở Mỹ được liệt vào Văn chương Da màu thì tôi lại càng lơ mơ, như mọi người Việt ở đây, tôi vẫn tưởng là tôi… da trắng, ai cũng có bằng đại học, con em đều valecditorian và Bolsa là thủ đô của Bắc Mỹ hay chí ít cũng là trong dòng chảy (chính) của hội nhập. Da màu là Kẻ khác, Rợ Cao Ly phía Bắc đường Garden Grove, Man Mexico phía Nam đường McFadden (thương thay những Huyền Trân Santa Ana).
Đáp xe buýt từ Brea Mall, quận Cam (Cailfornia), ra tới Manhattan Beach ở quận Los Angeles, chỉ trong 3 tiếng ta có thể đi ngang 22 ghetto sắc tộc, bằng ấy tòa soạn báo “Người Philipin” và “Tagalog Báo Kinh Tế”, Tiểu Delhi và Tegulcigalpa nhỏ hay thủ đô tị nạn Bengali. Nhưng bà Monica Ali hay bà Jhumpa Lahiri đến với chúng ta phải qua nhà xuất bản London- New York hay NewYork-London và phải viết bằng tiếng Anh như là Andre Dubus, Ha Jin hay là Monique Truong.
Vai trò của văn chương da màu là phục vụ da màu hay da trắng? Tôi viết cho người Việt hay là tôi viết cho Tây? Đó là một lựa chọn, không phải là một chiều hướng bắt buộc và tất yếu. Tôi cũng thích đọc Tây đen nữa nhưng khổ nỗi, như vừa đã nói, tôi chỉ đọc được những Tây đen đã được Tây trắng xoa đầu. Xoa đầu thì cũng tốt, còn hơn là bị đánh. Nhưng giờ có cách nào tôi tìm ra những ông Tây đen bị Tây trắng đánh?
Có dịp trước 1975 tôi đi viếng một đồn điền cao su ở Việt Nam. Tôi chẳng hiểu gì về cao su cả và tôi đi với ông Giám đốc đồn điền là người Pháp. Vào nhà máy, ra rừng cây, muốn hỏi gì chị phu hay là anh thợ, tôi phải hỏi ông Giám đốc bằng tiếng Pháp. Ông này ra hiệu cho ông trợ lý người Việt để ông ta dịch thắc mắc này của tôi cho đương sự. Đương sự trả lời, ông trợ lý bèn dịch lại cho xếp người Pháp và ông Giám đốc quay sang tôi mà lặp lại. Tôi thấy là tôi oai dễ sợ trước những anh bắt vít lấm lét và những cô cạo mủ trầm trồ. Giờ, muốn người Lào đọc hay muốn đọc người Lào cũng như vậy, cũng phải qua ông Giám đốc (Xuất bản) Pháp và ông trợ lý (dịch thuật) Lào. Là người viết thì tôi oai ra phết, và nếu là người đọc thì tôi thấy ông/bà nhà văn Lào oai thật, đi bên cạnh ông Tây. Nhưng cái oai cũng có cái khổ, trong văn chương như là trong trường hợp đồn điền cao su. Trường hợp chót này, tuy oai nhưng tôi không cách nào mà hỏi tên cô cạo mủ làm quen, hẹn 6 giờ chiều ra bờ sông để tôi tặng cô một cành hoa dâm bụt.
Trong văn chương da màu nhược tiểu đại loại thì cũng thế. Khi tôi gặp bà Taslima Nasreen (nhà văn Bangla-Desh da màu-bánh mật- và lưu vong Thụy Điển), bà đang ngồi uống nước trong bar của KS Atrium tại Praha. Lúc đó bà đang mang án tử hình của quá khích Hồi giáo nên tôi có đôi phần thiện cảm sẵn. Bà lại là một phụ nữ dũng cảm, tuy bị đe dọa nhưng không mặc áo giáp mà còn ngang nhiên mặc áo… hở rốn (cũng màu bánh mật) nên đôi phần thiện cảm của tôi tăng lên thành những ba hay bốn. Tôi mỉm cười, nữ sĩ cũng mỉm cười, và tôi tiến lại quầy, định sẽ mời bà ly rượu, mặc 2 ông cảnh sát lầm lì đứng bên bảo vệ lăm lăm dù thường khi tôi rất sợ công an. Nhưng 5 bước này tôi chưa vượt kịp, từ đâu đã hiện ra một “trợ lý” hỏi tôi muốn gì? Tôi bảo tôi có chuyện muốn nói với Nasreen. Bà trợ lý này thấy mặt tôi nghiêm trọng (?), sợ tôi rủ rê tác gỉa của bà vào con đường văn chương bất chính nên chìa ngay danh thiếp, chuyện gì thì ông cũng phải liên hệ qua Nhà Xuất Bản! Vậy cho nên đến ngày nay tôi vẫn còn nợ Taslima Nasreen một ly gimlet ít gin và nhiều angostura.
*
Một năm Hội nghị Thượng đỉnh Pháp thoại, tôi vinh dự được mời tham gia vào Ủy ban Soạn thảo Cái gì (tôi không rõ) về Văn chương Pháp thoại cho các Bộ trưởng Văn hóa đồng ký thuận tại Hội nghị. Ủy ban làm việc tại trụ sở Trung ương ở Paris. Ngày đầu tiên, tôi không phải là người duy nhất đến trễ vì các thành viên khác có người từ Lebanon, từ Bờ biển Ngà, Senegal mới đáp máy bay qua, có người sáng sớm lấy tàu cao tốc từ nước Bỉ. Trong các thành viên, một phần là Giáo sư, Khoa trưởng Đại học đây kia, một phần Giám đốc NXB hay Trung tâm Văn hóa này nọ và một phần là Nhà văn gì đó. Chúng tôi đến từ Âu Á Mỹ Phi Trung đông và đại diện như thế là đầy đủ cả. Việc đầu tiên sau buổi họp giới thiệu là việc hành chánh, những vị từ xa có vé máy bay, vé tàu nhưng không có quỹ ăn ở và di chuyển tại Paris. Họ to nhỏ với Ban Tổ chức một lúc, cô thư ký đến hỏi trường hợp cá nhân tôi (vì có lẽ ở cấp thừa hành cô không rõ lý do tôi được mời). Tôi tượng trưng cho Viễn đông Pháp thoại rất tiện lợi vì tôi ở ngay Paris, không tốn quỹ đi lại, khách sạn, và tôi dùng xe tôi đi họp nên cô khỏi hoàn cả linh tinh vé tàu điện, tiền taxi! Chỉ có buổi ăn trưa chung với mọi người là do tổ chức phải đài thọ. Sau đó, an tâm rồi về phần tốn phí, chúng tôi mới đắc lực mà làm việc văn hóa được. Nhưng tôi vẫn nghe than phiền xầm xì của các thành viên lao động văn hóa, nhờ thế mà nhà hàng dùng cơm trưa được thay đổi mỗi ngày và thuộc vào cấp khá.
Sau tuần lễ tốt đẹp này, tôi vẫn thỉnh thoảng liên hệ với các bạn quốc tế trong Ủy ban cũ, thường là thông tin về sắp họp cấp này ở Bamako, Mali còn vài xuất, hay trường kia ở Louisianna cần “nhà văn tạm cư” trong một khóa, đã có tao một Madagascar rồi còn thiếu mày một nhà văn châu Á. Dĩ nhiên, họp ở Mali thì quỹ tổ chức là của Canada hay là Luxemburg, còn Đại học Lebanon chẳng hạn nếu có quỹ tự túc thì họ lại mời nhà văn…Pháp! Những lúc đó tâm hồn tôi len lén một nỗi buồn khó tả hoang sơ.
Trong văn chương và nghệ thuật, vẫn không có hệ thống hàng ngang vì khác với thí dụ kinh tế về nước mắm, người ta vẫn chưa thấy có ích lợi gì. Người viết vẫn thích được Tây cho đi thang máy, bấm vào nút là nó bay lên vùn vụt trong những nhà cao ốc nguy nga. Người đọc vẫn lấy đó làm ngưỡng mộ tràn trề và được cả cái sang lây. Giải pháp nào đây? Văn chương da màu thì tôi không biết nhưng ca nhạc thì cũng khá giản dị. Khi nhắm mắt lại và thả hồn theo tiếng hát, thì Randy tôi cũng những bồi hồi.







MALTA, S. ĐI TÌM GỐC 

1.
Cái bùng binh nằm xanh mướt và tròn trịa trên một quả đồi nhỏ. Ở đây cái gì cũng bé nên chỗ tụ hội của ba con lộ chính tại ngoại ô này khiến nó là quảng trường có lẽ lớn nhất của con đảo. Một lộ đi xuống phố, thủ đô Valletta và bờ biển du lịch. Con lộ kia Nam-Bắc ngoằn ngèo thắng cảnh nối hai đầu từ vịnh Marsaxlokk đến vịnh Thiên đàng trong vỏn vẹn trên dưới trăm cây. Tôi thấy nhấp nhô khu kỹ nghệ núp mình đằng sau đường cao tốc phía cảng thương với những nhà kho và nhà máy, màu xám hiếm hoi ở một nơi gần như là nhà cửa đủ các loại “ton” vàng chìm dưới ánh sáng mềm của Địa trung hải.
Vào giấc trưa này, vẫn còn khoảng trăm người đứng trải khắp bùng binh. Họ tấn chân trên bãi cỏ và nhìn ra phía lộ, áo quần sạch sẽ và tươm tất, ai nấy đeo một cái túi dết ngang người. Họ đều là thanh niên vào cái tuổi sung sức nhất của cuộc đời, ngực ưỡn ra chờ đợi, một đại đội sẵn sàng. Chờ đợi và sẵn sàng gì? Họ chờ đợi việc từng ngày, thõng hai bàn tay thợ vịn khi mặt trời đã lên đến đỉnh. Hy vọng của hôm nay vào lúc này đã bắt đầu đứng bóng nhưng chưa lay chuyển được quyết tâm lao động của những thanh niên này trong dáng đứng hiên ngang. Đây là chợ người của Malta, điểm cực Nam của châu Âu trù phú và những thanh niên này từ châu Phi đen đến, sau khi mấy ngàn cây số vượt sa mạc Lybia và hai trăm hải lý biển hiểm nghèo.
Một nhà văn Ý kể lại chuyện có lần ông gặp một tốp thanh niên người Tunisia trên một hòn đảo kế cận đây là Pantelleria. Đảo này thuộc Italy, nằm về phía Tây Bắc của Malta và gần bờ biển Bắc Phi hơn, theo ông ta thì những đêm lặng gió, có thể đoán ra ở bên kia lục địa những ánh điện chập chờn. Toán thanh niên Tunisia này tay mang vai sách, hỏi thăm ông ta là “Đường nào đến nhà ga xe hỏa, chúng tôi đi Milano”. Pantelleria, diện tích có 80 km2 và chiều dài mươi cây số, dĩ nhiên là không có nhà ga xe hỏa. Nhóm người lao động đi chui này bị chủ thuyền vượt biên gạt, đổ họ xuống đây và bảo là đã đến lục địa trong khi lục địa còn nằm xa vời đằng sau Sicily. Đầu thế kỷ này, những hòn đảo du lịch trong vùng là điểm đến của lao động châu Phi tha phương tìm sống, thỉnh thoảng lên trang tin quốc tế khi thuyền của họ đắm chết cả hội hay là dạt vào Fuerteventura, Las Palmas trên một bờ biển du khách Âu đang duỗi người tắm nắng để mà tương phản. Nhưng vào cuối thế kỷ 19, không hẳn là chỉ có một chiều như vậy, ít ra là trong trường hợp của S. con tôi.
Vào cuối thế kỷ 19, một thanh niên từ Malta bỏ quê hương hiền hòa của ông ra đi mà sang châu Á. Lý do gì thì tôi không biết, ông có chí làm ăn hay là vì ông thất tình? Nàng lên xe hoa thì ông lên tàu biển, nàng về nhà chồng thì ông gạt nước mắt nam nhi mà sang LebanonLebanon vào lúc đó ông nghĩ là tận cùng của quả đất, đầu này của một châu Á bí hiểm đối với một người từ đầu kia châu Âu, hẳn là đủ để được quên. Và đủ để được quên thật, ông lấy vợ sinh con tại chỗ dưới những rặng ô liu, thỉnh thoảng cỡi lừa ra bờ biển nhìn về hướng Đông Bắc mà thở dài nhè nhẹ. Đứa đầu lòng là con gái, ông đặt tên theo cái làng bờ biển cạnh thủ đô Valletta là Sliema.
Đây là nơi lần cuối chia tay 
Chia tay lần cuối
Nước mắt rơi mặn môi
Nước mắt chia đôi đời
Ở công trường Batulla nàng nhìn về phía phố khuất sau căn nhà đồ sộ năm bảy từng barocco-gô tíc (1825) và ông nhìn về phía biển sóng đang kiên nhẫn tiêp tục mài những bãi đá nhẵn mòn. Nàng nói thôi em về và ông bảo, ờ thì anh đi. 
Bóng em khuất sau đồi
Lúc mây tím giăng trời
Lúc giông tố tơi bời
Lúc đường đời ngăn đôi
Tình mình chia phôi
Nhưng tình đầu làm sao vơi
Nên từ đó anh buồn!
[1]
Đây là chuyện tôi bịa đặt ra cho mùi mẫn chứ thật ra chàng thanh niên này mỗi bến một bà theo kiểu làm ăn xa phải có cơ sở địa phương và mùi mẫn thì chàng những năm ba, Palestine hay Cyprus nữa biết đâu. Ở cảng Beirut, cô bé Sliema con gái của chàng là một trong những bà cố ngoại của S. đứa con tôi.
Như vậy nếu tính “máu” Malta thì S. cũng có 1 phần 16, tức là 6,25%, đứng đồng hạng với phần máu Saudi, gấp đôi những phần máu Thổ nhĩ kỳ, Đức quốc và Trung quốc. Con người, hay ngay con chó con ngựa, con nào cũng như con nấy có căn cước, lý lịch và tổ tiên. Malta đây là lần đầu S. đến nhưng S. cũng như là Việt kiều 100 năm sau, về nước và ngửng đầu có thể nói It-Tipjip jaghmel hsara lilek u lil ta’ madwarek, tức là cha ông tôi ra đi từ bờ biển này, tôi là người gốc gác ở đây ( tôi xin lỗi người đọc rành tiếng Malta, câu trên đây là một câu thổ ngữ đóng khung tôi chép lại từ trên bao thuốc lá và thật ra mang nghĩa là “Hút thuốc có hại nghiêm trọng cho bạn và những người chung quanh”)

2.
Đề cập đến gốc gác Hoa của S. thì tôi phải đề cập đến gốc gác của tôi trước đã và phân trần để bạn đọc nào để ý đến cái 3,125% Trung quốc của con tôi (tức là 6,25% của tôi) khỏi phải nghi ngại Hán gian đội lốt.
6,25% Trung quốc của tôi có nghĩa là tôi 93,75% Việt, phía bên nội có gia phả tại làng từ lúc thành lập vào thế kỷ 17 ở Nam Định. Trước đó là cả làng ở Thanh Hóa cạp đất mà ăn mãi cũng chán mới bồng bế nhau ra đến Bắc phía Hải Hậu, Lạc Quần. Câu vè thời Quân đội Nhân dân ngay cả những thế kỷ trước cũng đã thích ứng. Đi bộ đội thì
Hà (Nội) chuồn Nam (Định) lủi Thái Bình bay
Hải (Phòng) trốn hiên ngang giữa ban ngày
Nghệ Tĩnh đói ăn xin ở lại
Thanh Hóa thấy thế cũng giơ tay
Đó là phần nội. Gốc Hán 1/16 của tôi từ một bà cố ngoại con một ông bang chủ họ Mã ở Hải Phòng. Ông cố ngoại của tôi (tức chồng bà) là người Việt, gốc ở Hải Dương mấy trăm năm và có điều kiện mà thuộc loại lãng mạn “Mười năm tình cũ”. Cứ mười năm ông lấy thêm một bà vợ mới. Đại khái là vào đời thì cụ lập gia đình với bà Cả cùng trang lứa nghĩa là tuổi 20. Lên 30 tuổi cụ lấy bà Hai, bà này cũng 20. Đến 40 cụ lấy bà Ba, tất nhiên bà này cũng lại 20 nữa. Và bà cố tôi, mỹ nhân người Hoa 20 tuổi này là bà thứ tư (sau đó vào lục tuần ông còn thêm một bà thứ năm chưa kể đến hai bà thiếp để đấm lưng khi đau nhức). Bà Tư, bà cố cha Hoa mẹ Việt của tôi, không rõ quê quán ở Quảng Đông hay là Phúc Kiến nhưng Trung Hoa thì cụ không bao giờ chối bỏ. Ở trong nhà con cháu không ai được dùng những từ xách mé như “Ba tàu”, “Các chú” và nói đến thì chí ít phải lịch sự gọi là “người lạ”, “xứ lạ”, “tàu lạ” hay hải đảo thơ mộng “lạ” thuộc quận Hải Nam như là hải đảo Tam Sa mặc dù cụ đã trao thân nhầm một tướng quân (chứ không phải tướng cướp) người An Nam Giao Chỉ. Đến đời bà ngoại tôi thì luật này vẫn còn được tôn trọng nhưng tôi là đời thứ năm rồi cho nên lúc bé tôi thoải mái mà hát
Các chú Ba tàu màu xanh nó lai màu đỏ
Tìm em không thấy thấy em ở trong Chuồng Bò
[2]
Bởi nếu tôi có máu Trung Hoa thì cũng không phải lỗi tại tôi mà là tại vì một ông cố ngoại trái tim rào rạt.
Đến đời S. thì gốc Trung Quốc sáu đời này đã nhạt nhòa, cũng như gốc sáu đời Đức Quốc hay TurkeyMalta thì với nó còn gần gũi, ngay ở trên khuôn mặt, như hai con mắt màu xanh xám của bà ngoại, màu trời mưa vào những ngày cuối hè trên con kênh Nam Comino. Nếu năm vừa rồi S. ở Lebanon học tiếng Ả rạp và hẹn vài năm nữa sẽ bỏ một năm sang học tiếng Việt ở Sàigòn thì mấy ngày tháng 9, nó cũng có thể bỏ ra viếng nơi chôn nhau của một ông cố năm đời và đa tình.
Ở Sliema con tôi không có nhà thờ Họ để thắp nhang cho tổ tiên nhưng các cô gái vóc bé nhỏ ở nước này tôi thấy có những nét hao hao như cụ ngoại của nó. Một phần khác thì súng sính háng và lật bật xương chậu. Một số nhỏ tóc nhạt như là các thiếu nữ trẻ Nhật Bản ngày nay nhưng lại khác các cô này ở chỗ cao và chân dài cũng như là không có di động Hello Kitty nhiều màu chớp nháy. Malta không có cái may một tổ Lạc Long của người Việt mà cây cầu nối hai bờ Điạ trung này bị xấu miệng gọi là một quốc gia “con hoang tứ xứ của những người đi biển”.
Bảy ngàn năm trước đã có dân cư tiền La Mã nhưng văn minh bắt đầu từ khi người Phoenicia ghé bến. Hòn đảo nằm trong tầm ảnh hưởng của họ, hết Trường Sơn Đông Phoenicia (Lebanon) lại đến Trường Sơn Tây Phoenicia (thành Carthage cổ, và là nơi một ông Hannibal xuất voi đánh Đế quốc La Mã, vượt rặng Alps để đuổi các đạo quân của Cesar mặc váy đầm da)[3]. Người Hy Lạp thì Melita (là tên cũ của Malta) cũng không tránh khỏi và rốt cuộc thì hòn đảo cũng phải nằm trong quỹ đạo của Pax (nền hòa bình) Romana.
Đến thế kỷ thứ 9 thì văn minh Hồi giáo trùm phủ kín khu vực, lẽ nào lại chừa mấy trăm cây số vuông bập bềnh này để họ gác chân lên. Nhưng đây trong lịch sử mấy ngàn năm văn hiến của Malta chỉ là một dấu ngoặc hai trăm năm lẻ. Hầu tước Roger người Normand cuối thế kỷ 11 trở thành chủ mới, kéo Malta về phía châu Âu trở lại. Ông Pháp này lại là hậu duệ của cướp biển Viking từ Đan Mạch xuống, có lẽ vì vậy ngày nay bên bờ biển ta mới thấy cô tóc vàng vừa mới kể mặc quần cọc chạy bộ để giữ cho mông săn.
Tưởng đã được yên, và chỉ là một chặng ngừng của các cuộc Thánh chiến, kiểu phi cảng Đào Viên ở Đài Bắc là một chặng ngừng của Việt kiều Mỹ về thăm quê, thì xảy ra sự cố Đại đế Suleyman Trên cả Tuyệt vời (The Magnificent). Ông này là ông kẹ của thế kỷ thứ 16, cùng một đạo quá khích với ông Osama bin Laden. Nhưng thay vì tìm khủng bố đánh tháp Pisa ở Ý đã nghiêng sẵn cho đổ mẹ nó luôn rồi sang Pakistan bỏ trốn thì ông chiếm cả Đông Âu và ngấp nghé thành Wien[4]. Đảo Rhodes của các hiệp sĩ Ki tô thất thủ, các vị này đổ xô sang Malta tị nạn chính trị, thì một phần ăn trợ cấp xã hội khiến người địa phương phát khiếp nhưng cũng củng cố lại các công sự phòng thủ. Khi quân Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh đến thì trang vẻ vang nhất của quân sử hòn đảo được viết lên làm sáng ngời Âu châu Thiên chúa giáo. Malta bất khuất đã cầm cự thành công trước 48.000 quân Thổ trong cái gọi là “Cuộc Đại công thủ”.
Đến đây rối rắm như vậy mà chưa hết. Kiểm lại ta có Phoenicia, Hy Lạp, Carthage, La Mã, Ả rạp, Sicily (lúc đó thuộc các họ Normand), các hiệp sĩ Âu, Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức sơ sơ. Thời cận đại cũng rộn ràng không kém khi quý tộc Pháp chạy loạn mang vàng sang theo để tránh Cách mạng Tư sản đang đổi tiền đợt một đợt hai. Rồi Napoléon đổ quân sang chinh phạt, oanh liệt lắm mà cũng chỉ để lại trong ngôn ngữ địa phương hai từ bonju (bonjour) và bonswa (bonsoir). Anh quốc giành lại và đại khái giữ chặt cho đến 1964. Mười năm đầu độc lập Malta thuộcCommonwealth với Nữ hoàng Elisabeth Đệ nhị (tức mẹ chồng cay nghiệt của công nương Diana) làm quốc trưởng. Phải đợi đến 1974, khi ông Văn Tiến Dũng đang soạn chiến dịch Đông Xuân gì đó thì Malta mới trở thành một Cộng hòa.
Như vậy thì ông cố của S. là gốc nào ngoài cái gốc đi buôn đường dài? Ta không thể biết. Xét về mặt ngôn ngữ thì tiếng Malta cơ bản là Ả rạp và nhánh từ Sicily (Siculo Arabic), thuộc dạng semitic trong văn phạm cũng như những từ thông dụng thường ngày. Chào, chúc an bình, tiếng Malta là Sliem ghalikom, tiếng Ả rạp là Salam aleykum. Cái nhà (dar/dar), con chó (kelb/kalb), chùm khế trước ngõ hay cây đa đầu đình cũng thế, nhưng khi sang đến phần phức tạp hơn thì là vay mượn gần đây hơn từ Ý, Pháp, Anh.
Vẫn lấy thí dụ từ bao thuốc lá, ngoài chuyện là “Philip Morris” thì ông Hồ cũng nhận ra
(Nguy hiểm-Sở Vệ sinh-Cảnh cáo)
Danger-Health Department-Warning
Twissija mid- Dipartiment tas Sanna-Periklu
Người Đông có thể đoán cái phần “Cảnh cáo”, người Tây không cần nặn óc cũng hiểu được “Nguy hiểm” (perilous, perilleux, e pericoloso sporghesi [5] …) và phần “Sở” Dipartiment cũng như là cái gốc của từ “Vệ sinh” (sain, sane, sanitation, sanatorium, qui va piano va sano…)
Nhưng đoán làm gì vì đã có tiếng Anh sờ sờ đi kèm. Ngày nay tiếng Anh đi trước cả tiếng địa phương và là một ngôn ngữ chính thức nhưng tại đây phát âm rất khác giọng ở Eire, Scot hay là Wales mà ai nấy vẫn tự nhiên mà không biết xấu hổ. Đối với bố con tôi thì rất tiện, cho dù họ có phát âm kiểu Malta đi nữa, đỡ phải vận dụng vốn sinh ngữ vài từ học rơi học rớt ở đây kia.

3.
Nhân chủng học là một môn đối với tôi khá là đơn giản. Ngoài màu da, màu tóc, màu mắt năm bảy loại đậm nhạt, phần phụ nữ tôi còn phân biệt ở tạng mông. Bộ phận cơ thể này cũng có thể phân loại gọi là …đậm nhạt. Nhưng như mọi thứ học, đã quan tâm thì nó vô cùng. Cái học này tôi không dám nói là đã đạt, còn lâu, vì phải đợi đến tuổi 50 tôi mới để mắt đến nhập môn. Cách đây 20 năm, tôi đã thử đọc Le paradis des oragescủa Patrick Grainville nhưng nói thật dù nỗ lực vẫn không đặt… tâm vào được. Giờ mỗi khi ra phố thấy người ta bần bật và nhớ đến tác phẩm tiểu thuyết này thì đã vất đâu mất tìm không ra! Malta đa nguồn gốc như đã kể, là nơi lý tưởng để thực tập con mắt, và nếu tôi đã tài, thì dây không phải là ký vặt mà đã là một bài viết nghiêm túc, “Nguồn gốc các dân tộc tại Malta, nhìn từ đằng sau phụ nữ”.
Hai cô gái nắm tay nhau tung tăng rất chậm ở đằng trước tạng nhỏ bé như bà cố ngoại của S. Hai cô này thì đét. Punic? Tiền La Mã? Nhưng khi tôi lại gần thì hóa ra lại là người Philippines.
Chẳng lẽ bà cố Malta của con tôi lại là gốc Philippines? Thập niên này trở lại, phụ nữ Philippines giúp việc nhà và chăm sóc người cao tuổi đã từ Vùng Vịnh Ả rạp viễn dương sang đến tuyến đầu này của châu Âu. Đây tôi thấy họ lác đác, đẩy xe lăn cho bà cụ ra bến tàu hóng mát, dắt ông cụ một tay chống gậy, ai nấy mặt đăm đăm vô cảm đầy nhẫn nại như mang một nỗi buồn giấu kín. Thì đây cũng là đảo, nhưng cách Luzon, Cebu chín mười ngàn cây, không hiểu thân nhân mỗi tháng nhận tiền họ gửi về nuôi qua Western Union có thấu được cái hy sinh và chịu đựng từng ngày này? Đây không có gà adobo và hột vịt ballut, chỉ có thịt thỏ nấu rượu và cá lampuki chiên tỏi, đồng hương phái nam thì năm thì mười họa mấy anh thủy thủ cặp bến được một ngày. Lao động xuất khẩu Việt Nam cũng một hoàn cảnh như vậy nhưng ở Việt Nam còn đổ lỗi được cho chế độ Xã hội Chủ nghĩa chứ Philippines thì đổ cho ông Marcos lẫn bà Aquino, ông Estrada lẫn bà Macapagal-Arroyo và chế độ tư bản hay sao?
Chế độ tư bản đâu có vô nhân như vậy, coi con người là hàng hóa và đóng thùng để gửi đi xa đổi lấy ngoại tệ, chia vợ cách chồng, chia mẹ cách con hay nghìn trùng không còn thấy anh trai râu mép đấu gà ở đầu ngõ. Ôi anh trai Tondo xà lỏn ngồi chồm hổm đang chuốt cựa gà thấy nhớ làm sao!
Hơn trăm năm trước nhân vật Dimba trong “Tiệc cưới” của ông Chekov từng nhận xét “ Ở Nga không có gì hết và ở Hy Lạp cái gì cũng có- có cha tôi và có chú bác có anh em- còn ở đây không có gì hết”. Ở đây, ở Malta, giờ chỉ có chiều chầm chậm xuống tím những vỉa hè đều đặn của Triq it Torri bên vịnh St Julian…
Hai cô gái này quay đầu lại (chiều chầm chậm xuống tím những vỉa hè đều đặn) và nở một nụ cười toe toét. Các cô buông tay nhau ra chắc là định để nắm lấy tay cha con tôi vì S. thì cũng nhác nhác dạng Palawan mà tôi thì cũng nhác dạng Visayas dày dặn nếu không phong hải cũng phong trần. Nhưng khi nghe thấy hai cha con tôi đang đàm thoại với nhau bằng tiếng Pháp thì hai cô này ngoảnh người ngay trở lại trước khi tôi kịp mở lời mabuhay (tagalog) hay kum esta (ilocano, từ tiếng Tây Ban Nha como esta holà que tál). Phải chi đây là hai cô gái Việt xa nhà thì tôi đã thốt được
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng vây quanh 
chỗ ngồi
rất hợp tình hợp cảnh (chỗ ngồi đây là cặp mông vì không ngồi bằng mông thì ngồi bằng chỗ gì). Nhưng Philippines thì làm sao mà có Nguyễn Du được, tuy là cũng có thiếu nữ lao động xuất khẩu.
Chuyện lạ, ờ thì chẳng lạ, là đi xa thì người ta chỉ thích lại gần những người đồng chủng. Ở Malta, nhìn bố con tôi và gập người chào chỉ có các tốp lẻ tẻ du khách Nhật ngoài các thiếu nữ và thiếu phụ Philippines u uất vì đang phải đi chợ mà chưa kịp giặt đồ cho chủ, lát nữa còn mang phơi ngoài lan can mà đêm nay mưa thì sao. Người nước ngoài ở đây, vào mùa này tháng 9 không có lắm, tôi muốn nói phần du khách Âu của đảo đã về những bàn giấy Manchester hay những xưởng máy Liverpool mà gầm đầu, cắm cúi cái cổ phía sau ót còn đỏ ửng vì nắng Địa trung hải. Phần lớn vẫn là người Anh nhờ quan hệ thắm thiết hai trăm năm cũ, một số người Ý đi lạc vì tưởng đây là Sicily, một số Tây Ban Nha cũng đi lạc vì tưởng đây là Baléares và vài nhóm Bắc Âu thơ thẩn. Nếu có liếc chúng tôi, chắc là vì tưởng chúng tôi là đồng hương Đan Mạch thuộc dân tộc Inuit ở Groenland.
Trong số nước ngoài định cư (không phải là du khách một hai tuần), không kể Phi châu và Philippines dễ nhận, âm thầm còn có nhiều người Bulgary, công nhân xây dựng hay phục vụ quán, sang đây từ lúc thủ tục nhập cảnh còn dễ dãi, trước khi Malta thuộc vào Hiệp ước Âu châu Schengen (2004). Như một cô phục vụ ở quán 516 tại St Julian (chẳng hiểu sao quán này lại trưng bảng Chinese Food mặc dù trên thực đơn không có không hề); như cô phục vụ Bulgary này nhận xét, màu vàng Valletta không phải là màu vàng Sofia. Màu vàng thì có khác nhưng một cô phục vụ Bulgary ở Malta với hai Việt kiều Pháp Mỹ, một lai Lebanon đang đi tìm gốc ở tại đây thì thế giới là một nhà!
Còn cô tóc vàng chân dài lưng tưng mông đang chạy bộ bằng giày Nike bên bờ biển, chưa hẳn là con cháu của các đạo quân Normandy từ thế kỷ 13 mà là người Nga của giai cấp tư sản mới, đang vận động để thải chút mỡ thừa tích bởi quá nhiều Vodka hay Cuba Libre trong tháng 8 tại những hộp đêm ở Paceville cạnh đó.
Gốc ngoại của S., đừng có thấy thon dài thút thít và thon dài nhúc nhích, mà nhận bậy. Bà cố ngoại mày tao đã từng gặp, rất gầy bé, 40 ký trở lại. Và không giải thích được, bà ngoại này của vợ tôi (50% Malta và 50% Lebanon) với bà ngoại của tôi (25% Hoa và 75% Việt), ngoài điểm là thân phụ các bà đều đa thê thoải mái, hai bà ngoại… hình, nhìn lại tưởng nhang nhác là hai chị em. Hay là tôi quá lời đấy thôi, người cao tuổi khắp thế giới, liên hợp lại!

4.
Nhóm cao tuổi người Anh ngồi ở đầu chiếc du thuyền Fernandes 2 cứ vài ba phút lại cười rộ, đập tay lên đùi và hát hò khẩu hiệu gì đó. Từ lúc chuyến dã ngoại trong ngày rời bến Sliema để thăm hai hòn đảo miệt Bắc là Comino và Gozo thì S. chúi đầu mà tranh thủ đọc cho xong bản “Bạch Vệ binh” của Bulgakov. Phần tôi thì không quan tâm đến Hội nghị Diên Hồng của toán bô lão người Anh mà theo dõi một cô Tây Ban Nha đậm đà và tóc rối. Cô này là một cách mạng thẩm mỹ, chí ít là cách mạng của tôi.
Cô tầm thước về chiều cao nhưng bề ngang thì trội hẳn và mạng mỡ sóng sánh, dư thịt thà ra ngay cả với cây cọ của Nicolas Poussin [6], có lẽ phải cỡ ông Rubens mới thưởng lãm được đúng tầm. Bụng cô to nhất người, tuy không thể nói là ngực cô hay mông cô là bé. Thì cô béo, đây là một nhận xét khách quan. Còn cô đẹp hay cô xấu, cô có “hot” hay không thì lại là một chuyện chủ quan và chủ quan của tôi thì thấy cô gợi cảm hơn hẳn đám người mẫu ốm đói và nhợt nhạt hay là hoa hậu này kia đầy trên những trang mạng trong nước và ngoài. Các cô này, trong những lần hiếm hoi tiếp cận tôi chỉ cảm thấy lãnh đạm đến ngột ngạt và tôi tự khen thầm là đạt được mức thưởng thức Botero cũng cần phải có thời gian. Đít to, to ngang và to dọc, không phải là xấu mà cũng không phải là đẹp, to có nhiều loại và tùy. Cũng như là thơ tự do vậy, cái dở cái hay nhưng không cứ thơ vần là mới… ngửi được. Trắc nghiệm cuối cùng và đơn giản, là thích hay không thích, có muốn dúi mặt vào chìm đắm hay chết đuối. Chứ còn thử tả, cũng như thử tả cái cặp mông cô đây đẹp thế nào, thì phải là ông Adorno [7] còn tôi thì chịu.
Tôi đang mơ màng về mỹ học Lukács hít hà, thì bỗng nhiên cả mũi tàu im lặng. Tôi quay người thì thấy một em 12 tuổi mếu máo để bà mẹ dìu đi về phía phòng vệ sinh. Một bà lớn tuổi trong nhóm đang ca hát thì lăn quay ra sàn. Nhân một cơn sóng mà tôi không để ý (vì tưởng đó chỉ là bập bềnh bụng trên bụng dưới của cô Tây Ban Nha), bà đã nôn thốc tháo vào người cô bé ngồi bên! Mọi người đỡ bà dậy, cởi áo tụt quần bà ra và vực bà vào phòng tắm. Bước xiêu bước vẹo thì bà cũng sóng sánh không kém cô Tây Ban Nha một chút nào, nếu nói về kích thước. Nhưng bí quyết của nghệ thuật không ở kích thước và đo đạc dễ dàng như vậy. Cũng sóng cao bằng ấy- okunami- mà một bút lông thường không thể nào sánh (thì sóng sánh mà), không thể nào sánh với lại một bút (thì cũng lông) chẳng hạn Hokusai.
Gozo, 14 km trên 7 km và cách Malta hai giờ tàu lắc lư (thì cô Tây Ban Nha vẫn ngồi đấy và lao xao mạng mỡ), là hòn đảo tục truyền ông Ulyssus bị nữ thần Calypso giữ lại bảy năm trời. Ogygie của truyền thuyết, có người lại cho là đảo Ceuta (hiện thuộc Tây Ban Nha và gần Ma rốc), nhưng đằng nào cũng là hoang đường thì cãi nhau làm gì, đâu mà chẳng được! Ngày xưa cổ tích thì không biết thế nào nhưng ngày nay tôi thấy nhú nhô có mấy mỏm đá làm sao mà giữ chàng ở lại? May mà trước mặt, giữa Gozo và hòn Comino còn có Blue Lagoon (Hồ nước Xanh). Biển Địa trung chẳng lắm lagoon, tôi nghĩ đây là một nơi hiếm hoi trong vùng, nước nông dành cho những người chỉ biết lội bì bọp. Ăn nhau chỗ đó thôi chứ còn huyền thoại thì vùng này đâu chẳng có. Vịnh Elounda ở Crete thí dụ là xứ sở của mỹ nhân ngư đấy nhưng bãi thì sâu và nước lại lạnh hơn một tí. Vào mùa này nước Gozo còn âm ấm, các thuyền du lịch đổ xuống đây vài trăm người lốm đốm mặt hồ. Tuy đây chỉ đến được bằng đường biển (Ulyssus dạt vào là bằng bè sau 6 ngày lênh đênh tàu đắm), hai ba tuần trước hẳn đen nghịt những người nhưng giờ chỉ còn lẫm chẫm những cụ hưu già hưu non nhìn cá lội.
Đồng hành trên chiếc Fernandes 2 với cha con tôi, là Á Đông thì chỉ có một gia đình ba người khác, ông bố tóc dài bạc kiểu Thủ tướng Koizumi, bà mẹ xinh xắn và răng chuột đội nón và trùm người vì sợ nắng với lại đứa con thanh niên trẻ tuổi. Tôi đoán họ là Nhật Bản chứ không phải là Trung Quốc cho nên làm lơ và để họ yên, chứ Trung Quốc là tôi đã lại gần khẳng định đanh thép ngay “Gozo và Comino là của Malta!” S. thì cho đó là Hàn Quốc, vì kiểu tóc thời trang (Hán Thành) của công tử. Tôi không buồn đánh cuộc, nhưng khi sắp hàng lãnh khẩu phần dã chiến ở buffet thì bà này bắt chuyện vì thoạt tưởng chúng tôi là đồng hương. Họ là Nhật kiều ở Bỉ đã 30 năm, bà than phiền cậu con trai 20 tuổi sinh tại Brussels độc trả lời cha mẹ bằng tiếng Pháp và nói tiếng Nhật thì như là trẻ con 8 tuổi. Chồng bà cũng lơ là với nguồn gốc Phù Tang hiệp sĩ, chỉ có bà còn gia đình trong nước nên còn về Sapporo tuyết phủ hàng năm. Nhờ vậy mà tôi biết, Nhật kiều đàn ông không yêu nước bằng chúng ta hay là karaoke ở Nhật thì cũng có nhưng mà rất mắc. “Bố con họ chỉ thích Âu châu”, bà lắc đầu, khiến bà về nước cứ phải một mình. Người Nhật có khác, đàn ông Việt kiều thì ngược lại, dể vợ con ở nước ngoài để về thăm mẹ cha như câu vè “Thứ nhất thăm mẹ, thứ nhì thăm cha, thứ ba là thăm người chưa hề gặp qua”.
Tôi với bà trao đổi câu chuyện kiểu đồng thuyền, trú ở một chỗ ít gió và ít nắng. “Tôi dị ứng với mặt trời”, bà con cháu của Thái dương Thần nữ bảo, thẹn thùng thế nào khi tôi nhìn bà trắng bóc trên dưới trong bộ bikini cho nên má còn ửng được một chút hồng. Ít ra bà này còn văn hoá cho nên còn đưa đẩy câu chuyện được. Một bà Mỹ người San AntonioTexas, ngồi cạnh tôi trong chuyến bay Paris-Rome mới đây thì lại khác. Bà ngồi phía cửa sổ, gọi tôi nhìn ra ngoài khi tàu qua một rặng núi vẩn tuyết. “Thì đây là núi Alps”, tôi nói. Bà trố mắt, tháng này còn có tuyết! Tôi bảo đây nằm giữa Ý và Pháp, lan qua cả Thụy Sĩ và Áo, có ngọn cao nhất Âu châu 4.000 mét là Mont Blanc quanh năm tuyết phủ. Tôi sờ vào túi áo nhưng không có cây viết cùng nhãn để chỉ cái nắp cho bà biết đích xác Mont Blanc là thế nào. Được một lát, bà lại khều tôi. Bên dưới là bờ biển trung phần nước Ý xanh le lét, tôi chỉ hòn đảo lớn nhất trong đám này là Elba. Bà ngây người, tôi thấy có bổn phận phải chú thích du lịch, Elba là đảo hồi đó Napoléon phải đi đày, trước khi ông xổng cũi trở về Pháp 100 ngày toan khôi phục lại cơ đồ. Nghe đến vượt ngục, eo ôi bà ta lè lưỡi, tôi phải vội trấn an. Nhưng mà y thất bại ở Waterloo và bị bắt trở lại, chở đi khám khác canh phòng nghiêm ngặt hơn kiểu Guantanamo hay Abu Ghraib ấy mà. À, Gitmo, bà an tâm. Tay cầm một quyển hướng dẫn to đùng của nhà Fodor lật tới lật lui, sau cùng bà lại hỏi, vậy anh biết ở Ý có nhãn bia nào uống nhè nhẹ, kiểu tựa như là Miller Lite?

5.
Tôi xin lỗi dân cư bang Texas và xin đền bằng kết quả một cuộc thăm dò về du khách quốc tế do hệ thống yahoo.travel hay expedia tổ chức, tôi đã quên mất. Thăm dò này có đến nhân viên của mấy ngàn khách sạn khắp nơi tham gia và du khách quốc tế tệ nhất mà họ bầu lên là du khách người Pháp chứ không phải là du khách ngớ ngẩn từ Trung phần Hoa Kỳ!
Kết quả về ngược này được lý giải như sau. Thực ra, người Pháp ít đi thăm nước ngoài vì phong cảnh, núi non bờ biển ở nước họ đều có đủ. Đi xa thì Caríb (Guadeloupe và Martinique), Thái Bình dương (New Caledonia và French Polynéia) hay Ấn độ dương (Réunion) nước Pháp đều có chỗ để phất tam tài. Vì vậy, người Pháp ít đụng chạm ngoài lãnh thổ nên không có hiểu biết và thích ứng. Họ lại chỉ biết nói có tiếng Pháp, trong khi người Mỹ ít ra còn nói được tiếng… Anh, là thứ tiếng mà Hong Kong hay Bangkok còn có người hiểu. Người Pháp lại khó tính và đòi hỏi, không trao đổi được với người bản xứ, họ hay ngộ nhận. Một thí dụ, tại nước họ, khách sạn chỉ xếp đến có 4 sao là cao nhất mà các nước khác thì dùng đến những 5. Nếu vào một khách sạn 4 sao ở Thái Lan thì họ bất bình về tiêu chuẩn kém hạng nhất. Thí dụ khác, các hàng quán tại Pháp đều tính trong giá đề trên thực đơn phần 12% tiền phục vụ nên không có chuyện bo thêm. Hàng quán Mỹ thì ngược lại, lệ là khách cho thêm 15-20% tiền phục vụ tùy hỷ. Cho nên, ra nước ngoài, thí dụ như sang Pháp, khách Mỹ không biết và thêm phần này vào hoá đơn nên được coi là hậu hĩ. Còn khách Pháp sang Mỹ không để lại đồng nào bị coi như là thiên tai giáng nhằm người phục vụ nào trúng phải. Đó là chưa kể họ cằn nhằn vì ăn đâu cũng không ngon trong khi người Mỹ thăm nước Pháp, tới cái cùi bánh mì cũng nức nở và quay phim đưa thẳng lên youtube!
Chuyện sau đây là một nhiếp ảnh nhà nghề người Pháp sang Trung Quốc để chụp ảnh về ra sách chứ không phải chụp ảnh chơi. Tất nhiên, anh không thể chỉ đến Bắc Kinh hay Thượng Hải như một du khách bình thường. Anh lặn lội Vân Nam, từ Côn Minh lấy xe đò đêm 12 tiếng đến một xó chết tiệt, sau đó đi tiếp vào những thôn những bản chưa hề thấy dấu chân của một người Tây phương. Bạn hướng dẫn của anh kể lại cho tôi là đến đâu anh cũng hỏi “Ở đây có nem (chả giò Việt Nam) không” và chán nản lắc đầu (vì làm sao mà có)! Phong cảnh nào anh cũng chê, bảo là không phải hình ảnh của Trung Quốc đã thấy trong tim và anh cốt đi tìm. Đến một chỗ hoang sơ, nhìn nông dân đang cắm mạ anh mừng rỡ “Đây rồi” và lấy máy ra lia liạ.
Đây là Trung Quốc anh chờ đợi và người bạn hướng dẫn của tôi giải thích, bởi vì người dân tộc ở nơi ấy đội một thứ nón lá nhang nhác như là nón lá Việt Nam! Nhà nhiếp ảnh này, trong tâm trí, chỉ nhầm láng giềng vĩ đại với đất nước của chúng ta vì được nuôi dưỡng theo nghiã đen bởi chả giò đông đá được hâm lại trong các cửa hàng quận 13 ở Paris.
Nem, theo tôi là một món Pháp. Tại Pháp ngay các hàng Deli địa phương còn có bán, có trên thực đơn của các tiệm cơm Tây như là appetizer của Hippopotamus, La Criée. Còn ở Bolsa thủ đô tị nạn (và ở Vân Nam), thì di tìm không ra.
Đây thì ăn nhập gì đến cái tựa của bài viết này? Ngụ ngôn đây là ta chỉ thấy những gì ta đi tìm. Còn ta không tìm, không thấy thì cũng kể được là ta đi chơi! Tổ tiên thì trong trường hợp này hết sức là phức tạp như đã kể. S. đến Malta tìm gốc chỉ là một cái cớ cho tôi đi tìm trời ấm và một chỗ tạm yên thân được trong vài ngày.
Dự tính ban đầu của tôi liều hơn một tí và chẳng có gốc gác tổ tiên gì tất, là đi Na Uy, đến Hammerfest, rồi đáp tàu biển, rồi đáp buýt đến điểm cực Bắc của châu Âu là Nordkapp cho tròn một chuyến đi dang dở trước đây đã hơn 30 năm. Tuy là tháng 9 rồi, nhưng nếu chật vật tìm ra chuyến bay thì Hammerfest tôi không tìm ra được một phòng khách sạn trống để giữ trước. Máu phiêu lưu của tôi giờ có hạn, tôi không muốn giữa đêm trời 5 độ C, tuy là 5 độ dương thôi mà phải nằm ngoài công viên tức khách sạn không phải chỉ những 4, 5 sao mà là khách sạn “ngàn sao”. Nordkapp để làm gì, chỉ là một địa điểm giật tiền du khách (theo Lonely Planet), đến để chụp ảnh lưu niệm rằng ta có đến tận cùng này rồi đi về.
Tôi bèn tìm chuyến bay đi Kirkenes, cũng Na Uy cực Bắc tuy không là cực “nhất”, nhưng là cửa khẩu nằm sát nước Nga. Ở Kirkenes có thể xin visa khẩn trong vòng 24 tiếng để sang bên kia biên giới mà Hè năm rồi tôi lỡ dịp đến cửa khẩu đầu kia của nước Nga phiá biên giới Nội Mông (lại mông nữa, mông ngoài thì mông trong). Tuy nuớc Nga tôi chưa đến lần nào và chưa hề băng qua nhưng đã “đón” ở hai đầu Na Uy và Mông Cổ thì nghe cũng sang cái tư cách du lịch vậy (“Nước Nga, không tôi chưa đi thăm, tôi chỉ mới đi vòng”)! Khốn nỗi, Kirkenes khách sạn thì ít mà doanh gia đánh cá Nga sang đó bán hàng mới vừa vớt được lại nhiều nên cũng không có chỗ nào trống. Tôi cũng có thể đến biên giới Nga-Phần Lan chẳng hạn nhưng mà tôi nghĩ, thôi dại gì và Địa trung hải chỉ cần mấy cái áo thun bỏ vào túi xách, chân thì đi dép và mắt đeo kính mát để mà còn nhìn lén phụ nữ sửa lại quần tắm G-string cho ngay ngắn giữa hai đùi.
Để gật gù mà đoán, đâu là mông chấm dứt và mép chính thức bắt đầu.
Và thật sự thì những vùng biển ấm Nam Âu chỉ có thế vơ vẩn, từ bờ biển Dalmatie đến Hắc Hải (Varna của nhà thơ Hikmet, giờ ông sống dậy mà xem); những lốm đốm Hy Lạp Santorin, Mykonos hay các quần đảo Ý. Lipari, Malaparte bị lưu đày hay Vulcano bà Anna Magnani giận người yêu (đạo diễn Rossellini) đang quan hệ với Ingrid Bergman ở hòn Stromboli cận kề bên.
Thì chỉ có, là tàn nhang đỏ đang sậm lại giữa múi ngực của đàn bà Ái Nhĩ. Là lông măng vàng đang nhạt dần trên đùi của phụ nữ Thụy Điển. Đi với S., tôi lại dễ bắt chuyện với những cô 20, 18. Đó là tôi nằm mơ ra như vậy.
Malta, bà cố nội hay ngoại thì cũng spaghetti (xin lỗi, nay có cả sushi), và rượu pha sex on the beach, giờ muốn tôi kể gì? Malta những con mắt thuyền xanh đỏ, những tháp canh Trung cổ loang cái loang vẫn còn hùng vĩ, những căn nhà thế kỷ 17 cửa ra vào lại rực rỡ sắc màu? Tựa của bài ký sau tôi đã có, “Cây chà là ở Mecca”, dưới bóng mát tương đối này tổ tiên của con tôi tụng kinh một ngày năm buổi mà quay về hướng nào cũng được, vì là ở ngay Mecca rồi còn muốn quay đi đâu cha!
Tôi nói với S., vậy là con chỉ còn có 6,25% nguồn gốc chưa đặt chân đến mà đốt nhang thắp nến, kỳ sau mình đi Saudi. 
[1] “Từ đó em buồn”, Trần Thiện Thanh.
[2] Điệp khúc phổ biến (Chérie je t’aime / Chérie je t’adore…) trong thập niên 60 của “Ya Mustapha”, Bob Azam. Ngã Năm Chuồng Bò ở Sàigòn là một khu chị em ăn sương bình dân.
[3] Văn minh Phoenecia (La Mã gọi là Punic) xuất phát từ thành Tyr (Sur ở Nam Lebanon hiện nay) và lan ra đến Carthage (giờ thuộc Tunisia) nhưng không khỏi mâu thuẫn với nhau về sau này, kiểu mâu thuẫn giữa hai thành Rome và Constantinople.
[4] Khiến ngày nay BosniaAlbania, Kosovo…còn có người Hồi và sinh ra chí chóe.
[5] Đây là câu tiếng Ý khách tàu hỏa liên Âu trong thập niên 70 đều thuộc lòng vì cửa sổ tàu nào cũng có đề bằng bốn thứ tiếng “Il est dangereux de se pencher en dehors de la fenêtre / Do not lean out of the window/ E pericoloso sporghersi/ Nicht Hinauslehnen” (Đưa người ra khỏi cửa sổ rất nguy hiểm).
[6] Ông Poussin không những chỉ họa những bà khỏa thân tròn trịa đang tụt quần lót mà mới đây Bảo tàng Pháp còn khám phá trong tranh của ông một dương vật nam duy ý chí mà nẩy nở ở mức tối đa. Tình trạng hớn hở này đã bị ai đó chữa lại cho phù hợp với bản sắc xìu xìu của dân tộc Pháp, khiến nhà nước phải mất 300.000 USD cho chuyên gia khôi phục lại trên tranh trạng thái ban đầu.
[7] Sinh viên nữ chống đối năm 1968 đã lên bục giảng của nhà lý thuyết Mỹ học Trường phái Frankfurt này mà cởi áo và phanh trần ngực cho thày xem khiến ngay sau ông buồn rầu (“Tôi mà lại bị chụp mũ là thiên hữu!”) và đột tử vì đau tim.





LAO ĐỘNG ĐƯỜNG DÀI, CDG 2F

Người thanh niên có lẽ đến 30 hay mới ngoài 25, trừ khi cuộc sống tặng cho anh một cái dáng cằn cỗi trước tuổi. Anh mặc bộ đồng phục lao động của một công ty đánh cá Trung Quốc, ngồi co người chồm hổm cả hai chân lên trên ghế đợi của phi trường. Các bạn anh, dáng dấp trẻ trung hơn, nửa hiếu kỳ nửa e ngại, nhìn cảnh vật chung quanh với vẻ vừa ngơ ngác vừa mệt mỏi.
Tôi thường gặp những thủy thủ đoàn hay công nhân xuất khẩu ở những trường bay đây đó, từng tốp, có khi từng đoàn vài ba chục, đồng phục của công ty thuê mướn hay mang nhãn dễ nhận của tổ chức IOM (International Organization for Migration). Họ từ tứ xứ đến, tứ xứ đi, trên đường công tác, vật vờ trong những khu chuyển tiếp trường bay quốc tế, xếp hàng nhẫn nại ở lối vào những nước nhập khẩu xa lạ mới tiếp xúc lần đầu và không lẫn lộn được với khách du lịch háo hức hay doanh gia xách cặp. Đây là hiện tượng toàn cầu hóa của sức lao động, một chợ người ở mức của trái đất, hàng cơ bắp vận chuyển khắp thế giới và văng vật khắp các góc. Thiếu nữ Ethiopia giữ trẻ ở Beirut, thanh niên Kurdistan xây nhà ở Dubai, phụ nữ Philippines buổi chiều đẩy xe cho những cụ già đi dạo ở Malta, và thủy thủ Indonesia bập bềnh trên những vùng biển lạ.
Ngày hè cuối tháng sáu, Paris oi bức, trạm 2F của phi cảng Charles De Gaulle (CDG 2F) khó khăn hô hấp khí điều hòa. Hiện tượng toàn cầu đang được quan tâm là bóng đá, và trạm này lốm đốm vàng cam màu áo của các đội còn được chuộng. Tuy là nước Pháp, nhưng tiếng vo ve của kèn Vuvuzela ở đây đã tắc tịt, kèn cổ động Nam Phi tại đây giờ được gọi là “Vous vous en allez déjà?” (Sao đã ra về rồi hả?). Màu xanh biển đậm không phải là màu xanh gà trống Gaulois hay màu xanh Squadra Azzura mà là đồng phục của các phi hành đoàn mắt trắng dã lê lết flight case. Tôi cũng mắt trắng dã, một vài giờ ở đây đổi chuyến vào một sáng, đi qua đi lại trong khi đợi. Tốp bốn thủy thủ từ Đông Á, với vốn sinh ngữ nước ngoài và kinh nghiệm du lịch thế giới của tôi trong vòng 40 năm qua dầy dặn trên năm lục địa, khi nghe họ trao đổi với nhau, tôi đoán là người Nam Dương nói tiếng Bahasa.
Tôi ôn lại trong đầu, Selamat pagi, Apa gì đó kabi hay Api gì đó kabar. Tiếng Bahasa nhiều từ Ả-rập (Assalamaleikum) lại nhiều từ Âu, như “xin lỗi” là permisi, “hẹn gặp lại” là sampai jumpa lagi và dễ nhớ như tên nhà văn Jumpa Lahiri. Bốn anh thủy thủ này cũng đứng ngồi không yên và đi qua đi lại, trao đổi với nhau ồn ào nói lớn, tôi còn đang cố nhớ nhưng không ra những tiếng chào hỏi thông dụng lẫn lộn thì các anh lòng vòng vượt qua mặt. Trên ba lô con cóc của một anh, nhãn Diesel dỏm một cách nghèo nàn, tôi đọc chữ viết tay kẻ bằng sơn “Hà Tỉnh” và một câu kiểu xâm mình “anh sẽ quay về”. Đoàn thì có thể Nam Dương chi đó nhưng chí ít anh này là người Việt Nam.
Cả bốn anh đều là người Việt, và tiếng “Bahasa” của họ là phát âm Hà Tĩnh! Tuy phát âm của tôi không chuẩn nhưng tiếng này thì tôi có biết, không cần vận dụng đến những mẹo giúp trí như tên nhà văn này nhà văn kia. Tôi lâm vào hoàn cảnh Trần Hoàn ở giữa Mạc Tư Khoa.
Giữa Mạc Tư Khoa… tôi nghe câu hò Nghệ Tĩnh… 
Ôi câu hò xứ sở, nghe thắm đượm tình quê…
(Trần Hoàn, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”)
Các anh lần đầu ra khỏi nước, hợp đồng với một công ty quốc tế hai năm lao động, chỉ đường bay không thôi nghe đã gập ghềnh những cõi Thiên Sơn. Hà Nội-Bangkok-Paris, theo anh lớn tuổi nhất và lãnh đạo của tốp này thì sau đó là Palestine (?) trước khi đạt Uruguay. Palestine tôi chưa bao giờ đến và đang còn mong có ngày, hiện nay thì Gaza bằng đường biển thì cũng hơi khó đấy. Còn Uruguay là hương xa vạn lý, tôi chỉ biết có nhà thơ Blanca Luz Brum (1905-1985) ly kỳ một mùi đêm.
Bà này năm trăng tròn 16 tuổi trốn khỏi nhà nữ tu đằng sau xe máy của nhà thơ cộng sản người Peru, Parra del Riego, và từ đó hành văn, hành hiệp, hành lạc khắp các phương trời Nam Trung Mỹ. Ở Mexico bà lấy họa sĩ David Alfaro Siqueiros, cùng với cặp Diego Riviera/ Frida Kahlo và nữ nhiếp ảnh gia người Ý Tina Modotti xem Serguei Eisenstein làm phim. Ông Siqueiros tuy với Diego là bạn nhưng lại thuộc trường phái Đệ tam Quốc tế, về sau nhúng tay vào việc ám sát Leon Trotsky! Blanca Luz phò tướng cách mạng Augusto Sandino ở Nicaguara nhưng ly kỳ như thế chưa đủ, bà cải trang thành ma sơ để đánh tháo một tù binh vô chính phủ ở quê hương Uruguay! Ở Argentina, bà nhân tình với nghe đâu chính đức lang quân của bà Evita tức là ông Juan Peron! Đây có thể là huyền thoại, nhưng tằng tịu với Pablo Neruda thì có Federico Garcia Lorca làm chứng! Trong khi nhà thơ Chile tụt quần ra (mà vẫn mang cái cát-két cố hữu ở trên đầu?) thì Lorca đứng canh trước căn chòi bể bơi mà hai người bạn nhà thơ đang hổn hển lục bát. Cuộc đời lắm chấm than này của nữ sĩ chấm dứt ở Chile, sau khi bà ủng hộ đảo chính quân phiệt cực hữu của tướng Pinochet và được ông trao tặng huân chương!
Như bà từng viết một bận khi trở về Montevideo :
Tôi đã sinh ra tại thành phố Nam Mỹ này, tôi đã ra đi và ca hát khắp các con đường thế giới, tôi đã yêu thét, tôi đã khóc thét. Tôi đã chiến đấu, tôi đã trở về thành phố Nam Mỹ này và tất cả đều vẫn vậy.
Thì anh bạn Hà Tĩnh của ta kẻ bằng tay trên ba lô ngắn gọn và xúc tích:
Anh sẽ quay về.
Trong hai năm tới, các anh sẽ lắc lư hải lý như Blanca Luz từng lắc lư dạ lý những vùng trời vùng biển Nam Mỹ, Ushuaia chập chùng và Punta Arenas gió lộng (Punta Arenas nhiều gió đến nỗi dọc các vỉa hè có cột giây thừng để khách bộ hành còn bám vào khi di chuyển), eo biển Magellan lập lòe ánh lửa Tierra de Fuego. Ở Hà Tĩnh, hẳn có cô bé nào nhìn cái nhẫn bốn chỉ ở trên tay mỗi chiều và nhè nhẹ thở dài. Nhưng chuyện này, người thanh niên ba lô Diesel không có dịp để kể.
Đây là một trường bay và chuyến bay của tôi sắp khởi hành. Các anh đợi đi Palestine (?) và tôi thì đi Dubai.
“Chúc bác đi công tác thành công thắng lợi”, chẳng hiểu sao họ lại cho tôi là trên đường đi công tác gì đó.
“Chúc các anh em lao động bình an đường dài”.
Chúc biển lặng và những mẻ cá lớn, những bar hiền trên những Bến Lạ Đặng Đình Hưng. Tôi phải vội lên tàu, nếu là người Nam Dương Hồi giáo thì tôi nợ các bạn một chầu nước ngọt (chứ không phải nước mặn). Người Việt Nam, thì tôi nợ anh em một chầu bia.
Tổ tiên tôi, 300 năm trước nhếch nhác từ Thanh Hóa dắt diú nhau ngỡ ngàng lên Nam Định khai hoang lập ấp, thanh niên đi trước và phụ nữ đi sau. Đến ngày nay, tôi vẫn chưa có bận để trở về.


  


TÌNH SỬ ROBERT

Ngày 30.08.2009, ông Bộ trưởng Quốc phòng Gabon, được bầu làm Tổng thống với con số khiêm nhường là 41,73% số phiếu. Dĩ nhiên là có nhiều bằng chứng về sự thiếu trong sáng trong cuộc bầu cử có bàn tay rụt rè của Pháp nhưng ông Ali Bongo thực ra đã phải vượt qua những khó khăn trong chính gia đình ông trước khi được phép chường mặt ra để cử tri chọn lựa. Cha ông là Omar Bongo, vừa qua đời sau khi cai trị quốc gia dầu hỏa Phi châu này gần 42 năm, để lại kỉ lục cầm quyền liên tục cho Đại tá Gaddafi (Lybia) và Á hậu về mặt này là Tổng thống Ai Cập Moubarak (28 năm và chưa hết).
Ở đây, tôi không có ý phân tích bàn tay Đế quốc và dân chủ tại Phi châu trong ảnh hưởng của Tây phương, chẳng ăn nhập gì đến chúng ta hết và đọc không có gì thích thú mà chỉ xin kể chuyện gia đình, là bộ phận quan trọng nhất của xã hội, đối với người Việt, cũng như bạn sẽ thấy, đối với người Gabon đen đủi và chưa hề đọc Khổng Khâu.
Ông Bongo cha có ba bà vợ. Con gái của bà đầu tốt nghiệp Trường Quốc gia Hành chánh Pháp (ENA) và làm chánh văn phòng của papa. Bà trước đây là Ngoại trưởng. Chồng bà GSTS (giáo sư tiến sĩ) gì đó, là Bộ trưởng Tài chính. Chồng cũ của bà, TSGS (tiến sĩ giáo sư), cũng năm bảy lần bộ trưởng và hiện là Chủ tịch Hội đông Liên kết Phi châu. Bà là người nắm giữ hầu bao của bố, 70 tương mục và 135 căn hộ hay 70 căn hộ và 135 trương mục, trong số đó một cái bị phát hiện ở Hoa Kỳ là chứa 210 triệu USD. Chị hai này, nếu không muốn làm tổng thống thì biết đâu cũng ước chồng bà hay chồng cũ lên thay cha chứ không đến lượt thằng em khác mẹ.
Thằng em này, TS (tiến sĩ) Ali Bongo, tức Bộ trưởng Quốc phòng là con của bà vợ hai. Bà này, Marie-Joséphine hay Joséphine lấy chồng năm 11 tuổi (!) lúc tuổi trăng còn méo và vô sinh nên cặp Bongo nhận hai đứa con nuôi. Sau 27 năm mặn nồng khi chén rượu khi cuộc cờ thì ông bà ly dị không cùng nhau chờ xem hoa nở nữa. Ông Bongo cha bèn lên xe hoa (đã nở) một lần nữa, và lần này với TS Edith-Lucie Sassou-Nguesso là con gái rượu của một người bạn thân. Người bạn thân này chẳng qua lại là tổng thống của Congo láng giềng. Được 18 năm, đến 2009, bà Edith qua đời trước chồng vài tháng vì một căn bệnh bí mật, cha bà khi đến đám tang con gái thốt về phía các con trước của bạn “Chúng mày giết con gái tao!”
Cả gia đình này, con cái ba bà và anh chị em cháu chắt dâu rể lại ở gần nhau trong một khu hộ tập thể cổng kín tường cao và dài mấy kilômét, cho nên có bỏ thuốc nhau thì chỉ cần mang bát canh qua biếu mẹ ghẻ, nên Tổng thống Congo gả con gái xa nhà có nghi ngờ thì cũng dễ hiểu thôi.
Phải nói, Joséphine sau khi ly dị Tổng thống thì trở thành ca sĩ dưới tên Patience Dabany. Bà là một ca sĩ tài năng và nổi tiếng, càng nổi tiếng khi bài hát của bà lại nhắm vào Đệ nhất phu nhân Edith: “Tình địch của tôi có nguậy ngouda-ngouda cũng chẳng làm gì/ Chồng này là chồng chung đó má”. NGouda là “tị nạn chính trị” nhưng trong ca từ này mang một nghĩa khác hiển nhiên. Đây là bằng chứng bà thù cô vợ mới và con bà thì tất nhiên là phải bênh mẹ.
Ngouda-ngouda thì ông Bongo rất (ngueda) công viên rời ra đường phố. Năm 2004, hoa hậu Peru được mời sang thủ đô Libreville để tham gia cuộc thi “Hoa hậu Nhân loại”. Cô được đưa đến dinh một mình để yết kiến ông Bongo. Cô ngồi đợi trong bàn giấy. Khi tổng thống đến nơi, ông đưa tay bấm nút thì cửa mở ra thấy một cái giường nằm to đùng (chứng tỏ là ông Bongo không thích ngueda-ngueda ngồi). Cô bật khóc và nước mắt hoa hậu này khiến ông ngỡ ngàng vì có lẽ tưởng cô bắt chiếc Madonna mà ném vào mặt ông cái quần lót. Phút ngạc nhiên qua, ông lịch sự để cô ôm mặt mà bỏ đi. Cô này về đến khách sạn cầu cứu sứ quán và Interpol, Bộ trưởng ngọai giao Peru phải gọi điện cho đồng nghiệp Gabon để than phiền. Năm 1995, nhà thiết kế thời trang Francesco Smalto đã dính líu đến luật pháp vì một chuyện giới thiệu người mẫu cho Tổng thống Bongo.
Trở lại với bà Joséphine, tức bà hai và thân mẫu của tân Tổng thống, thì ngouda hay ngueda nào có thua ai. Đây xin đề cập đến Robert, chàng trai nước Việt.
Anh là một người con lai da màu, gốc Guyana thuộc Pháp. Khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì anh cũng như hàng ngàn người khác được đưa về trại lính cũ St Livrade ở miền Nam. Anh định cư tại vùng này, lập một công ty sơn phết nhà cửa, chắc là ít khách. Một người quen trong giới cựu quân nhân thuộc địa, giờ trong đội bảo vệ an ninh của ông Bongo bèn giới thiệu cho anh sang Gabon có việc làm. Anh được việc trong dinh và một hôm trời đẹp, trong khi anh đang cầm cọ thì Phu nhân Tổng thống đi qua.
Lady Chatterly này bắt gặp duyên dáng Việt Nam mặc quần sà lỏn trên một cái thang cao, tay thì cầm cọ sơn vung vẩy. Anh đang hát
Hôm nay em đi chùa Hương 
Hoa cỏ còn mờ hơi sương 
Cùng thầy me em dậy 
Em vấn đầu soi í í í gương
thì phu nhân ngửng đầu lên. Người nghệ sĩ này đã bị thu hút bởi bài nhạc Việt Nam mặc dù bà không hiểu ca từ của Nguyễn Nhược Pháp. Đôi mắt bà long lanh vì quyến rũ của nghệ thuật và anh hùng nước Việt cũng như thuyền quyên Gabon, không ai cầm lòng được. Thế là cả hai bị lôi cuốn vào một cuộc tình đam mê và không lối thoát.
Đến đây người đọc có thể cho là tôi bịa ra màn gặp gỡ này, trong Dinh Tổng thống, có ai mà mặc quần sà lỏn. Nhưng trong sách do một người bạn thân ông Clinton viết và mới xuất bản, có kể chuyện sau. Một đêm 1995, an ninh của Blair House (Dinh dành cho quốc khách của Hoa Kỳ) bắt gặp một người đàn ông mắc sà lỏn lò dò đi ra định vẫy taxi đi tìm bánh Pizza. Vị này không phải thợ sơn hay thợ điện mà là Boris Nicolayevitch Yeltsin, Chủ tịch nước Nga! Thế thì phút đầu tiên gặp gỡ giữa Robert và Joséphine như tôi tả ở trong dinh Gabon cũng không có gì quá đáng cả.
Sau đó, tại một khách sạn ở Paris thơ mộng, đương đêm có tiếng đập cửa ầm ĩ. An ninh chạy đến thấy một người đang hô lớn “Khai môn! Khai môn!” như diễn viên John Lone trong “The Last Emperor” của Bertolucci mặc dù ông là Phi châu chứ không phải Trung Hoa. Đây là Tổng thống Gabon đến tận nơi bắt quả tang đôi tình nhân ngang trái (lúc đó vào năm 1979 ông chưa quen Francesco Smalto nên còn rảnh chuyện người mẫu?) Nhưng đằng nào cũng là quốc trưởng đường đường, Omar Bongo chỉ nói với Robert Lương (lúc đó không có đến cái quần sà lỏn) là đây tôi cho anh tiền để mua quần, cầm lấy nhưng mà nhớ biến mất khỏi đời vợ tôi nhé!
Không rõ là Robert ò e này có nhận hay không nhưng quyền lực nào cấm được tình yêu và tiền cũng không cấm được nên đâu lại vào đó. Một đêm trời xấu năm 1979 tại miền Nam nước Pháp, xác Robert Lương được phát hiện trước nhà với hai viên đạn 7,65 ly (32 ACP) bắn vào lỗ mũi. Bongo tuy làm tổng thống ở Phi châu nhưng đạn vẫn đi xa.
Omar Bongo tại chức từ thời Tổng thống Pháp De Gaulle, qua Pompidou và là một người vỗ vai các vị này từ Giscard d’Estaing trở đi. Ông ủng hộ Giscard rồi Chirac. Giscard khi tranh cử với cựu Thủ tướng của mình có gọi điện để trách. Theo Giscard kể lại thì khi bị vặn “Sao anh lại cho tiền đối thủ của tôi” thì Bongo chỉ nói “Thế ra ông biết á?”. Đến lúc Chirac và cựu Thủ tướng của ông là Balladur gầm ghè tranh ghế Tổng thống thì Bongo còn “cậu tớ” mà khuyên Sarkozy (đương kim Tổng thống, lúc đó là bè cánh của Balladur): “Cậu phải tôn trọng Chirac chứ, dù sao cũng là đàn anh”. Công an Pháp, nhân viên tình báo, tướng tá về hưu vẫn hay sang Gabon mà dưỡng già hay kiếm chút lương thêm cạnh thiếu nữ người Fang ngực tròn hay thiếu nữ Batéké ngực nhọn. Vụ án Robert Lương bị ém nhẹm, không tìm ra hung thủ (nghe đâu là hai nhân viên phản gián Pháp), thân nhân của Robert tốt số và Robert xấu số này rút đơn kiện để nhận mỗi người một triệu franc (lúc đó 250.000 USD). Bà Joséphine phải tìm quên nhưng đến nay chưa thấy bà làm bài hát “Tình ca một người mang tên Robert”.
Ông Omar Bongo là một người thấp bé, chuyên đi giày đế cao kiểu Kim Chính Nhật. Năm 1997, tại Hội nghị Thượng đỉnh Pháp thoại ở Hà Nội, ông bị Việt Nam làm nhục một lần nữa khi tôi thấy trên ảnh chụp người Bộ Ngoại giao cử ra sân bay đón ông là một chàng khoảng 1mét85.
Con trai ông, biệt danh “baby Zeus” (Zeus là thượng đế trong thần thoại Hy Lạp), giờ an vị ở ghế của cha, nhưng vì là con nuôi (từ NigeriaBiafra?) nên sau khi bị kiện về gian lận không xong, lại bị tố là không phải sinh ra là người Gabon nên không được làm tổng thống. Ta cũng không nên lo cho ông thái quá, Chủ tịch Tối cao Pháp viện là một bà nhân tình dai dẳng của cha ông chứ sao nữa.
Thì gia đình là tất cả nhưng cũng nhiều khi nhức đầu. Inge Bongo bà vợ Mỹ của Ali “baby Zeus ” Bongo vừa bù lu bù loa khắp nơi là hai người chưa ly dị chính thức và bà mới là Đệ nhất Phu nhân mới. Bà than là đang nuôi con bằng trợ cấp xã hội tại bang Cali trong khi bà hiện thời (Sylvia Valentin, người Pháp con của một doanh gia ngành bảo hiểm) tưng bừng tổ chức tiếp tân mừng chồng thắng cử. Năm 2006, đài VH1 trong chương trình “Really Rich People Real Estate” có cho thấy cũng bà Inge này đi thăm một hộ 25 triệu USD tại Malibu và chê là bé, đến một hộ ở Beverly Hills thì bà ưng vì có đủ chỗ chứa giày. Nay tiền trợ cấp tiểu bang chắc không đủ để mà mua ci-ra. Bà Inge này còn viết thư cho Obama nhờ can thiệp để bà trở thành Đệ nhất Phu nhân người Mỹ gốc Phi đầu tiên tại Phi châu!
Chuyện của chúng ta là thương cho Robert người Việt, hai chân xõng xoài chỉ vì trái tim không chịu ngủ yên sau khi gặp Đệ nhất Phu nhân của một lãnh tụ độc tài. Âm mưu thâm độc của tôi ở đây thực ra cũng để là cho thấy. Một là độc tài bè phái thì đàn em khối tư bản cũng có chứ không phải chỉ đàn em khối cộng sản. Hai là tham nhũng tập đoàn ở Gabon cũng có chứ không phải chỉ là Việt Nam. Sau cùng, chẳng âm mưu nằm vùng hay đầu độc dư luận gì vì ai cũng biết, là ái tình lăng nhăng thì ở đâu cũng có hết.

Nguồn: damau.org

No comments:

Post a Comment