NGUYỄN VIỆN - NHỮNG BUỔI SÁNG KHÔNG CÓ TIẾNG CHIM TRONG QUẦN / MỘT TRĂM ĐÔ MỘT THÁNG / LẤP LỖ CHÂU MAI / KHAI SINH Ở HẢI DƯƠNG / TIN NHẮN KHẨN CẤP / CƠN GIÔNG / MƯA NƯỚC BỌT / NGƯỜI MẤT TÍCH / GIẤC MƠ CỦA SATAN / TRỐN KHỎI THIÊN ĐƯỜNG - văn


NHỮNG BUỔI SÁNG KHÔNG CÓ TIẾNG CHIM TRONG QUẦN

Cấm đái bậy. Cấm đổ rác. Cấm tụ tập. Cấm đậu xe. Cấm bán hàng. Cấm nói thẳng. Cấm nghĩ ngang. Ăn ngủ làm tình và ỉa theo gương tao. Buổi đọc báo sáng thứ hai có một tin làm tất cả mọi người chú ý: Kể từ ngày mai, chấm dứt việc đọc báo tại cơ quan. Ông già sắp về hưu hỏi: Như vậy tôi muốn biết tin tức thì phải làm thế nào? Về nhà bảo con nó đọc cho nghe. Một người nói. Ông già la lên: Nhưng tôi không có tiền mua báo. Đấy là việc của ông. Cũng người hồi nãy nói. Ông già vẫn hậm hực. Từ hồi nào đến giờ, mọi thứ cho cuộc đời ông được nhà nước chăm lo. Ăn thì có chị nuôi. Ngủ thì có mụ vợ ở nhà. Giải trí đã có công đoàn. Quan điểm lập trường thì yên tâm có đảng. Muốn biết thời sự thì cứ vào cơ quan. Chỉ có lũ trẻ là khoái ra mặt. Không phải đi làm đúng giờ để nghe những cái điều không muốn nghe. Hồi ấy, tôi cũng còn trẻ. Mười lăm phút mỗi sáng nghe đọc báo tôi thường tìm cách ngồi cạnh H. Thò tay xuống ghế sờ đùi H hoặc xoa mông nàng, tôi thật sự cảm thấy nghe đọc báo như thế cũng vui. Nhưng một ngày kia H nói: Em sắp được kết nạp đảng. Và nàng không cho tôi sờ đùi, xoa mông nữa. Thế là tôi đâm nghĩ ngợi lung tung. Mười lăm phút mỗi ngày để suy tưởng, tôi trở nên khác người, nhưng nhất định ăn ngủ làm tình và ỉa theo gương nó. Nhưng nó ăn ngủ làm tình và ỉa không cho ai thấy. Thành ra cái việc nghe đọc báo để biết nó ăn ngủ làm tình và ỉa như thế nào lại trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, báo chỉ nói nó ăn rau, mà tôi lại thích ăn thịt, vả lại báo cũng không nói những việc còn lại, cho nên dù cơ quan có tổ chức nghe đọc báo tập thể nữa hay thôi thì tôi cũng không học tập được gì. Tôi đành mất H.
Ghi chú của tác giả:
Truyện này đã được đăng trên Viet Mercury với cái tựa hơi bị chán là "Tôi buổi sáng (sang buổi tối)".
13.6.2004







MỘT TRĂM ĐÔ MỘT THÁNG

Cậu muốn lấy vợ. Nhưng đi hết nước Mỹ cậu chỉ nhìn thấy nếu không là giống lang chạ thì cũng dở người dở đười ươi. Về Việt Nam, cậu cũng chỉ nhìn thấy toàn đồ hám tiền. Bạn cậu bảo, thế thì mày chẳng cần lấy vợ, cứ đi theo tao vào quán bia ôm cho các em chiều chuộng rồi chơi cho mòn cu vẫn còn thừa tiền về Mỹ cày cuốc tiếp. Không phải thế, tao cần một con vợ Việt Nam thật sự, tao cần một cái gia phong. Bạn cậu ngạc nhiên, mày ở Mỹ mà cũng học tập nghị quyết 5 à? Cậu ừ, giấu một tiếng thở dài.
Gã chủ quán nói với tôi: “Nếu ông đồng ý thì chi cho nó một triệu rưỡi một tháng, tôi cho nó đi theo ông. Nhà cửa tôi thuê giùm luôn, khỏi lo”. Cô gái nhìn tôi cười cười: “Anh đồng ý thì em đi luôn”. Gã chủ quán nói tiếp: “Chỗ quen biết tôi mới nói, chơi kiểu này tính ra rất lợi. Muốn bụp lúc nào thì bụp. Vừa rẻ vừa tình cảm. Em út nó cũng được nhờ. Mỗi tháng nó có ít tiền gửi về giúp đỡ gia đình. Phần tôi thì ông cho bao nhiêu cũng được”.
Cô gái học xong lớp mười hai, quê Khánh Hòa. Treo trên tấm thân mình dây của cô một cái váy ngắn, để lộ ra một bờ vai gầy nhưng hai ống chân thẳng và đầy đặn. Có thể nhìn thấy sau lớp áo một cặp vú nhỏ và chiếc mông tròn. Tôi thầm nghĩ cũng đủ để sướng.
Bạn cậu bảo, không thể đoan chắc một cô gái là chung thủy khi cô ta chưa biết mùi đàn ông. Để tao giới thiệu thiếu phụ Nam Xương cho mày, ok?
Thử coi.
Thiếu phụ Nam Xương đứng trên núi đá vôi. Người chồng năm xưa của nàng không chết vì chinh chiến nhưng mãn phần bên mỏ vàng bụi bặm. Nàng ôm con mỏi mòn chờ một câu chuyện cổ tích mới.
Cậu bảo, tôi chưa nhìn thấy người đàn bà nào toát lộ một vẻ đẹp kỳ ảo đến thế. Đôi gò má xanh nhưng sáng ngời. Một ánh mắt đăm chiêu nhưng thương cảm. Hai bầu vú vẫn chưa hết rạo rực dù đã thõng xuống cùng với thời gian. Dáng đứng của nàng nhấp nhổm như đang vươn tới một tình yêu phía trước và bị trì kéo bởi một nỗi niềm phía sau.
Bạn cậu dường như cũng cảm nhận được vẻ đẹp ấy, nói: Nàng đẹp như một câu vọng cổ.
Chúng ta phải bắt đầu thế nào? Cậu hỏi.
Nếu mày làm bất cứ điều gì thì vẻ đẹp ấy sẽ tan biến.
Không phải là mày dẫn tao tới đây để lấy vợ?
Tất nhiên đấy là mẫu đàn bà lý tưởng nhất. Nhưng nếu nàng nhận lời mày rồi nhập cư vào Mỹ thì còn đâu sự chung thủy như mày muốn.
Đụ má mày lừa tao để đi du lịch chùa?
Đúng. Nhưng không phí, phải không?
Còn em nào khác?
Gái Việt anh thư liệt nữ thì không thiếu. Để tao mang Thị Mầu đến cho mày.
Tôi thò tay vào trong áo cô gái nhỏ mân mê một cái gì đấy giống như mặt trăng. Sữa trăng có mùi khói thuốc. Tôi bảo đêm bảy ngày ba cũng chưa hết thèm. Cô gái cười bảo ngày bảy đêm ba mới dạt dào ánh sáng. Ừ, tôi nói anh cũng thích mặt trời chói lọi. Cô gái bảo thế mới hồn nhiên.
Thị Mầu có khuôn mặt tròn, nước da don don. Lung linh như một ngọn lửa, nàng bước tới. Xương háng của nàng bạnh ra kiêu hùng như bà chúa. Cậu ngồi trên một cái ghế thấp, ánh mắt cậu nằm ngang với cái mu lồ lộ trong chiếc quần jean chật của nàng.
Em là Thị Mầu. Nàng tự giới thiệu. Em đến từ quá khứ. Anh là Bush, Clinton, hay Kennedy?
Anh là Tony trong gia đình Corneon xứ Cécilia, ở bên kia thế giới.
Úi già, anh Hai sang trọng quá. Chẳng giấu gì anh Hai, em tuy đã có một con, nhưng coi mòn con mắt, vì em vẫn còn trinh. Thật đấy, không tin anh Hai khám thử xem.
Thúy Kiều còn trinh một chút thì tất nhiên em còn trinh nhiều hơn. Cho anh phá phần trinh còn lại của em.
Phá trinh tốn tiền lắm. Em không bán đâu. Em chính chuyên mà. Em chỉ muốn làm vợ anh thôi.
Cậu ôm ngang hông Thị Mầu hít hà. Nàng có mùi bia. Anh cũng chỉ muốn làm chồng em, nhưng anh sợ mình say xỉn, cậu nói.
Tỉnh táo quá cuộc đời còn gì là thơ. Thị Mầu phát ngôn thay cho toàn thể các thi sĩ của nền cộng hòa nhân dân. Anh uống bia nhé, nàng nói tiếp.
Thưa em, vâng ạ.
Cô gái đã ra nước. Bóng tối đổ dần xuống bụi tre làm mờ mịt tiếng kẽo kẹt khi ngọn gió thổi qua. Tôi há mồm uống một ngụm thinh không bảng lảng. Cô gái hỏi anh vui không? Tôi nói mặt trời không còn nữa. Cô gái lại hỏi anh vui không? Ánh trăng sẽ làm cho em mất ngủ, tôi nói và giúi mặt vào cô. Cô gái bảo anh say rồi. Không, anh là thi sĩ.
Thị Mầu đã đi và để lại cho cậu một đứa bé sinh non. Gió đưa cây cải về trời, bạn cậu đến và khuyên cậu nên tìm một người đàn bà có sữa cho đứa bé. Cậu nói trăm sự nhờ bạn. Bạn cậu mang đến một người đàn bà răng đen, đầu đội khăn mỏ quạ, giới thiệu: Đây là Thị Nở. Chị ấy có thừa sữa cho con cậu.
Quả thật, vú người đàn bà rất to. Cậu bảo cả hai bố con tôi bú cũng không hết.
Chồng con chị đâu? Cậu hỏi.
Dạ, con em ở lò gạch. Còn chồng em là Chí Phèo đã lên đời thành nhà thơ rồi.
Vậy ra chị là nàng thơ.
Không đâu, em vẫn là Thị Nở. Nhà em bảo thơ bây giờ khác rồi.
Không có vấn đề gì. Tôi chỉ cần bầu sữa của chị.
Tôi đã nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh rụng trong buồng trứng. Cô gái bảo anh cứ ngủ một lúc cho tỉnh. Tỉnh để làm gì? Yêu em. Thế thì anh ngủ đây.
Cậu nói với người bạn: Vấn đề của tao vẫn chưa được giải quyết.
Có lẽ, người đàn bà hợp nhất với mày là Thúy Kiều.
Con gái Vương viên ngoại?
Chính thị.
Tao đã nói với mày rồi. Thúy Kiều là Hán gian chứ có phải con cháu Bà Trưng đâu.
Ừ, tao quên. Trong lúc chờ đợi, nếu thèm sữa thì cứ uống sữa Thị Nở cũng được.
Trong giấc mơ tôi có những con khỉ đang vặt lông nhau. Có một đoạn cầu vồng, trên đó có một cô gái ngồi vắt vẻo nhai kẹo cao su và thổi bong bóng. Một trăm đô một tháng. Ngon bổ rẻ. Mời anh Hai.

15.5.2004







LẤP LỖ CHÂU MAI

Cái lô cốt đã sập, nhưng bức tường bê tông thấp vẫn còn đứng để chứng tỏ rằng nó chính là cái lô cốt chứ không phải cái gì khác bởi những lỗ châu mai hình chữ nhật loe ra như cái phễu. Từ cuối dốc, trên đường đi học, năm tôi mười tuổi đã nhìn thấy cái dấu tích chễm chệ một thời của bọn Tây thuộc địa trên đỉnh đồi. Nhiều người bảo đi ngang đấy thường gặp ma. Tôi vốn rất sợ ma, nhưng mỗi lần đi qua không thể không nhìn vào những cái lỗ châu mai như những con mắt trợn trừng không có tròng đen với một ý nghĩ lạ lùng là những con mắt ấy sẽ khép lại. Cũng đôi khi tôi nghĩ biết đâu vẫn còn những thằng Tây trong lô cốt. Tuy chỉ cách mặt đường khoảng mười thước, nhưng chưa bao giờ tôi dám đến sát cái lô cốt ấy chứ đừng nói bước vào trong. Tôi thật sự tin có rất nhiều sự sống đang tồn tại bên ngoài và bên trong cái lô cốt, dù cây cỏ đã mọc tràn qua tạo cho nó một vẻ hoang phế nhỏ mọn.
Năm 1964, cả làng tôi phải bỏ mảnh đất quen thuộc để về thành phố tránh bom đạn. Cái bốt Tây cũ nằm trong vùng kiểm soát của quân giải phóng. Mãi đến năm 1986, tôi mới có dịp quay trở lại. Xóm làng xưa không còn một dấu tích nào dưới bóng những cây điều rậm rạp. Tôi không định vị được ngôi nhà cũ của mình cũng như cái lô cốt Tây mà người ta đã đập nát để kiếm sắt vụn. Nhưng chính lúc ấy tôi lại cảm thấy một cách thật nhất về huyền thoại của ông nội tôi với cái lô cốt Tây không còn thật kia.
Năm 1954, ông nội tôi đã đánh trận cuối cùng với bọn Tây ngay tại cái bốt ấy. Bố tôi kể, sau một tuần lễ vây hãm, tiểu đoàn 309 vẫn không sao san phẳng được cái bốt nằm trên đỉnh đồi án ngữ và kiểm soát con đường nối từ căn cứ địa xuống đồng bằng. Đạn từ những lỗ châu mai bắn ra như vãi trấu. Đã có bốn năm chục bộ đội tử thương sau nhiều lần xung phong mà cái lô cốt vẫn ngạo nghễ. Ban tham mưu đã cho làm cả những tấm chắn chống đạn bằng các thùng phuy cát để tiến lên nhưng đều bị đẩy lùi. Lúc ấy ông nội tôi hiến kế, chỉ có sự hy sinh cao cả mới có thể chặn đứng được hoả lực sau lỗ châu mai của bọn Tây. Đồng chí chính ủy hỏi: Chẳng phải chúng ta đang hy sinh đấy sao? Ông tôi nói: Nhưng chúng ta vẫn thiếu anh hùng để cho địch phải khiếp sợ. Đồng chí chính ủy sốt ruột bảo: Chúng tôi sẽ đưa đồng chí vào sử sách nếu đồng chí có thể lấp được lỗ châu mai của địch. Ông tôi hiên ngang nói: Tôi sẽ lấp lỗ châu mai mà không cần vào sử sách.
Ngày xưa, ông nội tôi đã từng lên núi Tà Lơn tầm sư học đạo. Trên cổ ông tôi lúc nào cũng đeo một cái bùa. Ông bảo chỉ cần tin rằng mình không chết thì không súng đạn nào có thể bắn thủng được. Khi vào bộ đội, để khỏi bị phê bình là mê tín, ông tôi đeo tấm bùa vào trong háng. Quả thật, ông tôi đã đánh hàng trăm trận mà không chết hay bị thương.
Trước giờ bước vào lịch sử, ông tôi được kết nạp đảng ngay tại mặt trận.
Đeo hai quả lựu đạn, ông tôi bò về phía lô cốt. Một toán đặc công yểm trợ bò phía sau. Hàng rào thứ nhất bị cắt. Đến lớp hàng rào thứ hai thì mìn nổ. Không hề hấn gì, ông tôi cẩn trọng và lặng lẽ lết tới. Khi có thể thò tay đút quả lựu đạn vào lỗ châu mai thì bất chợt một loạt đạn từ phía trong bắn ra. Ông tôi bị hất bật ngửa ra cách bức tường ba thước, nhưng vẫn chưa chết. Ông đứng lên xông tới, một loạt đạn khác vang lừng năm châu bốn biển, ông tôi ngã úp vào lỗ châu mai. Đạn bên trong tiếp tục bắn ra, máu thịt ông tôi tung tóe như một ngọn pháo bông trong đêm.
Để làm chứng tích cho một anh hùng, sau trận đánh oanh liệt ấy, người ta vẫn thấy bộ xương của ông tôi nằm vắt ngang lỗ châu mai.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn thật sự tin ông tôi là một anh hùng như bao anh hùng khác không tiếc xương máu mình, nhưng tôi không khỏi tự hỏi làm thế nào mà xác ông tôi có thể lấp được lỗ châu mai, ngoại trừ trường hợp bọn lính Tây trong đồn hết đạn và ngoại trừ trường hợp bùa của ông tôi quả đã linh nghiệm, hay đó chỉ là số phận lịch sử mà ông tôi được an bài?
Cái lô cốt Tây không còn nữa, nhưng cái lỗ châu mai như con mắt trợn trừng vẫn mở, biết đâu bọn Tây vẫn còn trong đó.

3.6.2004







KHAI SINH Ở HẢI DƯƠNG

Hắn cần phải có mặt ở Hải Dương đúng vào ngày 12.3.1949. Đấy là ngày đã được chọn. Chậm hơn hay sớm hơn một ngày, có thể mọi chuyện sẽ khác. Khi trở lại vào ngày 12.3.2015 (hắn đã tự gia hạn thêm cho mình năm năm để thu xếp một số công việc dở dang), hắn vẫn tự hỏi nếu đêm trước đấy chín tháng trời mưa, cơn dột của ma men xuyên thủng mái nhà, thì cái máng xối đưa hắn vào trần gian có thể xảy ra được không, mặc dù hắn đã biết trước tất cả những việc phải làm, một số phận phải chịu đựng. Dẫu sao thì đó cũng là một hành trình trong ánh sáng, hắn nghĩ thế và nhét vào mình tất cả những ký ức, tính lưu hành và mật mã hình thể. Trong bóng tối vô tận của cái không, đầy ứ ước muốn hiện hữu, hắn thoát ra, dù biết sự chói lòa của trần gian chỉ là một ánh chớp.
Quen với ánh sáng từ khi chưa mở mắt, chẳng cần phải được khải ngộ, hắn đã nhìn thấy thấu suốt định mệnh của toàn bộ sự sống. Và hắn chui tiếp vào một bóng tối khác đậm đặc hơn. Ở đó hắn được tiếp máu sau khi đã nhìn thấy cái chết. Cho đến lúc ấy hắn mới ý thức được cái bóng tối vĩnh cửu xuyên thấu mọi sự vật. Một nỗi buồn mơ hồ nhuộm vào hắn. Và một niềm vui cũng từ đấy mọc lên. Nhưng bao trùm lên tất cả hắn vẫn là một cảm thức nhầy nhụa. Trong hàng vạn ngày sau đó, hắn vẫn thấy mình bơi trong cuộc sống bằng cái cảm giác nhày nhụa ấy, vừa ấm áp vừa buồn nôn. Nó là một thứ nước nhờn có mùi vị của chiêm bao. Rất khó quên. Anh có muốn uống không?Hắn không nghĩ là con người luôn luôn muốn quay về, nhưng cái bóng tối vĩnh cửu đã tràn ở phía trước. Giữa sự khởi đầu và kết thúc chỉ là một ảo tượng của ánh sáng. Khi cúi xuống và lộn một vòng trong cái vũng nhầy nhụa, hắn nghĩ không bao giờ con người có thể khác đi. Và hắn uống. Cảm giác được tiếp máu làm cho hắn căng phồng. Hơn lúc nào hết, hắn thấy sự chói lòa của trần gian qua chính vẻ đẹp của hắn.
Ở Hải Dương ngày 12.3.1949, lúc 2 giờ sáng, bọc nước nhờn vỡ làm cho hắn sặc. Và để ăn vạ sự sống, hắn đã khóc. Ngày 12.3.2015, lúc giữa ngọ, hắn lại mỉm cười vì nhận ra tấn tuồng ăn vạ ấy tào lao làm phiền con cháu quá đỗi. Năm mười lăm tuổi, khi chim vừa mọc lông, hắn đã đòi lấy vợ. Cha sinh mẹ đẻ hắn sợ hắn điên khùng làm chuyện càn quấy nên cưới cho hắn một cô gái cùng làng bằng tuổi. Hắn nói sản nghiệp vĩ đại nhất của con người là những đứa con, bởi thế khả năng đẻ của vợ hắn đến đâu hắn cho đẻ đến đó. Đến năm bốn mươi tuổi, hắn đã có mười tám đứa con và mười hai đứa cháu nội ngoại. Để tưởng thưởng cho mình, hắn bắt tất cả con cháu trong nhà phải gọi hắn bằng cụ. Hàng xóm quen miệng cũng gọi hắn bằng cụ theo. Năm năm mươi tuổi, trong lễ mừng thọ do con cháu tổ chức, hắn vuốt râu tuyên bố: “Cụ đã thấy được mệnh trời. Thuận theo thiên ý, các con cháu từ nay phải tôn cụ là thánh”. Con cháu có đứa không phục, tụi nó xầm xì với nhau rằng, muốn là thánh sống thì phải có công đức lớn lao, cụ nhà mình có làm được gì đâu mà tự phong như vậy. Còn làm thánh chết thì cũng phải có ít nhất ba phép lạ mới được quần chúng công nhận chứ. Cụ vốn là người thấu suốt nên biết ngay đám con cháu có ý phản kháng, nói: “Tao biết trước thiên cơ, chúng mày cứ chờ đấy. Khi tao chết, chúng mày phải vơ vét tất cả tài sản xây cho tao một ngôi mộ lớn nhất nước. Nếu không đủ thì đi vay. Trên mộ đặt tấm bia: Đại thánh chi mộ. Ngay khi bia đặt xong sẽ có ba phép lạ nhãn tiền cho chúng mày được vinh quang đời đời”.
Bọn con cháu không tin cũng phải làm theo. Tuy thế cũng phải mất gần một năm tất cả con cháu mới hết ngượng miệng khi gọi hắn là thánh. Sau đó hàng xóm cũng quen gọi hắn là thánh. Và rồi hắn hoàn toàn nghĩ mình là thánh thật. Đám con cháu cũng coi hắn là thánh thật. Không ai thấy điều ấy là khôi hài. Suốt những năm tháng còn lại, hắn sống cẩn trọng như VIP, tưởng tượng ra những công đức của một bậc đại trí và viết thành sách làm gương cho con cháu trong nhà học. Hắn bảo chỉ cần đọc sách của hắn cũng đủ nên người.
Năm 2015, trước khi quyết định quay về với bóng tối vĩnh cửu, hắn đích thân chọn đất và vẽ kiểu lăng mộ cho mình. Hắn cũng bắt con cháu kiểm kê tài sản xem thiếu đủ thế nào. Hắn hài lòng thấy mình xứng đáng được chôn cất như một vị thánh. Để củng cố niềm tin cho con cháu, hắn nói: “Chúng mày cứ bán hết tài sản lo việc hậu sự cho tao chu đáo, tao sẽ làm phép lạ thứ nhất ngay sau khi chết. Xác của tao sẽ không bao giờ thối rữa. Hai phép lạ sau sẽ ứng nghiệm cho cuộc đời chúng mày huy hoàng”.
Thế rồi ngày 12.3 cũng tới. Hắn chết sau bữa cơm trưa. Xác của hắn được đặt trên tấm phản nhỏ phủ khăn trắng. Đám con cháu tin lời hắn không đóng hòm, dâng hương chờ hắn hiển linh. Nhưng mới chỉ sang ngày thứ hai, xác của hắn đã có mùi thối. Bọn con cháu cố tẩm dầu thơm vào xác hắn, nhưng đến ngày thứ ba thì mùi thối đã nồng nặc còn hơn cả mùi chuột chết.
Có một sai lầm mà hắn không bao giờ nghĩ tới là hắn sinh bắc tử nam. Ký ức cuối cùng hắn mang theo là niềm tin của con người có thể thay đổi được số phận.

4.8.2004







TIN NHẮN KHẨN CẤP

Không thể thoát. Tôi vẫn tin như thế khi cái bẫy đã giăng ra. Chiếc lá sẽ rơi trong chiều nay không bởi một cơn gió nào. Cô gái sẽ đến và nói thưa anh, em đầu hàng. Cũng như chiếc lá, cô sẽ buông mình xuống trong chính nỗi niềm của mình. Người đàn ông trong phim đưa khẩu súng lên ngang tầm mắt. Bùm. Anh nhớ em. Tại sao em không nói tận đáy lòng những điều em muốn? Thập diện mai phục chẳng là cái đinh gì. Sáng nay, tôi đã nhắn một tin rất buồn. Con ma đã chết. Nhưng cô gái vẫn sợ, cô nói em sẽ dừng lại ở phía bên kia ngã ba. Nơi có mùi thông khô và hai nấm mồ quạnh quẽ. Trước khi buổi chiều đến, mặt trời nghễnh ngãng lội qua sông. Cả lòng sông bừng sáng nhưng ông lái đò mù bảo chỉ có tao mới biết thế nào là hư ảo. Chúng mày cứ tắm cho sạch sẽ. Đừng bận tâm có một hay nhiều dòng sông. Cô gái nói với ông lái đò mù, cháu không dám tắm đâu. Thằng mõ đã rêu rao khắp nơi rằng sông có Hà Bá. Người đàn ông trong phim phóng lưỡi đao lên trời. Mây chảy máu. Tôi nói điềm bất tường đã xảy đến cho những linh hồn hãi sợ, nhưng con đường ngập nước sẽ che giấu những bước chân mòn mỏi. Em không đến để chết, cô gái nói. Tôi bảo không có sự sống nào mà không bắt đầu từ sự chết. Ông lái đò mù khua mái chèo dưới nước. Chúng mày không tắm thì chẳng bao giờ biết thế nào là sống chết. Con thuồng luồng đã bơi qua các đại dương và đang nấp dưới gốc cây bần. Tôi lại nhắn một tin khẩn cấp. Anh chết. Cô gái bước qua ngã ba, mùi thông khô làm cho cô nhức đầu. Những nấm mồ đùn cao lên để nhìn. Buổi chiều xuống mang theo nỗi buồn của đất hôi. Cô gái nói em thích ngửi mùi anh. Nhưng tôi đã là cái xác thối. Người đàn ông trong phim hôn cô gái trong lúc con thuyền trôi trên sông. Ông lái đò mù nói chúng mày đừng nghĩ có cái gì vĩnh cửu. Đúng lúc ấy con thuồng luồng phóng mình lên, nó nhìn thấy nụ hôn của con người và quay đi. Không một ai sau này còn nhìn thấy nó. Ông lái đò mù bảo huyền thoại là sự thật được kể bởi những kẻ mất trí nhớ. Thế rồi một ngày qua đi. Tôi rất buồn. Quán cà phê tôi ngồi với những người lạ. Ông lái đò mù cũng bỏ dòng sông về thành phố chạy xe ôm. Những người đàn ông muốn tìm gái giá rẻ đến tìm ông. Phù du hay vĩnh cửu đều không có nghĩa gì. Cô gái nói anh hãy quên đi nhé. Chúc anh hạnh phúc. Cái chết là sự toàn mãn, và tôi tận hưởng cái chết của mình. Những lớp bụi lần lượt phủ lên tôi trong lúc cô gái soạn những tin nhắn mới. Hãy nhìn em như một người lạ. Quán cà phê vẫn có những người lạ. Người ta nhìn nhau và xếp hạng bảng ưu tiên vào toilette. Tôi vật vờ xuống hầm gọi một chai bia và rao bán ý tưởng cho người muốn tìm thấy kẻ khác. Hai năm ăn trưa với mỗi một đơn đặt hàng. Người đàn bà nói: Ngày ba bữa và khuyến mãi thêm một đoạn cải lương tự chọn trong năm năm. Thế thì tôi sẽ chết trước trong vòng ba tháng. Người đàn bà nói anh sẽ hối tiếc vì câu nói ấy. Không một tình yêu thật sự nào mà không cải lương vọng cổ. Những con kiến đi tìm mùi cá ươn. Em không muốn lừa dối anh, cũng như anh đừng lừa dối em. Cả cái chết cũng bị lừa dối, ông già mù nói. Ông dẫn tôi đến quán cà phê bên kia sông. Cô tiếp viên ngồi trên đùi hỏi anh mới đến lần đầu phải không? Không, anh đến lần cuối. Tại sao? Vì anh đã chết. Cô gái ngửi nách tôi. Mùi thuốc lá nồng nặc. Đừng làm em khó xử. Cô tiếp viên đứng dậy đón một người khách mới. Tôi trả tiền rồi rời quán. Ông già mù nói nếu cậu cần giải quyết, tôi sẽ dẫn cậu đến chỗ khác. Tôi chẳng có chuyện gì cần giải quyết ngoài cái thời gian thừa thãi này. Tôi không nghĩ rằng cậu không có vấn đề, cứ đi theo tôi. Ông già mù đưa tôi ra ngoại thành. Cậu uống rượu nhé, ở đây rất có không khí. Ở đâu mà chẳng có không khí. Cậu cứ tin tôi. Người đàn ông trung niên chơi guitar với một dĩa mồi. Người đàn bà hát với một ly bia. Giọng hát của quá khứ. Tôi nói tôi đi tìm tương lai. Người đàn ông trung niên bảo cứ vô một ly thì sẽ thấy tương lai. Tôi vô một ly. Tương lai của tôi hiện ra. Quá khứ biến mất. Cô gái còn rất trẻ, cô nói họ là bố mẹ của em đấy. Bình thường em vẫn nấu bếp, nhưng với những người khó tính như anh, em phải tiếp mới giữ được khách. Em làm gì để giữ anh? Làm gì thì anh biết chứ sao em biết. Ông già mù nói chân lý bao giờ cũng đơn giản. Thế thì hiểu rồi. Tôi nhắn tin cuối cùng: Hãy về với anh.

9.10.2004







CƠN GIÔNG

Xin lỗi, em không thể. Cô gái trừng đôi mắt. Dường như có cả sự ngạc nhiên lẫn khinh bỉ trong cái nhìn ấy. Người đàn ông bình thản như không có gì xảy ra, mặc dù ông ta biết mọi sự đã chấm hết sau nụ hôn bất chợt trên bờ vai trần của cô gái. Nhưng người đàn ông vẫn tin không điều gì không có thể xảy ra. Bởi thế, ông ta lại tiếp tục cầm tay cô gái và nói những mầm chồi không thể ẩn giấu nỗi khao khát sống. Bàn tay đã mềm từ hôm qua khi trời thổi một cơn gió lạnh. Trên đầu nguồn, nước rịn ra từ bờ đất hoang vu. Và ở trong hang hốc, những con rắn cũng đã cựa mình thức dậy. Người đàn ông nói đừng giết chết điều gì ngay cả đó là một tội lỗi. Con rắn sẽ trườn mình ra ánh sáng và uốn lượn trên ngọn cỏ ban mai. Tội lỗi là một vẻ đẹp thầm kín và lớn lao. Con rắn sẽ phóng mình lên và bập vào không gian cái nọc độc tông truyền của mặc cảm tội lỗi. Em sẽ đi khỏi anh. Người đàn ông nói đừng mang theo nỗi chết. Em không chịu nổi những áp lực. Nỗi chết có hình của một con rắn quấn quanh cổ nạn nhân. Người đàn ông bảo khi tình yêu không đủ lớn thì người ta không đủ sức vượt qua những trở ngại. Con rắn đã bò ra giữa đường. Nó ngoái cổ nhìn quá khứ. Các nạn nhân đều chết vì bị nghẹn họng. Người đàn ông hôn tay cô gái. Cái chết giá lạnh trên từng ngón. Em không thể sống như em muốn. Cô gái cắn vào vai người đàn ông. Vĩnh biệt.Người đàn ông nói em đã trở nên vĩnh hằng. Ở một nơi nào đó, giấc mơ mách bảo cho con rắn biết chỗ con người trốn chạy. Người đàn ông bảo thật ra em đã yêu anh, anh biết điều ấy cũng như anh biết tình yêu chỉ là sự hủy hoại. Bởi thế, em cứ đi, nếu điều ấy làm cho em sống. Đừng hài tội em. Con rắn ngổng cổ lên nghe ngóng. Nước trên đầu nguồn đã tràn thành suối. Cô gái nói em không xác nhận hay phủ nhận điều gì. Khi ấy, những sợi tóc trên đầu cô gái rụng xuống. Nó làm thành một đám mây. Đám mây có màu đen lớn dần và mang theo những giọt nước mắt. Năm em chín tuổi, có một người đàn ông đã làm ô uế da thịt em. Con rắn đã nhìn thấy con mồi. Em ghê sợ đàn ông. Anh là một thực thể khác, người đàn ông nói. Một cái lưỡi chân thật nồng nàn sẽ cọ rửa em thành tinh khôi. Ký ức chỉ là sự nhầm lẫn của cảm giác. Người đàn ông đặt môi mình trên bàn tay cô gái. Tình yêu chúc phúc cho những linh hồn u ám. Em đừng đi. Cơn mưa sẽ làm em ướt. Tin nhắn của anh làm cho em mềm lòng. Trên làn da mù mịt của cô gái, niềm tin ngời lên. Nếu em đi, anh sẽ làm gì? Anh sẽ chạy ngược về quá khứ thắp những ngọn nến trên tất cả mọi lối mòn và truy điệu tương lai. Không còn nhìn thấy dấu vết con rắn. Những linh hồn rũ rượi trên ngọn giáo đã khô queo như cỏ úa. Không có chỗ cho em quay về sao? Em chưa đi sao lại đòi quay về. Chúng ta vẫn sống như mặc niệm. Bởi thế, đừng giết chết tội lỗi. Vòng ngực 86cm phập phồng. Nhìn ngang, bầu vú đứng chờ một bàn tay ôm. Anh muốn bú.Tại sao cứ phải như thế? Tội lỗi giữa muôn trùng vây. Anh nghĩ chưa bao giờ em sống trong cảm giác thật. Khi ở giữa ánh sáng, tội lỗi được giải thoát. Anh muốn nhìn. Tại sao cứ phải như thế? Tội lỗi là sự thanh cao bị ngộ nhận. Người đàn ông đốt điếu thuốc để giải giới cơn thèm khát trong quần. Sao anh hút nhiều thế? Con sâu đã ngủ rồi, nhưng con tê giác vẫn thức. Ở một nơi khác, con rắn trằn trọc tự quấn lấy mình và mơ một giấc mơ đầu độc nhân loại.

17.10.2004







MƯA NƯỚC BỌT

Xà nhà làm bằng gỗ lim đã lên nước bóng. Cụ bắc thang đứng buộc thả những sợi dây thừng xuống đất. Hết một buổi sáng, vừa chùi mũi vừa làm, cụ buộc được ba mươi ba sợi. Qua một buổi chiều, vừa làm vừa ho, cụ thắt được vừa hết ba mươi ba sợi dây ấy thành ba mươi ba cái thòng lọng. Khi ba mươi ba quyển sách bị siết cổ xong thì tàn một ngày. Cụ bảo đấy là ngày tận hiến. Nhưng Chúa của cụ phán: Chưa đủ để con được thanh sạch. Cụ đứng dạng hai chân, hít từng hơi đầy, rồi ra sức nhổ nước bọt vào những cuốn sách đang bị treo cổ ấy. Chúa của cụ lại phán: Vẫn chưa sạch. Cụ bước ra cửa, cởi hết quần áo, đứng ủ rũ như cây chuối bị nhổ gốc từ đâu đó về cắm tạm trong sân, nói lí nhí trong mồm: Tôi là kẻ có tội, hãy phỉ nhổ tôi như phỉ nhổ một con điếm. Đám đông mọc từ đất, tuy ốm o nhưng bừng bừng sát khí, hét vang: Đồ trưởng giả. Rồi họ phun nước bọt vào cụ. Cơn mưa nước bọt kéo dài gần nửa thế kỷ, văng tứ tung lên cả bàn thờ tổ, làm nhiều người mắc bệnh ghẻ. Phần cụ, nhờ thấm đẫm nước bọt của nhân dân mà trở nên khả kính. Cụ được ban cho một chức quan làm đầu trò trong văn miếu. Người đời sau bảo cụ khôn như ranh. Người đời trước bảo cụ dại như gái. Người cùng thời chỉ biết ghen tỵ. Vẫn không bỏ được thói trưởng giả, cụ tiếp tục viết sách bàn về các loại nước chấm. Văn hóa nước chấm là tinh hoa của một dân tộc, cụ nói có một thứ nước chấm không phải để chấm nhưng nếu chấm được thì thức ăn nào cũng trở thành ngon khác thường. Loại nước chấm này do cơ chế kiểm duyệt nên cụ không viết vào sách, nhưng trong chỗ thân tình, cụ vẫn rỉ tai tiết lộ cái nghệ thuật thưởng thức cuộc sống của cụ. Người nào được nghe cũng gật đầu đồng ý. Ai muốn nghe cứ đến tìm cụ. Người ta bảo cụ sành điệu. Đi đâu cụ cũng cặp nách chai rượu mà tất cả dân bợm nhìn thấy phải thèm. Đấy là ân sủng của chúa cho cụ. Cụ bảo trên đời chỉ có cụ là người biết uống rượu. Cụ cũng bảo trên đời chỉ có cụ biết uống trà. Nhưng không bao giờ cụ khẳng định điều gì về đàn bà, mặc dù đàn bà vẫn khẳng định về cụ. Họ nói cụ như trà nguội như rượu nhạt. Sao lại thế, cụ văn chương bóng bẩy lắm kia mà? Cái chày giã trên cái cối thì cần quái gì văn chương. Người đời bảo con cu là biểu tượng quyền lực, nhưng kẻ không có con cu, hoặc con cu có cũng như không đôi khi lại tỏ ra cao đạo. Cụ đứng trên bậc thềm của văn miếu nói sặc mùi rượu: Mỹ học thượng thừa không cần đến chất liệu thật. (Em thì em chỉ cần chất liệu thật đếch cần mỹ học). Chí Phèo vẫn nhớ trận mưa nước bọt thuở trước, gã đi về phía cụ. Ông cho con ngụm rượu. Đây không phải là chỗ của mày. Thưa ông, con cũng muốn đọc thơ. Về cái lò gạch mà đọc cho đất sét nó nghe. Con nứng. Hãy ra gốc me tìm mấy con đĩ, không được vung vãi giữa công đường. Nói xong mấy câu, cụ cảm thấy mệt. Thở dốc. Trong lúc cụ tìm chỗ vắng vẻ trong văn miếu để ngủ thì Chí Phèo gác con cu của mình lên tường thành nhìn ngắm và vuốt ve. Tận cùng của hành động này là một hiện hữu có ý nghĩa. Nhưng chúa đã quay mặt đi. Ông từ gác văn miếu ngửi thấy mùi tanh, lợm giọng khạc nhổ xuống đất thánh. Cụ không thể ngủ bởi cả mùi tanh và tiếng khạc nhổ của ông từ. Ngồi dậy, cụ ngửa cổ tu chai rượu ừng ực. Và cụ cảm thấy sướng hơn phải nâng ly với một ai đó.
Buổi performance của Chí Phèo diễn ra trong bóng tối vì có lệnh cúp điện. Khi đèn bật sáng thì con cu của Chí Phèo chỉ còn là một khúc thịt nhẽo nhăn nheo nhỏ nhí. Chúa phán: Chúng mày đừng giương oai diễu võ kẻo có ngày võ diễu oai giương. Mang niềm hoan lạc về sự kỳ vĩ của con cu, Chí Phèo trở về lò gạch. Ý chí lớn lao nhất của con người thật ra chỉ hướng đến việc thỏa mãn ước muốn được địt vào cái chỗ nó bị từ chối.
Cảm giác cô đơn giống như một con kiến bò vào từng tế bào, cụ cầm chai rượu đi về phía lò gạch. Chí Phèo đã ngã vào bóng tối và cát bụi ngủ, sau khi mỏi miệng lải nhải đếm sao tua chín cái nằm kề với sao tua chín cái nằm ngang… Nhìn cái xác thối của Chí Phèo còng queo lơ lửng giữa trời và đất, ước muốn đối thoại của cụ tan biến. Nhưng tiếng ngáy của Chí Phèo lại bám theo cụ trên đường về. Cơn buồn ngủ nặng trĩu ập xuống người cụ. Giống như một cơn mộng du, cụ nhìn thấy Chí Phèo vẫn đứng ở cửa văn miếu. Cụ điềm tĩnh giấu sự kinh ngạc hỏi: Mày âm mưu gì ở chốn này? Dạ, con muốn làm thơ. Cụ xoa đầu Chí Phèo: Thơ thì phải thanh tao, hướng tới cái đẹp toàn hảo. Chí Phèo hỏi: Thưa cụ, mắt đong đưa đẹp không? Đẹp. Tóc bay bay đẹp không? Đẹp. Môi chúm chím đẹp không? Đẹp. Vú nghỉnh lên đẹp không? Rất đẹp. Cu dựng đứng đẹp không? Tuyệt đẹp. Những hình ảnh đặc thù của thơ ấy chưa kịp tổng hợp để làm nên một nhân dáng toàn hảo thì cụ đã không còn thấy Chí Phèo đâu nữa. Cụ đăm chiêu bước vào sân văn miếu. Đứng trước các bia tiến sĩ, cụ cảm thấy cần tu thêm mấy hớp rượu. Bất ngờ cụ lại nhìn thấy Chí Phèo còng queo trong tiếng ngáy dưới chân tấm bia. Cụ liên tưởng tới hình ảnh một con rùa nằm ngửa và nghĩ thằng này nó ăn vạ nhân gian một hiện sinh phi nghĩa. Cụ bảo ông từ: Hãy làm sạch chốn linh thiêng. Ông từ khúm núm vâng dạ rồi cầm chổi đi quét dọn.
Ở dưới mỗi chân tấm bia, ông từ đều nhìn thấy nếu không phải một thằng Chí Phèo thì là một con Thị Nở. Chúng nằm ngửa và trên tay mỗi đứa đều có một quyển vở. Chúng mày làm gián điệp à? Oan cho chúng cháu, chúng cháu chỉ làm thơ thôi ạ. Đưa cho tao xem. Trên mỗi quyển vở, ông từ không nhìn thấy chữ, chỉ toàn là hình vẽ thô tục. Chúng vẽ thân thể người ta với những bộ phận sinh dục được khuếch đại, những cảnh làm tình với những nhân vật mà chúng ghét. Ông từ bảo: Thế này mà là thơ à? Bọn chúng đồng thanh nói: Từ ngữ đã bất lực.
Không thể không tu thêm một hớp rượu, cụ nghĩ bọn chúng nó cũng chỉ biết thủ dâm như mình. Tự sướng là một khả thể bất định. Nhưng hãy theo tao mà lấy làm mẫu mực. Thời tiết chính trị hai lạng, vui buồn nhân gian một lạng, chủ nghĩa cơ hội ba lạng rồi chọn những từ thích hợp bỏ vào siêu, nếu muốn cho bay mùi bồi bút thì thay nước bằng rượu, sắc ba đêm ba ngày với lửa riu riu. Đấy là loại văn chương vừa có thể chữa được bệnh, vừa có thể giúp thăng tiến chỗ quan trường. Xét về mặt thuần chất liệu, phương pháp này có thể đạt đến chỗ tinh luyện của từ. Nhưng để đạt được thành công nhất thiết phải có thành ý.
Tự sướng là một hành vi vô tổ chức. Ông từ nói: Loại rác rưởi như chúng mày thì cần phải bỏ tù cho xã hội được sạch sẽ.
Tự sướng là cảnh giới của người đạt đạo. Ông Cao Bá Quát cầm lá cờ đen quẳng vào trong gió bảo không có gió thì cờ vẫn là cờ.
Tôi đứng dưới chân tường ôm bò lạc. Anh ra rồi. Em cũng ra rồi. Cụ lên tiếng: Thế không chờ lĩnh tem phiếu à? Tôi hỏi bò lạc: Em có biết ông ấy nói gì không? Không. Bò lạc dẫn tôi đến gốc cây sấu. Cứ tìm em ở đây. Tôi ngửi thấy mùi khai. Cụ lại lên tiếng: Sang bên tài chính mượn bộ quần áo rồi hẵng đi. Chẳng lẽ tôi vẫn cởi truồng. Bò lạc bảo không sao. Tôi lục ví tìm tiền đưa bò lạc. Nhưng ví đã bị móc mất. Bò lạc bảo không phải em. Cụ nói viết văn hay chơi bời đều phải nghiêm cẩn và cảnh giác như nhau.
Dịch cúm gà lan tràn khắp các tỉnh đồng bằng Nam bộ. Hàng triệu con gà chết. Tự chết hoặc bị thiêu hủy. Ông thứ trưởng bộ nông nghiệp bảo cứ bình tĩnh. Tiệc tất niên hội nhà văn vẫn chiêu đãi món thịt gà. Các nhà văn coi dịch gà là chuyện vặt. Vô. Trăm phần trăm đi. Mày không biết uống bia thì đừng làm thơ. Thưa bác, thơ là sự bài tiết của cơ thể, cho nên không thể không mần thơ, dù không biết uống bia, vả lại mần thơ còn là món khoái thứ năm sau ăn ngủ đụ ỉa, biểu hiện của dân chủ nhân quyền, thị chứng của tồn tại triết học nhân sinh. Cô hồn các đẳng âm binh nói món gà nướng thiếu gia vị. Cụ bảo thì đốt theo một thằng làm thơ xuống cho nó ngâm nga thì mồi nào cũng bắt. Vô đi kẻo năm tàn tháng tận. Năm mươi phần trăm thôi. Còn năm mươi phần trăm dành cho các em bia ôm hóng hớt chuyện đời.
Phạm Công Thiện lên chùa thí phát qui y. Thày Thích Trí Thủ đặt cho pháp danh Thích Nguyên Tánh. Hỏi, Nguyên Tánh là gì thưa thày? Đáp, là chứng nào tật nấy.
Chứng nào tật nấy thì con phải lên đường tìm gái non niết bàn sở tại kiến giải Phật tính chân như. Bò lạc cười xinh hớn hở cởi áo lột quần. Vô chấp vô cầu thuế quan thuế suất tú bà phòng trọ. Bản lai diện mục tồn lưu chớp bể mưa nguồn. Sờ bụng gái non thấy da nhăn nheo. Em có con rồi à? Dạ. Gái hay trai? Dạ, gái. Ở nhà với bố? Không, ở với bà ngoại. Bò lạc kể: Có một ông trên thành phố mua em. Ba em bảo bán cho người thành phố dù sao cũng chắc ăn hơn bán cho Đài Loan. Má em đòi giá phải bằng Đài Loan mới cho cưới. OK, một ngàn đô. Trước ngày cưới, thằng bồ em ở dưới quê đòi phá đám nếu không cho nó phá trinh. Em đành chiều. Vả lại, em cũng muốn dành cái quí nhất đời con gái cho người mình yêu. Nhưng lão chồng già dị đoan lạc hậu thấy em không còn trinh liền đòi bồi thường. Lão nói hàng second hand làm gì có giá một ngàn đô. Má em ngậm đắng nuốt cay, thối lại hắn năm trăm. Lão xài em như con vật. Lại ghen tuông nữa, không cho em đi đâu một mình. Nhưng phải công nhận lão khỏe, lão chơi em suốt ngày đủ trò đủ kiểu. Được một tháng, em nói với lão: Đủ rồi, muốn chơi tiếp thì đưa tiền tiếp. Lão ngần ngừ tính chuyện chơi gái miễn phí. Em bảo ba má tôi sinh ra tôi không phải để cho anh chơi chùa. Thế là em ra đường. Anh dẫn em đi ăn nhé? Ừ, anh mời.
Cụ bảo dẫn mối cho cụ một em dưới quê. Một ngàn đô chung đủ, thêm năm trăm tiền cò, vị chi một ngàn năm trăm đô. Tôi hỏi bò lạc: Em vá trinh lại được không? Khỏi cần vá, em có nghề rồi. Nhưng cụ lại bảo không cưới xin gì nhé. Được không? Em cưới một lần rồi, đâu cần đóng kịch. Giả dạng người làm để che mắt thiên hạ được không? Được. Quí bò lạc như vàng, cụ bảo ngoài chuyện chợ búa cơm nước, giặt giũ, lau nhà ra thì giường cụ, em cứ nằm lúc nào em thích. Thân cụ, em làm chủ lúc nào em muốn. Cứ đày đọa cụ cho thỏa nguồn cơn dâm đãng xuân thì của em. Nhưng bò lạc nói các công cụ làm tình của cụ chỉ hoạt động được một nửa. Bức xúc khó chịu bỏ mẹ. Anh giải quyết phần sau cho em, được không? Tôi bảo hãy để cho việc mua bán được sòng phẳng. Đấy là cái đạo lý cuối cùng. Và để phúc phận được chu toàn, hãy cho cụ hưởng cái sự thể trung trinh cay đắng của em. Đồ đạo đức giả. Đồ ma cô ma cạo. Đồ giả nhân giả nghĩa. Bà ỉa vào cái sĩ diện, đái vào cái mặt nạ.
Cái mặt nạ dầu dãi nắng mưa cong lên. Cái sĩ diện chuyển sang màu tím tái.
Chí Phèo bị công an mời. Chúng mày định phá hoại à? Ai xúi chúng mày? Dạ thưa chúng em chỉ muốn nổi tiếng. Chúng mày đã suy nghĩ kỹ chưa? Chúng em đã suy nghĩ kỹ lắm rồi ạ. Thế thì viết kiểm điểm đi. Chí Phèo viết: “Tôi nổi tiếng, nhờ thế tôi hiện hữu”. Thấy đồng chí công an lườm, Chí Phèo viết tiếp: “Tôi bị bắt, nhờ thế tôi nổi tiếng”. MC đài truyền hình nói to: “Xin cảm ơn, xin cảm ơn”. Đồng chí công an bảo: Thôi về đi, ngày mai đến trình diện. Ngày mai là một phạm trù thuộc về niềm hy vọng. Bởi vì ngày mai trời lại sáng. Chí Phèo đến công an. Ngồi đi, uống nước không? Dạ, cám ơn cán bộ. Ai xúi chúng mày? Bá Kiến ạ. Bá Kiến là đứa nào? Là người nuôi kiến ạ. Thằng nuôi kiến cũng thích làm thơ à? Vâng ạ. Nó có vẽ hình như chúng mày không? Dạ không, nó bảo hình vẽ cũng vô bổ. Thế nó làm thế nào? Dạ, nó làm luôn. Làm luôn là làm cái gì? Hãy khai cho rõ ràng nhé. Nó nói làm tình là làm thơ. Hiểu rồi, thôi về đi, ngày mai đến. Ngày mai là một phạm trù bất định. Chí Phèo đến trình diện công an. Ngủ được không? Dạ, không. Sao thế? Thơ là sự mất ngủ của tâm linh. Cấm lý sự. Không thể cấm được ạ, bởi vì sự là hiện tượng của lý, lý là bản thể của sự. Biết rồi, thôi về đi, mai đến. Mai là một phạm trù mỹ học. Chí Phèo mang theo chăn màn và một ít lương khô đến công an trình diện. Khỏe không? Dạ ốm. Ốm thì về nhà uống thuốc. Dạ, em không về nữa, anh cho em ngủ lại đồn công an. Đây đâu phải cái lò gạch. Nếu anh không cho em ngủ lại thì em sẽ không đến trình diện nữa. À, mày lại giở cái trò ăn vạ phải không? Thế thì xin hỏi anh, Chí Phèo này còn biết làm gì?
Ông tiến sĩ giấy bảo cái thằng Nausée (sic) nôn mửa mất vệ sinh.
Cô gái mắng: Anh là người vô ơn và hèn hạ. Cụ nhấp một ngụm rượu rồi nói, nếu không vô ơn và hèn hạ thì con người sẽ không bao giờ được giải phóng. Tôi cảm thấy cần hút một điếu thuốc dù biết rằng hút thuốc thì sẽ ho. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã vất nhân vật của mình lên sân khấu và để mặc cho khán giả định đoạt số phận của nó. Cơn ho làm tôi co thắt bụng. Trong lúc đó nhân vật của tôi đứng dạng háng để hàm ngôn tôi đi hai hàng giữa một vực thẳm.
Má mì nhỏ hơn cô gái một tuổi, đẹp và quí phái như một công chúa. Em  Bạch Hương, gọi thần Bạch Mi  tổ ngoại. Anh giai đến chơi ủng hộ chúng em, chúng em xin cảm ơn. Anh giai uống với em lăm mươi phần chăm nhé. Tôi ôm má mì định hôn, nhưng má mì gỡ tay tôi ra nói để em cho em út xuống phục vụ anh. Em út mười tám tuổi kể bị con nhóc nhỏ hơn ba tuổi lừa. Nó rủ em đi chơi chung thành ba cặp. Ăn uống xong thì em không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, em thấy mình nằm trên giường. Cửa mình đau rát. Bọn con trai biến mất. Con nhỏ bạn giúi cho em một trăm ngàn bảo tiền của mày. Thế là xong. Em thí cô hồn cái thân mình vào đây làm. Tôi nói với má mì: Sáng mai đi uống cà phê với anh. Em không hứa trước, nhưng em sẽ gọi cho anh. Ngày mai má mì không đến quán cà phê. Thế là em vẫn chỉ là một má mì. Tôi bảo anh muốn đưa em đến một thế giới khác. Má mì nói em hiểu rằng anh không muốn gặp em ở chỗ này như một má mì. Nhưng em vẫn chỉ là một má mì vì em cần tiền. Rất nhiều người nói yêu em. Và cũng có rất nhiều người bảo như em thì thiếu gì người yêu. Em vẫn muốn tin như thế. Nhưng em lại không thể yêu ai, không hẳn là vì em chỉ yêu tiền. Thôi thì em cứ là má mì lo cho các anh vui chơi chốc lát.
Cụ bảo văn chương chỉ là công cụ tán tụng cuộc sống. Hãy dùng văn chương để bế các em lên giường. Buổi sáng, tôi uống cà phê không có má mì, không có em út, không có bạn. Văn chương rẻ tiền bảo tôi uống tôi. Người ta xếp hàng vào toilette. Thật ra tôi cần một chỗ ngồi. Bài tiết tôi vào thời gian. Những cô gái bỏ ngực mình trên bàn. Má mì nói làm cho đàn ông sướng cũng là một thành công.
Cụ lại bảo lịch sử được xếp lớp và chồng chất bởi những số phận. Vì thế không một số phận nào đã tồn tại mà không liên quan đến những số phận khác. Cũng vì thế con người phải có trách nhiệm với nhau. Em út hỏi tối mai anh đi Vũng Tàu với tụi em không, cho anh phủ phê luôn. Không thể bỏ những thứ khác để phủ phê với em út, mặc dù tôi rất muốn, tôi nói anh sợ nước. Em út cười bảo không biết bơi thì anh cứ lặn. Em nhét anh vào trong lồn em rồi cho anh xuống biển. Không sợ cá lòng tong rỉa. Tiếng lách tách của búng nước và những lượn sóng dịu dàng là khúc ca buồn của những con cá lòng tong trong ký ức tôi trên con sông nhỏ sau nhà. Tôi nói ở truồng tắm sông cho cá lòng tong rỉa mông thích lắm. Em út cười vang đường phố.
Khai bút đầu năm, cụ viết hai chữ “diệt dục”. Đức Phật bảo chớ dại. Trước khi diệt dục phải diệt cái diệt kẻo tẩu hỏa nhập ma. Cứ để cho lòng dục bừng lên bởi trời đất cũng vốn chỉ là dục. Nhưng cụ nói chán lắm rồi. Hỏi sao lại chán, cụ nhất định không nói. Hỏi ông từ, ông từ cũng nói chán lắm rồi. Tôi bảo các cụ chán thì nhường chỗ của cụ cho tôi, còn chỗ của ông từ dành cho Chí Phèo. Cụ giẫy lên. Nhường thế chó nào được. Quí thính giả (và độc giả) có ý kiến gì về vấn đề này xin gửi cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@nguyenvien.com.vn.
Em út nói mỗi lần anh tới tụi nó sợ lắm. Sao lại sợ? Tụi nó bảo anh quậy. Thế em có sợ anh quậy không? Không, quậy mới sướng. Em có coi phim sex không? Có, học nghề. Tôi đề nghị với cụ cho tôi làm đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về phim sex trong đời sống xã hội. Tiền tài trợ dự án xin chia cho cụ bốn mươi phần trăm. Cụ bảo sáu mươi phần trăm mới được, bởi còn phải chia nhiều chỗ. OK. Cụ nói tiếp, phần tạm ứng cho dự án để cụ nhận trước. Đầu xuôi đuôi lọt. Cũng được. Cụ lại nói tư liệu về phim sex cho cụ duyệt trước. Thưa vâng. Cụ lại dặn chữ nghĩa phải cho kín kẽ kẻo bị chụp mũ này nọ. Vâng ạ. Đã đồi trụy thì đừng phản động. Vâng ạ. Mà giả có phản động thì đừng đồi trụy. Vâng ạ. Còn nếu như vừa phản động vừa đồi trụy thì hỏng. Hiểu rồi ạ.
Chí Phèo đứng ngoài nghe lén được câu chuyện, buột miệng chửi “địt mẹ thằng hèn”. Chúng mày hèn thì nhận rằng hèn cho được việc. Chúa phán: Phúc cho người ngay thẳng vì nước trời là của họ. Cụ nhổ nước bọt bảo bọn khố rách áo ôm ăn tục nói phét tưởng mình anh hùng.
Dịch cúm gà đã lây sang người. Chúa tể của những con virus tuyên bố: Cuộc sống con người chỉ là sự trá hình của hư vô. Bởi vậy con người cần phải chết. Con người nói không có ai là chúa tể. Kiến ăn cá, cá ăn kiến. Những con gà chết bốc mùi hôi vì thiếu lá chanh. Những con người chết bốc mùi thối vì không được tẩm bột. Bọn bán vôi và thuốc khử mùi trúng quả. Chúa phán nước trời đã đến gần. Nhưng tất cả những kẻ có tai đều không nghe.
Mọi gia cầm thuộc loại lông vũ đều bị tiêu hủy bằng cách chôn dưới một thước đất. Chúa tể của những con virus tiếp tục lên tiếng: Con người cần phải chết. Con người bảo cái chết nhẹ như lông vịt. Bà ve chai mua hai ngàn một ký lông. Cả mặt đất tràn ngập lông. Cơn lốc xoáy làm cho đám lông bay lên trời. Các nhà quay phim bảo cảnh tượng trông thật kỳ vĩ. Nhưng những người nuôi gà vịt khóc ròng, cho đến hết đời con của họ nước mắt mới ngừng chảy.
Cụ vẫn sống sau cơn đại họa. Hỏi làm thế nào mà cụ sống sót được? Không trả lời, cụ chỉ cười như một người thấu hiểu mọi sự.

28.1.2004







NGƯỜI MẤT TÍCH

Hùng Lộc làm quan đến cai cơ, Thái Tông Hoàng Đế, Quí Tỵ, năm thứ 5 (1653), mùa xuân, Chiêm Thành xâm lấn Phú Yên, quan ngoài biên đem việc tâu lên. Chúa bèn sai Hùng Lộc làm thống binh, Xá sai Minh Vũ làm tham mưu, đem 3000 quân đi đánh. Quân ta đến Phú Yên, chư tướng muốn đóng quân, dụ giặc. Hùng Lộc nói: “Binh pháp có nói: Ra quân lúc bất ngờ, đánh giặc lúc không phòng bị. Nay quân ta từ xa đến, đánh ngay mới lợi, còn dụ giặc làm gì.” Hùng Lộc liền tiến quân qua núi Thạch Bi, núi Hổ Dương, thẳng đến thành giặc, đương đêm đốt lửa, đánh gấp, cả phá được giặc. Chiêm Thành quốc vương Bà Tắm trốn chạy. Hùng Lộc lấy đất đến sông Phan Rang. Bà Tắm sai con là Xác Bá Ân dâng thư xin hàng. Hùng Lộc đem việc tâu lên, chúa y cho, bèn lấy sông Phan Rang làm ranh giới. Từ phía đông sông ấy đến đầu cõi Phú Yên, đặt làm doanh Thái Khoa cho Hùng Lộc trấn thủ, từ phía tây sông ấy trở vào, vẫn trả cho Chiêm Thành, bắt sửa lễ cống. Quốc triều lúc mới khai thác, Hùng Lộc cũng có công đấy. Chỉ tiếc không biết rõ họ, quê quán và tuổi thọ của Hùng Lộc.
Đại Nam liệt truyện tiền biên (NXB Thuận Hoá, 1994)

Màu gạch đỏ của những ngọn tháp Chăm sừng sững vươn tới màu xanh của bầu trời tuy rất khác biệt với cái thấp bình thản của đình chùa người Việt, nhưng không phải là điều làm cho Hùng Lộc bận tâm cho bằng những hình tượng Linga và Yoni được thờ cúng trong tháp. Quan tham mưu Minh Vũ có ý đòi đập phá các ngẫu tượng không hợp với phong hoá người Việt. Nhưng quan trấn thủ Hùng Lộc ngăn cản, ngài bảo: “Hồn ai nấy giữ.”
Hàng tuần, Hùng Lộc cùng vài bộ hạ tâm phúc đi viếng các tháp trong vùng. Hầu hết các quân lính Chăm cũng như trai tráng ở các làng xóm đều theo quốc vương của họ chạy vào Phan Rang, những phụ nữ còn lại nuôi sự mong chờ và hy vọng của họ trong các tháp. Hùng Lộc thích nhìn ngắm họ thành kính trước các tượng Linga. Ngài cảm thấy các thần linh trên mái tháp cũng như ngài, hân hoan và độ lượng, chia sẻ những khát khao thầm kín và sự ngưỡng vọng của con người với một đời sống tình dục đến bến bờ siêu nhiên, dù ngài không thật sự cảm nghiệm được sự hoan lạc tính dục như sự hoan lạc sáng tạo của tạo hoá. Vì thế, ngài ban hành lệnh cấm mọi sự xúc phạm đến các hình tượng thờ cúng của người Chăm từ một kính tín chân thành của ngài hơn là một thái độ hành xử muốn an dân.
Những phụ nữ Chăm thường giấu khuôn mặt của họ trong các tấm khăn. Vẻ đẹp bí ẩn quyến rũ từ trong sâu kín. Sự xa cách và nhẫn nhục không làm mất đi cái sang trọng kiêu hãnh trong y phục của họ. Hùng Lộc không coi họ là chiến lợi phẩm, ngài cảm thấy rất rõ sự khác biệt nghèo nàn trong tinh thần của mình với sự giàu có tâm linh nơi những phụ nữ thầm lặng phủ phục trước bàn thờ cặc và lồn giao cấu. Tại sao lại có một khoảng cách lớn lao dường vậy trong quan niệm đạo đức của con người? Và đâu là sự tối hậu ở đời? Câu hỏi đặt ra đưa ngài đến một tình thế nghi hoặc mọi sự chính trực và ngài cảm thấy mọi thứ kiến giải đều rất xa với thực tại tín ngưỡng phồn thực ấy.
Hùng Lộc nói với bọn thuộc hạ tâm phúc: “Ta muốn xem phụ nữ Chăm nhảy múa, ca hát.”
Trước đó, tiếng trống Baranưng của người Chăm sôi động rộn ràng như cả loài người vào mùa động tình. Nó được Brahman khởi xướng trong các lễ hội thần linh giao phối. Nhưng từ khi Chế Bồng Nga chết, tiếng trống Baranưng đã trở nên xa vắng. Hùng Lộc nói: “Trong sự rậm rật của châu thân, đã có nỗi tàn úa của linh hồn”. Vì thế, những động tác múa của vũ nữ Chăm dường như chỉ còn là ước lệ. Tuy nhiên, trong số các vũ nữ Chăm trong phủ Thái Khoa ngày ấy, có một thiếu nữ làm ngài chú ý. Nước da đen, nhưng đôi mắt biết cười và có phẩm chất gần với tiếng trống. Ngài phán cùng bọn thuộc hạ: “Cho cô gái vào hầu hạ ta đêm nay.”
Dưới ánh sáng của ngọn nến, chỉ có Hùng Lộc và cô gái. Mặc dù khép nép, nhưng cô không hề tỏ ra sợ hãi. Rượu chưa đủ làm cho ngài hưng phấn. Ngài bảo cô gái: “Hãy nhảy múa như chính cơ thể mình muốn.” Cô gái nói chỉ có thể làm việc ấy trong bóng tối. Ngài dùng hai ngón tay bóp tắt ngọn lửa. Cô gái lại nói chỉ có thể nhảy trong tiếng trống. Ngài sai thuộc hạ mang trống vào. Nhưng cô gái đòi đuổi người đánh trống ra. Cô đề nghị: “Xin ngài cứ tuỳ thích. Ngài đánh thế nào, tiện nữ xin nương theo,” Xưa nay, ngài chỉ biết có trống trận. Thôi thì cứ thử vui một phen. Tiếng trống thúc quân vang lên càng lúc càng dồn dập, nhưng cô gái vẫn bất động trong tư thế của một người đang dập đầu lạy. Dừng tay, ngài hỏi: “Nhà ngươi định dùng bóng tối để lừa ta chăng?” Cô gái lễ độ thưa: “Chẳng phải là ngài bảo tiện nhân cứ nhảy như cơ thể mình muốn?” “Thôi được, không ép nàng nữa, nhưng ta không thể cho nàng về, hãy ở lại đây với ta. Đây là điều ta muốn.” Ngài thắp lại ngọn nến và từ từ đốt y phục của cô gái, từng phần một. “Từ nay, nàng thuộc về ta.”
Trên những chuyến xe lửa xuôi ngược Bắc–Nam năm 1979, chúng tôi thường nhảy xuống ở một ga nhỏ gần giáp Nha Trang cùng với những thùng dầu hôi. Từ đó, thuê xe thồ vào Nha Trang bán. Trên đường quay ngược lại Sài Gòn, chúng tôi ghé Vĩnh Hảo, gần bãi biển Cà Ná, Phan Rang đóng một loại hàng khác là lá thuốc Virginia mang về tiêu thụ trong Chợ Lớn. Năm đó, tôi mười lăm tuổi, vẫn đang đi học. Mùa hè, tranh thủ theo anh Lộc phụ kiếm tiền giúp mẹ. Bố tôi đang nằm trong trại cải tạo, đâu đó phía Bắc, bởi là người thua cuộc.
Sau mỗi chuyến hàng không bị bắt, anh Lộc thường đi chơi đĩ. Anh hỏi tôi: “Mày muốn biết mùi đời không?” Tôi nói không. Thật ra, tôi vẫn muốn biết mùi của chị. Đấy là một cô gái hàng xóm khi tôi còn là đứa bé học lớp một. Hơn tôi mười tuổi, chị đã có vú. Tôi thích ví vú chị là mặt trăng có núm. Tôi cũng thích ví cái hĩm của chị là vầng trăng khuyết. Thật ra, chưa bao giờ nhìn thấy vú và hĩm chị, tôi chỉ tưởng tượng thôi. Mặt trăng lồng lộng trong những tối tôi thủ dâm trước khi ngủ. Qua năm lớp hai, nhà chị dọn đi đâu mất. Tôi vẫn thủ dâm về chị nhiều năm sau. Tôi thật sự không hiểu tại sao một đứa bé như tôi, lại mê đắm một cái hĩm mơ hồ, mà không phải cái gì khác minh bạch trên thân thể chị. Hoàn toàn tính dục và thuần khiết bản năng. Tôi mang nỗi ám ảnh về cái hĩm của chị đi suốt cuộc đời.
Đầu những năm 1970, chị theo phong trào sinh viên tranh đấu, mặc dù bố chị là quan chức lớn của chính quyền Sài Gòn. Hầu như ngày nào chị cũng xuống đường biểu tình. Khói lựu đạn cay mù mịt trong thành phố. Bố chị muốn cho chị đi du học để tránh những khó khăn cho ông, nhưng chị nhất định ở lại. Thế rồi chị bị bắt. Chị nhận tội một mình, không khai báo ai. Bố của chị phát điên khi chị bị đày ra Côn Đảo.
Sau ngày giải phóng, chị trở lại Sài Gòn sống như một giáo viên bình thường, chăm sóc ông bố điên và từ chối mọi chức vụ được giao.
Gia đình nào cũng có một sổ mua hàng như đặc trưng của một xã hội nghèo đói và được cai trị bởi những kẻ độc tài. Một tháng được mua thịt hai lần. Chị cầm sổ của mình và cô bạn dạy cùng trường mới sinh con đến cửa hàng mậu dịch. Xếp hàng như mọi người, chị cũng xếp cho cô bạn vắng mặt một viên gạch. Bỗng có tiếng nói từ phía sau: “Đề nghị bỏ viên gạch. Ai vắng mặt ráng chịu”. Chị quay lại, đó là ông hiệu trưởng trường chị. Cầm cục gạch lên, định đập nó xuống đất cho hả giận, nhưng ngần ngừ một lúc, chị bỏ nó vào giỏ. Khi đến trước mặt người bán hàng, chị đưa cuốn sổ của cô bạn và năn nỉ: “Bạn tôi mới sinh, chị cắt cho miếng nạc.” Lại tiếng nói phía sau của ông hiệu trưởng: “Không được, cứ cắt cho công bằng.” Chị bán hàng đốp ngay: “Không phải việc của ông. Công bằng hay không là do tôi, hiểu chửa?” Ông hiệu trưởng im thin thít vì không muốn gặm xương.
Sau lần ấy, mỗi khi hơi thịt xông lên, chị lại buồn nôn. Chị quyết định ăn chay trường.
Những ngày tháng khó khăn, đói khổ sau 1975, tôi đi mót phế liệu trong khu căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Long Bình, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập của bom mìn thời chiến tranh còn đầy rẫy quanh hàng rào. Anh Lộc bảo: “Đi theo tao.” Anh có biệt tài gỡ mìn và cắt hàng rào đến nỗi bộ đội canh giữ khu vực ấy cũng biết tiếng. Và anh chỉ thoát được cuộc vây bắt của họ nhờ đám cỏ tranh rậm rạp mọc tràn lan từ hàng rào khu quân sự đến các miếng rẫy khô cằn của dân sống quanh đó. Khi đổi nghề đi buôn chuyến, anh cũng nhắn cho tôi: “Đi theo tao.” Và tôi đã theo anh suốt những ngày hè. Đến mùa hè thứ ba, anh bị bọn đầu gấu trên xe lửa đánh trọng thương rồi hất xuống đất, giành chỗ chất hàng trên tàu, tôi mới bỏ hẳn việc kiếm tiền. Đó cũng là lúc bố tôi trở về, sau bốn năm cải tạo. Nhưng chỉ đoàn tụ được hai năm, bố tôi vĩnh biệt vợ và đám con cái nheo nhóc, mang theo hai tạ than trên chiếc xe đạp cọc cạch đi thẳng xuống hỏa ngục. Có hai lý do để tôi cho rằng bố tôi phải đáng bị đày ải trong lửa: Một - bố tôi không bao giờ tha thứ cho những kẻ đã hành hạ và tước mất của ông và vợ con ông quyền được làm người công chính; hai - chính bố tôi là thủ phạm của sự đau khổ trong gia đình tôi.
Hùng Lộc bế cô gái đặt lên hương án. Ngài cúi lạy Yoni rồi bắt đầu hôn cô gái từ dưới chân lên. Ngài cảm thấy không chỉ có Yoni giữa háng cô gái mà Yoni tràn đầy, nâng đỡ ngài lên mái tháp của bầu trời. Và mùi của Yoni thì như hương lúa ngợp trong mọi mạch máu của ngài. Nhưng ngài vẫn chưa thể hội thông được với đức tin hoan lạc của cô gái. Ngài chỉ là một con đực thèm mùi con cái. Cô gái xa lạ với ngài. Và vì thế ngài muốn chấm dứt buổi tế tự này bằng cách đâm vỡ cái hĩm của cô với một chút ít hờn giận.
Giữa lúc ấy, ngài nghe thấy phía ngoài phủ xôn xao. Bọn lính canh đang đánh nhau với một nhóm thích khách muốn cướp lại cô gái của họ. “Chúng mày muốn chết thì ông cho chết”, Hùng Lộc đích thân đứng ra chỉ huy cuộc truy sát bọn phiến loạn. Toàn bộ đàn ông bắt được trong đêm ấy, ngài cho chém sạch. Cả một vùng rộng lớn không còn tiếng gà gáy. Người Chăm bồng bế nhau trốn về phương Nam.
Vốn là người mê vẽ và vẫn miệt mài vẽ từ thằng cao bồi bắn súng tới một cái hĩm siêu thực, nhưng tôi không tưởng được mình lại vào được đại học Kiến trúc. Tôi trở nên tự tin hơn. Những cái hĩm vật vờ không tên gọi hoặc mỹ miều như “Diễm” như “Ngọc”… đối với tôi vẫn không bao giờ là mặt trăng của thời thơ ấu. Ngay cả với XX, cô bạn học cùng lớp mà đôi khi tôi vẫn “mượn” để tưởng nhớ mặt trăng và giải quyết sự đầy ứ thừa thãi lũ tinh trùng trong bầu giái, cũng chỉ là một cái hĩm thường tục sự đời.
Có một người đàn ông kỳ lạ dọn đến xóm tôi ở. Ông ta hỏi “có muốn học võ không?” Tôi bảo tôi không muốn đánh ai. Ông bảo, “nhưng nếu người ta đánh cậu thì sao?” Tôi ú ớ một chút rồi cười “thì bỏ chạy.” Ông bảo “không sợ người khác cho là mình hèn à?” Tôi nói không. Vì tôi biết tôi không hèn. Ông bảo “cậu có cốt cách, bất cứ lúc nào cậu thích, tôi dạy.” Tuy vậy, cũng chỉ được ít tháng, khi biết ông chơi ngải, tôi không học nữa. Một người khác túm lấy tôi, bảo “tôi sẽ truyền cho cậu ít nghề.” Nghề của ông là Cầm nã thủ. Chỉ bẻ tay, không đánh chết ai. Tôi đã có dịp sử dụng ngón nghề ông dạy khi có thằng thò tay bóp vú XX trong quán nhậu. May là nó mới bóp một vú, nên chỉ gãy một tay.
XX mũm mĩm và đường bệ như một bà hội đồng Nam bộ thời Pháp thuộc. Một vẻ đẹp sang trọng cổ điển rất thích hợp để tạo nên những mối tình mùi mẫn. Nhưng giữa tôi và XX lại là một mối quan hệ có phần của WTO. XX bảo, “anh chỉ có giá trị ở chỗ phi vật thể.” Đó là chỗ bí ẩn của XX. Dần ra, tôi cũng hiểu không phải tôi hay con cu của tôi mà cái biểu tượng tính dục được thờ cúng Linga mới là tối hậu, đối với XX. Điều ấy cũng giải thích cho việc XX sẵn sàng cho tôi mượn cô ấy suốt những năm tôi học đại học.
Hùng Lộc xây cho cô gái một biệt điện trên sườn núi nhìn ra biển, có lính gác bảo vệ. Những người đàn ông bị giết trong đêm hoan lạc đầu tiên của ngài với gái Chăm được ngài cho chôn cất tử tế. Ngài phán: “Dù sao chúng cũng đáng là trượng phu.” Ở những nơi máu người Chăm đổ, hằng đêm lửa chập chờn bay lên lung linh như một vũ hội. Chỉ đến sau khi Hùng Lộc đem cô gái đi sâu vào trong phía Nam, những ngọn lửa ấy mới tắt. Nhưng trước khi sự bình an được chúc phúc cho vùng đất này, Hùng Lộc phải đi đến cuối đường tín ngưỡng con cu và cái hĩm trong minh triết về sự sống.
Lấy được bằng kiến trúc sư, tôi cùng với đám bạn trong xóm cũ đang làm thợ xây dựng hợp tác làm ăn. Phần lớn công việc của tôi lúc ấy vẫn chỉ như một anh cai thầu nhỏ, ít ai dám bỏ tiền thuê vẽ kiểu như người ta cầu kỳ sau này. Nhưng điều may mắn nhất của công việc là đã giúp tôi tìm được chị. Khi ấy bố chị vừa mất, chị muốn sửa lại căn nhà cho thoáng đãng. Chị nói, “tôi muốn nhìn thấy căn nhà như cái chùa, nhưng sáng sủa.” Chị tu tại gia à? Tôi hỏi. Chị nói không, “tôi chỉ muốn có cảm giác an bình.” Sau đó, tôi biết chị ăn chay trường. Điều ấy khó hiểu so với những gì tôi cảm nhận được về chị. Mạnh mẽ và bạt mạng. Tôi vẫn ngờ ngợ về chị, cho đến khi nhìn thấy chị phơi quần áo thì tôi tin chắc đây là chị. Tôi không hỏi về nơi ở trước kia của chị, mà chỉ kể chuyện mình, rằng hồi còn bé ở Xóm Gió, tôi rất thích một chị hàng xóm. Chị hỏi cô gái ấy tên gì? Tôi nói không nhớ, vì tôi bé quá.
Ngày sửa xong căn nhà, chị mời tôi ở lại dùng cơm. “Cậu cũng nên thỉnh thoảng chay tịnh cho bớt nghiệp chướng,” chị nói. Tôi đùa: “Có chị thì tôi ăn suốt đời cũng được.” Chị cười: “Cậu định tán tỉnh cả tôi nữa à?”. Tôi bảo tôi không tán tỉnh mà tôi nói thật. “Cậu còn trẻ mà đã học được cái thói trăng hoa của mấy lão cai thầu rồi đấy,” chị nói một cách tự nhiên. Tôi cũng tỉnh bơ, bảo: “Tôi mong được như họ.” Chị nhìn trừng tôi: “Cậu liệu hồn.” Tôi cảm thấy thú vị nhìn ngắm chị. Chị bảo: “Đừng nhìn tôi như một con mồi thế.” Tôi chọc tức chị bằng cách nheo một mắt lại. Bùm. Tôi ngả người ra, khiêu khích. “Ngày xưa còn bé, tôi vẫn tưởng tượng mình ăn thịt chị.” Chị bảo: “Cậu tội lỗi quá.” Tôi bảo không, đấy là sự kính ngưỡng tôi không hiểu được. Với chị bây giờ, tôi vẫn còn nguyên sự kính ngưỡng ấy. Và rồi tôi đứng lên, bước đến trước mặt chị, quì xuống úp mặt vào giữa háng chị. Hai tay chị giữ đầu tôi đẩy ra. Tôi cảm thấy có sự lưỡng lự thiếu quyết đoán của chị, lì lợm đặt miệng lưỡi thinh lặng ngoài quần chị.
Hùng Lộc sai lính đóng một cái giường có mái như ngọn tháp. Hằng đêm, ngài đặt cô gái vào trong đó và quì lạy nàng như một Yoni sống, trước khi làm tình. Tin đồn về việc Hùng Lộc say mê cô gái lan truyền ra bên ngoài. Quân lính cười nhạo ngài, mặc dù đa phần trong số họ cũng đi tìm những cô gái Chăm để khuây khỏa nỗi nhớ nhà và thực hiện nghĩa vụ giống đực. Những người Chăm thù oán ngài và nguyền rủa cô gái. Họ nhắn tin vào cho cô rằng con gái Chăm cưới chồng chứ không làm tì thiếp. Hùng Lộc bỏ ngoài tai lời đồn đãi về ngài. Phía Nam doanh Thái Khoa, Hùng Lộc cho quân trấn giữ và canh phòng cẩn mật. Ngài vẫn có ý định đem quân vượt sông Phan Rang, mở rộng bờ cõi. Biết Hùng Lộc mê gái, Bà Tắm đem dâng cho ngài cả một đội vũ công xinh đẹp. Nhưng Hùng Lộc ban hết cho thuộc hạ. Quan tham mưu ngầm cho người về tâu với nhà Chúa. Chúa có ý nghi ngờ tham vọng của Hùng Lộc, bèn gởi sắc triệu về kinh phong quan tước.
Chị xa vắng như ở cõi ngoài. Một nửa thanh xuân của chị dành cho sự lãng mạn chính trị. Một nửa còn lại chị ôm ấp vết thương do chính mình gây ra. Có vẻ như chị chỉ sống vì cái không là chị. Bố chết, chị cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng cũng đồng thời, chị nhận ra mình không còn sức sống, lý do để sống. Sự chay tịnh chỉ giúp chị yên ổn trong cái chết thầm lặng của tẻ nhạt. Những đồng chí cũ của chị muốn đề bạt chị vào một chức vụ quản lý cao cấp trong ngành, như một cách đền ơn và thật tình họ cũng mong chị vui hơn, nhưng chị vẫn từ chối như trước. Chị chỉ muốn được là người lương thiện và chết đi không dấu vết.
Chị nói: “Cậu đã làm xáo trộn cuộc sống của tôi.” Hơi nóng từ giữa háng lan tỏa khắp châu thân. Chị rùng mình. Tôi vẫn úp mặt vào chỗ thầm kín nhất của khát khao thời thơ ấu. Trong một lúc, tôi đã cảm thấy đó là một mặt trăng sáng loà. Mùi rơm giạ nồng đượm. Hai tay tôi ôm mông chị kéo sát lại. Chị bảo “Thôi, đừng.” Nếu chị cứ yên lặng, có lẽ tôi cũng vẫn mơ hồ hồi tưởng. Nhưng lời nhắc nhở của chị khiến tôi biết mình đang đối diện với một thực tại không thể lùi bước. Đây là cuộc cách mạng của chính tôi. Tôi dụi mặt mình cuồng nhiệt vào chỗ ấy và nghe thấy tiếng kêu của chị. Tiếng gọi của Yoni trong đền thánh. Lời dụ dỗ của cái hĩm phàm tục. Tôi tụt quần chị.
Hùng Lộc biết cái bẫy sập đang chờ mình ở kinh thành. Ở cũng chết, về cũng chết, chỉ còn một lối thoát cho ngài là bỏ trốn. Con đường trải nghiệm tâm linh trong tín ngưỡng hoan lạc của ngài chỉ mới bắt đầu, và ngài tự cho rằng mình cần phải đi tới cùng sự giao cấu thần thánh. Bởi thế trước ngày lên đường, ngài thân hành đến tháp Bà Pônagar, úp mặt vào Yoni linh thiêng cầu nguyện cho sự phồn thực của linh hồn và thể xác. Một sức mạnh tinh thần lớn lao từ sự xác tín chân lý giúp ngài quả cảm vượt qua nỗi khiếp sợ của một trung thần và đạo đức của một người lương thiện. Bị kẹp giữa quân lính triều đình và Bà Tắm, ngài biết rằng chỗ an toàn nhất cho ngài chính là đi vòng vào trong núi rồi đâm thẳng xuống phía Nam, nấp sau lưng quân Bà Tắm.
Anh Lộc viết thư cho tôi: “Nếu mày còn nhớ thằng anh này thì ra đây chơi với tao.” Kèm theo lá thư là địa chỉ của anh ở Phan Thiết. Mừng vì biết anh vẫn còn sống, tôi rủ XX theo ra thăm anh. Căn nhà của anh Lộc, chính xác hơn là căn nhà của vợ anh, có cấu trúc giống như những căn nhà rường ở Huế. Một dấu vết xa xưa của những quan lại triều đình trấn nhậm phương Nam nhớ quê cũ. Anh Lộc kể vợ anh là một người địa phương, đã nhặt được anh trong một bụi cỏ. Chị mang anh về chạy chữa các vết thương và giữ anh lại trong nhà làm kiểng. Chị cười bảo: “Anh của cậu tệ lắm, có mỗi việc trông nhà cho tôi đi kiếm ăn mà không chịu nghe, cứ nằng nặc đòi làm cái này cái nọ.” Tôi nói: “Chị cũng nên để anh làm cho vui.” “Nhưng cậu coi kìa, liệu có quẳng cái xe lăn đi được không?” chị hỏi. Tôi nói: “Chắc là anh cũng biết phải làm cái gì thích hợp.” “Chú mày nói đúng. Biết bây giờ tao làm gì không?” anh hỏi rồi tự trả lời: “Tao dạy võ.” XX ngạc nhiên lắm. Ngồi xe lăn làm sao dạy võ được. Nhưng anh bảo: “Tối nay tao sẽ chỉ mày mấy miếng độ thân.” Anh cho biết, trong xóm có một ông già rất lạ, chính ông đã dạy anh một số bí kíp võ học kể cả một vài phương pháp tráng dương bổ thận bằng khí công. Anh đùa: “Mày muốn học cái nào?” Tôi quay qua hỏi XX: “Anh nên học cái nào?” XX đấm tôi: “Anh là quỉ rồi cần gì học.”
Nửa đêm, Hùng Lộc dắt cô gái Chăm ra khỏi phủ bằng cửa sau cùng với vài thuộc hạ gánh đầy lương thực. Đây là lần đầu tiên cô được ra ngoài kể từ khi bị bắt vào làm tì thiếp của quan trấn thủ. Mặc dù không hỏi, nhưng cô cũng hiểu được việc gì đang xảy ra với cô. Họ đi về hướng Tây, khi ngang qua nghĩa địa, cô xin phép được dừng lại. Cô tìm hai cục đá lớn, xếp nối tiếp vào hai hàng đá trên lối vào một ngôi mộ mới, tự xem như mình đã chết đối với dân tộc Chăm. Dưới ánh sáng mờ của những ngôi sao, những giọt nước mắt của cô lấp lánh. Hùng Lộc không nói gì, lẳng lặng cõng cô trên lưng, ngài không chết mà chỉ là người mất tích đối với lịch sử.
Tôi đưa XX vào trong rẫy của anh chị Lộc và chơi trò chơi của người tiền sử. XX bảo đây là trò chơi của tương lai chứ không phải quá khứ. Tôi cười bảo cũng có thể. Mọi nỗ lực của văn minh nhân loại dường như cũng chỉ để quay về. Chúng tôi cởi truồng và cảm thấy thanh thản. Tôi nhớ lại tối hôm trước, anh Lộc nói: “Mày biết không, hai chân tao liệt, nhưng cái thằng nhỏ ở giữa thì càng ngày càng hoành tráng.” Tôi hỏi: “Thế thì có phiền không?” “Sao lại phiền? Nhờ nó mà tao hiên ngang ở cõi đời này.” Tôi bật cười khi đứng trên một ụ mối, hỏi XX: “Anh có hiên ngang không?” “Xét về tỉ lệ thì không,” nhưng khi ôm tôi, XX bảo: “Anh vô biên, chưa bao giờ em cảm thấy nắm được anh.” Linh hồn tôi bị chị cầm giữ trong đũng quần. Sau ngày hôn chị, tôi đã buông xả tôi với XX để xuất cạn tinh huyết. Tôi không đủ sức vượt qua thành trì im lặng của chị.
Sau hơn hai tuần men theo dãy Trường Sơn, Hùng Lộc dừng lại ở một bãi bằng. Ngài chặt cây làm nhà và bắt đầu một cuộc sống dân dã. Cô gái Chăm đã gắn kết với ngài trong gian khổ và được bù đắp bởi một trạng thái phấn khích tột độ trong tinh thần. Tuy nhiên, cô luôn băn khoăn về một điều mà chính cô cũng không hiểu rõ lắm. Người đàn ông của cô dường như vẫn chưa tìm được cái ngài khao khát, mặc dù cô đã chiều chuộng và làm bất cứ điều gì ngài muốn, kể cả những điều rất kỳ quái. Một hôm, cô nói với ngài: “Nếu ông muốn, em sẵn lòng tìm cho ông một cô gái khác.” Ngài trả lời: “Không phải thế. Ta yêu nàng và ta muốn được như dân tộc nàng tôn thờ bộ phận sinh dục, không phải như một biểu tượng mà như chính nó đáng được tôn thờ, nhất là cái của nàng. Làm thế nào ta có thể nâng lòng mình lên thần thánh khi giao hợp với nhau?” “Em không biết. Cái Linga trong đền tháp và cái của ông hoàn toàn khác nhau. Nhưng khi ông vào trong em, em biết Brahman đã ngự trị. Ngài thật cao cả,” nàng đáp. Và như mọi lần, ngài bế nàng lên bệ thờ. Nàng dạng chân ra. Ngài thành kính và say đắm hôn nàng từ trong sâu thẳm vô thức cái nơi chốn đã hình thành nên ngài.
Trở về thành phố, tôi tìm gặp chị và mang theo một cái mõ. Nấu cơm cho tôi ăn có thịt, nhưng chị vẫn ăn chay. Trong lúc ăn thỉnh thoảng tôi gõ một tiếng. Chị nói: “Cậu làm gì kỳ cục vậy?” Tôi bảo chị ăn chay thì tôi gõ mõ cho chị thanh tịnh. Chị nói: “Cậu quá đáng lắm.” Khi ngồi uống nước, tôi lại đặt cái mõ trước mặt chị và gõ. Chị cáu: “Có quẳng đi không?” Tôi làm như ngoan ngoãn nghe lời chị, cầm cái mõ đập mạnh xuống đất. Tiếng kêu của nó tàn bạo và trống rỗng. Tôi nhẩy đến ôm lấy chị. Hôn đầy trên mặt chị. Rồi đẩy chị nằm xuống ghế salon. Tiếp tục hôn khắp người chị.
Thiệu Trị năm thứ nhất, Quốc sử quán triều Nguyễn được sắc dụ biên soạn “Thực lục tiền biên”, luôn thể soạn liệt truyện. Gặp trường hợp Hùng Lộc thấy khó xử, quan Tổng tài bèn cho họp các quan chức trong sử quán để lấy ý kiến tập thể. Phó Tổng tài Hiệp biện đại học sĩ trình bày: “Hùng Lộc phạm tội đào ngũ theo gái giặc làm ô danh quốc thể, nhưng có công giúp bản triều mở cõi Khánh Hoà, vả lại dưới ánh sáng vinh quang của hoàng thượng và các bậc tiên đế không thể lưu dấu trong sử sách một bề tôi bất trung, cho nên bản quan đề nghị sử quán xoá bỏ tông tích Hùng Lộc, không ghi chép phần đời còn lại của Hùng Lộc sau khi hoàn tất việc lấy Khánh Hoà. Các vị có đồng ý không?” Lễ bộ Thượng thư đã dạy thì chúng thần xin kính cẩn vâng lời. Nghị quyết xong, các quan toản tu ngồi trà dư tán chuyện: “Liệu có thể có một thứ gọi là tình dục tâm linh không nhỉ?” Một quan nói: “Tôi đã từng biết một kinh nghiệm ở lúc sướng nhất, ta có thể thấy được cánh cửa sinh thành của vũ trụ.” Một quan khác phát biểu: “Tôi thấy tê lên tới đầu và đó là một cảm giác hoàn toàn sinh lý.” Quan khảo hiệu vuốt râu, cười: “Âu cũng chỉ là một cái rùng mình giữa vô biên thôi.”
Tương truyền, cô gái Chăm đã sinh cho Hùng Lộc mười đứa con. Ngoài ra, Hùng Lộc còn lấy một cô gái thuộc đất Chân Lạp và có thêm năm đứa con nữa. Con cháu ngài được thừa hưởng một dâm tính trong sạch và vẫn không ngừng truy vấn niềm hoan lạc của thần thánh.

15.7.2006







GIẤC MƠ CỦA SATAN

Hắn ngồi trong lửa. Ngai vàng rừng rực cháy từ khi chưa có hắn. Và ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt cho đến khi tham vọng của hắn được hoàn tất. Hắn cũng không biết tại sao có thể ngồi trong lửa mà không chết. Đấy là sự ngu muội duy nhất của hắn.
Hắn xúi giục và cản trở.
Hắn thống trị và nô lệ.
Hắn vui cười và than khóc.
Hắn thèm khát và thoả mãn.
Hắn cao ngạo và hèn mạt.
Hắn là kẻ hai mặt trong thế giới hiện hữu và vô hình trong ước muốn của chính hắn.
Hắn tự nhận là sáng suốt nhưng ứng xử như một kẻ ngu ngốc.
Hắn trung thành và phản bội.
Bởi thế hắn là nạn nhân của chính hắn.
Khi có một người tên là Macàbông rơi xuống địa ngục, bọn lâu la đưa tới trước mặt hắn và hỏi: “Xử tội người này như thế nào?”
Hắn hỏi Macàbông: “Ngươi đã làm gì?”
“Tôi chẳng làm gì cả.”
“Ngươi đã ao ước điều gì?”
“Tôi ao ước là không phải làm gì cả.”
“Không làm gì cả mà cũng phải ao ước à?”
“Vâng, đấy là một khát vọng cùng tột.”
Hắn phá ra cười đồng thời nước mắt chảy ròng ròng. Hắn nghĩ, trần gian mới đúng là địa ngục cần phải chiếm lĩnh. Bọn lâu la bảo: “Muốn lên trần gian thì phải giả hình.” Chuyện ấy có gì khó. Nghề của quỉ mà. Nhưng hắn không thể nhấc mông ra khỏi ghế. Bọn quỉ con lại bảo: “Ở trần gian đi đâu người ta cũng bợ cái ghế sau đít.” Thế thì được, hắn nghĩ. Nhưng hắn cũng không thể nào thoát ra khỏi vầng lửa vốn là hào quang của hắn. Đến lúc ấy bọn lâu la mới cho hắn biết, trần gian chỉ là ảo, địa ngục mới hiện thực. Hắn hỏi lại: “Thiên đàng có thật không?” Bọn lâu la nhất loạt thưa: “Chỉ là bánh vẽ thôi.” Vốn là kẻ dối trá, hắn cho rằng bọn lâu la đã dối trá hắn. Hắn vừa muốn lên thiên đàng vừa muốn đến trần gian. Nhưng thiên đàng thật sự chỉ là bánh vẽ mà những kẻ giác ngộ đã thấu suốt như một nguyên thể vô sắc tướng. Cho nên, vĩnh viễn hắn là kẻ bị khước từ. Chỉ một ý niệm về thiên đàng nẩy sinh thì tức thời cũng nẩy sinh một nỗi dày vò khôn cùng trong lòng hắn. Hắn vội xoay chuyển ý nghĩ về trần gian. Một nỗi thống khoái tràn trề dâng lên, hắn chống cây đinh ba xuống đất và định nhổm người dậy, nhưng cái ghế trì giữ hắn lại. Chính cái ghế cũng bị trì giữ bởi ngọn lửa vĩnh hằng thiêu đốt.
Sự ngu muội duy nhất của Satan được khai sáng. Trong sự vĩnh hằng, hắn khao khát được là phù vân chốc lát bay ngang bầu trời.

25.6.2004







TRỐN KHỎI THIÊN ĐƯỜNG

CẢNH 1:
Dưới cột điện, cô gái đứng chờ. Kéo ngang cột điện có một biểu ngữ: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Ngài”. Những người đàn ông đi ngang qua, tất cả đều ngoái nhìn cô. Thậm chí có người còn đứng lại quan sát cô, đánh giá nhan sắc và ước lượng số tiền mà họ sẽ phải trả nếu muốn mang cô đi. Nhưng cô không quan tâm đến bất cứ một người đàn ông nào như thể cô không nhìn thấy họ.
Cái loa sắt: Đến giờ học tập theo gương Ngài.
Cô gái bước đi, bỏ lại cái cột điện một mình giữa sân khấu.
Cái bóng đèn đổi màu từ vàng sang đỏ.
Cái loa sắt phát ra những tiếng rên của cô gái.
Một người đàn ông khác xuất hiện. Ông ta trườn ra giữa vùng ánh sáng đỏ rồi đứng lên phủi quần áo.
Người đàn ông (gọi khẽ) : Em ơi, đến chưa?
Cái loa sắt: Không ai có thể đến được nơi này nếu linh hồn họ chưa được kết nạp.
Người đàn ông vội bịt tai lại. Và ngồi thụp xuống.
Cái loa sắt: Nhưng cũng không ai có thể thoát được nơi này nếu như thân xác họ chưa tan rữa.
Người đàn ông bỏ chạy, nhưng cái bóng đèn đuổi theo ông ta bằng những chùm ánh sáng huyễn hoặc. Ông ta chạy lòng vòng cho đến khi bị chùm ánh sáng quây nhốt lại bằng một màu tím.
Cái loa sắt: Công đức của Ngài phủ sáng khắp đất trời.
Người đàn ông quì xuống.
Cái loa sắt: Uy lực của Ngài vượt qua thời gian.
Người đàn ông cúi lạy.
Cái loa sắt: Tình thương của Ngài không biên giới.
Người đàn ông nằm xuống.
Ánh sáng mờ dần rồi tắt hẳn.

CẢNH 2:
Tiếng nói trong bóng tối.
Giọng nữ: Em đây.
Giọng nam: Đi được chưa?
Giọng nữ: Bất cứ khi nào em bước đi, ánh sáng sẽ ngay lập tức soi chiếu.
Giọng nam: Anh sẽ cõng em. Bọn chúng sẽ không nghe thấy tiếng em bước và cũng sẽ không nhìn thấy dáng em đi.
Giọng nữ: Nhưng bọn chúng sẽ đánh hơi được mùi em.
Giọng nam: Anh sẽ bọc em lại.
Giọng nữ: Làm sao em thở?
Giọng nam: Ở dưới địa ngục không cần thở.
Giọng nữ: Thôi mình đi.

CẢNH 3:
Cột điện trơ trụi giữa sân khấu. Cái bóng đèn chiếu sáng một vòng tròn dưới sàn.
Cái loa sắt: Tất cả mọi giấc mơ đêm qua đều đẹp. Ngay cả những người không ngủ cũng tràn đầy những ý tưởng tốt lành.
Từng người đàn ông xuất hiện đi ngang sân khấu, khuôn mặt vô cảm. Không nói năng. Họ lầm lũi đi thẳng để đến một nơi nào đó.
Cái loa sắt: Và hạnh phúc lại đến với chúng ta.
Từng người đàn bà xuất hiện. Họ cũng lầm lũi đi về phía trước.
Cái loa sắt: Đó là ý muốn của Ngài.
Đột nhiên một cô gái bỏ sân khấu chạy xuống phía khán giả và đi ra khỏi rạp hát.
Cái loa sắt: Những kẻ quay lưng lại với Ngài đều phải chết.
Có tiếng sấm dữ dội và sau đó là tiếng thét thất thanh của cô gái.
Cái loa sắt: Bình an của Ngài thấm đến cây cỏ.
Trên sân khấu đổ mưa. Đoàn người xếp hàng một, cả đàn ông lẫn đàn bà, tay chống gậy lặng lẽ đi qua.
Cái loa sắt: Được phục vụ Ngài là vinh quang của chúng ta.
Bỗng đoàn người ngừng lại, quay mặt về phía khán giả, giơ cây gậy lên trời.
Cái bóng đèn lướt qua từng gương mặt vô hồn của họ và lần lượt bôi xóa họ bằng bóng tối.

CẢNH 4:
Tiếng nói trong bóng tối.
Giọng nữ: Có ai nhìn thấy anh ấy đâu không?
Giọng nam: Hình như một ai đó đã đưa anh ta đi.
Giọng nữ: Đi đâu?
Giọng nam: Chúng tôi không biết.
Giọng nữ: Hãy đi tìm anh ấy giùm tôi.
Giọng nam: Không thể đi trong trời tối thế này.
Giọng nữ: Thì phải có một cách nào chứ.
Giọng nam: Có ai biết đánh hơi không?
Giọng nam khác: Có, tôi biết.
Giọng nam: Hãy đưa cô ấy đi tìm bạn.
Giọng nam khác: Không thể được, vì bên ấy chỉ có một mùi duy nhất.
Có tiếng chân một nhóm người rầm rập đi tới.
Một giọng nói: Bắt thằng này.
Tiếng giằng co, vật lộn.
Một giọng nói khác: Đi.

CẢNH 5:
Vẫn chỉ có một cây cột điện với cái loa sắt giữa sân khấu.
Cái bóng đèn vẽ một vòng tròn màu xanh lá cây giữa sàn.
Cái loa sắt: Chúng tôi mơ thấy những tiếng cười rúc rích. Những khuôn mặt rạng ngời. Những đôi mắt trong xanh. Chúng tôi cũng mơ thấy những cánh đồng cỏ. Những dòng sông. Những giấc mơ làm chúng tôi no đầy. Chúng tôi cảm tạ ơn Ngài.
Bỗng có tiếng nói phía sau lưng khán giả.
Giọng nam: Chúng tôi không mơ. Chúng tôi không thể mơ. Không có bất cứ thứ gì bên trong chúng tôi.
Cái loa sắt: Bên trong chúng tôi là Ngài. Bên ngoài chúng tôi cũng là Ngài.
Giọng nữ (phía sau lưng khán giả) : Chúng tôi không sinh nở.
Cái loa sắt: Chúng tôi là sự viên mãn của Ngài.
Giọng nam (phía sau lưng khán giả) : Chúng tôi chỉ là ảo ảnh.
Cái loa sắt: Chúng tôi là sự thật của Ngài.
Giọng nữ (phía sau lưng khán giả) : Chúng tôi là sự giả dối.
Cái loa sắt: Xin cảm tạ Ngài đã cho chúng tôi nhận biết chân lý.
Cái bóng đèn nổ. Vỡ tan. Sân khấu chìm trong bóng tối.
Cái loa sắt: Xin cảm tạ Ngài đã cho chúng tôi được hưởng ánh sáng tôn nhan của Ngài. Xin cảm tạ Ngài suốt đời chúng tôi.

6.8.2007 �� b & � p H� 0P� c kể cả một vài phương pháp tráng dương bổ thận bằng khí công. Anh đùa: “Mày muốn học cái nào?” Tôi quay qua hỏi XX: “Anh nên học cái nào?” XX đấm tôi: “Anh là quỉ rồi cần gì học.”

Nửa đêm, Hùng Lộc dắt cô gái Chăm ra khỏi phủ bằng cửa sau cùng với vài thuộc hạ gánh đầy lương thực. Đây là lần đầu tiên cô được ra ngoài kể từ khi bị bắt vào làm tì thiếp của quan trấn thủ. Mặc dù không hỏi, nhưng cô cũng hiểu được việc gì đang xảy ra với cô. Họ đi về hướng Tây, khi ngang qua nghĩa địa, cô xin phép được dừng lại. Cô tìm hai cục đá lớn, xếp nối tiếp vào hai hàng đá trên lối vào một ngôi mộ mới, tự xem như mình đã chết đối với dân tộc Chăm. Dưới ánh sáng mờ của những ngôi sao, những giọt nước mắt của cô lấp lánh. Hùng Lộc không nói gì, lẳng lặng cõng cô trên lưng, ngài không chết mà chỉ là người mất tích đối với lịch sử.
Tôi đưa XX vào trong rẫy của anh chị Lộc và chơi trò chơi của người tiền sử. XX bảo đây là trò chơi của tương lai chứ không phải quá khứ. Tôi cười bảo cũng có thể. Mọi nỗ lực của văn minh nhân loại dường như cũng chỉ để quay về. Chúng tôi cởi truồng và cảm thấy thanh thản. Tôi nhớ lại tối hôm trước, anh Lộc nói: “Mày biết không, hai chân tao liệt, nhưng cái thằng nhỏ ở giữa thì càng ngày càng hoành tráng.” Tôi hỏi: “Thế thì có phiền không?” “Sao lại phiền? Nhờ nó mà tao hiên ngang ở cõi đời này.” Tôi bật cười khi đứng trên một ụ mối, hỏi XX: “Anh có hiên ngang không?” “Xét về tỉ lệ thì không,” nhưng khi ôm tôi, XX bảo: “Anh vô biên, chưa bao giờ em cảm thấy nắm được anh.” Linh hồn tôi bị chị cầm giữ trong đũng quần. Sau ngày hôn chị, tôi đã buông xả tôi với XX để xuất cạn tinh huyết. Tôi không đủ sức vượt qua thành trì im lặng của chị.
Sau hơn hai tuần men theo dãy Trường Sơn, Hùng Lộc dừng lại ở một bãi bằng. Ngài chặt cây làm nhà và bắt đầu một cuộc sống dân dã. Cô gái Chăm đã gắn kết với ngài trong gian khổ và được bù đắp bởi một trạng thái phấn khích tột độ trong tinh thần. Tuy nhiên, cô luôn băn khoăn về một điều mà chính cô cũng không hiểu rõ lắm. Người đàn ông của cô dường như vẫn chưa tìm được cái ngài khao khát, mặc dù cô đã chiều chuộng và làm bất cứ điều gì ngài muốn, kể cả những điều rất kỳ quái. Một hôm, cô nói với ngài: “Nếu ông muốn, em sẵn lòng tìm cho ông một cô gái khác.” Ngài trả lời: “Không phải thế. Ta yêu nàng và ta muốn được như dân tộc nàng tôn thờ bộ phận sinh dục, không phải như một biểu tượng mà như chính nó đáng được tôn thờ, nhất là cái của nàng. Làm thế nào ta có thể nâng lòng mình lên thần thánh khi giao hợp với nhau?” “Em không biết. Cái Linga trong đền tháp và cái của ông hoàn toàn khác nhau. Nhưng khi ông vào trong em, em biết Brahman đã ngự trị. Ngài thật cao cả,” nàng đáp. Và như mọi lần, ngài bế nàng lên bệ thờ. Nàng dạng chân ra. Ngài thành kính và say đắm hôn nàng từ trong sâu thẳm vô thức cái nơi chốn đã hình thành nên ngài.
Trở về thành phố, tôi tìm gặp chị và mang theo một cái mõ. Nấu cơm cho tôi ăn có thịt, nhưng chị vẫn ăn chay. Trong lúc ăn thỉnh thoảng tôi gõ một tiếng. Chị nói: “Cậu làm gì kỳ cục vậy?” Tôi bảo chị ăn chay thì tôi gõ mõ cho chị thanh tịnh. Chị nói: “Cậu quá đáng lắm.” Khi ngồi uống nước, tôi lại đặt cái mõ trước mặt chị và gõ. Chị cáu: “Có quẳng đi không?” Tôi làm như ngoan ngoãn nghe lời chị, cầm cái mõ đập mạnh xuống đất. Tiếng kêu của nó tàn bạo và trống rỗng. Tôi nhẩy đến ôm lấy chị. Hôn đầy trên mặt chị. Rồi đẩy chị nằm xuống ghế salon. Tiếp tục hôn khắp người chị.
Thiệu Trị năm thứ nhất, Quốc sử quán triều Nguyễn được sắc dụ biên soạn “Thực lục tiền biên”, luôn thể soạn liệt truyện. Gặp trường hợp Hùng Lộc thấy khó xử, quan Tổng tài bèn cho họp các quan chức trong sử quán để lấy ý kiến tập thể. Phó Tổng tài Hiệp biện đại học sĩ trình bày: “Hùng Lộc phạm tội đào ngũ theo gái giặc làm ô danh quốc thể, nhưng có công giúp bản triều mở cõi Khánh Hoà, vả lại dưới ánh sáng vinh quang của hoàng thượng và các bậc tiên đế không thể lưu dấu trong sử sách một bề tôi bất trung, cho nên bản quan đề nghị sử quán xoá bỏ tông tích Hùng Lộc, không ghi chép phần đời còn lại của Hùng Lộc sau khi hoàn tất việc lấy Khánh Hoà. Các vị có đồng ý không?” Lễ bộ Thượng thư đã dạy thì chúng thần xin kính cẩn vâng lời. Nghị quyết xong, các quan toản tu ngồi trà dư tán chuyện: “Liệu có thể có một thứ gọi là tình dục tâm linh không nhỉ?” Một quan nói: “Tôi đã từng biết một kinh nghiệm ở lúc sướng nhất, ta có thể thấy được cánh cửa sinh thành của vũ trụ.” Một quan khác phát biểu: “Tôi thấy tê lên tới đầu và đó là một cảm giác hoàn toàn sinh lý.” Quan khảo hiệu vuốt râu, cười: “Âu cũng chỉ là một cái rùng mình giữa vô biên thôi.”
Tương truyền, cô gái Chăm đã sinh cho Hùng Lộc mười đứa con. Ngoài ra, Hùng Lộc còn lấy một cô gái thuộc đất Chân Lạp và có thêm năm đứa con nữa. Con cháu ngài được thừa hưởng một dâm tính trong sạch và vẫn không ngừng truy vấn niềm hoan lạc của thần thánh.

15.7.2006


Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment