ĐÔ KH. - ÁP DỤNG MỚI NHẤT CỦA IPHONE / THƯ NGỎ GỬI NIÊN TRƯỞNG Ó ĐEN / TÔI KHÔNG MAY MẮN / TÀ ÁO BURQA / CHUNG MỘT CHIẾN HÀO / ĐẠI LỘ KINH HOÀNG 1972 / NAM THỤC NHƯ HỔ, NỮ THỤC NHƯ MIÊU - phiếm



ÁP DỤNG MỚI NHẤT CỦA IPHONE

Nếu bạn dưới 20 tuổi thì tôi không cần giải thích iPhone là cái gì. Nếu bạn trên 20, có khả năng là bạn không biết, hay nghĩ đó là một cái điện thoại di động. Nhưng iPhone không đơn giản là để liên hệ điện thoại mà là một lối sống, một vật dụng gần như là được nhân cách hóa, một người tình đã dính vào thì bất khả ly thân.
Ở những nơi chưa mấy phát triển và chưa có sóng cao tốc (như Việt Nam) đó là một biểu tượng giai cấp, có chân dài thì phải có iPhone, mà có bạn gái chân dài thì càng phải có iPhone. Ở nơi không có cả sóng di động, đó là một biểu tượng quyền lực, tướng cướp cầm đầu 30 tay súng hay là tiểu sứ quân (như ở Congo) đeo ở trên ngực làm bùa.
iPhone trước hết là một cái dáng nhưng ở những nơi phổ biến, được ưa chuộng nhờ chức năng. Nhiều điện di động thu/phát hình, thu/phát nhạc, dùng được để xem phim, xem TV, nối mạng, chat, IM, viết truyện ngắn (như ở Nhật Bản) nhưng không cái nào tiện dụng bằng. iPhone là máy có nhiều “áp dụng” (applications) nhất, ngay cả những áp dụng chẳng để làm gì, điển hình là áp dụng “Gương”. Áp dụng này là một cái khung như là khung gương hay khung tranh hiện lên màn hình. Bạn cầm máy lên và soi mình trên mặt kính của máy, hỏi iPhone, iPhone, ai là người đẹp nhất vương quốc Apple? Chỉ có vậy, nếu không có áp dụng này thì vẫn có thể tự soi được trên máy, chỉ khác là không có khung thôi!
iPhone được sản xuất (lắp ráp), thì tại Trung Quốc chứ còn ở đâu. Nếu không có Trung Quốc thì ngư dân Việt Nam có thể mừng và vô tư vất lưới khắp Biển Đông nhưng người sử dụng iPhone tôi đồ rằng sẽ phải trả giá mỗi cái gấp đôi và như thế là lợi bất cập hại. Foxconn là một công ty Đài Loan hợp đồng với Apple để thực hiện việc này tại Thẩm Quyến.
Sun Danyong là một kỹ sư quản trị kinh doanh, 25 tuổi, quê ở Vân Nam heo hút và có thể nói là thành đạt. Quảng Đông nơi anh làm việc và cư ngụ là tỉnh phát triển mức nhất quốc gia. Mươi năm về trước, người miền Bắc có chuyện hài là thằng nào đi với thiếu nữ cao hơn một cái đầu thì nó chưa mở miệng ra “lớ” đã biết là người Quảng Đông, và Thẩm Quyến thực ra chẳng kém Hương Cảng là mấy.
Khi anh Sun về quê thăm nhà, trong xóm có bao nhiêu cô chưa chồng thì kéo nhau hết đến để mà e ấp hỏi chuyện miền xa. Thẩm Quyến đèn bao nhiêu màu, đến đoạn Danyong kể là làm cho công ty Đài Loan thì có cô đứng không vững nữa phải tựa vào cái gì, công ty này hợp đồng với Mỹ thì cô ta phải ngồi xuống, mà công ty Mỹ là Apple thì cô ta khó thở, bắt đầu quạt mạnh. Vậy chứ anh làm gì cho Apple? Biết Danyong làm về các mẫu iPhone mới, chưa có trên thị trường thì cô ta lăn ra xỉu.
Khi iPhone đầu tiên xuất hiện, đài TV một thành phố lớn ở Mỹ quay cảnh người tiêu dùng đứng xếp hàng cả ngày để mua cho bằng được một cái đã đã ngẫu nhiên phát hiện ra trong đám chầu chực này ông thị trưởng (CT UBND) của thành phố! Khi bị hỏi là thế thì ai đang lo việc làng, ông mới bẽn lẽn mà gọi trợ lý của ông đến xếp hàng mà đợi thay ông! Cho nên đoạn viết trước, tôi thấy tôi có thể dựa vào để hư cấu mà không hề cường điệu.
Anh Sun này, làm việc gì chính xác thì tôi không biết. Mới đây, anh được giao 16 cái iPhone để gửi về cho Apple ở Mỹ. Đây hình như là dạng hàng độc, còn ở giai đoạn thử nghiệm nhưng thế nào thì cũng chỉ có 15 cái đến nơi. Thiếu một cái, anh Sun làm mất hay là anh lấy để khoe với bạn gái (cô này không phải là cô hàng xóm đã nói mà là tiếp viên của hãng hàng không Hải Nam). Hay là anh bán cho điệp viên kỹ nghệ của Samsung để trang trải tiền tín dụng mua xe con Buick cho cô mới nói đến sau khi cô làm dữ và nhất định đòi (xem video dưới đây)? Không biết được.
Điều chắc chắn, là an ninh bảo vệ của Foxconn mời anh lên làm việc, giữ anh lại nhiều tiếng đồng hồ để hỏi cung, đến tận nhà anh lục soát và biểu diễn nghiệp vụ võ thuật. Ngày 16.7, ba hôm sau khi anh báo cáo là thiếu mất một cái iPhone đời thứ 4, Sun Danyong nhảy khỏi cửa sổ của nhà anh ở tầng 12.
Tư duy bôi bác thì có thể cho đây là một nạn nhân toàn cầu hoá, của hiện đại hoá, của chính sách lấy khu chế xuất mà bao vây nông thôn v.v. khiến mất một cái iPhone phải đổi bằng mạng. Nhưng tôi thì nghĩ, anh Sun này chắc đang thử nghiệm một áp dụng mới của iPhone mà không thành công. Chỉ mấy năm trước đây, 007 có mơ đến những chức năng của điện di động này cũng không thấy. Không ai cấm ta nghĩ là Sun Danyong thất bại khi thử nghiệm chức năng vẫn còn bí mật của iPhone đời 4 là hoá giải trọng lực và sức hút của Luật Newton (Apple và quả táo).
Từ tầng 12 nhảy xuống không cần dù mà chỉ cần application mới nhất này.





THƯ NGỎ GỬI NIÊN TRƯỞNG Ó ĐEN

Cùng với ca sĩ Tuấn Vũ, ông Lý Tống là một trong hai người tôi vẫn mong có ngày được chụp ảnh chung lưu niệm. Nhưng nếu tôi mến mộ Tuấn Vũ vì giọng ca truyền cảm và diễn đạt được hết cái nức nở của, chẳng hạn «Người ngòai phố» (cũng như nhiều bài khác nữa), thì ở Lý Tống tôi ngưỡng mộ tác phong và hành động anh hùng. Tất nhiên, cả hai thần tượng này của tôi không phải là toàn bích. Tuấn Vũ thì phục trang gu hơi có kém, khi 15 năm trước anh mặc áo vét Hồng Kông sắn cổ tay hoặc ngày nay anh mang quần bò Hàn quốc có lắm túi trên túi dưới thì người thưởng ngọan đành nhắm mắt vậy. Nhắm mắt mà thả hồn vào giọng hát bồng bềnh để tự an ủi là anh uốn giọng hay hơn là anh uốn… tóc. Lý Tống phải nói là có lúc cũng vậy, khi tôi thấy ảnh ông đứng gác một chân lên chiếc Firebird mang vanity plate  Texas đề chữ ‘Ó đen’.
Nhưng đây là chuyện nhỏ. Lý Tống tôi xin cúi đầu ngả nón là ở chuyện khác. Trước hết phải nói là tôi với ông khác xa quan điểm và lập trường, sự ngưỡng mộ của tôi là ở thái độ dấn thân của người xứng đáng với danh hiệu đầu ngõ nào cũng gặp này, tuy không phải là đầu ngõ Bolsa. Ông là tay chơi tới bến, không phải tới bến thì cũng là tới không phận Cuba và Việt Nam. Khỏi cần phải nhắc, không có ai trải truyền đơn trên những bầu trời này, nhảy dù xuống và cướp máy bay những hai bận ngoài ông ra. Để làm gì và làm được gì thì phần tôi cho là buồn cười thôi nhưng tôi không nói chuyện buồn cười của Lý Tống, đây tôi nói chuyện hào hùng.
Tôi kém ông nhìều điểm, cho nên tôi có cười ông thì cũng chẳng phải là điều quan trọng. Chưa nói đến cái gan, thí dụ ở Thái Lan tôi thì chỉ dám ngồi gogo bar là đã bạo lắm rồi chứ nào có dám cướp tàu. Cho dù nếu tôi và ông có đồng chí hướng, nghe ông rủ chắc là tôi thoái thác ngay viện cớ là lỡ hẹn mấy cô nhảy coyotenên thôi cho khất, để lần sau. Ngay cả lúc ở trong nước trước ngày đứt phim thì cũng đã thế. Tôi nhớ rõ ấn tượng một sáng rất sớm, khi nữ hoàng của chiến trường là chúng tôi đang ì ạch lội ruộng và trợt lên trợt xuống, ầm ì một phi tuần A37 ba chiếc bay qua nhả khói trên bầu trời trong vắt năm hay bảy trăm cây số một giờ. Trong khi đeo đủ cấp số đạn và hai quả lựu đạn mini dắt lưng đối với tôi đã là anh dũng lệch cả giây ba chạc, thì các tinh cầu bay trong đêm trăng này nhẹ nhàng mấy trăm viên đại bác 20 ly, mấy chục quả tên lửa 67 và bom trong bom ngoài một tấn. Lả lướt vài vòng là họ trở về thành phố để kịp đón nữ sinh tan trường, ví thế nào được. Biết đâu vào ngày ấy đã có duyên, Lý Tống đang bay trên trời và tôi ở dưới đất, và khoảng cách này vẫn còn nguyên vẹn ngày hôm nay.
Thưa niên trưởng, vì thế tôi thực sự thất vọng khi được đọc bài tường thuật cuộc đột kích buổi triển lãm tranh VAALA gần đây. Người hùng của tôi, đội nón calot không quân và trịnh trọng xưng danh «tôi là pilot» với một cô lễ tân, lại hạ mình đi xịt sơn đỏ lên một bức ảnh như là một đứa bé 15 tuổi! Luật ở bang Cali cấm bán sơn sịt cho thiếu niên duới 18, chẳng lẽ niên trưởng lại coi đây là thành tích? Còn xịt lăng nhăng không ra hồn một cái graffiti băng đảng thì chỉ đáng tội phá phách là vandalism. Vậy có cần đội nón calot hay không?
Ở niên trưởng, điều tôi phục không phải chỉ là ông vượt biên bơi sải mấy cây số và tôi rời nước trên một dương vận hạm. Phần đó là phần cái dũng, kẻ có người không. Chẳng những chơi là chơi luôn tới bến, bác tài Lý Tống còn là người chơi điệu. Khi ra tòa án ở Việt Nam, ông đã gửi hoa cho cô tiếp viên hàng không để xin lỗi cái tội đã ôm cô xiết cổ khi cướp tàu. Tay còng tặng hoa, chỉ có Lý Tống mới làm được và trong những điều khiến tôi khâm phục,
- cướp tàu và xiết cổ hoa hậu,
- nhảy dù và ngồi tù,
- ra tòa và tặng hoa,
có lẽ đây là điều tôi khâm phục nhất. Và lại cũng vì thế, tôi vô cùng ngạc nhiên khi được biết cũng chính Lý Tống này lại xúc phạm phụ nữ khi ông mang quần lót của họ ra làm trò cười.
Muốn làm trò cười của trẻ em mất dậy lên 16 thì cứ việc, nhưng xin đừng mang quần lót của phụ nữ vào! Đây tôi thấy là một hành vi thiếu văn hóa và miệt thị, xin hiểu là miệt thị phụ nữ, như trong đầu thập niên 80 có biểu tình chống đối của người Thái gọi trại tên Nguyễn Cơ Thạch thành Nguyen Kotex. Quần lót của phụ nữ chẳng có gì là thiêng liêng nhưng chí ít cũng là… dễ mến. Phụ nữ nào lại chẳng có quần lót, đó là nói chung và nếu có gặp ngoại lệ, thì vẫn… dễ mến như thường. Quần lót cũng như lá cờ hay giẻ rách, tự nó chẳng có gì quan trọng hết, cái quan trọng là ở phần biểu tượng. Ở thành phần hò hét chung quanh ông tôi không nói đến, nhưng ở ông thì niên trưởng làm tôi thất vọng rất nhiều.
Nhưng nếu có gặp Lý Tống, tôi sẽ vẫn xin chụp hình chung lưu niệm. Ông có làm xằng nham nhở thì tôi vẫn phục chuyện nhảy dù xuống sông Sàigòn, oai hơn cả John McCain và oai hơn cả John Wayne. Trên tấm hình chụp chung này, phần niên trưởng đầu đội nón calot đã đành. Phần tôi, quần lót của phụ nữ nào thì còn tùy hòan cảnh, nhưng tôi sẽ xin đội trên đầu một cái làm kỷ niệm.







TÔI KHÔNG MAY MẮN

Có phải là các bạn đang nói tiếng Pháp hả? Người lạ hỏi.
Thì chứ sao, tôi nghiêng vai nhìn chếch sang anh và gật gật đầu.
Thì lạnh, nhưng hôm nay trời hơi có nắng, bố con tôi ngồi nhồm nhoàm ngoài hiên để mà còn hút thuốc, khói huyền bay lên bầu trời xanh xám của London vào mùa thu. Nói tiếng Pháp cách nhà ga quốc tế St Pancras có vài trăm thước thì có gì lạ. Đây là điểm đến điểm đi của tốc hành Eurostar xuyên đường hầm từ Paris. Nhưng hai người da vàng thì chắc là cũng gây thắc mắc, người lạ mới vừa lên tiếng đỏ hai con mắt trên cái hộp mì mang đi bằng giấy thiếc.
Nắng chéo lên một phút, lung linh cái bảng hiệu Costa’s Café cho bớt nhợt nhạt. Đây là Costa rởm, không phải Costa tập đoàn kiểu Starbucks, hay đây là Costa thật, cô phục vụ xinh xập xình cặp háng miền duyên hải, còn Costa tập đoàn mới là Costa rởm, hương xa Hy Lạp mập mờ. Hai cái bàn nhỏ mặt nhôm, một chậu cây kiểng, bánh mì kẹp thịt bò 3.75 GBP. Khu Islington đang đổi diện, bám trụ ở đây thêm mười năm nữa ắt sẽ có tiền nhà đất, những cửa hàng lệch lạc kiểu Dickens hay là tiền chiến, Georgiu sửa quần áo, thức ăn tàu ‘take away’ Mekong sẽ nhường chỗ cho bóng loáng thanh lịch như là ở Paddington. Nhưng bây giờ vẫn chưa vội để đổi xác, tiệm mỹ phẩm Phi châu vẫn còn nằm ngáp ở đầu đường cạnh anh hớt tóc Ả rạp.
Tôi mới là lạ. Người hỏi tôi câu tiếng Pháp là một anh Ấn độ vạm vỡ ngoài 30. Ấn độ ở đây là chuyện thường, trước cửa trạm Kings Cross còn có bán tạp chí thiếu nữ Ấn độ cởi truồng. Nhưng Ấn độ ở đây không hề nói tiếng Pháp. Có lẽ anh cũng nghĩ như tôi, Trung quốc ở đây là chuyện thường, đâu đó ở đây đầy những mát xa Trung quốc có những Củng Lợi bấm trúng tử huyệt nhưng Trung quốc ở đây không nói tiếng Pháp, không hề. Ngỡ ngàng một lát,thì anh nói
Tôi người Mauritius.
“Chìa khóa của Ấn độ dương” tên cũ là Ile de France. Tôi lùng bùng ký ức những resort đó đây cao cấp, những bờ biển được coi là hàng top toàn cầu, địa đàng tìm lại thấy của du khách rủng rỉnh nhưng chỉ moi ra được cái tên gọi của thủ đô [i].
Port Louis ?
Port Mahebourg, anh ta nói sụt sùi.
Vất vả dành dụm và bao nhiêu vốn liếng, anh giã từ cát trắng để sang nhựa đường lồi lõm sương mù này mưu sinh. Ở đây thở thì ra khói nhưng không ói ra tiền, kỹ sư xây dựng bằng nước ngoài phải thi lại, thực tập, được nghiệp đoàn chấp nhận, anh đi làm thợ vịn. Chuyện thường tình của người nhập cư thôi nhưng thợ vịn, thợ công nhật anh cũng không có việc, nhân lúc gặp đồng ngữ phương xa là hai cha con tôi anh ngồi ứa nước mắt trên hộp mì spaghetti mếu máo. Tôi động viên kiểu, thôi thì hết rủi lại may, biết thế nào tâm sự vơi đầy.
Người đàn ông đứng dậy, cái to lớn quá khổ của anh lại càng tăng thêm vẻ thất thểu. Anh cầm tay theo cái hộp mì đang ăn dở, không buồn gói ghém lại.
Chúc anh may mắn, tôi bảo.
Tôi không có niềm may.
Anh dõng dạc khẳng định, thẳng lại hai vai như là trước tiểu đội hành quyết ở pháp trường, ngực ưỡn ra thách thức số phận. Ở cuối đường mới mươi thước, chân anh đã chùn trở lại bước thấp cao.
Hai bố con tôi ngồi ăn bánh mì thịt tiếp, chỉ có 3.75 GBP mà miếng thịt ở đây to tướng. 
Ghi chú:
Ở thời điểm mạng, người đọc có thể vào Google map
116 Kings Cross RoadLondonUK
Bấm ‘streetview’ bên trái, lại gần để xem rõ
Sau đó có thể thả bộ vỉa hè trước mặt xuống phía nam, rẽ chênh chếc và ngừng lại trước cửa hàng Breathless (131 Kings Cross) chuyên bán y phục nội ngoại bằng latex nhẵn nhụi để trầm ngâm.






TÀ ÁO BURQA
Ôi áo xưa lồng lộng, đã xô dạt trời chiều
Như từng cơn nước rộng, xoá một ngày điù hiu

Trinh Công Sơn (Tình nhớ)
Năm ngoái, cơ quan tôi có một phái đoàn sang nước anh công tác. Họ kể lại là rất đẹp, có bãi biển…, bãi biển gì đó, cô ta không nghĩ ra tên.
Bãi biển, thì cũng đẹp. Tôi nghĩ đến Lăng Cô sướt mướt vào mùa mưa. Ở đây, bãi biển cũng đẹp vậy, tôi bảo.
Mấy bạn đồng nghiệp mang về cho tôi một cái nón Việt Nam, cô ta dùng hai bàn tay tả cái hình tháp nhọn. Tôi gật trong khi nhìn mấy đầu ngón tay cô chắp ngay trước con mắt tôi. Hai bàn tay trước đó đang cọ quậy khi đặt ở trên đùi. Cô ta tiếp, cơm Việt Nam tôi cũng thích lắm.
Ở đây cơm Việt tìm ở đâu?
Làm gì có, thỉnh thoảng lúc thèm thì tôi đặt ở tỉnh X, cách đây 200 cây số. Sáng tôi gọi điện đến cái cửa hàng đó là muốn ăn “bò bún”. Họ đưa đến xe đò liên tỉnh, tôi ra bến xe nhận.
Bò bún Fed-Ex, tôi nói.
Cô cười, họ đóng gói cẩn thận, coi xinh lắm, có rau sà lách, có nước “sốt” cay để riêng… Chắc là năm nay tôi phải sang thăm nước anh. Na…
Nha Trang. Hạ Long, tôi tiếp lời cô gái. Nhưng trong khu vực, bãi đẹp đâu có thiếu. Langkawi, Perhentian, Pulau Tioman… Nghe đâu là Tioman đẹp nhất thế giới.
Maldives, cô ta bảo. Tôi cũng muốn đi Maldives. Nhưng phụ nữ ở nước anh coi rất đẹp, mặc cái áo coi sexy thật.
Mà lại kín đáo rất khiêm nhường, chẳng kém gì burqa Afghanistan cả.
Vậy là sao?
Thì cũng như là khăn của phụ nữ đạo Hồi… Khi nào thẹn, khi nào không muốn người ta nhìn thấy mặt, các cô kéo cái tà lồng lộng ở phía trước lên che.


Nguồn: damau.org








CHUNG MỘT CHIẾN HÀO

Giáng sinh năm 1980, tôi làm nhân viên phụ trội và ngoại ngạch của sở Bưu chính Hoa kỳ. Đây là việc nhà nước, lại ở cấp thấp, nên đồng nghiệp chung quanh rất nhiều người da màu (nhờ chính sách không phân biệt chủng tộc), đại đa số là người Mỹ gốc Phi châu, từ politically correct để chỉ những người da đen. 

Tôi làm ca đêm, thuộc đơn vị bổ sung, chỉ đâu đánh đó, để đáp ứng kịp nhu cầu bưu thiếp, bưu phẩm tràn ứ của dịp lễ cuối năm. Có đêm cả đội ra cảng gỡ cả một chuyến tàu, có đêm di chuyển đến một trung tâm nào đó giúp vào việc phân phối. Một bận như vậy, lên xe ngồi, có anh bạn da đen thốt “Nó chuyển mình đi một đồn điền mới!” Ít khi nào tôi có dịp ở tại ngay cơ quan sàng lọc bưu phẩm cạnh ga tàu lửa Union Station của thành phố Los Angeles. 

Việc ở đây tương đối nhẹ nhàng hơn, không phải bốc vác những bịch năm bảy chục cân Anh nhưng phải luôn nhanh tay và nhanh mắt. Thư, sao mà lắm thế, được máy đưa liên tục đến chỗ ngồi, mỗi người một phận sự, thí dụ tôi được chỉ định mã số cuối là số 7 của khu bưu chính, cứ thư nào có địa chỉ mã kết thúc bằng số này là tôi bấm nút để nó tách ra riêng. Người ngồi cạnh lo canh số 6, số 8, cứ như vậy làm việc theo dây chuyền và theo nhịp đã được ấn định, nếu một người lơ là thì ảnh hưởng đến tất cả, máy ngưng lại, đèn bật, chuông reo, xếp đang đi rảo sau lưng dừng lại viếng và hỏi có vấn đề gì. 

Ở ngoài đội sai vặt và đắp chỗ này, tôi không quen ai ở Trung tâm chính vì bản chất của việc làm không cố định. Có lần, một người đàn ông da đen đã đứng tuổi, phục phịch trạc 50, lại gần tôi hỏi “Were you in ‘Nam?” Tôi cũng ngạc nhiên, vì dạo đó tôi còn rất trẻ, chẳng có vẻ gì giống một cựu chiến binh. Ông ta nói: 

“Đồng Tâm, MR 4 [1], 1965.” 

Tôi bảo: 

“Đồng Dù, MR 3, 1974.” 

Ông liếc quanh nửa vòng và khinh khỉnh: 

“Chúng nó không có hiểu bọn mình!” 

Thì làm sao hiểu, tôi và ông này chỉ trao đổi có bấy nhiêu. Ông hơn tôi 25 tuổi, lính đăng, lifer, chứ không phải là lính gọi, chắc là Trung sĩ nhất gì đó phục viên. Sau 15 năm hay 30 năm trong quân đội, lính nhà nghề khi giải ngũ được chính phủ Mỹ ưu tiên một việc làm nhà nước, có tiền tiêu vặt mà vẫn kiêm luôn cả lương hưu. Những người như ông này, hai tay thọc túi ở cơ quan, chẳng siêng năng và không cầu tiến, ai làm gì nhau và xếp phải ngán, ngành Bưu chính cũng có rất nhiều. 

Sau lần đó, vài bữa, đội của tôi gặp dịp ở lại Trung tâm. Tôi ngồi máy, lẩm nhẩm lục bát, 6 cái thư mã số cuối là 7 rồi đến 8 cái thư mã số cuối cũng là 7, cứ như vậy sắp thành… trường thi, thì dây chuyền bị kẹt. Đèn bật, chuông reng, tôi ngẩng đầu thì thấy một anh đen khác, vừa dúi một nắm thư vào làm cho máy nghẽn lại. Anh không quan tâm gì đến những người trong toán mà tiến lại chỗ tôi, ngoắc tôi đứng dậy, nói “Mình đi ra cafeteria”. Tôi chưa hiểu chuyện gì, bà xếp vừa trờ tới, anh ta nhìn bà nói ngon lành “Thằng này là bọn chúng tôi”. Bà ta nhìn trần thở dài mà không trả lời, tôi theo anh mới này ra quày nước, đội lại tiếp tục chăm chỉ làm việc. 

“Bọn chúng tôi” là năm bảy nhân viên ngang ngược, cựu chiến binh Việt Nam đã từng đổ máu nên tại Trung tâm Bưu chính này được miễn đổ mồ hôi. Rủ nhau ra quày nước của cơ quan ngồi cả tiếng, cầm ly cà phê mà ngồi dạng chân ra ngủ gật hay là có thức thì không nói năng gì, ai cũng kiềng mặt mà giữa chúng tôi với nhau cũng chẳng cần tâm sự, ôn lại hay kể lể. Tôi là người gốc Việt duy nhất và cũng là người trẻ nhất. Phần lớn là da đen, kể cả cái ông đầu đã từng nhìn ra tôi dáng dấp nhà binh. Có một anh da trắng tóc dài tay áo thun sắn, dạng biker xâm mình “thiên thần của địa ngục”, thứ chạy xe máy Harley Davidson, “phóng như là xe mới vừa ăn cắp”. Chu Lai 1967, Cồn Thiên 1969… Giới thiệu lần đầu một bận, có người nói bỏ lửng “I’ve seen things… [2]” chẳng ai bắt tiếp, các người kia và kể cả tôi chỉ há có nửa quai miệng, dáng trầm ngâm mặc niệm gì đó rất riêng và gục gặc đầu. Người ngoài nhìn vào thì là một nhóm quái đản, không ai giống ai, từ tuổi tác đến màu da, ăn mặc và sở thích. Chúng tôi cũng chẳng có gì để chia sẻ, ngoại trừ việc không cần nói đến, là một khoảng trong đời, từng cầm súng tham chiến tại Việt Nam. 

Tôi là Marvin the Arvin [3], đại diện cho lá cờ vàng ba sọc họ vẫn thấy cạnh lá cờ Hoa Kỳ ở sân đơn vị vào ngày đó (vào ngày nay chỉ còn thấy trước tiệm phở Nguyễn Hụê đường Bolsa ở quận Cam [4]). Nhưng tôi nghĩ nếu tôi là Charlie the Cong, thì họ cũng sẽ đối xử với tôi y như vậy, “Xếp, cho thằng này đi uống nước xả hơi”. Tôi chắc chắn là họ thấy gần gũi với một cựu chiến binh Việt Cộng hơn là với hàng xóm của họ ở Mỹ mỗi cuối tuần ra sân trước mà cắt cỏ cho đều. Phần tôi, những năm về sau này, có những dịp ngồi với năm bảy anh cựu quân nhân bộ đội ở trong nước, cũng chẳng thấy khác gì trên. Người anh em bên kia chiến tuyến hát cho tôi nghe những khúc quân hành miền Bắc, đến lượt tôi thì “Này bao hùng binh tiến lên! Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến! Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành...” tôi ngượng miệng. Tôi chỉ nhỏ nhẹ được: 

Mắt em buồn cuộc chiến quê hương 
Tóc em buồn màu hoả châu vương 
Từng đêm nghe súng nổ 
Con tim mình tan
 vở 
Em buồn, loài người đau thương 

làm họ cũng buồn theo, nỗi buồn huynh đệ. 

Người lính Mỹ hay là anh bộ đội sinh Bắc tử B, chiến hào của tôi vừa đủ rộng để chứa cả hai giới tuyến. Thắng bại là chuyện của những người com lê cà vạt hay mặc áo đại cán, đúng hướng đi hay lầm đường là chuyện lịch sử (đã) nhận định [5]. Con yêu của tổ quốc hay là con hoang vào lúc nửa đêm về sáng, chẳng còn ai màng đến màu áo trận nhá nhem, phe này hay phe kia của cuộc chiến. Chiến hào chúng tôi giờ này rộng nhưng cũng chỉ chứa được những người từng cầm súng, không có chỗ cho người ngoài, dù là những người thân thuộc nhất, bố mẹ, vợ hiền Hà Nội hay là em gái hậu phương [6]. 

Như ông Mỹ đen Trung tâm Bưu chính nói, họ làm sao hiểu được bọn mình, những huynh đệ của nỗi buồn súng đạn một khi đã tàn cuộc chiến.
[1]Military Region, Quân khu. Miền Nam trước đây được chia làm 4 Quân khu và Quân đoàn, QK4 là vùng phía nam Sài Gòn cho đến Cà Mâu, QK3 là vùng chung quanh Sài Gòn.
[2]Ờ thì tao cũng từng chứng kiến nhiều chuyện…
[3]ARVN, Army of the Republic of Vietnam, Quân đội Việt nam Cộng hòa. Lính miền Nam được gọi làMarvin, như Charlie là để chỉ bộ đội miền Bắc hay là giải phóng, từ Victor Charlie tức VC theo mã điện đàm của Hoa kỳ.
[4]“Thủ đô tị nạn” ở tại Nam Cali. Cờ vàng ba sọc đỏ là cờ VNCH, tôi phải nói rõ. Tại trước tiệm phở Nguyễn Huệ, có lần tôi chỉ lá cờ này cho 1 cô bạn từ trong nước mới sang. Cô sanh năm 72 ngoài Bắc nên nhìn mãi mà không hiểu tôi muốn chỉ cái gì, đây là lần đầu cô thấy lá cờ đã phủ 225.000 quan tài này cho đến ngày cô lên 3 tuổi.
[5]Tôi là lính, âm thầm tôi nghĩ thế thôi 
Trăm lần không, bao giờ tôi giận cuộc đời… 
(Ca từ)
[6]Oanh, Yến hay Liên 
Hồng, Loan, Đào, Diễm 
Từng ngày nghe nhắc tên 
Muốn quen, để rồi đến thăm 
Hậu giang tôi cũng kiếm 
Miền Trung tôi cũng tìm! 
(Ca từ)
Nguồn: talawas.org





ĐẠI LỘ KINH HOÀNG 1972
Lời giới thiệu 

“Vụ tai nạn thảm khốc hôm 26.9 tại km 779 quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Hải Lăng (Quảng Trị) làm chết 14 người, bị thương 48 người đã đưa số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông trên đoạn đường chưa đầy 6 km này lên 76 người trong vòng tám tháng qua. Hậu quả ngày càng nghiêm trọng, số vụ ngày càng gia tăng đã làm cho đoạn đường này sống lại cái tên ‘Đại lộ kinh hoàng’ mà thời chiến tranh người ta đã gọi nó.” 

Trên đây là toàn bộ đoạn chapeau đăng dưới tựa đề “Bắn” tốc độ trên “đại lộ kinh hoàng” trên báo Nhân Dân (!) vào đầu tháng 10.2004 (tác giả bài viết ký tên Đinh Như Hoan). Cụm từ “Đại lộ kinh hoàng” này không rõ có phải được người viết này làm sống lại nhưng đã tỏ ra rất đắt với các phương tiện truyền thông khác ở trong nước và cũng như Kiều, lại thanh y lượt thứ nhì khoác lên cho đoạn đường (tân thanh) trên giữa Huế và Quảng Trị, từ cây số 52. 

Ai bảo lịch sử không biết đùa và không lặp lại (“lần đầu là bi kịch và lần thứ nhì là một tấn tuồng hài”, Marx, ngày 18 Brumaire của Louis Napoléon Bonaparte). Chuyện dựng sống lại cụm từ này lại càng khó hiểu khi được biết vào năm 2002, chính quyền địa phương đã tích cực làm khó việc cầu siêu kỷ niệm 30 năm cho các nạn nhân chiến tranh tại chùa Long An, huyện Triệu Phong do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Trị tổ chức, với cả phái đoàn tăng sĩ đến thỉnh hương linh từ Cầu Dài về chùa để đạo tràng. Thì ra lịch sử, tuy lỏng lẻo như là chất nước, vẫn có được trí nhớ, một thứ trí nhớ len lỏi và róc rách qua những thứ như là, tai nạn giao thông. 

32 năm trước, bộ đội và giải phóng tại mặt trận Bắc của chiến dịch Nguyễn Huệ đánh vào tỉnh Quảng Trị do quân đội miền Nam trấn giữ. Trong một tháng giằng co, tuyến bảo vệ Quảng Trị hướng tây (các căn cứ hoả lực, Camp Carroll) và hướng bắc (Đông Hà, Ái Tử) co cụm lại chung quanh thị xã, nơi Sư đoàn 3 Bộ binh miền Nam đặt Bộ Tư lịnh tại Cổ thành, đường tiếp vận từ Huế khi đóng khi mở bị đe doạ. Cuối tháng 4.1972, Sư đoàn 3 và các lực lượng tăng phái di tản về hướng Nam đến sông Mỹ Chánh nơi Lữ đoàn 369 Thuỷ quân Lục chiến từ Huế lên lập phòng tuyến mới. Ngày 1.5, tư lịnh Sư đoàn 3 và tư lịnh mặt trận, tướng Vũ Văn Giai [1] đi cùng đơn vị chót, đến Quốc lộ 1 bị tắc đường bèn quay lại Cổ thành Đinh Công Tráng và được trực thăng Hoa kỳ di tản cùng đoàn cố vấn Mỹ. [2]Vào lúc 16g30 khi chiếc trực CH 53 chót cất cánh, bộ đội miền Bắc đã vào đến Cổ thành. Tỉnh Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cuộc chiến bị mất vào tay miền Bắc. 

“Dãy phố buồn hiu” [3] của thời chiến tranh Đông dương (Pháp) khánh thành tên mới là “Đại lộ kinh hoàng” vào dịp này. Quãng đường mươi km ngang Hải Lăng bị các chốt pháo từ trên núi cách một vài cây số (tầm ngắn của Sơn pháo 75 ly, bích kích pháo) và các chốt bộ binh cách đường chỉ có 50m, liên tục nã vào để chặn đường rút lui. Đoàn người di chuyển trên Quốc lộ 1 gồm quân nhân miền Nam đã thất lạc đơn vị, mất chỉ huy và không còn đội hình, [4] có khi mang theo cả gia quyến, lẫn vào với dân cư Đông Hà, Quảng Trị. Đoàn người này xuôi Nam hỗn loạn, lớp lính, lớp dân, lớp dân trộn vào với lính, bằng đủ loại phương tiện, từ chạy bộ quang gánh đến quân xa, thiết giáp, xe đò, xe lam, xe máy. Một số quân nhân còn khả năng tác chiến cá nhân hay ở cấp đơn vị nhỏ, nói gọn là mạnh ai nấy đánh và mạnh ai nấy chạy nhưng không còn khả năng hành quân nhổ chốt mở đường. Số tử vong trên đoạn đường ngắn ngủi này không ai biết chính xác nhưng lên đến hàng ngàn, năm, mười hay mười lăm hai mươi, theo kiểu tính đổ đồng mỗi mét 1, 2 người (ấy mà). Phần lớn nạn nhân, như trong mọi chiến tranh hiện đại, từ Bosnia đến Iraq và như thường thấy trong cuộc chiến ở tại Việt Nam, phần lớn nạn nhân, là thường dân chạy loạn. 

Lớn là bao nhiêu, có lẽ cũng chẳng ai biết đích xác. Người viết này cũng không có con số của binh sĩ miền Nam thiệt mạng trong trận chiến Quảng Trị mùa hè 72. Tổng số binh sĩ miền Nam tại mặt trận dưới quyền của tướng Giai là 29 tiểu đoàn gồm lực lượng cơ hữu của Sư đoàn 3 tân lập, 6 Tiểu đoàn Địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Trị và các lực lượng tăng phái (Trung đoàn 1 Chiến xa, 2 Lữ đoàn Thuỷ quân Lục chiến, 3 Liên đoàn Biệt động quân), [5] có lúc lên đến 20.000 người. Các lực lượng tăng phái không thiệt hại nặng nề, sau đó được bổ sung và sử dụng vào việc tái chiếm Quảng Trị. Dân cư của Quảng Trị ngày nay là nửa triệu người, 30 năm về trước vào khoảng 200.000? 

Bỏ qua con số chính xác và khoa học, võ đoán rằng trong 5, 3 ngày tháng 4, tháng 5.1972, Đại lộ kinh hoàng đã là lối xuôi Nam của một trăm hai trăm ngàn dân và mươi hai mươi ngàn lính, thì trong đó đã có hàng ngàn người bỏ xác trên đường. Việc này, đúng sai, phóng đại, thêm thắt đến mức nào, cũng đã để lại ấn tượng rất là phù hợp với tên gọi trong dư luận miền Nam. Còn việc có nên nổ đạn một cách thiếu chính xác (nếu không gọi là bừa bãi) và một cách tuỳ tiện (nếu không gọi là hệ thống) vào một đoàn người lẫn lộn (nếu không gọi là hỗn loạn) cả dân lẫn lính để chặn đường lui binh của địch thì để mỗi người chúng ta (cần, hay không cần phải) tự vấn và (cần, hay không cần phải) tự trả lời. 

[1]Tướng Giai là Tư lịnh đầu tiên của Sư đoàn 3 Tân Lập gồm 1 thành phần của Sư đoàn 1 và một số lớn quân phạm, đào binh, bất phục tòng, anh hùng hảo hán trong quân đội được mời ra miền địa đầu giới tuyến. Mùa hè 72, Sư đoàn 3 đã giữ tuyến sau 3 đợt tấn công và ông là người cuối cùng ra đi nhưng cuộc triệt thoái khỏi Quảng Trị đã chấm dứt binh nghiệp của tướng Giai. Ông là tướng lãnh hi hữu của miền Nam bị bỏ tù (cho đến tháng 4.1975) về tội bại trận. Theo phóng viên miền Bắc Trần Kim Thành, tướng Giai là người xếp hàng đầu tiên đi trình diện học tập sau 30.4. Trung tâm trình diện vừa mở cửa là ông bước vào phát biểu “Các ông là người giải phóng cho tôi ra khỏi tù”.
[2]Cuộc di tản Bộ Tư lịnh gọn của tướng Giai và 80 nhân viên, cố vấn Mỹ tại Cổ thành Quảng Trị bởi Phi đoàn 37 Trực thăng Cấp cứu (37th Aerospace Rescue & Recovery Squadron) tổng cộng bốc 131 người được coi vào lúc đó là cuộc cấp cứu bằng trực thăng lớn nhất của Mỹ.
[3]“La Rue sans Joie” hay “Street without Joy” do ký giả Bernard Fall đặt, chính xác là cho đoạn song song về phía biển trên tỉnh lộ 555.
[4]Ngày nay, có thể “nghĩ” ra rằng di chuyển lẫn với dân chúng là “chiến thuật tàng hình” của quân đội miền Nam, núp đạn sau lưng đồng bào gì đó. Trên thật tế, đây là điều tối kị trong quân sự vì không còn thể điều quân một khi có dân lẫn lộn vào hay ngay cả quân nhân của các đơn vị khác trà trộn. Lính lẫn với dân là lính “tan hàng” không thể sử dụng được, như cuộc triệt thoái này hay tất cả các cuộc triệt thoái cho thấy. 
Tuy vậy, việc lẫn lộn không thể tránh khỏi, các đơn vị Sư đoàn 3 có nhiều người gốc địa phương, gia quyến sinh sống tại thôn xã, thị xã gần đó hay trong các trại gia binh tại hậu cứ. Không có cấp chỉ huy quân sự nào muốn quân lẫn vào với dân nhưng trong quân đội miền Nam cũng không có vị nào cản được thụôc cấp mang theo bố mẹ, anh chị em, vợ con, họ hàng, dâu rể, bồ bịch (hôn thê sắp cưới, tình nhân, vợ hai và ba...) khi triệt thoái. 
Mặt khác, quân đội rút, dân chúng tự động rút theo làm rối loạn đội hình và cản trở lộ trình. Trường hợp Liên đoàn 1 Biệt Động quân triệt thoái từ Mai Lĩnh đi vòng ra hướng biển có khoảng 500 thường dân được phép đi theo sau, về đến Mỹ Chánh thiệt hại chỉ có vài phần trăm do những lần đụng trận lúc mở đường (Lê Huy Linh Vũ, “Ba ngày cuối cùng tại Bộ Tư lịnh của Tướng Vũ Văn Giai”). 
[5] Lt Gen Ngô Quang Trưởng, “The Easter Offensive”.
Nguồn: talawas.org





NAM THỤC NHƯ HỔ, NỮ THỤC NHƯ MIÊU [1] 

Cô ca sĩ mặc bộ áo liền quần, bó chẽn người và hở rất nhiều nách. Bộ đồ này giữa hai bên ngực lại xẻ làm hai, một đường rộng 5 centimét đến đâu đó bên dưới rốn, bảo vệ khỏi lực đẩy của hô hấp bằng một sợi dây nối chéo qua chéo lại kiểu dây cột giầy. Hai bên đùi cô cũng vậy, phần quần cũng có dây chằng chịt mà giữ lại cái đường mở lần này lên đến tận háng. Cô há miệng, răng trắng ởn dưới ánh đèn blacklight và lấy hơi, thốt to hơn cả tiếng nhạc đâu đó bập bùng: “Ôi! Sao mà chán wá!” Đây lại không phải là ca từ, cô không đang ở trên sàn diễn mà ngồi bàn uống Perrier nước đá. Đây là tâm sự bi ai đêm thứ sáu trong một vũ trường tỉnh lẻ (Quận 13 ở Paris không phải là tỉnh lẻ nhưng hộp đêm người Việt ở đây hẳn là tỉnh lẻ so với kinh thành Bolsa hoa lệ ở California). Tôi cũng thấy vậy, đầy chia sẻ, thực sự, ôi sao mà chán vậy! 

Tôi mượn cảnh trên đây làm nền cho bài viết này (kiểu nhạc đệm lừng phừng ở phía sau). Chán và chán wá là chuyện người đọc than phiền bị những bài viết như của Kiệt Tấn (talawas, 21.3.2005) coi thường. Tôi hoàn toàn tôn trọng ý kiến này, phàm người đọc mỗi người một kiểu và ai cũng ngang hàng, kẻ ngang tàng và người nghiêm túc (“Đã bạn đọc thì sá gì sương gió, chỉ sợ bài không đủ gió sương”). Từ tôn trọng đến tán thành lại là một chuyện khác, trong trường hợp này tôi thấy tác giả Kiệt Tấn, không biết có dễ bị tủi thân không, là người bị xúc phạm. 

(Lại đêm thứ sáu, lại bục diễn, sàn nhảy, ánh đèn mờ... Thì, thở dài) cho dù là dâm thư cũng có quyền sống chứ [2]! Độc giả Minh Bui (talawas 23.3.2005) cẩn thận không gọi đây là dâm thư (pornography), chỉ thấy thiếu giá trị văn chương và nghệ thuật. Tôi sợ bị mắng lây, nên bài viết này phải khiêng cái cảnh “ca sĩ buồn” ra để ở đầu, tuy ít (không) dính dáng đến đề này nhưng may ra còn được cho là có giá trị gì đó. Và theo thiển ý, dâm hay không dâm, tục hay không tục, là những chuyện chẳng ăn nhập gì đến tính văn chương và tính nghệ thuật. 

Tính nghệ thuật nằm ngoài thể loại, trinh thám, xã hội, tình cảm, dã sử... hay là nhục dục, bất kể (còn nghệ thuật là gì ta có thể mang ra nơi khác mà bàn cãi). Ta lợm giọng hay buồn nôn có thể là vì ta đang… ốm nghén, hay vì lý do nào đâu, và nếu là vì chính văn của tác giả thì tôi thấy có khi lại càng tốt đấy, vấn đề của nghệ thuật là chua hay là ngọt đây? Điều bất công, là khi chẳng hạn lão ông Nguyễn Tuân vung đao “chém treo ngành”, tả chân tỉ mỉ đến phát khiếp, gọi miếng da là miếng da, cái cổ là cái cổ thì chẳng sao hết! Nhưng đến khi sư phụ Kiệt Tấn mới vừa động... thủ, lý ra phải vui thì mọi người đều hãi. Đây dĩ nhiên chỉ là quan điểm cá nhân của tôi thôi. Cái kinh tởm của người này là sở thích hay niềm vui của kẻ khác (may mà còn như vậy). 

Đã có dạo, tôi toan tính làm nhiếp ảnh chiến trường. Ngoài chuyện đầu gối lập cập và đầu kính rơi xuống đất đánh bẹt khi nghe bom rơi thấy đạn nổ, điều khiến tôi bỏ nghề là tôi không nỡ nào chụp ảnh người chết hay là sắp chết, dang hai tay ra mà hấp hối nhăn răng. Dang hai chân ra mà nhăn răng hổn hển thì tôi… chụp được, và từ đó tôi thề chuyển sang phóng sự đàn bà loã thể, nếu có run thì cũng chỉ run nhè nhẹ trong lồng ngực phập phồng chứ không đến nỗi phải run té đái (chữ của Lưu Hy Lạc). Đây là tôi, và trước những đâm chém, cắt cổ mổ bụng, móc mắt chặt đầu bắn giết đầy rẫy trong văn chương nghệ thuật, tôi không hòng thuyết phục được ai bằng những chổng mông (cao lên chút nữa) dù mơn trớn cách mấy. Đây là tôi, và tôi kể vậy thôi. 

Chữ dâm, nếu đem thay chữ trăng, thì cũng không kém phần thơ mộng. (Ai mua dâm tôi bán dâm cho/ đêm nay dâm rụng xuống cầu/ thôi mình chia… tay, ánh dâm đêm sắp tàn trên hè phố...) nói gì đến những chữ mà Kiệt Tấn Động thủ Đại hiệp dùng đích xác và đặt đúng chỗ để tả đúng sự việc. Cái ông có lẽ không ngờ đến là một số người đã bị lôi cuốn vào cơn lốc của từ này mà không thấy điều ông muốn đề cập. Cả bài viết dài này, những từ dung tục không phải chỉ để dễ dãi suông, và theo tôi, cũng chẳng phải để phê bình hiện tượng hây hây đỏ (chữ của Nguyễn Nhược Pháp) của các nhà văn nữ, nếu có. 

Số là, phụ nữ sinh ra, bắp thịt đã to và nở không đúng chỗ, cho nên chân yếu và tay mềm. Thông minh, tức là nhìn xa (đàn ông thì nhìn xa là mua thêm 6 lon bia nữa) và hiểu nhanh (đàn ông hiểu nhanh là người ta đã bảo “không” rồi mà vẫn cứ hún hớn và hăm hở) nhưng ngược lại, họ dễ bị chi phối về tình cảm. Đàn bà, nếu có 1 tim thì đàn ông có những 2... viên [3]. Cho nên tự cổ chí kim, nếu không hiếp đáp họ bằng sức mạnh, tao đánh mày bỏ mẹ, thì phe nam lại dụ dỗ họ bằng đường mật, phỉnh gạt, em đẹp nhất đêm nay. Vì tim đã nặng thì dạ phải nhẹ. 

Như đã nói, “giá trị” hay tính văn chương, tính nghệ thuật không nằm (duỗi người) ở đề tài, dù là dục tính. Chuyện làm tội như cũng như chuyện làm tình, là bình thường. Điều không bình thường là gần đây, khi phụ nữ làm chủ (hơn) thân thể của họ, khi nhà văn nữ làm chủ (hơn) chữ ngữ của họ thì một số đàn ông đọc họ lại đâm ra động cỡn dạ con (hysteria, gốc là uterus, tuy đàn ông không có dạ con hay lại là chính vì vậy). Đây là một hình thức lợi dụng có tinh vi hơn là đè ra mà bóp vú (thí dụ), thay vì thế, dán mác nữ quyền nhặng xị với vẻ như là tuyên dương, cũng thích thú lắm chứ. Viết thế nào thì viết, là một chuyện, nhưng em cởi thêm đi, thế mới là hiện đại (?) thì lại là chuyện khác. Đó mới là điều làm cho Kiệt Tấn nổi giận với các đích danh thủ phạm (chính là hoạn… quan) chứ chẳng phải ông đánh phe phụ nữ cấp tiến, áp dụng một cách ga-lăng ngạn ngữ, đánh đàn bà, chỉ nên đánh bằng… dương vật. 

Tôi chắc ông có giận là giận kẻ cầm hoa ra múa, mang phụ nữ ra làm công cụ vẽ vời đời chưa trang điểm, chứ nào có giận hoa. Trách ông chỉ có thể trách là đã quá sa đà về hướng trả nợ tình... xa (Trút... bớt tình này ta trả nợ người), gây ra ngăn cách dù chỉ là hàng giậu (Nhẹ… bàn tay, nhẹ bàn tay, mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông) và chia rẽ mỗi người một… góc, thay vì tiến đến sự đoàn kết và hợp tác vui vẻ. Trước bàn thờ, theo tôi, thì phải có sự tôn kính, chắp… tay lạy người, quỳ xuống đàng hoàng nhe [4]. 

Đã đành, có thân thì phải… thủ lấy thân nhưng nó buồn thế nào (Nghiêng nghiêng mái tóc thơm nồng/Tèm lem lặng rót một dòng buồn tênh) nếu đối diện không có người há miệng và ngửa mặt [5]. Thì buồn. Buồn wá. 

Like. To suc or not to suc(k), what’s your problem? 
[1]Thục, ở đây Hán Việt, như (gập ghềnh) “đường vào đất Thục, không phải là thực. Thực, khi phát âm giọng Quảng là sực, như “sám cổ dành sực dất cô dành tại” (tam cô nhân thực nhất cô thành toại), nghĩa là 3 chàng ăn một trái “sành tại”, là soài tượng. Như vậy, sao cái tựa thôi mà đã lắt léo thế này, Hán Nôm đọc là: “Nam sục như hổ, nữ sục như miêu”
[2]Nếu có bạn gia nhập “Phong trào dâm thư đòi quyền sống”, tôi sẽ nỗ lực viết tiếp đoạn dang dở về cô ca sĩ trên.
[3]“Anh là anh lính trung liên, bắn liên miên, bắn liên miên vẫn còn 2 viên”, đồng dao thời chiến.
[4]Xin tham khảo hình trước bàn thờ ở www.tapchitho.org/pix/kt.htm 
[5]Xin tham khảo hình ngửa mặt ở www.tapchitho.org/pix/kt2.htm

Nguồn: talawas.org

No comments:

Post a Comment