PHAN NHIÊN HẠO - HÀ NỘI 1 (LƯỢC SỬ HÌNH THÁI KIẾN TRÚC) / HƯỚNG DẪN DU LỊCH, HUẾ / PHỞ, SỰ THIẾT YẾU / XE BUÝT 1992 / LÀNG TRONG NGƯỜI DÂN / SAU LƯNG LÀ GA BỌ - thơ


HÀ NỘI 1 (LƯỢC SỬ HÌNH THÁI KIẾN TRÚC)

I.

Sự đổi thay của Hà Nội có thể được bắt đầu
bằng việc phân tích bản đồ 1873 do người Việt lập
mô tả thành phố trong môi trường tự nhiên
trước khi có những quy hoạch lớn của người Pháp
Bị hồ Tây và sông Hồng án ngữ phía Bắc phía Đông
phía Nam của hai mảng đô thị này có những ngôi nhà lớn
bao quanh bởi tường cao tách biệt nông thôn với thành thị
Một lý giải vì sao người Hà Nội rất hay
dè bỉu những người nông dân sống cách họ chỉ vài cây số.

II.

Trên bản đồ 1885 Hà Nội không được thể hiện trọn vẹn
phần Tây Nam của thành phố là một khoảng không
Bản đồ này chủ yếu nhằm vạch ranh giới
Toàn bộ chú thích tiếng Pháp chỉ liên quan đến ba ngôi chùa
một cách rất vật chất
Người ta thấy khu nhượng địa có chức năng hành chánh
trong khi khu thành cổ dưới sự chỉ huy
của Rivière chiếm giữ từ năm 1882 có chức năng quân sự
Bên cạnh hai khu này còn một con đường khác
giành cho những công trình đồ sộ
xây dựng bởi đạo Thiên Chúa
Dĩ nhiên trên bản đồ người ta đã không vẽ
khu vực giành cho thuốc phiện và nhà thổ.

III.

Các nhà nho và thầy địa lý phản đối
phong cách châu Âu và chiều cao của tường thành
Nhưng trong bối cảnh lịch sử những năm 1880
họ được coi là những kẻ hủ bại
Việc phá bỏ bừa bãi những công trình cổ của người Việt
sau này mới được nhắc đến một cách tiếc nuối
trong sách của Claudius Madrolle hay André Masson
Vào thời điểm đó những hoạt động này hầu như
không gặp sự phản kháng. Ngoại trừ thái độ im lặng
của một thiểu số am hiểu lịch sử và vài nhà khảo cổ nghiệp dư
Phía Đông Nam hồ Hoàn Kiếm di tích còn sót lại
của chùa Quan Thưởng chỉ là một cái cổng nhỏ.

IV.

Việc nghiên cứu các di sản kiến trúc không chỉ nhằm đưa ra
những quy định mang tính tiêu chuẩn
Nếu được sử dụng đúng đắn chúng có thể cung cấp
kiến thức, kinh nghiệm và sự hữu dụng tuyệt vời.
Ví dụ, chúng ta có thể vận dụng mô hình kiến trúc
của các tòa nhà cao tầng Sài Gòn trước 1975
Các công trình này đã kết hợp giữa xây dựng chiều cao
với vẻ ngoài tinh tế và sự kiểm soát mật độ các khu nhà
Đây là một điển hình hiện đại lịch duyệt đáng nể.

V.

Chúng ta có bao giờ để ý,
rằng vẻ đẹp của Hà Nội một phần lớn nhờ vào
hằng hà sa số xe đạp và xe máy
dày đặc xen nhau trong bụi bặm
giống như đàn cá khổng lồ đoàn kết chặt chẽ
vượt qua những thăng trầm lịch sử, họ, những người này
Những người hàng ngày sống và sinh hoạt
trong nhà ống. Đã thành công trong việc
biến ngôi làng của mình thành một thủ đô.

Một thủ đô được yêu mến bởi người nước ngoài,
nhưng hãy còn xa lạ với nhiều người Việt Nam khác.
Chú thích:
Bài thơ này sử dụng một số nguyên liệu ngôn ngữ trong Hà Nội, chu kỳ của những đổi thay: Hình thái kiến trúc đô thị, chủ biên: Pierre Clement và Nathalie Lancret, người dịch: Mạc Thu Hương, Trương Quốc Toàn (Hà Nội: NXB Khoa Học Kỹ Thuật, 2003), trang 103-111, 198. 
Bài thơ hoàn toàn không phản ánh nội dung hay quan điểm của cuốn sách nêu trên. 
Trích tập thơ vừa xuất bản Chế Tạo Thơ Ca 99-04 (xem chi tiết haophan.net/)





HƯỚNG DẪN DU LỊCH, HUẾ

Tỉnh Thừa Thiên có nhiều cửa biển được nhắc đến trong sử sách
như Thuận An có đền thờ cá voi
                                          hành cung vua
                                                    nhà cửa sầm uất,
người Pháp từng gọi nơi này là phố Thuận An.
Ngoài ra còn có cửa Tư Hiền
sóng dữ thường đánh đắm thuyền bè dân chúng.
Vua Lý Thần Tông tức giận sai binh sĩ
lấy súng thần công bắn hai phát vào sóng.
Một ngọn tử thương máu loang mặt biển,
một ngọn cuống cuồng chạy thoát ra khơi.
Từ đó bình yên thuyền bè qua lại.

Sau này vua Tự Đức cũng ra lệnh
bắn thẳng thần công vào tàu chiến Pháp...
Một ngọn sóng tử thương máu loang mặt biển,
một ngọn sóng cuống cuồng chạy thoát ra khơi.
Từ đó bình yên tàu Pháp tự do ra vào.

Xin quý khách lưu ý, vua Tự Đức là nhà thơ.





PHỞ, SỰ THIẾT YẾU

Tôi ăn khuôn mặt này
Vì nó ngon như phở, món làm cho chúng ta nổi tiếng khắp thế giới.
Tôi sống phía Bắc Los Angeles
Phải chịu khó đi xa mới ăn được quê hương
Từ đây đến Little Saigon cách hai giờ lái xe, đến Sài gòn cách mười tám giờ máy bay phản lực
Đến Hà Nội là nơi xa nhất
Từ đây đến tôi mất ba mươi mấy năm

Ăn đi, cho thêm ớt vào, và tương, những gièm pha khác nữa. Gia vị
của phiêu lưu, lưu đày.
Làm thế nào để trở thành một kẻ lưu vong chuyên nghiệp?
Ăn đi. Nhìn hai bàn tay trên bàn. Đã từng
sờ mó vào sự mất mát nguồn gốc, quen thuộc như chạm ngực người đàn bà.

Tôi là một người lưu vong thèm ăn phở
Tôi không làm bộ
Và tôi ghét các đệ tử của Derrida, những kẻ bày trò chống lại sự thiết yếu.





XE BUÝT 1992

Năm 1992 tôi đi một đường chéo Đông Nam-Tây Bắc
bằng xe bus từ Atlanta lên Seattle.
Tôi có ba trăm dollars và khoảng chừng đó vốn từ Anh ngữ
Ngang qua những cánh đồng bằng phẳng miền Trung Tây
thấy một đàn bò đông như kiến vàng, phân bốc mùi
dậy thối hàng cây số.
Nhưng người sống ở đó thì không ngửi thấy gì,
họ tươi cười đi lại ăn uống tán tỉnh nhau.
Nếu dừng ở đó hơi lâu tôi cũng sẽ chẳng ngửi thấy gì,
tôi chắc vậy.

Trên xe tôi thấy nhiều người da đen
Sau này tôi mới biết xe bus xuyên bang chỉ toàn
bọn người nghèo đi lại. Họ có nhiều thời gian và ít tiền.
Nói chuyện với một gã trẻ tuổi da trắng,
hắn mời tôi hút cần sa và một thứ gì còn hơn thế nữa
trong phòng vệ sinh trạm trung chuyển Denver.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy một người da đỏ
không phải từ trong phim bước ra. Ông ta quá say
để nhớ mình đến từ bộ lạc nào. Ông không mang súng hay cung tên
mà cầm chai bia rất lớn. Nằm bẹp một góc tường.
Tôi đã từ chối cần sa và một thứ gì còn hơn thế nữa,
để khỏi trở thành tên da vàng cả đời còn lại sẽ sống trong phim.

Ngồi cạnh một người Hmong nhỏ thó uống sữa suốt dọc đường
Bạn có thể nghĩ ông này là một tên ngốc
uống sữa để mong được cao lớn hơn khi đã ngoại tứ tuần.
Nhưng tôi biết lý do thực sự khiến người Hmong này
uống sữa: ông ta bị đau bao tử.
Bệnh loét dạ dày này tôi cũng có.
Hậu quả của những năm đói triền miên
và sự dư thừa vị chua nhược tiểu.
Người đàn ông Hmong cầm hộp sữa giấy
"Made in USA"
như ôm bầu vú giá 75 cents bú xong vứt vào thùng rác.
Lúc đó tôi nghĩ tôi là một người nhập cư bằng nhựa
đàn hồi và chịu được mọi thứ acid.

Năm 1992 đi xe bus Greyhound từ Atlanta đến Seattle
chỉ tốn 85 dollars cho quãng đường dài 3.507 km.
Nước Mỹ đã nuốt chửng tôi qua thực quản dài ngoẵng của nó
một cách rẻ tiền như vậy. 
Trích tập thơ vừa xuất bản Chế Tạo Thơ Ca 99-04
(để biết thêm chi tiết, mời độc giả viếng website: haophan.net)





LÀNG TRONG NGƯỜI DÂN

Người dân trong làng
sống ở đó mà chết cũng ở đó
đời này sang đời khác
gần như không tiếp xúc với người lạ
mức độ quen thuộc thật sâu sắc
họ biết cụ thể ruộng đất của nhau, súc vật của nhau, gia đình, tính nết,
xoong nồi, chén chảo, sẹo lớn sẹo nhỏ của nhau
“Quá Quen Thuộc” là đặc điểm nổi bật của làng.

Ở Việt Nam biểu hiện quan hệ huyết thống
phức tạp vào loại nhất thế giới
thể hiện trong các danh xưng về thân tộc còn nhiều hơn cả người Tàu
người nông dân ở trong làng của mình không phải
như những củ khoai lang trong bao tải khoai lang
mà gắn kết nhau trong vô vàn những mối dây chặt chẽ:
giòng họ, phe giáp, xóm giềng,
thánh thần, tổ tiên, tập tục, sợ hãi
những đình chùa miếu mạo từ đường từng bị đập phá
hoặc biến thành trụ sở hợp tác xã, nhà chứa phân, nơi đấu tố
đã thực sự xúc phạm đến đời sống tâm linh
con người.

Từ những gò đồi hình bát úp trung du
đến đồng bằng châu thổ giữa trời và đất
từ thế hệ đến thế hệ
làng đang dần đổi thay
nhưng vẫn giữ được vẻ quê mùa
như có thể thấy trong các bức ảnh sau: 

Một gian bếp thô sơ
Bừa
Cày
Gặt
Đậu phụ
Giúp nhau làm cỏ và xây nhà
Họ hàng cha mẹ bạn bè đi đón dâu
Cô dâu chú rể trước bàn thờ tổ tiên
Cô dâu chú rể trong tiệc cưới
Thiếu niên tiền phong
Đậu phụ
Chặt sen
Thái thuốc Bắc
Quỳ lạy trước quan tài
Hạ huyệt
Và lại Đậu phụ—And tofu again

Nền      văn minh     tương.
Chú thích:
Bài thơ sử dụng một số nguyên liệu ngôn ngữ từ các bài viết:
--“Kết Cấu Xã Hội Làng Việt Cổ Truyền ở Châu Thổ Sông Hồng”, Phan Đại Noãn. Tr. 455, 457.
--“Những Biến Đổi Xã Hội Của Nông Thôn Đồng Bằng Sông Hồng Cảm Nhận Và Phân Tích”, Tương Lai. Tr. 483.
--Các phụ đề hình chụp của Olivier Tessier trong “Phần Minh Họa”.  Tr.V--XXIV. 
In trong sách:
Làng Ở Vùng Châu Thổ Sông Hồng: Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ—Le Village En Questions, The Village in Questions. Philippe Papin và Olivier Tessier chủ biên. Hà Nội: NXB Thông Tin Khoa Học và Xã Hội Nhân Văn Quốc Gia, 2002. 
Bài thơ hoàn toàn không phản ánh nội dung các bài viết và quan điểm các tác giả nêu trên.

Nguồn: tienve.org







SAU LƯNG LÀ GA BỌ

Thế giới bọ chét
ngứa nằm chờ tàu
chia nhau thuốc súng
ngào đường sinh nhật chiến tranh.
Thế giới giống cái
chuyển động chảy nước
mưa trên pháo đài
thuộc địa Malacca.
Và thủy triều là vật trung tính
nhịp nhàng ngày hai bữa
nhún nhún.
Xứ xở nhiệt đới thường trương và rỗng
mọi sự dẫn đến chỗ này
chỗ này
đánh dấu hai xương bắt chéo.
Ngồi vẽ truyền thần
mặt ma.
Người ta trét bạn lên kính
như bơ
đầu óc trơn nhẫy
đến độ không dừng lại được, buổi trưa
để ngủ.
Nơi nào tối tăm đời sống sẽ chèn
mai phục và giết
một khi tìm được ống hơi.
Con tàu nổ ruột
vài giờ trước khi tới ga Hàng Cỏ,
Sóng Thần, Nha Trang, Mường Mán,
vung vãi thân phân.
Chúng ta sẽ được nhìn ngắm, cảm thông,
kẹp giữa hai đùi, nhét thuốc.
Chúng ta sẽ được định cư
trong hẻm.
Rồi sẽ thành rồng
không vảy
gặm cánh lẫn nhau.
7.2006
Nguồn: damau.org

No comments:

Post a Comment