NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG - ĐÊM GIAO THỪA / NHỮNG NẤM MỒ NGẠO NGHỄ / TIỄN MỘT NGƯỜI VÀO DĨ VÃNG ĐẬM MÀU / HỦ TIẾU HÀNH / THE KING & I - thơ


ĐÊM GIAO THỪA

chiêm bao thấy mình lái oanh tạc cơ mĩ
thả hai quả bom nguyên tử xuống
nam kinh bắc kinh
trong nháy mắt
đã trở thành hiroshima và nagasaki
chôn vùi dưới lớp bướm giấy ngũ sắc
ấy vậy mà
các mao mao của đời sau
các tào tào của thế hệ mới
các khổng khổng của thế kỉ hai một
vẫn nị vẫn ngộ
pánh pao yau ja gwai xí xào xí xô
rất ư là bành trướng lưỡi bò
thế nhưng oanh tạc cơ mĩ và nó
thì đã lao đầu thẳng xuống biển đông
nó hốt hoảng giật mình tỉnh mộng
ngó trời tự do chưa sáng tỏ
nhìn đêm thời thế còn lê thê
ha ha ha té ra
bom hạt nhân của nó cũng chưa khủng khiếp
bằng cơn mê điên khùng
của giấc mơ diệt chủng






NHỮNG NẤM MỒ NGẠO NGHỄ

1.

Tôi không nhớ tổng tiến công nổi dậy
chỉ nhớ những cái thây lính Việt cộng gần sình thối
trên cầu Công Lý
và khi lê đôi giày mòn đế trở về mái trường xưa
tôi thấy bà Thuỷ mắt đỏ hoe đầu quấn vành khăn trắng
thọ tang chồng
một chiến sĩ Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh để giữ gìn
cái thủ đô xinh đẹp của miền đất tự do
tôi nhớ nhà trường đã mở sổ lạc quyên
giúp đỡ cô thư ký trẻ có thêm món tiền còm để trả nợ
và dưỡng nuôi ba đứa con thơ.

Tôi không nhớ có giải phóng miền Nam
chỉ nhớ khi cộng sản tràn tới đâu
dân lành dắt díu bế bồng nhau trốn chạy
bỏ lại vài người thân yêu kém may
đã trở thành tử thi cụt đầu hay xác cháy.

2.

Trong cái ván xì phé của hai phe chủ nghĩa đối nghịch
tôi nghe nói Hà Nội vì sắp thua và trong cơn tuyệt vọng
đã quyết tung lá bài cuối cùng là các anh bộ đội trẻ
thiếu kinh nghiệm quân trường nhưng đặc sệt tư tưởng
Mác Lê Mao
sang vĩ tuyến để thực hiện chiến thuật biển người theo kiểu
Tàu sàm
khiến hàng vạn thanh thiếu niên sinh Bắc tử Nam.

3.

Ôi đẹp,
những bộ com lê thời trang những chiếc cà vạt màu máu
trên khán đài là những cỗ máy tai to mặt nhỏ sát nhân
thơm tho nhưng đừng so sánh chúng với loài chuột cống
ô hay đâu rồi các tướng tá mề đai
khi Tổ Quốc rên la thân thể đớn đau quằn quại?

Tết Mậu Thân và Xuân Mậu Tý,
cuộc thảm sát đẫm máu và cái mít tinh kỷ niệm
khiến người chết hai lần
như lời ca phản chiến hay phản bội
tùy ở cảm nghĩ của mỗi cá nhân
nhưng hôm nay ta vẫn có thể đồng thanh la ó:
"Huế Sài Gòn Hà Nội,
quê hương ta ơi sao vẫn lầm than?"

Ôi sáng ngời như đêm tối,
trang sử oai hùng của bè lũ tanh hôi!

4.

Trên cái lăng của ai kia bóng nhuốc nhơ
các nấm mồ tập thể ở miền Trung vẫn ngạo nghễ
bằng chứng hùng hồn của những tội ác tày trời
ý chí Dân chủ Ðộc lập Tự do bất khuất
dù bốn mươi năm có trôi qua
hay cả một thế kỷ hay nhiều hơn thế nữa ạ.


03.02.2008






TIỄN MỘT NGƯỜI VÀO DĨ VÃNG ĐẬM MÀU

tôi nhớ những đứa trẻ bước trên bờ biển
trong những hành lang đường xe điện hầm
chuyến đi thăm một hòn đảo nhỏ của gã chào hàng
mơ bạo dâm bé gái và có cái tật hay nhìn trộm
tôi nhớ căn phòng bí ẩn, sân khấu, đường về
những tấm ảnh ngôn ngữ bấm nhanh
đóng khung vĩnh viễn những khoảnh khắc
ba hình tượng phản chiếu
những cục tẩy
và năm ngoái ở marienbad
toà lâu đài tiệp có công viên lớn rộng
mênh mông ánh nắng chiều
không gian kỷ hà và viễn cảnh thẳng tắp đến chân trời
với những cây kiểng lùn cân đối cắt tỉa theo mô hình kim tự
tháp
những pho tượng đá trắng
những pho tượng người đứng thẳng
trên những chiếc bóng rọi song song dưới chân
ngả về hướng phải

tôi nhớ cuộc tình tay ba X-A-M
giorgio albertazzi-delphine seyriq-sacha pitoeff
trong cuốn phim đen trắng hình ảnh tuyệt vời
sắc nét như tranh Picasso
giorgio là người đàn ông xa lạ tên X
delphine là người thiếu phụ tên A có một quá khứ
bí mật trong chiếc áo trắng có đính lông chim quanh cổ
và nơi cườm tay rũ cánh thiên nga
ngón trỏ kề môi tựa mỏ
sacha là người chồng tên M lạnh lùng
cứng nhắc di động trong phòng khách như một quân
cờ
giữa đám khách khứa sang trọng của toà lâu đài cổ

X: ở chỗ này, chẳng hạn?
A: ở đây, tại sao vậy anh?
X: một chỗ lạ kỳ.
A: anh muốn nói: một chỗ để có tự do?
X: để có tự do, đúng, một trường hợp đặc biệt.
A: anh vẫn thế...

năm ngoái ở marienbad là một giấc chiêm bao tỉnh táo

A, người đàn bà trẻ:
tôi không nghĩ là chính tôi, chắc ông nhầm người rồi đó.
X, người đàn ông lạ:
tôi thích - tôi đã thích - thích nghe tiếng em cười.

marienbad
là hôm xưa trong hôm nay là ngày nay trong ngày xưa

marienbad
là hồi ức của hiện tại và hiện tại của hồi ức

marienbad
là giấc mơ tiểu thuyết mới trở thành giấc mơ điện ảnh mới

marienbad
là một bài thơ điện ảnh về sự cô đơn hiện tượng

tiếng của X nơi hậu trường: và một lần nữa chúng ta lại phải xa nhau

marienbad
không là gì cả nếu bạn không đặt chân vào toà lâu đài cổ

tôi nhớ cái nhìn của người chồng chậm rãi lướt trên một vườn
chuối ở châu phi
qua kẽ hở bức mành mành
người chồng có tính ghen tuông thường hay rình rập người vợ
ngồi uống rượu trên sân thượng với một gã đàn ông tên franck
franck có thể là người tình của nàng, nàng cũng tên A
chiếc xe tải của franck vết bẩn trên tường giống một con rít độc
trong cuốn tiểu thuyết thứ ba
đã gây được nhiều hứng thú ngạc nhiên
cùng với chỉ trích và phản ứng kịch liệt
từ năm 1957 cho mãi tới bây giờ
tôi nhớ ngôi nhà của những cuộc gặp gỡ
ở hồng kông
và dự thảo cho một cuộc cách mạng ở new york
tôi nhớ tập tiểu luận không dày chỉ
vì một tiểu thuyết mới
những con chữ màu xanh dương trên cái bìa trắng nõn
của nhà minuit
tôi đọc suốt một buổi trưa hè
tại trung tâm văn hoá pháp gần bệnh viện đồn đất

tôi nhớ cái truyện ngắn đầu tay của tôi
đăng trên số báo xuân tân hợi
trình bày 1971
tôi viết trên cái máy chữ olivetti màu lam
có bàn phím tiếng việt tôi viết để bắt chước tiểu thuyết mới
cái truyện mang tựa đề tiểu thuyết nay đã đi vào quên lãng
cái ngõ cụt trên đường võ tánh chí choé tiếng trẻ thơ đá lon
đánh lộn
lãnh tụ du kích chiến bấm chuông phá làng phá xóm
là một cậu bé bự biết múa võ kung fu như bruce lee
tên nó là gì nhỉ
mấy năm sau nó và em gái 9 tuổi theo mẹ sang pháp
trước khi đi bà nó có nhờ tôi dạy kèm sinh ngữ
nhưng buổi trưa tôi ham đi xinê rồi bát phố catinat tới chiều
nên không nhận
tôi nhớ
tiếng cười rú to nghe rợn người của cô sinh viên cạnh nhà tên nga
cô nga này không buồn như con chó đói ở paris của thi sĩ nguyên sa
cô theo học về ngành báo chí truyền thông ở viện đại học
vạn hạnh
mẹ cô là bà ba bã bán bánh kẹo
đậu phộng mì ăn liền nước đá cục birely's coca-cola kiếm thêm
chút tiền trả tiền điện nước ga trong nhà mỗi tháng

tôi nhớ
tiếng rao quà mỗi mười lăm ba mươi phút mỗi ngày
ai ăn bánh cuốn thanh trì bánh mì nóng ròn đây
tiếng của ông thầy bói mù âm vang mỗi buổi sáng
không hỏi trong nhà có mấy người mà biết có mấy người
tiếng của người đàn bà có cái nghề kỳ lạ mỗi buổi trưa
ai có em gái nhỏ xỏ lỗ tai đeo bông huyền đeo liền
tôi nhớ
chiếc xe ba gác của anh ba mua ve chai sách báo cũ
con hẻm có dãy phố trệt và ngôi biệt thự cho mỹ thuê
ở sau lưng
sứ quán tây đức
sau tết mậu thân có gắn thêm cổng sắt chắn lối cộng quân
ở hai đầu hẻm ăn thông ra đường

tôi đã ăn thông
khá bộn bánh mì nóng ròn nhưng chưa được biết vị
thanh trì bánh cuốn
tôi nhớ rạp quốc thanh cũng ở trên đường võ tánh cũng gần nhà
và gần trường nữ trung học đức trí
do ông dượng sáu của tôi và kế phụ tôi trong hội
đức trí thể dục samipic và một số hội viên
chung tiền sáng lập
vì thiếu nhân viên nên những lúc đầu mẹ tôi bị trưng dụng
làm "bà thủ quỹ"
kế đến là cô em họ lớn tuổi đời hơn tôi
bị làm "bà hiệu trưởng" thay thế cho bà
phạm thị ngà bà hiệu trưởng đầu tiên đã đi tây
trí thức trăn trở nhìn mệnh nước nổi trôi
tôi đã xúi bà mẹ già thụt két
tôi đã dụ cô em gái trẻ dẹp trường
chung sức với tôi mở cái quán bia ôm
nhưng chung cuộc tôi chỉ được quản lý một cái chợ chồm hổm
gồm tướng tá đảo chính hụt
đã bay sang thủ đô ánh sáng mở quán phở bò
tuyên bố om sòm rằng từ nay em xin thề độc
bán phở em chỉ bán bánh em không bán nước
đức trí là trường nữ trung học tư thục đầu tiên ở saigon
trên căn gác nội trú vì chủ nhựt không có thân nhân tới lãnh ra
nhã ca ở huế mới vô có thể đã viết
bài nhã ca thứ nhất
tôi nhớ cuốn thơ nhã ca có chữ ký tên quý báu
nhã ca trần thy
đồng nghiệp đỗ quý toàn mang vào chu văn an
giới thiệu giúp cô bạn thi sĩ

tôi nhớ con tàu tốc hành xuyên châu âu
người đàn ông đang hấp hối
kẻ giết vua
djinn và đoá hoa bất tử
cuốn tiểu thuyết ủy mị
nhưng gây chấn động và phản kháng

cơn mộng ác
trước lúc chia tay
của một nhà văn avant-garde

chịu ít nhiều ảnh hưởng borges
những hình tượng phản ánh trong mặt gương trong đời sống
những con đường thẳng góc im lìm
những cột đèn tuyết phủ lẻ loi
trong mê đạo của mê cung không lối thoát của cuộc đời
đứa bé không tên và người lính trẻ vô danh
về phép với cái sứ mệnh
trao một cái gói nhỏ cho một kẻ lạ
tìm mãi mà chẳng ra địa chỉ
cuối cùng anh lính trẻ đã ngã quỵ trên lớp tuyết nhung dày
tôi nhớ bông hồng vàng của borges diễm châu
chuyển ngữ in bìa đỏ
tặng tôi hai đoá

một độc giả nhẹ dạ có thể tin lời cợt nhả
alain à a alain
ha cái anh chàng kỹ sư canh nông kỳ cục
kiến tạo tiểu thuyết bằng huyễn tượng
với thước đo góc và compa rất kỳ chướng
xin thưa không có alain thì sẽ không có
calvino-nếu trong một đêm đông một người lữ khách
pavic-từ điển khazaz
abish-mẫu tự châu phi
fowles-người đàn bà của gã trung uý pháp
nouveau roman đề nghị một cái nhìn mới lạ
về mối tương quan giữa con người và thế giới
kẻ chống thì bảo rằng tiểu thuyết vẫn khoẻ mạnh
không cần chữa trị
người bênh thì nói thiên tài là những kẻ
hàn gắn những rạn nứt không ai nhìn thấy
tôi nghe lóm và ghi lại đây để quí vị đọc chơi
khỏi mất công tìm báo cũ mua tốn xu

chuyến đi sau chót trở về quá khứ không hồi hương
tôi nhớ
2.000 loại xương rồng lùn nhà văn tưng tiu như trứng phượng
gai nhọn xanh rờn không gian thời gian nhà kín
tôi nhớ catherine hiền thê của alain chỉ viết truyện sex
bạo dâm
ký tên jean de berg và jeanne de berg
những ngày cuối cùng của corinthe

tôi nhớ gérard genette và bruce morrissette
hai nhà phê bình đã giúp tôi hiểu thêm
truyện của alain và tiểu thuyết mới của
mọi người
tôi nhớ hai bài viết không dài trong cuốn
essais critiques
của barthes
bài thứ nhứt khẳng định
không có một trường phái robbe-grillet
bài thứ hai tựa đề tôi không nhớ
chỉ nhớ cái kết luận rất mơ hồ
ngón tay pho tượng vua charles III
làm biểu trưng
chỉ trỏ rõ rệt về hướng
một món đồ mơ hồ
trong huyền thoại trong khu vườn trong căn phòng
hay ở một nơi nào đó
kèm theo lời nói
ceci
nhưng ceci là cái gì
và barthes khẳng định rằng văn chương
có thể nằm gọn
trong phong cách chỉ trỏ và im lặng đó
đồ vật có nghĩa gì
thế giới có nghĩa gì
tôi nhớ hai ông hoàng ta
đã tiên phong chuyển ngữ truyện của ông
hoàng tân tiểu thuyết
nhớ thì rất nhiều mà viết thì chỉ được
bấy nhiêu
khi tôi nghe cái tin
bất ngờ dù vẫn mong chờ
alain robbe-grillet
đã rời ga để tới nơi ngàn thu bất tử
vào một sáng mùa đông
không ảm đạm
của ngày 18 tháng 2 năm 2008


19.02.2008
Chú thích của tác giả:
Nhiều câu thơ trong bài thơ này sử dụng nhan đề các truyện ngắn, tựa phim, tiểu thuyết, tiểu luận của Alain Robbe-Grillet. Hai ông hoàng ta là Hoàng Ngọc-Tuấn và Hoàng Ngọc Biên.





HỦ TIẾU HÀNH

I ask her Tôm cua hủ tiếu
I ask her Pnom Penh củ tiếu
She says Donald Duck mì chỉ
She says New York Chinatown
Je dis pánh tiêu pánh pò pánh pao
Elle dit Kouggelhopt Kougloupt
Je dis phủ mà chí
Elle dit chè mè đen
Tôi nói Mao Tse Tung xếnh xáng
Elle nói Tun hùn tun xỉn
Je nói Ti len len
She says Tì lén lén
I ask her Superstar Chung Wa
Nàng says Gong Li bán dim sun
Tôi nói á muối a tì
Nàng nói xí muội hui nhị tì
Tôi nói Mad Dame Mao
Nàng nói Mad Max Mel
Tôi nói gà quay thùng thiếc
Nàng nói tương kho tàu hủ
I say núi liền núi
She says bỏ đi tám
Tôi nói nị thổi kèn ngộ li
Nàng nói ngộ tả nị xẩy lớ
I say je te baise in the pussy ô ki
Elle dit fuck you in the lỗ đít đắc co
Tôi nói you suck
Nàng nói mon cul
Anh ba nói lụ mẹ
Hai lứa nó hổng lụ
Mà xí xô xí xào
Như chệt Kate Winslet
Với xẩm Leo DiCaprio
Lọng Thủy Mỵ Lương
Chìm cái tàu Lilalic lớ
Lụ mẹ lụ mẹ lụ mẹ
Lụ mẹ cái cây gậy làm mưa
Lứng khó bỏ mẹ lớ

Ghi chú của tác giả: 
Ba thứ tiếng — Việt-Pháp-Mỹ — đã biến Đỗ Kh. thành “một kẻ lạ trong ngôn ngữ của chính mình”, theo cách nói của Deleuze. Độc giả thường bất ngờ trước các âm thanh ngoại lai va đập vào nhau trong văn anh, ngay cả ở trong thơ.
Nhưng đến Đỗ Kh., "hành" đã mang nghĩa tục: khi đọc mấy chữ "Mã Giao hành, Bản Việt – Hán Việt", người ta không khỏi nghĩ tới hành lạc, với khuyển và giao hoan giao hợp.
[...]
Thơ, với Đỗ Kh., là trò đùa, là giễu và tự giễu. Nhưng đọc Đỗ Kh., người ta đặt ra những câu hỏi quyết liệt: thơ là gì? Thơ ở đâu? Khi nào có thơ?





THE KING & I

có vô số tranh vẽ elvis
thảy đều kitsch và xinh
elvis năm ba tuổi với đôi cánh thiên thần
elvis the king
baby face và phì nộn
vì ngốn hot dogs và peanut butter sandwiches fries dài dài
elvis cài thắt lưng đen
trên bộ áo trắng cổ cao hé ngực liền quần
có đính vảy vàng bạc kim cương ngọc trai giả
nhớ
thuở học lớp 12
thày triết pierre ansart mới tới sài gòn thao thao bất tận
platon descartes freud husserl kierkegaard kant bergson
và sartre
chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản
tôi có một thằng bạn chung lớp tên năng
ba nó làm phó giám đốc hay gì đó ở kho bạc
bố già này đã bỏ ra một tờ trần hưng đạo mới toanh
để phô tô cho cậu út cưng trọn cuốn
l'existentialisme est un humanisme
không dầy
mượn ở trung tâm văn hóa tây
tất nhiên cuối năm thằng năng phải thi lại
và rớt luôn khóa hai
thằng năng lái cái mô bi lết nâu non
tôi lượn chiếc xe đạp cà tàng gắn ghi đông xe cuộc
thằng năng ngồi trên tôi một băng
tôi kể tên thằng năng vì thằng năng
không ưa
thằng elvis
nó nói thằng elvis mặt giống con gái
còn tôi
lúc đó chỉ biết edith juliette yves
montand gréco piaf
và quê em miền trung du chiều mưa bơi giếng trần văn trạch
và nụ cười sơn cước tô hải hở mười cái răng
mãi tới gần giữa thập niên 60 tôi mới nghe
are you lonesome tonight
rồi
it's now or never
đem nỗi buồn na pô li tăng ồn ào mưa nắng i ta li a vào thời đại pop art
a tôi chỉ định viết chơi vài câu thôi mà thấy đã quá dài
vậy xin tóm tắt ngay
cái câu chuyện nghe nhạc rất ngoạn mục của tôi
thằng năng về sau đã ra trường với cấp bằng bác sĩ y khoa
giữa bob & elvis
giữa trịnh công sơn & minh vương
tôi đã chọn
elvis the king của cải luong và minh vương hoàng thượng of rock 'n' roll
tại sao
tại vì tôi là một cái
ass
hole


Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment