NGUYỄN QUỐC CHÁNH - ÓC KHỰA ĐẠI CÁO / NGÓ NGƯỢC THÁNG 4 / TƯỜNG LỬA & TRẬN MƯA RUNG CÂY NHÁC KHỈ / TỪ EMAIL CỦA GIÀ GAXIA MACKET - thơ


ÓC KHỰA ĐẠI CÁO

Theo nhịp hô hấp những thân cây, có 3 thứ tôi nhợn nhất: trường học, bệnh viện, nhà tù. Nhìn bằng mắt cú vọ bắt mồi trong đêm, tôi giống một thằng mù, một con bịnh, một tên tù. Bạo lực lịch sử khiến một số chữ tôi không bao giờ hiểu nghĩa: Bản Sắc, Thống Nhất, Độc Lập; chứng bịnh mà tôi ớn nhất: giun sán mò lên óc; tù mà tôi hoảng nhất: lịch sử Việt Nam. Khi lý thuyết gia khủng bố Karl Marx viết Tuyên Ngôn Cộng Sản, đám vô sản Nga, Tàu, Việt... tưởng bở nên tự/bị biến thành vũ khí; ông cố nội tôi đương chổng khu vọc chữ Nho nung tự hào dân tộc; loài nhện nhiệt đới vẫn bắt rắn bằng tấm mạng của nó; tượng đàn bà Óc Eo sắp tìm thấy lần đầu. Theo ký ức rùa mai vàng Thoại Sơn, tổ ngoại tôi từ thế kỷ thứ 2 đã có quốc tịch (hay hộ khẩu) Óc Eo, còn tổ nội tôi từ thế kỷ 11, theo hồi ức cá rô cây, là dân chơi hay mắc bệnh sĩ mạn bắc Hà Thành, nơi 1000 năm bị Tàu chiếm đóng, nơi bây giờ người ta vẫn lộng kiếng chữ 
treo tường, do đó 99% máu trong óc tôi là của Tàu Khựa. Theo anh bán chiếu Cà Mau, bản sắc tôi rất ba mứa, một hỗn hợp lầy nhầy có tên Óc-Khựa, cam đoan đại từ điển tiếng Việt cũng chịu thua chữ này. Ngoài sáu câu vọng cổ, so giữa Tàu & Ấn, tôi không thể biết thế nào là Bản Sắc. Tương quan với các đế quốc cũ & mới, tôi không thể biết thế nào là Độc Lập. Qua lịch sử đấu tranh giai cấp, tôi không thể biết thế nào là Thống Nhất. Khi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nhập WTO, những cái sọ bị cải cách ruộng đất mới bắt đầu nếm mùi Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc; tài nguyên mọi miền vẫn tiếp tục di cư ra Bắc; cá tra Nam bộ không còn nuôi dưới cầu tiêu và rau muống Bắc bộ (phủ) chắc cũng không còn bón bằng cứt. Điều đó giải thích chỉ có tóc và lông (đít) mới có bản sắc, mới thống nhất, mới độc lập. Khi đảng dấm dúi vùi Việt Nam hiệp ước dưới lòng đất liền & biển với đảng thập thò siêu cường Trung Quốc, tự ái con đực của dân tộc còi cọc sẽ theo đường vận chuyển bô-xít đến những vùng công nghiệp Đại Hán. Tinh thần Cáo/Hịch đã hết thời, vừa giẫy giụa vừa tự bốc hơi. Chỉ cá tra và rau muống là vĩnh viễn, sẽ chuyển đổi giới tính ô nhiễm từ trứng sán sang bô-xít. Câu chuyện thời sự của Ông Già & Biển, không thể ỷ vào kinh nghiệm du kích từ cuộc chiến “thần thánh” hay tình tự ứ hự. Khi siêu cường lên cơn vĩ cuồng, Điện Biên chỉ còn “thiên sử vàng chói lọi” trong thùng rác điếu cày & xì gà; địa đạo Củ Chi chỉ còn “đất thép thành đồng” trong thùng rác khoai mì & C-ration; chiến dịch HCM chỉ còn “thần tốc” trong thùng rác AK47 & M16; định hướng chỉ còn XHCN trong thùng rác Bác. Quần chúng dáo dác có thêm cỏ mới – John Stuart Mill, Virginia Woolf, chủ nghĩa hậu hiện đại... Trong tình trạng xã hội dân sự phi văn minh, một bà bị lịch sử dần cho tắt kinh vỗ ngực: tôi là nhựa tái sinh. Không, Bác mới nhựa tái sinh. Có nghĩa phần còn lại là loại hậu thuộc địa cũ & mới chỉ xài một lần. Sau 34 năm phỏng dái, quần chúng (cừu) còn lâu mới thành nhân dân (người).
4/2009





NGÓ NGƯỢC THÁNG 4

30/4/1975, ba tôi nói, đất nước hoà bình.

Sau này tôi mới biết, hoà bình là cái nhìn không chỉ của một Việt minh dinh tê. Sau hơn 9 năm kháng chiến, rồi dinh tê là nỗi thẹn âm ỉ của một chiến binh thất bại. Thà quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, mới là chiến binh thứ thiệt. Còn dinh tê rõ là dởm. Đồ dởm nên mới tưởng 30/4/1975 là ngày hoà bình.

Chỉ sau 4 năm hoà bình, 1979, tôi lại phải làm nghĩa vụ quân sự cho một cuộc chiến khác, “giải phóng” Campuchia. Nhưng hỡi ơi, tôi còn thảm hơn ba tôi vì 2 năm sau đó, tôi hoảng loạn đến độ ngã bệnh, triền miên vàng da và loét hết 1/3 dạ dày. Rồi bị giải ngũ, rồi lại góp thêm vào truyền thống gia đình một chiến binh chết nhát khác.

Nhưng lần này, tôi cương quyết khá hơn ba tôi một chút, là không hổ thẹn. Chắc nhờ không biết thẹn, năm 1990, tôi mới sa bút viết trong tập thơ “Đêm mặt trời mọc”, Con lãnh phần phá sản những u mê.

Cách đây 3 tuần, vấp một sợi dây hàng rào trong bãi xe, Hương té lòi xương và đứt 1/2 một trong sáu sợi gân đầu gối. Ngoài những phiền toái do hời hợt, quan liêu của y tế, cả ta lẫn tây, Việt Nam luôn là một vấn nạn khôn kham với Hương.

Trong mỗi vết thương, ký ức lại rỉ thêm những cái chết mới. Từ một cái chết của miền Nam, đến cái chết của một thành phố, một ngôi nhà, một gia đình, đến cái chết của các loại cảm xúc, và bây giờ là cái chết của những tế bào.

Mẹ Hương những ngày cuối đời, trong tình trạng mất trí nhớ, mà vẫn nhớ ngôi nhà xưa của mình, nhưng không tới được, dù chỉ cách trí nhớ phân rã của bà vài khu phố, vì ngôi nhà đó hiện là trụ sở ban tổ chức đảng. Tới khi trên đường tới lò thiêu, Hương định dừng xe tang trước nhà, để mẹ ghé qua, nhưng rồi cũng không thực hiện được.

Sau 3 tuần tù túng, Hương lê chân xuống 60 bực thang chung cư, rồi cà nhắc thêm vài bực thềm nữa, chúng tôi ngồi trong Hotel Continental để Hương ngó xéo qua Givral, thấy một góc lịch sử Sài Gòn đang chết.

Tôi hớp vài ngụm cà phê ngọt ngậy, loại cà phê pha vụng của Saigon Tourist, tệ hơn cà phê vỉa hè, rồi chui vào lòng Givral vừa bị mổ bụng.

Từ chỗ cái chết của nó, tôi nhìn ra, thấy những ánh mắt tò mò, không chỉ của du khách. Họ chụp vài tấm hình rồi thản nhiên đi qua, nhưng có một người cặm cụi, nói với tôi anh muốn làm một nhân chứng, và chụp rất nhiều hình từ cái địa chỉ sắp biến mất này.

Trong những ánh mắt nhìn vô, nơi tôi đứng, có cái ngó xéo của Hương và trong cái ngó xéo đó, những cái chết chồng chéo, xẹt qua, cày đi xới lại vẫn tiếp diễn.

Quá khứ và hiện tại, trong những ngày tháng 4, đối với một số người là cảm xúc của tình trạng bị bức tử, còn đối với một số người khác là cảm xúc hả hê đầy cảnh giác.

Tôi chui khỏi cái bụng tanh bành của Givral và chợt nhớ 2 câu thơ Eliot trong “Đất hoang”, Tháng tư là tháng ác nghiệt nhứt, tháng tử đinh hương sinh sôi từ đất chết.

Dù trong hay ngoài hay ở giữa cái chết, của lịch sử hay cá nhân, đều phải đối mặt với thống nhứt. Có người tài xế taxi thương binh chiến trường Campuchia, nói với tôi hôm kia, thống nhức  c chớ không phải t.

Cách đây mấy tuần, nhậu thịt chó với thằng bạn đảng viên làm báo cùng quê Trần Văn Giàu, tôi hỏi nó có ẩu đả vùng miền dưới tấm mền không, nó gào, bộ mày khùng hả, không có miền Nam!

Miền Nam không có khi nào: 1954, 1960, 1968, 1975? Hay từ cái thuở của những kẻ mang khí giái[*] Xô-Tàu đi giải phóng thân phận tủi nhục của mình bằng cách xoá trắng sinh mệnh người khác?
 [*]Khí giái: khí giới (chữ của miền Nam thời Trương Vĩnh Ký)
25/4/2010





TƯỜNG LỬA & TRẬN MƯA RUNG CÂY NHÁC KHỈ

Theo tập quán rừng rú (muôn thú nháo nhào),
Tụi tao là đám khỉ gió (khỉ ho thì cò gáy).

Theo truyền thống mất dạy (ném đá dấu tay),
Tụi mày là lũ rung cây (động thổ thì khỉ nhảy).

Tụi tao khoái quán này (hay trò này),
Dù ở đây rất sến (qua cửa kính vẫn nghe ngoài trời đổ mưa).

Mỗi lần nghe mưa (tức thì thấy Tường Lửa)
Là tao nhớ Chế Linh (Mưa buồn ơi thôi đừng đến/ mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm!).

Buồn dưới tận U Minh ngoi lên (tới rún), mưa trên Tây Nguyên rặn xuống (ướt quần).
Tụi tao ở đây sình bụng (nhợt thây) mắc địt, tụi mày ở đâu thì
Bức tường (ruồi bâu) tới đó, khói & lửa dĩ nhiên nhập nhoè bỏ mẹ.

Gió vào nhà khó (Bác ơi!) chó chạy cong đuôi liền.
Lửa nổi lên rồi (làng Vũ Đại ơi!) phèng la chũm choẹ.
Một em bị xô (Mẹ Việt Nam ơi!) cả đám lùng bùng sắp té.

Bắc Kinh (chửi thề) đụ mẹ!
Hà Nội (hưởng xái) mắt lé!
Sài Gòn (ngồi bẹp) hột le!

Hát nữa đi em, Diễm chưa xưa đâu, Diễm vẫn ngầu đó chứ!
Hát nữa đi em, Lửa chỉ mới bắt đầu, Lửa cần thêm dầu lắm đó!
Hát nữa đi em, Nhà sắp sập tới nơi rồi, Tường mới đỏ lè như rứa!

* Những chữ nghiêng là lời bài hát (xin lỗi) không nhớ của tác giả nào.





TỪ EMAIL CỦA GIÀ GAXIA MACKET

Tối qua sình bụng mơ thấy lợn chạy ra đường.
Sáng nay nhận được email của già Gaxia Macket.
Lợn miền Macondo tranh nhau từ Thảo Cầm Viên đến Dinh Thống Nhất.
Trên đường Lê Duẩn có hàng ngàn con nít và người già giơ vé số vẫy.
Già Macket báo tin ở Mũi Né sắp có một cái vĩ đại giạt vô bờ.
Rằng tôi hãy ra đó với con dao để tận hưởng những điều kỳ thú.
Người ta sợ xu hướng toàn cầu hóa sẽ nảy sinh những phần tử cực hữu.
May mà tôi có con dao rất cừ made in từ một quốc gia trung lập.
Đào tặng tôi và dặn phải bỏ túi mỗi khi ra đường là sẽ gặp may.
Ở xứ nóng và ẩm này mà thiếu kim loại trong người thì sẽ rắc rối lắm.
Mỗi khi căng thẳng hay xuống tinh thần tôi thường thọc tay vào túi.
Những sợi thần kinh bám bụi sẽ được lau chùi và đàn hồi trở lại.

Tôi nhảy xe đò ra Phan Thiết và đến Mũi Né lúc 1 giờ chiều.
Ai quan tâm vụ này hãy chờ tường trình tại chỗ dĩ nhiên khả ố.
Sài Gòn bị hiếp nên mất thăng bằng và hẳn mất luôn tiếng nói.
Du kích không ngừng đụng độ trực thăng Huê Kỳ trên đường Đồng Khởi.
Giẫm lên xác Đài Loan đi sắm nô lệ tình dục là O du kích* tưởng tôi là Chệt.
O đuổi theo và nói: hélô sơ phắk phắk then đôla íph đôn laik đôn pêy.
Dự báo thời tiết bữa nay tôi ở đây trời nhiều mây và mưa lai rai.
Già Macket nói với khứa Phidel: mày vĩ đại nhưng còn thiếu một cái đuôi.
Nhiều thịt có thể thay lợn nhưng biểu tượng của nó muôn đời không đổi.
Rồi già Macket sẽ bị đẩy lùi nhưng cái đuôi già tặng xứ tôi thì vẫn còn mới.
Em ơi qua vả lắm rồi đách còn xí quách cùng em cày xới đêm nay.
Bị mất tiếng nói mặt người bí xị biến thành bầy lợn ngả ngớn hồ hởi.

Quanh cái vĩ đại là 2 triệu đàn ông đàn bà và 8 triệu con nít.
Trời và biển xanh ngọc bích nhưng tất cả đều mù và câm.
Thân thể đầy lông bê bết cát mịn biển ngập ngừng lặng sóng.
Cái vĩ đại làm thối trí nhớ mỏng dính của đám người đương sống.
Tôi bật dao và rạch một đường từ đỉnh đầu đến gan bàn chân.
Nạn nhân không phải chết hai lần mà chết liên tu bất tận.
Có người nói đã mấy ngàn năm có người nói mới 50 năm.
Thầy bói mù dự báo xa nhưng già Macket sáng mắt tiên tri gần.
Thoạt đầu 50 ngàn dân và hiện nay 80 triệu đuôi lợn.
Thoạt đầu cả vạn trí khôn và hiện nay hầu hết đần độn.
Thoạt đầu toàn khố rách và hiện nay đều bất lương.
Thoạt đầu tưởng vĩ đại nhưng hiện nay là bí đái.

* O du kích nhỏ giương cao súng/ thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu (Tố Hữu)

Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment