TRUYỆN CỰC NGẮN LIÊN HOÀN: #1 (ÂM VỌNG TIẾNG CHỬI THỀ + KHÔNG PHẢI CHUYỆN PHIM TRUYỀN HÌNH + WE ARE THE WORLD + NHỮNG CỤC CỨT TRÔI SÔNG + PHÁT NGÔN CỦA THẰNG VÔ TÍCH SỰ) / #2 (ĐÔI KHI CON CU CŨNG BAY + CÔNG NGHỆ LÀM HÀNG GIẢ + HÀN LÂM & MÙ CHỘT) / #3 (TÔI Ở PHÍA BÊN KIA + TÔI Ở PHÍA BÊN NÀY + CON DIỀU) / #4 (THÀNH HOÀNG + NHỮNG NGƯỜI CON + MỘ CHÍ) / #5 (CÔ ẤY LÀ THI SĨ + CẬU ẤY LÀ KẺ GIẤU MẶT + & NHỮNG QUẢ LỰU ĐẠN) / TRUYỆN CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #6 (CÔ GÁI / & HẮN) / #7 (NHỮNG CÔ GÁI VẪN HÀNH KINH + SỰ CHIA CẮT VÀ NHỮNG KHOẢNG TRỐNG TRONG LINH HỒN + & CÔ GÁI ĐI TRÊN NÚI) / #8 (CẮT TIẾT + BÀN NHẬU + HỒI QUANG TỪ ĐỊA NGỤC) / #9 (CĂN NGUYÊN + TRÚ XỨ + NGUYỆT HÀNH) / #10 (TÔI ĐƯỢC SINH RA VÀ TÔI KHÔNG BIẾT TÔI ĐƯỢC SINH RA ĐỂ LÀM GÌ + TẠI SAO TÔI KHÔNG CHẾT ĐI + NẾU TÔI BIẾT ĐƯỢC TÔI SINH ĐỂ LÀM GÌ THÌ LIỆU TÔI CÓ NÊN SINH RA HAY KHÔNG) / #11 (CON ỐC + ĂN ỐC + & NÓI MÒ) / #12 (MADE IN CHINA + MADE IN LIBYA + MADE IN VIETNAM) / #13 (CON BÒ VÀ TÔI + TÔI VÀ CON BÒ) / #14 (CHIẾC ÁO LÔNG NGỖNG + KIM TRỌNG, LỤC VÂN TIÊN & NHỮNG NHÂN VẬT KHÁC)


CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #1
Theo tôi, đây là một truyện hay. Bạn có thể đọc chúng như năm truyện cực ngắn độc lập. Thích đọc truyện nào trước cũng được. Mỗi truyện có độ hoàn hảo riêng. Và có dư vị riêng. Nhưng tốt hơn hết là đọc chúng, cả năm truyện ấy, như một tác phẩm hoàn chỉnh, một thứ truyện-cực-ngắn-liên-hoàn, nói theo chữ của Nguyễn Viện. Đọc như thế, chúng ta sẽ thấy truyện lạ hẳn.
 Lạ về kết cấu: quan hệ giữa các phần (tức là mỗi truyện cực ngắn) không còn theo tuyến tính thông thường. Giữa chúng có những khoảng trống mà người đọc phải lấp đầy. Làm như vậy, người đọc tự động tham gia vào quá trình cấu trúc hoá tác phẩm, qua đó, trở thành một thứ đồng-tác giả (co-author). Đọc, do đó, thực sự là một sự sáng tạo.
 Lạ về ý tưởng: các câu chuyện, ngỡ như rời rạc, có khi nhả nhớt và nhảm nhí (như hai truyện cuối), kết hợp lại, cho chúng ta thấy một bức tranh khác về xã hội Việt Nam hiện nay, một bức tranh không phải ai cũng thấy và càng không phải ai cũng có thể thể hiện được bằng ngôn ngữ.
Nguyễn Hưng Quốc

ÂM VỌNG TIẾNG CHỦI THỀ
Buổi sáng phẳng lì. Những người ngồi trong quán cà phê dẹp và mỏng như tờ giấy với đầy những ký tự đại khái như “tôi uống, tôi hiện hữu”, “tôi đẹp trai, tôi hiện hữu”, “tôi hiểu biết, tôi hiện hữu” v.v... cứ như thể không có những thứ ấy thì họ không hiện hữu. Những ly cà phê cũng dẹp lép như một khái niệm.
Trong văn phòng làm việc không phải mọi thứ đều phẳng lì. Nhưng cái gọi là sự thật thì phẳng lì. Nó phẳng đến độ tất cả mọi-âm-thanh-mọi-tiếng-nói-mọi-ý-nghĩ đều trượt đi. Bởi vậy, dường như văn phòng lúc nào cũng trống trơn mặc dù cô trực văn phòng điểm danh không thiếu một người nào và cơ quan mỗi tháng phải xuất ra một số tiền không nhỏ để trả lương cho những kẻ vắng mặt hợp pháp này.
Buổi chiều, sự phẳng lì mới đáng sợ. Tất cả mọi đàn ông đều chui vào quán nhậu. Bia, mồi và những câu chuyện của họ chính là cái phẳng lì mà trên đó họ tuột xuống còn nhanh hơn cả việc rơi tự do trong không gian. Khi những người phục vụ chưa kịp mang tăm xỉa răng ra thì họ đã biến mất. Những cái ghế không hề làm chứng cho một hiện hữu nào ngoài việc chứng minh rằng nó là một cái ghế.
Những cô gái chưa chồng thì đi shopping. Thật ra, chẳng ai nhận dạng được các cô này ngoài các nhãn hiệu nổi tiếng.
Những quí bà thì bao giờ cũng có lý do để vội vã. Họ lo đón con ở trường học hoặc chạy vội về nhà để nấu nướng. Hết chiều này đến chiều khác, từ điểm nọ đến điểm kia, họ chỉ là cái gạch nối để mọi người nhận ra có một cuộc đời và cái cuộc đời ấy thật ra nó lại nằm trên màn hình cái TV chiếu phim truyện.
Có một phần không nhỏ của nhân loại thường thức quá nửa đêm. Nhưng điều ấy cũng không làm cho đêm bớt phẳng lì. Tất nhiên không phải ai cũng thao thức, việc ngủ trễ có trăm ngàn lý do. Chơi, làm việc hay không chơi cũng không làm việc, chung qui cũng chỉ nối dài cái phẳng lì vốn dĩ đã quá phẳng lì của ban ngày. Mà ngay cả việc “tôi thao thức, tôi hiện hữu” thì cũng chẳng phải là một mệnh đề khả dĩ có thể cứu vãn được cái phẳng lì bớt phẳng lì.

KHÔNG PHẢI CHUYỆN PHIM TRUYỀN HÌNH
Chị đã bước ra khỏi quán cà phê sau khi ném vào mặt hắn một cái nhìn khinh bỉ. Chị không nghĩ là mình đã từng ăn ngủ và có hai đứa con với hắn. Hắn đã thật sự trở thành xa lạ khi nhất quyết đòi chia gia sản làm hai, một mình hắn một nửa, ba mẹ con một nửa còn lại. Cho dù hắn chấp nhận chu cấp nuôi con hàng tháng thì điều ấy cũng không có nghĩa là hắn có quyền cướp hết quyền thụ hưởng của con cái.
Vấn đề chưa ngã ngũ, chị phải về đón con. Mặc dù lộn ruột, nhưng chị vẫn băn khoăn không biết nên cho hai đứa con biết về cách cư xử của bố nó như thế nào. Chị có quyền tước bỏ lòng yêu thương và sự kính trọng của con cái với bố nó không?
Cuối cùng chị vẫn quyết định nói sự thật với con. Đứa lớn bảo: “Con không quan tâm đến việc có được chia gia tài hay không. Con chỉ nghĩ là mẹ phải ly dị.”
Và chị đi tìm một luật sư.

WE ARE THE WORLD
Gã luật sư nói với hắn: “Ông có quyền hưởng một nửa gia sản. Phần con cái sẽ tuỳ thuộc vào việc ai là người có trách nhiệm nuôi chúng sau này. Nhưng phần chắc là ông không có quyền đó. Có một khác biệt rất lớn giữa tiền chu cấp hàng tháng với khoản gia sản ông nhận được nếu chia hai.”
Người thứ ba trên bàn nhậu nói: “Chuyện đó không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Các ông cần phải cưa cho hết cái chai này trước khi năm 2012 đến.”
Người thứ tư nói: “Vợ là nợ, con là oan gia, bố mẹ vợ là hai con khỉ già, em vợ là tiên nga. Hãy chọn đi.”
Người thứ năm nói: “Tất cả các ông đều tầm phào. Descartes bảo: ‘Tôi suy tưởng, tôi hiện hữu.’ Các ông có hiện hữu không mà nói chọn hay không chọn.”
Người thứ sáu nói: “Nếu ông không hiện hữu thì ông móc túi nhân dân bằng cách nào?”
Người thứ bảy nói: “Tao đếch cần phải móc túi đứa nào. Tao chỉ chờ tụi nó tự nguyện dâng thôi.”
Hắn nâng ly: “Chúng ta là thế giới. Vô.”

NHỮNG CỤC CỨT TRÔI SÔNG
Lại đêm. Không ai nhìn thấy gì trên mặt sông ngoài những mảng lục bình khổng lồ trôi theo con nước. Nhưng hắn bảo nhất định phải có cứt. Mọi thứ đều có thể phẳng lì nhưng mùi cứt thì dứt khoát không. Một thằng vô tích sự phát biểu cả cuộc đời này là một bãi cứt, thì mấy cục cứt trôi sông nhằm nhò gì. Hắn bảo, chỉ những cục cứt trôi sông mới hiện hữu. Thằng vô tích sự nói, đừng ám thị, ám chỉ, phân cấp, phân lô như thế làm tủi hổ cho những cục cứt nhân dân. Hắn bảo, cứt cũng cần phải phân biệt chính tà và được lãnh đạo, nếu không, mùi cứt cũng phẳng lì thì làm thế nào.

PHÁT NGÔN CỦA THẰNG VÔ TÍCH SỰ
Các ông phải biết rằng, quả đất này tròn. Hừ. Bởi thế không chỗ nào là tâm, mà chỗ nào cũng là tâm. Hừ. Các ông cần phải vất mẹ cái dân tộc, tổ quốc của các ông đi. Hừ. Hãy toàn cầu hoá triệt để. Hừ. Các ông cứ nghĩ kỹ đi, như thế có phải không. Hừ. Lúc ấy, biển Đông hay biển Nam là của chung. Bô-xít toàn thế giới chỉ cần một ông/bà tổng giám đốc là đủ. Hừ. Tất cả các mỏ dầu đều chảy vào một kho là xong.
Hừ, mặt trăng có phải của thằng nào đâu, đúng không. Muốn có hoà bình không chết đói thì cứ bán mẹ cái quốc gia cho một tổng công ty toàn cầu là êm xuôi, ăn ngon ngủ khoẻ, đúng không.
Hãy định nghĩa lại cái phẳng lì đi các cha.
Há.

21.1.2010





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #2

ÐÔI KHI CON CU CŨNG BAY
Sau một trận làm tình mê mỏi, hắn ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, cô gái của hắn vẫn còn nằm bên cạnh, tuy nhiên con cu của hắn bay đâu mất. Hoảng hốt, hắn gọi cô gái dậy, “Em đã làm gì với nó khi anh ngủ?” Cô gái nhìn vào háng người bạn tình, quả thật con cu của hắn không cánh mà bay. Cô cảm thấy buồn cười hơn là sợ hãi, “Em chẳng làm gì ngoài việc hôn và mân mê nó cho đến khi em cũng buồn ngủ quá và ngủ quên đi”.
Tuy không có máu me, nhưng cảm giác bị thiến làm hắn đau đớn. Từ sâu thẳm, hắn thấy mình không tồn tại như một con người.
Cô gái bên cạnh không có vẻ gì là thủ phạm của một vụ hành quyết kiểu ghen tuông đó. Cô hỏi hắn, “Sao nó có thể biến đi được nhỉ?” Hắn cũng không hiểu nổi. Cô lại hỏi, “Có sao không anh?” Hắn muốn chửi thề, “Có sao thì cô sẽ biết”. Cô gái giận dỗi nói, “Anh cứ làm như em là người phải chịu trách nhiệm về việc nó biến đi vậy”. Hắn bảo, “Không lẽ tôi điên mà tự thiến à?” Cô nói lại, “Nó là của anh, anh không giữ được là chuyện của anh”. Cô đi lấy quần áo mặc và có ý định bỏ về, nhưng bất chợt nhìn thấy nó đang đính ở trên tường trong tư thế ngỏng cứng như một chiếc móc áo, cô nói: “Có phải nó là của anh không?”
Hắn vội chạy tới, giật con cu xuống và cắm lại vào chỗ cũ trên thân thể.

CÔNG NGHỆ LÀM HÀNG GIẢ
Hắn bước vào sex shop và chọn một con cu giả màu đen ấn tượng, bởi vì hắn không thể tự bú con cu của chính hắn, mà việc bú một con cu khác đối với hắn là kinh tởm. Hắn bảo tự sướng là một hành vi sang cả, nhất là khi hắn tự coi con cu của mình là ngoại hạng, cu thực dân. Nhưng việc trở thành thực dân trong thực tế thì ngoài tầm của hắn. Con cu của hắn không đụ được chữ cho nên không khai hoá được gì, lại không đụ được lồn tươi cho nên cũng không sáng tạo được gì.
Trong thế giới của những người sang cả, hắn đứng mút con cu giả màu đen ấn tượng bên cạnh các tủ kính bày hàng trong sex shop, thật ra cũng chỉ là một sản phẩm của công nghệ làm hàng giả, nhưng hắn nhất định cho rằng: “Tao mới là thứ thiệt”.

HÀN LÂM & MÙ CHỘT
Cô gái kéo ghế đến ngồi bên cạnh hắn, nói: “Em biết anh thích có một cô bên trái, một cô bên phải, một cô đàng trước, một cô đàng sau, một cô ngồi trên đầu”. Hắn cười, nắm tay cô: “Em lúc nào cũng hiểu anh”. Khi ấy, đã có một cô khác ngồi bên cạnh hắn và một số bạn bè đang ngồi quanh một cái bàn cà phê nhỏ, vỉa hè.
Hắn nói: “Anh bị mất con cu hôm qua rồi”. Cô hỏi: “Trong khách sạn à?” “Không, nguyên ngày hôm qua anh đi ngoài đường”, hắn cho biết. “Vậy thì em biết rồi, cô nói, lúc này đường sá chỗ nào cũng sửa, anh gặp ổ gà, nó xóc một cái là rớt xuống đất ngay”. Hắn bảo: “Cũng có thể, nhưng anh không biết mất ở đoạn đường nào để tìm hay báo công an”. Cô nói: “Điên mới đi báo công an, anh chỉ cần đăng một cái rao vặt xin hậu tạ là có người mang đến tận nhà ngay”.
Thằng làm thơ ngồi trước mặt hắn bảo: “Làm chi mất công vậy”. Nói xong, hắn móc trong quần ra một con cu bóng lộn đen ấn tượng. “Tặng ông”.
Nhưng hắn nói: “Con của tôi màu trắng”.
Thằng làm thơ cười ruồi: “Ông nghĩ tôi ăn cắp của ông à?”
Hắn nghiêm nghị: “Không, vấn đề ở đây là đẳng cấp”.
Cả bàn cười hô hố. Những người ngồi ở bàn khác cũng cười theo.
Cô gái đứng lên: “Các bác tự xử cũng hay đấy”. Cô bỏ về. Cô gái đến trước cũng đứng lên. Cô nghĩ, may mà mình không làm thơ.

7.2.2010





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #3

TÔI Ở PHÍA BÊN KIA
Hắn nói: “Chúng tôi muốn ông đóng một vai trò tương xứng và hữu ích.” Tất nhiên, cả tôi và hắn đều hiểu giống nhau “tương xứng và hữu ích” là như thế nào. Thế là tôi trở thành kẻ được chọn.
Tôi không cần phải chuẩn bị gì. Người ta dẫn tôi ra trước đám đông và nói: “Đây là con của giao hoà.” Bổn phận của tôi là cười với tất cả mọi người. Và tôi đã nở một nụ cười thật tươi. Tôi cúi chào chung quanh. Không có tiếng vỗ tay. Hắn đứng sau lưng tôi bảo: “Ông cứ nói đi, tất cả mọi người đang lắng nghe ông.” Và tôi nói: “Chúng ta là một thực thể, chúng ta cũng là một thực tế, và chúng ta cũng sẽ là một khả thể.” Không có ai phản đối. Tôi nói tiếp: “Chúng ta ai cũng phải ăn, ai cũng biết nghĩ và tất nhiên suy nghĩ của chúng ta không giống nhau. Bởi thế tôi đã được sai đến. Tôi là giao hoà.” Vẫn im lặng. Hắn đứng sau lưng bảo: “Tốt lắm, tiếp đi.” Và tôi nói: “Ai cũng sẽ có chỗ của mình. Đàn ông và đàn bà, phụ lão và thiếu nhi, hãy rửa ruột để ơn phúc được chứa đựng.” Hắn đá vào chân tôi, nhắc: “Biện chứng duy vật.” Tôi hắng giọng: “Tôi nói các bạn có nghe rõ không?” Trong lúc các tiếng ồn từ từ dậy lên, tôi nghĩ: “Đây là vấn đề thể thức.” Và tôi quay lại, muốn nhìn vào mặt hắn, nhưng không còn thấy hắn đâu nữa.

TÔI Ở PHÍA BÊN NÀY
Hắn nhốt tôi vào trong một cái thùng, bảo: “Đấy, mày muốn nói gì thì nói.” Được nói thì dẫu nói trong một cái thùng thì cũng hơn không. Và tôi nói: “Đây là tiếng nói của một cái thùng. Không phải thùng rỗng, vì trong thùng có tôi. Mặc dù là cái thùng nhưng không thể kêu to. Hãy lắng nghe như nghe tiếng của loài muỗi.” Tiếng của tôi dội vào hai lỗ tai, lùng bùng. Tôi cố gắng nói tiếp: “Tôi nói các bạn có nghe rõ không?” Dường như không có bất kỳ ai đã nghe thấy. Tôi nghĩ: “Thế giới này không còn người.” Đáp lại ý nghĩ của tôi, tiếng muỗi vo ve như tiếng sáo diều. Tôi lại nghĩ: “Tại sao mình lại không mường tượng đó là tiếng sáo diều để được nhìn thấy trời cao rộng.” Tôi nghĩ tiếp: “Nhất định khi nào mình ra khỏi cái thùng này sẽ phải làm một con diều cho thoả sự mơ mộng và thơ ngây.”

CON DIỀU
Ít nhất thì nó đã bay lên khỏi mặt đất gần 100 thước. Thật ra, tôi vẫn có thể leo lên một building ba bốn chục tầng nhấm nháp ly cà phê và nhìn xuống thế giới bên dưới. Nhưng ngồi trên một cánh diều thì cảm giác khác hẳn. Chao đảo và chơi vơi.
Cái cảm giác không có chỗ dựa và cũng không phải tự do thật khốn khổ. Làm thế nào duy trì được cảm thức bay bổng và trạng thái an toàn không phải là điều dễ dàng. Chỉ còn một sự trông cậy duy nhất, tin vào chính mình. Nhưng cỡi lên lưng cọp hay ngồi trên cánh diều thì cũng chẳng khác nhau mấy. Cuộc đời không còn tuỳ thuộc vào mình mà nó tuỳ thuộc vào sự run rủi. Dù sao tôi cũng phải dự trù tình huống diều đứt dây hay mất gió cắm chúi xuống đất. Trong trường hợp ấy, tôi nghĩ, một vài giây đủ để tôi vẽ một đường bay đến chân trời.

16.2.2010





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #4

THÀNH HOÀNG
Đó là tấm hình của một người đàn ông có râu được đặt trên bàn thờ của ngôi đình.
Tôi đã nhìn ngắm tấm hình rất nhiều lần và thật kỹ. Ít ra về tướng mạo học, có thể nói đó là một người đàn ông uy nghi nhưng phúc hậu như người ta đã cố tình tạo ra một chân dung như thế. Và tôi không thể không tự đặt cho mình một câu hỏi: Điều gì đã khiến ông ta được tôn thờ và tại sao việc tôn thờ ông ta lại quan trọng và cần thiết đến thế?
Cho đến bây giờ, tấm hình đã bạc đi ít nhiều. Nhưng chẳng hề chi, ông ta vẫn ở trên bàn thờ và đóng vai thần thánh của mình. Tôi tin chắc rằng bản thân ông ta không phải thần thánh nhưng sự cả tin vào ông ta đã biến ông ta thành thần thánh. Và chính những người tạo nên sự cả tin ấy mới thực sự đáng được biết đến, bởi vì đó chính là tấn tuồng nhân loại và nó tạo nên lịch sử cho một cộng đồng.
Nhưng tại sao ông ta phải chết trước khi cái chết thật sự đến? Điều này thì chính tôi đã tìm thấy câu trả lời: chỉ có cái chết mới tạo ra huyền thoại và cái chết mang lại một tự sự chung cho tất cả những ai thương tiếc người chết đó. Và cái chết biến thành một chiêu bài cho những ai biết sử dụng nó.
Thế là hiện thể, hiện tồn hay hiện thực của một sinh linh bị bắt buộc giản lược vào một tấm hình. Chung quanh tấm hình ấy người ta tạo ra hào quang và sự tôn thờ trở nên có ý nghĩa.

NHỮNG NGƯỜI CON
Ông có ba người con trai.
Khi ông có những biểu hiện thiếu quyết liệt trong những vấn đề của cuộc sống như một người già, những người con của ông ta đã nghĩ đến gia tài mà cha họ để lại. Họ hỏi nhau: “Chúng ta sẽ thừa kế gia tài này như thế nào, một khi cha chết đi?”
Cậu Út Tư nói: “Thì cứ chia đều là công bằng, phải đạo và văn minh nhất.”
Anh Hai cười: “Chú mày ngây thơ quá. Anh không có ý định giành phần hơn dù là huynh trưởng phải có bổn phận hương khói, giỗ chạp. Vấn đề là chúng ta cần sử dụng gia tài ấy sao cho có lợi nhất.”
Anh Ba nói: “Anh Hai nghĩ đúng. Chúng ta cần phải làm cho danh cha chúng ta tồn tại đến muôn đời. Đó mới là cách hoàn hảo nhất thừa kế gia tài của cha.”
Anh Hai nhìn anh Ba trìu mến: “Chú Ba có thể làm chuyện đại sự được.”
Anh Ba nói: “Anh Hai cứ tin em. Điều gì anh Hai quyết, em sẽ thi hành.”
Vốn quen tùng phục các anh, cậu Út Tư nói: “Em tin là hai anh đủ sức làm cho gia tộc chúng ta vẻ vang mãi mãi.”
Anh Hai nói: “Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải thông suốt vấn đề và nhất trí với nhau cũng như quyết liệt trong việc thực hiện, chỉ như thế chúng ta mới hoàn thành được tâm nguyện của cha, cũng chính là mong ước của chúng ta: Chúng ta và con cháu chúng ta vinh quang đến muôn đời sau.”
Cậu Út Tư sốt ruột hỏi: “Nhưng cái vấn đề ấy là gì?”
Anh Hai chậm rãi nói: “Là không cho phép bất cứ ai cản trở con đường chúng ta đi.”
Cậu Út Tư hỏi: “Kể cả cha nữa à?”
Anh Hai nói: “Phải. Cha đang có dấu hiệu chùn bước và muốn thoả hiệp.”
Anh Ba xen vào: “Chúng ta không thể làm hoen ố hình ảnh của cha.”
Anh Hai nói: “Chính vì thế cha chỉ có thể là một tấm hình và chúng ta phải giữ cho tấm hình ấy mãi mãi trong sáng.”
Cậu Út Tư kinh hãi: “Các anh muốn giết cha?”
Anh Hai nói: “Đó là một cách hiểu.”
Quay sang anh Ba, anh Hai hỏi: “Chú làm việc này được không?”
Ngần ngừ một lúc, anh Ba nói: “Để em thu xếp.”

MỘ CHÍ
Trước hết, họ chọn một mảnh đất đẹp theo đúng phong thuỷ. Xây sẵn một ngôi mộ to, họ dẫn cha của họ đến và nói: “Đây là nơi cha sẽ an nghỉ.” Người cha nói: “Trồng cho ta một cái cây. Ta muốn có bóng mát cho các con và những ai đến với ta.” Một người con nói: “Chúng con sẽ làm việc này.” Một người con khác hỏi: “Cha còn muốn gì nữa không?” Người cha nói: “Đây là điều ta biết các con sẽ không vâng lời, nhưng ta vẫn nói, các con đừng sửa đổi di ngôn của ta.” Người con thứ ba nói: “Chúng con yêu cha và sẽ không bao giờ làm điều đó.”
Ngày hôm sau, người cha phát bệnh.
Để tỏ lòng hiếu thảo, tất cả các bác sĩ giỏi nhất đều được mời đến, kể cả những bác sĩ ngoại quốc. Nhưng bệnh tình của người cha ngày càng nặng. Ông chết sau khi bày tỏ nguyện vọng cuối cùng được nghe một khúc dân ca quê hương người vợ quá cố.
Một trong những ông bác sĩ chăm sóc cho ông đến gặp anh Ba nói: “Thưa ông, tôi đã tiêm cho ông cụ một liều thuốc ‘trợ tim’ và ông đã đi thanh thản.” Anh Ba nói: “Tốt. Chúng tôi ghi nhớ công anh.”
Chưa về kịp đến nhà, ông bác sĩ này đã bị một chiếc xe tải cán nát.
Trên tấm bia bằng đá cẩm thạch trước ngôi mộ người cha được khắc dòng chữ sau: “Không có gì. Không có gì. Không có gì.” Không biết bằng cách nào mà tất cả các bậc thức giả trong nước đều có những lời ca tụng giống nhau: “Đó là một người giác ngộ chân lý và tư tưởng của người vượt qua mọi thời đại.” Từ đấy ông ta được tôn thờ như một vị thánh. Nhưng cũng có những kẻ rỗi hơi đồn thổi, di ngôn của ông ta đã bị sửa đổi cho phù hợp với triết lý thiền, vốn đang là trào lưu tư tưởng của một xã hội cần sự im lặng.

10.8.2010





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #5

CÔ ẤY LÀ THI SĨ
Tất nhiên cô ấy thường làm thơ.
Việc làm thơ thì cũng chẳng có gì ghê gớm đối với cô ấy, tuy nhiên nó lại thiết thân giống như ăn, ngủ và làm tình. Bởi thế, tuy xa xỉ nhưng không làm thơ thì cô chết mất.
Có một điều gì đấy trong cô như ngọn lửa của khởi nguyên sáng thế luôn luôn bùng phát và nó đốt cháy linh hồn cô, thể xác cô. Và đó là thơ của cô. Nhưng những gì được thể hiện trên mặt chữ lại chỉ là sự thất lạc của các mảnh vỡ, đôi khi là tàn tro của linh hồn và 

CẬU ẤY LÀ KẺ GIẤU MẶT
Thẩm tra lý lịch công dân là việc hằng ngày của cậu ấy. Và cậu ấy đã tìm thấy cô trong hàng triệu phụ nữ ở xứ sở này. Cái xứ sở giống như hộp đồ chơi trong tay một cậu bé. Mỗi ngày, cậu nhặt trong cái hộp ấy ra một vài thứ gọi là thằng người và cậu chơi với nó.
Cậu luôn có cảm giác sung sướng của người thắng cuộc trong trò chơi của mình. Không chỉ khám phá những bí mật đời tư một người mà đôi khi cậu còn có thể điều khiển con người theo một hướng nào đó trong trò chơi của cậu. Tuy nhiên, cậu đã bất ngờ khi biết cô là thi sĩ.
Thật ra, tỉ lệ nghề thi sĩ trong các phiếu sưu tra lý lịch chiếm đến gần 80%. Ừ, ra đường không cẩn thận sẽ đạp nhầm thi sĩ.
Thế nhưng, cậu vẫn bất ngờ vì lý lịch của cô trong mục nghề nghiệp ghi: “không làm thơ.” Có thể hiểu cô làm bất cứ thứ gì ngoài việc làm thơ. Khi xâm nhập vào máy tính của cô, cậu mới biết cô lén lút viết những thứ giống như thơ. Nhưng đọc kỹ, cậu vẫn không thể xác quyết đó là thơ hay thứ gì khác. Tìm hiểu thêm cuộc sống của cô, cậu cũng không thể biết đó là cách sống của một thi sĩ hay một loại rác rưởi.
Dù sao cũng phải phân loại xác định con người, nghề nghiệp cô trong hồ sơ, cậu ghi chú: “Chỉ có thi sĩ mới giết được thơ, bởi thế người này là thi sĩ.”
Chính trong lúc điều tra về cô, cậu nhận ra thế giới của cô là cái cậu không thể có. Cậu thèm khát cái thế giới ấy và cậu muốn được chia sẻ.

& NHỮNG QUẢ LỰU ĐẠN
Chỉ thị của cấp trên yêu cầu các ban ngành phối hợp thực hiện giảm tỉ lệ thi sĩ xuống dưới 50% trong vòng 3 năm. Một số biện pháp được đưa ra là:
- Diệt trừ tận gốc và ngăn ngừa tất cả các mầm mống công dân có khuynh hướng trở thành thi sĩ.
- Đối với các thi sĩ đã đang hành nghề, có các biện pháp cụ thể làm nản lòng sự ham muốn nổi tiếng của họ, như yêu cầu các tờ báo không có chức năng dẹp bỏ mục sáng tác. Đối với các tờ báo chuyên ngành, chỉ đăng thơ dở hoặc thơ bẩn. Đối với các nhà phê bình lý luận, cấm tiệt viết bài bình luận thơ hoặc viết về các thi sĩ…
Cậu tìm đến với cô. Cậu nói: “Tôi là người yêu sách, yêu văn chương. Và vì thế tôi cũng yêu những gì em viết.” Cô ngạc nhiên: “Tôi có làm văn chương đâu. Anh lầm người rồi.” Cậu nói: “Tôi không bao giờ lầm. Em đã từng viết ‘tôi quăng quả lựu đạn vào các nhà thơ và từ xác của họ bắn tung toé ra những chữ có mùi thối’ đúng không?” Cô nói: “Đúng câu đó là của tôi, nhưng tôi chưa bao giờ công bố, sao anh biết?” Cậu nói: “Vì tôi là kẻ giám sát.” Cô hỏi: “Và anh muốn gì ở tôi?” Cậu nói: “Anh muốn em giết tất cả các thi sĩ còn lại?” Cô bật cười: “Tại sao tôi lại phải giết họ?” Cậu bảo: “Vì chỉ có em là thi sĩ.” Cô lại cười: “Nếu tôi là thi sĩ, thì người khác cũng có thể là thi sĩ vậy. Càng đông càng vui, phải không?” Cậu nói: “Không, ngoại trừ một thi sĩ như em, đám đông thi sĩ cần phải cho vào lửa đốt.” Cô hỏi: “Anh yêu thơ đến thế ư?” Cậu nói: “Cũng không hẳn vậy. Anh yêu em.” Cô hỏi: “Tại sao lại yêu tôi?” Cậu nói: “Vì em không làm thơ. Tất cả thi sĩ đều méo mó, kể cả bọn nô bộc.” Cô nói: “Tôi quăng lựu đạn vào các nhà thơ, tôi cũng có thể quăng lựu đạn vào những kẻ giám sát giấu mặt. Anh không sợ à?” Cậu nói: “Không. Thật ra, kẻ giám sát cũng đáng chết như các thi sĩ.” Cậu nói thế, nhưng cậu không quên nhiệm vụ là phải thực hiện cho bằng được việc giảm xuống dưới 50% tỉ lệ các thi sĩ trong cộng đồng. Cậu nói tiếp: “Thơ là một nỗi ám ảnh của con người. Vì thế cần phải loại trừ nó trước khi loại trừ mọi nỗi sợ hãi.” Cô bảo: “Điều ấy đồng nghĩa với việc anh sẽ giết tôi.” Cậu nói: “Không phải. Cần phải tách thơ ra khỏi đời sống. Anh tin rằng em sẽ thanh khiết hơn nếu không có thơ.” Cô nói: “Tôi không làm thơ, nhưng tôi cũng không phải bọn người máy như anh. Các anh chỉ có nhiệm vụ. Lúc nào cũng nhiệm vụ.” Cậu nói: “Em cực đoan rồi. Anh có máu. Và anh yêu em.” Cô nói: “Tôi không tin bọn giám sát.”
Dù vậy, cậu nghĩ đã hoàn thành nhiệm vụ. Cô ấy sẽ không bao giờ trở thành thi sĩ bởi vì cô ấy biết mình bị kiểm soát. Nhưng phần cô, chưa bao giờ cô lại cảm thấy cần phải viết và quăng những quả lựu đạn đến như thế.

15.8.2010





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #6

CÔ GÁI
Nỗi cô độc giống như nước giấm, chua lè trong bao tử cô. Nó làm cho cô nôn nao.
Nỗi cô độc cũng giống như một thanh sắt nung đỏ khua khoắng trong linh hồn cô và nó làm cô bỏng rộp.
Trong phòng trọ, giờ này chỉ có một mình cô và cô nghĩ mình sẽ không thể chịu đựng nổi nỗi cô độc ấy thêm một giây nào nữa.
Cô mở máy tính. Cô phân vân giữa việc tìm coi một phim sex với việc liên hệ với một ai đó bất kỳ. Trên mục tìm kiếm của Google, cô gõ “heo”. Có hơn 29 triệu kết quả. Cô chọn đọc “cô ấy gọi tôi là heo” ở trang thứ 3.
Đó là đoạn văn của một blogger trên Yahoo 360 plus.
Đoạn văn kể về chuyện tình của chủ nhân blog. Cô viết một comment: “Anh viết dễ thương lắm. Nếu tôi là cô gái ấy tôi sẽ gọi anh là dê con. Tôi thích có một con dê con để tôi có thể làm một dê mẹ. Tuy nhiên, điều tôi thích thú hơn là những bài sưu tầm của anh về chuyện tình của các danh nhân. Nhưng tôi lại chỉ có thể yêu được một ranh nhơn thôi.”
Đùa chút làm cô nguôi đi sự quay quắt đang hành hạ cô.
Cô đọc một diễn văn Nobel văn chương của J-M. G. Le Clézio, vài bài thơ dịch của Mỹ.
Tất cả những buổi chiều với cô đều là cái chết lâm sàng của sự cô độc.

& HẮN
Tất cả những buổi chiều với hắn đều có một nỗi hoang mang giống nhau. Nhưng hắn không thể làm gì khác hơn là kiếm một chỗ nào đó ngồi xuống và nhìn chiều đi. Và cứ mỗi một chiều qua như thế, hắn lại nghĩ, ta đã đến gần hơn với sự nhạt nhoà. Tuy thế, hắn lại là người thèm khát yêu đương đến độ nhấp nhổm. Hắn thích những chuyện tình đẹp và hắn luôn luôn thêu dệt những chuyện tình đẹp cho mình trên blog.
Thế rồi, có một cô gái viết cho hắn: “Tôi thích có một con dê con để tôi có thể làm một dê mẹ.” Hắn trả lời: “Tôi ước gì được là một dê con của dê mẹ vĩ đại.” Cô viết: “Tôi không phải là dê mẹ vĩ đại, nhưng rất vui nếu anh là dê con của tôi.” Hắn viết: “Vậy thì mình có thể gặp nhau chứ?” Cô nói: “Rất tiếc. Ngày mai tôi phải đi tour xuyên Việt gần một tháng mới về.” Hắn viết: “Không có vấn đề gì. Cho tôi xin số điện thoại. Còn đây là điện thoại của tôi...”
Ngày thứ nhất. Hắn hỏi: “Tối nay em sẽ ngủ ở đâu?” Cô trả lời: “Qui Nhơn.” Buổi tối hắn gọi cho cô: “Em khoẻ không?” Cô nói: “Khoẻ.” Hắn nói: “Anh muốn gặp em.” Cô nói: “Không được. Em xơ xác lắm.”
Ngày thứ hai. Hắn hỏi: “Hôm nay em sẽ ở đâu?” Cô nói: “Hội An.” Buổi tối hắn gọi cho cô: “Anh đang ở Hội An với em. Gặp nhau nhé?” Cô nói: “Hôm nay em mệt.”
Ngày thứ ba. Hắn hỏi: “Tối nay em sẽ ở Huế phải không?” Cô bảo: “Dạ.” Buổi tối hắn gọi: “Huế đẹp. Có mấy quán cà phê hay lắm. Đi uống cà phê với anh không?” Cô bảo: “Em phải đi với bạn rồi.”
Ngày thứ năm. Cô báo cho hắn: “Tối nay em ngủ ở Quảng Bình.” Buổi tối hắn gọi: “Có thể ngày mai anh cũng sẽ vào Phong Nha với em, nhưng tối nay gặp nhau trước đi.” Cô nói: “Thôi. Em không bỏ bạn ở khách sạn một mình được.”
Ngày thứ sáu. Hắn gọi: “Anh đã nhìn thấy em. Xinh lắm. Anh yêu em.” Cô nói: “Có thể anh nhìn lầm người đấy.”
Ngày thứ bảy. Cô gọi cho hắn: “Hôm nay em sẽ đến Quảng Ninh.” Buổi tối hắn gọi: “Đi dạo bờ biển nhé?” Cô bảo: “Anh không sợ xấu hổ khi đi bên em sao?” Hắn nói: “Đừng giả vờ khiêm tốn làm gì. Anh sẽ hãnh diện nếu em đi với anh.” Cô nói: “Em sợ anh ân hận.”
Ngày thứ tám. Hôm nay cô ở Lạng Sơn. Cô nhắn tin cho người yêu: “Có một người theo em từ Sài Gòn ra tới đây. Ngày nào hắn cũng đòi gặp em. Nhưng em đều tìm cách thoái thác. Em nhớ anh.”
Ngày thứ chín. Cô ở Sapa, nhắn tin cho người yêu: “Em quyết định gặp hắn.” Người yêu cô nhắn lại: “Tùy em. Đừng quên anh yêu em.”
Hắn gọi cho cô: “Em ra chỗ sân nhà thờ đi.”
Cô đi đến chỗ người bán khoai lang nướng. Cô thích ủ củ khoai nóng trong tay.
Hắn gọi: “Em đến chưa?” Cô nói: “Em đến rồi. Anh đâu?” Hắn nói: “Em hãy nhìn lên thánh giá nhà thờ. Anh đang ở trên đó.”
Cô ném củ khoai lên trời, đồng thời miệng văng ra một câu chửi thề.

Thật ra, câu chuyện này cũng chỉ là một truyện hắn viết trên blog.

21.8.2010





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #7

NHỮNG CÔ GÁI VẪN HÀNH KINH
Cô ấy nói: “Em không cảm thấy có chút máu mủ nào với con người, kể cả bố mẹ em.” Dù thế, tôi không thể kết luận cô là người ngoài hành tinh vì những cảm thức khác thường đó.
Những cô gái vẫn hành kinh. Đó là một bằng chứng hiển nhiên nhất về phụ nữ.
Nhưng tôi biết sự cô độc và niềm kiêu hãnh mới chính là cô.
Cô nói tiếp: “Anh sẽ không bao giờ hiểu được em. Anh chưa bao giờ tin em.”
Tôi bảo: “Ít nhất anh tin vào tình yêu của em.”
Dẫu sao chúng tôi vẫn ôm ấp và làm tình triền miên mỗi khi có thể.
Cô nói: “Không, con người thật của em không yêu ai.”
Như vậy, cô có một con người thật mà tôi không biết và một con người vẫn ăn ngủ với tôi. Có thể tôi chẳng cần biết con người thật kia là gì, ngoài con người mà tôi vẫn hôn hít và say đắm. Nhưng yêu cô, tôi không thể giữ phần này, loại trừ phần kia. Vì thế, cái thế giới còn lại của cô luôn là một thách thức cho một khát khao tuyệt đối của tôi về tình yêu. Đôi khi tôi nghĩ, có thể cô là một trong những sinh vật ngoài trái đất đang hiện hữu và tìm cách tác động vào cuộc sống nhân loại. Hoặc đó chỉ là hiện tượng phân thân, tự kỷ, tâm thần phân liệt... của một con điên, hay một trạng thái hỗn mang của thiên tài.
Tôi hỏi: “Cái phần làm tình của chúng ta ở đâu trong em?”
Cô bảo: “Cái đó là của trần gian. Em không thuộc về trần gian.”
Còn hơn cả sự nghiêm túc khi cô nói những điều như thế. Hoang đường và siêu việt.
Tôi nói: “Làm thế nào anh có thể đến với cái không thuộc về trần gian ấy?”
Cô bảo: “Tình yêu của anh không đủ.”
Tôi không biết thế nào là đủ nên chỉ biết đụ.
Tôi nói: “Dẫu sao em đã đến trần gian. Và anh yêu em theo cái cách của trần gian.”
Cô bảo: “Thật ra, anh yêu em chỉ để thoả mãn chính anh.”
Tôi nói: “Đó chỉ là một nửa sự thật. Một nửa còn lại là sự cung hiến anh cho em. Anh thuộc về em.”
Cô bảo: “Không. Anh xạo. Anh đang nói những câu của thập niên 60 thế kỷ trước. Em chỉ là một con đĩ của anh.”
Tôi nói: “Ý tưởng về một con đĩ hình như còn xưa hơn thế.”
Cô bảo: “Em không muốn ở bên anh nữa.”
Tôi nói: “Tuỳ em. Nhưng anh chỉ muốn nói rằng, anh luôn luôn yêu em.”
Những cô gái vẫn hành kinh. Và mỗi lần hành kinh, thế giới lại thay đổi.

SỰ CHIA CẮT VÀ NHỮNG KHOẢNG TRỐNG TRONG LINH HỒN
Có một thế giới khác đâm xéo vào hiện hữu của cô. Nó chẻ cô ra làm hai mảnh nhìn theo chiều dọc. Ở giữa cô là một gạch chéo (/). Nếu nhìn từ trên xuống chỉ thấy như hai dấu chấm (:). Ở giữa cô là một khoảng không.
Một gạch chéo hay hai dấu chấm của một khoảng không đều tạo ra sự khác biệt. Những sự khác biệt này làm cho hiện hữu của cô trở nên bất tương thông và không thể giải thích. Ngay cả cái thế giới đâm xéo vào cô ấy cũng không thể lý giải. Mặc dù nó vẫn là một thực tại nhãn tiền làm cô đau rát.
Tôi không thể định nghĩa được cô. Nhưng tôi yêu cô cho dù cô vẫn bảo tình yêu của tôi không thật. Riêng điều này tôi có thể hiểu. Tôi không phải là một là một cây que dài có thể xiên hết các hiện hữu của cô thành một xâu. Nếu nhìn ở một trong hai phía của cái gạch chéo (/), tôi chỉ là (hay tình yêu của tôi chỉ là) cái mũi nhọn ở đầu đinh (không phải toàn bộ cây đinh). Nếu nhìn từ trong cái khoảng không của hai dấu chấm (:), tôi (hay tình yêu của tôi) chỉ là một giọt nước tan trong vô vọng.
Bởi vì không thể định nghĩa được cô, tôi trở thành kẻ khờ khạo khi yêu cô. Mặc cho cô đưa đẩy (và đôi khi hãm hiếp) trong cái ma trận hiện hữu của cô. Tôi không bao giờ biết hay hiểu toàn bộ về cô. Nhưng điều ấy lại giúp mang lại cho tôi những cảm giác luôn luôn mới khi đi vào trong cô. Và tôi thật sự tin rằng có rất nhiều cái gạch chéo (/) chia cắt cô, cũng như có rất nhiều cái hai chấm (:) tạo ra sự trống rỗng vô biên nơi cô.

& CÔ GÁI ĐI TRÊN NÚI
Cô nói: “Hôm nay có một em khác đến với anh.”
Tôi không bao giờ dám đùa theo kiểu “gái nào cũng là gái.” Nhưng tôi vẫn nói: “Mỗi ngày em là mỗi một mối tình. Sự bất tận của những hoá thân nơi em là sự vô luân thần thánh.”
Cô cười: “Anh cũng tự phong thánh cho mình đấy à?”
Tôi bảo: “Đôi khi anh cảm thấy mình bất xứng.”
Cô nói: “Sướng thì cứ hưởng đi.”
Cô ngồi trên người tôi và cho tôi thấy một hiện thân của cô.
Tôi đã nhìn thấy một ngọn núi. Trên ngọn núi ấy mọc đầy những cây cỏ tranh dài sắc như lớp lông phủ trên con mãnh thú. Và con mãnh thú toả sắc trên từng sợi lông lóng lánh nhưng mượt mà như thể tất cả những giác quan đang ngủ. Cuộc săn mồi của con mãnh thú chỉ bắt đầu khi đôi mắt của nó rực lên. Khi ấy, linh hồn tôi mềm nhũn. Nhưng cả thân xác tôi cứng đờ. Tiếng cô nói: “Em đến từ ánh sáng và mang bóng tối đến cho anh.” Sau đó tất cả thế giới còn lại chỉ là những tiếng gầm của con mãnh thú. Khi linh hồn và thân xác tôi trở thành những âm vang, tôi đã thấy cùng lúc một ánh sáng và một bóng tối bao phủ. Tôi không biết mình rơi vào trạng huống của sự minh trí hay mù mịt. Và ngọn núi càng lúc càng dâng cao mãi. Tôi cũng không biết đó là sự sống hay sự chết. Tiếng cô nói: “Em sẽ hoán cải anh thành nước.”
Trước khi tôi thật sự biết mình là ai, tôi thấy mình có mùi nước đái của cô.

6.9.2010





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #8

CẮT TIẾT
Chúng bẻ quặp hai tay tôi ra sau lưng. Một tên khác trói cẳng tôi lại bằng sợi dây cước. Rồi chúng dốc ngược treo tôi lên cái xà tập thể dục, đầu chúi xuống đất. Một tên cầm con dao Thái Lan cán vàng cứa vào cổ tôi ngay chỗ động mạch cảnh, trong lúc tay kia của hắn nắm tóc bẻ đầu tôi quẹo qua một bên. Máu chảy ồng ộc xuống cái thau.
Trước khi tôi không còn biết gì nữa, một tên nói: “Máu con gà này không đông.”

BÀN NHẬU
Tôi thơm trên bàn nhậu. Nhưng tôi không phải món “mỹ nhân hấp hành”. Tôi chỉ là một con gà biết gáy và món nhậu này được gọi “thi sĩ nướng đất sét”. Những người nhậu tôi cũng là thi sĩ. Họ làm thơ ca ngợi cuộc chiến đấu vĩ đại mà họ đã từng trải qua trong thời trẻ. Trong lúc khật khùng vì rượu họ vẫn đọc thơ cho nhau nghe và nghe nhau tâng bốc.
Trong thế giới các loài vật, thật ra tôi cũng là một thi sĩ. Và thơ của tôi là ánh sáng của gươm đao, nhưng tôi không giết đồng loại.
Dù sao, tôi cũng rất hài lòng khi các bạn nhậu bảo “thịt thằng này dai nhưng ngon.”

HỒI QUANG TỪ ĐỊA NGỤC
Một điều chắc chắn, tôi cũng có linh hồn như bất cứ sinh vật nào, dù tôi chỉ là một con gà. Bởi thế sau khi chết đi, linh hồn tôi vẫn tồn tại. Và chỉ sau khi chết đi bạn mới biết được rằng tất cả các linh hồn đều bình đẳng như nhau, dù là con người hay con vật. Sự tồn tại của linh hồn tôi giờ đây chỉ còn là những tiếng gáy. Nó làm cho những linh hồn muốn an nghỉ không an nghỉ được, những linh hồn không muốn an nghỉ sẽ đòi sống lại. Và bởi tất cả mọi linh hồn đều sống trong địa ngục, nên tiếng gáy của tôi luôn được đáp lại bằng lời chửi rủa “mày là thằng khốn nạn.”

5.1.2011





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #9

CĂN NGUYÊN
“Có thể tất cả mọi thứ đều nhảm nhí, ngoại trừ việc em ngủ với anh.” Tôi nói với cô gái trong khi cô đang chạy trốn tôi bằng cách nói rằng “anh là thằng khốn nạn nhất mà tôi từng gặp.” Có thể có nhiều thằng khốn nạn đi qua đời cô, tuy nhiên việc trở thành thằng khốn nạn nhất cũng không làm cho cuộc chạy trốn của cô trở nên dễ dàng hơn. Bởi vì không phải cô chạy trốn tôi mà chính là cô chạy trốn một sự thật, cô yêu tôi nhất trong số những người cô đã yêu. Và tình yêu ấy thật ra chỉ là sự dày xéo của thời gian với những khoảnh khắc thảng thốt chênh vênh của tồn lưu sinh thể mơ màng sau cái cực điểm khoái lạc của sinh thể tồn lưu cô độc khốn cùng. Đấy có thể là lý do khiến cô phải luôn luôn chạy trốn và luôn luôn quay về.

TRÚ XỨ
“Em phải ăn thịt anh. Cắn xé anh.” Cô gái nhắn tin cho tôi trong lúc tôi nghĩ tôi không còn thuộc về cô nữa. Đó là một khoảng cách được dựng lên bởi tính hoang đường của tình yêu mà những kẻ yêu nhau thường ngộ nhận về nó. Và bởi vì tôi cũng ý thức được cái bất khả của tin nhắn kia cho nên tôi đã im lặng. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn gặp nhau sau đó như đã không có bất cứ một sự mong nhớ gầm gừ nào. Tôi nói với cô, “Thượng đế đã xơi hết các món hiến tế rồi.”

NGUYỆT HÀNH
Máu là biểu tượng của sự hiến tế linh thiêng nhất mà con người có thể dâng lên Thượng đế. Có lẽ vì thế mà đàn ông phải đồ máu nơi chiến trường, đàn bà phải đổ máu cho tính thể tồn lưu thân phận. Đó cũng là lý do mỗi khi có kinh, cô cuồng lên như chó sói và tôi giống như một con dê non béo. Trong cuộc hiến tế này, Thượng đế đã mất phần của mình. Những lúc như thế, tôi nhìn thấy rõ Thượng đế hơn bao giờ hết.

19.1.2011





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #10

TÔI ĐƯỢC SINH RA VÀ TÔI KHÔNG BIẾT TÔI ĐƯỢC SINH RA ĐỂ LÀM GÌ
Năm 20 tuổi, tôi thích “Ngày sanh của rắn” [*] vì sự kiêu ngạo của nó.
Năm 30 tuổi, tôi thích ngày sinh của tôi dù tôi đã không ăn mừng hay viết gì về nó.
Năm 40 tuổi, tôi thích ngày sinh của những đứa con vì đó là hạnh phúc của tôi.
Năm 50 tuổi, tôi thích ngày sinh của vợ tôi với lòng biết ơn.
Năm 60 tuổi, tôi thích ngày sinh của mặt trăng vì sự kỳ diệu của nó.
Tôi không biết có thể sống đến năm 70 tuổi hay không, tuy nhiên tôi tin rằng lúc ấy tôi sẽ không thích bất cứ một ngày sinh nào kể cả của tôi, bởi vì tôi không giải thích được tôi sinh ra để làm gì.

TẠI SAO TÔI KHÔNG CHẾT ĐI
Tôi cần sống để tìm giải đáp cho câu hỏi “tôi sinh ra để làm gì?”

NẾU TÔI BIẾT ĐƯỢC TÔI SINH ĐỂ LÀM GÌ THÌ LIỆU TÔI CÓ NÊN SINH RA HAY KHÔNG
Chúa bảo tôi được sinh ra bởi tình yêu thương của người và mỗi ngày mỗi tín hữu như tôi phải đọc kinh cám ơn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy được sinh ra là một ân huệ, mặc dù tôi vẫn biết sự sống là kỳ diệu. Đến lúc này, tôi lại nghĩ sự chết còn kỳ diệu hơn. Và sự thật, tôi vẫn sống để cho sự chết được toàn vẹn như nó phải thế.

29.1.2011





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #11

CON ỐC
Nó nằm sâu trong bùn trong một lớp vỏ kín và cứng. Thật thầm lặng. Không có một cảm giác nào đi qua nó ngoài sự mềm mại và ấm áp quen thuộc của lớp bùn xung quanh. Khi có một con ốc khác với một sự thầm lặng khác xuất hiện bên cạnh, thì sự thầm lặng của nó càng lúc càng trở nên thầm lặng hơn. Và khi đến tột cùng của sự thầm lặng, nó toát ra một cơn khoái cảm bản năng sâu kín tràn vào lớp bùn. Con ốc kia ngạt thở và hớp lấy cơn khoái cảm ấy vào đáy sâu kín của mình. Cũng thầm lặng như sự giấu mặt của thượng đế.

ĂN ỐC
Sau tết, tôi rủ cô Ba đi ăn ốc. Nhìn những con ốc len xào dừa thơm trên dĩa, cô Ba cười hỏi: “Ốc làm công việc truyền giống như thế nào nhỉ?” Tôi nói ốc len thuộc loài lưỡng tính như nhiều loại ốc khác, mỗi con có hai bộ phận sinh dục đực và cái. Khi có nhu cầu truyền giống, chúng chui ra khỏi vỏ quấn lấy nhau và bộ phận sinh dục đực của con này “làm việc” với bộ phận sinh dục cái của con kia, và ngược lại. Mỗi lần làm tình của chúng kéo dài khoảng 12 giờ đồng hồ.
Nghe đến đó, cô Ba sặc.

& NÓI MÒ
Cái chết là một cú vượt thoát khỏi thời gian. Và thời gian thật ra chỉ là một định lượng của sự sống. Và vì thế, sự vĩnh cửu không còn là một định lượng. Và những kẻ có cơ may vào nơi vĩnh cửu sẽ giải thoát thời gian khỏi mọi tâm thức. Và bất kỳ sự hiện hữu ngoài thời gian nào cũng là thượng đế. Và vì thế, thượng đế không phải là kẻ sáng tạo.

17.2.2011





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #12

MADE IN CHINA
Phỏng vấn Hồ Cẩm Đào. 
Phóng viên (PV): Thưa ông Tổng bí thư, người ta nói Trung Quốc là xứ sở ăn thịt người. Ông có thể xác nhận việc này?
Hồ Cẩm Đào (HCĐ): Ông có nhìn thấy không?
PV: Chúng tôi thấy những hình ảnh đó trên internet.
HCĐ: Đó là do các thế lực thù địch Trung Quốc tạo nên. Không phải người Trung Quốc làm chuyện đó.
PV: Cũng trên internet, chúng tôi biết Trung Quốc là một nước sản xuất băng đĩa giả lớn nhất thế giới.
HCĐ: Ông hãy cho chúng tôi biết ở đâu không làm hàng giả?
PV: Chúng tôi cũng biết Trung Quốc sản xuất bánh bao có nhân giấy cạc tông, dầu ăn từ nước cống, trứng gà giả, sữa có hóa chất độc, những sản phẩm chứa hàm lượng chì cao quá mức cho phép và không thể kể hết những thứ hàng giả, hàng nhái…
HCĐ: Ông có thấy người Trung Quốc thông minh không?
PV: Vâng, người Trung Quốc rất thông minh. Nhưng xin hỏi ông, cuộc cách mạng vô sản và cách mạng văn hóa có phải là biểu hiện đích thực sự thông minh của người Trung Quốc?
HCĐ: Chắc là ông có những nhầm lẫn lịch sử.
PV: Ông nhận định thế nào về tình hình Trung Đông và Bắc Phi hiện nay?
HCĐ: Tất cả những vụ nổi loạn đó đều do các thế lực phản động nước ngoài xúi giục, cũng không loại trừ do bọn Hồi giáo cực đoan như al-Qaeda mua chuộc khuấy động. Tôi nghĩ các chính quyền ở đó cần học bài học Thiên An Môn của Trung Quốc.
PV: Một câu hỏi cuối. Người tôi đang phỏng vấn là Hồ Cẩm Đào thật hay giả?
HCĐ: Người Trung Quốc chúng tôi có câu: “Lộng giả thành chân”, hoặc nói theo kiểu Việt Nam các ông: “Vậy mà không phải vậy”. Tuy nhiên, nói theo kiểu Đức Khổng Phu Tử của chúng tôi là “phải hay không phải chính là phải vậy”.
PV: Vâng, xin cám ơn ông.

MADE IN LIBYA
“Jeremy Bowen: Ông được biết là lãnh đạo tại đây và đã là lãnh đạo trong rất nhiều năm rồi. Có rất nhiều người ở nước này nói rằng ông chính là cản trở lớn nhất cho thay đổi?
Đại tá Gaddafi: Ngược lại thì có. Sự hiện diện của tôi là để thúc đẩy và khuyến khích người dân có bất cứ thay đổi nào mà họ muốn, cũng như không có những thay đổi mà họ không mong muốn…
Bowen: Trong những năm gần đây, ông đã thiết lập lại quan hệ với các nước phương Tây. Các lãnh đạo quan trọng như Tony Blair cũng đã tới đây. Nhưng nay có các lãnh đạo phương Tây nói rằng ông nên từ chức. Ông có cảm thấy bị phản bội không? Ông đã bao giờ coi họ là bạn chưa?
Gaddafi: Dĩ nhiên như vậy là phản bội. Họ không có đạo đức. Ngoài ra, nếu họ muốn tôi từ chức thì tôi từ chức gì? Tôi có phải ông vua đâu.
Bowen: Nhưng ông đã có diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, và nói đến Libya là nói đến ông, ngay cả khi ông không có danh hiệu chính thức.
Gaddafi: Đó là danh dự, chứ không có gì động chạm đến thực thi quyền lực hay quyền hạn gì hết. Ở Anh, ai nắm quyền? Nữ hoàng Elizabeth hay David Cameron? Các ông không hiểu được hệ thống ở Libya đâu... Ông thực sự không hiểu hệ thống đang được áp dụng tại Libya đâu.
Bowen: Tôi hiểu hệ thống ông có tại đây, nhưng ở quốc tế, ông được coi là lãnh đạo.
Gaddafi: Ông không hiểu hệ thống tại đây. Đừng có nói ‘tôi hiểu’ - ông không hiểu gì hết. Và thế giới cũng không hiểu hệ thống tại đây. Quyền lực của nhân dân. Các ông không hiểu điều đó đâu.
Bowen: Thế người dân thể hiện quyền lực của mình như thế nào? Bởi vì một số người đổ ra đường biểu tình nói rằng người của ông đã bắn họ.
Gaddafi: Không có biểu tình gì hết trên đường phố. Ông có trông thấy biểu tình không?
Bowen: Có, tôi có trông thấy.
Gaddafi: Ở đâu?
Bowen: Tôi trông thấy một số người hôm nay.
Gaddafi: Ở đâu?
Bowen: Tôi trông thấy một số người biểu tình ở Zawiya. Hôm qua tôi cũng trông thấy biểu tình.
Gaddafi: Họ ủng hộ chúng tôi.
Bowen: Không, họ không ủng hộ ông đâu. Có một số người chống ông, và một số ủng hộ ông.
Gaddafi: Họ không phải chống chúng tôi. Không ai chống chúng tôi hết. Chống chúng tôi để làm gì? Bởi vì tôi không phải là Tổng thống. Họ yêu tôi. Tất cả nhân dân đều sát cánh với tôi, họ đều yêu tôi. Nhân dân tôi sẽ chết để bảo vệ tôi.
Christiane Amanpour: Nếu ông nói họ đều yêu ông thì tại sao họ lại chiếm Benghazni và nói họ chống lại ông?
Gaddafi: Đó là al-Qaeda đấy. Nhân dân tôi không như thế đâu. Họ là những người ngoài.
Bowen: Vậy đó là những người kéo các áp phích xuống và treo cờ của vua?
Gaddafi: Đó là al-Qaeda, chúng vào các căn cứ quân sự, tịch thu vũ khí và khủng bố nhân dân. Những người mà có vũ khí là các thanh niên. Họ bắt đầu hạ vũ khí vì thuốc phiện mà al-Qaeda cấp cho họ đang hết tác dụng.
Bowen: Vậy đó là những người kéo các áp phích xuống và treo cờ của vua?
Gaddafi: Đó là al-Qaeda tới các khu quân sự và đồn cảnh sát, bắt giữ súng ống và giờ đây khủng bố mọi người, rồi giờ đây đổ ra đường phố. Họ không có yêu cầu gì, đòi hỏi gì. Họ không hề dựng ra các cuộc biểu tình.
Bất cứ nơi đâu, cho dù là LibyaNigeria hay Afghanistan, người ta không đổ ra đường phố hay dựng lên các cuộc biểu tình.
Những người đó có vũ khí, họ là thanh niên, còn trẻ, không biết al-Qaeda. Giờ đây, họ đã bắt đầu hạ vũ khí xuống, bán chúng đi và quay trở về nhà. Giờ đây, họ đang tỉnh khỏi những ảo giác của thuốc phiện người ta cấp cho họ.
Bowen: Đại tá Gaddafi, ông sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng này thế nào? Một phần lớn của đất nước giờ đang nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy. Áp lực của nước ngoài lên ông cũng đang rất lớn. Mọi chuyện sẽ chấm dứt như thế nào?
Gaddafi: Chúng tôi không bận tâm về áp lực của nước ngoài.
Bowen: Thế còn thực tế là ông đã mất quyền kiểm soát một phần lớn đất nước thì sao?
Gaddafi: Chúng tôi quan tâm tới nhân dân, và nhân dân tôi ủng hộ tôi. Chúng tôi chắc chắn về bản thân mình. Chúng tôi sẽ trụ lại, còn họ sẽ đổ vỡ.”
(Cũng theo BBC, Đại tá Gaddafi là người bạn thân thiết của Việt Nam).

MADE IN VIETNAM
Phỏng vấn con Rùa.
- Thưa cụ, cảm nghĩ của cụ khi được nhân dân Việt Nam kính trọng gọi bằng cụ?
CỤ RÙA: Sướng. Rất sướng. Cực kỳ sướng.
- Nếu tính theo phả hệ thì cụ là thế nào với các bác, các chú và bố mẹ con ạ?
CỤ RÙA: À, cái này thì phải hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Xin mạo muội thưa cụ, nếu chẳng may cái vụ lở mồm long móng này không xong thì di chúc của cụ thế nào ạ?
CỤ RÙA: Cái này thì chờ tôi xin ý kiến lãnh đạo.
- Thưa, lãnh đạo cụ là ai ạ?
CỤ RÙA: Còn phải hỏi.
- Thưa, cụ có thể cho biết bí mật cái vụ thương tích, hay bảo tồn này là thế nào không ạ?
CỤ RÙA: Tôi cũng hỏi thật cậu nhé. Đứa nào vất mấy cái con rùa cái giang mai, lậu mủ, mồng gà, hoa khế xuống hồ vậy?
- Thật tình con không biết.
CỤ RÙA: Cái gì cũng không biết mà đòi làm báo à?
- Biết hay không biết không phải là vấn đề của con ạ.
CỤ RÙA: Thế thì nó là vấn đề của ai?
- Dạ, để con xin ý kiến lãnh đạo rồi trả lời cụ.
CỤ RÙA: Thế lãnh đạo của cậu là ai?
- Cụ cứ đùa.
CỤ RÙA: Này, tôi tiết lộ tí bí mật lịch sử cho cậu biết nhé. Cái con rùa mà nhân dân các cậu nghĩ là thần Kim Qui, Rùa Vàng hay con tiều nào đó trong lịch sử các cậu nó ngủm từ khuya rồi. Tớ là rùa sản xuất tại Quảng Đông “Made in China” đấy. Vận nước của các cậu nằm trên mu tớ. Không tin cứ hỏi mấy thằng thày bói hay Hồ Cẩm Đào xem.

9.3.2011





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #13

CON BÒ VÀ TÔI
Nó là một loài thú siêng năng. Và có thể làm giàu nếu người ta cho nó quyền tư hữu. Nhưng không phải vì thế mà nó không biết hưởng nhàn.
Nó vẫn nhìn bầu trời khi ngồi nhai lại mớ rạ.
Đôi khi trước hư vô, nó cũng rống lên bảo rằng “tôi là bò và tôi hiện hữu”.
Và trong hố thẳm, nó chảy nước mắt. Không thể nào buồn hơn.
Và trước mặt tôi, nó nói: “tôi không quan tâm đến việc tôi ở trong chuồng hay ngoài chuồng”.
Tôi nghĩ, nó chưa bao giờ biết đến những đồng cỏ bao la và những cánh rừng huyễn hoặc. Và nó chưa bao giờ biết sống một mình. Chưa bao giờ biết hoang vu. Chưa bao giờ biết điên dại. Chưa bao giờ đâm sừng vào bóng tối.

TÔI VÀ CON BÒ
Tôi kéo lê đời tôi lên đồi thương khó. Và tôi đã ngã ba lần.
Lần thứ nhất, mẹ tôi nâng tôi dậy và bảo: “Mẹ sẽ không bao giờ để mất con”.
Lần thứ hai, một cô gái nâng tôi dậy và bảo: “Em sẽ luôn luôn bên anh”.
Lần thứ ba, một người đi đường đã đạp lên thân tôi một đạp và bảo: “Cho mày chết”.
Tuy nhiên, tôi đã không chết. Lúc ấy, có một con bò đã mang sữa cho tôi và nó nói: “Đây là sữa của tôi. Ông đừng ngại”.
Sau khi đã no, tôi đủ sức leo lên lưng bò và cùng nó băng qua phía bên kia của đồi thương khó.

16.3.2011





CỰC NGẮN LIÊN HOÀN #14

CHIẾC ÁO LÔNG NGỖNG [*]
Họ được quyền im lặng
Vì đang ăn (cái gì đấy thì ai cũng biết)
Đứng trên đỉnh Yên Tử, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhìn thấy 9 ngàn tàu cá lạ hôm trước, chưa kịp nói gì, hôm sau lại thấy 23 ngàn tàu cá khác giương khẩu hiệu 16 chữ vàng và 4 tốt từ phương Bắc xăm xăm đâm xuống Biển Đông. Ngài phán: “Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.”
Hắn tâu: “Vâng, thưa Phật hoàng, chính xác là 80% của 3,5 triệu km vuông Biển Đông.”

Họ bắt người khác cũng phải im lặng
Vì đấy là quyền của họ
Phật hoàng đập cây thiền trượng vào tảng đá, lại phán: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu.”
Hắn tâu: “Nhưng thưa Phật hoàng, chúng con đi biểu tình chống Tàu đều bị bắt, bị đánh và bị làm nhục.”

Họ há miệng mắc quai
Đôi khi chỉ vì họ là thế
Khi ông Chu Ân Lai và bà Đặng Dĩnh Siêu đứng chủ hôn cho ông Hồ Chí Minh lấy vợ Tàu thì cũng là lúc lịch sử được lập lại, ông Hồ Chí Minh trở thành một thứ Mỵ Nương và Đảng Cộng sản Việt Nam chính là chiếc áo lông ngỗng của thời đại mới.

KIM TRỌNG, LỤC VÂN TIÊN & NHỮNG NHÂN VẬT KHÁC
Mao Trạch Đông bảo lũ trí thức không bằng cục phân.
Phật hoàng hỏi: “Sĩ phu của đất nước đâu?”
Hắn thưa: “Một số họ cũng sợ há miệng mắc quai, một số khác biết nhưng vẫn ngậm bồ hòn, một số vẫn còn đang ngủ ạ.”
Phật hoàng lại hỏi: “Trần Quốc Tuấn đang ở đâu?”
Hắn thưa: “Con không biết. Chỉ thấy Trần Quốc Toản thôi ạ.”
Phật hoàng thở dài.

Dưới âm phủ, cụ Đồ Chiểu nhìn thấy rõ mọi sự, còn Nguyễn Du đến nay mắt vẫn chưa quen với bóng tối.
Phật hoàng bảo: Hãy giải thích cho ta xem vì đâu nên nỗi?
Hắn tâu: “Thưa Phật hoàng, có lẽ cũng tại hai ông nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Du cả.”
Phật hoàng hỏi: “Làm thơ thì có lỗi gì?”
Hắn tâu: “Thưa Phật hoàng, làm thơ thì không có lỗi, nhưng định hướng tư tưởng cho thơ thì nhất định có sai lầm.”
Phật hoàng cắt ngang: “Cái này là tội của Ban Tuyên giáo, chứ sao lại đổ lỗi cho nhà thơ?”
Hắn tâu: “Dạ, con không biết. Nhưng cứ xét từ văn bản, Vương Thúy Kiều lúc nào cũng sẵn sàng thỏa hiệp, Kim Trọng thì vừa sĩ vừa hèn... “
Phật hoàng lại ngắt lời: “Có phải ngươi muốn nói rằng đấy là tính cách điển hình của lũ trí thức các ngươi?”
Hắn ngập ngừng: “Tuy vậy, vẫn còn Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga ạ.”
Phật hoàng ậm ừ: “Có thể... Có thể...”

Cả dân tộc này chết vì Truyện Kiều.
Hắn email cho Phật hoàng và dẫn các đường link cho ngài đọc:

29-8-2012


Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment