NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG - BÀI THƠ VIẾT TRONG ĐÊM THÁNG GIÊNG KHI TA BỊ ĐAU RĂNG / ĐÊM THẤY TA LÀ XÁC ĐỔ / CỦA CHUỘT VÀ MẸ / MỘT KỶ NIỆM TỪ THỜI NAM BẮC PHÂN TRANH / BÀI THƠ CUỐI NĂM - thơ


BÀI THƠ VIẾT TRONG ĐÊM THÁNG GIÊNG KHI TA BỊ ĐAU RĂNG

cái mặt cuội già méo xẹo trong
gương
là mi đó à
ôi đáng thương nhưng không tội
nghiệp

từ chiều đông muộn
còn buốt giá tới xương
tiếng nước tuôn xuống máng xối
(không xa xôi)
tiếng vù vù
(không do lũ ruồi nhặng bu)
tiếng bánh sắt nghiến
(không bởi một con tàu điện)
đã hành hạ ta mãi
cho tới lúc thật khuya

mi chẳng tham ăn mà cớ chi mi
lại bị

trừng trị?

răng của đại dương xanh
(cá mập)
răng của tư bản đỏ
(cá sấu)

có bị nhức nhối không nhỉ?





ĐÊM THẤY TA LÀ XÁC ĐỔ

xuân canh dần khiến nhớ tết mậu thân
(khi xem youtube giữa đêm giao thừa)

ngắm một chàng trai quốc ngoại hát lơ
lớ giọng bắc kì
ca khúc trữ tình của đấng thiên tài nhạc

ta không thấy đoá hoa tường vi
ta không nghe tiếng bước chân phố lạ về
gác nhỏ
ngồi hát ca rất tự do

mà ta chỉ khiếp đảm vì hình dung rất rõ
dưới đáy rãnh mương hố chôn tập thể ở
huế
ta là một cái xác đổ ta là một cái xác đổ

xuân canh dần đừng quên tết mậu thân
(khi máu đỏ tung toé lên cánh mai vàng)





CỦA CHUỘT VÀ MẸ

Bà má của F. Sagan k/o sợ bom Ðức mà sợ
chuột
bom Ðức trong thế chiến 2
tất nhiên
con chuột thì nó đã lòi cái bản mặt
chuột
trong căn bếp của bà chủ nhà Marie Quoirez
sau một cuộc dội bom long trời lở đất
Lyon.

(Về các trận pháo kích vào thủ đô
Sài Gòn yêu dấu của miền Nam dấu yêu
sau Tết Mậu Thân 1968
mi còn nhớ thêm được gì
ngoài các bao cát nhỏ?)

Bà má của mi thì bả cũng rất là sợ chuột
(chuột dưới cống chuột trong bếp và
chuột trên đời)
dĩ nhiên dĩ nhiên dĩ nhiên
nhưng khi người tá điền
sau mùa gặt ra Cần Thơ nộp lúa để trả nợ
có đem theo một xâu chuột đồng biếu chủ
điền
bà đã bảo người nhà làm thịt và rô ti chuột
cho “nhà bếp” và “xấp nhỏ” ăn thêm
bà thì hiển nhiên không xơi thịt cầy mickey.

Ðó là trước năm 1945
thịt chuột đồng chiên béo ngậy
(và có mùi chuột dù đã được ướp muối sả)
hình như mi cũng có ăn hai cái đùi chuột nhỏ
và nuốt
trôi
vì lúc đó mi đã năm hay sáu tuổi đời
chị Hai và chị Ba đã có chồng ra ở riêng.

Mi thì ngủ chung với một chị vú tên Tiệc
cho mi ăn uống tắm rửa thay áo quần và
dắt mi đi chơi mỗi buổi chiều
gái quê đất Bắc “mưa phùn ướt áo tứ thân”
nhưng đã có làn da trắng mịn như gái Bến Tre
xứ dừa
cha mẹ là bần cố nông
mang con gái ra thế để trừ nợ ông bà ngoại
khi lên 16 lúc mẹ mi lấy chồng
ngoại cho chị Tiệc đi theo sang Nam Vang
hầu hạ
rồi đến năm 1939 cả nhà 10 người lớn bé
trở xuống Tham Tướng ở chung với ông bà ngoại
đã nghỉ hưu và đã trở về Nam
sau khi ba mi mất ở Sài Gòn.

(Có thể vì quá nghèo đói
luôn luôn thèm khát một bữa ăn no nê
thật đầy bụng và thật khoái khẩu
mà bố mẹ đã đặt tên cho con gái là Tiệc?)

Trước khi tản cư chị Tiệc phải lòng một anh
thợ điện
chị trốn nhà bị bà ngoại và má đi lục tìm khắp
tỉnh lẻ Cần Thơ bắt về
ngoại và má ngồi trên giường ở nhà dưới
chị Tiệc ngồi dưới đất cúi đầu khóc lóc xin lỗi
ngoại tha tội và gả chị cho anh thợ điện
đôi uyên ương dọn về một căn phố nhỏ tối om
một màu đen đặc ấm cúng
ở gần chợ và nhà thương trên một con đường
hai bên có trồng
hai hàng bã đậu trưa nắng lửa cây rợp bóng
lá xanh.

Xin thưa tiếp:
Trong câu chuyện có bi thương
nhưng vào cái thời điểm ấy thì cũng rất là quá
bình thường
chỉ vỏn vẹn
vâng, xin thưa chỉ vỏn vẹn có hai người
lau mắt
là chị vú
và đứa bé
vì hai lẽ.





MỘT KỶ NIỆM TỪ THỜI NAM BẮC PHÂN TRANH

khuya khuya khuya
khuya lắc khuya lơ
thức khuya rất khuya
đọc truyện ko tàu đọc thơ ko nhật
coi phim
ko chưởng ko hiệp khách
tớ thích ăn lót dạ già bằng một bữa
khuya rất khuya
với cơm nguội do mình nấu nồi điện
và với cá thu hộp
hơn là nhai pizza
zai nhách
jao tận nhà
vì tệ xá ở gần xịt một cái tiệm bán
pizza

thích tuna
in sunflower oil
có thể là vì khi đi lính 9 tuần
với các đồng nghiệp bức xúc gõ đầu trẻ
cuối tuần được dìa phép
chiều chủ nhựt buồn đeo xe lam trở vô trại
trước khi băng qua đồng khô vào cổng hậu
tớ luôn luôn mua vài
lon cá thu small size
đồ phế thải hay buôn lậu của lính G.I.
ở cái chợ chồm hổm có bán đủ thứ ly kỳ
lặt vặt từ các PX phục vụ lính Mỹ
để ăn đệm với cái cà mèn cơm ôi
binh nhì VNCH rất khó nuốt trôi

bạn đọc sẽ bĩu môi
chỉ vậy thôi mà
cũng lê thê thơ với chả thẩn
làm mất thì giờ quý báu của thiên hạ
chán wá

xin thưa
chán thật





BÀI THƠ CUỐI NĂM

1.

Giết tay không gớm người
(một cách nói đùa dù không muốn tếu)
nhưng cắt tay ai
và để làm gì
bởi tay người không quí bằng chân gấu
nếu cắt tay bọn quỉ đỏ cứa cổ dân đen
khi thời cơ đến
chỉ cốt để trả thù
thì dã man quá
có phải không ạ?

Rồi tôi nghĩ tới chiếc ghế tuy trống mà không
vắng
và bài thơ của Thanh Bình đã vỗ cánh bướm hồng [*]
(trên Tiền Vệ)
những chấn song
những chấn song bát ti kiên cố
trung quốc việt nam hay bất cứ nơi đâu
dù gì cũng chỉ là những chiếc gậy sắt chóng chầy
sẽ đập gãy lưng
những kẻ sử dụng chúng.

2.

Cuối năm tây tôi soi ngắm bóng hình mình trong gương
đẹp như thần tượng
nằm dưới mương
ở ngả ba đường
của kiếp sống tha phương
(không cần nước mắt trông về miền quê lai láng cải lương)
tôi vẫn nhớ nhưng không còn muốn nghe cô Thái trẻ ngày xưa
                                                         ca tình hoài hương
một quê hương huyền thoại chỉ có trong trí tưởng tượng
của ông nhạc? sĩ mơ tiên sính kể những chuyện hoang đường.

3.

- Ôi những cánh bướm chữ chập chờn ngũ sắc
của văn nghệ văn gừng mải mê đánh trâu thời điện toán
rồi sẽ tạo được hay không những cơn giông bão nào đây?


[*]Bài thơ Nỗi hiện diện vắng mặt của Nguyễn Thị Thanh Bình (Tiền Vệ, 19.12.2010)
29.12.2010

Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment