ĐỖ KH. - KÝ SỰ ĐI TÂY: CÁI QUYỀN LÀM ÍT / NGƯỜI BẠN CHƯA CHỒNG / LE, LA BAGUETTE / CON ĐƯỜNG TỐI CỔ / NHỮNG BIỂN MIỀN NAM / LỜI NÓI SAU - phiếm


CÁI QUYỀN LÀM ÍT

Làm hãng hàng không, một tuần bay mười sáu tiếng, một năm lãnh mười lăm tháng lương, được năm tuần lễ nghỉ, mùa hè nghỉ mát, mùa đông nghỉ nóng, được mua vé rẻ dắt người sống chung đi du dương du âm, được quyền than phiền và lâu lâu lại được quyền đình công. Trong xã hội Tây, kể ra thì cô này là người được hậu đãi. Những người còn lại, đa số thầm lặng, phải cắn răng quần quật một tuần ba mươi tám hay ba mươi chín tiếng và mỗi năm chỉ lãnh lương có được (ít thì) mười hai tháng, (thường thì) mười ba tháng nhưng cái năm tuần lễ nghỉ thì ai, đi làm hay đi buôn bán, nó là cái quyền bất khả xâm phạm. 

Ở Pháp, không có gì thiêng liêng hơn là giày đi tuyết và áo tắm. Ði ngoài phố, đáp métro, quảng cáo mà bạn thấy nhiều nhất là về nghỉ mát. Nếu bên Mỹ, điều thứ mười một tu bổ của hiến pháp là quyền mua sắm, quyền chia động từ to shop hai mươi bốn tiếng một ngày và ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm thì bên Pháp, chính phủ hữu tả gì cũng vậy, tinh thần đoàn kết dân tộc, năm lăm triệu người như một, là tinh thần nghỉ mát. Thành thử ra, đối với người ở Mỹ sang chẳng hạn, nó có rất nhiều chuyện trục trặc bực mình. Quyền tự do mua sắm tối thượng bị xung đột và va chạm với quyền tự do nghỉ mát cao cả. Cái tuần lễ ba mươi chín tiếng làm việc khó mà dung hòa với thói quen tiêu thụ ngày đêm. Một tuần lễ có những một trăm sáu mươi tám tiếng mà như vậy thì các cửa hàng đóng cửa đến những ba phần tư. Ngày chủ nhật thì đừng có hòng. Ngày thứ hai, nhiều chỗ cũng không. Người ta mở cửa ngày thứ bảy thì trong tuần người ta phải lấy một ngày bù lại, phần đông là thứ hai để còn có hai ngày nghỉ liên tiếp, trừ những người siêng năng chịu khó, thì thôi, thở dài mà đóng cửa vào thứ ba hay thứ tư đi. Một ngày tám tiếng, làm công sở tư đã thế, chẳng lẽ làm hàng quán, cửa hiệu lại chịu bị thiệt thòi. Tôi nói thí dụ một hiệu sách (tôi thích hình ảnh, chữ nghĩa nên tôi lấy hiệu sách làm thí dụ, ngoài ra tôi lại vừa có được một quyển sách mới ra, tôi xin phép nhắc lại, tập mười một truyện ngắn và mang cái tên thơ mộng là “Cây Gậy Làm Mưa”, Tân Thư xuất bản, giá 12 USD), thí dụ một hiệu sách bình thường, không phải ở trung tâm mua bán, ăn chơi trong thành phố. Ở bên này, hiệu sách nhỏ bán báo, tạp chí làm chuẩn, nhiều khi có đủ cả giấy mực, vật dụng văn phòng và có cả sách nữa. Nếu siêng năng, để người đi làm sớm có báo mà đọc trên tàu lửa tàu điện thì họ mở cửa lúc bảy giờ sáng hay tám giờ. Ðến trưa, có làm thì phải có ăn, dĩ nhiên họ phải đóng cửa, nấn ná một chút để người đi làm vào giờ nghỉ còn có thể ghé qua mua vài cái vớ vẩn đọc trong khi dùng bữa. Chịu khó thì họ mở đến một giờ trưa, thường thì mười hai giờ rưỡi. Tại vì họ cũng phải ăn trưa nữa. Văn phòng bên Pháp lunch một tiếng hay là hai tiếng, cửa hàng lunch đến ba hay bốn tiếng, đến ba giờ rưỡi, bốn giờ chiều mới mở cửa lại. Văn phòng sáu giờ chiều đóng cửa, các cửa hàng phải đợi đến bảy giờ rưỡi, tám giờ nên trưa họ nghỉ bù. Cửa hàng tạp hóa, quần áo, đồ chơi người lớn và trẻ em gì cũng vậy, sáu bảy giờ rưỡi tối là kéo màn sắt hết, khái niệm đi chợ đêm là khái niệm ấp úng ở bên này. 

Lỡ tám giờ tối mà tôi đói thì sao, người khó tính thế nào cũng hỏi. Ngoài trường hợp có thể về nhà đun nước sôi đổ vào mì gói để ăn dằn bụng vừa theo dõi được chương trình tin tức buổi tối (vào lúc tám giờ tối) thì bạn có thể đi ăn tiệm. Nhờ những cửa hàng thực phẩm đóng sớm, nên ở bên này nguời ta chịu khó đi ăn tiệm. Như thế tốn tiền chết, ừ, nhưng mà vui hơn, ở đời chẳng có gì miễn phí. Người ta đi ăn tiệm, có vợ có chồng (hay người sống chung) thì người ta nắm tay nhau, không vợ không chồng thì người ta nháy nhó, rất là thích thú. Ở bên Pháp, phái nữ độc thân, không người hộ tống, có quyền lê la hàng quán, café hay đi ciné mà chẳng cần có bắp tay cuồn cuộn hay bàn tay lông lá nào bảo trợ. Nàng rút điếu thuốc ra nhìn quanh, hỏi “Có lửa không?” chàng lững khững lại gần, tay cầm Dupont, tay cầm Bic, tay cầm hộp diêm của nhà Seita (Công ty độc quyền sản xuất diêm quẹt) huýt gió một tiếng như là đối thoại giữa Lauren Bacall và Humphrey Bogart. Lãng mạn. Lãng mạn thì phải tốn tiền chứ, nhưng mà ngay cả việc đi ăn tiệm bạn cũng nên cẩn thận. Tiệm ăn chẳng cái nào mở cửa một tuần liên tục cả bởi vì người làm tiệm ăn cũng cần nghỉ và có nơi đóng cửa ngày chủ nhật, có nơi thứ hai, thứ ba, tùy hỉ cho nên những việc hẹn hò nhau nhiều khi rắc rối. Ðó là chưa kể nếu bốn giờ trưa mà muốn ăn một bữa đàng hoàng thì rất khó, ở Pháp, tiệm ăn không mở cửa liên tục từ sáng đến tối mà, thí dụ, mười một giờ đến hai giờ trưa và bảy giờ chiều đến mười một giờ khuya chẳng hạn. 

Ðó là trường hợp lãng mạn. Ít tốn kém hơn là ăn tiệm và tiện lợi từ khoảng mười năm nay có người ngoại quốc chăm chỉ đua nhau sang đây mở tạp hóa thực phẩm, bán giá cao hơn trung bình nhưng mở cửa đến mười, mười một giờ đêm. Một cửa hàng bé cỏn con, cha mẹ con cái họ hàng, người cùng làng, cùng tổng bộ lạc gì đó chia nhau trông coi, Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Ðộ, thức khuya dậy sớm và chẳng bao giờ đi nghỉ mát, tắm biển hay trượt tuyết cả. Có lẽ năm ba năm một lần họ về thăm xứ, mang theo tủ lạnh, TV màu, phôn CD, lái xe Peugeot chạy vòng quanh ấp một vòng là đủ le với cả xã rồi nên ở bên này họ cắn răng mà chịu đựng cho người bản xứ được nhờ vào lúc đêm khuya khoắt, thiếu hộp cá thu hay là chai nước suối, còn có chỗ ở đầu đường le lói thắp đèn ngồi chờ đợi. Ở đầu kia, nếu bạn ở ngoại ô, các nhà tư bản quốc tế vào dạo này lại mới cho bạn một đường lựa chọn khác. Trong các thương xá khổng lồ, cửa hàng thực phẩm (và linh tinh quần áo, gia dụng) mở cửa đến chín giờ rưỡi tối, Carrefour, Auchan, Euromarché. Ðèn sáng lòa, nhạc lầm bầm mời gọi, đi mỏi chân hoài không hết, giá rẻ, đủ mặt hàng, tha hồ mà lựa chọn, từng đoàn người lũ lượt nối đuôi nhau đẩy xe, xe nào xe nấy đầy ắp như là tỵ nạn gồng gánh, một cảnh tượng riêng tôi thấy hãi hùng, tránh được là tôi tránh, chẳng bao giờ buồn đặt chân đến. Văn minh ngoại ô Pháp giờ cũng gần như là văn minh ngoại ô Mỹ, văn minh Mall, Les Quatre-Temps La Défense, Rosny, Vélizy, Créteil-Soleil, những địa danh tên nghe khủng khiếp gần như là Katum, Bình Giã, Ðồng Xoài. Ở đây người ta đánh nhau để mà tiêu thụ, đồ tiền thay vì đổ máu, làm tôi nhớ lại một tấm quảng cáo chụp hình một em bé ngây thơ chưa tội tình gì mà phải ngồi trong xe shopping-cart đi chợ. Câu quảng cáo đề: “Khi em lớn, em sẽ là người Euromarcheur”, dựa trên tên hiệu của chợ Euromarché là một công ty Tây Ðức có cửa hàng khắp Âu Châu. Sinh con ra, để nó lớn lên thành người Euromarcheur thì mù mịt quá, khi tôi chết xin mang tôi ra chợ, đời ăn tiêu không cả chỗ đậu xe, tôi lần đó chợt mừng vì mình hiếm muộn. 

Nhưng cái văn minh thương xá này chỉ vây quanh ngoại ô Paris chứ cũng may chưa lọt được vào nội vi của thành phố còn nhất định đang tử thủ. Yếu điểm của Paris là khu chợ Halles cũ, cái bụng (mềm) của thành Paris ngày xưa trong Zola. Ðánh vào bụng là chắc nhất, chợ Halles được gỡ đi, người ta đuổi các chị hàng cá, các anh vác thịt để xây thế vào khu Forum hào nhoáng. Ở thương xá này, mỗi thước vuông cửa hàng một năm thu nhập kỷ lục 55.000 quan (9.000 đô la). Dĩ nhiên, ở những thương xá loại này, giờ mở cửa liên tục, người ta thay phiên nhau mà làm việc, không có màn trưa ra café ngồi xả hơi mà đọc sách, làm thơ hay nhìn trai nhìn gái, cửa hàng đóng để đó một cách vô trách nhiệm với người tiêu thụ. Nhưng mới ở Mỹ sang, nếu đi chợ ở những chỗ đông người mua sắm thì tôi không nói, có lẽ chẳng để ý đến những tấm bảng trước cửa tiệm bánh mỳ đề “Theo luật liên hệ về vấn đề nghỉ mát đã ấn định, cửa hàng này sẽ đóng cửa từ ngày N đến ngày N + 7 hay N + 14, tiệm bánh mỳ gần nhất ở số X, Y, Z đường A, B, C”. Nhưng nếu ở một khu cư ngụ mà đi ra đến tiệm thấy im lìm như vậy phải phân vân mà tự hỏi, thứ nhất, cái đường A, B, C, nói trên ở chỗ nào, có gần đây không, và thứ nhì, cô bán bánh mỳ giờ này đang ở đâu, nằm phơi ngực trần ở cạnh hồ tắm tuyết vây(1), La Grande Motte hay còn phơi cả mông bờ biển Canaries trời ấm quanh năm. 

Tôi sang Pháp phải vào dịp tháng Hai nên cũng có nhiều nơi đóng cửa, nhiều người đi vắng. Tháng Hai là Vacances de Février, con nít nghỉ nhưng từ khi có tuần lễ nghỉ thứ năm người lớn cũng nghỉ. Dạo trước, nghĩa là từ khi chính phủ Mặt trận Bình dân do tiên sinh Léon Blum thuộc đảng Xã hội (Lúc đó còn là SFIO, tức là Nhánh Pháp của Quốc tế Thợ thuyền) lãnh đạo lên chấp chánh vào năm 1936, người Pháp được bốn tuần lễ nghỉ và số giờ làm việc mỗi tuần được ấn định là bốn mươi. Những năm đầu tiên thế chiến thứ hai, phong trào nghỉ mát phát sinh trong giới lao động, người ta áo thun quần cộc nón két đạp xe ra bờ sông trước con mắt miệt thị của giai cấp chủ nhân dưới danh xưng “Congé Payé” (Congé Payé, nghỉ được lãnh lương, khác với những người quyền quý, nghỉ không cần lương vì không có cả lương nữa, chỉ có tiền). Riết nó thành tục lệ, cứ tháng Tám là thiên hạ ùn ùn kéo nhau đi nghỉ mát, vẫn áo thun quần cộc, nhưng giờ kéo theo cái xe bốn chỗ ngủ một phòng tắm, có bếp ở đằng sau, làm chật đường xa lộ. Paris tháng Tám chỉ có du khách và những người yêu nhau gặm bánh mỳ khô đi tản bộ trên những con đường vắng ngắt, cũng có cái hay của nó, được gọi là bầu không khí của Paris vào tháng Tám. Người nào kẹt ở lại, không di tản kịp chiều chiều ra nằm đỡ bờ sông Seine hay hồ bơi Deligny, cầm sách Sulitzer (best-seller mùa hè) đeo Walkman nghe Niagara (điệu tủ của mùa hè) và cũng tán tỉnh vớ vẩn những anh vai u, những cô đầu vú hồng như ở những nơi nghỉ mát vậy. Tháng Tám là tháng chia tay, Chức Nữ dẫn con ra ngoài biển, Ngưu Lang ở lại Paris làm việc, chiều ra bờ sông ong bướm mấy cô Ý Ðại Lợi, Thụy Sĩ gì đó. Tháng Tám là tháng những mối tình vụng trộm khiến có cả thành ngữ “Tình Hè” nghĩa là tình ba mươi bữa, không đi đến đâu, anh đường anh, tôi đường tôi, những mối tình không tương lai, two weeks stand để mà nhớ lại tự nhiên mỉm cười một mình trong bàn giấy. Rất là đẹp, không có tiếp theo những mẹ chồng nàng dâu, trả góp mua bàn ghế không đủ, con đau và xe hỏng phải làm lại máy, thay dầu. Tháng Tám là tháng không ăn cơm nhà, ăn cơm tiệm, không ngủ với người phối ngẫu, ngủ với người mới gặp ngoài đường hay bãi biển, anh huấn luyện viên tennis Club Méditerranée hay cô du khách Ăng Lê. Ðể mà tê tái mười một tháng về sau, như thí dụ nổi tiếng ngay cả nền âm nhạc dịch của ta là “Adieu jolie Candy” (Từ nay cách xa nghìn trùng... từng tưng. Ðường bay não nùng... từng tưng... Tôi tiễn em nơi phi trường...) Ðấy những mối tình tháng Tám. 

Nghỉ hè được bình dân hóa, Côte d’Azur bãi sạn bầy thịt người không có chỗ để mà chen, bậc vương tôn, lũ trưởng giả phải bày ra trò nghỉ vào mùa đông. Nghĩa là vào tháng Hai. Vào Giáng Sinh thì hơi sớm, đến Phục Sinh cuối tháng Tư lại hơi trễ, núi ít tuyết để mà trượt. Trong những thập niên sáu mươi, bảy mươi, ai tháng Hai ở Paris mà da tróc chân gầy hẳn là người sang trọng, mới ở núi về, người ta vừa đi nghỉ nóng xong. Courchevel, St Moritz, rặng Alpes Pháp hay là Alpes Thụy Sĩ, có khi cầu kỳ thì sang đến Áo, InnsbruckGraz, hay ờ, Pyrénées miền Nam. Năm 1981, “Sức Mạnh Bình Thản” Francois Mitterand lên làm tổng thống, người hùng tân trang lại đảng Xã hội nắm quyền, hơn bốn mươi năm sau theo bước Léon Blum, ban cho quần chúng tuần lễ ba mươi chín tiếng và một tuần nghỉ thứ năm. Tuần lễ này nhỏ nhoi nhưng làm đảo lộn hết thời khóa biểu đã thành nếp. Ðược năm tuần nên người ta bắt đầu nghỉ loạn xạ, người ta chia ra, kẻ thì tháng Bảy người thì tháng Chín thay vì đều đặn tháng Tám như trước. Một tháng chỉ có bốn tuần, hè không nghỉ hết, thế là bắt buộc người ta phải nghỉ cả đông mới đủ. Tháng Hai giờ cả dân lao động cũng đi, các “tuyết đạo” đâm ra đầy các cô bé bán hàng, thư ký công sở, thợ làm ống cống và chuyên viên điện toán, tội nghiệp cho giới giàu sang giờ muốn tránh không biết phải đi đến tận đâu, chúng mình chẳng có chỗ nào riêng tư mà chơi với nhau. Monaco ấy hả, rặt những Mỹ áo Hawaii quần short kéo slot machine ở Holiday Inn, Société des Bains chẳng còn như dạo trước, Marbella thì bị Ả Rập xâm chiếm, bọn này ngày xưa mất bao nhiêu công mới đuổi nó ra được khỏi Tây Ban Nha, Isabel (La Catolica) sống dậy mà xem. Chắc chỉ còn Sardaigne và cái đảo Moustique ở vùng Carribean nhưng mà đảo Moustique thì nó bằng con muỗi, có tiền giờ chẳng biết đi đâu, ai bảo giàu mà không khổ. Họ hết chỗ để mà chơi, tôi thấy tờ Figaro Magazine phải mệt nhọc lắm mới bày ra được trò cho họ, bồng bế nhau mà lánh nạn bằng thuyền may ra mới thoát, tàu Queen Elizabeth 2, tàu buồm Windsong, một cruise hai tuần một trăm bốn chục ngàn quan (khoảng hai mươi ngàn Mỹ kim). 

Nhưng họ khổ thì kệ họ, tôi cũng ít đọc Figaro Magazine, Figaro Madame nên không rõ khổ đến mức nào. Năm tuần lễ nghỉ, tôi thấy có lý, mà chẳng phải mình tôi. Ở Âu Châu nói chung, cái quyền làm ít là cái quyền thông dụng, ngay cả người lãnh lương thất nghiệp còn được hưởng, nghĩa là vào dịp nghỉ miễn khỏi phải ra Sở An Sinh trình diện để lãnh trợ cấp. Tôi về Paris vào dịp tháng Hai, chỉ buồn một chút cô bán bánh mỳ gần nhà đi vắng, cái bảng hành chánh báo tin trước cửa kéo màn không cho biết cô ta hai tuần lễ này giờ bột trôi bột nổi ở tận đâu. Tôi đành mượn lời ông Thôi Hộ, cụ Nguyễn Du mà “Bánh mì năm ngoái còn cười gió đông”. (Tôi không biết chữ Nho, sợ trích “Bánh mỳ y cựu tiếu đông phong” nghe khó ổn, xin nhờ các vị Hán văn lỗi lạc chỉ giáo hộ). Hoa đào tôi chắc cái cười còn lơi lả thiếu đứng đắn chứ bánh mỳ thì tôi chịu lắm, nó tròn ròn rã tự nhiên. Nhất là bánh mỳ Tây.







NGƯỜI BẠN CHƯA CHỒNG

Cô bạn ở miền Ðông Paris của tôi chưa có chồng. Cô này lại đầm. Ờ, có thế chứ, đi Tây thì phải có đầm, vậy mới ra ký sự. Ðể tránh cái nôn nao của người đọc, tôi xin đề cập thẳng đến chuyện này. Ðúng ra thì đây là việc tôi phải làm từ lúc đầu, từ kỳ một đến kỳ hai chứ không nên đợi đến kỳ thứ sáu. Tại thường thì Tây sang hay vừa đi Tây về thì câu thứ nhất thứ nhì mà người ta ưa hỏi là “Có vui không, đầm ở bên đó thế nào?” Nghĩa là, ngắn gọn và súc tích, “Sao, đầm có vui không?” Nhưng câu hỏi đặt ra như vậy, nếu bạn trả lời cũng ngắn gọn và súc tích, chẳng hạn như là “Vui chứ”, thì chẳng ai vừa ý cả. Người đặt sẽ gợi thêm, rành mạch và rõ rệt “Nhưng mà, đầm nó có đẹp không?” 

Tính tôi không ưa vặn ngược, vòng vo và bắt bẻ nhưng những câu như thế bao giờ cũng làm tôi phân vân. “Ðẹp” là thế nào, tôi vốn lễ độ nên ít khi nào tôi hỏi lại nhưng trong đầu tôi không khỏi bối rối mà tự vấn. Ðích xác hỏi tôi về một người nào tôi đã khó trả lời, thí dụ “Vợ anh có đẹp không?” tôi còn chưa biết nói sao. Cách nào mà tôi có thể phán xét thẩm mỹ về một cái chung chung vài chục triệu mống như là “đầm” được? Nhất là, vợ tôi còn có thể thiên vị, tôi còn có thể chủ quan mà bênh vực (hay tùy trường hợp, bi quan mà than thở). Nhưng “đầm” nói rộng thì khó quá, cần phải giới hạn lại tôi may ra mới có thể trả lời. Dĩ nhiên là với sự dè dặt cần phải có, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, một cách đại khái, tổng quát và tương đối. Vâng, thì đây: “Ðầm có đẹp”. 

Ðàn bà thì, xứ nào mà chẳng đẹp. Ngay cả từng cá nhân nữa, nói trắng ra (hay nói đến cả đen), đàn bà thì, người nào mà chẳng đẹp. Trở lại thí dụ lúc nãy là vợ tôi, vợ tôi người xứ nào, vợ tôi đàn bà, vợ tôi, đẹp. Vậy mà cũng có người thấy xấu được. Bảo là xấu tôi không dám cãi, chỉ chữa nhẹ nhẹ “Ừ, thì xấu đi, nhưng mà có class”. Người ta vặn tôi “Tôi hỏi anh, class là gì?” Tôi vặn lại (cũng vẫn nhỏ nhẹ thôi, vì tính tôi nhát, ít khi nào dám to tiếng): “Nếu không biết class là gì mà em còn phải hỏi, thì cũng không có cách nào giải thích!” Tôi trả lời như vậy được, tôi thích lắm. Nhưng chuyện đời tư này của tôi, ăn nhập gì đến đầm xấu đẹp? Nó cũng vậy, như bây giờ lấy ra so với Mỹ, thì tôi thấy đầm có đẹp. Người ta có thể không đồng ý, cho là đầm xấu đi. OK, thì xấu đi, nhưng mà có class. Thật sự, nếu so đo từng chi tiết thì dân CaliFlorida có cái look healthy hơn nhiều dân Paris. Cân đối, nẩy nở hơn, lại chăm sóc kỹ càng, làm dáng một cách chải chuốt từ cái răng, sợi tóc, móng tay. Ăn đứt rồi chứ gì? Tôi thấy không. Thua là đằng khác, tôi thích đầm hơn. Thế tại sao người mẫu thời trang ở Paris có đến ba phần tư lại là người Mỹ? Ðàn bà Mỹ cao ráo, da tốt vì uống toàn sữa, không uống rượu, lại cũng không hút thuốc, thức khuya, mắt không có quầng, sáng dậy sớm tập thể dục, không nằm dài trên giường uể oải, đi đâu tô son đánh phấn cẩn thận trong khi đầm mặt mày tái mét, vừa chồm dậy đã bò xuống café, lại ít khi chịu tới lui orthodontist để mà bắt kẽm vòng quanh răng cho nó đều. Thành ra làm người mẫu quảng cáo nụ cười làm sao được bóng bẩy. Theo một chuyên viên tìm người mẫu quốc tế thì con gái Pháp khó xài vì ít người được răng đẹp. Ðây là thực tế. Nhưng riêng tôi thì thấy chuyện vạch miệng xem răng của ông này có vẻ lái ngựa ở hội chợ canh nông làm sao đó. Ðàn bà Pháp buông thả hơn, ít giữ gìn, kỹ nghệ làm nail, làm tóc, thẩm mỹ ở bên Tây nhất định là không phát triển bằng ở Mỹ, nhưng mà không cần bàn dài tán rộng, ra Pier Santa Monica, Huntington mà đứng, ngồi ở vỉa hè St Germain mà nhìn, đàn bà Pháp, đầm, có “style” hơn là ở bên Mỹ. 

Mỹ có rất nhiều người, chẳng qua là coi mát mắt, vậy thôi, nhưng đầm, lại có phần lôi kéo. Nói vậy, có khi tôi thiên vị nữa, chẳng khác gì trường hợp vợ tôi vậy. Có lẽ tại lúc bé, tôi bị bố mẹ bắt đi học trường Tây nên họ nhồi sọ, nếu bắt tôi học trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh thì giờ biết đâu tôi nghĩ khác. Như vợ tôi tôi thấy đẹp, ai mà chê xấu thì người đó vô duyên. Ðầm, đã hỏi thì tôi nói, thì có đẹp, không rõ là nhờ cái gì, nhờ sinh ra ở đây, nhờ đường lót bằng đá không trải nhựa, nhờ phố nhỏ từng căn nhà ôm nhau, nhờ mọi thứ, nhờ bánh mì baguette, nhờ mỗi ngày đọc Libé, nhờ mỗi tháng đọc Actuel, tôi không hiểu. Nhờ lối sống. Họ cũng mặc quần jean, không phải quần jean designer Vidal Sassoon, Oscar de la Ranta, Gloria Van der Bilt. Quần jean cày ruộng ở bên Mỹ, Levi’s 501. Bận quần jean nhưng mà không biết đi skateboard và năm nay thì váy ngắn màu đen màu sẫm, hai mươi phân trên đầu gối, vớ không nhiều hoa hoét nhưng có một đường chỉ couture chạy dọc ở đằng sau bắp chân. Nhập gia rồi dần dần cũng tùy tục, nói ra thế này thì mất lòng nhưng tôi là người cầm bút can đảm và tôn trọng sự thực, đặt sự thực lên trên cả chính quyền lợi cá nhân ích kỷ của bản thân. 

Dưới mắt tôi (câu nói sau đây tôi phải nhịn thở mà viết thẳng một hơi) ngay cả đàn bà Việt Nam ở bên Pháp cũng có style hơn là đàn bà Việt Nam ở bên Mỹ. Ở đâu riết rồi thì cũng có phần giống đó, đàn bà Việt ở Pháp hình như trong cung cách cũng có gì khác hơn là đàn bà Bolsa, tuy là cả khu Ivry - Choisy 13, cả khu Belleville 19 tìm hoài không ra một thẩm mỹ viện Việt Nam và theo sự hiểu biết của tôi, chẳng bao giờ có tổ chức thi hoa hậu. 

Hay tại tôi là đàn ông nên tôi chỉ thích đầm ở cái dễ dãi, cái buông thả tự nhiên và cóc cần lối sống ở bên kia. Thí dụ như cô bạn tôi đến thăm. Cô này chưa có chồng, đã trên ba mươi nhưng đừng gọi cô ta là gái già, tội nghiệp. Nếu cô ta sinh ra ở Mỹ thì phải kể là cô ta năm đời chồng và bốn lần ly dị. Nhưng cô ta ở Pháp, cho nên có lúc cô ở với anh này vài năm, không hợp cô đi ở với anh khác một cách giản dị. Không lấy nhau thì chẳng cần ly dị, rất tiện, tuy là bỏ nhau thì cũng phải dọn nhà mà nhà bên này thì khó kiếm. Thành thử ra còn có trường hợp ở chung nhà tạm trong khi chờ đợi, người cũ vẫn còn quanh quẩn đó và người mới cuối tuần mới đến qua weed-end. Không ai đánh ai cả, người Pháp có vẻ là một dân tộc biết điều. Cách đây một dạo, cô ta ở chung với một anh vui tánh. Anh này đàn nhạc New Wave rất dễ chịu. Tóc anh dựng đứng, nhuộm vàng, tai anh đeo vòng ở một bên, mắt anh kẻ chì hung hãn, style anh nửa punk destroy nửa rocker hard nhưng anh rất hiền lành. Bỗng dưng một anh khác đột nhập vào cuộc đời đang yên ấm của hai người, phá tan hạnh phúc của cái gia đình không giá thú. Anh thứ nhì này ban ngày đi làm cà vạt com lê cẩn thận, áo sơ mi hấp tẩy nỉ sẹc và đeo kính gọng vàng. Tối đến anh manage ban nhạc, nghĩa là anh cũng thuộc loại dân chơi tuy là anh có đứng đắn hơn. Tôi cũng được chứng kiến từ đầu đến cuối cái thời gian anh lại nhà cô này ve vãn một cách lịch sự nhưng công khai. Hình như cái lịch sự nó ở trong cái công khai thì phải, đúng luật giang hồ nên chẳng ai trách gì được ai. Câu chuyện như một màn đấu súng ngoài lộ chính, mỗi người bước mười bước quay lưng lại nhìn thẳng vào mắt nhau thủ thế. Nó có quy tắc của nó, cấm ăn gian, chỉ đọ tài, bắn chậm thì chết. Tựa như là hai nhà quý tộc gentlemen theo nhau ra ngoài đồng nhã nhặn mà thanh toán những khích hiềm. Dĩ nhiên hai anh này kình địch, phải có một sống một chết nhưng cả hai anh đều tự trọng, có nghĩa là cả hai anh đều tôn trọng lẫn nhau, hiệp sĩ mã thượng thời Trung cổ. Tôi đến nhà anh cua đào ở chung với anh, tôi xin đưa thiếp báo danh, anh giỏi thì giữ được, không thì tôi lấy mất. Vâng, xin mời anh. 

Một ông Pháp thời xưa khi đánh giặc với Anh vào thế kỷ 17, 18 gì đó, ở trận Courcy thì phải, bất tử nhờ câu nói sau khi hai bên dàn quân ra xong xuôi súng đạn lăm lăm “Xin mời các ông người Anh nổ súng trước”. Chuyện này cũng vậy, làm tôi thích thú mà theo dõi. Tôi bàng quan ở đó như là nhân chứng trọng tài. Anh thứ nhì mua hoa mang đến nhà tặng nàng, anh thứ nhất ngày hôm sau đi kiếm một cái quà mang về ngay. Anh thứ nhì đến xem ngắm nghía, ờ quà khéo quá, nhiều ý nghĩa, tuần tới anh bày ra một trò còn hay hơn. Nếu hai anh này cùng cua một cô hàng xóm thì ; ờ chỉ chuyện bình thường. Ðằng này anh này đến nhà anh kia giành giật vợ không chính thức thì đàn bà (hay đàn ông cũng vậy) chẳng là sở hữu của một ai. Ðiều cần thiết là thành thật, theo quan niệm của bộ ba này. Họ Tây mà, tôi thấy cũng lạ. Tôi không lừa anh hay lén lút, anh không thể nào giận tôi. Và rồi, cũng chẳng ai giận ai, như hai võ sĩ quyền Anh sau khi thượng đài. Kết quả, nàng chọn anh mới, dọn nhà ra đi, để lại anh bồ cũ bơ vơ. Anh này bơ vơ đến nỗi, mỗi tuần thứ bảy chủ nhật anh buồn không biết đi chơi đâu lại bò đến nhà anh kia rủ cặp mới này đi chơi chung cho khuây khỏa. Anh bò đến, ăn cơm tối, nằm coi T.V. nhưng không phải để công kích trở lại hay gỡ gạc gì, anh chịu thua rồi, rất là sòng phẳng. Anh kia tiếp đãi tình địch cũ rất là ân cần, hôm nào anh bận gì, để vợ ở nhà hay đi đâu chơi với anh kia mà không ngần ngại. Anh còn chắc bụng nữa là đằng khác, đó là thượng sách. Có năm, cặp này mướn cái du thuyền đi nghỉ hè, còn dắt cả cái anh kia theo, mặc dù anh ta chẳng có kinh nghiệm gì về lèo lái bằng buồm. 

Cái quan hệ gái trai như thế tôi phục lắm. Dĩ nhiên là về sau, từ ngày nàng đổi ý, giữa cô này và anh bồ cũ chẳng còn tằng tịu nữa, nó trở thành bạn bè thuần túy. Cho đến giờ nó vẫn vậy, càng ngày càng thêm thắm thiết vì bạn bè, càng lâu năm thì càng quý chứ sao. Ðó là tôi không muốn nói đến những cảnh nằm trên du thuyền tồng ngồng, chỉ sợ có người bảo là tôi mượn cớ để mà luân lý giáo khoa. Không, nó như vậy ở trong nếp sống mà nếu đây là một trường hợp đặc biệt thì tôi đem ra kể lại làm gì. Nó điển hình thì đúng hơn. Ở lứa tuổi trên ba mươi ở Pháp, những cặp ăn ở với nhau không hôn thú giờ hình như là đa số theo lời báo động của những nhà đạo đức cổ truyền. Không có con cái với nhau ăn ở như vậy đã đành, nhiều cặp có con vẫn cứ thế. Con mang họ mẹ hoặc họ cha nhưng bố mẹ vẫn không là vợ chồng. (Luật bên này cho phép con mang tên mẹ hay tên cha, tùy ý, trong trường hợp vợ chồng có hôn thú hay là không). Tình trạng này được xã hội chấp nhận, bạn có thể xin chính quyền cấp cho một tờ giấy chứng chỉ sống chung để sử dụng trong những trường hợp như là vay nợ, thuê mướn, thuế má gì đó. Chữ “concubin”, “concubine” ngày càng thông dụng. Bạn đi làm, người sống chung cũng được hưởng bảo hiểm, trợ cấp hay những đặc quyền trước giờ chỉ dành cho người phối ngẫu có thành hôn chính thức, chiều hướng này ở Pháp có lẽ khó mà đổi ngược lại được, quốc hội kỳ này chắc sẽ thông qua một dự án hợp thức hóa tình trạng “concubinage”. Nhưng ở đây, chẳng phải là quốc hội bày ra một đạo luật cách mạng mà chính là xã hội đã đổi thay trong hai thập niên chót này đến độ dân luật, luật gia đình không còn đáp ứng được với thực thể khiến các nhà lập hiến cuối cùng cũng phải bấm bụng mà đuổi theo. 

Cô bạn tôi, ngoài ba mươi tuổi chưa chồng mà bố mẹ cô cũng chẳng lấy gì làm lo lắng và cô ta vẫn bình thường, cám ơn. Cô ta có người em gái, cũng ở tình trạng “sống chung” trên (tình trạng thế này, như đã nói, ở Pháp thì nhiều lắm). Cô này làm tiếp viên hàng không cho hãng Pháp, domestic airline, và ưa than phiền. Hãng cô ta làm, công nhận “concubinage” và cho phép người sống chung với nàng hưởng discount trên giá vé để những cặp kiểu mới này tung tăng nghỉ mát với nhau như vợ chồng thứ thật. Giữa các hãng hàng không vẫn có trao đổi về phần quyền lợi này của nhân viên. Làm Air France chẳng hạn có thể xin vé trên đường bay American Airlines và ngược lại. Nhưng những hãng Mỹ về vấn đề luân lý mới này lại không được rộng lượng. Người sống chung, luật công ty Hoa Kỳ chưa bao giờ nghe nói đến, chỉ có vợ chồng từng nắm tay nhau trước mặt thẩm phán họ mới biết. In God we trust, idivisible we stand, in sickness or in health, til death do us part. OK, có đọc thần chú rồi, cho discount 0% cả hai để mà nay Jamaica mai Hawaii tay trong tay. Người em gái cô bạn lấy chuyện này làm bất bình, đi Casamance, Sénégal thì cô ta dắt ông bồ theo được, đường bay của hãng Mỹ thì họ không cho phép. Cô ta ngạc nhiên, ừ, nếu ở Iran Air Gulf Air, Saudi Arabian Airlines mà khắt khe như vậy thì cô ta còn hiểu chứ Pan Am, TWA sao lại có thể câu nệ thế này. Chậm tiến kém văn minh. Tôi vừa ở Mỹ sang, cô ta mang ra chất vấn. 

Tôi chẳng phải là phát ngôn viên của Moral Majority, hôn nhân tập tục của Hoa Kỳ với đạo đức hãng hàng không tôi không rõ, tôi tìm cách chạy bằng một câu trả lời ngụ ngôn rất là ấm ớ. (Khi nào không biết nói gì, thì tôi hội tề lơ lửng mà ngụ ngôn). “Ở bên Mỹ, tao cũng biết người làm flight attendant như mày vậy, có chồng cẩn thận, hôn thú hẳn hòi, họ cho chính thức hưởng giá rẻ. Ði đâu được quyền dắt chồng theo, vậy mà nàng lại chẳng bao giờ dắt chồng theo cả, như thế nghĩa là thế nào, mày than phiền với tao làm chi, hỏi tại sao tao không biết. Bên Mỹ khác, bên Tây khác. Ðó là khác biệt giữa hai nền văn minh Tây Mỹ”. 

Kể thì, khác biệt giữa những nền văn minh và khoảng cách đó, muốn nhét gì vào thì nhét nên cũng tiện. 






LE, LA BAGUETTE

Ở bên Pháp, có hai chuyện đáng kể. Thứ nhất là tình yêu và thứ nhì là bánh mỳ. Tình thì vô vàn rắc rối, rừng Boulogne, rừng Vincennes, rừng cao su mâu thuẫn vân vân, tôi chỉ biết kể chuyện bánh mỳ. Năm nay hai trăm năm kỷ niệm Cách mạng Tư sản Pháp, nói chuyện bánh mỳ không khỏi nhớ đến vợ chồng con cái Louis Thập Lục. Nhà này cũng được quần chúng mến yêu, gọi là “Ông làm bánh mỳ”, “Bà làm bánh mỳ” và “Cậu bé làm bánh mỳ” (Ðông Cung Thái Tử, Dauphin de france, le petit mitron), tựa như là ta được thóc được gạo, vẫn cho đó là ơn vua vậy. Thế mà bà Marie-Antoinette (“con mẹ người Áo”), lúc dân chúng biểu tình đòi bánh mỳ lại bất nhẫn thốt ra câu “Chúng nó không có bánh mỳ thì cho chúng ăn bánh ngọt”. Chữ “bánh ngọt” ở đây là brioche, người Mỹ dịch là cake. “Qu’ils mangent de la brioche - Let them eat cake” là một câu nhanh nhẩu khôi hài (đen) làm người đời nhớ mãi. Bánh brioche đời bà ta tôi không biết chứ đời nay ra tiệm mua nó đắt hơn bánh mỳ tiêu chuẩn những sáu bảy lần, nhiều khi người ta còn cho cả tóp mỡ (lardon) vào, ăn rất ngon. Thành thử ra, vài năm sau đó, người ta có lôi bà này ra chặt béng đầu cùng với ông chồng Cả Ðụt của bà tôi thấy cũng phải tuy tôi không là người khát máu. Ðiển tích này, chỉ để nói, ở bên Tây, dù là Hoàng Gia, Hoàng Hậu gì đi chăng nữa, cái chuyện bánh mỳ, chẳng thể đùa được. 

Ðã lỡ nhắc đến họ nhà này, lại kỷ niệm hai trăm năm 1789, tôi nhớ Prévert có bài thơ mang tựa “Những Gia Tộc Lớn” để tặng họ. Nhớ mang máng thôi, xin đừng gọi điện thoại đến bắt bẻ: 

“Louis I 
Louis II 
Louis III 
Louis IV 
Louis V 
Louis VI 
Louis VII 
Louis VIII 
Louis IX 
Louis X (tên gọi le Hutin) 
Louis XI 
Louis XII 
Louis XIII 
Louis XIV 
Louis XV 
Louis XVI 
Louis XVIII 
Rồi hết.
Hạng người này là hạng người gì 
Mà không biết đếm được đến hai mươi”.

Mà không biết đếm thật, đếm gian, đếm nhảy, sau ông Thập Lục xấu số đến ngay ông Thập Bát, ông Thập Thất lọt vào xó xỉnh nào không ai hay biết, tội nghiệp. Họ này thật ra còn đỡ, chứ cái họ tiếp theo thì chỉ biết đếm đến (Nã Phá Luân) III mà lại cũng lò cò từ Ðệ Nhất đến Ðệ Tam, ông Ðệ Nhị chưa kịp làm vua, mới làm Thái tử thành Rome, Tiểu Ðại Bàng, thì ho ra máu mà chết. Ông thứ nhất ai chẳng biết, thơ tình của ông còn có người thuộc, ông thứ ba lắm chuyện, lấy vợ người Tây Ban Nha xây cung điện ở Biarritz gần biên giới cho nàng đỡ nhớ nhà (bây giờ là một khách sạn, ai có tiền nên vào ở thử, cam đoan lịch sự) mang cả họ mạc bên bà ấy phong cho làm đại đế Mễ Tây Cơ, galant với vợ thế là cùng, nếu việc không thành chẳng phải lỗi ở ông. Về sau cả ông lẫn bà bị đuổi, anh chàng bà con bên Mễ bị người bản xứ (tức là giống lau chùi bàn và cắt cỏ ở Cali ngày nay) mang ra xử bắn, đứa con nối dõi (Nã Phá Luân Ðệ Tứ tương lai) lại bị người Zulu ở Nam Phi giết ngoài mặt trận. Lắm chuyện thật, nhiều buồn phiền nhưng chẳng chuyện nào dính dáng đến bánh mỳ cả, tôi từ Marie-Antoinette đi đến được Maximilien đại đế Mễ Tây Cơ (Maximilien cũng người Áo) thì tôi cũng hay. Vâng, thứ nhất tình yêu, thứ nhì bánh mỳ hay là có khi còn ngược lại, nhất bánh mỳ nhì tình yêu. Và thứ tự nào đi nữa thì tình yêu (Pháp) cũng liên hệ rất nhiều đến bánh mỳ (Tây). Như thành ngữ “Sống bằng tình yêu và bánh mỳ khô” thường được nhắc nhở chớ nên. 
Bánh mỳ là thứ hàng căn bản ở pháp. Nó khác gạo ở chỗ là người ta không ra chợ chất nửa tạ tám thơm, nàng hương mang về nhà đong dần vào nồi cơm điện tự động được. Bánh mỳ phải mỗi ngày mỗi xếp hàng mua, nếu nó nóng hổi thì càng tốt, vừa đi vừa gặm cái cùi thì tuyệt. Tôi là người không câu nệ miếng ăn nhưng xa Pháp lâu thì tôi nhớ bánh mỳ. Bánh mỳ không, ở lò ra, không cần chấm mắm ớt, không cần phết tương. Bánh mỳ baguette, buổi sáng ra, vào quán, cái baguette chẻ làm hai theo chiều dọc, hai đầu cắt chéo, ờ phết bơ, chấm café sữa, gọi là tartine beurée. Tôi đi đâu cũng nhớ bánh mỳ, vì bánh mỳ chỉ ở Pháp mới có. Bánh mỳ cả chục loại trắng đen, nhà quê, thành thị nhưng ở đây nói đến bánh mỳ tiêu chuẩn, tức là bánh mỳ trắng, làm bằng farine de blé, không thêm bớt màu mè. Thí dụ như bánh mỳ baguette viennoise chẳng hạn, có thêm bơ nhưng mềm như èo uột sắp chết, cầm từ tiệm về đến nhà nó như cành hoa của người bị tình nhân lỡ hẹn. Không, bánh mỳ căn bản kia, bánh mỳ - bánh mỳ, pain. Pain là hình thức thông dụng đối với Việt Nam. Nó to và chắc tay nhưng nhiều ruột. Baguette thon dài hơn, tôi thích nhất, lại còn Ficelle gầy bằng ba ngón tay, cứng cáp, gần như không có ruột. Baguette nặn theo hình bông lúa thì người ta gọi là Épi. Hình bông lúa thì ích lợi gì, đầu mỗi cái hạt bông nó nhọn và cháy, lâu lâu mua loại này bẻ đầu ăn chơi nó cũng đỡ buồn tay. Épi mà nặn theo hình một vòng tròn thì thành courone, không phải để đội đầu nhưng có thể thọc tay vào giữa mà cầm cho nó thay đổi. Bởi vì căn bản nên giá bánh mỳ ở bên Pháp là giá được nhà nước ấn định, một baguette 400gr 2F95, ở đâu cũng thế, trong siêu thị bọc giấy bóng kính, ở cửa hàng tạp hóa, ở tiệm bánh mỳ xập xệ hay ở hàng Poilane vẫn 2F95. (Bánh mỳ Poilane là bánh mỳ được tiếng nhất ở Paris, có người cầu kỳ chỉ chịu ăn thứ bánh này nhưng đó là vấn đề khẩu vị lại lẫn lộn vào với vấn đề thời trang kiểu cách nữa nên không cãi được). Nghề làm bánh mỳ là nghề cần thiết cho xã hội nên luật lệ khắt khe, đóng cửa phải thay phiên nhau trong một khu phố, cửa hàng này đóng thứ ba thì cửa hàng kia phải đóng thứ hai. Giá luật định cho thứ bánh mỳ căn bản, nếu bạn đến trễ không còn thứ căn bản, chỉ còn thứ fancy đắt tiền thì lỗi ở cửa hàng, họ phải bán thứ fancy theo giá luật định cho bạn. Nói tóm lại, ở bên Pháp, đồng áng hay là thị tứ, khu sang trọng hay là nghèo hèn, có 2F95 là phải có bánh mỳ, fancy hay là căn bản. 

Nghề làm bánh mỳ phải có cặp. Ông chồng dậy sớm, nặn bột vào lúc bốn giờ sáng, cả ngày trong lò đặt dưới hầm, nhễ nhại áo thun mặt mày lem luốc bột coi như anh hề. Bà vợ chải chuốt, tươi cười đứng trên bán hàng, chào hỏi khách câu sáng câu chiều. Những người không có việc hay đến tuổi hưu, một ngày ghé tiệm bánh đến hai lần vì bánh mỳ để lâu ăn mất ngon. Loại “chín” kỹ phải ăn ngay, còn nếu làm biếng tối mới mua một bận thì người ta lấy loại “chưa chín lắm” để sáng hôm sau còn nướng lại mà ăn được. Chín vừa, chưa chín lắm, chín kỹ, bà bán hàng phải biết khách thích loại nào, thứ gì. Mà mỗi ngày đều đặn như vậy thì khách nào chả là khách quen. Tám giờ tiệm đóng cửa, anh chồng đã leo lên giường đi ngủ, bà vợ còn suy nghĩ vẩn vơ đến ông khách ban chiều hay anh bán thịt hàng bên. Thế là bánh mỳ dính dáng ngay vào tình yêu rất Pháp, nghĩa là tình yêu tay ba, ngoại tình Marivaud hài kịch đường Boulevard, ôi nụ cười nhẹ nhàng của bà hàng bánh, thí dụ Pagnol. Nụ cười bà bán hàng, ở bên này ai chả biết, nó giống như là những chuyện ngồi két quán café ở Việt Nam (thí dụ Quang Dũng: “Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu/ Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo/ Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá”) Nếu bà lớn tuổi, ắt bà có con gái đứng trông hàng hộ, không có con gái bà ắt phải mượn một cô. Cô này vào những lúc vắng khách còn có thêm bổn phận đi giao bánh cho các quán café, tiệm ăn ở kế bên hay ở xa hơn, những cửa hàng tạp hóa có bán bánh mỳ (Dépôt de Pain). Thế kỷ trước cô đi bộ, tay ôm cái giỏ mây đan đựng bánh, mang cái tên thơ mộng là “cô bỏ bánh mỳ” (Porteuse de Pain), thí dụ Zola. Giờ cô đi xe gắn máy, cô lái xe hơi R4 thùng hay R5 Express, gần thì cô vẫn đi bộ, có khi cô thể thao xe đạp trên vỉa hè cho khỏi kẹt. Theo tôi, nếu ở Pháp mà nói đến những cánh tay tròn trịa lẳng túi Vuitton là chẳng biết gì, ở Pháp, không có cánh tay nào lẳng hơn những cánh tay đeo giỏ bánh mỳ. 

Chẳng phải là tôi quá quắt, tôi nói thật. Nếu mơ mộng (fantasy) một lớp người nào trong xã hội thì người Việt Nam mơ mộng đàn bà tiếp viên hàng không (hôtesse de l’air, ra góc me ngồi chờ, trong thập niên sáu mươi Jacques Dutronc có bài hát: “Cả đời tôi mơ được làm tiếp viên hàng không/ Cả đời tôi mơ được lên trời chổng mông”), người Mỹ mơ mộng model áo tắm của báo Sports lllustrated, người Bắc Âu mơ mộng vợ ông Mục sư Tin Lành, người Anh mơ mộng cô giáo đeo kính cầm thước kẻ (đánh vào đít), người Ðức mơ mộng đàn bà làm y tá (tiêm vào mông), người Ý mơ mộng bất cứ ai giống mẹ của mình thì người Pháp mơ mộng chỉ có cô hàng bánh. Nó không xa lạ, nó là tiếp xúc hàng ngày, nó là nụ cuời mỗi buổi sáng khi chưa kịp ăn, nụ cười mỗi tối lúc ở sở ra trước khi về nhà. Món hàng của cô, nó trong mềm ngoài dòn, đi với món ăn gì cũng được, nhiều ý nghĩa lắm, chẳng thua gì bánh dày bánh chưng. Không ngọt bùi mà cũng chẳng mặn mà nhưng có thế mới yêu mãi được, ngọt mãi rồi cũng chán, mặn riết rồi cũng nản, cứ như bánh mỳ, không mùi vị gì nhưng không có thì không được, thiếu nó thì chẳng có gì hết. Cứ như bánh mỳ đi, bánh mỳ căn bản, baguette hai quan chín mươi lăm, “bien cuite s’il vous plait” để tối ăn ngay, “pas trop cuite” còn để dành ngày mai. Cứ như bánh mỳ, chẳng ai cầm lòng được, trên đường về bao giờ cũng phải bẻ một miếng ăn trước, cứ như bánh mỳ, không ai cầm lòng đặng, trên bàn còn chút vụn cũng còn nhặt lên tóp tép đỡ buồn răng. Bánh mỳ giấy bóng kính lỗ chỗ siêu thị khổng lồ trong thương xá ngoại ô, bánh mỳ bình thường ở đầu phố này xuống đường quẹo tay trái thấy ngay, bánh mỳ đài các Poilane nấu ở lò than củi cẩn thận còn lấm tấm bột, cứ như bánh mỳ đi. Phải tôi biết làm thơ tôi đã sáng tác được tình ca bánh mỳ baguette, có ít nhất là ba đoạn mười hai câu vần cộng thêm một điệp khúc bốn câu để nhờ người có tài phổ nhạc. Thà như bánh mỳ... bà bán bánh mỳ với nụ cười trước giá đựng baguette, cô bán hàng bằng xe gắn máy Motobécana xanh. Tôi yêu bánh mỳ. 

Có một chuyện mà tôi được nghe kể. Nó có thể là chuyện kể chớ nhân vật này tôi không biết đích danh, câu chuyện này tôi không kiểm chứng được. Nó có thể là một chuyện hoang đường, chuyện ngụ ngôn nhiều thâm ý, chuyện điển hình để dạy dỗ răn đời chứ không phải là chuyện thật nữa. Người ta kể với tôi, tôi mang kể lại. Dạo đó vào thời tiền sử, nghĩa là trước 1975, lâu lắm rồi, ở bên Pháp. Ở bên Pháp ngày đó sinh viên Việt Nam Tây con ở nhà bi bô tutoyer bố mẹ có một số đông, sinh viên du học bổng chương trình Việt đậu tú tài ưu tối ưu chạy chọt vừa đỡ phải đi lính vừa được chuyển ngân cũng có một số. Ðám đầu thì lêu lổng, phá tiền papa-maman, nhà viện bào chế thì học dược, nhà đấu thầu thì học luật, cua đầm xoành xoạch rất có oai. Ðám thứ nhì thì Pháp ngữ không thông, theo học điện toán và hơi hơi mặc cảm những món ăn chơi. Câu chuyện này đồn đại ở trong giới vừa mới nói, giới học bổng chứ không phải giới tự túc. Một anh vừa mới qua, dĩ nhiên anh ta phải dáng người nhỏ thó, mặt lại khó coi, rụt rè như con mèo phải nước. Anh ở từng sáu trong loại phòng trước kia dành cho con ở không có phòng tắm, thui thủi một mình không bạn bè. Anh chỉ có mỗi một người “thân”, ngày nào cũng gặp mà bao giờ cũng tươi cười niềm nở, có khi hỏi han anh dăm ba câu chuyện thời tiết, khí tượng. Ðó là, bạn đã đoán được, cô hàng bánh mỳ đầu phố. Ngày nào anh cũng đi ngang qua cửa kính mấy lần, có khi bắt gặp nàng anh gật đầu chào, ngày nào anh cũng vào một bận để mua ổ bánh. Anh có phải lòng cô này không thì chuyện không cho biết, nó chỉ là cái tình cảm nhẹ nhàng như bột nổi lúa mỳ thì đúng hơn. Nhưng anh chưa thông thạo tiếng địa phương, người bản xứ anh chưa nhiều dịp để tiếp xúc. Anh lại ý thức rất rõ là anh là một thứ sứ thần đại diện cho xứ sở mình nơi đất khách quê người nên anh cần dè dặt. Không biết chữ baguette thuộc giống đực hay giống cái, “le” hay là “la” nên mỗi lần vào cửa tiệm anh ta trịnh trọng điềm nhiên nói với cô hàng: “cho tôi deux baguettes” là tránh được khỏi mất mặt vì cái lỗi “un” hay là “une”. 

Ngay cả đến ngày nay, một ổ baguette cũng chỉ có hai quan chín mươi lăm (bốn mươi lăm cents US) theo luật định. Thành ra, nếu câu chuyện này có thật, ta cũng chẳng nên buồn cho anh ta quá. Mà tôi mới ở Mỹ về, một mình tôi, hai baguette một ngày tôi ăn không cũng hết. 







CON ĐƯỜNG TỐI CỔ

Ở tù được đĩ đến thăm, thói đời tai ngược, ở ngoài thì lại phải thân hành đi thăm đĩ. Làm người lương thiện cũng có nhiều cái nhọc, mà vác xác đi thăm đĩ thì ở Pháp hoàn toàn lương thiện, nghĩa là không phạm luật. Dịch vụ này chẳng được khuyến khích bởi chính quyền, người hành nghề không có môn bài do nhà nước cấp như ở vài nước kế cận nhưng mãi dâm không phải là cái tội và đã có thời ở Pháp, chứa thổ là một cái nghiệp công khai. 

Dưới trào Nã Phá Luân Ðệ Tam hơn một thế kỷ về trước thì ôi thôi khỏi nói, ả đào được phong tước, tướng cướp được phong hầu vô khối, đến nỗi giờ nếu tổ tiên bạn chẳng may làm quý tộc Empire thì bạn thế nào cũng phải hổ thẹn với người gia thế Ancien Régime. Làm đĩ để tiến thân thì nền Ðệ Nhị Ðế Quốc cho nhiều cơ hội nhất, trước mở động sau làm quận chúa, nên cái nghề này, danh giá nhất phải kể đến những thập niên 1850 - 1870. Ngày Louis Napoléon Bonaparte bại trận bị bắt ở Sedan, tôi chắc trong các lầu xanh quanh các đường Boulevards mới dựng mang tên các chiến thắng của ông chú là tiên vương Nã Phá Luân Ðệ Nhất (như Iéna, Wagrem, Presbourg, Tilsitt v.v...), nước mắt khách mà hồng rơi phải nhạt nhòe son phấn và làm trôi đi cả những mụt ruồi duyên. Nhưng Ðệ Tam Cộng hòa nối tiếp của ông Thiers đối với chị em ta cũng còn rất vương giả trong phong cách và sang thế kỷ sau, điện Elysée có lúc đệ tử của thần lông mày trắng tấp nập ra vào tuy là bằng cổng sau. 

Những “nhà kín” hồi đầu thế kỷ không được kín mấy, có cái lừng danh thế giới, như nơi một vị vương Galles sau lên ngôi Anh Quốc dành riêng cả một phòng tắm của mình không cho ai động tới. Quốc khách sang Tây được Bộ Ngoại giao khoản đãi cả mục này một cách rất điềm nhiên thành ra Paris có được đồn ầm là Thủ đô Hoa Lệ hay Kinh Kỳ Ánh Sáng (ở cuối đường hầm) thì cũng dễ hiểu. Paris by night ngày đó giờ còn được ghi lại trong tập hình của Brassai nếu không kể đến tranh vẽ phòng trà của Toulouse Lautrec mà bây giờ bất cứ K-Mark nào ở tận tiểu bang Utah cũng còn có bán. (Utah, như mọi người đều biết, là tiểu bang đa số theo đạo Mormon với kinh kỳ ăn chơi nổi tiếng Salt Lake City). Vào cái thời thác loạn đầu thế kỷ đó, có chuyện kể một ông hoàng Ðông Âu, Albanie hay là Bảo Gia Lợi gì đó, theo đuổi một người đẹp đầm từ Paris đến Deauville, từ Antibes đến Touquet. Bà này tên gì tôi không nhớ, hình như Liane de Pougy hay Mérode, nổi danh tài sắc một thì, xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến oanh. Minh chúa si tình kia chỉ tìm đủ mọi cách, quên cả việc triều chính (tôi không dám chắc, nhiều khi chàng chỉ là cựu hoàng thất sủng, quên cả việc khôi phục giang sơn) nhờ người giao tiếng, tặng nàng báu vật mấy đời để được hội kiến. Nàng ỉ eo, ỉ eo rồi chấp thuận. Một bữa ăn tối với chàng nơi bờ biển. Quân vương toại nguyện, được ngồi bên nàng dưới đèn nhiều ngọn bằng pha lê trong khi ngoài kia gió rì rào làm biển Manche gợn sóng. Médoc hay Sauternes cạn vài chai, chàng làm dạn vì thì giờ eo hẹp nàng dành cho mình sắp hết, lâm râm gọi tổ phụ tiền nhân về chứng giám (tổ tiên chàng, dù sao cũng thuộc vào hàng chém rắn trong hang, ba tấc làm nên nghiệp đế, là anh hùng trong thiên hạ). Thầm thì chàng hỏi: 
“Còn bây giờ, muốn qua đêm với mỹ khanh trẫm phải sao đây?” 

Nàng thản nhiên: 

“Cái đó ấy hả, thì cũng như mọi người, giá ba quan tiền thôi”.


Ðến đời tôi, thì những chuyện này tầm thường hơn. 

Nó thay đổi đầu tiên là ở cái giá. Nếu ngày xưa vua cũng chỉ phải trả có ba quan thì năm 1989, thứ dân cũng phải trả đến ba trăm quan (năm mươi mỹ kim) làm căn bản. Tôi nói chuyện căn bản, Red Lights District nếu hai mươi năm về trước ở khu Pigalle thì giờ chuyển về khu Halles. Khu Halles hiện đang là trung tâm của thành phố, một bên Palateau Beaubourg, một bên hầm Forum, nằm trong tam giác tương lai của Paris là vùng 3B (Beaubourg, Bastille, Belleville). Beaubourg có từ mươi năm nay, Bastille còn đang rục rịch, Belleville mới trở mình nên Beaubourg là điểm chính, khu Halles là khu tấp nập nếu không được mấy lượt là. Mãi dâm ở Paris tản mác, Pigalle để giữ vững truyền thống từ đời cha ông dĩ nhiên vẫn còn vài mạng, vòng đai quanh thành phố phía Ðông có người đứng đường chờ khách loại loại lái xe vận tải giao hàng đang di chuyển từ Bắc xuống Nam Âu, phía Tây có người đứng đường chờ khách văn hóa hơn, gần cái cổng công trình art déco của trạm tàu điện Porte Dauphine chứ không phải cạnh cầu xa lộ A3, E6. Bên trong thành phố, đằng sau Champs Elysées có vài cô sang trọng chiều chiều ra thơ thẩn đợi mấy ông chưởng khế tỉnh lẻ hay bác sĩ miền quê lên chơi. Cạnh nhà thờ Madeleine thói của các nàng là lái xe chậm chậm vòng qua vòng lại. Mùa đẹp trời, những người chuộng thiên nhiên có thể tới lui các cánh rừng ở hai đầu thành phố, Bois de Boulogne hay Bois de Vincennes. 

Mỗi nơi một vẻ, rừng Boulogne dạo này bị she-male Ba Tây trấn đóng kỹ, bạn rà rà xe ngang thế nào các chàng-nàng này cũng hở vú ra cho mà xem. Ðằng sau Gare St Lazare là những bà thảm não, nghiền rượu tay run đến nỗi kẻ son môi không thẳng dính cả vào răng (trong trường hợp còn được răng). Lịch sự áo lông, lái Mercedes một tay, dáng dấp mệnh phụ thì ở Madeleine-Opéra, những cô này nếu bạn được may mắn dẫn vào tiệm ăn hai ba toques, Rostang, Lamazere thì rất hà tiện. Biết ăn biết nói, biết gọi đúng rượu, nếu người quen có tưởng lầm là đào chính của bạn thì bạn càng hãnh diện (Còn như đã nói, style ăn sương đằng sau Champs Elysées là style vợ bé của thân sĩ ngoại ô). 

Còn mãi dâm làm chuẩn, thì ở khu Halles, đường St Denis. 

Champs Elysées trưởng giả mới từ đời hầu tước Haussmann với cái bùng binh Etoile mười hai đại lộ thẳng tắp, nhà thờ Ste. Marie-Madeleine nếu có từ thời trung cổ thì những lượt trùng tu chót vào cuối thế kỷ mười tám, đầu mười chín, cận đại thôi. Ðường St Denis chạy dọc theo cái khu tân kỳ nhất thành phố mới vừa được thập niên này hồi sinh trở lại, bắt đầu từ Fontaines des Innocents là một trong những công trình Phục hưng đầu tiên, đến Porte St Denis do vua Louis Thập Tứ dựng. Thế thì cũng kể là cổ được, vừa tân, tân nhất, lại vừa cổ, và cổ nhất. 

Người Paris đến hòn đảo Cité ở giữa lòng Seine dựng trấn được vài ba trăm năm thì những đạo quân La Ma đến, gươm ngắn dáo dài khiêm vuông và váy da bình trị Pax Romana. Năm mươi năm trước Tây lịch, Lutetia trở thành một thành phố La Mã đồn trú Lê Dương. Văn minh La Mã đầu óc tiện nghi như là văn minh Mỹ, người La Mã bắt chước người Hoa Kỳ đi đến đâu dựng phố cũng chia làm hai con lộ chính. Một con lộ dọc, Main street, họ vớ vẩn gọi là carde và một con lộ ngang, cross street, họ rắc rối đặt là decumanus. Ðông người đến ngụ, hướng Nam Bắc họ làm thêm một cardo phụ song song, hướng Ðông Tây lại có một decumanus nữa. Ðường St Denis, trước kỷ nguyên này, đã có trên bản đồ thành Lutèce, và là đường cardo phụ của trục giao thông từ Senlis đến Orléans. 

Là một trong bốn đường đầu tiên của thành phố thì ngày nay là nơi tụ hợp của chị em hành nghề xưa như trái đất thì cũng hợp tình và thuận (địa) lý. Ðường St Denis dạo trước chỉ hấp dẫn về phía Bắc, từ Gare de I’Est xuống Réaumur nhưng chỗ đứng đường phát triển dần về phía Nam xuống đến tận Châtelet từ ngày khu Forum trở nên phồn thịnh. Ở khúc đầu, một vài tiệm Peep Show trấn đóng, từ hai ba giờ trưa trở đi con hẻm ngang bắt đầu dáo dác một vài thiếu phụ đã quá tuổi hồi xuân tuy không đến nỗi kinh dị như ở chung quanh Gare St Lazare như đã kể. Tôi có tật ưa dậy trễ, dậy cùng giờ với những chị lao động bằng chân tay này nên cứ lò mò lên Halles là gặp, ba giờ trưa, tôi vẫn còn ngáp ngắn, ba giờ trưa, các chị chưa tỉnh hẳn, đứng ngáp dài ở dưới các mái hiên trong khi thiên hạ mạnh ai công việc nấy chen nhau qua lại. 

Nửa khúc dưới của đường St Denis dành cho người đi bộ, hai bên là hàng quán thịnh thời lâu lâu có lẫn vào một tiệm Sex Shop. Bảng néon nhấp nháy, “Nu intégral sur scène, “Couples, Lesbiennes, Homos” mời gọi người biết đọc. Biết đọc cũng có lợi, mù chữ là chịu, luật bên Pháp cấm trình bày hình phía ngoài, “tiệm ái tình” coi như là một chủng viện trong khi ảnh lõa lồ quảng cáo lại bày bán dán khắp nơi. Sex Shop đường St Denis, khêu gợi nhất là tấm màn nhung đỏ ở lối ra vào, kín đáo và bí ẩn nên mời mọc. Lách mình vào, bên trong thường đông khách, già trẻ lớn bé đủ hạng người (ái tình nào có chừa một ai) khiến bạn bao giờ cũng ngạc nhiên khỏi lôi thôi tự vấn tại sao chỉ có một mình mình tâm địa xấu xa. Sex Shop ở đâu cũng thế, bán băng vidéo, bán sách, bán những phụ tùng lẩm cẩm, quần áo lót, roi da, dương vật nhựa, âm hộ cao su, thần dược cua đào, nhất dạ lục giao made in Taiwan, làm tại Hồng Kông trong những xưởng tối tăm bóc lột bàn tay khéo léo của người phụ nữ các quốc gia còn đang phát triển. Về phim ảnh, sách báo, khắp hoàn cầu ở đâu cũng thế, bằng nấy băng, bấy nấy hình sản xuất tại Hoa Kỳ, Ðan Mạch, Tây Ðức hay Hòa Lan. Ðại khái Adult Bookstore ở trên Hollywood thì cũng bấy nhiêu mặt hàng, khác ở chỗ là Paris có cái trò Peep Show. 

Bạn đẩy cửa vào một trong căn phòng nhỏ, vừa đủ đặt một cái ghế. Có nơi lịch sự ghế bành da, có nơi bần tiện ghế đẩu nhưng ở đâu cũng đều đồng giá. 20F vài phút, 50F đặc biệt dài hạn. Bỏ tiền các vào máy, đèn trong phòng tắt, màn tự động kéo lên, đầu bạn gí đầu vào kính, ở bên kia kính, là đàn bà ở truồng. 

Loại kính này thuộc loại gương một chiều, bạn nhìn thấy bên kia, bên kia không nhìn thấy bạn. Nàng nằm trên một cái sàng quay chậm chậm, uốn éo theo điệu nhạc một cách không mấy hăng say, cởi quần áo lót, làm một vài động tác, cả ngày như vậy, tuy chẳng mỏi mệt gì nhưng chắc thế nào cũng chán. Xong một bài hát, nàng vơ vội cái quần cái áo, biến mất để nhường chỗ cho nàng khác vào. Mỗi cửa hàng Peep Show như vậy, thường có dăm cô thay phiên nhau và vào những giờ đông khách, đúng theo lời quảng cáo, cũng có cặp một anh một chị, hai chị với nhau giả vờ rờ mó một cách thiếu nhiệt huyết đúng theo truyền thống nhân viên công sở chờ hết giờ làm việc. 50F của bạn, may ra thì chiêm ngưỡng được dung nhan tắm nắng của ba cô khác nhau. Chẳng ích lợi gì nhưng đang đi ngoài đường trời lạnh, nhìn đàn bà qua lại tự nhiên nổi hứng, dẫn xác vào Peep Show có năm chục bạc, vậy cũng là mãn nguyện. Ở bên Tây dễ, như là trong thần thoại, ước gì được thấy ba cô trần truồng nhảy múa. OK, vào Peep Show. 

Khu Halles bên ngoài nhiều con gái đẹp, ở trong Peep Show cũng phải đua đòi tiêu chuẩn, các cô vũ công này không kém gì các cô qua lại. Muốn tìm hiểu thêm, có phòng đặc biệt 105F, có chương trình 300F, 500F, bạn ra quầy hỏi cho tôi cô A, cô B sẽ có ngay. Những khoản này ra sao tôi không biết, chẳng phải đàn bà tôi chỉ nhìn qua kính là tôi đủ thích nhưng tôi thấy nó có vẻ hơi lường gạt, với lại, làm gì tôi có đến năm trăm quan. Thà để ra ngoài chắc bụng, mấy chị bên ngoài giá ấn định ba trăm, mà rành mạch rõ ràng. 

Ở bên Pháp không cấm hành nghề mãi dâm nhưng cấm rao hàng, nghĩa là mời khách. Cảnh sát lâu lâu giở trò khủng bố những người làm ăn khó nhọc, cô nào nháy nhó người đi đường nhân viên công lực đè ra biên phạt. Một ngày biên phạt độ mười lần, làm sao đủ tiền mua thuốc cảm tại bên Tây trời đã lạnh, đã đứng đường còn phải ăn mặc hở hang. Tại thế nên đĩ Pháp đặc biệt ở cái vẻ kiêu sa huyền bí, đứng giơ đùi ra đến tận quần lót nhưng mặt mày căng ra khó chịu theo luật định, để cho bạn là người chủ động hỏi han. Ði không, ừ đi, bao nhiêu, ba trăm, nàng quay thoắt lưng lại bỏ đi trước, bạn lẽo đẽo theo sau vài căn, thường là một studio gần đó vì luật cấm chứa thổ, chủ hotel hệ lụy dễ ra tòa. Lên đến nhà riêng, sự việc vẫn lạnh lùng máy móc, có vẻ tẻ nhạt hơn nhiều những nơi khác ở Âu Châu. Nhưng mà vừa phải thôi chứ, người ta đã phải nằm dạng đùi còn bắt người ta vui nữa thì hơi khó, anh có trả tiền tôi thật, tôi làm công chứ không phải làm nô lệ nhe, làm sao xong bổn phận thì thôi. Những nhân tình năm mười phút, chỉ giữ đủ được phép xã giao là tốt, như hàng xóm sáng đi làm chào hỏi lúc gặp nhau. 

Nếu bạn nghe tả thế này bạn hơi chán thì bạn nên đi tìm những nơi vồn vã hơn, Madeleine chẳng hạn. Tôi đã nói, đường St Denis là căn bản và nếu muốn mơ màng, thì thà ở nhà theo dõi Connis Chung trình bày thời sự hay là update những mối tình trắc trở của Victoria Principal. Nếu ghé đường St Denis sớm, lúc mới vào trưa thì bạn có thể gặp một cảnh tượng giải thích được phần nào sự hờ hững. Ở khúc Etienne Marcel, nơi khu cắt may đụng khu hành lạc, vào cái khoảng hai giờ, đường dọc chị em ta bắt đầu xuất hiện thì đường ngang vẫn còn người Ấn, người Hồi Quốc xếp hàng đợi việc làm thuê. Dân bán đảo Ấn Ðộ sang Pháp thường không có giấy tờ cư trú hợp lệ, chỉ làm được những nghề không khai báo như là rửa chén trong tiệm Tàu, bán nhật trình ngoài phố hay đến khu cắt may đợi có người đến nhờ khuân vác trả tiền công nhật dưới lương tối thiểu. Khúc Etienne Marcel gặp St Denis, lao công Tamoul dàn xuôi đợi cho thuê bắp thịt tay một vài giờ, chị em đen trắng xếp ngược đợi cho thuê bắp thịt đùi một vài phút, đằng nào cũng là để độ nhật cho xong tuy là nghề phụ nữ có nhẹ nhàng hơn nghề nam giới, lương bổng lại gấp bội. Nhưng nó lao tâm đến đâu thì khách cũng chẳng biết để mà chia sẻ, cũng chỉ là một cách kiếm cơm thôi, nghề nào mà không mỏi mệt. Khuân vác không là thể thao như chơi tennis thì làm sao có thể có thể đòi hỏi mãi dâm phải nồng thắm như là tình yêu. Tôi cũng là người biết điều. 






NHỮNG BIỂN MIỀN NAM

Giữa kỳ trước và kỳ này của ký sự sáu tháng vừa trôi qua. Sáu tháng không có gì xảy ra, tôi về Bolsa, mùi phở vẫn vậy, tôi trở lại Pháp lần nữa, vẫn mùi bánh mỳ, chẳng có gì cần cập nhật. Ði, về, sáu tháng sau kỳ một, câu hỏi được đặt ra ở lúc đầu, đi Tây hay là về Tây đây, tôi vẫn chưa trả lời. Sáu tháng sau khi ngồi chung máy bay với cô Papae của “kỳ hai”, giờ tôi ở cách nàng có độ mươi hải lý, nửa tiếng tàu thủy hay là mười phút máy bay. Hồi trưa, tuy là hôm nay trời hơi xấu, dừng xe lại ở giữa bến tàu và phi trường, tôi nhìn thấy bên kia eo biển hòn đảo Tahiti lù mù mây. Ở bên này là Moorea, 8000 dân dư, chu vi 65 cây số, thuộc nhóm Iles de la Société, cách Paris 15800 km và không có tiệm bánh mỳ tuy vẫn có baguette từ Papeete đưa sang bỏ bán trong các tiệm tạp hóa. Sang đến đây được vài ba bữa, tôi mới tận tình thấy hiểu chữ “fiu” mà sáu tháng trước lần đầu tôi được nghe cô ta nói đến. Tai nghe không bằng mắt thấy, “fiu” hình như là suốt ngày ra ngồi bên vệ con đường độc nhất chạy vòng quanh đảo, nhìn xe buýt địa phương thỉnh thoảng chạy ngang, nửa muốn leo lên đến một đoạn nào khác xuống ngồi nhìn tiếp, nửa thôi ngồi đây nhìn cũng vậy, không buồn đứng dậy. Nhưng ở đây vẫn là nước Pháp, đường tráng nhựa hẳn hoi, nhà có điện có nước, có điện thoại, có cả minitel, giá nhà 200,000 USD một cái, lương tối thiểu 800 USD một tháng chật vật lắm làm sao sống nổi, vẫn bằng ấy vấn đề, tiệm vidéo quảng cáo băng mới đến Rambo III để thất nghiệp nằm nhà giải trí. Ừ thì có đàn bà đẹp và biển xanh hai ba màu khác nhau với lại nhiều loại bia. Bia Úc, bia Mỹ, bia Pháp và bia Hinano làm tại chỗ. Ðàn bà đẹp thì cũng thế, đàn bà ở đâu mà chả đẹp, ở đây thì họ dắt thêm một cái hoa dâm bụt ở vành tai. Ngày xưa họ cởi truồng và dễ dãi, sau hai trăm năm truyền giáo họ dùng vỏ dừa đậy ngực lại những khi biểu diễn vũ cổ truyền cho du khách phương xa. Ngày thường, họ mặc áo tắm đeo nịt vú hẳn hoi, Pole Position, Cacharel, Chantal Thomas, thì ở đây nước Pháp, nghĩa là có nhiều du khách Nhật Bản và Hoa Kỳ, chỉ vướng thêm vào cái huyền thoại chưa chết hẳn của những biển miền Nam, địa đàng của Rousseau chủ nghĩa: 

“Trước khi rời hòn đảo lắm phúc này tôi phải nhắc lại lần nữa những lời tôi đã có dịp dùng để ca ngợi. Ðể tả hết những gì chúng tôi đã chứng kiến, phải dùng đến ngòi bút của Fénelon hay cọ sơn xinh xắn của Albane hoặc của Boucher. Giã biệt, dân tộc hạnh phúc và hiền triết. Tôi sẽ giữ mãi cảm tưởng tuyệt vời mỗi lần nghĩ đến những khoảnh khắc ít ỏi đã từng được chia xẻ với bạn và cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi vẫn sẽ không ngơi ngợi khen hòn đảo Cythère hạnh phúc này. Ðây đúng là vùng đất Eutopie”. 

(“Nhật ký” nhà thám hiểm Bougainville)

Hơn hai trăm năm sau Bougainville và Thomas Cook, nhóm đảo Société giờ (vẫn) nhiều chó, có lẽ nhiều chó bằng Paris nhưng ít cột đèn hơn (thành ra chó buồn chạy long nhong) và không thấy có cầu công cộng hiện đại J.C.Decaux. (Tôi chưa đến Papeete, thành phố thủ phủ nhưng ở cả Afareaitu, thủ đô hành chính của Moorea, lẫn Pao-Pao, thủ đô kinh tế của đảo, tôi đều không thấy có). Hai đài truyền hình chương trình cũng bấy nhiêu, “Santa Barbara” chuyển âm bằng tiếng Pháp. Ừ, thì có đàn bà đẹp nhưng tôi cũng phải nhắc lại lần nữa, tôi cũng sẽ giữ mãi cái cảm tưởng tuyệt vời mỗi lần nghĩ đến và cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, là đàn bà, ở đâu mà chẳng đẹp. Miệt Bắc, đàn bà Ðại Hàn đường Garden Grove; miệt Nam, đàn bà Trung Mỹ đường Edinger. Ðàn bà Ðông Mỹ trắng, Tây Mỹ đen, đàn bà ở đâu mà không đẹp, chẳng cần đi xa đến thế này. 

Chẳng cần đến đàn bà chân dài ở giữa Thái Bình Dương. 

Vào hai tuần trước đây, tôi ngồi “fiu” ở trong một quán ăn đường Lappe ở Paris 11, khung cảnh lạnh lùng trắng xám và sắc gọn xanh. Uống hết phần mình một phần ba chai Beaujolais tôi gắng gượng nghe người thứ nhì (uống hết phần họ một phần ba chai Beaujolais, làm dạn hỏi: 

- Mày nghĩ mày là người ở đâu? 

Uống hết phần mình một phần ba chai Beaujolais tôi trả lời bừa: 

- Tao “văn hóa Pháp”. 

Chưa uống hết phần họ một phần ba cũng một chai Beaujolais, người thứ ba (chắc cũng “văn hóa Pháp”) gật đầu tán thành. 

Tôi nhìn ra ngoài đường, một giờ đêm còn nhộn nhịp, đối diện quán có treo một bảng bán nhà: “Một phòng ngủ, 48m vuông, sân thượng 26m vuông, 1.300.000F”. Tôi làm tính nhẩm, kể cả sân, văn hóa Pháp ở đường Lappe, gần nhà hát Bastille mới vừa hoàn tất, giờ đến 18.000F một thước vuông. Không kể sân, 26.000F một thước xây cất. Tôi đã lỡ nhận, tôi chẳng còn phân vân. 

Như vậy là tôi đã trả lời được phần nào, nếu tôi văn hóa Pháp thì hình như là tôi “Về Tây” chứ không phải là “Ði”. 

Tôi về Tây, để rồi nhìn ra công trường Bastille có cột Juillet vừa được kỳ cọ và mạ vàng trở lại đánh dấu hai trăm năm Cách mạng, mùa hè ở vùng ôn đới mười giờ đêm trời mới vừa chập choạng, một nửa thành phố đi vắng để cho nửa còn lại nhiều chỗ đậu xe. Văn hóa của tôi đây, uống Beaujolais 87 (tôi nói thế chứ Beaujolais 87 hay 88 tôi uống cũng vậy, tôi không phân biệt nổi) với những người cùng thuộc một văn hóa với mình, nghĩa là nửa ta nửa Tàu, để gục gặc đầu sau nửa đêm. Tôi thuộc về văn hóa Pháp. 

Mẫu giáo Lecture sans Larme, Tiểu học chiến tranh Puniques, Carthage đụng độ La Mã, Hannibal mang voi vượt rặng Alpes, Schipion - Phi Châu rồi trận Alésia, Vercingétorix với lại bình hoa thành Soissons. Trung học Lagarde et Michard, Ronsard: 

“Mignonne allons voir...”

Le Cid (“Họ xuất hành chỉ có năm trăm và khi đến bến, nhìn ra thành hai ngàn kỵ mã”), con ngựa của Cid tên là Babieca; Iphigénie, Andromaque, những nhân vật này đều không có ngựa, rồi “Người Bệnh Tưởng”, thi Tú Tài “Kẻ Xa Lạ” và “Hy Vọng”. 

Trận Marignan năm 1515. 

Năm 1914 ở Sarajevo, một thanh niên mang tên Prinzip thuộc đảng bí mật “Bàn Tay Ðen” hạ sát Tối Quận Công Ferdinand Joseph nhà Habsbourg của Ðế quốc Áo-Hung, gây ra Ðệ nhất Thế chiến. 

Thì tôi văn hóa Pháp. 

Và nếu đã văn hóa Pháp thì sau khi “Về Tây” rồi, hiện giờ tôi chỉ có thể ở chốn này là nơi xa nhất. Nơi xa nhất métropole, nơi xa nhất Lục địa Pháp trên phương diện địa lý và trên phương diện của cái hoài mong trong văn chương, trong tàu điện mỗi ngày chen chân, trong xe hơi đang kẹt đường Périphérique. Những Biển Miền Nam. 
Màu xanh Gauguin. 

Màu xanh Postcard.

Nước hồ lagon 30 độ C, những bờ thành san hô sóng vỗ ở ngoài xa, gần bờ quanh quẩn những mô đá, cá ba màu năm màu lại qua y như trong bồn thủy tinh của nhà hàng Tàu, không kém gì cả. 

Ngay cả chó ở đây cũng hiền hòa, con vàng con vện, con mực con đốm thè lè lưỡi không đuổi bắt mèo, gà, hết xuống nước lội rồi lại lên bờ chạy. Tôi đứng đây nhìn và tôi tự bảo: 

- Thì ở đây là, những biển miền Nam. 

Tôi lớn lên với ông Commodore Wallis (còn để tên lại cho quần đảo Wallis và Futuna), với ông Thomas Cook (còn để tên lại quần đảo Cook, cho vịnh Cook ở Moorea và Công ty Toa xe lửa nằm Wagons-list) ông Magellan đặt tên cho eo biển và ông Bougainville thơ mộng (ông này được nhà khoa học Commerson mang tên đặt cho loài hoa giấy ông ta mang về từ Nam Mỹ). Ðây là nơi tận cùng của trái đất có pastis ngoài bar vào lúc năm giờ chiều với tiệm cơm Tàu có bán chả giò trên thực đơn gọi là “nem” (Chả giò, hoặc Pâté Impérial, hay là “nem”, thực ra là một món ăn Pháp, bằng chứng là ở bên Pháp ngõ ngách nào cũng kiếm ra trong khi khắp Bolsa ở đâu ăn cũng dở ẹc, giống như là egg-roll Trung Hoa. Ngược lại, cái gọi là “bánh mỳ Tây” là một món thuần túy Việt Nam với xúc-xích và ba-tê hoàn toàn Ðông Nam Á cộng thêm đồ chua ảnh hưởng từ văn minh Ấn Ðộ). 

Nơi xa nhất của văn hóa Pháp. 

(Văn hóa Mỹ thì lại khác, nơi xa nhất là mặt trăng, như là một nhà bác học NASA từng tuyên bố trong thập niên 60 nhân dịp những biến động nhân quyền ở Birmingham: “Ta có thể gửi người lên mặt trăng nhưng ta không thể đặt một người da đen ngồi trên ghế trước trong xe buýt tại Alabama”). 

Những nơi xa này 

Vanuatu 

Quần đảo “Ở Dưới Gió” 

Tuamotu. 

Tân Calédonie. 

Và Tahiti. 

Tôi đến tượng trưng, giờ tôi ngồi đây, có phải là tôi đi đâu hay là tôi “Về Tây?”. Sáu tháng trước, hay là tôi nói láo. 

Tôi ngồi đây, tôi chèo xuồng ra khơi coi cá lội, cổ tôi choàng vòng hoa ở đây gọi là tiare, Việt Nam gọi bình thường là hoa Ðại. Tôi “fiu” (Việt Nam gọi là Fiu-Fiu En-En) và tôi ăn vú sữa ở ngoài chợ thị xã bán có 40 cents một quả, ngày mai hay ngày kia tôi sang Bora-Bora tìm tiệm phở. Ở Bora-Bora có tiệm phở không, Bora-Bora chỉ bằng một phần tư Moora, không biết có tiệm phở hay không (Ở Papeete có tiệm “La Saigonnaise” với tôm rang muối và dĩ nhiên là phải có “nem”, đây là nước Pháp, tôi đã nói). Ðối với James Michener thì Bora-Bora là hòn đảo đẹp nhất thế giới nhưng James Michener mà biết gì. Thứ nhất, James Michener không biết đã có đến Vũng Tàu hay chưa và thứ nhì, chẳng hiểu James Michener đã từng được ăn phở rồi hay không. Bora-Bora mà không có phở thì nhất nhì thế giới gì cũng vậy, có gì đâu, ngay cả Bolssa-Bolsa nữa, nếu mà không có phở thì Bolsa cũng chỉ vậy vậy, tuy là phở ở Bolsa hình như nhiều bột ngọt. 

Năm 1768, một thanh niên thổ dân mang tên Aotourou leo lên chiếc La Boudeuse của Bougainville và nhất định theo nhà thám hiểm này về đến Pháp. Chẳng phải vì lý do thất tình, chàng trai ở Tahiti chán chàng buồn đòi đi chơi. Ðương thời cùng với Hoàng tử Cảnh, Aotourou không có sứ mạng gì, không đi Tây làm con tin, Aotourou đi Tây vì hết muốn nhìn thấy biển xanh ba màu và ngán ngẩm cá sống ngâm nước cốt dừa. Cũng như Bougainville, Aotourou là một nhà thám hiểm, sang Tây đùa các nữ hầu tước và ghẹo các bà quận chúa nhưng thích nhất là ra nhà hát Opéra xem Tây Ðầm nhảy múa địa phương. Ðược một năm ở Paris, vào tháng 3 1770 Aotourou lên tàu trở lại, theo chiếc Le Brisson từ bến La Rochelle tìm đường để hồi hương. Bougainville phải mất đến một phần ba tài sản để gửi người bạn về cố xứ, bà Quận công Choiseul giúp đỡ vào một phần và vua Tây Ban Nha cho phép chiếc tàu Pháp nhân dịp này đặc biệt có thể ghé bến Phi Luật Tân nếu cần. 

Nhưng Aotourou không bao giờ về đến đảo cũ, không bao giờ trở lại Tahiti (dạo đó còn đàn bà cởi truồng tự nhiên và tính tình thân mật dễ thương). Những cây dừa, Aotourou chỉ được nhìn thấy lại dọc theo bờ biển Phi Châu, ở Ile de France (Mauritius) Ấn Ðộ Dương nơi cập bến giữa đường. Chàng đau yếu gì đó trên hòn đảo này và chết, Tahiti chàng không về đến nơi được. 

Aotourou không bao giờ trở về, quần đảo Société có ít nhất là ba người con gái tóc cài dâm bụt nhiều chiều dối chồng, dối bồ để ra bờ biển: nhìn lagon nông hồ nước xanh một màu, rồi lagon sâu hồ nước xanh lại một màu và phía bên kia hàng rào san hô có sóng vỗ, đại dương xanh màu thứ ba. Nhìn biển ba màu mà nhè nhẹ thở dài, Aotourou đi chơi không về nữa. 

Trong quán ăn đường Lappe hai tuần trước, người ta bảo tôi: 

- Ðúng thế, mày là người ở đây. 

Tôi nghe nói thì tôi biết vậy. Nếu tôi là người “ở đây” thì tôi “về Tây”. Xong rồi tôi ghé ngang Bolsa check lại hàng phở, chẳng có gì lạ, tôi vội vã đến nơi tận cùng này ngồi đây. Bắt chước nhìn biển xanh ba màu và tập đếm. 

Một, hai, ba. 

Ði thì bao giờ chẳng dễ, chỉ có về mới khó, nhất là phải biết về đâu mới được. Về Tây hay về Bolsa, hay là về đâu. Về đâu, một hai, ba, mai kia tôi đi Bora Bora. 

Mươi ngày nữa tôi đi Orange CountyNam California. 

Tôi lại đi Bolsa. 

Bolsa tôi biết đường, đi thì cứ đi, đi đâu cũng vậy. Chẳng cần khó khăn như là Garcia Lorca: 

“Cho dù con đường tôi có biết 

Tôi sẽ không đến thành Cordoba”.






LỜI NÓI SAU 

13 năm, một giáp, sau khi viết xong ký sự vừa rồi, nhìn lại và nhìn tới, nước Pháp có gì thay đổi? Nước Pháp ở đây, ở ký sự này, tức là nước Pháp của tôi. Thì nước Pháp của tôi, nước Pháp của ông Ferrat (“Ma France”), của lãnh tụ nghiệp đoàn nông dân chống toàn cầu hóa và chống bánh mì kẹp thịt của Mỹ, ông José Bové, nước Pháp của Robespierre và của Ba lê Công xã. 

13 năm sau, nước Pháp giờ Âu châu hơn một tí, bỏ đồng Franc mới, đồng Franc cũ mà dùng chung một đơn vị tiền tệ Euro. Biên giới phía Bỉ, phía Ðức, Ý, Tây Ban Nha không còn trạm kiểm soát nhưng tiến trình Âu châu hóa tôi thấy hình như còn chậm hơn tiến trình Toàn cầu. Giờ có lẽ là nhiều hơn trước, lớn thêm cái nỗi buồn Hy lạp, cái buồn của một nền văn minh đi trước, có cung Versailles, có ông Mirabeau, có cả cầu Mirabeau, có tháp Eiffel, có cả ông Apollinaire, mà nhìn sang bên kia biển thì văn minh La Mã đang rực rỡ. La Mã, ở đây là Hoa Kỳ, và số phận thành phố Athens là số phận của cả châu Âu. 

Châu Âu, ngập ngừng những chuyện tình tay ba, kép độc Pháp, đào thương Ðức với lại tình nhân Anh Cát Lợi. Vào thế kỉ mới này, tội ác ở Pháp đã gia tăng bằng tội ác ở Mỹ, trong khi rượu Napa Valley thì đã ngang với lại rượu vùng Loire. Bang Cali, về tổng sản lượng, mới qua mặt Pháp, là kinh tế hàng thứ 5 trên thế giới, tuy tất nhiên là Pháp vẫn giữ được hạng này, đứng trước Ý đại lợi (bang Cali không phải là một quốc gia độc lập mà vẫn còn thuộc về Mỹ). Tuổi trẻ Pháp, cũng như tuổi trẻ Âu châu và thế giới, mặc áo Schott và đi giày Timberland, cập nhật từng tuần sô truyền hình “Sex and the City” và đến rạp để xem phim “Người Nhện”. Chính bởi vì thế, nên đằng hắng với Hoa Kỳ ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chỉ có nước Pháp, cũng như vài thập niên trước, tướng De Gaulle hờn dỗi đòi dứt tình với khối Ðồng Minh Bắc Ðại tây dương. 

Những chuyện này, thì ăn nhập gì đến tôi và đến đây. Mười mấy năm qua, tôi đi đi về về, gật gà ngủ trên những chuyến bay có lẽ, nhiều hơn trước, từ lúc cột giây an lưng là nhắm mắt cho đến khi đèn bật được cởi giây ra. Paris, thì vẫn vậy, lù mù sương quanh năm, bắt nắng hồng lên má vào tháng 5 và chỉ được yên ả những con đường vào tháng 8. Lộ St. Denis vẫn là lộ cổ nhất Thành phố nhưng những cố nhân của tôi, trước đã “cũ” giờ lại được lên cấp là “kỹ “ một nấc nữa, cất vào tối tăm tận cùng của một hộc tủ. 

Nếu giờ phải viết lại ký sự này, tôi chắc là cũng sẽ chẳng có gì khác mấy.


Nguồn: talawas.org

No comments:

Post a Comment