NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG - TIỂU SỬ / HIỆN SINH / PHẠM DUY / TÔI CÒN NHỚ THÁNG TƯ ĐEN / MÙA ĐÔNG - thơ


TIỂU SỬ

mê cao bồi mĩ
và phim kinh dị
ca từ nhảm nhí
mãi mãi lỏi tì
yêu mến thành thị

khi sử dụng bút
nó hiền như bụt
dù chẳng thậm thụt
không gây lũ lụt
xỉn tăng vun vút

nửa đời thơ thẩn
trộm chữ chôm vần
sáng ngớ chiều ngẩn
chọc cù huy cận
chỏi bàng bá lân

nửa đời lưu lạc
trên lầu hoàng hạc
cánh gà tan tác
rồi nương theo nhạc
chun vô nhà xác

ôi quá diệu kì
chuyện tây du kí
lúc tới paris
nó đã tình si
một ổ bánh mì
20.01.09




HIỆN SINH

tôi đứng trong toa-lét
sàn lát gỗ và lát gạch vuông nhưng
thoạt trông gạch giống như hình thoi
bồn cầu nhớp nhúa không có nắp đậy
cửa sổ khép tường đầy vết bẩn
không khí tù hãm ngột ngạt
quần tuột xuống tới gót chân

sơ-mi tay ngắn
cổ cà-vạt đen
chân như ống máng dẹp dang ra
tay trái chống nạnh nắn mũi dây thắt cổ
như một cơn ác mộng xám nâu rát lành [*]
tôi gầy và cao lêu nghêu gần hai mét
đó là cảm nghĩ của tôi về tôi

dương vật tôi mềm như giun
buồn ơi chào nhé
dương vật gà trống gô-loa đã gãy cựa
mông lép thúi cứt khô dính lỗ đít
chùm lông cu như cỏ đen mọc tới rún
tôi có thể là chàng roquentin
buồn nôn

buồn nghỉ buồn ngủ buồn đụ
tôi nhìn thẳng tới tương lai nhân loại
xa hơn cái cánh cửa toa lét khép hờ
sọ tôi rỗng
như lề đường Paris lúc hừng đông
khi xe lấy rác đã chạy qua
và cánh cửa sắt của hầm métro vừa mở

bên ngoài có thể là
mùa thu mưa hay mùa đông gió
trên bờ sông seine xám tro lặng lờ
cây trơ cành bơ vơ trụi lá
cứ giả dụ đại cho nó thêm tái tê
dưới sông một chiếc xà lan hụ còi
xịt khói trước khi chui qua cầu alma

tên tôi có thể là
francois michel paul robert hay edgar
tôi làm mẫu cho buffet vẽ chân dung tự hoạ
tôi là một hình nhân hiện sinh sau khi
bom nguyên tử nổ
cái w.c. ở từng bốn một tòa nhà năm từng
xây từ khoảng đầu thế kỷ 19
 [*] rát lành = rát, nhưng lành; vừa rát vừa lành...





PHẠM DUY

ai có được diễm phúc
nghe phạm duy đờn ca
ắt hẳn phải khâm phục
ông nhạc sĩ tài ba

tất thảy gái và đào
đã ngủ với ông ta
khi ngồi ngó trăng sao
ắt tin có phép lạ

chợ sớm với đồng quà
bà mẹ quê đẹp quá
chắt chiu nuôi đàn con
vẫn giữ nụ cười son

vai mẹ quê phải trao
cho siêu sao kiều chinh
khán giả sẽ lệ trào
khi ngồi ngó màn hình

cày sâu không biết nhọc
trai hiền như khoai thóc
gái nước da đen giòn
cũng có nụ cười son

gái trai thành vợ chồng
vui thú trong giấc mộng
ôi thanh bình kiếp sống
chung sức tát biển đông

khi biển đã cạn khô
tàu lạ hết đường vô
i tờ ta đánh vần
tờ i ti vân vân

khoai lùi ngon như vàng
trên mười sáu chữ vàng
em bé quê hét váng
trên mình trâu ca vang

bé quê hát cái gì
chỉ riêng nhạc sĩ biết
nếu ca đàn chim việt
chúng đã bay qua mĩ

lớn lên bé theo đảng
trung quốc được gởi sang
học tập rất nghiêm trang
để canh giữ xóm làng

nếu thấy ai làm sai
gọi công an chạy lại
xế khủng chở về đồn
tặng cho vài nụ hôn

thời tây còn đô hộ
quân pháp thua quân hồ
hai ngàn thây không mộ
xác trôi trên sông lô

chiến sĩ bị bêu đầu
đóng cọc cắm giữa chợ
trố mắt nhìn đợi chờ
mẹ già đang ở đâu

mẹ không nói một câu
khăn gói đi lấy đầu
vừa đi vừa nguyện cầu
sống chết quyết tranh đấu

bà mẹ gio linh bị
việt minh ra lịnh cấm
vì nó quá kinh dị
sợ dân chúng hiểu lầm

bỏ hàng ngũ du kích
vệ quốc quân oai hùng
ngang tàng tay cầm súng
đêm ngày chờ giết địch

quê nghèo nay xịn lắm
có hô-ten hồ tắm
có tiệm bán big mac
có chỗ để tới lắc

đầm tây trai gái mặc
hàng hiệu sang rất đắc
cán bộ thì dốt đặc
từ nam ra tới bắc

không bỏ quên cây đàn
nhạc sĩ về quê quán
du ca đường cái quan
coi ngộ dù quái đản

phạm duy khi sinh ra
lúc hãy còn quấn tã
nằm trong rá lót rạ
đã yêu tiếng nước ta

đấng chúa của nhạc việt
từ khi mới sinh ra
phạm duy yêu đàn bà
lớn lên tình ca viết

tây chết hai ngàn lính
việt mất bao nhiêu binh
lịch sử nhìn một phía
chuyện thật hay chuyện phịa

đừng quên bà mẹ quê
vợ chồng quê bé quê
viết lúc ở khu chiến
là bài hát tuyên truyền

thậm chí có kẻ viết
rằng phạm duy đã viết
ca khúc mùa thu chết
ám chỉ cách mạng chết

thà làm đít con trâu
hơn của vịt làm đầu
phạm duy bỏ cộng đồng
về bưng tô việt cộng

ôm đàn hát rong ca
tâm ca và tục ca
bé ca và bình ca,
ngục ca và đạo ca

phạm duy không chính trị
phạm duy là nhạc sĩ
phạm duy chỉ tình si
phạm duy là chim trĩ

là nghệ sĩ tài đa
ắt hẳn phải tình đa
mọi thứ đều đa đa
chỉ trừ tài dâm đa

nhâm nhi cà-phê đá
cuội ngồi gốc cây đa
nhớ thủa bắt dế đá
dế gáy nghe rất đã

em ra đi mùa thu
vĩnh biệt cây đại thụ
tôi đầu quân lính thú
gõ phím tụng quân thù

đêm nay đôi người khách
giang hồ gặp nhau tình
trăng nước khua lạch cạch
trên dòng sông thủy tinh

đúc tượng xây đền thờ
riêng tặng mấy khổ thơ
này cho trịnh thanh thủy
nhà văn si phạm duy
 (trích “Thơ bất tận”)






TÔI CÒN NHỚ THÁNG TƯ ĐEN

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ở Paris hôm đó trời rất xanh.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì khi nó đến - hay lúc nó đi? - nó chưa
được/bị gọi là Tháng Tư Đen.

Tôi còn nhớ tháng tư đen ở Place d’Italie quận 13 Paris lúc 5 giờ
chiều ngày 30 tôi vào siêu thị mua một ổ bánh mì khi trở ra tôi ghé lại
cái kiosque bán báo mua thêm tờ Le Monde tìm đọc tin tức bên nhà
chỉ thấy một mẩu tin nhỏ nơi trang nhứt chưa có tấm hình trực thăng Mỹ
cất cánh trên sân thượng đại sứ quán Mỹ.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì tối hôm đό thằng Alain tới thăm tôi
nó nói khi nó đi ngang qua sứ quán Việt Nam Cộng Hoà nó thấy một đám sinh viên
Việt Nam xuống đường la ó phản đối vì chúng đã trở thành một bọn
vô tổ quốc.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ngày hôm sau là ngày 1 tháng 5 ngày Lễ Quốc Tế Lao Ðộng ở vài góc phố Paris có mấy cô gái bán các bó hoa muguet trắng nhỏ
tôi có mua một bó.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì tôi thấy cụm từ này lần đầu tiên trong
bài ký của ca sĩ Khánh Ly viết về quán Queen Bee.
Trong bài hồi ức về các đêm sinh hoạt ở cái night-club nổi tiếng đó Khánh Ly nức nở
khen danh ca Thái Thanh và ca sĩ Ngọc Minh đồng nghiệp
và đồng trang lứa với mình
nhưng Khánh Ly chê trách thậm tệ Lệ Thu cô ca sĩ nước mắt
mùa thu khóc cho cuộc tình cuộc đời ca sĩ
hát trong buồn tênh
đã ca
bài Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng của địch.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì băng nhạc cassette đó đã được báo
Diễn Đàn ở Paris bán ra có luôn bài Trường Sơn đông Trường Sơn tây
ca sĩ hát giọng lơ lớ như các chú ba tàu.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì tôi đã Anh hoá tiếng bồi ca từ nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương
thành ra if a man i will đái for my country.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì tôi có viết một cái truyện ngắn
lấy cái chết của một người mẹ làm ẩn dụ
cho cái chết của Sài Gòn - Miền Nam - Đất Nước, cái truyện ngắn
vài trang đánh máy và viết tay thêm đã bị thất lạc khi
dọn nhà tôi bỏ luôn
không muốn viết lại.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì sau khi đặt chân lên đất Mỹ được một thời
gian ông Phạm Duy đã sáng chế cụm từ đàn chim bỏ xứ.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ở Paris tướng Khánh đã nói đùa với
thực khách
rằng ông chạy sang Pháp lần này mở tiệm phở chỉ bán bánh
không bán nước.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ông tướng phi công ria kẽm cựu phó tổng
đã tuyên bố một câu xanh rờn trên tờ Time
hay tờ Newsweek
rằng ngài chưa bị Mỹ hoá vì ngài do not wash dishes.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì gia đình tôi được tặng bằng liệt sĩ
trong thời kinh tế bao cấp mỗi tháng được phát cho hai lon sữa đặc.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ngôi mộ của má tôi một bà mẹ liệt sĩ
tại nghĩa trang của hội tương tế Biên Hoà ở Sài Gòn do kế phụ của tôi
làm hội trưởng cũng đã được người ta giải phóng cùng với ngôi mộ của người chồng kế
để chiếm đất của người chết.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì cháu rể tôi đã chết trong trại cải tạo
con trai theo mẹ di tản qua Mỹ hình như đã học chung trường và
cũng là bạn thân với Ðinh Linh.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì nó không còn là
tháng tư đi tậu trâu bò.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì một đồng nghiệp thoát ra hải ngoại đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện nhà nước thời bao cấp bảo dân chung tiền nuôi một con heo
để mổ heo trước Tết ra chia thịt
để nhậu nhẹt trong ba ngày ăn chết
nên được dân chúng mến yêu trân trọng gọi đảng là
Ðảng Heo.

Tôi còn nhớ tháng tư đen vì nó đã trở thành Ngày Quốc Hận.

Tôi còn nhớ tháng tư đen
vì tôi là người Việt Nam và mọi người Việt Nam
đều phải nhớ cái tháng tư đau đớn này.

Tôi còn nhớ tháng tư đen
vì tên chủ quán thịt cầy đã cho dân mít xơi
một khúc cá gỗ tháng tư
vĩ đại
nhứt lịch sử nước nhà.





MÙA ĐÔNG

Mùa đông là mùa của sự thân mật ấm cúng với những người thân yêu bên ngọn lửa hồng. Mùa đông cũng có thể là mùa của xa trông cố hương, nhưng hy vọng, trong thời đại mới với những kỷ thuật ngày càng tân tiến, nó sẽ không còn làm buồn lòng ai cả.

Riêng tôi, tôi không yêu hay ghét mùa Giáng Sinh bận rộn, xuôi ngược, vào ra tất tả, mua sắm, gởi thiệp, nọ kia kia nọ, những thứ rất cần thiết và thú vị với người này, rất vô vị và nhàm chán với người kia.

Nếu có cảm thấy bực bội đôi chút, hay quá nhiều, vì chen lấn, đợi chờ, kẹt xe, thì tôi nghĩ đến những kẻ lang thang lây lất trên các vỉa hè, chiếc ly giấy trên bàn tay bẩn chìa ra, mặt cúi gầm, để cảm nhận ngay sự may mắn của mình trong cuộc sống hôm nay và trên cõi đời này.

Tôi có mua vài lon đồ hộp để dành đón tuyết. Đã trồng xong mấy củ thuỷ tiên đất một người bạn gởi cho, đang chờ xem pháo bông nở trắng trên vòm trời thế giới trong đêm Chúa ra đời.

Và kiên nhẫn, từng giây từng giờ, ngày lẫn đêm, trông chờ mùa xuân nở vàng trên trái đất, nếu mình có thể sống sót và qua được cái mùa cô đơn buốt giá của chính mình.

London, tháng Mười Một, 2014

Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment