ĐINH LINH - SỐNG ĐỂ ĐẾM / ĐẠO / ĐÀN BÀ, ĐÀN ÔNG, CHUỘT VÀ NẮNG / MỘT BÀI THƠ HOÀN TOÀN VÔ NGHĨA / KHÔNG DÁM ĐÂU / $ / VIỆT TÔI / Ô HẸP CỦA THI CA / QUÁ NGẮN / NGOẶT / NƯỚC MẮM VÀ XÌ DẦU / TĂM VÀ ĐŨA - thơ


SỐNG ĐỂ ĐẾM

Người Piraha ở Brazil chỉ biết đếm tới 2.
Những số lớn hơn 2—3 hay 1 tỉ—họ chỉ nói là nhiều.
Nhà tôi nhiều ma, cha tôi nhiều vợ, nước tôi nhiều Kiều.

Người Mỹ rất thích đếm, và đếm rất chính xác. Có lẽ
Vì vậy mà họ có nhiều của cải và uống rất nhiều thuốc
Trấn an tâm thần.

Tôi thì thích đếm xác chết.

Mỗi khi thấy xác chết, miệng tôi lẩm bẩm 1, 2, 3, 4,
5, 6, 7, 8, 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15. Khi không thấy
Người chết, tôi đếm người sống như người chết.

Tôi luôn chờ cơ hội để được đếm người chết.
Có lẽ tôi chỉ sống trên cuộc đời này
Để được đếm người chết.

Gặp ai, tôi cũng hỏi thử, Bạn chết chưa?
Gặp ông già 89 tuổi, tôi dò, Cụ chết chưa?
Gặp người thân, tôi chất vấn, Cha, mẹ, bác, chú,
Cô, cậu, dì, cháu, chắt đã chết chưa?

Thấy con nít mới đẻ 2, 3 phút, tôi nhìn thẳng
Vào cặp mắt người mẹ, Con bà đã chết chưa?

Mỗi khi nghe, Chưa chết, tôi vô cùng thất vọng,
Thậm chí hoang mang. Chắc không? Tại sao
Bạn chưa chết? Tại sao bạn không chết đi?







ĐẠO

Chẳng hữu, chẳng tả, tôi đứng giữa,
Toòng teng. Chẳng dương, chẳng âm,
Tôi sẵn sàng giả cái để khỏi chết,
Giả đực để khỏi mang bầu hay đẻ.
Vì lỡ sinh, tôi phải tồn. Nếu được,
Tôi đã phá thai chính tôi.

Đạo khả đạo là đạo xoàng.
Danh khả danh là danh dỏm.
Vô danh, thiên hạ coi như cứt.
Hữu danh, vạn vật bói.

Em ơi, làm gì có đấng thần quyền nào
Ban trúng vé số hay tấm chồng Đài Loan,
Nhà lầu ba tầng, tiện nghi, tại mặt tiền,
Gieo ung thư cho con đĩ già mắc dịch
Em phải gọi là mẹ hay dì. (Vậy thì em
Đừng phí tiền sắm đèn lồng nhé!)

Tại đất nước tôi, một nơi sặc sụa mùi nhang khói,
Những gì chết khô, chết rữa, chết vùi, chết trôi,
Hay chưa từng sống, đều được coi là linh thiêng.







ĐÀN BÀ, ĐÀN ÔNG, CHUỘT VÀ NẮNG

Một mụ khẳm tiền nhưng thiếu hơi
Người đàn ông, hơi tóc, hơi nách, hơi thở
Hổn hển khi hắn ra vô, hơi gió biển. Đại khái
Là mụ cần gấp một kẻ cao ráo, trẻ trung,
Không gớm tay gỡ con chuột chết từ bẫy.
Nhà mụ quá nhiều chuột. Đêm nào
Chúng cũng ra vô, ra vô thoải mái
Từ những lỗ mục, từ những kẽ khuất,
Từ những con hẻm thiếu nắng, đầy kỷ niệm
Mùa thu lá bay.







MỘT BÀI THƠ HOÀN TOÀN VÔ NGHĨA

Viết một bài hoàn toàn vô nghĩa
Không phải là chuyện đùa.

Hãy thử viết: “Thôi thì. Thế thôi.
Thà vậy. Chẳng sao. Đành.
Vẫn vậy sao? Bao lâu nữa?”

Hãy thử viết: “Thôi thế thì thôi
Thôi thế thì thôi thôi thế thì.
Thì thì thì thôi thế thì thôi.
Thế thôi thì thì thì thôi thế.
Thì thì thì thôi thế thì thôi.”

Hãy thử viết: “Không được, không nên,
Không thể, không dám. Sao không?”

Hơn nữa, một từ nhỏ nhất,
Một quán từ, chẳng hạn,
Con hay cái, cũng đã tích cóp
Cả ngàn quan hệ từ ngàn năm.

Con ám chỉ động vật.
Cái ám chỉ tĩnh vật.
Con khủng long,
Con dương dương.
Cái Dương Thu Hương.

Một kẻ ít lời, nghèo nghĩa như tôi
Cũng không thể né hàng vạn
Những ký hiệu lằng nhằng,
Bám vào từng dấu phẩy,
Khi đang gồng một bài thơ
Hoàn toàn vô nghĩa.







KHÔNG DÁM ĐÂU

Sao cha em ngớ ngẩn như một con vượn xuất chuồng vậy?
-Không dám đâu!
Sao mẹ em chễm chệ và ngọt xớt như tú bà vậy?
-Không dám đâu!
Sao anh em lừ đừ và lè nhè như một thằng xì ke vậy?
-Không dám đâu!
Sao em gái em diêm dúa như bọn bóng trong ngày hội vậy?
-Không dám đâu!
Sao nhà em treo đèn mờ chớp nhoáng như bia ôm vậy?
-Không dám đâu!







$

Có người biết thủ,
Có người biết xài;
Tôi vừa không biết xài
Vừa không biết thủ tiền.

Trong một ngày, trên một thế giới
Mà thiên hạ mất nhà, mất vợ,
Mất con, mất tứ chi, mất nước,
Mất danh dự, mất mạng,
Nó hoang mang và bực tức
Vì tìm hoài và tìm hoài
Mà không kiếm được một cắc
Nó mất ở đâu.

Nó không dám mua thịt
Cho con ăn, mà dám sắm vàng
Để choàng lên thịt.

Nó thà không có tiền
Còn hơn có tiền mà phải
Thỉnh thoảng cho ai mượn.

Tiền trên da, chúng lột.
Tiền trong túi, chúng móc.
Tiền trong tủ, chúng cậy.
Vì vậy, cứ thấy tiền thì nó nuốt:
Tiền giấy, tiền cắc, tiền đô,
Tiền gia long, tiền tiền sử.

Nó không hỏi, Sách hay hay không?
Mà, Tác giả này giàu hay không?

Tiền trong óc? Có.
Tiền trong tim? Có.
Tiền trong mắt? Có.
Tiền trong miệng? Có.
Tiền trong tay? Không chắc.
Tiền trong bụng? Lúc có, lúc không.
Tiền trong cu? Rất khó.
Tiền trong lồn? Bảo đảm.
Tiền trong đít? Có.

Tiền phân thế gian thành từng mẩu
Cụ thể, dứt khoát, đồng đều.
100 mẩu cơm bằng một mẩu thịt.
25 mẩu thịt bằng một mẩu nhạc sến.
9 mẩu nhạc sến bằng một mẩu tiểu thuyết.
300 mẩu tiểu thuyết bằng một mẩu thơ.

Nó thà không có tiền
Vì có tiền, nó phải chủ động
Và nhìn xa. Không có tiền
Giản dị hóa cuộc đời, nó suy.

Thấy ăn mày mù,
Nó đưa 1.000, lấy 2.000.
“Đáng đời,” nó lẩm bẩm.
“Mù mà còn bầy đặt ăn mày.”

 “Ai cũng đáng được yêu,”
Hắn tâm sự với đĩ. “Tại sao
Tôi phải trả tiền?”

 “Cái tôi phân phối, tôi chịu hao
Chút đỉnh,” hắn cò kè với đĩ.
“Cái cô cung cấp vẫn còn nguyên vẹn.
Tại sao tôi phải trả tiền?”

 “Tôi hưởng, cô hưởng,” hắn giải thích.
“Thậm chí cô còn hưởng hơn tôi!
Tinh túy của tôi, cô nuốt trọn.
Tại sao tôi phải trả tiền?”







VIỆT TÔI

Sáng, việt tôi.
Chiều, việt tôi.
Việt tôi chỉa, hô,
Đôi khi lõm.

Cõng việt, tôi chạy.
Bồng việt, tôi bơi.
Ôm việt, tôi ngủ.

Giữa giấc, tôi thỏ thẻ việt.
Háo hức, tôi suýt việt việt.
Mở mắt, tôi lại thấy việt.

Đôi khi tôi sướt mướt việt.
Đôi khi tôi nguyền rủa việt.
Đôi khi tôi lờ việt, nhưng việt
Chưa từng lờ tôi. Việt vẫn việt,

Dù tôi chịu việt hay không.
Đôi khi, quá bực mình,
Tôi chỉ muốn bóp cổ việt.
Thấy việt hấp hối,
Tôi hô hấp việt.

(Tôi không cáu việt
Vì việt kém người, mà
Vì việt thua việt.)

Việt tôi là cái mạng.
Không, việt tôi là cái mùng.
Việt tôi là nguồn cháo tôi húp,
Tắm, lặn và bơi.







Ô HẸP CỦA THI CA

Shakespeare sáng tác 154 bài sonnet,
Phần đông về tình yêu. Pablo Neruda
Thì viết về chính trị, lịch sử, tình yêu
Và những thứ vớ vẩn như bít tất, muối, bắp,
Quả chanh và cà chua. Những nhà thơ thiền
Thì chuyên viết về thiên nhiên. Người Việt
Thì dùng thơ để tỏ những cảm xúc về tình yêu,
Quê hương, chiến tranh, phận đĩ, Bác và mẹ.
Hồ Xuân Hương thì tả đèo, đéo và quả mít.
(Vài nhà thơ bệnh hoạn còn mân mê lỗ đít.)
Nhưng tại sao trước nay không ai thèm viết
Về sự khiêu gợi của cái nách hay cái muỗng?
Sự trơ trẽn, dứt khoát hay nhược thế của cái lưng?
Vẻ đẹp của quạt máy, chậu mủ hay tủ lạnh?
Tâm lý của loài cá, bàn chải đánh răng hay xà phòng?
Cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, con thằn lằn hay con dán?







QUÁ NGẮN

Quả thật, cuộc đời quá ngắn
Để đọc tất cả những tác giả đáng đọc,
Nghe tất cả những nhạc phẩm đáng nghe,
Yêu tất cả những người đáng yêu,
Ghét tất cả những người đáng ghét.
Thậm chí cuộc đời quá ngắn
Để nhìn kỹ bất cứ cái gì,
Thông cảm với bất cứ ai,
Nhìn thoáng chính mặt mình,
Hiểu thấu một lời,
Làm tình hẳn hoi một lần.







NGOẶT

Trong phòng trọ, ký túc xá, trên cát hay cỏ.
Dù sao đi nữa, ngày mai, khúc này vẫn còn.
Hai người dưng giữa 6 tỉ người dưng.
Nhân loại chia đôi. Kẻ đã, kẻ chưa từng.
Run. Bập bẹ. Nhắm hay mở mắt.
Tắt hay bật đèn. Buông. Buông đi!
Trước đó, cơ thể chỉ là một đầu
Với một miệng, luôn luôn há.
Nay mới biết hình hài có hai miệng.
Hai hệ thống tiêu hóa thông vào nhau.
Bắt cả hai đầu, hai bụng ụp vào nhau.
Để được đính thân, ăn học cả đời.
Hai món xoàng, nho nhỏ, đặc biệt,
Thật quá vừa vặn. Ai chẳng có?
Xong, hai phận song song trong bóng tối.







NƯỚC MẮM VÀ XÌ DẦU

Yêu nước khác
Yêu nước mắm, khác
Trung thành với xì dầu, khác

Thủy chung với xì dầu.

Chúm môi, tôi mút nước mắm
Từ vú căng. Lớn, mẹ bảo

Đấy chẳng phải nước mắm
Mà là xì dầu.

Mắt rỉ nước mắm,
Cô ấy nhìn xì dầu phun

Từ 1.000 lỗ, khắp cơ thể
Người lính, sắp sửa

Biến thành mắm.

Trần truồng, chúng bơi lặn
Trong nước mắm nhau
Cho tới khi

Chúng hộc xì dầu.

Trong xà lim đen như xì dầu,
Hắn ngửi phảng phất, ngày đêm,
Mùi nước mắm thượng hạng

Từ tuổi thơ xa vời.

Tuy sử không ghi,
Phạm Quỳnh đã nói,
“Nước mắm còn
Thì nước vẫn còn,”

Và, “Xì dầu còn
Thì nước mắm vẫn còn.”







TĂM VÀ ĐŨA

Tăm lớn lên
Biến thành đũa,
Biến thành nạng
Thương phế binh,

Biến thành nhà chọc trời
100 tầng,

Xây toàn bằng tăm
Đã xỉa

100 lần.

Đũa lẻ loi
Rỉ nước mắt
Vào miệng hôi

Mùi hoa dại.

Mắt xỉa vào tim, nhói
Như 1.000 cây tăm
Rướm lời thừa. Lưỡi

Thì liếm đũa.

Cẳng em như hai chiếc đũa
Cặp kè, cặp kệnh
Tăm anh te tua.

Đừng vơ đũa, dĩ nhiên, nhưng

Mỗi cây tăm cũng là một cá thể,
Với những đặc thù, ấp ủ, hy vọng
Và thậm chí một bút pháp

Hoàn toàn riêng biệt.

Phú ông chết, di chúc
Một tăm và một đũa,
Đồng đều, y hệt,
Cho mỗi đứa con.

Tuy quá còi, trong bao tử của tử thi
Là 1.000 chiếc đũa và 1.000 cây tăm
Hắn nuốt từ 1.000 bữa tiệc.

Phen này,
Ta quyết cắn tăm, cưỡi đũa,
Bay ngang vòm miệng

Ông trời.


Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment