NGUYỄN QUỐC CHÁNH - GIỮA TRUYỀN THỐNG CHẠY RONG & THỦ ĐOẠN PHỦ SÓNG / TRONG CUỐNG HỌNG CỦA RỪNG / LÝ LỊCH XẺ DỌC / TỪ TRÁI LẠ - thơ


GIỮA TRUYỀN THỐNG CHẠY RONG & THỦ ĐOẠN PHỦ SÓNG

Cậu hai ơi/ tôi Mỹ Tho lên/ tôi nghèo lắm/ tôi 14 đứa con/ tôi nghèo lắm/ mua giùm tôi bánh cuốn nóng/ có nước mắm và rau thơm/ tôi nghèo lắm/ mua giùm tôi bánh cuốn nóng/ tôi Mỹ Tho lên/ tôi lạc đường cậu hai ơi/ mua giùm đi!

Nước từ ổ khóa nhểu, nhà không thể vô. Đã 5 giờ kém, trí nhớ nhão, đọng thành ao. Gió, và những cơn lốc bụi. Biên giới của mắt, mũi, tai đồng qui vào một chỗ, có nhiều khỉ, hú hí đằng sau một bức tường lửa. Do một con bị nhăn dái cầm đầu. Cá mòi bơi trong lon thiếc rỉ, rục xương trong nước sốt cà, khoe với khách du lịch Nam Phi, ‘Chúng luôn thở rất sâu dưới đáy một vũng biển rất sạch’.

Trong tiếng rống của kèn và lời nước đục, tiếng rao chạy từ những Xóm Bần Lỗ Miệng đến cửa cái Lăng Hậu Môn. Không thể ngồi một chỗ, trên đường độ chúng sinh, Phật bị xe cán gãy chân ở đoạn vòng cung giữa tá tràng và ruột già. Con mắt ti hí ly dị những cái mặt có khuôn đúc từ thế kỷ 13, ngồi chồm hổm trong công viên trên đường Lãnh Binh Thăng, chờ mấy thằng già khùng trên núi Đài Loan tới thôi miên vào miệng.

Mưa có màu, những con rối không thấm nước, không ướt. Tôi không ngước lên, tôi cúi xuống, tôi thấy một di sản chồng chéo trên những cái trống: Ăn-Ngủ- Đụ- Ỉa. Tôi không ngó ra, tôi ngó vô háng Thị Nở (xin lỗi chị), tôi thấy một truyền thống đỏ lòm của những cái ngao: Ngu & Máu. Tôi không ngó mặt Y, Z, tôi ngó buổi sáng tào lao, rồi rủ về Thị Nghè hồi sức trong quán chó ôm: Ăn & Măn Lồn.

Tự cấu má, những đứa trẻ còi xương ngáp. Chó ngáp ruồi, người ngáp may rủi, lịch sử ngáp máu. Những tai nạn thường xuyên, bắt nguồn từ một tai nạn hy hữu dưới hầm tàu do một đầu bếp dàn dựng theo kịch bản phim quảng cáo nước tăng lực hiệu Bò Húc. Một hội chứng thèm chua? Không, hội chứng thèm vua của thằng khùng trong những buổi trưa nhiệt đới cúp điện.

Mèo rượn đực trên mái, đứa bé suy tim ngất. Đồng bào là con bò cái, sữa bị vắt nuôi một lũ trâu già lở mồm long móng. Những thùng bia cạn nhanh, mặt trời qua chậm, một chấm sáng trên đồng. Chạng vạng chuột vào hang. Sắp đến giờ nhào lộn, ngủ ngày và chơi đêm. Thành phố bị dìm trong hỗn độn, những con đường nứng suốt. Sài Gòn gãy cặc.

Quạt bàn/ quạt trần/ đồng hồ/ radio/ bàn ủi điện/ bếp ga/ là m…u…a!

Kitaro chơi bản Silk Road. Những cồn cát trôi trong mây, lão ăn mày dúi Haiku vào bị. Sò rỗng thổi một điệu nhạc, dán chết trong thang máy. Cội rễ của khoái lạc xanh, giá trị ở cái đập cánh của con chim đêm, một dòng nham, không phải những cục đá, một pho tượng hay cành cây. Biên giới giữa xanh và đỏ, xóa bằng một sợi lông. Biên giới giữa lời kinh trong chùa và tiếng nhạc từ cái rướn mông của con gấu cái trong Kinh Dục Lạc, xóa bằng nửa vòng lăn từ dưới lên trên.

Thành phố đần độn sau vụ hãm. Con rối mắt mèo đọc báo Công An buổi sáng, biết tin một thằng cha vá xe cụt chân trái, rải đinh xuống đường để có việc làm nuôi vợ (mù) và 5 con, phóng ra cầu Sài Gòn, gặp bà bán dừa có một con chết trận (không thành mẹ Việt Nam Anh Hùng), bán mỗi ngày 30 trái cho bọn Đài Loan. ’Tụi nó máu gái mình lắm, nè, dừa này sung hơn nước Bò Húc của tụi Thái à nghen’, vừa nói bà vừa chặt cho nó một trái. (Nó định làm một phóng sự ảnh bắn lên Net, nhưng bà bán dừa ngăn, khuyên nó nên theo nghề công an, bà vừa xem truyền hình, thấy cảnh sát công lộ Mỹ đẹp trai và lịch sự lắm.)

Số gene của ruồi ít hơn tôi, nhưng nó tự do không đội bảo hiểm, đậu chỗ nào, Âm/Dương bất hòa chỗ đó. Gà trống sắp bị vặn cổ, nằng nặc đòi gáy, lão nhà thơ đứng bằng gậy, õng ẹo khoe: anh làm thơ cho em trong mơ; một thằng cha khác bắt chước nhổ vào miệng vợ: anh bị thơ đuổi. Trong đêm chỉ có mùi cứt mèo (không phải mùi hoa sữa), Trần Dần ngồi lõm tường, mở mắt nói: thằng ấy làm thơ nô. Dưới những chùm pháo bông, kẻ chuyên đốn người luôn mồm dạy: trồng người. Đĩ Cầu Hàn dựa lưng Bảo Tàng Khủng Long, thúc: nhanh lên cha nội.

Lịch sử nặn bằng đất, những con rối tắm bùn. Một ngàn năm bị cỡi, bà cố tôi biết thờ Quang Công, và cúng Khuất Nguyên vào rằm tháng 5. Tôi không có tín ngưỡng, tôi thần tượng mặt trời mọc trên biển, và lặn từ trên đồi buổi chiều. Tôi có một vài lần bất tử như vậy, và rất sợ nắng trên đường Nguyễn Tất Thành buổi trưa. Nó bí mật như cái chết. Nó chiếu bí mọi cách nghĩ. Con mắt mơ màng bị chẻ đôi. Cái nhìn lươn lẹo bị ngắt đọt. Thân thể co rúm bị gấp khúc. Tan hoang hiện lúc mặt trời mọc, hiện trong lời bập bẹ của đứa bé tập nói.

Keo diệt chuột/ sản phẩm mới của công nghệ sinh học/ không độc hại/ cả dán và các loại côn trùng khác diệt tuốt/ sản phẩm mới của công nghệ sinh học/ keo diệt chuột/ hiệu quả/ tiết kiệm/ không độc hại/ chuột và các loại côn trùng khác/ diệt tuốt!

Thư viện trong nhà xác, những cuốn sách không thể chạm. Nó là ma, và mưa, lất phất trên bãi phế liệu. Những con bò trệu trạo nhơi, tôi ợ ra chữ dạ dày từ chối. Nghe Y Moan hát Đi Chơi Với Gió, một người nói: đến với rừng là để mơ. Nhưng bây giờ, Tượng Nhà Mồ đã cầm dao. Có lẽ vì một câu thơ của bà Hồ: ‘Chém cha cái kiếp lấy chồng chung’. Ở một hành lang nọ, dưới mái vòm thuộc địa, ruột của chuột ngập trong răng của mèo.

Nhìn từ hẻm cụt, thế giới trét đầy keo, bạn tôi kêu: uống nhầm thuốc ngừa thai giả, đẻ một đứa bé sức môi vào ngày 19 tháng 5. Cái bóng có đuôi dài, lướt qua tường với động tác một người thủ dâm, và kết thúc bằng cú ngả sấp. Bên Thủ Thiêm, có một thầy chùa hay nói với Thích Ca: ăn thịt chó thiếu lá mơ và ghiền, kiếp sau thành đàn ông không có buồi. Mấy chú tiểu khoái chí cười, các tín nữ thì bỏ chạy.

Một người Chàm khoe: so với Linga của họ, chùa Một Cột của tôi chỉ đáng hãnh diện của cá đực trong bồn kiếng. Tôi cười và nghĩ bụng: hang Củ Chi mới là lối thoát cho chứng tâm thần của cựu binh Mỹ. Một em trốn khỏi giấc mơ đô thị than: gái ruộng xuất qua Đài Loan giá mỗi em bằng một trứng vịt lộn. Người tư vấn tình dục cho thanh niên kêu: bộ sinh dục trong đức tin của họ đã bị lãnh cảm. Một bài dân ca vừa ký âm, có câu: con sâu xanh chui lên từ mận đỏ.

Một hợp chất tràn vào khe, những cái chết bốc hơi trên biển. Chân trời ráo, tay không thể chạm. Bọt nước vỡ trong mắt, lời trăn trối tắt trong bụng cá. Tiếng thì thầm ửng khi biển rạng, nắng mổ vào vết loét. Vẻ phi chính phủ của thời tiết để lại xanh, đỏ, vàng và những biến thái tích trong mắt, nhìn đâu cũng thấy sự lươn lẹo trong tính đồng nhất của con ngươi.

Một tấm hình vĩ cuồng, lơ lửng ở gian giữa căn nhà ngăn thành nhiều buồng nhỏ, tối và ẩm. Bên dưới là tranh bột màu hát Chầu Văn, căng trong cái khung mạ vàng. Họ, một đám vừa vỗ trống vừa hát. Thân thể trụi lủi, mặt nghiêng trái, cằm tì trống nâu. Nhìn lâu sẽ thấy sự mầu mỡ của các đấu sĩ, và mắt sắp vỡ. Không phải sò huyết húc bò Tây Ban Nha, những con bò tự húc vào nó. Một đứa nhỏ trèo lên cây, những ống kính truyền hình chỉa lên mặt trăng đang bị ăn bởi lũ dơi mặt chuột. Một ngày không chạm đất, trống vẫn thúc trong ký ức phồn thực, và thái dương một người đàn bà mãn kinh, co giật. Máu ộc.

Sao nhanh nhẹn vậy/ Cotex White [*] hả/ thoải mái nè/ khô nè/ thoáng nè/ có cảm giác nhẹ cả người/ Cotex white luôn há!
 [*] Cotex White: băng vệ sinh, quảng cáo trên TV






TRONG CUỐNG HỌNG CỦA RỪNG

1.
Con gấu trong bắp chân không dậy. Cửa mở mắt.

Chiếc giày nói: ngày đã qua và mùa của chân chưa tới.
Sâu bọ nói: cỏ cây trên tóc vẫn không ngừng lớn mạnh.

Con gấu biết lũ dơi vẫn chơi trò mở và nhắm.
Nách nói: thời tiết nuông cỏ cây và luôn mặc cho sâu bọ những chiếc áo mới.

Con gấu nói: tì vị thất thường nghi rừng đã bị một chủng loài nào phá trụi.
Đàn kiến nói: không ngửa lên vòm lá dù mỗi ngày vẫn thấy hàng cây.

Con gấu ngồi lên lá gan của nó nhấm buổi sáng ứa ra từ mông.
Những đứa trẻ biến thành khổ qua nhồi thịt chín nhừ trong túi mật của chúng.

Con gấu thích nghi bằng chân trước, hai chân sau khoả những dấu vừa tạo.
Ruột già nói với bầu diều đầy sỏi của gà trống, nó không có việc gì làm.

Con gấu siêu âm, thấy miếng da lừa trong háng, buộc phải dạng ra mỗi lần bài tiết.
Người đàn bà tắt kinh từ thời đóng cọc xuống Bạch Đằng, sợ những hài kịch giữa người và thú.

Con gấu quay mặt vào tường, khịt mũi lên vũng nước vừa đái, phun nước miếng vào đám hoa dại.
Tôi thấy trong toa lét, tấm gương hiện ra vẻ mặt một ngày, một mớ nửa người ngợm.

Và sau lưng, con gấu chồm dậy nhe răng cười.

2.
Có bàn tay mở khoá trong đêm.
Tiếng lách cách những tia sáng mù mờ, mở căn phòng phóng dật.

Bức tường Khổng Tử, nhiều phen vôi vữa xuống cấp không ngừng.
Những ngón tay ra hoa, ngoi lên sau hàng mảnh chai xanh đỏ, có dây leo trổ vàng.

Con gấu nuốt nước miếng, biết thời tiết của nó chuyển đến mùa khác.
Lẫn vào đám đông, con chó dại chiến đấu sinh tử với vận tốc của tiếng ồn và khói.

Con gấu chui khỏi hộp sọ, giống chú gà vừa nở, vươn vai thở mùi rừng.
Những tam giác đỏ, phang vào cổ những đứa trẻ đang nhấp thắng với trước sau phải trái của những
                        tam giác đồng hành.

(Một cuộc chiến mà phần thắng bại thuộc về khoa chấn thương sọ não).

Con gấu dưới thắt lưng, đặt chân lên cây há mõm vào những đám lá.
Con mắt trở về nơi phát ra ánh sáng, loé từ những ngón tay mở khoá.

Con gấu lưỡng lự với mớ vuốt đã ngả màu và lông không còn tươi.
Tù nhân số 1957 rẽ vào con đường có cây cao rậm.

Con gấu trong khoan mũi thèm mật, kiên nhẫn lách khỏi mùi các hoá chất ngọt.
Chứng bệnh trĩ giảm ga vì cuộc chiến trên đường vắng những tay bắn tỉa.

Con gấu ở đầu lưỡi nghe tiếng quạt cánh của loài ong.
Tôi nuốt vị giác đẫm mùi mắt môi răng tóc và da thịt.

Con gấu trên giường, mơ thấy nó buông tay từ chảng ba cây.
Người cha thức bởi tiếng lách cách phía sau bức tường rồi đánh răng đưa con đi học.

3.
Con gấu đi dọc bờ suối.
Aùnh sáng chiếu ngược một chiếc bóng di động.

Con gấu đếm từng bước chậm.
Nó giỗng tai lưu mùi động tĩnh của đất và cây cỏ.

Con gấu ung dung thả mắt mũi no một thế giới quen đã loại trừ phép lạ.
Chiếc bóng vẫn ngược chiều vi vút của những con nhện nước.

Bóng tối thức trong căn phòng hăng hăng đồ vật.
Dục tính bấm công tắc, những chiếc ngón lặn vào da rần rật sáng.

Con gấu ra khỏi giấc mơ, chỏ lên vòm lá có vài giọt nhễu xuống.
Một nơi có mùi ga trên thân thể phực lửa và đám cháy lan khắp thịt da.

Con gấu dưới rún bị dỗ ngọt, bấu vào cây lần theo mùi mật.
Dương vật mở các cửa cơ thể để bóng tối trong mỗi tế bào cháy sáng.

Con gấu trên giường rướn mông và mọi sự còn lại là khoảnh khắc giữa hai lần thở.
Thân thể bị tháo rời từng mảnh, phóng thích hân hoan theo đám cháy.

Con gấu rùn mình chạm chiếc lưỡi đắng vào nơi sũng mật.
Tôi bị thiêu ra tro, trở nên tinh khiết trong cơn điên của những chiếc lưỡi lửa.

Con gấu trong máu bị ngất, các loài hoa đang tốc hành khắp mao mạch.
Hạt đậu mở mắt trong bộ dạng của ngày khai thiên.

Con gấu làm xiếc, bị bơm căng biến thành một khối khinh khí bốn chân.
Lão soát vé mất trí về qúa khứ , không biết ngày mai thời tiết có còn nuông cỏ cây và sâu bọ.

Con gấu giảng trò, buông mình tưng trên mặt đất.
Chiếc giày nghe hồng hào chảy trong tích tắc của những cái chết trải dài dưới chân.

Con gấu hoàn đồng rướn lên trong đêm và bậc ra tiếng kêu.
Chiếc ghế nghe luồn khí lạnh từ đốt xương cùng tiền sử uể oải chạy lên đỉnh đầu.

Con gấu nhe răng cười trong cuốn họng của rừng.





LÝ LỊCH XẺ DỌC
(Hưởng ứng cơn hứng Đinh Linh)

Lâu rồi tao không nói láo,
Nay xạo một lần coi chơi.

(Cuộc đời là cái chợ nổi!)

Ba đời nhà tao hết gạo.
Ba đời nhà tao chạy rong.

(Làm sao không thèm giải phóng!)

Ông tao làm nghề: mõ làng.
Bố tao làm nghề: thầy bói.

(Truyền thống nhà tao xạo giỏi!)

Bởi vậy, tao: làm cách mạng.
Cho nên, đời tao: mới sang.

(Tụi bây điếu cày: nên mạt!)

Lịch sử là đám ngơ ngác.
Ngu sao mà không vác dao.

(Sư phụ nhà tao: ông Mác!)

Tao thà ăn cứt bọn Tây,
Còn hơn bú đít lũ Tầu.


(Vì tao con Hồng cháu Lạc!)






TỪ TRÁI LẠ
Tặng Hương


Sau trận chiến Nam-Bắc Mỹ, người da đen biến thành Trái Lạ.[1] Hình thù dị hợm của loài sên trườn dưới đáy biển tối qua tái tạo cảm xúc. Thường quá khứ là thứ nuốt không trôi khạc không ra. Đám đông bày cái bóng lởn vởn của những khoảng trống nhiễm độc. Hương hay nhìn ma và thấy quyền lực là hiện thân của chết chóc. Tiếng sấm gầm trong mưa rứt hai lỗ tai thảy vào ký ức. Lịch sử sô cô la có thể làm đớ lưỡi, cứng họng hay thủng dạ dày. Gu gồ thót[2] vừa xé toạc sự vắng mặt vừa khâu nội dung khoảng cách. Sợ chủ thể bị mất bản sắc đã ăn sạch những khoảnh khắc. Wallace[3] chết lấy hết trí khôn chỉ còn lại cái đần độn. Có ai ngờ trước khi khủng bố, Bin Laden còn là nhà thơ. Ngôn ngữ bơ phờ, nhoè, trắng phớ khi phần ảo của giá trị bị vỡ. Đánh bom tự sát là tình trạng bi đát của điều 4 hiến pháp. Trả nợ quá khứ là lịch sử của kinh tế úp, xài ngày mai từ hôm nay là rủi ro của kinh tế mở, vừa úp vừa mở là mánh lới của thằng dơ. Quần chúng hay nhân dân chỉ là cái lùm ẩn náu của loài thú ăn thịt. Sống sót là khả năng chạy thoát các khẩu hiệu và khái niệm. Truyền thống chống lai căng là hậu quả của một làng không có cầu tiêu. Chavez[4] bò ra từ đổ nát của hai toà tháp bắt đầu lẹt xẹt những liên minh mới. Hà Nội là thủ đô càng thổi càng xì giữa ống quyển chính trị Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Vì sở hữu của đàn ông mà đàn bà Phi châu bị cắt mồng đóc. Dân tộc bây giờ mắc chứng eo zhai mơ.[5] Dân chủ bây giờ thuộc về khả năng trả nợ. Tự do bây giờ không ở nhà thơ nhà thổ mà thuộc về các nhãn hiệu. Con mắt giết dần con người. Siêu thị là nhà ga buổi sáng của các nghĩa địa. Cái biết định hình con ngươi nhưng tốc độ xài định nghĩa thế giới. Hy vọng sẽ toát mồ hôi vì thực tại không thở nổi. Rê tri giác từ điểm A sang điểm B rồi điểm C, điểm Y, sự trừu tượng biến thành cái sướng. Chúa vắng mặt trong những sự kiện và không có mặt cả trong lời cầu nguyện. Kiên nhẫn không còn là mầm của lương thiện. Một con tinh trùng nao núng từ Kenya xuyên quốc gia và lịch sử Trái Lạ biến thành huyền thoại Barack Obama. Một giọng hát để nghe lúc này có lẽ là Billie Holiday.[6] Một âm tiết dễ sợ lúc này có thể là KKK.[7]

 [1]“Trái Lạ”: Tên một bài thơ của Abel Meeropol viết về những người da đen bi treo cổ sau nội chiến Nam-Bắc Mỹ khi nhìn ảnh Lawrence Beitler chụp hai người da đen Thomas Shipp và Abram Smith bị treo cổ bởi đám đông tại Marion, Indiana ngày 7 tháng 7, 1930.
[2]Google talk.
[3]David Foster Wallace: nhà văn vừa tự treo cổ ngày 12 tháng 9, 2008.
[4]Hugo Chavez: Tổng thống Venezuela.
[5]Alzheimer’s disease.
[6]Billie Holiday: Ca sĩ đã hát bài “Strange Fruit” của Abel Meeropol năm 1939.
[7]KKK: Klu Klux Klan.

Nguồn: tienve.org

No comments:

Post a Comment