ĐỖ KH. - BA CẢNH MÙA MƯA Ở MỸ / ĐÊM THỨ 1002 / SCHEHERAZAD ĐANG CHỜ SÁNG / HADITHA, BUỔI SÁNG MỘT MÌNH / TỪ BLACKSBURG ĐẾN HADITHA / BÁN KẾT Ở ANBAR / ĐÁM MA ÔNG KẸ - phiếm


BA CẢNH MÙA MƯA Ở MỸ

Cảnh một
There is a house in New Orleans
They call the Rising sun
("House of the Rising Sun", The Animals)

Ngày thứ nhất sau khi cơn bão Katrina cấp 4 vào đến vịnh Louisiana. Tại cửa hàng bách hóa Wal-Mart ở New Orleans bỏ ngỏ, quần chúng đang tự tiện lựa chọn các món hàng vừa ý. Chẳng ai giành giật, chỉ có mạnh ai nấy bỏ lên xe đẩy, kẻ ướm người thử rất điềm nhiên. Đây là một cảnh vui nhưng thiếu nhạc đệm, loại nhạc vẫn thường nghe trong các cửa tiệm và khu mua sắm.

Phóng viên đài truyền hình MSNBC chặn một bé trai, khoảng 12 tuổi, vai vắt một cái áo thun xanh, tay cầm một cái áo thun khác màu hồng thắm. 

Phóng viên: Màu này có lẽ không được hợp với em… 

Bé trai nhìn vào máy và vất cái áo trả lại. 

Phóng viên: Ai muốn lấy gì thì lấy, không thấy cảnh sát ngăn. Nếu muốn tìm cảnh sát, họ đang ở dãy số 3. 

Tại dãy số 3, dãy giày dép, ba bà cảnh sát, võ trang và sắc phục đang đẩy một xe hàng, hai bà bỏ đi thẳng, bà thứ ba bị máy quay bắt trúng thẳng mặt, đành gầm mặt lí nhí chào. 

Cảnh sát: Tôi đang thi hành nhiệm vụ 

Phóng viên (mỉa mai): Là chọn giày? 

Cảnh sát (bối rối): Là… chặn hôi của! 

Phóng viên: Người hôi của thì đang đầy ở chung quanh đây này. 

Cảnh sát (bực dọc): Đúng vậy (quay lưng đi và làu bàu) kể cả ông cũng thế thôi... 

Phóng viên: Tôi nào có lấy đồ gì! 

Cảnh hai
Deep down Louisiana close to New Orleans
Way back up in the woods among the evergreens
There stood a log cabin made of earth and wood
Where live a country boy named Johnny B. Goode
Who never ever learned to read or write so well
But he could play the guitar just like a ringig a bell

Go go go Johnny go
Go go Johnny go
Go go Johnny go
Go go Johnny go
Go Johnny B. Goode.
("Johnny B. Goode", Chuck Berry)

Ngày thứ năm, tức là ngày đầu tiên Vệ binh Quốc gia tiến vào New Orleans để giải tỏa sân banh Superdome, nơi có 25.000 người bị nạn đang tá túc (và tự túc lo ăn lo uống lo an ninh lo chăm sóc người già, em bé, kẻ bịnh tật mà không cần nhờ đến bất cứ giúp đỡ gì của chánh quyền). Tại Trung tâm Hội nghị còn năm hay mười ngàn người khác, trong thành phố bảy mươi ngàn hay ba mươi không ai biết, số thiệt mạng vì đói khát, cướp bóc hay đơn giản là vì chết đuối thôi (bão lụt mà) cũng không rõ nốt, hai hay là năm hay mười ngàn. Nguyên thủ quốc gia đáp trực thăng đến Biloxi ủy lạo thị trấn tan hoang [1]. 

Ông Bush tiến về phía hai mẹ con nạn nhân bão lụt đang thất thểu. 

Bà mẹ: Chúng tôi mất hết, mất hết, chẳng còn thứ gì! 

Tổng thống ôm bà mẹ và đứa con gái. 

Bà mẹ: Con tôi cần quần áo! 

Bush (hôn lên trán đứa trẻ): Nghị lực lên nào, sẽ có "Đội quân Cứu tế" đến! 

Đội quân Cứu tế (Salvation Army) là một tổ chức tôn giáo từ thiện, hiệu năng trong lãnh vực này không thể chối cãi, xin đừng nhầm với Quân đội Hoa Kỳ [2]. Nếu thế giới trong tuần vừa qua có thể nhầm những cảnh thảm thương tại MississippiLouisiana với Congo hay Sierra Leone, cho dù nạn nhân ở đâu cũng đều đen thui đen thủi, thì cảnh nói trên hùng hồn cho thấy là không phải. Chủ tịch một nước Phi châu đã không hành xử như vậy, bán cái cho một tổ chức tư nhân, mà sẽ phát cho mẹ con khốn nạn này hai mét vải (có in chân dung của chính ông) hay giúi cho vài ba đồng (trích từ quỹ tiết kiệm riêng của ông ở Thụy sĩ). Đây là bằng chứng, mặc ai muốn nói gì thì nói, Hoa Kỳ khác với Sudan hay là Somalia. 

Những bà già đội thúng, những em bé xách nải, những người kiệt lực ngồi chờ chết chỉ là những điểm tương đồng một cách hời hợt bề ngoài, cũng như những tử thi bập bềnh trên phố đó đây. Tai ương trời đày tại Mỹ không phải là thiên tai tại châu Phi mặc dù trong cả hai trường hợp đều có Bangladesh tặng 50.000 USD [3], El Salvador đòi gửi quân sang giúp tái lập trật tự và Cuba đề nghị giúp 1.100 bác sĩ và 26,4 tấn thuốc. Bangladesh thì một miếng khi đói, ai cũng hiểu, nhưng El Salvador về mặt trị an thì rất giỏi [4]. Riêng phần Cuba, năm 2004 khi bão Ivan đánh đảo này với cấp 5, đã di tản kịp thời 1,5 triệu người bị đe dọa cùng với của cải, nên dù có 20.000 căn nhà bị phá hủy, đã không có một ai thương vong [5]. Nhưng Cuba không lãnh đạo cơ quan FEMA (Cơ quan Quản lý Cứu Trợ Liên bang Hoa Kỳ, trực thuộc Bộ Nội an) mà là ông Mike Brown, từng phục vụ 11 năm cho Hiệp hội Ngựa Ả rập Quốc tế trước khi bị Hội nuôi ngựa đuổi, nhờ có bạn học làm Giám đốc FEMA nên về đó làm Phó (năm 2001) và thay thế ông bạn này khi ông ta nghỉ hưu (năm 2003). 

Cảnh ba
Good mornin' America, how are you
Don't you know me? I'm your native son
I'm the train they call the City of New Orleans
I'll be gone 500 miles when the day is done
("The City of New Orleans", Arlo Guthrie)

Vào ngày thứ sáu, chủ tịch quận Jefferson ở New Orleans lên truyền hình toàn quốc. Ông Aaron Broussard đã sửa soạn trước khi phát biểu để lên án chính quyền trung ương “bỏ rơi” người bị nạn. Khi nhắc lại trường hợp cá nhân của lãnh đạo cấp cứu của quận thì ông lại đâm ra thiếu mạch lạc. Số là ông này có bà mẹ ở trong viện dưỡng lão, ngày thứ nhất gọi con đến cứu, con bà bảo sẽ có người đến ngay. Ngày thứ nhì bà lại gọi nữa, cũng như vào ngày thứ ba, kiểu người già lẩm cẩm ưa nhắc đi nhắc lại. Ngày thứ tư vẫn thế và ngày thứ năm chẳng có gì thay đổi, sang đến ngày thứ sáu thì bà … đã chết đuối! Kể lại chỉ bấy nhiêu mà ông chủ tịch này nức nở như là trẻ con, quát với nhà báo “Các anh sao không câm cái miệng lại!” 

Trường hợp ông đơn cử, chẳng khác gì chuyện một người con khác đến được viện, mang được mẹ đến bệnh viện Charity ở New Orleans. Bà cụ này phải thở bằng dưỡng khí nhưng bệnh viện mất nước mất điện đã ba ngày, tử thi nổi lềnh bềnh lên đến trần nhà xác, không nhận được thêm bất cứ ai. Người con bảo “Tôi không muốn mẹ tôi phải chịu cái cảnh này” và giật ống thở của bà cụ, không cần bàn cãi như là trường hợp Terri Shiavo (bà Schiavo nằm máy hô hấp đã lâu và chồng bà xin cho chết, phe Ki-tô toàn thống và ông Bush cũng có ý kiến vào, đó là trái với luật trời). “Trời thì sẽ đến nếu chúng ta biết đợi” (bà Condoleezza Rice phát biểu tại Alabama) nhưng người con lại hấp tấp thế. Chỉ có xác bà mẹ này vẫn còn đợi ở một góc cầu thang bệnh viện Charity, chẳng biết sẽ có chó nào buồn đến gặm chơi. 

Việc mất bình tĩnh của các viên chức địa phương trước truyền thông và công chúng thì vô khối. Thị trưởng New Orleans bảo “(Liên bang) xách cái đít dậy mà đến đây”. Cảnh sát trưởng thành phố nói “Tôi đéo còn muốn chịu đựng cái cảnh họp báo này”. Thượng Nghị sĩ tiểu bang Louisiana thì “Bọn này mà mở miệng, kể cả Bush, thì tôi đấm cho một cái, tôi nói đấm là đấm thật đấy”. Phát ngôn nhân sở cảnh sát New Orleans thì không phát ngôn gì nữa tất, cũng chẳng chửi thề mà rút súng ra tự sát! Lí‎ do mâu thuẫn là chính quyền tiểu bang, thành phố, quận huyện đứng đầu… bão, và lãnh đủ, trong khi Tổng thống Bush khen ngợi FEMA, Bộ Nội an vỗ ngực kể lể thành tích và Bộ Y tế khuyên mọi người phải đề phòng bệnh dịch! 

Lỗi ở Trời đã đành nhưng sau cùng là ở những nạn nhân. Họ đã không di tản trước khi kịp thời, tới đi làm mà họ còn lười, chỉ thích thất nghiệp nên 1/3 dân số đến cái xe cũng không chịu có. Một phần tư dân cư thành phố New Orleans ở dưới mức nghèo khó, không chịu phấn đấu mà vươn lên (đại khái đầu tư nhà đất hay thị trường chứng khoán, hoặc thành lập công ty chẳng hạn). Nước đến đít thì họ nhảy không kịp, dù nhảy nhót là ngón nghề của người da đen. Đến khi chết thì lại trách chính quyền là kỳ thị màu da! Chính quyền Mỹ không kỳ thị màu da, chỉ có phân biệt giai cấp [6]. 

Dù sao, sang đến ngày thứ bảy sau cơn bão, cũng có được một tin vui. Đó là Halliburton, mặc dầu đang bận rộn ở Iraq, mới được Hải quân Hoa Kỳ giao cho việc tái thiết hạ tầng cơ sở bị thiệt hại. 
[1]Trong khi ông hiện diện trong vùng, các phi cơ, trực thăng khác không được cất cánh (Tổng thống mà). Theo đại biểu Quốc hội Melancon, vì vậy mà ba tấn hàng cấp cứu bị đình chỉ cùng với mọi di chuyển trên không.
[2]Quân đội Hoa Kỳ, US Army, xin đừng lẫn với Salvation Army, thì đang bận ở Trung Đông.
[3]Bangladesh là một nước nghèo, còn Hoa Kỳ là một nước mới đây vừa viện trợ thêm cho chính quyền Sharon 2 tỉ USD để di tản thành công 9.000 người Do Thái chiếm cứ đất đai bất hợp pháp. Rốt cuộc, mỗi một hộ kiều dân này được "bồi thường" việc trả lại đất đã lỡ cướp, từ 200.000 đến 450.000 USD. 
[4]Năm 1980, chính quyền El Salvador đã giỏi rồi. Tới Tổng Giám mục Oscar Romero chỉ lơ mơ tuyên bố không đúng đường lối mà còn mất mạng, nhằm nhò gì mấy người hôi của mà không trị được.
[5]Về mặt "quản lí" đối lập chính trị, chính quyền Castro cũng hiệu quả không kém việc phòng bão, cái này đã biết rồi.
[6]Khách trú tại KS Fairmont, không kể hạng phòng, đã được bình đẳng mà di tản trong những ngày đầu. Vào ngày thứ năm, Vệ binh Quốc gia đã lập tuyến tại Superdome để di tản ưu tiên 700 khách và nhân viên của KS Hyatt, bất kể màu da.
 Nguồn: talawas.org





ĐÊM THỨ 1002

Scheherazade vuốt lại mái tóc bồng, nàng ưỡn bụng và xum xuê háng, tiến lại phía long sàng nơi quân vương đang nằm phưỡn rốn và thỏ thẻ "Đêm thứ 1002, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush ra lệnh dùng bom nguyên tử chiến thuật loại be bé đánh vào nhà máy hạt nhân của Ba Tư. Hai tuần sau, phóng xạ giết ba triệu người nhưng có nơi ước lượng chỉ có một…" [1] 

Câu chuyện thần thoại này có cơ may xảy ra trong thời chúng ta và trở thành sự thật, những người ái mộ phóng viên Anderson Cooper của đài CNN sẽ có dịp đoán ra đôi mắt xanh của chàng đằng sau lớp kính dầy của phục trang chống nhiễm khi trực tiếp tường thuật cách tâm điểm 500 hay là 1, 2 ngàn cây số. Nếu tin được bài viết của ký giả Seymour Hersch trên tờ New Yorker và dư luận phong thanh quanh Washington DC và Lầu Năm Góc, quần hùng Tân Bảo thủ sẽ mãn nguyện được mơ ước dùng vũ khí hạt nhân của cả một đời, và ông Bush sẽ ngang nhiên đi vào lịch sử như là một người hùng bi kịch, ray rứt phải dùng bom để diệt bom. 

Hiện thì chính quyền Hoa Kỳ đã dứt khoát cho biết dự tính đánh Iran bằng vũ khí cổ điển hay nguyên tử chiến thuật đều là những đồn đại vô căn cứ. Thực vậy, bất cứ ai có chút suy xét và lý trí đều thấy được việc chiến tranh với Iran vào lúc này là một việc rồ dại. Trước hết, nếu Tổng thống Bush gây chiến với Iran mà không thông qua phép của Quốc hội Hoa Kỳ thì đây là một việc phi hiến có thể dẫn đến bãi nhiệm. Nếu Hoa Kỳ đơn phương (hoặc cùng đồng minh Israel) đánh Iran không thông qua Liên hiệp quốc thì hành động này nằm ngoài luật pháp quốc tế. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ cũng chỉ có thể dùng không lực chứ không thể xâm chiếm Iran bằng bộ binh sẽ không biết lấy ở đâu ra. Ném bom, dù có tác dụng nào, cũng sẽ không lật đổ được chính quyền Iran hiện hữu (mà ngược lại, sẽ gây đoàn kết chung quanh chính quyền này.) Iran là một quốc gia 70 triệu dân, súng ống nhiều hơn là vòng hoa để chào đón Hoa Kỳ mang lại tự do và dân chủ, nếu phải chinh phục bằng bộ binh ("nữ hoàng của chiến trường") thì sẽ gây ác mộng cho các tướng lãnh hiện đã đang mất ngủ sẵn vì Iraq đến độ dám hó hé bất bình. 

Mặt khác, mặc những huênh hoang của ông Ahmadinejad, chương trình nguyên tử của Iran là chương trình bị soi mói kỹ nhất từ trước đến giờ bởi cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia đều đồng ý là phải nhiều năm nữa Iran mới có được vũ khí hạt nhân, ít nhất là ba năm hoặc bảy hoặc mười. Chủ tịch Ahmadinejad, về mặt đối nội, cũng không phải là Saddam Hussein hay Kim Chính Nhật. Quyền thế của ông giới hạn bởi cả cánh canh tân trong chính quyền và phe giáo sĩ. Trong cuộc bầu cử vừa qua, ông là ngựa về ngược nhờ sự bất mãn với những đổi mới dè dặt của phái Khatami và chán ngán với nhũng lạm của phe Rafsanjani [2]. Địa vị của Ahmadinejad hiện đang được củng cố nhờ chính chuyện nguyên tử này và giải thích những tuyên bố khiêu khích. Ngoài cái áo gió thời trang (bình dân) được ông lăng xê, Ahmadinejad khoác thêm được cái áo sang trọng của chủ quyền dân tộc về năng lượng và thắt thêm cà vạt hào hoa của tiến bộ về khoa học quốc gia cho dù là khoa học vũ khí. Phải nói, nếu không có chính quyền Mỹ diễn võ thì Ahmadinejad đã mất dịp để giương oai và chiến tranh nếu phải xảy ra thì, chết ai chưa biết, ngoài vị trí của ông trên chính trường quốc nội, ông Ahmadinejad sẽ có chỗ ngồi đường hoàng trong lịch sử thế giới. 

Trong khi chờ đợi vũ khí nguyên tử, vũ khí mà Iran đã có sẵn là dầu hỏa. Dầu Iran là 4% tiêu dùng của Trung Quốc đang trên đà phát triển, 10% của Nhật Bản đang còn lấn cấn trong suy thoái, 24% của Hy Lạp v.v… Chỉ cần lời qua tiếng lại trong ba tuần vừa qua mà giá thùng dầu thô đã lên quá 70 USD. Nếu săn tay áo thì lên bao nhiêu nữa và đổ máu thì sẽ là bao nhiêu? Một người tiêu thụ như tôi trước đây mỗi tháng đổ 280 USD tiền xăng, hiện nay đang là 500 USD/tháng. Iran mới thử hoả tiễn tránh được radar là tôi mất 5, 10 đồng. Nếu eo biển Hormuz thật sự bị đe doạ (20% tổng lượng dầu trên thế giới đi qua eo biển này) thì tôi mất hẳn mỗi ngày một bữa sáng, có khi mất luôn cả bữa ăn trưa. Người tiêu dùng Mỹ có thể chấp nhận 3 triệu hay là 1 triệu người chết ở Iran, nhưng không bao giờ, không bao giờ chấp nhận giá xăng ở trạm đầu đường quá 5 đồng cho 1 gallon. 

Chỉ cần một lý do này, mặc khủng bố sẽ bành trướng (nếu Iran bị xâm lăng), mặc quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới sẽ xấu xa đi hẳn (với Nga, Trung Quốc, Châu Âu, không nói gì đến thế giới Hồi giáo mà ngay quan hệ với Vatican thôi chẳng hạn) đã thấy chiến tranh với Iran là lố bịch và nhầm lẫn. Nhưng điều đáng sợ là chính quyền Hoa Kỳ hiện nay nhầm lẫn và lố bịch thì đã có bằng tại chỗ và chuyên tu. Vào lúc này (?) Lực lượng Đặc biệt Mỹ đã huấn luyện và gởi trinh sát của phong trào Mek (Mujahiddin e khalq [3]) thăm dò các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran, đồng thời khích động các dân tộc thiểu số làm loạn theo đúng phương châm của lực lượng [4]. Mà hiện giờ, giải pháp đánh bằng bom cổ điển (dùng trinh sát dưới đất hướng dẫn) còn gặp một trở ngại lớn. Các nhà máy chôn giấu kỹ dưới hầm sâu sẽ khó bị tiêu huỷ và bom Big Blue (Bunker Buster) dùng vào việc phá hoại các hầm kiên cố chưa được hoàn chỉnh, chỉ sẵn sàng sử dụng vào năm 2007. Theo chính quyền Mỹ, Iran lại chỉ cần có vài tháng và lúc đó sẽ là quá trễ (tức là Bom cổ điển Big Blue của Mỹ sẽ ra đời sau vũ khí nguyên tử của Iran!) Logic duy nhất còn lại là dùng ngay vũ khí nguyên tử chiến thuật sẵn có của Hoa Kỳ. 

Chính quyền Mỹ mới cho biết, Ông Ahmadinejad đã gặp lén ở Syria khủng bố của Hezbollah (Lebanon). Sắp có bom nguyên tử, lại liên hệ với khủng bố, có lẽ tuần tới người ta phát hiện ông mới là người đằng sau vụ đánh bom Oklahoma City năm 1995? Tôi sẵn sàng cá một thùng xe con đầy xăng lọai Super (91) là nếu Hoa Kỳ bị đánh bom khủng bố một lần nữa thì người Iran chỉ việc nhanh chân mà chạy xuống hầm, không biết có kịp không, chứ đừng đợi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhóm họp hay ông El Bareidei trở về phúc trình. Tối thiểu là sẽ có chiến tranh cổ điển nhưng ném bom không có hiệu quả, không phá hủy được nhà máy vũ khí chứ nói gì đến lật đổ chế độ. Bom nguyên tử chiến lược cũng không lật đổ được chế độ, Iran lại sẽ trả đũa, vậy thì võ khí nguyên tử phải dùng đến hai, ba? Nhưng cái đó thì không ngại, Hoa Kỳ có rất nhiều. 

Đây hẳn là điên, với đại đa số của dư luận thế giới, không riêng gì người Hồi, và rồ dại, với hẳn cả Đức Giáo hoàng và Đức Đạt Lai Lạt Ma chứ chẳng riêng gì với các Đức Imam. Nhưng lịch sử đầy rẫy những hành động điên rồ chứ không chịu phát triển êm đềm theo lý lẽ phải chăng. Nếu người ta từng hỏi, nhìn mặt Nixon bạn có thể (an tâm) mua một chiếc xe hơi cũ từ tay này thì nhìn mặt các ông Bush, Cheney, Rumsfeld bạn có thể trao chìa khoá nguyên tử mà chắc dạ được không? Đây là câu hỏi thừa vì năm 2004, cử tri Mỹ đã trả lời, không cần phải hỏi nữa. Và nếu chuyện này có xảy ra thì trách nhiệm không phải chỉ ở một người có quan hệ trực tiếp với Thượng đế mà còn ở cả tập thể đã tín nhiệm ông một lần nữa và nói rộng ra, ngay cả những người chống đối ông mà không đủ quyết liệt, sáng lười xuống đường biểu tình, chiều ngại giúp tiền gây quỹ. Sau ngày bầu cử Tổng thống vừa qua, trạm web sorryeverybody.com đã nhận được hàng ngàn chân dung của người Mỹ gởi đến, tự chụp cầm tấm bảng xin lỗi với thế giới vì đã để cho ông Bush được tái nhiệm. Nếu để ông dìu dắt nhân loại vào một cuộc phiêu lưu nguyên tử mới thì hình thức tạ tội của các công dân Mỹ sẽ phải ra sao? Hay là bắt mỗi người kể một chuyện thần thoại để giúp những người còn lương tâm trên thế giới dễ dàng mà đi vào giấc ngủ? 
[1]Cựu ngoại trưởng Madeleine Albright (thời Clinton) là người, theo chính bà tự tả, có mái tóc bồng gần bằng Kim Chính Nhật và đi giày gót cao không kém lãnh tụ Bắc Hàn trong một dịp hội kiến. Ít khôi hài hơn là mới đây trên truyền hình, khi được hỏi về việc phong toả Iraq, gây ra cái chết của nửa triệu trẻ em, bà đã trả lời đó là một quyết định khó khăn nhưng xứng đáng! Dĩ nhiên, với 500.000 bà mẹ Iraq nhìn con thơ chết vì thiếu dinh dưỡng và thiếu thuốc men thì không cần đặt ra câu hỏi.
[2]Ahmadinejad thì thanh liêm có thừa. Lúc làm thị trưởng Tehran ông nhất định không phục sức sang trọng hơn nhân viên vệ sinh của thành phố và cái áo gió của ông tương phản hẳn với quần áo nhung gấm của ứng cử viên và cựu Chủ tịch Rafsanjani.
[3]Phong trào chống chính quyền Iran này, nửa mác-xít, nửa Hồi giáo, nửa Quốc gia và nửa dòng đạo (!!!) từng được Saddam Hussein che chở và bị Hoa Kỳ liệt vào các tổ chức khủng bố. Sau khi chiếm đóng Iraq, quân đội Mỹ đã để cho mấy ngàn quân của phong trào này thư thả, rồi vây lại đòi giải giới họ, sau cùng chỉ giải giới vũ khí nặng, đến nay thì lại dùng lại để quấy phá Iran.
[4]"De oppresso liber", giải phóng người bị áp bức). Việc này kết quả ở Iraq ra sao thì ta đang được mục kích, người Shia lẫn người Sunni ra đường (nếu dám ra đường) không dám dùng đến cả họ tên vì sợ lộ ra nguồn gốc và tông tích.

Nguồn: talawas.org





SCHEHERAZAD ĐANG CHỜ SÁNG

Trong thập niên 80, chánh quyền Reagan có một câu phát biểu rất là ngộ nghĩnh: “Quân Sandino cách biên giới Hoa Kỳ có hai ngày đường bộ”. Đó là sau khi phong trào giải phóng này lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Somoza tại Nicaragua, Trung Mỹ (1979), với vài ngàn tay súng du kích võ trang bằng võ khí quá date và thuộc dạng phế thải. Dân số Nicaragua bằng 1,3% dân số Hoa Kỳ, tổng sản lượng của Mỹ cao gấp 2.700 lần và nếu đánh Texas bằng đường bộ thì quân Sandino phải mất ba hay bốn tháng đi bộ qua Honduras, Guatemala và Mexico chứ chẳng lẽ cả đạo hùng binh này đèo nhau trên hai chiếc xe tăng M4 duy nhất thời Đệ nhị Thế chiến mà cha con ông Somoza còn bỏ lại khi chạy sang Miami? Dĩ nhiên là trong thời gian mấy tháng đó, quân lực Mỹ kịp rút về Đệ lục Hạm đội Địa Trung Hải, Đệ thất Hạm đội Thái Bình Dương để bảo vệ Vịnh Mexico và kêu gọi khối Đồng minh NATO do Phu nhân sắt Thatcher dẫn đầu vượt Đại Tây dương sang cứu, lo gì. 

Nhưng câu phát biểu ngộ nghĩnh này mở đầu cho 10 năm phong toả kinh tế và kháng chiến hữu khuynh Contra quấy rối. Cô lập, chiến tranh, thiếu thốn, lạm phát, mức sống tại Nicaragua chỉ còn một phần mười trước đó, phong trào Sandino cùng quẫn chỉ còn tìm được an ủi trong vòng tay Sô-viết. Sau khi Quốc hội Mỹ cắt quỹ yểm trợ Contra (1983), hành pháp nghĩ ra mẹo bán vũ khí cho chế độ thần quyền tại Iran (!) để có tiền riêng mà giúp các chiến sĩ tự do Nicaragua (cho gửi lời chào đô đốc John Poindexter). Trung gian môi giới trong chuyện trái phép này là… Israel, dĩ nhiên không quên kiếm chút đỉnh lời dằn túi. Lúc túng bẫn, Hội đồng An ninh Quốc gia và Trung ương Tình báo còn dùng tiền ma tuý qua ngả Panama (cho gửi lời chào tướng Manuel Noriega). 

Tóm tắt, khi bị Nicaragua “đe doạ biên giới”, Hoa Kỳ đã không đắp lại thành Alamo thêm kiên cố (cho gửi lời chào đại tá Sam Houston) mà “tự vệ” bằng cách dùng Contra lật đổ chế độ Sandino. Khi bị Lập pháp (tức là luật pháp) trói tay hèn hạ, chính quyền đã can đảm không từ việc trao đổi kín đáo với chế độ Khomeini. Israel gửi bom (Mỹ) cho ông này, ông này trả tiền và Mỹ sau đó hoàn lại cho Israel bom mới tốt hơn. Chi tiết vui là có đợt, Israel lại gửi hàng dỏm, khiến các sứ giả Mỹ bị Iran cho là lừa đảo! Xin nói thêm là vũ khí đây dùng để chặn quân Iraq đấy nhưng sau khi “Mission (này) accomplished” thì Hoa Kỳ lại giúp Iraq chống cự lại Iran cho vui vẻ cả hai bên. 

Năm 2007, trong khi lãnh tụ Phong trào Sandino vừa mới được bầu lên Tổng thống trở lại tại Nicaragua thì trớ trêu thay, đến lượt Iran, cũng chế độ thần quyền Hồi giáo độc tài quá khích đó và từng được Hoa Kỳ và Israel lén bán vũ khí cho, lại trở thành đe doạ cho Mỹ tại Iraq và rõ rệt là vô ơn muốn “xoá Israel khỏi bản đồ”. Đây là “Siêu cường Nguyên tử” từng bất phân thắng bại trong mười năm đọ tài với một siêu cường nguy hiểm không kém là “Siêu cường Vũ khí huỷ diệt tập thể” tức Iraq. Tại sao Hoa Kỳ không thành công trong việc bình định Iraq, mang an vui, dân chủ và thịnh vượng đến mọi nhà, trẻ em múa hát, phụ nữ múa rốn và người già hoan ca? Tại vì bàn tay vấy máu của Iran! 

Những ngày mới qua, gươm đao nghe loảng xoảng và trống Washington đã bắt đầu lung lay bóng nguyệt. Hạm đội Mỹ sang vùng Vịnh với hai hàng không mẫu hạm, 500 giàn vũ khí chống tên lửa Patriot được gửi sang Trung Đông. Chiến tranh chống phiến loạn ngõ hẻm tại Iraq có cần dùng mẫu hạm chăng và Patriot chống hoả tiễn ngăn chặn được bom xe hiệu quả thế nào nhưng đã có chuyên gia tướng lãnh giải thích cho quần chúng là phải dùng không lực tuần tiễu biên giới để cấm đoán Iran tiếp tế khủng bố với vật liệu làm bom! Bom gây thiệt hại cho lực lượng Mỹ tại Iraq đa số là bởi thành phần Sunni không đội trời chung với chế độ Shia ở Iran và dĩ nhiên là không thể chờ đợi ở Iran tiếp tế. Đánh bom ở Iraq là bom xe, bom người tự sát, vật liệu là chất nổ, (từ vũ khí quân đội) đã sẵn có tại chỗ thừa mứa. Không cần chiến đấu cơ F16, F18 bay 2.000 cây số giờ trong sa mạc để cấm đoán việc nhập ba cục pin 9v và một bình điện 12v làm ngòi. Có chăng là để trừng trị và trả đũa Iran như đề nghị, mỗi bom xe bom người nổ tại Iraq phải trả lời bằng bom (phi cơ) tại “gốc” Iran. 

Về mặt kinh tế, phong toả Iran đã bắt đầu khi Hoa Kỳ cấm giao dịch với các ngân hàng Iran và áp lực các ngân hàng quốc tế không giao dịch với các công ty của nước này. Thu nhập chính của Iran là dầu thô thì giá dầu thô từ 77 USD đã giảm xuống ở mức 50 USD /thùng nhờ nỗ lực bơm lên túi bụi của đồng minh trung kiên Saudi. Dầu ở Iran khai thác khó hơn dầu Saudi và giá thành cao hơn. Iran lại không đủ nhà máy lọc nên tuy xuất cảng dầu thô nhưng lại phải nhập cảng dầu lọc (cho gửi lời chào Dung Quất), về đến thị trường nội địa giá thành là 0,90 USD/gallon và được bán ra cho dân chúng với giá 0,33 USD, sai biệt là do nhà nước chịu. Khi Saudi tăng số lượng khai thác và giá dầu thô hạ xuống thì Iran mất bớt phần lời nhưng giá lọc dầu cũng vẫn phải chịu cố định như cũ. Chính quyền Ahmadinejad dựa vào hậu thuẫn của quần chúng lao động nên không cách nào tăng giá dầu lọc nội địa được, sẽ gây bất mãn (ngoài xe cộ, đây là nhiên liệu dùng vào việc sưởi mùa đông tại các tư gia). Quỹ nhà nước vừa thất thu trong việc bán dầu thô lại mất thêm trong việc phải trợ cấp cho tiêu dùng dầu lọc cho thị trường nội địa, sẽ không còn bao nhiêu dư giả để mà yểm trợ khủng bố Hezbollah ở Lebanon và ở Iraq nữa? 

Theo Phó Tổng thống Cheney thì một quốc gia dư dầu như Iran việc gì phải phát triển ngành nguyên tử nếu không phải là để làm bom? Ba mươi năm trước, Toà Nhà trắng phát biểu là Hoa Kỳ giúp Iran xây dựng nhà máy nguyên tử vì chỉ trong 15 năm tới nguồn dầu sẽ cạn. Lúc phát biểu như vậy, ông Cheney là Chánh văn phòng của Toà Nhà trắng và cầm quyền tại Iran là “nhà dân chủ” vua Shah thương quý của Hoa Kỳ. Nói đến truyền bá dân chủ trong khu vực thì chế độ thần quyền Hồi giáo của người bạn Saudi có phần độc tài và quá khích hơn là Iran. Nữ phi công phản lực dân sự đầu tiên của Saudi đến phi trường phải nhờ tài xế xe con nam vì phụ nữ Saudi không được quyền lái xe! Về tự do xã hội cởi mở hơn (đôi ba chút), phụ nữ Iran còn được ứng cử và được bỏ phiếu, thỉnh thoảng được đến sân vận động reo hò. Về chính trị, tại Iran chế độ thần quyền còn đa nguyên, hơn Saudi và hơn cả Việt Nam. Sự khác biệt giữa ông Karroubi (phe Khatami, chiều hướng cải cách) và ông Ahmadinejad để cử tri lựa chọn còn rõ rệt hơn là khác biệt giữa, thí dụ, bà Hillary Clinton với ông John McCain. 

Ahmadinejad dù có phanh ngực áo gió để làm tàng thì cũng không được là Hitler thời đại. Ông không toàn quyền như Kim Chính Nhật hay Saddam Hussein, về nhì trong vòng đầu cuộc bầu cử Tổng thống 2005 (19,43%) sau bảo thủ “ôn hoà” Rafsanjani (21,13%) và trước cải cách Karroubi (17,24%) suýt soát. Vòng nhì ông đắc cử với 61,69% nhưng phe ông bị đánh bại trong cuộc bầu cử địa phương và mới đây có 60 đại biểu Quốc hội kiến nghị phê bình Tổng thống. Quyền lực còn nằm trong tay lãnh đạo tối cao Khamenei và sự phân chia này chính là lý do Ahmadinejad ưa lượn qua lượn lại các diễn đàn để phát biểu văng mạng, làm oai với quần chúng của ông. Sự ủng hộ và đoàn kết của ông với Palestine hung hăng và ồn ào nhưng không tốn kém, trước giờ chưa có người Ba Tư nào đổ máu để giải phóng dân tộc bị Israel chiếm đóng này cả. 

Ông Ahmadinejad là tổng thống của một quốc gia giàu đẹp, có đội tuyển bóng đá đầy hứa hẹn, nền điện ảnh tầm thế giới v.v… chứ chẳng phải một mạng cùi khủng bố trốn trong hang đá như ông bin Laden. Muốn giết chó thì vu là nó dại nhưng ông Ahmadinejad có sủa sùi cả mép cũng chỉ giống được loại bé người mà to tiếng được các siêu sao điện ảnh xách theo trong ví đầm. Thì đã bảo, răng nó bé nhưng nó có vi khuẩn bệnh dại! Con gà mang H5N1 còn đáng sợ nói gì đến Iran mang bom hạt nhân! Nhưng khó mà tưởng tượng Ahmadinejad lại thí thân mang ba quả nguyên tử để diệt chủng cả dân tộc Do Thái như đảng Likud ở Israel hô hoán, đó là nếu ông có được ba quả. Nhưng đã có đến 300 quả và rất sẵn sàng để “tự vệ”, để thoát khỏi “Đệ nhị Holocaust trước sự thờ ơ của thế giới” là Israel. Với sự tham gia hay là với sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Israel có thể đánh lò nguyên tử của Iran bằng bom hạt nhân chiến thuật (1 đến 5 ngàn tấn) chui sâu dưới 20 m đất. Các nhà quân sự còn giải thích là lò này khi sập sẽ chôn vùi phóng xạ và sức ép sẽ đồng thời làm tan biến ô nhiễm (!) nên sẽ không có tác hại gì về sau hay uế sang đến lân bang. Nấm khói này nhân thể sẽ lột luôn khăn che tóc của phụ nữ Iran, mang lại tự do và dân chủ, chớp lóe chói loà sẽ là khởi đầu cho một bình minh tươi sáng. 

Trên thực tế, cường quốc hoạnh họe trong khu vực là Israel, hoạnh họe trên thế giới là Hoa Kỳ và Iran mới là đang bị đe doạ xoá tên chứ chẳng phải ai hết. Nhưng nói ngược mãi và lại sẵn các phương tiện truyền thông đồng loã thì dư luận nghe cũng ngọt tai. Trong mười năm ròng rã, Iran muốn xoá tên chỉ có Saddam mà cũng không xong, làm sao đáng sợ như là được Mỹ phong thánh, nguồn gốc của mọi khó khăn của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq. Kiểu mới đây, và hẳn sẽ là tới tấp hàng ngày, những thông tin sôi máu như “bàn tay sau cuộc phục kích giết năm lính Mỹ ở Kerbala”, nào là “bom xe giết lính Mỹ dùng chuyên môn của Iran tác hại hiệu quả nhất”. Nếu vậy thì Iran là cường quốc về kỹ thuật bom xe và phục kích bắt cóc chứ chẳng phải là cường quốc nguyên tử nữa. Nhưng nay nó xúi giết năm, mai lại giúp giết ba, thế là nên đánh nó bằng 3.000 phi vụ và bom nguyên tử, giết 300.000 hay là nửa triệu thường dân mới thoả? 

Sa lầy trước đây tại Việt Nam đã dẫn đến việc ném bom Cam Bốt, nhưng đây có lẽ là điểm tương đồng duy nhất giữa hai thời điểm. Đông Nam Á không phải là kho xuất nhiên liệu cho toàn cầu và có ra sao thì cũng chỉ là chuyện địa phương xa, Khmer có triệu người thiệt mạng thì cũng như Tutsi ấy mà. Lần này, không những hậu quả tại khu vực mà cả tai hại cho thế giới sẽ khôn lường. Và nay mai thôi, có khi vào ngay đầu mùa xuân này sẽ là giờ nửa đêm truyền hịch? 

Trách nhiệm của một đế quốc toàn cầu thật là to lớn (a cowboy’s work is never done), ta đâm ra lo sợ trong khi rong ruổi lưng đeo cung tiễn ở Cận đông, Hoa Kỳ lại đâm ra hở nách ở ngay Nam Mỹ. Trung tá Hugo Chavez vừa mới sắm 100.000 khẩu súng tự động tối tân của Nga, bắn liên thanh chứ không phải đùa và dùng loại đạn nguy hiểm… chết người, có thể nhân dịp đó mà đánh úp, xoá tên Hoa Kỳ và diệt chủng dân Mỹ? Washington cách Venezuela chỉ có năm giờ máy bay và ông Chavez lại có bằng nhảy dù. 

Nguồn: talawas.org





HADITHA, BUỔI SÁNG MỘT MÌNH

Ngày 20 tháng 11. 2005, phát ngôn nhân của Thuỷ quân Lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ tại căn cứ Ramadi (Iraq) cho biết một cách ngắn gọn: “Một TQLC Hoa kỳ và 15 thường dân thiệt mạng vào ngày hôm qua tại Haditha khi bị một trái bom đặt ở vệ đường đánh phải. Lập tức sau quả bom này, nhiều tay súng đã tấn công đoàn xe (Hoa Kỳ) với vũ khí nhẹ. Quân chính phủ Iraq và TQLC đã bắn trả, sát hại 8 phiến loạn và gây thương tích cho một tên khác”. Đây là một ngày bình thường ở Iraq, và bản tin không được chú ý ‎mấy, trong số người bị bom của phiến loạn giết hại không có chỉ huy cảnh sát, giáo sư đại học, anh em của phó chủ tịch nước hay lực sĩ đánh banh quốc gia mặc quần đùi [1]. 

Buổi sáng ở Haditha, một thị trấn nông nghiệp trong khu gọi là Tam giác Sunni hay Tam giác Tử thần cũng như buổi sáng ở mọi nơi khác. Cụ Abdul Hameed Ali, 76 tuổi, là người dậy sớm trong phố. Từ ngày bị cưa chân vì biến chứng tiểu đường, cụ gần như loà và chỉ di chuyển bằng xe lăn nhưng mỗi ngày vẫn cho đàn gà trong sân ăn trước khi tưới nước quanh quẩn trước nhà để chống bụi đường. Vào lúc 7 giờ 15, khi cụ đã trở vào bên trong thì đoàn xe tiếp vận thuộc đại đội Kilo, tiểu đoàn 3, trung đoàn 1, sư 1 TQLC đi ngang. Một trái bom dùng bình ga đặt ở ngách phố được ai đó điều khiển cho phát nổ, khiến hạ sĩ Miguel Terrazas trên xe gần nhất tử thương và hai binh sĩ Hoa Kỳ khác bị thương. Ai khiến đoàn xe quân sự Mỹ và một thanh niên quê gốc El Paso, bang Texas, đi ngang một góc huyện Iraq vào giờ sớm này để mà thiệt mạng thì không biết, chắc chắn không phải là cụ Abdul Hameed nhưng cụ lại là người đầu tiên phải trả. Toán lính Hoa Kỳ phá cửa đột nhập ngay vào nhà cụ, hạ sát cụ ngay trong lối vào, theo giảo nghiệm tử thi là bằng 9 viên đạn, trổ ra sau lưng khiến ruột cụ theo vết thương mà đổ ra ngoài. Trong nhà còn có cụ bà, Khamisa Tuma, 66 tuổi, ba đàn ông trung niên là các con, một người con dâu và bốn đứa trẻ từ 9 tuổi đến 2 tháng. Toán binh sĩ không chừa ai hết nhưng cô con dâu là bà Hibbab bồng đứa cháu là bé gái Asia 2 tháng chạy thoát. Những người còn lại đều bị giết bằng súng và lựu đạn. Em gái Iman, 9 tuổi cũng như em trai Abdul Rahman, 5 tuổi nấp dưới gầm giường và bị thương nhưng may mắn sống sót. Bé trai Abdullah, 4 tuổi, trúng đạn và chết cùng với gia đình. 

Họ hàng xóm gồm ông Yunis Salim Khafif, 43, vợ ông, 41, năm bé gái từ 15 đến 2 tuổi và một bé trai 8 tuổi với một người bà con. Ông Yunis là người biết tiếng Anh, nếu không có bằng C thì chí ít cũng nói được câu “Tôi là bạn! Tôi là người tốt!” (I am a friend! I am good!) trước khi ông cùng cả gia đình bị hành quyết. Ảnh chụp sau đó bởi đơn vị tình báo Hoa Kỳ đến hiện trường cho thấy vợ ông quỳ xuống che cho một đứa con vào lúc chết. Em gái Safa, 13 tuổi sống sót nhờ ngất xỉu và vấy máu của mẹ đầy người. Toàn bộ gia đình em mất mạng, có lẽ bởi vì ông bố không biết nói “Tôi là cổ động viên của đội San Diego Chargers và đội Los Angeles Rams!” [2] Ông có tốt thì tốt cũng chưa đủ để mà sống và chỉ đủ để mà chết tốt. 

Khi vào đến căn hộ thứ ba thì toán lính đã hạ hoả. Họ phân đàn bà trẻ con sang một bên và đẩy bốn người đàn ông đang có mặt trong nhà là bốn anh em từ 38 đến 20 tuổi vào một tủ áo, đóng cửa lại và nổ súng sát hại bốn người này qua cánh cửa, chẳng hiểu vì đã chán nhìn cảnh máu đổ thịt rơi, hay là để tránh ruột gan tung tóe vào người, hoặc là cũng một ‎kiểu cũng vui để đùa chơi [3]. Dù sao thì đàn bà con nít ở đây cũng thoát nạn tuy trong nhà có chứa một khẩu AK 47 (theo điều tra sau này của quân đội, khẩu súng này trước đó không có chứng cớ gì là mới vừa được sử dụng và có AK trong nhà để tự vệ là một việc thông thường ở Iraq, không có nghĩa là thành phần chống đối vũ trang, và quân đội chiếm đóng chỉ cấm mang AK ra đường). 

Không may là đúng vào lúc đó, bốn sinh viên trường kỹ thuật Saqlawiya lại về nhà một người quen gần đó để nghỉ cuối tuần. Chiếc taxi chở họ vừa trờ tới, thấy cảnh đánh bom này nhưng quay đầu không kịp. TQLC nổ súng theo khiến cả năm cùng chết [4]. Năm mạng này cũng như bốn người đàn ông bị hạ sát trong tủ áo được coi là “phiến loạn”, nếu không là chiến công hiển hách thì cũng không phải bồi thường sinh mạng. Sau khi chức sắc trong vùng đến phản đối với quân đội Mỹ, 15 mạng còn lại được bồi thường mỗi mạng 2.500 USD. Phải đợi đến bài viết của tờ Time bốn tháng sau [5] chuyện mới xé ra to. Trung tá tiểu đoàn trưởng Jeffrey Chesani bị ngưng chức cùng với hai đại uý đại đội trưởng, quân pháp của Hải quân Hoa Kỳ hiện đang tiến hành cuộc điều tra và một số đại biểu Quốc hội lên tiếng. Theo Thượng nghị sĩ John Warner (Cộng hoà, bang Virginia), chủ tịch Ủy ban Quân lực và đại biểu John Murtha (Dân chủ, bang Pensylvania) [6] thì đã có bằng chứng là nội vụ được hệ thống quân giai, có lẽ lên đến tham mưu trưởng quân đội, ém nhẹm, lờ đi và tìm cách phi tang sau khi cấp chỉ huy có ngay đầy đủ thông tin và hình ảnh của nhóm quân báo có mặt tại hiện trường. Theo hạ sĩ Ryan Briones, quân nhân đầu tiên của đại đội Kilo lên tiếng (Los Angeles Times, 29.5.06), anh cũng đã chụp hình theo lệnh và giao lại cho cấp trên. Khi theo toán dọn dẹp đến nơi, đã có nhiều sĩ quan và hàng trung sĩ trở lên hiện diện, đến nỗi tìm không ra đủ cấp hạ sĩ như anh để vác xác ra ngoài [7]. Một chi tiết còn chưa tỏ là một số xác bị cháy nám, không hiểu là do toán hạ sát nổi lửa sau đó đốt nhà hay là do một phi tuần phản lực được gọi đến để ném bom. Nếu là trường hợp thứ nhì (để đổ vấy cho oanh tạc thiếu chính xác) hẳn chí ít cũng phải có lệnh cao hơn cấp hai tiểu đội gây ra thảm sát. 

Haditha chỉ là vương miện hoa hậu trong muôn vàn thí sinh của cuộc thi thường dân bị giết hại ở Iraq[8], thiệt mạng vì những lí do cao quí này hay khác của chiến tranh. Trách nhiệm không phải chỉ ở ba hay là 12 binh sĩ đang bị điều tra bởi quân pháp và chỉ ở Haditha, lần này hay những lần trước [9]. Tổng số nạn nhân có nơi cho là lên đến 250.000, 100.000 (nghiên cứu của báo khoa học Lancet, tháng 10, 2004) [10], Tổng thống Bush nhìn nhận con số đâu đó 30.000. Em Safa, 13 tuổi, đã nói đến ở trên có lẽ cũng không rõ hơn mọi người là mấy. Điều mà em chắc chắn buổi sáng ngày hôm đó là: 

“Cả gia đình em đã chết hết, và em giờ chỉ còn có một mình.” 
[1]Thí dụ, ngày 27.5.2006 http://news.yahoo.com/s/ap/20060527/ap_on_sp_te_ne/ten_iraq_tennis_killings
[2]Hậu cứ sư 1 TQLC ở trại Pendleton, giữa hai thành phố Los Angeles và San Diego, bang California. Vì football Mỹ là một bộ môn thể thao hoàn toàn nội địa cho nên chỉ có người ở Mỹ mới biết đến và bảo đảm nếu thuộc kết quả của các trận tranh tài NFL sẽ được quân nhân Hoa Kỳ tha mạng. Một nhà báo Mỹ gốc Á chẳng hạn có kể lại là vào tháng 4.1975 vì sợ bị nhầm với người Việt vào lúc Hoa Kỳ di tản và không cho ông lên tàu, đã lẩm nhẩm học thuộc bảng Super Bowl để khai ra với lính Mỹ vào lúc hữu dụng.
[3]Nguồn khác kể lại là một người bị giết trước và ba người bị giết sau đó, không thấy nói đến tủ áo.
[4]Lại có nguồn cho rằng, năm kẻ xấu số này bị lôi khỏi xe ra bắn và có nguồn cho rằng họ bị bắn trước các nạn nhân trong các hộ chứ không phải là sau và đằng nào thì cũng chết.
[5]"Collateral Damage or Civilian Massacre in Haditha?" Time, 19.03.2006: www.time.com/time/world/article/0,8599,1174649,00.html
[6]Video link (ITN va MSNBC) www.arizona.typepad.com/blog/2006/05/massacre_in_ira.html 
Đại biểu Murtha là người từng ủng hộ chiến tranh nhưng sau này đổi ý và quyết liệt đòi phải rút quân tức khắc và vô điều kiện. Ông từng là đại tá của binh chủng TQLC, bị thương 2 lần tại Việt Nam và được tưởng thưởng Anh dũng Bội tinh của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà. Nhưng từ khi ông “trở mặt” chống chiến tranh Iraq, những thành tích anh hùng này của đương sự đã bắt đầu bị “tuần giang đỉnh hoá” (Swiftboating), tức là xuyên tạc tựa như trường hợp ứng viên Tổng thống John Kerry. 
Tất nhiên, một Phó Tổng thống Dick Cheney, bốn lần hoãn quân dịch vì lí do học vấn và lần thứ năm miễn quân dịch vĩnh viễn vì lí do gia cảnh thì khó mà bình luận xem huy chương của ông có xứng đáng hay không và thương tích ngoài mặt trận của ông gỉa hay là thật. Thành tích của ông Cheney là đánh Iraq ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 91, đốt giếng dầu và sau đó ở cương vị tổng giám đốc Halliburton gíup (có tính tiền) Saddam Hussein tái thiết (thời gian 1997-2000). Năm 2003, ở cương vị Phó Tổng thống ông lại đánh Iraq và Halliburton lại có dịp tái thiết hồ hởi. Tuy khi ra tranh cử ông Cheney đã từ giã công ty Halliburton (với 20 triệu USD tiền tiễn chân anh khoá) và tuyên bố không còn liên hệ, một cuộc điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ (chứ không phải Quốc hội Iran hay Iraq) cho biết hàng năm ông vẫn lãnh từ 162.392 đến 205.298 USD của Halliburton và còn giữ quyền mua bán 433.333 cổ phần chứng khoán của công ty (stock option, tức là quyền được mua một số cổ phần ở một mức giá ấn định để bán lại theo giá thị trường). Quyền lợi dành cho ông Cheney gồm 100.000 cổ phần ở mức giá 54,50 USD, 33.333 ở mức giá 28,12 USD và 300.000 ở mức giá 39,50 USD. Năm 2003, một cổ phần này trị giá 27 USD trên thị trường. Ngày 26.5.06, cổ phần Halliburton trị giá 73,80 USD và nếu ông Cheney quyết định sử dụng quyền này, ông sẽ được hưởng sai biệt là 13.573.651 USD. Nhưng có lẽ ông chẳng vội, ngày nào ông còn tại chức, hẳn cổ phần Halliburton vẫn còn tăng? http://www.halliburtonwatch.org/about_hal/chronology.html
[7]Anh Briones mặc dù khi mang xác một em bé cẩn thận dùng cả hai tay để bưng xa người đã không tránh được óc của em rơi vãi vào đôi giày trận, “rửa mãi không sạch”.
[8]www.marchforjustice.com/shock&awe.php
[9]www.brusselstribunal.org/ArticlesIraq2.htm
[10]www.informationclearinghouse.info/article11674.htm 
 Nguồn: talawas.org






TỪ BLACKSBURG ĐẾN HADITHA

Hên sao, đó lại là người Đại Hàn! Cô thợ hớt tóc bảo. 

Đại Hàn hay Trung Hoa, Việt Nam, hay Mễ trắng, Mỹ đen gì cũng vậy… Tôi trả lời. 

Nhưng người Việt mình hay đi biểu tình! Lỡ mà là người Việt thì chắc mình khỏi biểu tình luôn! 

Cô đang nắm đầu tôi và cô đang cầm dao, cầm kéo, cho nên tôi không lắc nguầy nguậy để phản đối. Tôi ngồi yên. 

Tôi đang ở trong một tiệm hớt tóc, làm móng tay của người Việt ở Nam Cali. Nói qua cho bạn đọc ở xa, 75% thợ làm móng tay ở bang Cali là người Việt và chiếm trên 50% thợ làm móng tay trên tổng số nước Mỹ. Bất cứ nơi nào trên quốc gia này, From California to the New York Island (ca từ “This Land is Our Land”, Woody Guthrie), muốn nói chuyện gẫu với người đồng hương chỉ cần tìm ra một tiệm nail. Cũng lại nói qua thêm, chuyện “hay đi” biểu tình của người Việt ở đây không phải là chống chiến tranh ở Iraq, hay để bảo vệ nhân quyền, nữ quyền, thiểu số, tự do xã hội v.v… ở Hoa Kỳ mà là về những vấn đề gần gũi với chúng ta hơn, là chống xâm phạm nhân quyền, tự do xã hội v.v.. tại Việt Nam, hay thay cờ đỏ bằng cờ vàng (ở Mỹ, ở Mỹ trước đã, còn chuyện thay cờ đỏ bằng cờ vàng ở Việt nam sẽ tính đến sau) [1]. 

Mấy ngày hôm trước, sinh viên Cho Seung Hui tại Đại học Virginia Tech đến trường hạ sát 32 người trước khi tự tử. Là người gốc từ đâu đến thì anh cũng tâm thần chẳng cần ai chứng minh hộ một cách rõ rệt hơn. Nhưng cô thợ hớt tóc lại có thêm một ý kiến. 

Hên là cũng không phải là người Ả-rập hay Hồi giáo, chứ không lại eo xèo chuyện khủng bố này kia! 

Lần này tôi cũng chẳng gật gù ra vẻ đồng tình. Tôi vẫn ngồi yên vì tôi đang hớt tóc, và mấy năm nay đi nơi nào khác tôi cũng bị mời chào nhuộm đen, chỉ có cô thợ này là mỗi bận đều cẩn thận nhắn tôi: “Anh đừng có nghe ai rủ rê mà… đem nhuộm, đàn ông như anh phải để lốm đốm bạc thế này mới là… từng trải phong trần”. Nhưng đây không phải là chuyện tôi đòi húi cua như Beckett để mái tóc thích hợp với cái áo đen cổ lọ và cũng không phải là chuyện anh Cho, chẳng qua là một giấc mơ Mỹ - một gia đình di dân cần cù giặt ướt giặt khô, phấn đấu để gia nhập giai cấp trung lưu ngoại ô, con gái tốt nghiệp Princeton và con trai năm chót Virginia Tech - bỗng chốc trở thành ác mộng. 

Sáng 16.4.2007, đài CNN, trực tiếp truyền hình từ Đại học Virginia Tech, quang cảnh vắng lặng người, chỉ có mấy cái xe cứu thương, cứu hỏa và cảnh sát chắn lối hay đậu ngang, đèn quay chớp nháy. Tiếng phóng viên ứng khấu (ngoài hình): 

Thử tưởng tượng bạn là một sinh viên, sáng nay đến trường, nghĩ là sẽ gặp các bạn học, gặp thày cô, lại gặp cảnh trước mặt này thì bạn nghĩ sao? 

Thử đặt mình vào trường hợp này… trước cảnh trên đây, thì bạn có… rối loạn…, có… hoảng hốt không? 
*
Ngày 16.1.2007, hai xe bom đánh cổng Đại họcMustansiriya ở Baghdad, ít nhất 70 người chết và 170 bị thương. 

Ngày 23.1.2007, bích kích pháo đánh trường nữ Al Khuroud tại Baghdad, 5 nữ sinh từ 12 đến 16 tuổi thiệt mạng, 20 người khác bị thương. Nếu tin theo Bộ Nội vụ Iraq thì trong một tháng trước đó, riêng các trường cấp 1 và cấp 2 tại thủ đô đã bị tấn công sáu lần. Tại trường trung học Al Gharbiya chẳng hạn (xin nhấn mạnh “chẳng hạn”), 10 người bị giết mới đây, chưa kể các chủ nhiệm giáo viên bị ám sát, bắt cóc lẻ tẻ. 

Phóng viên CNN, thử đặt mình vào trường hợp này thì sẽ ứng khẩu ra sao? 

À… ừ… em đến trường, nghĩ là quên nộp bài làm và sẽ bị phạt… vâng… nhưng đến nơi thì thấy xác cô giáo treo ngược bằng chân ở trước cổng, sau khi cô bị hãm hiếp! Thật là… vô cùng… khó mà… mường tượng! Trong trường hợp này… em có… bối rối… bất ngờ hay không? 
Đây là một thí dụ thứ ba. Hai tháng trước, một nữ giáo viên thuộc khu vực Tây Baghdad bị hãm hiếp, giết chết và treo xác bằng chân ở cổng trường trong nhiều ngày, chắc là chẳng ai dám gỡ xuống. Thưa, bối rối thì có nhưng những chuyện này chẳng còn bất ngờ. Ngày 14.11.2006, 80 nhân viên an ninh sắc phục nguồn gốc không rõ vào Bộ Giáo dục Cao cấp bắt 50 hay 100 hay 150 giáo sư và nhân viên mang đi. Đây thì không biết tin vào Bộ nào, trong cuộc họp báo sau đó hiện diện các Bộ trưởng Nội vụ, Quốc phòng và Giáo dục ngồi hàng ngang chung một bàn họp, mỗi vị có một ý kiến khác về: 
   a. số người bị bắt cóc; 
   b. số người đã được thả, đã bị giết hay còn bị giữ; 
   c. tông tích của thủ phạm.
Dĩ nhiên, những việc giết chóc này nếu chỉ giới hạn ở học đường thì còn phúc lớn cho dân tộc Iraq. Trên đường đi đến trường có thể gặp quân xa Mỹ bắn vào, xong lớp ra chợ ăn quà vặt có thể bị xe bom, ở nhà cũng không yên, trực thăng xạ kích “chẳng hạn” hay có người đến gõ cửa bằng lựu đạn. Theo iraqbodycount.net thì số thường dân Iraq đến nay thiệt mạng là 62.000-68.000. Theo Liên Hiệp Quốc, con số này vào năm 2006 là 34.000 đâu đó và điều nghiên của Đại học John Hopkins đưa ra ước tính tổng số thiệt mạng là 655.000. Hôm 18.4, hai ngày sau sự cố Virginia Tech, tại một trường học ở Ramadi phát hiện 25 xác đã rữa thối. Hôm 17.4, tại trường bỏ hoang này đã tìm ra 10 xác nữa nhưng không rõ là có dính dáng gì đến nợ bút nghiên hay không. Cũng vào ngày 18, anh Cho Seung Hui bị qua mặt dễ dàng tại chợ Sadriyah, chết “cỡ chừng” 122 và bị thương “khoảng” 148. Cái chợ quả là hết sức ồn ào này vào tháng 2 đã bị đánh bom giết hại 137 người nhưng hiển nhiên là thế vẫn còn chưa đủ (“Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ / Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần”, thơ Xuân Diệu). 

Tổng thống Nam Hàn Roo Myu Huun ngay ngày 17.4 đã lập tức chia buồn và bày tỏ sự “kinh ngạc lớn, buồn bã và đau đớn” của ông và dân tộc Triều Tiên. Hôm 18, sau khi họp khẩn với các cộng sự, ông lại bày tỏ một lần nữa. 

Ngày 20, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush phát biểu: “Cho đến giờ chiến dịch (an ninh tại Iraq) đạt những kết quả mong đợi” và “hướng đã thấy đổi”. Không hiểu ông có căn cứ vào con số thương vong tại chợ Sadriyah hay không, tháng 2 cũng tại chợ này đánh bom 137 người chết, sang tháng 4 đã tiến bộ rõ rệt chỉ còn 122, tức là một tiến bộ rõ rệt 12,29% chỉ có trong vòng 60 ngày. Hướng đã thấy đổi, nhưng là người dè dặt, có lẽ phải đợi sang tháng 6, nếu Sadriyah bị đánh bom lần thứ ba mà chết chỉ có 108 người thì mới có thể tuyên bố là hướng đã đổi hẳn. 

Trong khi chờ đợi tháng 6 và quá tam ba bận, ngày 21.4, Sami Abdul Amir al Jumaili là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thứ tư của Thành phố Fallujah bị ám sát. 

Cũng vào ngày 21.4, trong khi đợi bảy quân nhân Hoa Kỳ ra trước tòa án về vụ sát hại 27 thường dân Iraq hình như là ít học và không đến trường cho nên xảy ra tại nhà riêng của họ ở Haditha thì tờ Washington Post cho biết tờ trình về cuộc điều tra nội bộ của Trung tướng Mỹ Bargewell kết luận là Thủy quân Lục chiến mang lỗi. Nhưng tôi chưa thấy ông Bush bày tỏ sự thương tiếc nào mà chỉ thấy ông Cheney nhếch mép cười. [2] 

Từ BlacksburgVirginia, đến HadithaIraq, cũng là xa, như khoảng cách giữa cơn điên hung bạo của một cá nhân và hung hãn đế quốc của một chính quyền. Nhưng đây chỉ là chuyện gẫu trong khi ngồi yên để mà hớt tóc trong một tiệm nail và làm đầu tại Nam California. 
[1]Câu này có cân nhắc việc dùng chữ, là ở Mỹ thì phải “bảo vệ nhân quyền, tự do” còn ở Việt Nam thì là “chống xâm phạm”, nói rõ ra là có rất ít để mà bảo vệ nhưng cũng có đủ để mà xâm phạm.
[2]Đại biểu Quốc hội (và ứng cử viên Tổng thống Mỹ) Dennis Kucinich hình như đang tạm gác đơn đòi bãi nhiệm ông Cheney trong tuần qua vì thời sự Virginia Tech. Nhân dịp này, xin cổ động các cử tri gốc Việt (và cả gốc Đại Hàn) bỏ phiếu cho ông này: 
a) nếu bạn theo đạo Phật, vì ông ăn chay trường; 
b) nếu bạn đang cô đơn và tìm hạnh phúc gia đình (trong kỳ bầu cử 2004 ông tuyên bố là đang tìm vợ và hiện đã tìm thấy);

c) ngoài người phối ngẫu hay người tình ra, bạn còn yêu hòa bình và công bằng, tiến bộ xã hội.
Nguồn: talawas.org





BÁN KẾT Ở ANBAR

Tiếng hô nhất loạt dậy trong thành phố, nhưng tắt lịm ngay như một thất vọng gì nho nhỏ, một thứ “ồ” của đám đông. Tôi nghĩ, chắc là quả phạt góc, quả phạt đền trúng vào khung thành. 

Thành phố chỉ còn lại một phần ba dân số và một tuần nay mất điện liên tục 24/24, đến nhiên liệu chạy máy phát điện cũng trở thành khan hiếm, sáng nay tôi vừa thấy nổ súng để giành nhau 20 lít dầu, ông chủ cây xăng xách AK ra quát “Tụi bay đi chỗ khác mà bắn nhau, ở đây nó phát cháy thì rụi cả xóm, đồ ngu như chó!”. Tấm biển “Cấm hút thuốc” chình ình, mấy anh gây sự nhau tiu ngỉu dắt lại súng ngắn vào trước bụng. Thành ra, vào giờ đêm này, đen như một thành phố hoàn toàn mất điện, tiếng hô nhất loạt vừa nói trên là một tiếng hô rải rác của từng nhóm vài mươi người may mắn tụ tập đâu đó ở một chỗ nào khuất tầm nhìn trước màn hình đang tải giải bóng đá Mundial 1982 tại Tây Ban Nha. 

Tôi là người thờ ơ với mọi thứ thể thao nhưng bốn năm một bận, Thế vận hội mùa Hè hay World Cup, tôi cũng có theo dõi, như là một mẹo vặt để đánh dấu những kí ức trong đời hơn là vì thật sự yêu thích hay là quan tâm. Chung kết 1974, tôi được xem trực tiếp bằng truyền hình (màu) ở Pháp, vài tháng sau được xem phát lại (trắng đen) ở Trung tâm III Tuyển mộ Nhập ngũ tại miền Nam (Quân đoàn III, khu vực chung quanh Sài Gòn). Một hai giờ sáng, máy im lỉm không còn thôi thúc Johan Cruyff hay Neeskens với lại Sepp Maier (thành đồng khung gỗ) thì loa lên tiếng gọi tân binh di chuyển, Nguyễn Văn A-cha B-mẹ C, Nguyễn Văn D-cha E-mẹ Ngại [1]… Người bạn nằm bên tôi [2] giải thích, ai mà bị gọi vào giờ này thì chỉ có ra phi trường, tức là chỉ có đi Quân đoàn II, Quân đoàn I, tức là Kontum kiêu hùng hay Trị Thiên vùng dậy, chứ không phải lên phi cơ sang tham quan sân vận động München lịch sử, nơi Jan Jongbloed bắt banh và mang về vẻ vang cho dân tộc Hà Lan. Mà nhà ở Sài Gòn hay Tây Ninh, đi Pleiku, Phú Bổn thì chỉ có Bà Sơ thăm nuôi, các bóng đen bị điểm danh lặng lẽ lê hành lí lên đường, không ai nói một lời. 

World Cup vừa qua, tôi ở quần đảo Cook, 3.015 km phía Đông Bắc Auckland (New Zealand), hai nơi gần nhất phía bên phải là Tahiti, 1.500 km, phía bên trái là Samoa, cũng 1.500 km nốt, còn Triều Tiên với Nhật Bản thì tôi không biết cách xa bao nhiêu nhưng cũng nhiều mà lại ngược múi giờ, đi trước gì đó 20 tiếng. Ở đây, chẳng ai để í gì đến bóng đá mà chỉ yêu chuộng Rugby. Tứ kết, bán kết tôi còn ở Rarotonga (chu vi 32 cây số), tại một hộ có truyền hình trong phòng ngủ, phòng khách, nhưng một hai giờ sáng thì tôi ra biển tắm đêm, không xem bóng đá, chỉ tiếc Nam Hàn bị Đức loại. Đến chung kết thì tôi đã ra đến Aitutaki, lại càng thanh vắng, 2.000 dân cư và được fineliving.com xếp loại Most Romantic Getaway (trú tránh lãng mạn) hàng… 10. Ở đây, tại Pearl Beach Resort giấu mình ở một đầu hồ san hô, chỉ có 40 chòi không có cả điều hoà, đừng nói đến internet. Ông quản lí là người Pháp, nhắc đến thì chửi cho đội nhà một trận và sau khi thăm dò dư luận, đêm chung kết sẽ cho mang truyền hình ra ngoài lobby, tuy phần lớn khách ở đây cho thế là làm hỏng bầu không khí (lãng mạn) của nơi nghỉ. 

Cuộc sống ở đảo khác với phố thị, 9 giờ tối thì phục vụ (chân không) đã dọn dẹp phòng ăn. Từ trung tâm Resort đến chòi tôi ngụ phải mất mấy phút rặng dừa và giậu dâm bụt lờ mờ đèn đóm, nên vào đêm chung kết, tôi uống Beaujolais (khách sạn này thuộc hệ Pearl Beach của Pháp nên rượu nho không thiếu) để nhìn hồ nước lặng tờ (sóng ở mãi ngoài ghềnh san hô) rồi… ngủ quên mất. Sáng ra, đến lobby thì chỉ được xem phát lại, hai anh Thụy Điển hẹn tôi đêm qua cùng ra xem cũng bỏ qua phần trực tiếp truyền hình, chắc là trong chòi mà thơ mộng ái ân với nhau chứ việc gì mà phải ra xem bắp thịt đùi của các cầu thủ Brazil lăng xăng thrên thảm cỏ. Brazil lần này đăng quang, không ấm ức như lần trước. Lần trước đó (1998), tôi ở ngay tại Pháp, không ra đường sau kết quả nhưng nghe kèn xe inh ỏi và nhìn ra cửa thấy thanh niên thiếu nữ phất tam tài kéo nhau lên Đại lộ Champs Elysées “Mais où sont ils, mais où sont ils, les Brésiliens!” (Ba Tây ơi, giờ này anh ở đâu). Các con tôi cũng nhân dịp đó mà tập đếm “Và 1/rồi 2/rồi 3/Zero!” 

2006, chung kết tôi sẽ ở nơi nào thì tôi chưa đoán được, biết đâu là cũng sẽ ở ngay tại chỗ để mà xem quần chúng mừng đội nhà là đội Đức đăng quang (?). Năm 1994, tôi ở tại Los Angeles, có người anh họ rủ đi xem trận Colombia-Romania ở tại Rose Bowl nhưng tôi lỡ dịp. Thể thao Romania thì tôi biết có Nadia Comaneci và có lần hân hạnh được diện kiến bắt tay chào trong khi cô mặc đồ thể dục và sững sờ khi thấy đó chỉ là một cô bé vóc người rất nhỏ. Sau này, cô cao lên được một tí và sang Mỹ quảng cáo nịt vú nhưng tôi chỉ thấy trên hình, không có hân hạnh gặp lại cô trong sắc phục (nịt vú) này, nhưng đây là chuyện tôi đang mơ màng mà đi lạc bộ môn. Trở lại với bóng đá thì 1990 tôi không còn nhớ là tôi đang ở đâu nữa, hẳn là Hoa Kỳ. Hè năm đó, tôi có ở Việt Nam nhưng chắc là sau World Cup ở Italy nên không có kí ức gì liên hệ đến Maradonna mà chỉ nhớ có cái cầu thang uốn éo ở khách sạn Continental Hà Nội đang được sơn phết lại, ở ngoài đời vào lúc đó (lúc còn chưa sơn phết xong) đẹp không thua trên bức hình chụp bởi Raymond Depardon. 

Khách sạn mà tôi ngụ năm 1986 vào mùa World Cup là khách sạn President tại Macau. Tôi xem bóng đá trong phòng với người bạn Pháp, cũng lại kênh giờ vì Mundial năm đó ở tại Mexico. Tường thuật ở Macau thì bằng tiếng Quảng, cho nên tôi và anh bạn này không xem hình mà nhắm mắt lại đố nhau xem có nhận ra tên các cầu thủ Pháp theo phát âm của nhà báo địa phương. Platini thì dễ rồi và Bossis thì cũng vậy nhưng Rocheteau mà đụng đến bóng thì cả tôi lẫn anh đều thua vì đài ở đây gọi là “Lộc Chí Tàu”! Dạo đó, Macau còn mang mùi phố huyện, êm đềm cửa biển với những tàu đánh cá Trung Quốc lững thững trong chiều. Chúng tôi hụt xem màn chung kết, Pháp đã bị loại ở vòng bán kết cũng lại bởi Tây Đức tại Guadalajara. Ban ngày thì chúng tôi bận việc (6 giờ chiều hay 9 giờ tối ở Mexico là trưa ngày hôm sau ở Macau), một tối, đi bộ đến Cửa Bắc là biên giới với Trung Quốc thì đã ngoài giờ hành chính. Cái cổng đóng chặt như cổng Cấm Tử Thành trong phim Hoàng đế cuối cùngcủa Bertolucci mặc cho diễn viên John Lone hét khan cổ “Khai môn!”. Anh bạn tôi leo lên và nhảy hẳn sang rồi trèo về trở lại, phát biểu “Vậy là tao có đặt chân sang Trung Quốc”. Anh là Tây tóc vàng nên không sợ công an biên phòng nổ súng, còn tôi thì chỉ nhấp nhú mà chụp ảnh anh đang phạm tội nhập cảnh bất hợp pháp. Vậy là tôi vừa hụt trận chung kết Mexico lại hụt cả đặt chân sang Hoa Lục vào dịp này. 

Bán kết lần trước đó, 1982 tại Seville giữa Pháp và Tây Đức là một trận tôi nhớ đời. Kết quả 3:3 bất phân thắng bại, phải nhờ đến penalty (4:5) cũng đủ để mà hồi hộp nhưng đêm hôm đó, ở Lebanon các pháo thủ Israel không chịu xem bóng đá mà sao lãng nhiệm vụ quân nhân. Căn hộ tôi ở từng bốn, hai mặt đường nhưng trên đầu còn có một từng che chở, nghĩ đến cũng vững bụng đôi chút. Trong nhà lại có rất nhiều sách của cụ nhạc, năm hay mười ngàn quyển gì đó, tràn từ phòng giấy của cụ ra khắp các mặt tường phòng khách, phòng ăn. Ai đã từng cầm súng bắn thử vào một quyển niên giám điện thoại đều biết, sách vở là một thứ ngăn đạn hữu hiệu gần bằng bao cát, còn chuyện có giúp được phần kiến thức nào trong hoàn cảnh này là chuyện ngoài đề. Hành lang dẫn đến bếp trong nhà theo tôi là nơi chắc chắn nhất, hướng nào cũng có ba hay bốn mặt tường và một hay hai mặt tường sách, ôi cỡ 105 ly thì hề hấn gì, các loại bích kích đều không thấm thía. Trong nhà tôi chỉ có ba người, hai vợ chồng và một ông chú đã ngoài 70, đến nơi tá túc vì nhà của cụ ở phố khác đã bị pháo đánh sập. 

Cả ba trong hành lang ngồi bệt dưới đất, tất cả các cửa đóng (gỗ cũng chống miểng), dưới ánh một ngọn nến. Ông cụ thì lâm râm cầu nguyện, còn tôi thì tôi không tin trời, nên cho đỡ sợ tôi chỉ có thể nghe bóng đá (chứ không phải tôi tin vào bóng đá hơn là thượng đế). Nhà không có điện như đã nói, tôi vớ được một cái đài Grundig Yatch Boy còn pin và nghe tường thuật trực tiếp truyền thanh bằng tiếng Pháp qua Radio Monte Carlo, lưng cẩn thận dựa vào một cái cột bê tông. Chẳng hiểu lí do gì vào ngay đêm hôm đó, quân lực Israel đang lấp ló ngoài thành phố không pháo chơi hay pháo doạ như những ngày trước mà… pháo thật! Pháo liên hồi, từ hướng Nam là trường bay nơi họ đang thập thò, đến trung tâm giữa Đông và Tây Beirut, phía con lộ Quốc tế, phía lên núi, phía bờ biển, không ra một thể thống gì. Đạn to 155, 175, đạn nhỏ 105, tôi đoán là có cả hải pháo ầm ì, tên lửa bom bi thôi thúc lúc gần lúc xa, đã nói là không ra thể thống. Qua khỏi hiệp (bóng đá) đầu, vợ tôi quyết định (trong gia đình, vợ tôi là người quyết định) đi xuống hầm tập thể thì đã quá trễ. Hầm thì cách xa, lại chen chúc, đạn thì giờ thỉnh thoảng đã đi qua đầu ngõ, ra đường lại lãnh một quả hỏi tại sao xui. Tôi áp tai vào đài, tập trung vào sơ hở của thủ môn Schumacher, không sót một chi tiết đến nỗi bị vợ mắng “Lúc này anh làm gì mà ở đó nghe bóng đá!”. Tôi làm mặt anh hùng (chứ không thì mất cả thể diện dân tộc), nói ngắn gọn “2 đều rồi, căng thẳng lắm”. Tôi mà nói thêm vài chữ nữa là nàng sẽ thấy, căng thẳng thật đấy, giọng tôi run. 

Giresse giao banh cho Six, Amorros chạy lên và Tigana chạy xuống, cái sợ của tôi không hề thuyên giảm. Thế này là tiền pháo hậu xung rồi, đêm nay chẳng kiêng cử gì bán kết, Israel sẽ ba mặt giáp công vào thành phố trong khi Vệ binh Ki Tô chốt ngỏ Công trường Liệt sĩ và Viện Bảo tàng. Trên núi đổ xuống thì còn xa nhà, phi trường đánh lên thì còn lắm khúc mắc nhưng nếu họ đổ bộ bãi khách sạn St George thì chỉ cách vài con phố. Khu vực này lại trấn đóng lưa thưa, lần chót đi ngang tôi thấy có một anh đồ bông ngồi hút thuốc nhìn biển, bên cạnh một con chó ra dạng quân khuyển, chẳng lẽ con này cắn mà biệt kích Sayaret đã từng giải cứu Entebbe ở tận Uganda lại không dám đột nhập. Tôi lom khom bò vào phòng ngủ, lấy cây Tokarev lận vào lưng nhưng “hơi lạnh của thép súng” chẳng trấn an tôi được chút nào. Tôi giao khẩu Colt Python của thằng em bỏ lại cho vợ. Cây này rất bảnh, si kền bóng loáng như trong phim trinh thám, nhưng lục mãi trong nhà tôi không tìm đâu ra thêm đạn ngoài sáu viên nạp sẵn. Đến lượt ông chú lên tiếng mắng “Chết bao nhiêu người vậy chưa đủ, mày còn mang súng định bắn ai” (ông là người ngoan đạo, và vì vậy sau này cứ đọc cụm từ “Hồi giáo khát máu” là tôi nghĩ đến ông). Tôi trả lời “Mình phải chạy đến nơi, loạn mà ông, và biết đâu”. Ba đều sau hiệp đá thêm 15 phút, trận bán kết này giờ đến lúc định mệnh điểm. 

Kết quả là Tây Đức may, Pháp thì xui và đêm đó cũng như những đêm sau đó Israel không đẩy bộ binh vào Tây Beirut [3]. Tôi thì… chưa chết, và còn được theo dõi bằng ấy giải FIFA, tuy là những lần sau đều hẳn kém phập phồng. Mỗi bốn năm, tôi đều nhớ lại ông chú “Đạo Hồi là con đường hoà bình” này, khi đến nhà đã mang theo 10 cân thịt cừu và ba cân bánh mì, thịt mỗi ngày thêm thiu và bánh mỗi ngày thêm cứng nhưng cũng để ba người chúng tôi ăn đỡ được trong hai tuần lễ công thủ. Biết đâu, 2006, Đức lại đụng Pháp ở bán kết và phân tài cao thấp lại cũng bằng những quả penalty. Trời lần này có thể cho Pháp thắng, nếu trời công bình. Nhưng tôi không tin trời như đã nói, và công bình thì đêm thư hùng sắp đến, ở Gaza, ở Ramadi (thuộc tỉnh Anbar, Iraq), ở Congo hay là ở Sudan, ở Chad, đã không có quần chúng yêu bóng đá, tai phải bám chặt vào đài để nghe tường thuật giữa pháo và bom. 
[1]Để phân biệt trùng tên, nên sinh ra câu đùa “Nguyễn Văn X, cha Đụ mẹ Sướng”.
[2]“Nó và tôi”, http://www.vmdb.com/viewSong.jsp?id=1607, link tặng các bạn tôi yêu bóng đá của ngày ấy.
[3]Tôi biết ơn đại tá Eli Geva, chỉ huy Thiết đoàn 211 Israel. Ông là một sĩ quan xuất sắc của quân lực, trong chiến dịch này đã vinh quang mang quân đánh thọc từ biên giới, đuổi du kích Palestine hụt hơi. Nhưng khi đến Beirut, đại tá Geva đã công khai từ nhiệm tại chỗ, viện lẽ không thể nào gây tổn thất cho thường dân trong phố. Ông cho cấp trên biết là không chấp hành lệnh tấn công ở cương vị chỉ huy lữ đoàn và sẽ chỉ chấp hành lệnh này ở cương vị trưởng xa, nghĩa là giáng ông xuống cấp lái tăng thì ông đánh, chứ ông không chịu ra lệnh cho ai hết mà thất đức với tổ tiên. Đây cũng là chuyện hi hữu ngược đời, thường thì quân nhân thích được thăng cấp chứ mấy khi mà đại tá đòi xuống hàng trung sĩ để nhận lái chiến xa đi đầu, riêng tôi chẳng biết có ông nào ngoài ông này. Ơn ông, tôi coi là cá nhân, tôi đã thấy trinh sát của đơn vị ông loáng thoáng đằng trước mặt ở Khalde mà thóp cả ruột gan, và tôi mong sẽ có ngày gặp Eli Geva để cảm tạ, nói với ông dăm ba câu chuyện bóng đá?

Nguồn: talawas.org





ĐÁM MA ÔNG KẸ

Vào lúc 7giờ 45 tối, vừa xong bữa, ông Bush đứng dậy vươn vai. Tại Camp David, trại nghỉ của Tổng thống Hoa Kỳ, vào mùa này trời còn sáng. “Tôi vào đọc sách”, ông chào các khách hiện diện. Các cộng sự thân tín của ông đều có mặt, họp cấp cao cùng ông để bàn về vấn đề nhức nhối Iran. 

Nhưng đọc sách, gần đây đến hè rảnh rỗi thì ông Bush có đọc một quyển. Nhiệm kỳ một, có lẽ là tại bận, ông tuyên bố chỉ đọc có Kinh Thánh vì thực ra ông chỉ cần đàm đạo với Thượng đế. Báo chí thì theo ông, ông không bao giờ xem qua, đến độ có dạo không biết Newsweek là một tờ tuần báo thông tin ở Mỹ. Con người có lúc này lúc kia, sở thích hay thay đổi và tối ngày 13.06, biết đâu đọc là niềm đam mê mới của nguyên thủ siêu cường này nên chẳng ai lấy làm lạ. Ông Bush vào nhà trong, đi ra bên ngoài bằng cửa hậu, lẻn ra sân bay trực thăng. Chiếc tàu của Tổng thống Hoa Kỳ vẫn nằm nguyên một chỗ để đánh lạc mọi người, ông Bush dùng một tàu khác vô danh biến vào sương đêm đang rơi vào cuối một ngày sắp vào hè oi ả. 

Thủ tướng Iraq Nuri Al Maliki đến một dinh thự cũ của Saddam Hussein hiện đang được Hoa Kỳ sử dụng vào lúc 4giờ 30 chiều. Đi theo ông là tân nội các đầy đủ 17 người, đáng kể nhất là các Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ mà ông vừa phờ râu mới bổ nhiệm được sau bốn tháng thương thuyết với tam thập lục phái của Quốc hội. Đây là thành tích đầu của tân Thủ tướng, lập được nội các, còn trị quốc là chuyện thứ nhì, và để xem đã. Trong dinh vắng lặng, mấy trăm nhân viên Mỹ làm việc trưa nay được cho về sớm, phái đoàn của Maliki đến đây là để điện đàm trực tiếp bằng hình với các lãnh đạo Mỹ đang ở Camp David. Trước khi bước vào phòng, ông Maliki được cho biết, đố đang nấp đằng sau cửa là ai, Hello, dụi mắt mà nhìn cho kỹ, chính tôi đây, George W! 

Quà bất ngờ này, Thủ tướng Maliki hẳn là không chờ đợi nhưng cũng hẳn là ông không thích thú mấy. Tuy gặp khách thì cũng phải cười, cho dù là khách không ai mời, nhưng ông Maliki vừa mấy tuần vã mồ hôi mới chọn được hai bộ trưởng tàm tạm vừa được lòng tất cả mọi người. Cái vỗ vai của ông Bush ú oà có thể làm ông giật mình mất thăng bằng té như chơi trong lúc Maliki đang đi dây giữa các phe phái. Ông cũng hiểu, trên danh nghĩa thì đích thân Tổng thống Mỹ đột xuất sang tận nơi là để ủng hộ ông và mừng nội các mới nhưng sự thực thì không phải vậy. Ông Bush sang Iraq để đưa đám một kẻ ngang tầm, nổi tiếng hơn Maliki, và quan trọng lúc còn sống cũng khi lìa đời hơn cả nội các chính phủ, lãnh tụ (emir) của Al Qaeda ở Iraq, ông Abu Musad Al Zarqawi mới lìa đời vào hôm 07.06. 

Khiến Tổng thống Mỹ phải sang Iraq (chủ nhà còn không được thông báo, đừng nói đến 21 phát thần công chào) lén lút như vậy sau khi ông đã chết thì quả Zarqawi không hổ tiếng Đồ tể vùng Vịnh và Ngáo ộp sa mạc. Bộ trưởng Donald Rumsfeld (là người thành tích có thể chẳng kém ai về mặt này) phải gọi kẻ quá cố “có thể là kẻ đôi tay đẫm máu người vô tội nhất thế giới trong những năm gần đây”. Tầm quan trọng của ông kẹ không hai này lập tức được tờ New York Times nhìn nhận với tựa bài xã luận bàn về Iraq thời kỳ “hậu Zarqawi”, kiểu như đại đế Hammurabi, có thời kỳ tiền và thời kỳ hậu, Mesopotamia, ông ra đi để lại những gì. 

Không hiểu an ninh ở Iraq thế nào và tình hình “đang trên đà tốt đẹp” ra sao với 129.000 quân tại chỗ (đâu đó thêm 30.000 lính đánh thuê), xe tăng tàu bò máy bay lên thẳng, căn cứ ở các nước lân cận và Hạm đội thứ 5 ở ngoài khơi, mà máy bay ông Bush phải bất thần đáp xuống cái ào [1]. Chuyến đi chỉ có sáu người trong toà Nhà trắng được biết trước, bảo mật đến độ không rõ là lúc nào chính phu nhân Tổng thống mới hay. Bà phát biểu về cuộc mạo hiểm này: “Tôi rất là phấn chấn (thrilled) và hãnh diện về ông”. Hãnh diện là phải, lần này Bush dám đặt chân cả đến thủ đô Baghdad, lần trước đó (11.2003) ông chỉ ở trong phạm vi của phi trường mà ăn gà Tây. Tới luôn bác tài, chơi luôn tới bến (“Green Zone”)! Nhưng nếu ông Bush không rời khu vực hành chánh kiên cố này (ở Iraq, viết công văn cần phải có pháo đài), chắc là tại vì ông nghe nói xuống phố lạng quạng đi ngang, vượt qua hay đâm vào đoàn xe của quân đội Mỹ rất dễ ăn đạn, thấy chốt nút Hoa Kỳ mà trờ tới thì chết, quay đầu xe lại mà bỏ chạy cũng không xong. Tốt nhất là ở nhà, chẳng qua thì bị ném bom nhầm thôi, thỉnh thoảng mới có quân nhân vào tận đến trong mà giết sạch cả hộ. 

Vậy là Bush đi (mừng) đám tang Zarqawi, nhưng đặt một côn đồ Jordan hàng ba ngang tầm với một doanh gia Texas phá sản cũng là quá đáng, tuy nhảy sang lãnh vực chính trị thì cả hai đều hết sức thành công. Zarqawi bắt đầu sự nghiệp này bằng cách sang Afghanistan đuổi Liên Sô vô thần, nhưng ông sang trễ nên vô thần đã về hết. Sau khi huấn luyện, Zarqawi về nước hoạt động và ngồi tù. Năm 2002, để tiếp tục gây rối ông có căn cứ ở miền Bắc Iraq, tức là thuộc khu vực Kurd, ngoài kiểm soát của Saddam Hussein và được Hoa Kỳ bảo vệ. Danh khủng bố của ông là một cái danh địa phương, theo công an Jordan là ba chuyện ám sát lẻ. Nhưng tháng 3.2003, ông lên hàng quốc tế khi ngoại trưởng Colin Powell chưng ông ra trước Liên Hiệp Quốc là bằng chứng chế độ Hussein che chở và đồng loã với Al Qaeda. Điều này (cũng như võ khí WMD) là điều đặt ra và ông Powell về sau đã tiếc là phát biểu láo lếu [2], phải nhắc đến thì (ngày nay) ông chửi thề. Nhưng hối thì đã muộn và ông đã lăng xê Zarqawi lên quỹ đạo của danh vọng toàn cầu, nghe đến tên này thì trẻ con nín khóc và người lớn thì kiểm soát lại xem gáy mất hay còn. 

Tới nỗi, Osama Bin Laden còn phải nể và có phần ganh tị, nhưng nắm lấy ngay cơ hội mà phong vương cho Zarqawi là mãnh tướng biên thùy. Trước lạ sau quen, ăn chia khủng bố quốc tế kiểu này, Zarqawi được 7 thì Bin Laden cho thuê nhãn (chính hiệu Al Qaeda) chẳng làm gì mà cũng được 3, tổn phí về quảng cáo rầm rộ lại hoàn toàn do phần Hoa Kỳ hồ hởi mà ủng hộ. Bộ ba này khấm khá, bom Madrid, London không đầu tư mà cũng có hoa hồng; Fallujah, Anbar bỏ vốn ít mà lời rủng rỉnh. Zarqawi nhờ Chiến tranh Tâm lí Mỹ mà trở thành huyền thoại, chết đi (3.2004) sống lại, cưa chân rồi lại mọc ra (khiến có biệt danh là “hiện thân của tội ác và có ba chân”), bị bắt hụt và suýt chết không biết bao nhiêu bận. Riêng phần các phụ tá cao cấp nhất (top lieutenant) của ông bị Hoa Kỳ loại trừ lên đến 376 vị, số tay chân bộ hạ là 5.997, đến nỗi sau khi ông chết mà nghe nói có người thay thế cũng lạ, tưởng là họ đã bị bắt giết trước chủ soái chẳng còn ai. 

Chuyện Zarqawi có tự tay cắt đầu con tin Nicholas Berg hay không thì sao mà biết được [3]. Riêng cái chết của Zarqawi ở Hibhib, một tuần sau, chính quyền Mỹ vẫn chưa tỏ mọi điều. Đầu tiên là có bốn người đàn ông thiệt mạng, một phụ nữ và một trẻ em. Sau đó, xin lỗi, cho nói lại, ba đàn ông và ba phụ nữ, không có trẻ em. Không, xin lỗi, cho đếm lại, bảy người, bốn nam, một nữ và hai trẻ em, hay là, hai nữ, một trẻ em? Zarqawi còn sống khi quân Mỹ đến, chỉ kịp thều thào, cựa quậy rồi chết ngay. Cho nói lại, chết 15 phút sau mặc dù lính Mỹ tìm cách cứu. Giờ thì lại là một tiếng sau, và có thổ ra chính xác nửa lít (một pint) máu (chi tiết phun ra máu này có thêm từ khi nhân chứng các nhà bên và cảnh sát Iraq tại hiện trường kể lại thấy lính Mỹ đá Zarqawi trào máu miệng, vừa đạp lên bụng vừa hỏi “Mày tên gì, nói mau đi!”). Nên nhắc lại, chiến dịch giết Zarqawi này được mô tả là theo dõi lâu dài và tận gốc, lực lượng đặc nhiệm kiểm soát khu vực, và nhận rõ mục tiêu trước khi gọi hai phi tuần phản lực đến ném bom và quay phim cẩn thận [4], sau đó và đến nay vẫn làm chủ hiện trường. Đếm tới sáu hay là bảy còn chưa biết, thì làm sao biết được ai là người cầm dao cắt đầu anh Nick Berg. 

Chính quyền của ông Bush cần nhiều kẻ thù tồi tệ hơn là cần những người bạn tốt đẹp. Zarqawi được phất lên để vấy máu khủng bố vào một nhà độc tài đã bắt đầu hổn hển, giờ đã tận dụng được số tiền treo thủ cấp là 25 triệu USD thì phải chết thôi, mang về cho Hoa Kỳ một chiến thắng le lói coi như là ích lợi cuối đời. Cọp chết để da, Zarqawi chết mang cho dư luận Mỹ được một tin vui hiếm hoi chứ cứ phải nghe những tin thảm sát thường dân vô tội mãi cũng khó chịu trong người [5]. Chuyến đi li kỳ của Tổng thống Bush thì mang lại cho ông bảy điểm trong thăm dò phần quần chúng ủng hộ. Thời đầu Zarqawi, số người Mỹ này là đâu đó 70%, cuối Zarqawi xuống còn có là 32% và hậu Zarqawi mới đây là 39%, trong lúc túng bẫn này 7 % đâu phải chuyện nhỏ. 
[1]Ít ra thì ông Tổng cũng oai vệ hơn ông Phó, còn dám lộ liễu bay sang Iraq bằng “Air Force One” của toà Nhà trắng trong khi ông Cheney cẩn thận hơn dùng một tàu quân sự vô danh. 
[2]Nhưng không thiếu người còn tin cho đến giờ này. Cuộc thăm dò Zogby vào tháng 1-2.2006 phỏng vấn 944 quân nhân Mỹ tại Iraq cho thấy 85 % vẫn cho rằng xâm lăng Iraq là để trả đũa Saddam Hussein đã nhúng tay vào vụ 11.9.http://www.informationclearinghouse.info/article12103.htm
[3]Chuyện còn nhiều nghi vấn, Nicholas Berg trước khi bị khủng bố bắt cóc đã bị An ninh Iraq tình nghi và bắt giữ hai tuần, sau trao lại cho An ninh Hoa Kỳ thẩm vấn. Anh được họ thả ra thì biến mất, về sau phát hiện là rơi vào tay nhóm Zarqawi! Thân phụ của nạn nhân, Michael Berg, hiện đang ra tranh cử đại biểu Quốc hội trên lập trường chống chiến tranh của Đảng Xanh, cho biết chính quyền Mỹ đã nói dối ông quá nhiều rồi nên giờ họ có nói gì ông cũng không tin nữa. 
http://www.chris-floyd.com/index.php?option=com_content&task=view&id=701&Itemid=1
[4]Nhóm Zarqawi cô lập trong một căn nhà vắng giữa một vườn chà là (sáu hay bảy người, có trẻ em hay là không có trong số), tại một khu vực kiểm soát bởi công an Iraq. Vậy mà đại đội biệt kích Hoa Kỳ vây kín chung quanh, đông gấp mấy chục lần và hoả lực gấp bội lại phải gọi F16 đến ném bom thì Rambo đâu rồi? 
Không có ai hai hông hai súng và miệng ngậm dao găm đu dây vào gạt một (hay là hai, hay là ba) phụ nữ và một (hay là hai trẻ em) ra và bắt sống hung thần sa mạc? Có phải tại vì trước đây, hai công tử vô tích sự con trai Saddam Husein với một cận vệ và một đứa cháu 14 tuổi đã cầm cự ba tiếng đồng hồ với 200 biệt kích của Task Force 20 có trực thăng yểm trợ!
[5]Theo tờ trình chi tiêu của Quân đội đưa cho Quốc hội thì năm ngoái quỹ bồi thường nhân mạng ở Iraq tốn 19 triệu USD. Dĩ nhiên, được bồi thường phải là vô tội và vạ bom vạ đạn, theo tiêu chuẩn 2.500 USD một mạng người không may. Như vậy, con số nạn nhân là 7.600 người, trừ phi thất thoát đâu đó theo kiểu thường thấy ở Iraq. 
Theo tiêu chuẩn này, giá của một người Iraq là 35,71 USD một kí lô, đắt hơn tôm hùm ở Mỹ một tí (14,99 USD/lb tức là 32,98 USD/kg). Phụ nữ da mềm và nhẹ cân hơn, tính kí vẫn đắt hơn cua lột, và một kí trẻ em vẫn còn đắt hơn là một kí thịt bò Kobé. Lybia, trong vụ đánh bom chuyến bay Mỹ Pan Am 103 bồi thường mỗi nạn nhân 10 triệu USD, trong vụ đánh bom chuyến bay Pháp UTA 772 mỗi nạn nhân 200.000 USD (thương thuyết lại, lên đến mỗi đầu người một triệu?). Nhưng Hoa Kỳ, có lẽ vì giết nhiều nên được hưởng giá sỉ.

 Nguồn: talawas.org

No comments:

Post a Comment