ĐÔ KH. - MỘT CÁNH ĐỒNG DƯƠNG / PHỐ ORANGE THẦM LẶNG / GIẬT MÌNH KHI Ở XÓ CẦU? / DÂN CHỦ VÀ PHÁP QUYỀN / BỨC ẢNH NANCY / MÔ HÌNH CHO VIỆT NAM? / NĂNG PHIỆT, KỸ PHIỆT VÀ HỌC PHIỆT - phiếm



MỘT CÁNH ĐỒNG DƯƠNG

Lúc đó trời mờ sáng và tôi đang ngủ, những cái đầu gật gù ở những băng trên theo nhịp lắc của xe choán hết tầm nhìn. Cái lúc lắc chót là cái làm tôi mở mắt, nhìn ngang ra ngoài thì người đàn bà bế đứa con trần truồng đang há hốc miệng bên cửa kính. Cô này lúc lên xe ở ngoài thị trấn Nha Trang thì lọt vào chỗ ngồi giữa nhưng cô vươn ngay mình qua người tôi bên cửa sổ. Xe rất chật, chiếm được chỗ này và thõng được một tay ra ngoài, tôi đã nhất định tử thủ ở vị trí cho đến khi xuống ở Đà Nẵng. Chẳng phải vì lịch sự với phụ nữ nhưng khi nhìn đứa bé 6 tháng chỉ bọc hờ bằng một cái khăn bông là tôi đã sợ, khi người mẹ giải thích “Đây là lần đầu em đi xe đường dài, chưa gì em đã muốn ói” là tôi vội vàng nhường ngay. Giờ thì bốn bên tôi đều không thấy hết quang cảnh, tứ chi thì không biết xếp vào đâu. Xe qua cầu chầm chậm, không một bóng bên đường còn đẫm đặc những làn sương. Trên khắp miền đất nước, tôi không nhớ một cảnh nào đẹp hơn là lúc ấy và chỗ ấy, sông Trà Khúc đâm ra biển ở thị xã Quảng Ngãi. 

Nếu tỉnh hơn một chút và cựa quậy người được, có lẽ tôi đã kêu anh tài ngừng lại cho tôi xuống. Nhưng đánh thức bằng nấy người đang ngủ tôi không nỡ, chứ không phải vì tiếc dịp quan sát gần cái miệng đang mở của cô gái một con ngồi cạnh cho đến mòn con mắt. Phần nữa, phố chưa có hàng nào mở cửa, xách túi xuống ngồi ở vệ đường đợi đến lúc có quà sáng là một viễn tượng chẳng gì hào hứng. Cảnh thì có đẹp thật, nhưng ý tưởng vừa chợt nở trong óc không là để chụp hình. Đây là Quảng Ngãi, quê hương của phụ nữ hiếm lông theo lời đồn đại và có một cánh đồng dương bên bờ biển, nơi vào đầu tháng 9.1945 nhà cách mạng Tạ Thu Thâu [1] bị sát hại như là một tên Việt gian. 

Do ai giết? “Thì thằng Giàu chứ còn ai!” người đàn ông quát. Tuy đã lớn tuổi và đẫy đà bệ vệ, từ chân mày đến giọng nói bác sĩ Hồ Tá Khanh, khi trong thập niên 80 tôi có dịp tiếp xúc với ông nhiều lần, vẫn còn cái quắc thước của một người trung trực. “Đến tôi mà nó cũng còn định giết! Đó là cái thằng… bất nhân bất nghĩa! Lúc nó sang Pháp, chính anh Thâu lo cho nó từng bữa ăn đến quyển sách!” Ông nghẹn cả giọng “Nó... nó... Có lần tôi lên Paris, anh Thâu đưa tôi mấy cuốn sách, nhắn là mang về Marseille cho Giàu nó đi học. Mà thằng đó thì học hành cái gì! Sau này nó sang Moscou vài tháng cho tụi Komintern huấn luyện, nó trở về học được cái giết người!” Thiếu điều ông ta văng tục. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe bác sĩ Khanh chửi thề, ngay khi nhắc đến Trần Văn Giàu, học giả về sau này và nhân vật chủ chốt của Nam kỳ khởi nghĩa. Bác sĩ Khanh là người có học theo nghĩa cổ điển, và tư cách nhà nho tuy ông khoa bảng trường Tây (viết câu này có thể chạnh lòng ông nếu ông còn sống, tôi thường nghe ông nhắc “Cha tôi hay bảo, chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!”) [2] Ông thân thiết với Tạ Thu Thâu trong thời gian du học và vẫn quen gọi mỗi khi nói đến là “anh Thâu”. Chữ “anh” này đầy kính nể và thương mến, có khác với một chữ “anh” khác ông dùng theo thói quen đầu đời, lúc niên thiếu ở Phan Thiết, khi thày giáo Thành đến nhà ông ngụ và dậy học tại trường Liên Thành do thân phụ của ông (Hồ Tá Bang) lập ra. “Anh Thành” thày giáo này họ là Nguyễn Tất và chưa mang tên Ái Quốc. 

“Chính nó xui tôi nhận lời vào chánh phủ Trần Trọng Kim để cho mình có tay trong tay ngoài. Tôi ngu dại mà nghe lời nó! Một hôm Mỹ ném bom Sài Gòn... Tôi xuống hầm trú thì gặp Huỳnh Phú Sổ. [3]Tôi hỏi ý dò la về chuyện này thì Huỳnh Phú Sổ cũng bảo “Anh nhận đi, chắc như bắp!”. Ông trợn tròn hai mắt “Tại vậy thì tôi mới nhận, chứ tôi biết gì về kinh tế! Tôi phải mang theo Trần Văn Văn [4]để giúp tôi làm Đổng lý Văn phòng! Ở tại Huế, mỗi lần họp xong nội các, tôi đều tường trình bí mật lại cho chúng nó, vậy mà...” ông lại nghẹn cơn giận của 40 năm về trước chưa nguôi “Vậy mà thằng Giàu còn ra lệnh giết tôi!” 

Trên đường ra kinh nhậm chức Bộ trưởng trong “cơn gió bụi” này, bác sĩ Khanh đi cùng một xe với luật sư Trịnh Đình Thảo, [5] Bộ trưởng Tư pháp. Đến Đà Nẵng, ông theo luật sư Thảo đến nhà lao chứng kiến cảnh ân xá các tội phạm chính trị. “Thảo nói ‘Chính phủ độc lập thả các anh ra, nhưng mà các anh không phải là cộng sản à nhe! Không phải là cộng sản thì mới được!’ Tôi đứng đó bực mình quá, tuy không phải là chuyện của tôi, tôi mới cướp lời can thiệp ‘Ông Bộ trưởng nói vậy là không được! Tù chính trị quốc gia hay là cộng sản gì chính phủ cũng phải thả hết!’ Trước mặt mọi người, trước mặt tù, Thảo nó đành nghe tôi!” Sau khi Việt Minh cầm chính quyền, lúc về Nam qua Đà Nẵng, Hồ Tá Khanh bị họ bắt. Được vài hôm, một lãnh đạo công an hay huyện uỷ đến nói riêng “Tôi có mặt trong đám tù nhân được thả ngày hôm đó. Giờ, lệnh của Xứ uỷ là giết anh, nhưng anh đi đi, tại là anh chứ Trịnh Đình Thảo mà ở đây, không có lệnh thì tôi cũng giết!” 

Bác sĩ Khanh về nhà, được mấy bữa thì nhà văn Đỗ Bá Thế [6] đến ôm ông khóc, bảo “Nó giết anh Thâu rồi! Em đi với anh Thâu đến Huế, ảnh bảo em đi riêng nghe ngóng và đánh lạc hướng đề phòng. Ảnh đi một mình đến Quảng Ngãi bị bắt, em xuống dò la thì biết là nó mới giết đây! Em đi theo anh Thâu thì em cũng đã chết rồi!” Chuyện giết này, Đỗ Bá Thế không chứng kiến và tất nhiên là không có chữ k‎ý, văn kiện. Điều ai cũng biết chỉ là Trần Văn Giàu một tay vỗ vào bao súng ngắn, tay kia cầm danh sách mà ông rêu rao là 200 người. Tại Miền Nam, các nhân vật từ Quốc gia như Hồ Văn Ngà, tôn giáo như Huỳnh Phú Sổ đến Trốt-kít như Phan Văn Hùm, Huỳnh Văn Phương… đều ở trong thời gian này bị thiệt mạng. Lữ Sanh Hạnh, thuộc Liên minh Cộng sản [7] và 30 người Đệ tứ khác bị Dương Bạch Mai bắt giam tại Khám lớn (14.9.1945), thoát khỏi xử trảm vào dịp quân Anh-Ấn đến Sài Gòn (22.9). 

Cũng vào dịp này, Công binh Đệ tứ (xưởng Ba Son và Đề pô xe điện Gò vấp), khoảng 400 người, đã viết những trang chiến sử đầu của Việt nam độc lập. [8] Tại trận Thị Nghè, Gia Định, Cầu Bông chống lại lính Anh, 210 người trên 214 tử trận. Trần Đình Minh (tức nhà thơ Nguyễn Hải Âu, từ Bắc vào) dẫn vài trăm còn lại theo Đệ tam Sư đoàn của Nguyễn Hoà Hiệp, và tử trận khi đánh Pháp vào tháng giêng năm 1946. Tại Suối Xuân Trường, Thủ Đức, 68 người cuối chấp nhận để cho Việt Minh giải giới vì không muốn đổ máu giữa kháng chiến với nhau. 64 người bị dẫn đi Phan Thiết, đến sông Lòng thủ tiêu tập thể. [9] Lực lượng tiên phong của Nam kỳ khởi nghĩa bị hoàn toàn xoá tên, ngay cả trong ký ức của lịch sử cuộc nổi dậy. [10] 

Mùa hè trước khi lên cấp 2, bố tôi mỗi ngày gởi tôi đi học nhạc. Ông là một nghệ sĩ... hụt nên có mộng cho con vào trường Quốc gia Âm nhạc, nhưng vì tôi không có khiếu nên mộng này phải vỡ sau 3 tháng kiên trì Do Re Mi. Lớp dậy tư luyện thi ở đường Tạ Thu Thâu, Sài Gòn, và tôi trở thành gắn bó với cái tên, có lẽ bởi vì cô bé cùng tuổi trong lớp được giao trọng trách đàn dương cầm cho tôi ngồi đoán và chép lại nốt nhạc. Tan lớp, tôi và cô này ra đi bộ dưới những tàn me, chia nhau mứt me đồng tiền [11] và trao đổi sách truyện. Tạ Thu Thâu tôi không rõ là ai hết, nhưng từ dạo ấy, mỗi lần nghe tên vẫn âm vang những hình ảnh êm đềm. Đường này tên đặt vào dưới thời Ngô Đình Diệm[12] (“Thằng Diệm…”, bác sĩ Hồ Tá Khanh lại nổi giận, “…Nó cũng muốn giết tôi nên tôi phải qua Pháp!”), như đường Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm và người thành phố vẫn còn quen gọi, bót Huỳnh Văn Phương. Và nếu đã xuống xe lần đó ở Quảng Ngãi, đến được cánh đồng dương ở bờ biển Mỹ Khê chắc tôi cũng chẳng nghe thấy gió hay là sóng, tiếng kêu hay là tiếng súng, mà nghe từng tiếng chậm nắn nót dương cầm. 

Vài năm sau chuyến xe đò Quảng Ngãi, tôi có dừng lại ở Đồ Sơn. Tôi ngụ tại biệt thự Hoa Lan của Công đoàn, ngay tại phòng mà ban quản lý gọi là “phòng Lê Duẩn”. Phòng Lê Duẩn (hay Đỗ Mười?) này có môt cái tủ lạnh Saratov, một bộ ghế Trung Quốc có bày cả ống nhổ và phòng tắm thì bồn nằm hoen ố dưới một cái rôbinê sét rỉ, chắc phải gọi là phòng tắm (toàn quyền) Decoux. Nhưng phòng Lê Duẩn có một cái ban công rất rộng, một phần che bởi tàn cây cổ thụ. Đêm mới xuống, tôi ra đó đứng, Tôi đang mơ mộng ở cái khoảng thời gian nhập nhàng giữa chiều và tối này, phóng mắt ra hướng biển nhưng không nhìn thấy bãi. Mới vừa sinh tình định làm… thơ thì đèn bật, trước mặt tôi sáng chói nhiều màu và chớp nháy đăng hoa. Cách khoảng chừng 100 mét, là cái Casino vừa mới cất và dành riêng cho khách nước ngoài. Thì cũng bờ biển, cảnh thì không đẹp bằng sông Trà Khúc và theo tôi biết, chẳng có ai từng bị mang ra hành quyết. Nhưng những nốt dương cầm để tập viết chầm chậm bỗng nhiên tôi lại nghe thấy, giữa tiếng nhạc tăng âm vừa mới phát từ sòng bài đến của một bài hát Đài Loan. 

[1]Tạ Thu Thâu (1906-1945) sang Pháp học năm 1927 và tham gia Đảng Độc lập Việt Nam (PAI) của Nguyễn Thế Truyền. Năm 29 ông gặp Alfred Rosmer thuộc Tả Đối lập và trở thành Trốt-kít với Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh. Sau khi tổ chức cuộc biểu tình phản đối việc xử bắn tại Yên Bái (1930) trước điện Élysées (dinh Tổng thống Pháp) ông bị trục xuất về nước. Hoạt động trong nước (nhóm Tranh đấu) thời gian sau, Tạ Thu Thâu 5 lần lãnh án, tổng cộng 13 năm tù và 10 năm biệt xứ. Cuối năm 44, được thả từ Côn Đảo với ½ thân bại xuội, ông ra Bắc liên hệ với các đồng chí của đảng Thợ thuyền xã hội. Trên đường về, ông dừng lại Quảng Ngãi, có thể vì lời hứa chăm sóc một người con của Nguyễn An Ninh tại đây, nên bị bắt và thủ tiêu. 
Ai đã ám sát Tạ Thu Thâu và những người Đệ tứ Việt nam?, Hoàng Khoa Khôi, Hồ Sơ Đệ Tứ, 1993 (Tủ sách Nghiên Cứu, B.P. 246, 75224 Paris Cedex 11, France) 
www.marxists.org/history/ etol/revhist/backiss/vol3/no2/thau.html 
Nhân chứng duy nhất thuật lại sự việc được chứng kiến là Nguyễn Văn Thiệt, trên tuần báo Hồn Việt số 7 và số 8 (30.7 và 7.8 năm 1949) có đăng lại trong Người Việt tại Pháp của Đặng văn Long, Tủ Sách Nghiên Cứu, 1997. 
www.danchu.net/ArticlesChinhLuan/ CollectionVN/TanDuc001.htm
[2]“(Tạ Thu Thâu): ‘Hồ Tá Khanh là kẻ sĩ đời nay, một nhà nho trong tâm hồn, đội lớp tân học Âu Mỹ trong kiến thức. Theo tôi thì anh không thể ngồi cắm đầu thi hành đúng theo chương trình của phát xít Nhựt đưa ra để duy trì nền kinh tế chiến tranh đang tiếp diễn tại Thái Bình Dương” Bà Phương Lan, Nhà cách mạng Tạ Thu Thâu, Khai Trí, Sàigòn, 1974.
[3]Giáo chủ Phật giáo Hoà Hảo.
[4]Chính khách miền Nam, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Thương Mại Pháp (HEC).
[5]Sau này lại là nhân vật trong Mặt Trận Giải Phóng miền Nam!
[6]“Thím Bảy Giỏi”.
[7]Vì phong trào Trốt-kít chi sơ, tánh bản ưa cãi nhau (còn gọi là đa nguyên), nên tại Việt Nam ngoài nhóm Tranh đấu còn có nhóm Tháng Mười, Tia Sáng, Chiến Đấu… Đảng Thợ thuyền xã hội là nỗ lực kết hợp các lực lượng Trốt-kít.
[8]http://www.revolutionary-history.co.uk/backiss/Vol3/No2/Hanh.html
[9]Xem Phan Văn Hùm, Trần Ngươn Phiêu (Hải Mã, P.O. Box 19543. Amarillo, TX 79114-9543, USA)
[10]Nhìn lại chặng đường đấu tranh của Đảng chống bọn trốt-kít phản động, Thế Tập, Tạp chí Cộng sản, số 2-1983.
[11]Dầy khoảng 3-4 mm và ướt, đường kính 25mm, ăn chấm với muối ớt.
[12]Ông Diệm giỏi đặt tên đường, cho anh ruột của ông (Ngô Đình Khôi, tức Cách mạng 1.11 trong thời gian 1963-1975 và hiện là Nguyễn Văn Trỗi) nhưng tài nhất là đặt cả tên đường cho người ông ám sát (?) là tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế.
Nguồn: talawas.org







PHỐ ORANGE THẦM LẶNG

15 phút trước giờ bắt đầu, hai đứa con tôi còn mỗi đứa ngồi ôm một máy, đứa Halo 2 Xbox Live miệng nói lải nhải và đứa kia Star War Galaxies online tay chat bàn phím liên hồi. Tôi không hề áp đặt và chúng cũng đồng ý về tầm quan trọng của sự có mặt ở buổi phát biểu thầm lặng cách nhà tôi 9.6 dặm (theo Mapquest) nhưng giục lên giục xuống, đúng 7 giờ thiếu 5 ra cửa thì phát hiện là phải đi mua nến. 

Cali, nước uống và đèn cầy là hai thứ nhà nào cũng phải có, để phòng khi động đất, mất nước và mất điện một vài ngày. Vì thích hiện đại (như thường thấy ở người Việt hay những người đến từ những nước kém phát triển) nên trong nhà tôi tân kỳ lại chỉ có đèn pin! Nến lại là thứ không thể thiếu vào dịp này nên lại phải ghé qua cái chợ ở đầu đường. Tối ngày 18.08, theo lời kêu gọi của cả chục hội đoàn, sẽ có 1700 tụ điểm trên toàn nước Mỹ nơi công cộng, họp nhau đốt nến để ủng hộ hành động của bà Cindy Sheehan. 

Bà Sheehan là một phụ nữ khó ai có thể bình thường hơn. Bà da trắng, trung lưu, theo đạo và ngụ tại một tỉnh nhỏ, ngoại hình cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài chiều cao 1m82. Sự tầm thường của bà có thể gọi là mẫu mực và cũng như 1800 bà mẹ Hoa Kỳ khác, bà có con là quân nhân tử trận tại Iraq. Đây thì lại là điều cần giấu bặt, chí ít là theo quan niệm của chính quyền. Cuộc chiến này là cuộc chiến đầu tiên chỉ tưởng niệm liệt sĩ trong phòng kín, lính hy sinh phải giếm cả quan tài, đọc tên họ những người đã mất trên truyền hình là nối giáo cho giặc [1]. Nhưng bà Sheehan là một bà mẹ trung bình trên mọi phương diện, bà không đau những niềm đau lặng lẽ, vào dịp Tổng thống Bush đang nghỉ hè [2] bà đến trước cổng Tổng Tư lịnh quân lực tìm gặp mà hỏi cho ra lẽ [3]. 

Đêm ở miền Nam Cali khi rơi chỉ vùng vẫy có tí xíu. Khi tôi đến nơi vào 7 giờ 15 trời đã xẩm tối. Điểm hẹn ở Phố Cổ (Old Towne) thị trấn Orange, là một nơi trung tâm khoảng một trăm năm trở lại (miền Tây nước Mỹ, phố 30 tuổi đã toan về già) Giữa ngã tư của hai trục lưu thông chính là một bùng binh lớn có cây xanh và chu vi khoảng 300 hay 500 thước, một hòn đảo rộng bao quanh bởi những hàng quán và cửa hiệu, thưa thớt vào một ngày giữa tuần. Phố đã lên đèn, kiểu đèn vàng thơ mộng chừa những khoảng tối mềm. Đứng tựa lưng vào bùng binh thành một vòng tròn kín, khoảng ba bốn trăm người hiện diện lốm đốm màn đêm (lốm đốm mềm) bằng ấy những ánh nến. Tôi không nghe thấy hò hét như thông lệ vào những dịp biểu tình, ngay cả những biểu ngữ thủ công cũng chỉ thầm thì khi ánh đèn xe qua lại quẹt vào. Một đám người, có thể gọi là đông, và có thể gọi là thầm lặng. 

Gia đình tôi thuộc thành phần phản chiến, mỗi người một kiểu. Con út tôi, R., 12 tuổi, mang máu anh hùng của quê cha, là đất nước ngõ nào cũng lắm. Nó dõng dạc, nếu phải phục vụ cho một chiến tranh phi nghĩa, nó sẽ chống đến cùng và chọn đường tự sát! Tôi khuyên, mày nên chọn đường sang Mexico, biên giới cách có một trăm cây số ngoài, rồi sang Thuỵ Điển mà sống, có nhiều con gái tóc vàng như mày thích. Thằng anh, S., gần 14, ít huênh hoang hơn nhưng có lẽ lo lắng thực sự. Lên 18, nó sẽ phải đăng ký trong trường hợp có lệnh tổng động viên. 16 tuổi có bằng lái xe con, 21 tuổi được uống rượu và đánh bạc, nhưng 18 biết đâu sẽ phải đi quân dịch [4]. Ở tại đây, quê chúng nó là một nơi ít người đăng lính tình nguyện và nhiều cảnh sát lưu thông, đại đa số dân cư là Cộng hoà bảo thủ, ngày chủ nhật ngoan những giáo đường rả rích. Bạn các con tôi, kể chuyện cười là về ông Kerry flip flop, ở trường cấp 2, R. chỉ biết có một đứa chống chiến tranh ra tiếng, lại là người Ethiopia Ki-tô truyền thống, thuộc dạng da đen hiếm hoi. Mấy đứa Hồi giáo hay Ả rập thì câm như hến, vặn răng cũng không có ý kiến, một gia đình Saudi sau ngày 11.09 giữa năm học đột ngột bỏ Hoa Kỳ. Một đứa khác, gốc Iran thì bố mẹ đã cẩn thận đổi tên khi nhập tịch, kiểu một ông tướng miền Nam trước đây, Nguyễn Văn Chức tức là Chuc V. Nguyen hay Chuc Van Nguyen, đã cải danh thành một Chuck Van Nugent. 

Vì không có kinh nghiệm đốt nến ngoài trời nên cha con tôi loay hoay mãi mà cứ vẫn không bắt không giữ được ngọn lửa. R. quên hẳn đi việc phản đối chiến tranh, chỉ còn đặt tâm vào việc nghịch lửa và mồi bấc. Người chung quanh phần lớn là đứng tuổi, có vài ba đứa bé chập chững hay là ẵm ngửa và lác đác thanh niên. Nhưng già dặn thì cũng có hiểu biết, họ đã thủ sẵn vô chai mủ, ly nhựa hay là ly giấy để làm một thứ đèn lồng bảo vệ được ngọn lửa vào giờ gió chập chờn. Ai nấy quay mặt ra phía đường, đứng liền nhau nhưng chỉ được một lớp, nói chuyện từng tốp hai ba người nhỏ nhẹ như trong nhà thờ. Một bà thuộc nhóm tổ chức Code Pink đi rảo phía sau lưng vịn vai tôi nói khẽ “Cám ơn anh mang cả trẻ con theo”. Cuộc tụ họp này không hung hăng phản đế, như là muốn biểu dương ý kiến của những người Mỹ bình thường. 

Những người Mỹ này, theo những thăm dò gần đây, đã đa số (61%) chuyển sang bất đồng với chiến tranh của chính quyền Bush. Có lẽ họ chưa quyết liệt phản đối như bà Sheehan bởi vì họ không có con hay là người thân thích phải bỏ xác ở Sadr City để trường phái Tân Bảo thủ ngọt ngào (Sweet Neocon, dixit the Rolling Stones) tiếp tục thử nghiệm ý thức hệ và Halliburton tiếp tục vụ lợi [5]. Nhưng người Mỹ bình thường đã bắt đầu ngao ngán, biết đâu rồi họ sẽ nổi giận, cái giận của những người hiền lành cả tin khi phát hiện là mình đã bị lừa. Trong dòng lưu thông qua lại chung quanh bùng binh, điều làm tôi ngạc nhiên là số xe bấm còi ủng hộ, chiếc này sau chiếc khác. Một người đàn ông trung niên chạy xe máy Harley Davidson phân khối lớn, áo da và râu dài, đảo qua đảo lại những mấy vòng giơ hai ngón tay làm dấu chữ V. Việc này làm tôi trẻ đi hơn 30 tuổi (và ông cũng hẳn vậy), áo the vải Ấn Độ và tóc dài, Peace & Love trên những con đường Hippy rong ruổi, từ Istanbul đến Amsterdam. Một số xe làm ngơ không thèm ngó đến, hoạ hoằn một thanh niên độc nhất lái cái Dodge Charger, có giàn nhún nâng cao, hậm hực chìa ra phía chúng tôi lần này có mỗi một ngón tay giữa. 

Phía tây của bùng binh, góc Glasell, bên kia đường có độ mươi người đến để chống biểu tình, phất một lá cờ Mỹ khổng lồ và tuy là ít ỏi nhưng chuộc lại bằng chuyên, có cả băng-rôn “Ủng hộ quân ta”. Phía bên này chỉ có biểu ngữ viết tay hay in ra trên khổ giấy A3, A4 đáp lại là “Ủng hộ quân ta! Mang họ về nhà!” Hai phe cách nhau một con lộ vài ba chục thước và giữ nguyên vị trí, không có vẻ gì là sắp sửa đánh nhau. Một chiếc xe cảnh sát duy nhất đậu gần cho có mặt, ông cảnh sát ngồi thoải mái đọc tin thể thao và canh bằng góc mắt. S. dò kỹ phía bên kia tuyến, mong tìm ra được một đứa bạn đối diện nhưng không thấy. Những người ủng hộ chiến tranh chẳng những không gửi con sang Iraq mà cũng không gửi chúng đi biểu tình vào giờ ăn tối. 

S. chắc mang máu nhà văn Việt Nam nên chỉ cái việc đốt nến và giữ cho khỏi tắt mà cũng trầm trọng ra mặt. Nó nghiêm trang và nỗ lực chu toàn sứ mạng nửa tiếng đồng hồ này (Chương trình CandleVigils này từ 7 giờ đến 7 giờ 30), mặc những thử thách không ngừng của thời tiết về đêm. Vẻ này thể hiện rõ ràng đến nỗi một người đàn ông từ đâu tới ôm choàng vai thằng bé chúc mừng và khen ngợi như khen học sinh giỏi. Ông quay sang tôi bắt tay cảm ơn tôi đã “dậy dỗ con trở thành người tốt trong xã hội” một cách rất cảm động và chân tình ấp úng chứ không phải kiểu mục sư trên bục giảng thánh đường. Trong bóng tối lờ mờ tôi nhận ra trên chiếc áo polo ông mặc, lá cờ vàng ba sọc đỏ trong phù hiệu của Hội Cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam. 

Đây là điều tôi không chờ đợi, được khích lệ trong bổn phận làm cha đối với tôi là một chuyện không ngờ. Hiếm hoi cũng không kém là cảm giác lâng lâng khi thấy mình thuộc về đa số (tôi không nói thuộc về chính nghĩa), bập bềnh chung trong cái hắng giọng trước khi gầm gừ của quần chúng đã bắt đầu chuyển mình. Tôi còn ước gì nữa trước khi tắt ngọn nến $ 2.99? Được thể tôi ước là ông Bush sẽ bị đuổi khỏi Toà Nhà trắng nhục nhã hơn là Richard Nixon, ông Cheney sẽ bị ra trước toà cay cú hơn là Slobodan Milosovic [6], ông Rumsfeld vào một nhà tù khốn nạn hơn là Guantanamo. Ba điều trong tầm mắt với, chẳng xa vời và chỉ cần những đứa trẻ đặt tâm vào việc bật một que diêm là có thể thực hiện [7]. 

[1]Nhà báo Ted Koppel, khi làm việc này vào lúc danh sách còn ngắn trên đài ABC, đã bị phê bình nặng nề gần như tương đương với phản quốc, đâm sau lưng chiến sĩ… đã chết?

[2]Những dịp đi phép của ông Bush thì không thiếu, trong 5 năm đầu tại chức ông đã vượt qua kỷ lục ngả lưng và duỗi người mà nhà vô địch về mặt này Ronald Reagan đã phải vất vả trong nhiệm kỳ 8 năm mới đạt được.
[3]Với ý tầm thường này, bà Sheehan đã trở thành biểu tượng của quần chúng bất phục tòng. Theo ký giả Anderson Cooper (“Tsunami boy” của đài CNN), truyền thông theo dõi bà còn nhiều hơn là chuyện Terri Schiavo, tất nhiên là gây bất lợi cho chính quyền về mặt tuyên truyền. Để trả đũa, truyền thông chân chính cho biết nào là bà bị chồng bỏ, gia đình nhà chồng từ, gọi là là con mẹ điên, nói năng bá láp, lợi dụng cái chết của con để nổi tiếng, toàn là điêu ngoa dối trá... Dối trá gì thì con bà cũng chết... thật, và ông Bush “Bring it on” (ngon thì cứ việc) vẫn không trả lời “Lý do cao quý” mà con bà phải hy sinh mạng sống là lý do ra sao. 
[4]Theo một dự đoán của Bộ Quốc phòng, quân đội Mỹ còn cần ở lại Iraq 4 năm nữa, nhưng lối thoát duy nhất của Hoa Kỳ chắc chỉ có thể là… đánh sang Iran, nơi Halliburton đã có sẵn văn phòng đại diện từ thời ông Cheney còn làm Tổng Giám đốc.
[5]Xem Halliburtonwatch.org, còn nếu muốn xem Street-fighting-man Mick Jagger thì hiện thời ban nhạc Rolling Stones đang lưu diễn worldtour. 
[6]Ông Milosevic là người muốn thực hiện Đại Serbia và mở rộng bờ cõi nhưng liên tục “mất” từ Croatia đến Bosnia, Kosovo. Chuyện tiếu lâm Serbia kể, một sáng phu nhân lay ông dậy “Mình ơi, đảo chánh! Quân đội đã vây dinh.” Ông ra cửa sổ đứng nhìn và bảo vợ “Nào có phải bộ đội! Chung quanh dinh chỉ là công an cửa khẩu và lực lượng biên phòng!”.
[7]Hoa Kỳ sẽ bầu Quốc hội vào cuối năm 2006. Mới đây, trong một cuộc bầu đơn tại một đơn vị thành lũy của Đảng Cộng hoà, ứng cử viên Dân chủ thò lò mũi xanh và cựu quân nhân tại Iraq, suýt nữa đã chiếm được ghế Đại biểu nhờ gọi Tổng thống Bush nguyên văn là “Đồ chó đẻ”. Dĩ nhiên, các Đại biểu Cộng hoà chỉ ủng hộ tập đoàn Tân Bảo thủ nếu việc này giúp họ giữ được chỗ ngồi. Giờ chuyển biến thời thế, họ đã bắt đầu đứng xa xa hay ra mặt phê bình như Thượng Nghị sĩ Chuck Hagel, Phó Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao.
Nguồn: talawas.org







GIẬT MÌNH KHI Ở XÓ CẦU? [1]

Singapore là nơi gây nhiều ấn tượng cho người Việt, kể từ Cao Chu Thần cho đến mới đây, Đinh Từ Thức. Bài viết của ông Đinh Từ Thức có nhiều thú vị và đồng í rằng, “bất hạnh thay những dân tộc lắm anh hùng”. Nhưng tuy không chuyên, tôi vẫn loáng thoáng thấy các so sánh của ông giữa Singapore và Việt Nam về mặt kinh tế không được cân và có phần khập khễnh. 

Khi tác giả viết "Người dân Singapore cùng thuộc giống da vàng, chắc không thể thông minh và chịu khó hơn dân Việt", thì tôi (và mọi người Việt đều) chỉ có thể tán thành! Mà dù khác giống, da đen đã đành hay ngay cả da trắng đi chăng nữa thì cũng nhất định là "không thể hơn", nói gì Trung Hoa. Nhưng khi ông nhận định "Singapore lại bị những điều kiện kém Việt Nam, như đất hẹp, không có tài nguyên thiên nhiên, và phải dùng tới 4 ngôn ngữ chính" thì tôi e đó là những là những điều kiện hơn Việt Nam chứ không phải là kém, chính là lợi điểm của quốc gia mặt sáng như gương tàu / đầu trơn như váy lĩnh này. 

682 cây số vuông của Singapore (GDP-PPP mỗi đầu người một năm 26.799 USD) [2] phải so sánh với 1.092 cây số của HongKong (30.058 USD) chẳng hạn hay 25 cây số của Macau (19.400 USD) ở Châu Á, là những nơi lợi tức và mức phát triển xấp xỉ (tuy không được sạch sẽ bằng). Nói ra xa, ngoài giống da vàng cần cù và khôn ngoan cùng hạng, phải ví với: 
  • Bermuda, 53 cây số vuông vây bởi biển, lại bị nằm trong Vùng tam giác bí hiểm (Bermuda), đa số dân chúng da đen quần đùi (Bermuda), nhưng lợi tức đầu người vượt qua cả Hoa Kỳ. 
  • Monaco, 2 cây số, 27.000 USD, không có tài nguyên nhưng có tới hai công chúa, tức là một công chúa cho mỗi cây số vuông [3]. 
  • Andorra, 468 cây số, 26.800 USD, tới ba thứ tiếng và hai chủ tịch nước, trùng vây bởi núi non hiểm trở. 
  • Liechtenstein, 25.000 USD, chết gí và cô lập giữa đất liền, ngân hàng ở đây mà mở to hai cánh cửa ra là đã chạm sang đến nước Áo nên lúc nào cũng chỉ thấy mở có he hé. 
  • San Marino, 61 cây số, 34.600 USD, may mắn nhìn ra biển nhưng sau lưng thì bị… toàn là người Ý móc túi như chớp. 
  • Dubai, một phần bảy của United Arab Emirates bé tí, 23.818 USD, và phải dùng tiếng của khủng bố Hồi giáo làm ngôn ngữ chính [4]. 
  • Grand Cayman, Gibraltar, v.v…
Luxemburg, 2.586 cây số và ½ triệu dân, GDP-PPP bình quân năm 2004 là 63.609 USD. Cùng một giống da trắng, nhưng đất hẹp và ít tài nguyên thiên nhiên hơn Hoa Kỳ và phải dùng đến 2 ngôn ngữ chính, chẳng hiểu sao người dân lại sung túc gấp rưỡi (GDP-PPP của Mỹ là 39.496 USD). Ví dụ cực đoan nhất mà tôi xin đề cử là trường hợp Toà Thánh Vatican (0,44 km2), không có đến nổi một sinh ngữ và phải dùng đến cả một thứ tiếng đã chết (Latin) làm ngôn ngữ chính, thu nhập của chính phủ (revenues) tính theo đầu người đâu đó là 266.000 USD [5]. Thu nhập của chính phủ Hoa Kỳ, tính theo mỗi đầu người là 6.290 USD, chỉ có được 2,3% của Vatican, đúng là phép lạ. 

Singapore là một thương cảng nằm giữa Ấn Độ Dương và biển Thái Bình, tàu chở dầu từ bán đảo Ả Rập, chở túi đầm Vuitton, XO, từ Âu Châu phải đi xuôi và tàu chở đầu DVD từ Đài Loan, Đại Hàn, chở quần áo, đồ gia dụng từ Trung Quốc phải đi ngược, đằng nào cũng là ngang qua. Nếu đến phi trường Changi từ hướng Tây, cỡ 5 phút bay trên trời vẫn không hết cảng, thương thuyền tứ xứ đỗ ngút ngàn. Singapore là một thành phố buôn bán, vì đa số Hoa kiều nên khi độc lập đã rời liên bang Malaysia để khỏi phải chia của cho tập thể Mã Lai da nhôm nhôm và kém sạch sẽ. So sánh Singapore phải so với… Chợ Lớn, chứ không thể so với cả nước Việt Nam. Chợ Lớn thì không ai có con số cả, nhưng tôi đoán là dự trữ ngọai tệ, thặng dư mậu dịch gì đó phải kha khá, lợi tức bình quân trong mấy cây số vuông này phải gấp mươi hay mấy mươi lần con số chung của Việt Nam. Tôi lại cực đoan nữa, nhưng nếu khu vực chung quanh Hồ Tây ở Hà Nội là một nước độc lập, thì người dân của "quốc gia Hồ Tây" này, ai cũng ở biệt thự cả (mà lại là biệt thự mái có cái “tum” chứ chẳng phải biệt thự thường)! Sự sung túc kinh tế của các tiểu quốc gia từ Á sang Âu không nằm trong diện tích, tài nguyên thiên nhiên… (kém tất cả mọi người) mà là ở sự cá biệt đó, khác tất cả mọi người. Xuất nhập, buôn bán không đánh thuế, du lịch, ăn chơi sòng bài, ngân hàng chuyên giữ tiền xuất xứ không được rõ, địa thế nơi qua lại v.v… 80 triệu người Việt Nam và 330.000 cây số vuông có những yếu tố không so sánh với Cảng Sư được. 

Thua Singapore thì đã đành, nhưng đọc đến chỗ món nợ quốc gia, tôi lại buồn cho số phận hẩm hiu về lãnh vực này của dân tộc… Mỹ. Vào lúc 15:20:34 giờ GMT ngày 27.10.2005, theo đồng hồ tính nợ (Debt clock) của Hoa Kỳ, số tiền nợ này là 8.017.076.810.931 USD, chia cho mỗi đầu người là 26.944 USD, từ ngày 30.9.2004 mỗi ngày lại tăng trưởng 1,63 tỉ. Món nợ đầu người này so với GDP hàng năm là 74% ở Mỹ, ở Việt Nam theo Đinh Từ Thức như vậy là mới có 19%, còn xa, còn xa. Về cán cân mậu dịch, thâm thủng ngân sách thì cũng thế, khỏi kể. Dĩ nhiên, đây cũng là so sánh cùng kiểu với Đinh Từ Thức để cho vui, chứ ai mà không biết nợ nhà giàu khác với nợ nhà nghèo, khác xa, khác xa, đến khi chủ nợ muốn đòi cũng phải biết dịu dàng. 

Nếu phải luận anh hùng, thì nên so sánh Việt Nam với Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện [6]… Giống Singapore thì tôi chỉ thấy có một mặt mà không được Đinh Từ Thức đề cập đến là tự do báo chí và nhân quyền, nếu tin Amnesty International [7] hay tổ chức RSF (Reporters Without Borders). Trong bảng xếp hạng 2005 của tổ chức này, Việt Nam đứng hàng 158 (trên 167 quốc gia) và Singapore đứng hàng 140 (tiếc là không có tổ chức "Nhà cầu không biên giới"). Về phương diện tự do báo chí, Singapore đã gần được Việt Nam, như vậy cũng có thể gọi là đồng hạng nếu không gọi là xấp xỉ. Trường hợp của hai nước này có thể tóm tắt bằng câu "Tuy nhà cầu của Singapore có sạch hơn nhiều đi chăng nữa, thì ở cả hai nơi báo chí cũng chỉ có cùng một công dụng là để… gói thức ăn”. Điểm tương đồng hữu dụng này từ hơn một thập niên nay đã được nhà cầm quyền Việt Nam để mắt đến. 

Ông Lee Kuan Yew là người được nhà cầm quyền nước ta ngưỡng mộ ngang với tác giả Đinh Từ Thức. Ông là kẻ rêu rao "Truyền thống Á Đông không có dân chủ" và cố vấn tận tâm chính phủ Việt Nam về khái niệm căn bản để phát triển này. Singapore, trong 40 năm độc lập, do có độc một đảng cai trị [8] và là bằng chứng mẫu mực đối với Việt Nam: Có kiểm soát tự do dân chủ thì mới đưa đến được phát triển trong ổn định (nhà cầm quyền nào thì cũng sợ nhất là sự bất ổn thôi). Đấy, nếu Singapore dân chủ hạn chế mà phát triển mạnh thì chúng ta còn ít dân chủ hơn sẽ con đường này mà có ngày phát triển gấp mấy! Cứ việc mà theo gương “Lưỡng quốc cố vấn”. 

Nếu trong ngày lễ Độc Lập ở đây, Đinh Từ Thức không nghe thấy Thủ tướng Lee Hsien Loong nhắc nhở gì đến thân phụ là vì trong chính phủ Singapore, cha già dân tộc này vẫn còn ngồi sờ sờ, ông chưa đi đâu hết để mà được nhắc đến từ xa. Ông ở đó và ông mang tước Minister Mentor. Cựu Thủ tướng kế vị ông và tiền nhiệm của Lee Hsien Loong, ông Goh Chok Tong, thì ngồi đằng sau và mang tước Senior Minister. Chữ Mentor này, tôi không biết tiếng Việt có nên dịch là "Cố vấn" (kiểu các cụ Cố vấn của Đảng) hay dịch là "Sư phụ", còn Goh Chok Tong làm Bộ Trưởng Đại ca? Theo quy ước trên thì ông Lee Hsien Loong phải gọi là Student Junior Prime Minister Apprentice tức là Thủ tướng Tiểu đệ Học việc và Tập sự và mấy năm nữa khi ông nhường chỗ (hẳn cũng là cho người nhà) thì ông sẽ vẫn ở trong chính phủ mà lên hàng Senior, ông Goh Chok Tong lên hàng Mentor và ông Lee Kuan Yew sẽ là Vô Thượng sư Bộ trưởng để ngang được với bà Thanh Hải Bồ tát (“Nam mô Vô thượng sư Thanh Hải Bồ tát”)! So sánh mà Đinh Từ Thức nên đặt ra là tại sao người ta sùng bái lãnh tụ mà thanh lịch nhã nhặn đến thế trong khi chúng ta thì quê mùa lộ liễu, hẳn còn phải học tập ở họ nhiều. 

Tôi cũng có những kỷ niệm êm đềm ở Cảng Sư bóng loáng. Lần đầu tôi đến, thành phố này đã bỏ luật cấm thanh niên tóc dài nhập cảnh, không phải vì họ phóng khoáng ra mà là vì không còn thanh niên để tóc dài! Hiện nay chỉ còn cấm mang theo kẹo cao su nhai (có nhân nhượng, cho phép nhập một số lượng vừa phải để cá nhân dùng) và đồng tính luyến ái vẫn là phi pháp (dù trên thực tế nhà chức trách có nỗ lực nhắm mắt… xoay lưng). Tôi không nhai kẹo cao su và không đồng tính cho nên việc này đối với tôi chẳng có ảnh hưởng gì. Ngược lại, quả là dễ chịu, ít ra là đối với du khách, khi chị em cognac ôm không móc túi và tiền trả cước xe được tài xế taxi thối lại đầy đủ [9]. Ở Singapore sạch, đến nỗi có lần đi dạo ở Sentosa trên bãi, tôi ngửi thấy mùi thuốc xịt dán và tưởng là gió biển đã được cẩn thận… sát trùng ("Để đảm bảo vệ sinh cho quý khách, gió biển này đã được khử trùng"). Cầu tiêu thì tươm tất, tuy không được vào hàng nghệ thuật hay là bảo tàng [10]. Nhưng ở Singapore lâu thì có lẽ chán, cuối tuần phải tìm cách thoát sang Johor Baru ở Mã Lai để đọc… Far Eastern Economic Review hay là sang Pulau Batam ở Nam Dương để đọc Wall Street Journal! Cả hai tờ báo phá hoại nguy hiểm và diễn biến hoà bình này đều đã có thời bị cấm, tôi không rõ hiện nay lệnh này còn hiệu lực hay là Singapore đã bước vào sự nghiệp đổi mới một cách mạnh dạn. 

Một người bạn bản xứ có lần dăm ba chai Tiger với tôi tâm sự, thà chịu xuống lương nhưng chắc tao phải sang Nam Dương tìm việc, chứ ở đây ngột ngạt khó chịu quá [11]. Anh này lại không phải là nhà báo [12]. Anh bạn tôi là chuyên gia vi tính, tôi không hiểu, sao lại bỏ nước trong khi về lãnh vực tường lửa Singapore, đi đâu cũng đập mặt vào và là số một toàn cầu? 
[1](Khi thấy nước tự động xối tới hai lần!)
Tân Gia từ vượt con tàu 
Mới hay vũ trụ một bàu bao la 
Giật mình khi ở xó nhà 
Văn chương chữ nghĩa khéo là chò trơi 
Cao Bá Quát, Trúc Khê dịch
[2]Những con số lọai này, ở đây và bên dưới, phải giải mã một cách đại khái và thận trọng. GDP của Singapore là 24.740 USD, GDP-PPP là 26.799 sau khi nhân với chỉ số sinh hoạt đắt rẻ ở từng nước. GDP của Việt Nam là 535 USD, GDP-PPP sau khi cân nhắc là 2.570. Xin xem nguồn và phương pháp tính ở các trạm nationmaster.com, cia.gov, wikipedia hay từ IMF, World Bank.
[3]Theo tiêu chuẩn này thì Việt Nam, tuy cũng lắm công chúa, nhưng phải có đến 330.000 bà thì mới mong phát triển ngang hàng.
[4]Dubai là một trong 7 tiểu vương quốc của United Arab Emirates, tuy lợi tức chỉ có 10% từ dầu hoả nhưng lại là một cảng miễn thuế, có vị trí giữa đàng từ Âu sang Đông Á nên đang phát triển kinh hoàng, có đà trong tương lai lấn át Singapore ở đầu kia. Chưa thấy Việt Nam mời Vương Al Maktoum làm cố vấn chính phủ.
[5]Vatican không có sản xuất (trừ nước thánh?) nên không có con số của tổng sản lượng. 
[6]Đều là những nước không có cộng sản nên so sánh ‎rất tiện. Riêng Nam Dương thân thiết và gắn bó với chính quyền Việt Nam hiện nay lại càng không có cộng sản, sau khi ½ triệu người theo Đảng gần xa bị thủ tiêu tập thể vào năm 1965.
[7]Singapore cũng hàng đầu thế giới, về tỉ lệ án tử hình. Amnesty Úc đang kêu gọi mọi người trên thế giới gửi thư cho chính quyền Singapore xin giảm án tử hình của phạm nhân người Úc gốc Việt, Van Tuong Nguyen, 24 tuổi, sắp bị hành quyết. www.amnesty.org.au/Act_now/action_centre
[8]Chế độ đa đảng ở Singapore cũng như đa thê, có bà lớn và có bà bé, và nàng hầu là đối lập nhu mì.
[9]Năm bảy năm về trước, dư luận và truyền thông ở Singapore có dạo cho rằng móc túi ở Singapore chỉ có người Việt Nam sang đó để hành nghề!
[10]Nước Pháp, tuy đằng sau Singapore về mặt này nhưng có bồn tiểu Duchamp bày ở viện Pompidou với lại một nhà vệ sinh công cộng Art Deco vẫn còn được bảo tồn bởi Cơ quan Di tích Lịch sử. Trước đây nhà vệ sinh của Café Coste, khu Halles ở Paris, cũng là một công trình nghệ thuật hậu hiện đại đáng vào thăm ngay cả khi không có nhu cầu cấp bách.
[11]Singapore sống no ấm nhưng mà là sống no ấm với mẹ chồng (sư phụ mẹ chồng). Thí dụ những vặt vãnh thường ngày, vào trạm web của hãng bia Tiger, cũng phải qua trang "Tôi đồng ý và tôi đủ 18 tuổi" để xem hình cốc bia sùi bọt. Đề nghị talawas, để ở trang đầu trước khi vào (Enter) câu "Tôi đủ 18 tuổi và tôi biết suy nghĩ". Nhân đây, xin nhắc lại chuyện cười ngày xưa ở Liên Xô nổi tiếng, về 5 cái “đừng” khi sống dưới chế độ:
1. Đừng suy nghĩ
2. Nếu suy nghĩ thì đừng nói ra
3. Nếu suy nghĩ và nói ra thì đừng viết lên
4. Nếu suy nghĩ, nói ra và viết lên thì đừng kí tên
5. Nếu suy nghĩ, nói ra, viết lên và kí tên thì đừng có trách!
[12]Trong phim truyện In the Mood for Love, nhân vật nam bị thất tình, bèn từ Hong Kong mà bỏ sang Singapore làm báo! Chi tiết này tôi cho là một giễu nhạo tinh vi của Wong Kar Wai, kiểu thất tình thì thường hay tự sát, đăng lính hay là cạo đầu. 
 Nguồn: talawas.org





DÂN CHỦ VÀ PHÁP QUYỀN

Thời điểm là 1977 hay 1978, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng sang viếng Singapore và ngồi chung một xe với ông Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu). Khi nhìn ra đường phố ngăn nắp rợp bóng những cao ốc cửa kính khung nhôm, ông Đồng không dằn được và thở dài quay sang ông Lý “Chúng tôi thì bị Mỹ ném bom trong khi các ông thì lại được Mỹ giúp nên được thế này!” Đây là chuyện do họ Lý kể lại thích thú, nhất là đoạn ông trả lời “Không, đây là do chúng tôi tự làm nên hết, chẳng do ai giúp cả!” 

Câu trả lời này có lẽ là mốc đầu tiên của hiện tượng lấy Singapore làm mẫu trong giới lãnh đạo Việt Nam, chí ít là trong giới có chút gọi là cởi mở. Moscow và Bắc Kinh bớt đi đôi phần quyến rũ với các cán bộ từng tận mắt thấy bể nuôi cá bọc chung quanh cầu thang máy lên xuống của cửa hàng bách hoá Isetan. Nhưng Isetan là một cửa hàng Nhật Bản, ở Đông Kinh cũng có và đó là chuyện của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay ắt chỉ bị Singapore mê hoặc sau khi đã rõ đảng PAP cầm quyền tại đây là một đảng bà con xa với lại XHCN (Đệ nhị Quốc tế), và nhất là, từ ngày độc lập, liên tục nắm quyền một cách chỉ có thể gọi là chuyên chế và phải gọi là chuyên chế tinh vi. Sau khi vấn đề Cam Bốt được giải quyết và Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, Singapore lại càng thân thiện, trở thành một nước bạn thắm thiết đến độ ông Lý Quang Diệu được mời làm Cố vấn cho Hội đồng Chính phủ, là một danh dự hiếm hoi có thể chưa từng thấy trên thế giới. May mà là Singapore chứ không phải Bình Nhưỡng, và là Lý Quang Diệu chứ không phải Kim Jong Il (Kim Chính Nhật, “Mặt trời thế kỷ thứ 21”.) Nhưng trong kỳ vọng thành thật là mang lại sung túc và phát triển cho đất nước, giới lãnh đạo Việt Nam đặt niềm tin vào ông Lý không ngây thơ như những người chỉ thấy mặt tiêu thụ no nê, mặt tiêu hoá dễ dàng và mặt vệ sinh sạch sẽ. 

Nếu quốc gia-thành phố này đặc thù về mặt kinh tế thì về mặt chính trị lại rơi vào một trường hợp đối với chúng ta quen thuộc và ở các nước Đệ tam Thế giới hơi bị phổ thông. Chủ tịch nước hiện nay là ông Sellapan Rama Nathan, được bầu lên năm 2005 sau khi Uỷ ban Bầu cử Chủ tịch nhận định là ba ứng cử viên khác không có đủ tư cách ra tranh cử và trao ghế này cho ứng cử viên duy nhất đủ cả đức lẫn tài. Quốc hội hiện nay, nhiệm kỳ 2001-2006, có 84 ghế thì đảng PAP (cầm quyền) được cử tri tín nhiệm đến những 82. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2001, chỉ có 29 đơn vị trên 84 là có người bạo gan tranh cử với đảng PAP. Trong 29 đơn vị này có hai người đắc cử đại biểu, ông Chiam See Tong (Liên minh Dân chủ Singapore, gồm bốn đảng kết hợp, 12% tổng số phiếu) và ông Low Thia Kang (Đảng Người Lao Động, 2,7% tổng số phiếu). Tổng số phiếu toàn quốc của đảng PAP trong cuộc bầu cử lập pháp này là 75,3%. Kết quả này không phải là một đại thắng bất ngờ. Vào các nhiệm kỳ Quốc hội trước, đây là số ghế đại biểu của đảng PAP: 

1997: 81 trên 83 (2 đại biểu đối lập) 
1991: 77 trên 81 (4 đại biểu đối lập) 
1988: 80 trên 81 (1 đại biểu đối lập) 
1984: 72 trên 74 (2 đại biểu đối lập) 

Trong các nhiệm kỳ trước đó, 1980, 1976, 1972, 1968, đảng PAP chiếm 100% ghế ở Quốc hội, không có đại biểu đối lập. Biến cố năm 1981 là ông J. B. Jeyaretnam đắc cử trong một cuộc bầu cử lẻ và trở thành đại biểu đối lập đầu tiên. Vào thời điểm của câu chuyện với ông Phạm Văn Đồng, ông Lý Quang Diệu đã có thể trả lời “Không, đây là do đảng PAP tự làm nên hết, chẳng có ma đối lập nào giúp phần phê bình xây dựng hay chống đối cả”. 

Nếu ở vào vị trí của hai đại biểu đối lập tại Quốc hội hiện nay thì cũng nên lo ngại đôi chút về tương lai và hậu vận. Ông J. B. Jeyaretnam mở đường ở trên, tái đắc cử năm 1984 nhưng bị mất chức đại biểu năm 1986 vì một lý do chính đáng và hợp pháp là nhá nhem tiền bạc và có phán xử đàng hoàng (đây là điểm Việt Nam đang cần nỗ lực học hỏi ở Singapore). Năm 1997, ông lại kiên trì đắc cử, chẳng may lỡ lời (xin đọc tiếp ở phía dưới) nên bị Thủ tướng Goh Chok Tong kiện về tội phỉ báng và bị toà phạt 100.000 SGD (60.000 USD) cùng với phí tổn. Ông lại bị kiện vào năm 1998, đẩy đến phá sản vào đầu năm 2001. Là người bị phá sản, ông lại bị đuổi lần thứ nhì khỏi Quốc hội theo luật định, cấm hành nghề luật sư và không được ra tranh cử nhiệm kỳ 2001. 

Nhưng nếu luật pháp cho phép Thủ tướng Goh Chok Tong kiện người khác về tội phỉ báng thì hẳn ông Goh Chok Tong cũng có thể bị kiện về tội này. Đó là lãnh tụ của Đảng Người Lao động, ông Tang Liang Hong, nghĩ thế. Sau khi bị các nhân vật của đảng cầm quyền gọi là “Sô-vanh Trung Hoa” và “chống Ki tô”, là những kết tội nặng nề ở một quốc gia đa dân tộc, ông đệ đơn thưa hai ông Goh Chok Tong và Lý Quang Diệu. Dĩ nhiên, thưa kiện thì phải làm đơn với công an và trong một cuộc họp đầu năm 1997, ông mang hồ sơ kiện đặt lên bàn ứng cử viên J. B. Jeyaretnam đã nói đến. Ông Jeyaretnam bèn phát biểu “Đây, ông Tang Liang Hong vừa đặt trước mặt tôi hai hồ sơ đưa cho công an để kiện ông Goh Chok Tong và nhóm này”. Đúng ra, ông không nên nói gì hết vì câu vu vơ này là câu bị toà phạt tội mạ lỵ và phải bồi thường cho Thủ tướng! Phần ông Tang Liang Hong thì không những con kiến chẳng đến đâu mà củ khoai còn kiện ngược lại, khiến toàn bộ tài sản của ông ở trong nước là 7,9 triệu USD bị tạm giữ, ông bị thuế vụ điều tra 33 điều vi phạm và bị phạt 5,65 triệu USD về tội phỉ báng (sau khi chống án, giảm xuống còn 2,3 triệu). Ông phải lang thang ở nước ngoài và vợ ông bị thu hồi sổ thông hành. Luật là luật và nhà nước Singapore là một nhà nước pháp quyền.

Điều này, Tổng thư ký Đảng Dân chủ, ông Chee Soon Juan phát hiện ra năm 1999 khi ông bị bỏ tù 7 ngày về tội phát biểu trước công chúng mà không có môn bài, vi phạm luật giải trí (Public Entertainment Act) là biểu diễn trước 5 người trở lên phải có giấy phép. Năm 1993 ông đã bị đuổi cũng rất hợp pháp khỏi Đại học Quốc gia vì “mờ ám tiền quỹ nghiên cứu”, phạt 190.000 USD về tội phỉ báng một Đại biểu Quốc hội thuộc đảng PAP. Năm 1995, ông là Đại biểu Quốc hội bị Quốc hội kiểm duyệt vì khi ra nước ngoài tham dự một buổi nói chuyện truyền hình, ông đã ngồi im để cho một người khác phê bình Singapore mà không phản đối! Sang 1996, ông trình bày trước Quốc hội một con số được cho là thiếu chính xác và bị Quốc hội phạt về tội “mạo số thống kê”. Sang 2004, Chee Soon Juan vừa bị phạt 500.000 USD một cách hợp pháp không kém và bà Yeong Yoon Ying, phát ngôn nhân báo chí của Minister Mentor Lý Quang Diệu tuyên bố vậy là đáng đời: “Chee Soon Juan đã nhận là y cấu kết với người nước ngoài trong mục đích gây tổn hại cho Singapore và nền tư pháp quốc gia trước mắt thế giới.” Nhìn gương Tang Hiang Long, ông Chee Soon Juan chắc sẽ không dám đi thưa bà này và các lãnh đạo đảng PAP (từ Lý Quang Diệu trở xuống) từng gọi ông là “bất trung với nước”, “nhân cách tồi” hay “nói láo, lươn lẹo và tráo trở” về tội mạ lỵ. Ngược lại, mỗi lần dùng nhà vệ sinh công cộng ông nên giật nước xối cẩn thận đúng hai lần. Dùng nhà cầu mà không dội nước, luật Singapore phạt 600 USD nhưng nếu ông Chee Soon Juan dội ba lần, ông sẽ bị phạt (một triệu USD? hai triệu?) về tội phí phạm tài nguyên hạn chế của quốc gia là nước ngọt??? 

Nói tóm lại, các đại biểu hiếm hoi ở ngoài đảng cầm quyền, có mặt ở tòa nhiều hơn là ở Quốc hội, liên miên bị phạt vạ cho đến mức sạt nghiệp. Dùng luật mạ lỵ và phạt tiền là một tiến bộ trong những năm gần đây. Lãnh tụ Chia Thye Poe của đảng Barisan Xã hội (là đảng ly khai khỏi PAP) năm 1966 bị bắt giữ trong 23 năm không xét xử dưới đạo luật Nội an (Internal Security Act). Luật ISA cho phép chính quyền giam giữ 2 năm tù và gia hạn từng 2 năm một vô hạn định mà không cần chứng cớ và xét xử bất cứ ai lai vãng gần khu vực “nội an” (là một khu vực định nghĩa vừa rộng rãi lại thiếu chính xác). Sau khi được thả vào năm 1989, ông Chia Thye Poe bị cấm cố 3 năm trên đảo Sentosa, và cho đến 1998 bị cô lập, cấm tiếp xúc, phát biểu hay là có ý kiến lăng nhăng. Nhưng ông hoàn toàn được hưởng quyền mua sắm miễn thuế ở đủ thứ cửa hàng, quyền không phải ưu tư vì ăn cắp vặt, quyền ra đường thì luật giao thông được mọi người tôn trọng, quyền có nhà vệ sinh sạch khi cần dùng, cũng như mọi công dân khác của Singapore. 

Singapore là nơi bán nhiều đồng hồ Patek Philippe nhất trên thế giới. Theo Liên Hiệp Quốc, đây cũng là nơi tỉ lệ án tử hình (tính theo đầu người, đầu người bị treo hay đầu người bị chặt) cao nhất thế giới, là 13,57 tử tội cho mỗi triệu dân. Saudi Arabia, chuộng nhãn đồng hồ Rolex hơn, đừng hàng nhì ở đằng xa tít tắp với 4,65 (Belarus, Sierra LeoneKyrgyzstan, Jordan và Trung Quốc lẹt đẹt kế tiếp trên bảng vàng này). Tính theo số người bị xử tử, cũng trong thời gian 1994-1999, Singapore, dù chỉ có 4,4 triệu dân, cũng được phong thần hàng thứ 6 trên thế giới (sau Trung Quốc, Iran, Saudi Arabia, Hoa Kỳ và Nigeria). Dĩ nhiên, bị xử tử cũng là hoàn toàn hợp pháp cả, bao giờ chẳng theo lệnh của toà. Có người cho chính rằng nhờ thế mà Singapore cũng như Saudi ít tội ác, thấy chưa! Vậy thì khó giải thích Belarus, Sierra LeoneKyrgyzstan, và nếu ít thì cũng đủ để lắm tử hình đến mức vô địch! 

Ở mức nhẹ hơn, thì Saudi chỉ chặt tay ăn cắp và Singapore phạt mười roi hay là năm hèo. Người chưa từng bị móc túi hay mua nhầm đồng hồ mạ vàng giả thì cho đây là man rợ trung cổ và phong kiến thực dân, lăng nhục con người. Con người ở đây nói chung, nhục cả anh cả tôi và ông bà, chứ không phải chỉ nhục kẻ thụ hình. Nhưng có thấy nhục hay không là tùy người, có người không thấy nhục mà chỉ thấy an tâm thì sao? Và muốn nhục thay, nhục hộ thằng ăn cắp thì cứ việc, nhưng ở Singapore phải công nhận là những sáng chủ nhật thật yên lành. 

Những nơi khác trên thế giới, vào ngày nghỉ, đang quần đùi nằm duỗi thì nghe tiếng chuông gọi cửa. Hoàn cảnh này chắc nhiều bạn đọc đã có trải qua, làu bàu ra mở thì thấy một đôi, cà vạt tử tế và áo quần ủi, mỉm cười hết sức dễ thương, tay cầm sẵn tờ “Thức Tỉnh!” để mời. Chứng nhân Jehovah truyền đạo rất khó đuổi, nếu bảo rằng “tôi vô thần” thì họ lại càng mong cứu rỗi một linh hồn lạc lối, nhất định sẽ trở lại vào chủ nhật tuần sau! Ở Singapore thì không có chuyện làm phiền này, “Thức Tỉnh!” là tài liệu cấm cả lưu trữ, nói gì lưu hành và chào mời. Tín đồ Jehovah vào tù cả lũ để mà cứu rỗi và hành đạo về tội “đe dọa nền an ninh quốc gia” (chứ không phải tội làm phiền mọi người vào ngày nghỉ). Một cặp vợ chồng ra khỏi khám còn cả gan mời vài đồng đạo đến nhà để cầu nguyện ơn trên. Ông bà này bị cảnh cáo là tái phạm sẽ bị tịch biên nhà cửa vì dùng nhà như là một phương tiện để gây tội ác! Đã nói, ở Singapore, luật là luật, và không chưà cả đại biểu Quốc hội lẫn chứng nhân. 

Khi tìm một mô hình phát triển, chẳng phải vô tình mà Việt Nam đã chọn Singapore. Tại sao lại không là Hong Kong và mời cựu Thống đốc Chris Patten làm cố vấn chính phủ? Cảng Thơm chẳng kém gì Cảng Sư ngoại trừ mặt nhà cầu nhưng tôi không nghĩ đó là l‎í do quyết định. Thực tế hơn và gần gũi hơn về mặt kinh tế là mô hình Đại Hàn hay Đài Loan chẳng hạn, nhưng những mô hình này đều không có được sự quyến rũ của một chế độ kiểm soát toàn diện, “văn minh” và đã rõ hiệu quả. 

TB:

Sau khi đọc bài phản hồi của Đinh Từ Thức, tôi xin có thêm hai nhận xét sau. 

Về mặt tự do báo chí, Đinh Từ Thức vẫn có thể đọc Wall Street Journal và cả The Asian Wall Street Journal Singapore lúc bình thường, tức là nếu không đả động gì đến quốc gia này. Đây chẳng có gì trở ngại, chỉ khi nào có bài phê bình thì mới bị cấm thôi, còn bài ca ngợi thì ngày lễ Độc lập có thể chạy bằng chữ điện tử to đùng giữa Orchard Road trong khi ở hai bên có bắn pháo bông. 

Luật Newspaper and Printing Presses Act in 1986 (và tu bổ sau đó nhiều lần) đòi hỏi báo chí nước ngoài có số lượng lưu hành tại Singapore trên 300 bản phải có giấy phép đặc biệt nếu tải tin tức, tình báo, tường thuật sự việc hay bất cứ nhận xét, nhận định hay bình luận gì liên quan đến những chính sách hay tình trạng hiện nay của bất cứ quốc gia nào tại Đông Nam Á (“news, intelligence, reports of occurrences, or any remarks, observations, or comments pertaining to the politics and current affairs of any country in Southeast Asia.") Luật pháp rất chính xác và khác với Việt Nam, ở Singapore luật pháp luôn luôn được thực thi nghiêm chỉnh và được tôn trọng. 

Singapore cấm chảo vệ tinh mà chỉ có truyền hình cáp, phòng khi Bloomberg News tường thuật sai lạc. Tường lửa thì hết sức tinh vi, có lẽ là nơi tiến bộ nhất về mặt kỹ thuật để giải quyết (thanh toán?) mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển và nhu cầu kiểm soát trong ngành công nghệ thông tin. 

Phần “Địa thế Việt Nam cũng chẳng kém bao nhiêu, còn hơn Singapore về số lượng hải cảng. Ngoài Sài Gòn và Hải Phòng, còn được Mỹ cúng cho hải cảng Cam Ranh, có thể dùng cả cho nước Ai Lao” (ĐTT), nếu địa thế chẳng kém bao nhiêu, tôi đề nghị thay thế quách cảng Singapore bằng cảng Sài Gòn. Theo tôi thì địa thế lại còn hơn, ta có thể thay luôn Hong Kong bằng cảng Hải Phòng. Như vậy sẽ rút ngắn vận tải đường biển xuống một, hai ngày (Sài Gòn-Hải Phòng) thay vì 15 ngày (Singapore-Hong Kong), vô cùng tiện lợi! Hải Phòng lại có sẵn casino Đồ Sơn ở ngay cạnh, có thể dùng để thay thế Macau. Và nếu biến được Ai Lao thành Nhật Bản, cảng Cam Ranh sẽ rất tốt để trở thành Yokohama.



Nguồn: talawas.org








BỨC ẢNH NANCY

Tôi đi vắng hai tuần lễ qua, về đến nhà, không thấy các con tôi có vẻ gì là bị xúc phạm, lăng nhục và phỉ báng cả. Thế giới hai tuần qua sôi nổi, thế giới của người Hồi, mà chúng thì không có gì phẫn nộ. Người Hồi tôi không có biết nhiều và không ưa giao tiếp, tránh được tôi còn tránh. Nhưng ngay ở trong nhà, cũng có chí ít là hai người đủ tiêu chuẩn để mà tức tối, khi đấng tiên tri của đạo Hồi (xin ơn trên ban phước lành cho người) bị Âu Tây mang ra làm trò cười. 

Nếu họ ngoại mà được kể đến, thì hai con tôi là dòng dõi mấy mươi đời của Muhammad (xin ơn trên ban phước lành cho người) thuộc về bên mẹ. Phía mẹ thì đã đành là không đếm xỉa, ta cũng như Hồi, nhưng chúng vẫn mang dòng máu của ngài (xin ơn trên ban phước lành cho người) như đâu đó nghe nói là hai triệu người hiện nay trên thế giới được liệt (hay tự xưng) là gia tộc của Tiên tri (xin ơn trên ban phước lành cho người, từ nay xin viết tắt là XƠTBPLCN). Có đích thực là hậu duệ của ngài (XƠTBPLCN) hay không thì sau 15 thế kỉ cũng rất khó kiểm chứng được [1]. Nhưng tôi xin lỗi các ông trùm đảo nào đó ở Phillippines hay các tiểu vương thập thò eo biển Mã Lai cùng nhận họ, tổ phụ của các con tôi, nếu không phải là đích thân Muhammad (XƠTBPLCN) thì cũng liên tục 1400 năm ở tại ngay thánh địa Mecca và hành nghề tăng lữ. Sang thế kỉ 19, dưới đế triều Ottoman, cụ ngũ đại của hai thằng bé được cử đi làm giáo trấn thành Saida ở Lebanon, cụ tứ đại cũng là giáo sĩ, xuất thân từ Viện Thần học Al Azar ở Cairo, Ai Cập, chỉ đến đời ông ngoại mới có chút lơ là với việc của Trời. Dù sao, cụ tổ xa gần (XƠTBPLCN) của chúng vẫn là kẻ bị báo Đan Mạch mang ra mà biếm hoạ. 

Hai đứa bé không thấy phản đối, biểu tình, mà vẫn ôm internet chơi game on line như thường lệ. Tẩy chay chuyện cổ tích Andersen và phim hoạt hình cô bé người cá thì chúng đã tẩy chay từ lâu rồi, không đợi đến sự cố này. Tại sao người Hồi trên thế giới lại rùm beng? Tôi phải tự đặt mình vào vị trí của họ thì mới thấy ra một số điều. Là Hồi tử rất khác với Phật tử hay là Kitô tử, cũng như người Ảrạp rất khác người Việt Nam hay người Bắc Âu. 

Một bận, ngồi vui chuyện với một đám bạn đường gió bụi, anh Italy bảo "tao là người Sicily". Anh Ảrạp bèn bảo "À, tao có biết, hình như là chúng tao đã từng đô hộ xứ mày rồi!" Đây là thí dụ thứ nhất khi tương tác với người Âu, ta khó có thể đặt mình vào vị trí của một người Ảrạp. Ta không thể nói là nhà Lý đã khai sáng bán đảo Tây Ban Nha, trực tiếp giúp phần vào Phục Hưng của cả châu Âu hay là khoe một tướng đời Trần cười, cả thành Wien run lập cập. Phương Tây không nợ chúng ta chữ viết và mẫu tự, toán học, y học hay là thiên văn. Ngay cả khi vương Ab der Rahman bị Charles Martel đánh bại tại Tours (732), ông là đại diện của một nền văn minh cao cấp và tiên tiến, nhưng không khuất phục nổi một bọn rợ hung hăng là rợ Franc, lông lá đầy mình và đầu tóc rũ rượi. Đi xa hơn nữa, trước khi đạo Hồi xuất hiện, Cận Đông đã từng là cái nôi của văn minh thế giới, Babylon đã có kỳ quan (Vườn treo) trước cả Anaheim, California (Disneyland). Bất cứ người Hồi nào ngày nay, da nhôm nhôm (Ảrạp, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ hay Pakistan, Ấn Độ hậu duệ của các khả hãn Mông Cổ), đối với Bạch quỷ Mỹ Âu đều có điều để tự hào. 

Điều khác biệt thứ nhì, tôi được ông Bin Laden cho biết. Theo ông thì phương Tây còn nợ người Ảrạp tỉ tỉ tỉ gì đó ăn chận, ăn bớt, ăn cắp và ăn cướp tiền dầu. Ông Bin thường là quá khích nhưng trong trường hợp này tôi thấy ông khá ôn hoà khi ông nhận định dầu khí đúng ra phải được đánh giá gấp 4 lần. Chỉ cần nhìn cảnh một thành phố Hoa Kỳ là thấy ngay đây là một văn minh kinh tế xây dựng trên căn bản nhiên liệu rẻ gần như là miễn phí. Nếu đường nhựa, xe con, máy điều hoà cho đến cái túi rác và cái thùng rác đều từ nước mắm rẻ mà ra thì ắt dân Phan Thiết hay là Phú Quốc phải bất bình, biết đâu đến cả độ trở thành khủng bố! Chúng nó đã không có mặt chữ, không có cả con số (tức là số gọi là Ảrạp: 1, 2, 3… và nhất là số 0, thay vì I, II, III…), nay lấy nước mắm của mình đổ vào xe con phung phí, chạy cho đến tắc cả đường và ô nhiễm môi trường nồng nặc, đú đởn đến héo cả cây xanh toàn cầu thì sao mà không tức, đã thế giờ lại còn mang ảnh ông bà mình trên bàn thờ xuống mà vẽ râu! 

Cuối thập niên 60 theo tôi nhớ, ở Thái Lan đã có một trường hợp tương tự. Quần chúng sùng đạo (sùng đạo ở đây, vì không phải là đạo Hồi, nên được hiểu theo một nghĩa tích cực) phản đối sau khi một tờ báo Mỹ in hình Nancy Sinatra ăn mặc không được kín đáo trước tượng Phật ở Ayuthaya [2]. Chuyện này đã lan ra đến tôi (ở Việt Nam) và ở châu Á đạo Phật, Đài Loan, Nhật Bản. Tôi không được xem chính mắt vì còn nhỏ tuổi, nhưng được nghe tả là cô ta quần đùi, quần tắm hay quần lót (ôi giời), leo cả lên lòng Phật mà ngồi. Đây là chuyện không hay ho gì, nhưng lúc đó tôi đã nghĩ những phản ứng là quá quắt, Phật chứ có phải là ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ [3] đâu mà xì căng đan! Mà Phật thì, ai cũng biết, cả một đàn con gái ưỡn ẹo chung quanh ông còn chẳng coi ra gì, nói chi một cô đào Mỹ. Đến lần này, tôi ngờ ngợ, nếu người Hồi phản đối Đan Mạch mạnh mẽ đến như vậy, chắc là có thêm một lý do phụ trội, bởi vì phụ nữ Bắc Âu tóc lại vàng. 

Anh bạn Ấn Hồi tôi vừa mới quen cúi sát người ghé vào tai cô gái ngồi cạnh nói gì đó và cô ta cười nắc nẻ. Trong tiếng nhạc xập xình của một disco tại Lund, Thụy Điển, vào giữa thập niên 70, (anh quay sang tôi kể lại "Tao rủ nó vào toilet đụ!" Anh giương mắt như là thách đố nhưng tôi… thua. Tôi đi với bạn gái tôi và mấy người bạn gái của cô ta. Các cô này tôi chắc sẽ không đồng ý nên khỏi hỏi, ngay bạn gái tôi, tôi có rủ đụ trong toilet ở nhà, cô cũng từ chối, ngay cả ở trên giường cô còn nói buồn ngủ nhức đầu chứ nói gì đến toilet hộp đêm. Vào thời điểm đó, ông Bin còn mặc áo sơ mi hoa cổ to và bó chẽn người, Bắc Âu với những trai miền Nam (miền Nam là từ nước Pháp trở xuống) vẫn còn là thiên đàng tình dục. 

Người đàn bà khoả thân đầu tiên trên TV là ở tại Thuỵ Điển vào năm 1969. Tiếng dữ đồn xa, phụ nữ Bắc Âu mang tiếng là phóng khoáng, lại da mơn mởn trắng, vú ửng hồng và lông tóc lại vàng. Lãnh chúa con Dani Chamoun nổi danh nhờ đèo một cô Na Uy hay là Đan Mạch trên xe máy phân khối lớn đánh võng trên những con đường Beirut gần bờ biển [4]. Hai cô bạn Thuỵ Điển có lần kể cho tôi là khi họ đáp Magic Bus đến biên giới Afghanistan công an cửa khẩu không đòi visa mà đòi phải làm tình [5]! Đây tưởng là chẳng liên hệ gì đến việc phản đối Đan Mạch nhưng tôi không nghĩ thế. Từ dạo ấy và đến ngày nay vẫn còn vậy, y tá hay là tiếp viên hàng không ở Saudi, vùng Vịnh rất nhiều người Bắc Âu. Ông Bin của ngày nay cũng là cậu công tử Ảrạp ngày trước lê la những bờ hồ Thuỵ Điển có phụ nữ ngực trần khi mùa hè đến. 

Bằng ấy ẩn ức (được thoả mãn và không được thỏa mãn) cộng lại [6], theo tôi làm nên rùm beng tự do báo chí phương Tây và tín ngưỡng bị xúc phạm của người Hồi. Điều đáng ghi nhận là bốn mươi năm trước, khi Maxime Rodinson trong tiểu sử viết về Muhammad (XƠTBPLCN) gọi ông này (XƠTBPLCN) là một người cách mạng và một đồng chí thì không có ai ra fatwa đòi xử trảm ông Rodinson [7] hay là đập phá sứ quán Pháp. Dù đây có là một hành động kỳ thị, coi thường họ thì người Hồi nói chung và người Ảrạp nói riêng, vẫn còn khối lý do để mà phẫn nộ bên lề. Đó là Palestine vẫn còn bị chèn ép độc lập, Iraq vẫn bị chiếm đóng, tài nguyên thiên nhiên của họ vẫn bị cướp bóc, lao động của họ vẫn bị bóc lột và từ Morocco, Tuinisia, Ai Cập, Saudi, vùng Vịnh hay Pakistan, lãnh đạo của họ vẫn là những tên hề được phương Tây đế quốc mặc cho áo giấy . 

Nhưng tôi nói thế, bởi vì tôi không phải là người Ảrạp (chuyện cô Sinatra chẳng hạn, cho đến giờ nghĩ đến, tôi và các bạn Thái vẫn thấy bị tổn thương), và bởi vì tôi không phải đạo Hồi. Tôi vô thần, thú thật, cho nên tôi không cần, thượng đế của tôi không có cho nên chẳng ai mang ra biếm họa được. 

[1]Gia phả không phải là một thuật chính xác, có nơi cho rằng đa số dân chúng ở Đông Á ngày nay đều có dính dáng máu mủ và chung một gốc gác với Thành Cát Tư Hãn!

[2]Ái nữ của danh ca Frank Sinatra là người biểu diễn các bài hát trong phim You Only Live Twice của James Bond 007 (1967). Phim này lấy bối cảnh một phần ở Thái Lan và vào dịp đó cô có sang tiếp thị. Tôi rất tiếc không tìm ra tấm ảnh nói trên nhưng ảnh hở hang của Nancy Sinatra thì không thiếu.
[3]Gary Hart, Đảng Dân Chủ, đang sáng giá vào năm 1987 thì bị tấm hình chụp chung với một cô Donna Rice đùi mát làm sự nghiệp chính trị tan tành.
[4]Playboy Lebanon, con trai của cựu Tổng thống Camille Chamoun và lãnh tụ lực lượng quân sự đảng PNL. Sau này ông bị sát hại cùng bà vợ lai Đức và hai con nhỏ bởi tay của đồng minh Kitô trong cuộc nội chiến.
[5]Dĩ nhiên đây cũng là thập niên 70, thời tiền Taliban và Pháp sư Omar. Magic Bus là chuyến xe đò chạy tuyến Ankara-Katmandhu của hippy người Âu túi vải trước khi “Tây ba lô” ra đời.
[6]Tôi mới thấy trên một website tìm bạn dành cho "người lớn" một cô Saudi liệt kê đủ các sở thích tình dục nhưng không quên đề "Mấy thằng người Âu con heo Đan Mạch thì tất nhiên là xin miễn"!
[7]Mahomet, bản tiếng Pháp NXB Seuil, 1961.

Nguồn: talawas.org








MÔ HÌNH CHO VIỆT NAM?

Nhân một nhận định của Nguyễn Hữu Liêm, là chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam chưa đến mức báo động, tôi đã nhanh nhẩu thêm vào là mức báo động này đã đạt được ở Mỹ. Ba mươi năm qua, chiều hướng của chênh lệch ở Hoa Kỳ là phấn chấn và mạnh mẽ gia tăng. Nói đến điều này, tôi nghĩ không phải là tôi vin vào Nguyễn Hữu Liêm để có dịp nói xấu Mỹ, mà trong văn cảnh này, chỉ mong gợi nơi người đọc suy nghĩ về hướng phát triển hiện nay và tương lai của Việt Nam (tôi xin nhấn mạnh: Việt Nam). 

Tôi chờ đợi, nếu có được những phản hồi, là về vấn đề này. 

Trước hết, chẳng hạn các con số của tôi sai lệch, lấy từ trạm cia.gov nên rất đáng nghi ngờ. Hay là, muốn phát triển (như Hoa Kỳ), người lao động ở mức thấp nhất phải chấp nhận hy sinh để thành lập được câu lạc bộ tỉ phú vững mạnh trước khi phồn vinh từ từ mà nhỏ giọt xuống chỗ họ đang đứng ngửa miệng hứng (trickle down effect). Hoặc, ở các nước phát triển khác, sung túc kinh tế không bắt buộc phải đi đôi với tăng trưởng chênh lệch, và chiều hướng trong những thập niên qua ở châu Âu (“Old Europe” của Donald Rumsfeld) lại là ngược lại, tức là bớt so le hơn. 

Thử tưởng tượng, Nguyễn Hữu Liêm viết, tệ nạn mãi dâm ở Việt Nam tuy có nhưng chưa đến mức báo động, tôi nhân đó mà phê bình tệ nạn mãi dâm ở Thái Lan, một cách đặt câu hỏi, trong lãnh vực này ta đó có cần bắt kịp vương quốc láng giềng hay không. Không may cho tôi, Thái Lan lại là gương muốn bắt kịp của bao người Việt. Vị chủ nhà chứa Thái, vua phần (thịt) mềm, ông Chuwit Kamolvisit lại là thần tượng số một của giới trẻ và giới kinh doanh Việt Nam. Thành công trên thị trường tự do (free market), tạo công ăn việc làm cho 20.000 chị em trong 10 năm qua, giờ ông còn thiện nguyện xung phong chống tham nhũng! 

Không thấy nói tiếp mãi dâm là tốt hay là xấu. Hay là xấu nhưng cần thiết (tức khắc), tốt mà không cần thiết (để từ từ). Bao nhiêu là đủ, thế nào là vừa, ở Việt Nam nên giống Thái Lan, khác Thái Lan thế nào về lãnh vực này? Không thấy nói đến, phải cấm đoán, phải phát triển, phải tiêu diệt hay là phải chống đỡ, mà câu chuyện đến đây chuyển sang nhắm vào những người như tôi, ở ngay tại Soi Nana đường Sukhumvit mà phê bình (massage) body-body! 

Từ chuyện chênh lệch giàu nghèo và công bình xã hội, giờ thành chuyện tôi (ĐK) nên sang Miến Điện… uống bia chứ đừng uống bia ở Mỹ! Và nếu viết thì phải viết bằng tiếng Anh chứ không được viết bằng tiếng Việt? Thật vui, trang nghiêm mà lố bịch thì nó mới ra hài. Phần tôi, tôi thích uống bia Bỉ ở Belize và viết bằng tiếng Pháp về Nepal trên một tờ báo lớn Congo (Le Potentiel hay L’Avenir, tôi còn đang lưỡng lự). Nhưng đây chỉ là một mơ ước riêng tư, tất nhiên chẳng ăn nhập gì đến chỉ số Gini ở các nơi này. 

Tôi không rõ là công bằng và an sinh xã hội, quyền lợi của lao động, y tế và giáo dục công cộng có phải là một vấn đề quan trọng với trí thức trongnước hay không. Đây là những điểm yếu kém đáng lo ngại nhất và nổi bật của Hoa Kỳ [1], lại không phải là không dính dáng gì đến tự do kinh tế chủ nghĩa đang được áp dụng tại đây và trên thế giới, ở những nơi áp đặt được (kể cả bằng phi cơ, trọng pháo). 

Một khi chế độ hiện nay ở Việt Nam giã từ lịch sử, trong tương lai xa gần này, thì việc gì sẽ xảy ra? Ta có nên nghĩ đến trước một bước hay là như vậy là đánh lạc hướng dư luận? Ông Yeltsin leo lên xe thiết giáp giải thể cộng sản rồi thì ông… leo xuống, vì ông còn phải tư hữu hóa tài sản quốc gia cho các oligarch nữa chứ có phải thế là đã xong đâu [2]. Bulgaria, Kazakhstan… thì thế nào? Có mô hình phát triển nào khác mô hình Hoa Kỳ truyền bá? Bắc Âu, Nam Mỹ (“Một xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 21”) hay chính sách tự lực đến nỗi từ chối cả viện trợ nước ngòai (Eritrea) có là gương xấu gương tốt để bàn cãi? Việt Nam có một con đường nào phát triển riêng biệt cho mình? 

Rộng ra ngoài lãnh vực kinh tế, tự do và dân chủ, tại những nơi khác có cao hơn là tại Hoa Kỳ hay không [3]? Có dân chủ được không, khi kinh tế ngày càng tập trung trong tay một thiểu số tí hon và ngày càng bé lại? Tự do có bị đe dọa bởi tập trung sở hữu không? Hay chênh lệch giàu nghèo chẳng ăn nhập gì đến tự do và dân chủ, và đây là mô hình Việt Nam (xin nhấn mạnh Việt Nam lần nữa) phải học tập? 

Đây là những vấn đề cần suy nghĩ, tranh luận và trao đổi. Tôi nghĩ là lao động, và trí thức, ở Việt Nam cũng như trên thế giới (tôi xin nhấn mạnh thế giới), chắc phải coi đây là quan trọng. 

Về “chống Mỹ”, tại sao lại có cái tinh thần này tiềm ẩn hay ra mặt mà không có tinh thần bôi bác đối với, thí dụ, Phần Lan hay Thụy Sĩ? Phần Lan cũng phát triển và sung túc, lại cũng có tỉ phú, nhưng so le giàu nghèo thấp hơn Mỹ gấp bội, oái ăm sao đời sống, sức khỏe, giáo dục lại cao cấp hơn. Thụy Sĩ, thì tôi có thể trả lời. Tại vì bảo vệ đánh thuê của nước này chỉ canh gác có Vatican thôi chứ không hề đánh võng trên những con lộ của Iraq vào những giờ cao điểm tắc đuờng. 

Tại tôi mọi đằng, ‎ý kiến ấp úng (nhanh và ẩu là thế đấy). Lẽ ra tôi phải hỏi thẳng và rành mạch là liệu nếu phát triển ở Việt Nam tăng thu nhập của tổng giám đốc các đại công ty lên 4 lần, tăng tài sản của mấy trăm người giàu nhất nước lên gấp 2 và để 0,5 % đầu bảng kinh tế sở hữu 25% tài sản của quốc gia thì mọi người có thích không? Chắc là các tổng giám đốc thì họ thích! Bây giờ tôi thích lắm! Đến nguời lao động lãnh đồng lương tối thiểu, hỏi họ rằng họ có muốn hạ cái lương đã ít ỏi này xuống còn một nửa thì có lẽ họ còn phải suy nghĩ. Nhưng vào lúc đó, một tỉ phú (hậu cộng sản) sang nước ngoài mua một đội bóng đá sẽ đủ “vinh danh nuớc Việt” và làm họ nguôi cơn đói. 

Vấn đề này, có bàn đến cũng không phải là sớm. Tôi ngờ là âm mưu diễn biến (kinh tế) hòa bình này đang xảy ra. Tức là chuyển nhượng tài sản chung của quốc gia, Petrovina hay Vietnam Airlines v.v… gì đó, sang lãnh vực tư nhân cho một tập đoàn cán bộ đại vô sản hiện nay đang nhắm chỗ, xem nhà. Ngày mai, họ sẽ chính thức là đại tư sản tự do thị trường. Hiện thời, họ chỉ mới là, sụyt, nói khe khẽ, đại tư sản… nằm vùng. 

Tuy nhiên, sự thiếu mạch lạc của tôi đã đưa cuộc trao đổi sang một hướng thú vị hơn nhiều và chắc cũng quan trọng không kém, là quyền phát biểu và phê bình của người Việt đã ở tạm lại còn dám lạm dụng. Về phần này, đã có đầy đủ những ‎ý kiến phản hồi. 

Riêng về cá nhân tôi, nằm ngồi đâu và ăn uống gì, bộ hết chuyện nói rồi hay sao, không phải là chuyện thì giờ phải phí. Chắp tay lạy người, xin tha cho tôi. 

[1]Với dè dặt cần thiết trước những xếp hạng, những con số và các phương pháp đo đạc, về giáo dục Hoa Kỳ xếp thứ 18/24 trong các nước phát triển (UNICEF, 2003). Về an sinh của trẻ em: 20/21 (UNICEF, 2007) cũng trong các nước phát triển. Về y tế, hàng 37/190 và cùng bảng với Costa Rica, Cuba (WHO, 2000). 

Thí dụ, số các bà mẹ thiệt mạng khi hạ sinh (maternal death, UN-World Bank, 2005) tại Mỹ cao bằng… Belarus, gấp 3 lần con số này tại 10 nước phát triển đầu, gấp 10 lần Ireland. Hoa Kỳ đứng hàng 41/171 trong lãnh vực này trên thế giới. Nhìn kỹ hơn, thì phụ nữ da đen Mỹ khi hạ sinh chết nhiều gấp 4 lần người da trắng nhưng đây chẳng có gì là lạ, khi tuổi thọ của một người đàn ông Mỹ da đen ở Bronx, thành phố New York, là 61 tuổi tức là bằng Yemen hay là Uzbekistan. 
Nhân thể, xin nhận xét là người châu Phi là sắc dân duy nhất sang Mỹ không theo diện di dân, tị nạn, đoàn tụ, fiancé(e)… một cách ít nhiều tự nguyện và lựa chọn mà theo diện hàng hoá lao động nhập khẩu, tức là nô lệ cưỡng bách.
[2]Nga hiện có 53 tỉ phú, tài sản 260,2 tỉ USD so với Hà Lan là 3 tỉ phú, tài sản 7,3 tỉ (Forbes, 2007). Tổng sản lượng Hà Lan và Nga bằng nhau, là 580 tỉ/năm, nhưng giờ tại sao tôi lại trở mặt “chống Nga”?
[3]Về dân chủ, Hoa Kỳ hàng 17/167 (The Economist, 2006). Về (ít) tham nhũng, hàng 20/179 (Transparency International, 2007). Trong các lãnh vực này và những lãnh vực trên đã nói đến, Việt Nam lẹt đẹt ở cuối bảng, chúng ta đều biết, nhưng đã lấy làm gương, thí dụ về tự do báo chí, thì thiển nghĩ nên lấy số 1 chứ đừng lấy hàng… 53 (Reporters without borders, 2006). Người thích tỉ phú, tôi thấy mang ông Gates ra điển hình, không thấy ai say đắm Nasser al- Kharafi, Leonardo Del Vecchio hay Alexei Mordachov (Forbes, 2007).

Nguồn: talawas.org








NĂNG PHIỆT, KỸ PHIỆT VÀ HỌC PHIỆT

Trong bộ phim tài liệu "Hearts and Minds" (1974) của Peter Davis, có đoạn ông Nguyễn Ngọc Linh, cựu phát ngôn viên hàm bộ trưởng của chánh phủ Nguyễn Cao Kỳ và Tổng Giám đốc công ty Mekong, ngồi nơi bàn giấy văn phòng của ông ở công trường Lam Sơn, Sài gòn, liệt kê cho nhà báo Mỹ các lãnh vực thương mại và kỹ nghệ ông đang và định đầu tư vào, từ máy cày đến xe con và du lịch quốc tế. Xem lại bộ phim này, tôi tưởng ông vừa bước ra khỏi bài "Thời của những bobo" (Mai Chi, [talawas, 16.04.03]) tuy ánh đèn halogen duy nhất trên hình là ánh sáng chuyên viên thu hình chiếu vào khuôn mặt lịch lãm của ông. Vào đầu thập niên 70, ánh sáng halogen chưa ra khỏi kỹ thuật đánh đèn của phim ảnh để nằm trong những đó bắt cá mà trang trí bàn giấy bên cạnh những cái gùi của người Hmong. Ngoài ra, Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Linh, 30 năm trước đã đầy đủ (hơi bị đủ) những điều kiện để là một (tiền) "bobo" theo Mai Chi, thuộc tầng lớp "techno-meritocrat" và hội viên (lâu đời) của hội "elite mới."

Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Linh thuộc vào làn sóng mấy ngàn hay mười mấy, mấy mươi ngàn gì đó tôi không rõ, từng du học nước ngoài và trở về làm tí mưa tí gió tại miền Nam trong thời gian 54 - 75. Dĩ nhiên, họ không chui ra từ ruộng đồng (nhưng ngày nay cũng thế,) ông là con một cụ Tuần dưới thời Pháp thuộc (chứ xuất thân thợ giày thì chỉ có đại tướng Văn Tiến Dũng.) Họ biết uống rượu vang, nhất định, biết phải rót cho mình khi vừa khui chai và trước khi mời khách. Rất phải phép với những người cầm súng, tuy ít học hơn nhưng sẵn... đạn, họ nắm những bộ, nha, vụ, kỹ thuật trong chính quyền (kinh tế, tài chính, thuế vụ v.v...,) điều hành những công ty lớn tư nhân hay là quốc doanh. Theo phương châm "Ðeo súng lãnh đạo, có bằng quản lý, nhân dân lãnh đủ," những bobo tiền 1975 này đã thực thi tại mảnh Nam của đất nước rất là đầy đủ những gì Mai Chi mong đợi cho toàn quốc vào ngày mai. Cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Linh chẳng hạn, đã đoán trước phong trào du khách ngoại quốc của 20, 30 về sau (trong "Hearts and Minds", ông phát biểu đại khái "Chúng tôi đã chuẩn bị đón du khách nước ngoài mặc dù hiện giờ thì chưa có du khách!") Ðiều mà ông không dự đoán, là 2 năm sau câu phát biểu này, ông và thân nhân, bằng hữu phải dùng tiền "cướp" một chuyến bay Air Vietnam sang Singapore lánh nạn trước khi Sài gòn giải phóng (hay thất thủ.) Lịch sử đã không đợi các du khách của Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Linh.

Ngày hôm nay, 2003, những sinh viên du học là gì, nếu "ưu điểm duy nhất" không là được sinh ra trong những gia đình "bề thế" thì cũng thuộc thành phần tiểu tư sản trí thức thành thị. Nếu nói đến "năng phiệt" (meritocracy) tại Việt nam, tôi nghĩ là xứng đáng chỉ có thành phần cách mạng, những người đã mang đất nước đến thống nhất và độc lập tuy những khái niệm tự do, dân chủ và kết quả của nó là giàu mạnh đối với họ có lẽ ngoài tầm. Tiếp sau họ, thế hệ "kỹ phiệt" (technocracy) đã có những đại diện ở mức cao nhất, trong chính trường cũng như ngoài thương trường hiện nay. Khó có thể coi Chủ tịch nước Trần Ðức Lương hay Tổng bí thư đảng Nông Ðức Mạnh là những nhà "ý thức phiệt". Họ, cũng như Tổng Giám đốc A hay Tổng Giám đốc B, là những technocrat, đào tạo tại các đại học Nga, Hoa. Con cháu họ, du học tại Mỹ hay tại Úc, là những người thừa kế đương nhiên, máu mới của tầng lớp tuy có vắng mặt tại miền Bắc trong vài thập niên nhưng trước đây đã có cả ngàn năm truyền thống, là tầng lớp học phiệt vô cùng quen thuộc của ta.

Cụ Hồ Tá Bang, một nhà tri thức, doanh gia và cách mạng ở đầu thế kỷ 20, có một câu mà đến đời con ông, cụ Hồ Tá Khanh, vẫn còn tâm đắc "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!"[1] Check e-mail ở Sing hay check Tứ Thư Ngũ Kinh thì tôi e cũng thế, có lắm khi còn tồi tệ mấy phần. Thế giới thứ ba ngoài Việt nam đã đi trước con đường mặt trời chân lý này, phụ nữ Bangkok đã từ lâu quấn khăn thổ cẩm, ở Thượng hải các nhà doanh nghiệp trẻ đã có từ lâu những mặt nạ Phi châu trong phòng ngủ để khoe với những người mẫu (đeo gùi) lỡ lạc bước vào. Mô đen năm nay trong giới elite mới là cất Prada đi và mang túi dết có ảnh của ông Mao nhưng điều này không bớt hố phân biệt duyên hải và miền trong, nông thôn và thành thị, người giàu và người nghèo ở Trung quốc một mảy may nào. "Những ông chủ tư bản mới từ lâu đã không bụng phệ hút xì gà nữa" nhưng nếu họ đều giống như là Bill Gates thì lại càng... bỏ mẹ. Nhắc đến ông này, thần tượng của giới bobo Việt nam (?) tôi nghĩ có một ông Gates thôi ở Hoa kỳ đối với thế giới đã hơi bị đủ, lạy trời sao đừng có thêm 5, 7 ông nữa để cho người sử dụng còn cắn răng mà chịu đựng được Windows[2].

Tầng lớp technocrat từ Ðông sang Tây là 1 tầng lớp tay sai, mang khả năng của họ vui vẻ mà phục vụ mọi quyền lực kinh tế và chính trị để đổi lấy...ánh sáng halogen trong phòng khách và ôï liu cho rượu Martini[3]. Như mọi tôi tớ, họ dễ bảo, có nhiều bằng cấp nhưng ít có đề nghị, nói xấu chủ sau lưng nhưng không dám có ý kiến. Họ học rộng biết nhiều, và biết nhiều nhất là biết điều, các ông nghè ngày nay cũng chẳng khác các ông nghè ngày xưa mấy. Họ sợ bị chu di tam tộc lắm, sợ con cháu của họ không được học trường tốt và nối sự nghiệp quản lý của cha ông, trước giờ, dù hùng mạnh đến đâu, chưa ai nghe nói đến manager khởi nghĩa! Tại Việt nam tương lai, không có lẽ gì họ lại khác ở châu Phi hay là Nam Mỹ và ngày nay, ngày mai, không có lẽ gì họ lại khác ngày trước ở miền Nam, khi các ông tiến sĩ tại Pháp nhận lệnh từ 3 chàng ngự lâm pháo thủ có bằng thành chung và đi lính thời Tây.

Một số không phải nhỏ có lẽ vì vậy mà ở lại nước ngoài sau khi thành tài. Tôi chẳng bao giờ có con số chính xác nhưng mặc dù chiến tranh đã chấm dứt, du học sinh Việt nam ngày hôm nay cũng có nhiều người lựa chọn con đường này[4]. Trường hợp của du học sinh Trung quốc ( đi trước Việt nam 15, 20 năm) lại càng rõ hơn. Có bằng cấp nước ngoài có nghĩa là tìm việc được ở nước ngoài, càng cao thì càng có việc tốt mà học không xong thì cũng chẳng về làm gì nếu có điều kiện để ở lại, thà làm cu-li ở Mỹ thong dong. 5,3 năm nữa có giấy tờ bảo lãnh, về cưới người yêu bé nhỏ, bố mẹ đã phục viên mang sang này ở, cuối tuần chở các cụ đi chợ 99 là hài lòng. Vài ba ngàn người này khó mà ảnh hưởng được hậu vận trực tiếp của đất nước, nếu anh nông dân phải tin tưởng vào thế hệ mà Mai Chi gọi là bobo du học này để cuộc sống khá hơn, để còn đến lượt mình (ai cũng có thể đe hàng xóm), thì chỉ có nước mà... ăn độn. Những người trẻ ở Việt nam ngày nay, tay lấm bùn nông thôn hay dầu những nhà máy, sẽ tự họ quyết định lấy được số phận.

Mươi năm trước đây, ở Việt nam thịnh hành một niềm tin sáng chói, là sẽ bắt kịp được Thái lan! Mười năm sau, giờ Việt nam đã bắt kịp được Thái lan của... mười lăm năm về trước. Nhờ thế hệ bobo đang thành hình, có lẽ rồi ta sẽ bắt Thái lan kịp thật. Bởi vì cần mẫn là một đặc tính của giới kỹ phiệt, ngay cả những giấc mơ của họ bao giờ cũng vâng dạ ở những điều đã thấy, ở những đỉnh cao dù sang trọng và lịch lãm nhưng vẫn là ti tiện. Bangkok ờ thì, but then, what for?

[1]Cụ Hồ Tá Bang là người thành lập công ty nước mắm và trường Liên Thành ở Phan Thiết. Bác Sĩ Hồ Tá Khanh, du học tại Pháp trong thập niên 30, làm bộ trưởng kinh tế trong cơn gió bụi của chánh phủ Trần Trọng Kim.

[2]Ðịa vị độc quyền của Microsoft theo nhiều nơi (Sun, Java, Linux, Apple...) nghĩ, là một trở ngại cho sự phát triển và tiến bộ của cách mạng công nghệ thông tin. Nó có được ngày nay hẳn là không nhờ sức trì trệ của công ty này.
[3]Cần có bao nhiêu technocrat thuộc elite mới để thay 1 cái bóng đèn halogen bị hỏng? Ba người, 1 để thay bóng cháy trong khi 1 người pha Martini và 1 người đi tìm ô liu.
[4]Tôi đơn cử 1 trường hợp gặp trong tiệm phở Nam Cali, anh phục vụ này tuyên bố đang học nghề làm tóc, "vò đầu các cô chẳng sướng hơn là bưng chén" và chẳng lẽ lại về Việt nam mở tiệm sấy gội sau khi đi du học Hoa kỳ.


Nguồn: talawas.org

No comments:

Post a Comment